Ngay sau tiết học, Quý Hoàng quay lại. Anh ngồi trên
sofa, đọc lại lần nữa bài viết của Thái Hồng, cầm bút xanh đánh dấu vài chỗ.
Sofa không lớn, Thái Hồng không tiện qua đó ngồi, cảm
thấy như thế quá thân mật, càng không tiện ngối phía đối diện, giống như anh
đang tiếp học sinh. Dù sao cũng là nhờ người ta giúp đỡ, khiêm nhường một chút
thì hơn. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng cô kéo ghế qua, đặt ngay cạnh sofa, ngồi
xuống đối diện với Quý Hoàng.
Cuộc trò chuyện có lẽ sẽ không nhẹ nhàng, có khả năng
xảy ra một cuộc đối đầu mới. Cuộc hỏi đáp ở hội thảo lần trước, hai người gần
như hòa nhau, rốt cuộc vẫn là tuổi trẻ hiếu thắng, Quý Hoàng không phục và đã
đuổi theo cô.
Bây giờ, cuối cùng đã có cơ hội gỡ gạc rồi. Trong lòng
Thái Hồng thầm lo lắng, bắt đầu chất vấn rồi đây.
“Cô Hà, trong bài viết cô không ngừng nhắc đến “chủ
thể”, “cá thể”, và “cái tôi”, xin hỏi ý nghĩa của ba từ này là gì? Có gì khác
biệt? Cô có thể giải thích cụ thể một chút không?”
Cao thủ quả nhiên là cao thủ. Ngay phút đầu tiên Thái
Hồng đã rơi vào lúng túng. Cô nghĩ rằng anh sẽ hỏi thủ pháp tự sự của Trương Ái
Linh, hỏi cô kết cấu không gian độc đáo trong tiểu thuyết, hoặc chí ít sẽ hỏi
về quan niệm tình yêu và tình thân của Trương thị. Những câu hỏi đó Thái Hồng
đều có thể đối phó được. Nhưng, Thái Hồng cũng có tật xấu, biết rõ nhưng không
sửa được. Cũng giống các giảng viên trẻ mới vào nghề khác, Thái Hồng thích sử
dụng các thuật ngữ đang thịnh hành như cơ cấu, hậu hiện đại, sự biểu đạt, đại
luận thuyết, đọc kỹ, miêu tả sâu, xa lạ hóa, văn hóa tư bản, dấu hiệu bạo lực…
Cô càng thích thú đối với quy nạp trừu tượng: “Cái đẹp là sự thể hiện cảm tính
của ý niệm.” Thấy chưa, Hegel nói hay và súc tích biết bao!
Đấu tranh tư tưởng một hồi, Thái Hồng liếm liếm bờ môi
khô của mình, cô hơi chột dạ, nhưng vẫn phải cao giọng, lý lẽ phải đầy đủ: “Cái
tôi là chỉ mặt tiềm thức của con người, cũng chính là phương diện dục vọng.”
“Đồng ý”, anh nói. Còn “chủ thể”?
“Chủ thế và cá thể cùng một nghĩa, đều chỉ cái tôi”,
cô xòe hai tay. “Khi phân tích tôi không thích lặp từ, cho nên thay đổi cách
dùng từ để nói đó mà.”
Quý Hoàng nhìn cô, thở dài.
“Này, anh thở dài gì hả?”
“Tuy chuyên ngành của tôi là lý luận văn học, còn
chuyên ngành của cô là phê bình văn học, nhưng từ góc độ chung mà nói, chúng ta
cũng có thể coi như người cùng nghề.”
“Hoàn toàn đồng ý.”
“Thế thì tôi không nói lời lẽ của kẻ tay ngang nữa,
được không?”
“Ý anh là sao?”. Mặt Thái Hồng đỏ bừng. “Những lời tôi
nói ban nãy là tay ngang sao?”
“Thế này vậy, tôi hỏi cô trước, chủ thể trong tiếng
Anh là gì?”
“Subject.”
“Trong ngôn ngữ học, Subject được giải thích là…”
“Chủ ngữ.”
“Chức năng quan trọng nhất chủa chủ ngữ trong một câu
là…”
“Dẫn dắt động từ, là chủ nhân của hành động.”
“Rất đúng. Vậy cô nói xem, chủ thể là gì?”
“Khả năng hành động của con người, khả năng trình bày
một cách rõ ràng đối với kinh nghiệm bản thân của con người.”
“Thế thì quay trở lại, cá thể trong tiếng Anh là gì?”
“Individual.”
“Chúng ta thường nói, phải tin tưởng trí tuệ của tập
thể, đừng làm trò chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là sao?”
“Uhm…” Thái Hồng chớp chớp mắt. “Nghĩa là một người
không nên lầm tưởng rằng mình cái gì cũng giỏi, chỉ dựa vào cá nhân mà có thể
giải quyết sự việc một cách êm đẹp.”
Quý Hoàng lại buông tiếng thở dài.
“Sao, lại sai nữa à?”
“Không sai, chỉ là lý luận thiếu chiều sâu. Đổi một
cách nói khác, đổi sang cách nói khác đi.”
“Cá thể là sự trình bày và phát huy hành vi và động cơ
tâm lý của một người một cách lý tưởng. Có khi trình bày và phát huy quá mức,
không phù hợp với thực tế, sẽ trở thành chủ nghĩa cá nhân.”
“Phân tích thông minh đấy! Có thể thấy, “bản thân”,
“chủ thể”, và “cá thể” là ba khái niệm khác nhau, chỉ một chốc mà cô đã tự phân
tích hết rồi. Rất rõ ràng, rất thấu đáo.”
“Thầy Quý, có phải thầy cảm thấy tôi rất dễ dạy bảo…”
“Không dám…”
“Tôi có thể hỏi anh một vấn đề này không?” Thái Hồng
cười, nói.
“Nói đi.”
“Xin hỏi, “chủ thể” rốt cuộc có quan hệ gì với “đối
tượng”? Dưới áp lực của hiện thực, thân là chủ thể như chúng ta liệu còn đủ khả
năng hành động, đủ dũng khí để trình bày không?”
Quý Hoàng khẽ nhướn mày: “Đương nhiên có thể.”
“Shakespeare từng nói: To be or not to be, that is a
question!”
“Thái Hồng, từ then chốt trong câu này là “not to be”.
Người sống ở đời, thứ muốn giành lấy chẳng qua là một thân phận, thân phận mang
lại cho chúng ta sự an toàn, mang đến ý nghĩa và giá trị cho sự tồn tại của
chúng ta, và cái mà chúng ta phải làm là, đấu tranh chống lại những cám dỗ do
thân phận mang lại. Phải dũng cảm “not to be”.”
Not to be!
Câu này trừu tượng quá. Thái Hồng nhìn anh chằm chằm,
đầu óc rối tung, có vẻ không theo kịp.
“Thế rốt cuộc mối quan hệ đó như thế nào?”
“Không có quan hệ cụ thể, chỉ là tổng hợp của một số
vị trí thôi.”
Nói thế chẳng thà đừng nói, nói ra càng trừu tượng
hơn, đầu óc của Thái Hồng tức thì “treo máy”: “Đợi chút, anh có chắc là chúng
ta đang nói về lý luận văn học chứ không phải là lý luận vật lý không?”
“Ví dụ như, giữa cô và tôi là một loại vị trí, giữa cô
và người thân của cô là loại vị trí khác, cô và cô Quan, tình huống lại khác
nữa. Cho nên, là tổng hợp của các vị trí.”
“Cái này sao nghe giống chủ nghĩa Marx quá? Không phải
Marx cũng nói rằng, bản chất con người là tổng hợp của tất cả các mối quan hệ
xã hội sao?”
“Chính là chủ nghĩa Marx đây, “Luận cương về
Feuerbach”.”
“Phụt…” Thái Hồng đang uống nước, suýt nữa thì sặc.
“Cũng có thể nói, hóa ra tôi vừa ôn tập lại một lần nữa về nguyên lý Marx-Lenin
với anh?”
“Không được sao? Kiểm tra thử cô quên bao nhiêu rồi.”
“Phụt…” Lại một ngụm nước phun ra sàn.
Hôm nay Quý Hoàng mặc một chiếc áo thun trắng, vẫn
phối với chiếc quần jean giặt đến bạc phếch. Xem ra quần áo của anh có hạn,
quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy bộ đó. Áo sơ mi trắng, áo thun đủ màu sắc và
quần jean. Giày da, giày thể thao mỗi loại có hai đôi. Chưa thấy anh mặc com lê
bao giờ, nhưng cô tin chắc, anh mặc com lê nhất định rất đẹp.
Đảo mắt một lượt, Thái Hồng chuyển đề tài: “Quý Hoàng,
hôm nay anh có dạy yoga không?”
“Có. Là một lớp khác, lớp trung cấp.”
“Tôi có thể tham gia cùng không?” Thái Hồng cố giấu sự
ngượng ngùng, vờ ra vẻ bâng quơ, nói.
“Cái này… Lớp trung cấp gần như đều là nam.”
“Lớp còn chia nam nữ sao?
“Cũng không phải là chia… Chỉ là lớp đó không có cô
gái nào.” Vẻ mặt anh có chút bối rối. “Tôi cũng thấy hơi lạ, còn nghĩ là do ban
quản lý cố tình sắp xếp. Họ nói không phải, có lẽ học viên nữ đều đăng ký vào
lớp sơ cấp hết rồi.”
“Bây giờ còn đăng ký được không?”
“Đã đầy chỗ lâu rồi.”
Thái Hồng lầm bầm trong bụng, thầy Quý, chẳng lẽ thầy
không thể mời tôi một câu sao? Hoặc cứ cho tôi chen ngang vào một lớp không
được sao? Trái tim cô đạp thình thịch, chợt nhớ đến lời dặn dò của mẹ. Dù có tình
ý thế nào cũng không được dâng mỡ đến miệng mèo một cách dễ dàng như thế, cô
liền nhún vai, mỉm cười: “Ha ha… Tôi cảm thấy yoga rất tốt để rèn luyện cơ
thể.”
“Uhm.”
“Còn nữa, rất có lợi cho việc giữ gìn vóc dáng.”
“Đúng.”
“Thậm chí nó còn… có thể nâng cao phẩm chất và tình
cảm của con người.”
“Hả?”
“Ngay đến nhạc nền cũng có tác dụng thư giãn, cải
thiện tâm trạng.”
“Thật sao?”
“Thật đó, tập yoga rất tốt, rất thích hợp với tôi.”
Thái Hồng nhìn anh, nghiêm túc nói.
Quý Hoàng đứng trước mặt cô, hồi lâu không đáp, như
không hiểu ý cô. Sau một hồi im lặng, anh mới nói: “Xin lỗi, tôi không biết cô
thích môn này, lần sau mở lớp chắc chắn tôi sẽ thông báo cô biết. Nhưng mà…”
Anh thoáng ngừng lại. “Tôi có tổ chức một nhóm đọc sách, hiện tại có ba người,
mọi người cùng nhau đọc những cuốn sách về lý luận, một tuần gặp mặt một lần.
Việc này rất có ích đối với chuyên môn của cô, cô Hà có hứng thú không?”
Mắt Thái Hồng liền rực sáng: “Sách về lý luận? Quyển
nào?”
“Trước mắt là cuốn Hiện tượng tinh thần
học của Hegel. Chỉ mới bắt đầu thôi.
Nếu có hứng thú với cuốn nào khác, cô cũng có thể đề xuất, chúng ta sẽ cùng đọc
vào lần sau.”