Một tuần nhập học và tôi đã ngả mũ chào Nền Giáo Dục Quốc Tế Tuyệt Hảo.

Giáo trình của Giáo sư Cole không có Shakespeare và Steinbeck như thường lệ mà tập trung vào các tác phẩm văn học dịch. Mỗi buổi sáng, cô tổ chức thảo luận về Như nước cho sô-cô-la như thể chúng tôi mở câu lạc bộ đọc sách chứ không phải lớp học bó buộc chán òm.

Vậy nên môn Ngữ văn rất đỉnh.

Thế nhưng Giáo sư Gillet dạy tiếng Pháp thì rõ ràng bị mù chữ. Tựa sách giáo khoa của bọn tôi đề rành rành là Tiếng Pháp bậc một, nhưng cô vẫn khăng khăng chỉ sử dụng tiếng Pháp. Cô gọi tôi cả tá lần trong một buổi học. Không bao giờ tôi biết câu trả lời.

Dave gọi cô là Nữ Đao Phủ. Nghe mới hay làm sao.

Vì đã từng học lớp này nên cậu ta cũng có vẻ có ích dù tôi không dám trông cậy vào một người từng thi rớt. Dave có mái tóc bù xù, đôi môi hơi trề ra cùng làn da rám nắng lấm tấm tàn nhang. Nhiều đứa con gái cảm nắng cậu ta. Dave cũng chung lớp Lịch sử với tôi. Tôi học cùng lũ học sinh năm dưới vì bọn cuối cấp lại học môn Chính quyền – môn ấy tôi đã học rồi. Thế nên tôi ngồi giữa Dave và Josh.

Josh kín tiếng và dè dặt trong lớp, nhưng khi ra ngoài óc hài hước của cậu ta chẳng kém gì St. Clair. Thảo nào họ lại thân nhau đến thế. Meredith bảo bọn họ thần tượng hóa đối phương, Josh vì sự quyến rũ bẩm sinh của St. Clair còn St. Clair vì tài hoa đáng gờm của Josh. Tôi hiếm khi thấy Josh rời xa bút lông hay sổ tay phác họa. Tác phẩm của cậu ta thật khó tin – những nét vẽ mạnh mẽ nhưng lại tỉ mỉ đến từng chi tiết – và ngón tay cậu ta luôn lấm lem mực.

Nhưng điểm đáng chú ý nhất trong nền giáo dục mới của tôi lại xảy ra bên ngoài lớp học. Nó chưa bao giờ được đề cập đến trong những cuốn sách bóng lưỡng. Đó là: học nội trú cũng giống như sống trong một ngôi trường trung học. Tôi không thể thoát khỏi nó, ngay cả khi tôi nằm trên giường, lỗ tai xập xình nhạc pop, nện nắm đấm lên máy giặt hay say xỉn múa may trên cầu thang. Dù Meredith tuyên bố cảm giác đó sẽ trôi qua một khi sự mới mẻ rời bỏ bọn lớp dưới, nhưng tôi cũng không mong đợi gì nhiều.

Tuy nhiên.

Tối thứ sáu đã đến và tòa nhà Lambert trở nên trống vắng. Bọn cùng lớp tôi ồ ạt đi bar, lần đầu tiên tôi được tận hưởng sự bình yên. Nếu nhắm mắt tôi gần như có thể tin mình đã về nhà. Ngoại trừ giai điệu opera kia. Cô ca sĩ cất cao giọng hát hầu như mỗi đêm ở nhà hàng bên kia con phố. So với giọng hát thuộc hàng khủng thì cô nhỏ nhắn một cách đáng ngạc nhiên. Với đôi lông mày được cạo và vẽ lại bằng bút chì, cô trông giống một vai phụ trong phim Rocky Horror[1].

[1] The Rocky Horror Picture Show: một bộ phim ca nhạc hài kinh dị do Anh sản xuất năm 1975.

Bridge gọi đến trong lúc tôi đang xem Rushmore trên chiếc giường đơn mềm mại. Một bộ phim của Wes Anderson. Wes thật tuyệt, một tác giả chân chính tham gia vào mọi khâu của quá trình làm phim với một phong cách riêng đã thành thương hiệu trên từng khuôn hình – sâu sắc, lắt léo, đầy bất ngờ và bí hiểm. Rushmore là một trong những phim yêu thích của tôi. Nó nói về một chàng trai tên Max Fischer bị ám ảnh với ngôi trường tư thục (cùng nhiều thứ khác) đã tống cổ anh. Đời tôi sẽ ra sao nếu tôi cũng mê TMOP như Max từng mê Học viện Rushmore nhỉ? Chắc đầu tiên tôi sẽ không còn lẻ loi nằm trong căn phòng này mà bôi kem trị mụn đầy mặt nữa.

“Annnnna ơiiiiiiiiiiiiiii,” Bridge nói. “Tớ ghéttttttttt bọn nó.”

Bridge đã không giành được vị trí trưởng nhóm. Thật đáng hận vì ai cũng biết nó là tay chơi trống cừ khôi nhất trường. Ông thầy hướng dẫn bộ gõ đã giao vai trò đó cho Kevin Quiggley – ông ta nghĩ các chàng trai trong dàn trống sẽ không tôn trọng Bridge như một trưởng nhóm vì nó là con gái.

Giờ bọn họ được như ý. Khốn kiếp.

Bridge ghét ban nhạc, ghét ông thầy hướng dẫn và ghét luôn Kevin – một đứa đáng khinh với cái tôi bự chảng. “Cứ đợi đi,” tôi nói. “Sớm muộn gì cậu cũng sẽ kế nghiệp được Meg White hay Sheila E. và Kevin Quiggley sẽ khoác lác về chuyện hồi xưa nó biết cậu ra sao. Rồi khi nó tìm gặp cậu sau một buổi diễn lớn, mong được cậu đối xử đặc biệt và cho nó được ra vào hậu trường, cậu sẽ thủng thẳng đi qua nó mà không thèm liếc lại.”

Tôi nghe thấy tiếng cười mệt mỏi trong giọng Bridge. “Sao cậu lại bỏ đi hả Chuối[2]?”

[2] Tên đầy đủ của Anna là Anna Oliphant, phát âm gần giống với Banana Elephant – Chuối Voi.

“Vì bố tớ bị dở hơi mà.”

“Rõ như ban ngày rồi.”

Hai đứa tôi nấu cháo điện thoại đến ba giờ sáng nên mãi đầu giờ chiều hôm sau tôi mới thức giấc. Tôi cuống cuồng mặc quần áo trước khi nhà ăn đóng cửa. Nó chỉ mở cho bữa sáng muộn vào thứ bảy và chủ nhật. Không khí thật vắng vẻ khi tôi đến, nhưng Rashmi, Josh và St. Clair vẫn ngồi ở bàn như ngày thường.

Áp lực phải gọi món xuất hiện. Bọn nó trêu tôi suốt tuần nay vì tôi lảng tránh gọi món cần phải gọi. Dù đã viện những cớ như “mình dị ứng thịt bò”, “không thứ gì ngon hơn bánh mì” hay “bánh bao Ý được đánh giá quá cao”, nhưng tôi không thể cứ trốn tránh mãi. Ông Boutin lại đang điều hành quầy thức ăn. Tôi cầm khay đến, hít một hơi sâu.

“Bonjour, dạ… súp? Sopa? S’il vous plait?”

“Xin chào” và “cảm phiền”. Tôi đã học những từ lễ phép trước với hy vọng người Pháp sẽ tha thứ cho tôi vì đã băm vằm phần ngôn ngữ mỹ miều còn lại của họ. Tôi chỉ vào một thùng súp đỏ cam. Hình như là súp bí rợ. Mùi hương là lạ tựa xô thơm và mùa thu. Đang là đầu tháng chín, tiết trời vẫn còn ấm áp. Bao giờ mùa thu gõ cửa Paris nhỉ?

“A! Soupe,” ông ôn tồn sửa lại.

“Đúng, soupe. Ý cháu là, oui. Oui!” Hai má tôi nóng ran. “Và, à, ừm… salad gà đậu que?”

Ông Boutin bật cười. Tiếng cười dễ chịu bác ái của Ông già Noel. “Gà và đậu que Pháp, oui. Cháu có thể nói tiếng An với tôi. Tôi hiểu khớ tốt.”

Mặt tôi càng đỏ hơn. Dĩ nhiên ông có thể nói tiếng Anh trong một ngôi trường của người Mỹ, thế mà tôi đã dựa dẫm vào những quả lê và bánh mì ngớ ngẩn suốt năm ngày qua. Ông đưa tôi một tô súp và một đĩa salad gà nhỏ, thức ăn nóng sốt khiến bao tử tôi cồn cào.

“Merci,” tôi nói.

“De rien. Không có chi. Tôi hy vọng cháu không còn bỏ bữa để tránh mặt tôi nữa!” Ông đặt tay lên ngực như thể đang buồn bã. Tôi cười và lắc đầu nói không. Mình có thể làm được chuyện này. Mình có thể làm được chuyện này. Mình có thể…

“CŨNG KHÔNG QUÁ KHÓ PHẢI KHÔNG ANNA?” St. Clair rống lên từ đằng xa.

Tôi xoay lại và dốc ngược ngón tay, thầm mong ông Boutin không nhìn thấy. St. Clair cười đáp lại và ném cho tôi phiên bản Anh của cử chỉ chiến thắng với hai ngón tay giơ thành hình chữ V. Ông Boutin vui vẻ càm ràm sau lưng tôi. Tôi trả tiền bữa ăn và đến ngồi cạnh St. Clair. “Cảm ơn cậu. Mình vừa quên mất cách giơ ngón tay thối. Lần sau mình sẽ không nhầm nữa.”

“Rất hân hạnh. Luôn vui vẻ chỉ bảo cậu.” Cậu ta mặc lại trang phục hôm qua, quần bò và áo thun in hình Napoleon. Tôi đã hỏi và St. Clair bảo Napoleon là anh hùng trong lòng cậu. “Không phải vì ông ta là một người tử tế. Ông ta là một tên ngốc. Nhưng là một tên ngốc lùn tịt giống mình.”

Tôi tự hỏi có phải cậu ta đã ngủ ở chỗ Ellie nên mới không thay quần áo hay không. Cậu ta đi tàu điện đến trường chị ta mỗi đêm và họ dạo chơi ở đó.

“Cậu biết đấy, Anna,” Rashmi nói. “Hầu hết người dân Paris đều hiểu được tiếng Anh. Cậu không cần ngại ngùng vậy đâu.”

Ừm. Cảm ơn vì giờ mới khai sáng cho mình.

Josh vòng hai tay ra sau đầu và ngả ra ghế. Ống tay áo xắn lên để lộ hình xăm đầu lâu xương chéo ở bắp tay phải. Từ nét mực tôi có thể nói đó là tác phẩm của cậu. Mực đen tương phản với màu da trắng xanh. Một hình xăm tuyệt vời dù có phần lố bịch trên cánh tay dài ngoằng gầy guộc của chủ nhân nó. “Thật đấy,” Josh nói. “Em chỉ nói một tiếng và người ta hiểu luôn.”

“Em sẽ chẳng khoác lác về chuyện đó đâu.” Rashmi nhăn mũi và Josh rướn người hôn cô.

“Chúa ơi, lại nữa rồi.” St. Clair cào đầu và ngoảnh mặt đi.

“Họ luôn vội vã thế này à?” Tôi hạ giọng hỏi.

“Không. Năm ngoái còn tệ hơn.”

“Trời. Họ bên nhau lâu rồi hả?”

“Ờ, từ mùa đông năm ngoái thì phải.”

“Cũng lâu đó chứ.”

Cậu nhún vai và tôi đấu tranh tư tưởng xem mình có muốn biết đáp án câu hỏi kế tiếp không. Có lẽ không, nhưng tôi vẫn hỏi. “Cậu và Ellie hẹn hò bao lâu rồi?”

St. Clair ngẫm nghĩ một lúc. “Có lẽ khoảng một năm.” Cậu ta nhấp một ngụm cà phê – mọi người ở đây đều uống cà phê – rồi đặt tách xuống bàn với một tiếng CỘP khiến Rashmi và Josh giật bắn. “Ồ, mình xin lỗi,” cậu ta nói. “Có phiền hai người không?”

Cậu ta quay sang tôi và giận dữ mở to cặp mắt nâu sẫm. Tôi nín thở. Ngay cả khi đang bực mình thì cậu vẫn điển trai. Không thể so sánh cậu với Toph. St. Clair là một loại quyến rũ khác, một chủng loài hoàn toàn khác.

“Đổi chủ đề đi.” Cậu ta chỉ ngón tay vào tôi. “Mình đã nghĩ những cô nàng miền Nam sẽ nói giọng miền Nam cơ đấy.”

Tôi lắc đầu, “Chỉ khi nào mình nói chuyện với mẹ mình thôi. Nó sẽ bộc phát vì mẹ mình cũng nói giọng đó. Hầu hết người dân Atlanta không nói giọng địa phương. Nơi đó được đô thị hóa hết rồi. Dù vậy nhiều người vẫn nói chuyện khá là chợ búa.” Tôi hài hước nói thêm.

“Hiểu cả dzồi,” cậu ta đáp bằng thứ giọng Anh nhã nhặn.

Tôi phun thứ xúp màu cam qua bên kia bàn. St. Clair cười ha hả và tôi cũng cười theo, bụng đau thắt. Cậu ta đưa khăn ăn để tôi lau cằm. “Hiểu. Cả. Dzồi.” Cậu ta nghiêm trang lặp lại.

Tôi ho sù sụ. “Làm ơn đừng bao giờ bỏ cách nói đó nhé. Chịu…” Tôi hổn hển. “Không nổi luôn.”

“Đáng lẽ cậu đừng nói vậy. Giờ mình phải để dành nó vào những dịp đặc biệt.”

“Sinh nhật mình là tháng hai đấy.” Giọng tôi trở nên khản đặc. “Đừng có quên.”

“Sinh nhật mình là hôm qua đấy,” St. Clair nói.

“Không phải chứ.”

“Thật mà.” Cậu ta nhón lấy phần còn lại của bữa ăn tung tóe trên mặt bàn. Tôi cố dùng khăn ăn để lau đi nhưng cậu ta gạt tay tôi ra.

“Thật đó.” Josh nói. “Anh bạn, em quên khuấy đi mất. Sinh nhật muộn vui vẻ.”

“Hôm qua không phải ngày sinh thật sự của cậu phải không? Đáng lẽ cậu phải nói gì đó chứ?”

“Mình nghiêm túc mà. Hôm qua là sinh nhật thứ mười tám của mình.” Cậu nhún vai và ném khăn ăn lên chiếc khay trống. “Nhà mình không chuộng bánh kem và mũ chúc mừng cho lắm.”

“Nhưng cậu phải có bánh vào ngày sinh nhật,” tôi nói. “Đó là nguyên tắc. Thế mới tuyệt chứ!” Tôi nhớ đến chiếc bánh Chiến tranh giữa các vì sao[3] mà mẹ, Bridge và tôi đã làm cho Seany hè vừa rồi. Cái bánh hình đầu Yoda màu vàng chanh. Bridge còn mua kẹo bông để làm lông tai cho cái bánh.

[3] Tên tiếng Anh: Star Wars là loạt phim khoa học viễn tưởng rất nổi tiếng của Mỹ gồm 6 phần, được hãng 20th New Century cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1977. Tính đến năm 2008, tổng doanh thu của 6 phần đạt 4,41 tỷ USD đứng thứ 3 trong loạt phim có doanh thu cao nhất chỉ sau Harry Potter và James Bond.

“Đấy chính là lý do mình không bao giờ nhắc chuyện đó.”

“Nhưng tối qua cậu đã làm gì đó đặc biệt phải không? Ý mình là Ellie đã đưa cậu ra ngoài phải không?”

St. Clair cầm tách cà phê và đặt xuống bàn mà không uống. “Sinh nhật của mình cũng chỉ là một ngày bình thường thôi mà. Mình hài lòng với nó. Mình không cần bánh.”

“Được thôi. Được thôi.” Tôi giơ tay chịu thua. “Mình sẽ không chúc cậu sinh nhật vui vẻ nữa. Hay thậm chí thứ sáu vui vẻ.”

“Ồ, cậu có thể chúc mình thứ sáu vui vẻ.” Cậu ta lại cười. “Mình không phản đối các ngày thứ sáu đâu.”

“Nhắc đến mới nhớ,” Rashmi nói với tôi, “sao tối qua cậu không đi chơi với bọn này?”

“Mình đã có kế hoạch. Với bạn mình. Bridgette.”

Cả ba người cùng tròn mắt đợi tôi giải thích thêm.

“Kế hoạch trên điện thoại.”

“Nhưng tuần này cậu đã ra ngoài à?” St. Clair hỏi. “Cậu thực sự đã rời khuôn viên trường rồi sao?”

“Chắc chắn rồi.” Vì tôi đã đến những khu khác trong trường.

St. Clair nhướng mày. “Cậu xạo quá.”

“Để em làm rõ vụ này.” Josh chắp hai bàn tay vào nhau trong tư thế cầu nguyện. Ngón tay cậu ta cũng thanh mảnh và có một vết mực đen trên ngón trỏ. “Chị đã ở Paris suốt tuần và vẫn chưa ra ngoài ngắm nhìn thành phố này? Hay một phần thành phố?”

“Chị đã đi cùng bố mẹ vào cuối tuần trước. Chị đã nhìn thấy tháp Eiffel rồi.” Từ xa.

“Với bố mẹ cậu, quá tuyệt. Có kế hoạch gì cho tối nay chưa?” St. Clair hỏi. “Giặt giũ phải không? Hay là cọ rửa phòng tắm?”

“Này. Coi thường nhau hả?”

Rashmi cau mày. “Cậu định lấy gì mà ăn? Nhà ăn đóng cửa rồi còn đâu?” Sự quan tâm Rash khiến tôi xúc động, nhưng tôi để ý nó không mời tôi ăn cùng nó và Josh. Nói thế không phải tôi muốn đi chơi với họ. Tôi đã dự định sẽ càn quét máy bán hàng tự động của ký túc xá. Không nhiều nhặn gì, nhưng tôi sẽ thu xếp được.

“Mình cũng nghĩ như thế.” St. Clair nói khi không thấy tôi đáp lại. Cậu ta lắc đầu. Mái tóc nâu bù xù hôm nay có vài lọn xoăn. Nó thật sự rất hút hồn. Nếu có cuộc thi Olympic cho tóc thì St. Clair chắc chắn sẽ ẵm giải. Mười điểm tròn. Huy chương vàng.

Tôi nhún vai. “Chỉ mới một tuần. Không phải chuyện lớn mà.”

“Điểm lại vấn đề một lần nữa nào,” Josh nói. “Đây là kỳ nghỉ cuối tuần xa nhà đầu tiên của chị?”

“Đúng vậy.”

“Kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên không có sự giám sát của bố mẹ?”

“Đúng luôn.”

“Kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên không có sự giám sát của bố mẹ ở Paris? Và chị muốn trốn trong phòng? Một mình?” Cậu ta và Rashmi trao nhau những cái liếc mắt thương hại. Tôi đưa mắt cầu cứu St. Clair nhưng cậu chỉ nhìn đăm đăm tôi với cái đầu nghiêng qua một bên.

“Sao nào?” Tôi cáu kỉnh hỏi. “Xúp trên cằm hay đậu que giữa kẽ răng mình thế?”

St. Clair mỉm cười. “Mình thích lọn tóc của cậu,” cậu ta nói rồi khẽ chạm tóc tôi. “Tóc cậu thật hoàn hảo.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play