“Cho xin một cốc Cappuccino lớn với vani.” Tôi không quen mặt người đàn ông đứng sau quầy, mà cũng phải đến năm tháng nay tôi chưa vào hiệu Starbucks ở phố 57. lần cuối cùng tôi bưng một khay đầy cà phê và bánh, vắt chân lên cổ do sợ bị Miranda tông ra đường, chỉ vì muốn nghỉ một phút lấy hơi. Nhìn lại, tôi thấy thà bị sa thải vì hét lên câu “biến đi cho khuất mắt tôi” còn sướng gấp ngàn lần bị đuổi vì nhầm hai viên đường mía với hai gói đường hóa học. kết quả cuối cùng thì cũng như nhau, nhưng diễn biến thì khác hẳn.
Ai mà biết Starbucks thay đổi nhân sự xoành xoạch như vậy? Trong đám người bán hàng ở máy cà phê, tôi không nhận ra lấy một khuôn mặt duy nhất nào có vẻ quen thuộc, khiến cho thời kỳ ngày xưa tôi làm việc ở đây càng chìm sâu vào quá khứ. Tôi vuốt cho thẳng nếp quần (cát đẹp, nhưng khồng phải hàng hiệu), kiểm tra gấu quần không bám bụi bặm và tuyết tan của đường phố. Tuy biết rằng bị tất cả nhân viên một tạp chí thời trang đồng lòng tẩy chay, tôi vẫn nghĩ là cuộc phỏng ván xin việc lần thứ hai trong đời diễn biến vô cùng thuận lợi. Thứ nhất vì bây giờ tôi biết rằng trong lĩnh vực này chẳng ai quan trọng hóa chuyện quần áo, thứ hai, một năm làm việc trong khí quyển loãng của thế giới thời trang đã ngấm dần vào đầu óc tôi.
Cốc Cappuccino hơi nóng quá, nhưng rất hợp với thời tiết lạnh ẩm ướt này. Bóng tối nhập nhoạng trùm xuống thành phố như một tấm chăn tuyết dày – bình thường ra, đó là một cái cớ sinh ra chứng trầm cảm ở tôi. Ít nhất thì tháng Hai luôn là tháng sầu muộn nhất trong năm, và vào những ngày như hôm nay những người lạc quan nhất cũng run lập cập chui vào chăn, còn kẻ bi quan thì không có chút cơ may nào nếu không uống một vốc đầy thuốc gây hưng phấn. Nhưng trong tiệm Starbucks chan hòa ánh sáng và không có ai chen chúc cả; tôi thả người vào một chiếc ghế bành vĩ đại màu xanh lá cây và cố không nghĩ đến việc có ai đó đã tựa đầu chưa gội vào thành ghế.
Trong ba tháng vừa qua, Loretta đã thành người đỡ đầu, hỗ trợ và là ân nhân của tôi. Chúng tôi hiểu nhau ngay lập tức không cần mất nhiều lời, và sau lần gặp gỡ đầu tiên chị đã dang tay che chở tôi. Ngay lần đầu, khi bước vào văn phòng rộng rãi nhưng chật ních sách vở của chị, tôi phải sững lại lấy hơi vì nhìn thấy chị béo tròn. Lúc đó tôi đã lờ mờ có linh cảm sẽ thấy chị là một người dễ mến. chị mời tôi ngồi và đọc từng chữ tôi viết trong tuần qua: miêu tả khôi hài các show thời trang, nhận xét cay độc về cuộc đời trợ lý của một người nổi tiếng và một câu chuyện khá lâm ly về mối quan hệ tan vỡ sau ba năm vì hai người do hoàn cảnh bên ngoài mà ít khi thấy mặt nhau.
Như một cuốn truyện trnah vậy, cực kỳ sến. Nhưng đơn giản là Loretta và tôi đã tìm được nhau và có dịp kể hết những cơn ác mộng ở Runway cho nhẹ lòng (những cơn ác mộng vẫn đến trong giấc ngủ của tôi. Trong giấc mơ mới đây, bố mẹ tôi bị cảnh sát thời trang ở Paris bắn chết vì tội mặc quần ngắn, và Miranda đã xoay sở cách nào đó để nhận tôi làm con nuôi một cách hợp pháp). Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng sự khác biệt duy nhất giữa hai người chỉ là bảy năm chênh tuổi.
Nhờ sáng kiến thần tình cuẩ tôi đem bán tống bán tháo toàn bộ chỗ quần áo của Runway cho một tiệm đồ cũ kiêu kỳ ở đại lộ Mandison, nay tôi có một tài sản kha khá trong tay và có điều kiện ngồi viết với thu nhập ít ỏi. Quan trọng nhất là tên tôi bắt đầu xuất hiện. Tôi đã đợi rất lâu một cuộc điện thoại của Emily hay Jocelyn, thông báo là lái xe đang trên đường đến chỗ tôi lấy lại quần áo. Nhưng sau khi không nhận được một lời nào, tôi nghĩ là được tự do sử dụng chúng. Tôi chỉ cất lại một chiếc áo dài Diane Von Furstenberg. Emily đã trút những thứ trong ngăn kéo bàn vào thùng giấy và gửi qua bưu điện về cho tôi. Trong đó tôi tìm ra lá thư của Anita Alvarez, fan nồng nhiệt của Runway mà tôi vẫn muốn gửi tặng một chiếc áo dài trong mơ. Cho đến giờ tôi vẫn chưa làm được, nhưng hôm nay tôi gói chiếc áo dài in họa tiết rắc rối vào giấy bóng mờ, kèm với một đôi giày Manolo và mấy dòng với nét chữ của Miranda - thật bực mình khi năng khiếu ấy vẫn tồn tại. Ít nhất là một lần trong đời cô bé ấy cũng được sở hữu và tận hưởng một thứ đồ đẹp. Và, còn quan trọng hơn, được tin là ngoài thế giới bao la kia có ai đó quan tâm đến cô.
Ngoài chiếc áo dài sử dụng vào mục đích từ thiện, tôi còn giữ lại chiếc quần bò Dolce & Gabbana rất sexy, và đưa cho mẹ tôi chiếc túi may chần kiểu cổ điển với quai xích (“Con gái cưng, túi đẹp quá. Con vừa bảo là mác gì ấy nhỉ?”) Tất cả các đồ khác như áo quây mỏng tang, quần da, bốt đóng đinh và xăng đan quai mỏng tôi đều biến thành quy hết. Bà thu ngân gọi chủ cửa hiệu ra, và rốt cuộc họ thống nhất đóng cửa hiệu mấy tiếng để có thì giờ đnáh giá bộ sưu tập của tôi. Chỉ riêng mấy đồ Louis Vuitton – hai va li, một túi xách và một va li to để treo áo dài – đã đem lại 6.000. Khi hai bà vừa khúc khích và thì thầm vừa kiểm tra xong xuôi các món đồ thì tôi hiên ngang cầm một tấm séc 38.000 dollar ra về. Theo tính toán của tôi thì đủ tiền nhà, thậm chí cả tiền ăn cho một năm, và trong năm đó tôi có quyền tập trung sức lực mà xây dựng sự nghiệp viết lách. Vừa lúc Loretta xuất hiện trong cuộc đời tôi, và tất cả sáng sủa hẳn lên.
Tôi đã gửi cho chị bốn bài - một bài giới thiệu, hai bản thảo mỗi bản 500 từ và một truyện 2.000 từ. Loretta có vẻ như chưa thấy thế là đủ, chị hào hứng gây dựng cho tôicác quan hệ mới và tự mình liên hệ với các đồng nghiệp ở báo khác quan tâm đến bài viết tự do. Chính vì lý do đó mà tôi có mặt ở tiệm Starbucks vào sáng mùa đông xám xịt hôm nay – trên đường tới tòa nhà Elias Clark. Loretta đã kiên trì năn nỉ với tôi như với một con ngựa trái tính và cam đoan là Miranda sẽ không lao vào xé xác tôi ra khi bước chân vào tòa nhà. Tuy vậy tôi vẫn chộn rộn trong người. Không ngây đần ra vì sợ như ngày xưa nữa, khi chỉ một hồi chuông điện thoại vô hại cũng đủ làm tim tôi đập thình thịch, song tôi vẫn bối rối khi tưởng tượng ra – cho dù vô cùng hãn hữu - cảnh chạm mặt bà ta. Hoặc Emily. Hoặc bất kỳ ai đó, trừ James là người vẫn giữ liên lạc với tôi.
Vì lý do nào đó không rõ, Loretta gọi điện cho cô bạn sinh viên ở cùng phòng ngày xưa, hiện nay tình cờ đang làm biên tập viên mục tin tức đô thị ở báo The Buzz. Loretta nói với cô ta là đã phát hiện một cây bút đầy tương lai – ám chỉ tôi! Chị đặt lịch hẹn cho buổi phỏng vấn hôm nay, thậm chí còn cảnh báo cô bạn là Miranda đã tống tôi ra khỏi cửa, và cô bạn cười phá lên: nếu họ không chịu nhận người nào từng bị Miranda sa thải thì có lẽ phải tự tay viết tất cả các bài báo.
Với dũng khí từ cốc Cappuccino, tôi cặp tập bản thảo dưới nách đi đến tòa nhà Elias Clark, lần này hoàn toàn thư thái, không có tiếng chuông di động nháo nhác, không có một khay đầy cafê. Từ bên ngoài, tôi đảo mắt kiểm tra xem có mấy búp bê thời trang hiệu Runway lởn vởn ở tiền sảnh không, sau đó tì cả người vào cửa quay nặng như chì.
Lần cuối cùng tôi vào đây thì đã cách xa năm tháng, nhưng mọi thứ vẫn y nguyên như xưa: Ahmed đằng sau két tiền của quầy báo, một tờ áp phích bóng lộn thông báo dạ hội cuối tuần của báo Chic ở nhà hàng lotus. Thay vì trình diện như một khách bên ngoài vào, tôi đi theo thói quen về phía cửa xoay. Và nghe một giọng rất quen: “I can’t remember if I cried when I read about his widowed bride, but something touch me deep inside, the day, the music died. And we were singing...” Bài “American Pie”! Eduardo thật đáng mến, tôi nghĩ bụng.
Bài hát chia tay mà tôi đã không hát nổi. Tôi quay lại và nhìn thấy Eduardo, vẫn phốp pháp và mướt mồ hôi như mọi khi, miệng cười nhăn nhở. Nhưng không phải cười với tôi. Trước khung cửa xoay là một cô gái gầy nhom, tóc đen nhánh, mắt xanh. Cô mặc quần bó, sọc nhỏ rất sành điệu, áo quây hở bụng, trên tay là khay cafê, một túi đầy báo và tạp chí, ba bộ quần áo treo trên mắc và một bao vải in chữ “MP”. Tôi vừa kịp hiểu ra tình thế thì điện thoại của cô gái réo chuông. Cô giật thót người và trông như khắp òa lên khóc.
Nhưng mặc cho cô hết sức ấn vào cửa xoay, nó vẫn im lìm không chuyển. Cô thở dài não nuột rồi lên tiếng: “Bye, bye, Miss American Pie, drove my Chevy to the levee, but the levee was dry, and good old boy were drinking whiskey and rye, singing this will be the day thats I due, this will be the day I die...” Tôi quay lại nhìn Eduardo, ông lén mỉm cười về phía tôi và nháy mắt. Và trước khi cô gái xinh đẹp kịp hát hết bài, ông nhấn nút cho tôi qua khung xoay, tựa như tôi thuộc hàng VIP trên thế giới này.
CÁM ƠN bốn người đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm
Stacy Creamer, biên tập cuốn này. Nếu bạn đọc không ưa truyện này thì đó là lỗi của bà ấy... đã gạch hết những đoạn vui nhất.
Charles Salzberg, nhà văn và nhà giáo. Ông đã động vien tôi đừng bỏ cuộc. Nếu bạn đọc không ưa truyện này thì ông cũng có một phần lỗi.
Deborah Schneider, đại diện cao cấp. Bà luôn cam đoan là có cảm tình với tối thiểu 15% nhưng gì tôi làm, tôi nói, và nhất là những gì tôi viết ra.
Richard David Story - sếp cũ của tôi. Từ khi không phải thấy mặt ông hàng ngày trước chín giờ sáng, tôi đâm ra mên ông ấy.
Cảm ơn Lynne Drew và Jennifer Par, các biên tập viên ấn bản tiếng Anh.
Cảm ơn cả những người tuy rằng chẳng giúp gì cả, nhưng thề thốt sẽ mua rất nhiều sách nếu tôi nêu tên họ ở đây: Dave Baiada, Dan Barasch, Heather Bergida, Lynn Bernstein, Dan Braun, Beth Buschmann-Kelly, Helen Koster, Audrey Diamond, Lydia Fakundyni, Wendy Finerman, Chirs Fonzone, Kelly Gillespie, Simone Girner, Cathy Gleason, Jon Goldstein, Eliza Harris, Peter Hedges, Julie Hootkin, Bernie Kelberg, Alli Kirshner, John Knecht, Anna Weber Kneitel, Jaime Lewison, Bill McCathy, Dana McMakin, Ricky Miller, Daryl Nierenberg, Wittey Rachlin, Drew Reed, Edgar Rosenberg, Brian Seitchick, Jonathan Seichick, Marni Senofonte, Shalom Shoer, Josh Ufberg, Kyle White và Richard Willis.
Đặc biệt cảm ơn Leah Jacobs, Jon Roth, Joan và Abe Lichtenstein, và gia đình nhà Weisberger gồm Shirley và Ed, Judy, David và Pam, Mike và Michele.
GIẤY PHÉP
Trong sách này đã được phép sử dụng ca từ các bài:
“MATERIAL GIRL” của Peter Brown và Robert Rans
“WANNABE” của Emma Bunton, Geri Halliwell, Melanie Chisholm, Victoria Beckham, Richard Stannard, Matthew Rowbottom, Melanie Gulza
“I THINK WWE’RE ALONE NOW” của Richard Cordell
“AMERICAN PIE” của Don McLean.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT