Ngay ngày hôm sau, Đại Quán dời đồng cỏ Misashino, để Hạo Nhiên ở lại lều một mình.
Lo buồn dần lắng, nhường chỗ cho những suy nghĩ chín chắn hơn trong lòng Hạo Nhiên. Nó không thể bỏ nơi này để đi tìm sư phụ, phần không biết
thầy bị giam giữ chỗ nào, phần đã hứa chờ Lâm Bằng trở lại.
Ngày nào, Hạo Nhiên cũng ra xóm tiều hỏi thăm tin tức. Nhưng cũng như
nó, những người dân quê chất phác chẳng biết gì hơn. Việc quân quan là
những việc xa vời, thuộc về một thế giới khác không liên hệ gì đến họ.
Nếu có người nào chẳng may bị Oan ức thì ráng chịu. Họ chỉ biết việc
trước mắt. Thương Hạo Nhiên côi cút, họ cho nó kê, đậu, đôi khi thóc gạo và giúp nó sửa lại căn lều. Đổi lại, Hạo Nhiên phụ dân xóm làm những
việc vặt như xới cỏ, trồng rau, kiếm củi.
Ngày lại ngày trôi đi, Lâm Bằng không trở lại, Đại Quán cũng chẳng tin
tức gì, Hạo Nhiên thấy sốt ruột. Buổi chiều, tựa cửa nhìn về hướng núi
Chichibu, tưởng đến nơi sư phụ bị giam giữ, nó hình dung ra một Thạch
Đạt Lang tiều tuỵ gầy yếu, thương cảm tràn ngập, nước mắt lại chan hòa,
không sao cầm được. Trời thu nhạt, cỏ cháy dần.
Những cánh chim tựa mũi kim theo nhau thành hàng bay về phía chân trời
xa tắp. Đối với Hạo Nhiên, những con chim đàn ấy sao mà sung sướng quá
và nó mong được như chúng.
Một bữa kia không chịu nổi sự khắc khoải dằn vặt, Hạo Nhiên quyết định ra đi tìm sư phụ.
Bản tính cẩn thận và lo xa, nó chuẩn bị kỹ càng đủ mọi thứ:
nón nan, dép cỏ, ống nước đeo vai, nấu cơm nắm thành gói vào lá tre để
ăn bữa một, lại mang trong bọc ít cá khô, thịt muối dành riêng cho sư
phụ.
Trước khi đi, Hạo Nhiên không quên tạt qua xóm tiều, từ biệt những người đã làm ơn cho nó và dặn dò trông nom hộ căn lều rồi mới nhắm hướng núi
Chichibu thẳng tiến.
Sau những năm theo Thạch Đạt Lang, nhất là từ ngày sư phụ bị bắt, tính
tình Hạo Nhiên đổi khác. Nét mặt nó đăm chiêu, cử chỉ cũng dè dặt và ít
cười nói. Tuy vẫn tháo vát như xưa nhưng làm việc gì bây giờ cũng đắn
đo, chứng tỏ nó đã có ít nhiều từng trải.
Đi gần cả ngày thấm mệt, Hạo Nhiên ngồi giở cơm nắm ra ăn. Trời chiều,
gió thổi mạnh, trông ra xung quanh chỉ thấy lùm nọ tiếp bụi kia, lá rừng rơi lả tả ngập gốc cây.
Cảnh hoang vu càng như gợi trong lòng nó nỗi cô độc. Hạo Nhiên ăn mau
cho xong bữa để tiếp tục cuộc hành trình, hy vọng đi thêm chút nữa may
ra trước khi trời tối gặp được căn lều bỏ hoang của người kiếm củi hay
đốt than nào đó cũng có thể tạm trú qua đêm.
Nhưng càng đi càng vắng. Con đường mòn trước mặt mờ mờ rồi khuất dần
trong màu lam nhạt của những vạt sương chiều lãng đãng. Tuy thế Hạo
Nhiên không ngại. Ngay cả từ khi còn nhỏ, nó đã gặp cảnh hoang vắng
nhiều lần nên rất vững tâm. Cùng lắm thì tìm một hốc đá nào đó chui vào
đánh một giấc đợi hôm sau trời sáng sẽ đi tiếp chứ gì !
Bỗng nó lắng tai chú ý. Có tiếng chân đều đặn đạp lá khô và tiếng ngựa
hí nho nhỏ. Hạo Nhiên nấp vội vào gốc cây giương mắt nhìn về phía tiếng
động quan sát.
Đợi không lâu, quả thấy có bóng người dẫn ngựa đi tới. Trên lưng ngựa, một tráng sĩ cao lớn ngồi, hai chân buông thõng.
Ngựa xem chừng đã mệt, đi chầm chậm. Còn người thì chẳng ai nói với ai lời nào.
Trong bóng đêm chập choạng, Hạo Nhiên không phân biệt được diện mạo cùng y phục nhưng khi họ đến gần, nó sửng sốt. Hai người ấy chính là Thạch
Đạt Lang, sư phụ nó, và Lâm Bằng, hiệp sĩ đất Kiso !
Hạo Nhiên mừng nhảy cẫng. Nó hét lớn:
- Thầy ! Thầy ! Con đây !
Rồi ùa ra nắm lấy cương ngựa. Con vật sợ hãi co cẳng hí một tiếng dài.
Nếu không nhờ Lâm Bằng nhanh nhẹn ghìm lại thì nó đã lồng lên chạy mất
rồi.
- Hạo Nhiên hả ?
Từ lưng ngựa, Thạch Đạt Lang nhảy xuống ôm vai đồ đệ:
- Con ra đây làm gì thế ?
Lâm Bằng cũng hỏi:
- Sao biết chúng ta về mà ra đón ?
- Ừ. Sao con biết chúng ta về ?
Hạo Nhiên đáp, giọng đứt quãng vì xúc động:
- Con ... con ... đi tìm thầy !
Thạch Đạt Lang nhấc bổng thằng bé lên nhìn kỹ. Thấy lỉnh kỉnh hành
trang, nào nón nan, túi cơm, ống nước, dép cỏ đeo lủng lẳng, hắn cười
lớn, đặt nó lên ngựa:
- Ta biết con là đứa trẻ tốt, nhưng bận sau chớ làm thế ! Con rõ ta ở đâu mà tìm !
May mà gặp hôm nay chứ nếu không, ta với con đã lạc nhau rồi !
Lâm Bằng cũng nói:
- Phải đó ! Ngươi không nhớ trước kia ta đã dặn cứ ở nhà đợi ta à !
Hạo Nhiên gật:
- Nhưng lâu quá chẳng thấy tráng sĩ về.
Rồi như sực nhớ điều gì, nó tiếp:
- Lúc thầy đi vắng, có thiền sư Đại Quán đến tìm.
- Vậy ư ? Ông nhắn gì không ?
- Dạ không. Nhưng cũng có cả một người tên Giang tự xưng là đồ đệ của thầy nữa.
- Ồ !
Thạch Đạt Lang mừng, hỏi kỹ hơn. Hạo Nhiên bèn đem chuyện gặp Giang và
Đại Quán ra kể cho hắn nghe rõ hết. Thạch Đạt Lang lộ vẻ đăm chiêu, đoạn nói:
- Không ngờ Đại Cổ dẫn dắt thằng Giang làm những chuyện tày trời như
thế. Bây giờ ta mới hiểu vì sao bị bắt và vì sao tự nhiên lại được thả
ra. Ta chắc chín phần mười Đại Quán có can thiệp.
Đoạn như muốn chấm dứt câu chuyện và dành những suy tư về hậu quả việc ấy cho riêng mình, hắn nói lảng, bảo đồ đệ:
- Con biết Lâm tráng sĩ chứ ?
- Dạ biết.
- Nhưng chưa rõ liên hệ với ta ra sao đâu nhỉ ! Tráng sĩ là ân nhân của
ta, nhất là khi ta còn trong vòng lao lý. Tráng sĩ với ta đã kết nghĩa
huynh đệ, vậy từ nay con gọi ông bằng sư thúc.
Hạo Nhiên định tuột xuống thi lễ, nhưng Lâm Bằng vội gạt đi, cho rằng
những hình thức ấy lúc này không cần thiết. Vỗ nhẹ lưng nó, gã nói:
- Hay lắm. Chưa lập gia đình mà ta đã có cháu. Giá mẫu thân ta còn, chắc người hài lòng lắm.
oo Cả ba về đến nhà, đêm đã khuya, sương xuống lạnh buốt. Hạo Nhiên ôm
củi ra nhóm lửa ở giữa nhà sưởi, lại mang cơm nắm cá khô thịt muối ra
mời sư phụ và sư thúc cùng ăn.
Bữa cơm đạm bạc, nhưng đối với nó, trong không khí ấm cúng của gian nhà
cỏ, bên ngọn lửa nhảy múa reo vui, quả là bữa tiệc mừng mọi người bình
an đoàn tụ.
Thấy sư phụ hơi xanh và ở tay, ở cổ có nhiều vết thương chưa lành, nó hỏi tại sao.
Thạch Đạt Lang cười, nói lảng:
- Chẳng có gì đáng ngại. Hôm nay gặp con, lại có thêm Lâm hiền đệ, thật
là điều may mắn không ngờ ta được hưởng. Hãy cứ vui như thế đã, chẳng
nên quan tâm đến những việc khác.
oo Ba hôm sau, trong khi Lâm Bằng và Thạch Đạt Lang đang xới đất ở sau
nhà, gây một vườn rau mới thì có khách đến thăm. Ấy là Kỳ Sâm. Gã mang
một phong thư của Tôn phủ triệu Thạch Đạt Lang đến để sát hạch. Nếu được chấp thuận, Tôn đầu lãnh sẽ đích thân mời hắn vào yết kiến và có thể
dùng hắn trong một chức giảng huấn viên của Tôn phủ.
Thư gửi qua tay vị hào trưởng vùng Akagi là Hà Chu Cát Tỉnh và cũng là
thân phụ của Kỳ Sâm. Vâng lệnh thân phụ, gã mang bản triệu dụng chuyển
cho Thạch Đạt Lang, kèm với thư của Đại Quán và thiếp mời của thân phụ
gã cùng một con ngựa, giục Thạch Đạt Lang đi ngay. Đạt Lang ngần ngại:
- Tại hạ mới được phóng thích, đi ngay có điều bất tiện.
- Tại sao bất tiện ?
- Hình dung, y phục thế này e thất lễ chăng ?
Kỳ Sâm vội gạt đi:
- Không sao, gia nghiêm đã nghĩ đến chuyện ấy. Xin cứ theo tại hạ, mọi việc chu toàn cả rồi !
Không thể từ chối, Thạch Đạt Lang giã biệt Lâm Bằng, báo tin hắn được
triệu vào Tôn phủ khảo hạch để thu dụng vào giảng huấn bộ. Nghe tin, Hạo Nhiên mừng hết sức.
Thế là từ nay, thầy nó không phải lang bạt nữa mà nó cũng yên tâm chẳng
lo không trở thành một kiếm sĩ có tương lai như lòng hằng mong ước.
Đến lâu đài, chủ nhân Hà Chu Cát Tỉnh đích thân ra cửa nghênh tiếp. Thi
lễ xong, thay áo nhẹ, gia nhân dẫn vào nhập tiệc, cũng vẫn ở gian phòng
xưa, trước đây hắn đã gặp Đại Quán và Trúc Mộ.
Gặp lại Đại Quán, Thạch Đạt Lang vui mừng khôn xiết. Hắn phục xuống tạ
Ơn nhà sư đã can thiệp cứu hắn khỏi ngục thất. Đại Quán đỡ dậy, nói:
- Bất tất ! Ta chỉ chứng minh nỗi oan con phải chịu và đòi sự công bằng mà thôi.
Gặp bất cứ trường hợp nào như thế ta cũng can thiệp, chẳng cứ gì riêng gì trường hợp của con.
Bữa tiệc thịnh soạn. Tuy chỉ có ba người, sau thêm Kỳ Sâm nữa, nhưng thật vui vẻ.
Đề cập cuộc khảo hạch ngày hôm sau, Đại Quán có vài lời khuyên. Ông thực tâm tin tưởng Tôn Điền Tùng Cương là người đủ tài đức trị nước nên mong Thạch Đạt Lang phục thị Tôn phủ.
- Tôn Điền Tùng Cương là một chính trị gia khôn khéo, nhìn xa trông rộng và thực tế. Con nên lựa lời đối đáp, ta mong con thành công.
Thật ra, những ý kiến của Đại Quán không hợp với ý Thạch Đạt Lang. Trong thâm tâm, hắn chẳng muốn bị ràng buộc. Sau thời kỳ canh tác ở
Hotengahara, hắn quả có ý tìm minh chủ, đem lưỡi gươm của mình phục vụ
lãnh tụ nào đó có tài năng và đức độ, nhưng xét tình hình ngày nay, khó
mà thực hiện ý định ấy.
Họ Tôn Điền ở Edo cũng như Hòa Giả ở Osaka đều chỉ lo củng cố quyền lực
của phe phái. Dân chúng vẫn lầm than, chịu đựng nhiều bất công, tại
nhiều nới đã phát sinh mầm mống nổi loạn. Sứ quân chẳng có sách lược an
dân kiến quốc gì, nên Thạch Đạt Lang thất vọng không muốn phí năng lực
vào những cuộc tranh chấp đảng tộc, bè phái như thế.
Tuy vậy, hắn không tiện từ chối, sợ làm mất lòng và nhất là sau vụ bắt
bớ vừa rồi, sợ làm liên lụy đến những người đã để hết tin tưởng bảo trợ
hắn.
Hôm sau, một ngày trọng đông nắng đẹp, Thạch Đạt Lang mặc lễ phục, cưỡi
ngựa tía xuống núi. Dưới mắt khách bàng quan, rõ ràng tương lai đời hắn
đầy rực rỡ, mỗi bước đi của hắn về phía Tôn phủ là một bước đến gần
ngưỡng cửa vinh quang.
Cách cổng Wadakura chừng mươi trượng, thấy bảng đề “hạ mã“, Thạch Đạt
Lang xuống ngựa, trao cương cho mã phu rồi thong thả đi vào. Thông báo
danh tính xong, hắn được mời vào phòng chính trong nghênh khách đường
ngồi đợi.
Phòng rộng thênh thang, tiếp được tới hàng trăm khách chứ không ít và
được mệnh danh là “lan sảnh” vì ngay chính giữa có treo bức họa lan điểu thật lớn.
Thị nữ mang trà bánh tới, nhưng ngoài những kẻ nô tài này ra, đợi mãi
chẳng thấy ai đến tiếp xúc. Lại là người khách độc nhất trong phòng,
ngồi lâu phát chán, hắn đứng dậy đi quanh. Gần chiều, mới thấy một lão
ông bệ vệ bước ra. Tuổi chừng tám chục, tóc bạc như cước nhưng sắc diện
hồng hào trông còn tráng kiện lắm. Ông tự xưng là Vạn Mẫn Chương thuộc
hội đồng trưởng lão được cử đến để nghênh tiếp khách quý.
Thạch Đạt Lang cũng tự khai danh tính, trình sơ qua về dòng họ và tổ
phụ. Nghe xong mỗi câu, ông lại gật đầu, chiếc cằm phì nộn khẽ rung
động.
- Tiểu nhân đến đây theo lời triệu của Tôn phủ. Vậy xin kính cẩn nghe lời chỉ giáo.
- Đa tạ đại hiệp.
Đoạn, dường bối rối phải lựa lời diễn tả một điều khó nói, ông tiếp:
- Mấy hôm trước đây, hội đồng trưởng lão đã xét lời thiền sư Đại Quán đề cử đại hiệp vào một chức vụ thuộc giảng huấn bộ. Đề nghị của hội đồng
đã đệ trình lên Tôn đại gia, tiếc thay ngài không thuận. Sáng nay chúng
ta lại tái trình việc ấy, nhưng vẫn không lay chuyển được ý ngài.
Thạch Đạt Lang cúi đầu nghe, im lặng.
- Tôn gia nói đã một lần tiếp xúc với đại hiệp. Ngài rất có hảo cảm
nhưng vì lý do riêng, không tiện để đại hiệp giữ chức vụ gì trong Tôn
phủ lúc này ...
Thấy Thạch Đạt Lang vẫn cúi đầu, giọng ông trầm xuống, nặng vẻ an ủi:
- Trong cuộc sống vô thường, chuyện xảy ra như vậy không phải là hãn
hữu, đại hiệp chẳng nên quan tâm. Được hay mất, nhiều khi cũng nhờ may
rủi.
Thạch Đạt Lang kính cẩn:
- Đa tạ lão tiền bối, tiểu nhân hiểu.
Vạn Mẫn Chương thì tỏ ý quan hoài. Thạch Đạt Lang, trái lại, mừng vô tả. Hắn cảm thấy như có một quyền lực gì cao hơn quyền lực của Tôn đầu lãnh đã an bài mọi sự để hắn được tự do lựa chọn đường đi, dẫn đến và trao
cho hắn một chức vụ vinh hiển, ích lợi cho dân tộc hơn chức vụ của Tôn
gia nhiều.
Nhìn Thạch Đạt Lang điềm tĩnh, không lộ vẻ xúc động, Vạn Mẫn Chương nghĩ thầm:
“Thật là con người biết tự chu”.
- Được biết ngoài sở trường về kiếm pháp, đại hiệp còn có tài về mỹ
thuật. Giá đại hiệp cho lão phu được chiêm ngưỡng đôi chút tài năng hiếm có ấy thì hay biết mấy.
Xem nét bút, đánh giá được con người. Nếu có dịp trình lên Tôn đại gia,
lão phu chắc ngài có con mắt tinh tế, sẽ thẩm định tác phẩm của đại hiệp không nhầm lẫn. Mong đại hiệp hiểu ý và đừng cho là lão phu ngạo mạn.
Dứt lời, ông đứng dậy nhìn Thạch Đạt Lang lần cuối, nói mấy lời cáo biệt và bước khỏi khách sảnh.
Hiểu rõ thâm ý của Vạn Mẫn Chương, Thạch Đạt Lang mỉm cười. Ông muốn hắn biểu lộ chí hướng trong một tác phẩm, đặc biệt ở trường hợp này, một
tác phẩm nghệ thuật. Được lắm ! Hắn sẽ làm, nhưng không phải nhằm mục
đích được thu dụng như Vạn Mẫn Chương đã gợi ý mà chỉ để bày tỏ ý kiến
mình.
Khi còn nhỏ, Thạch Đạt Lang đã yêu thích nghệ thuật. Cái đẹp bao giờ
cũng làm hắn xúc động. Từ vẻ huy hoàng của buổi bình minh rực rỡ ánh
dương quang đến những bông hoa dại nhỏ li ti cạnh tảng đá rêu phong, mỗi cảnh mỗi vật đều gây cho hắn nhiều cảm xúc. Chỉ tiếc hắn đã không có
được kỹ thuật điêu luyện để diễn tả những xúc động ấy trên giấy như
trong bức tranh “hạt giẻ” của Tống Lương Khải hắn đã xem ở thư phòng Cổ
Huy Đạo năm nào.
Rồi vì lang bạt khắp nơi, không tiện và không có thì giờ vẽ tranh, hắn
chẳng mấy khi tập luyện. Đôi khi nhàn rỗi, không có hứng tạc tượng,
Thạch Đạt Lang lại mang bút mực ra vẽ theo trí nhớ những cảnh hoặc vật
đã gặp. Những nét vẽ ấy thường gò bó, chẳng được tự nhiên và không mạnh
mẽ tung hoành như những đường gươm sắc bén của hắn nên hắn chẳng muốn ai xem và cũng chẳng muốn giữ làm gì.
Hôm nay, bỗng nhiên bị khích động vì lời yêu cầu của Vạn Mẫn Chương mà
hắn coi như một thách thức, Thạch Đạt Lang thấy hứng khởi bừng bừng. Bèn gọi con hầu mang bút mực và màu vẽ đến. Tiện có bức hình phong ở góc
phòng còn trắng, hắn mang đặt cạnh chỗ ngồi. Trầm ngâm một lát, Thạch
Đạt Lang phóng bút vẽ lên đó những hình ảnh ào ào từ trong đầu tuôn ra
như thác lũ. Hắn làm việc nhanh và liên tục, mắt đổ lửa, trong một cơn
sốt cảm hứng tưởng không bao giờ dứt.
Đến khi bình phong không còn chỗ trống và lòng nhiệt thành cũng giảm,
Thạch Đạt Lang rút giấy lụa lau mồ hôi trên mặt rồi thả bút vào bình
nước, đứng lên, không nhìn lại bức họa mà cũng không sửa một nét nào.
Xốc lại quần áo, hắn bước ra cửa. Quay nhìn cánh cổng Wadakura, một câu hỏi bỗng thoáng qua trong trí:
Vinh quang ở đâu ? Bên này hay bên kia cánh cổng ? Thạch Đạt Lang bước nhanh, tự cho mình đã gặp may mắn.
Vạn Mẫn Chương trở lại khách sảnh. Ông nhìn bức họa hãy còn ướt mực. Bức họa vẽ cảnh đồng Musashino, cỏ cháy vàng chiếm nửa bình phong. Chính
giữa là vầng thái dương đỏ thắm, và thủy mặc được dùng để diễn tả bầu
trời mây vần vũ của một ngày dông bão.
Vạn Mẫn Chương lẩm bẩm:
“Con hổ đã được Tôn gia thả về rừng mất rồi !”.
oo Hôm sau, Thạch Đạt Lang trở lại lều, bộ lễ phục vẫn còn cứng bột hồ
nhưng bụi đất đã làm lem nhem những chỗ lụa trắng. Lâm Bằng mừng rỡ:
- Mừng đại huynh ! Đệ chờ từ sớm. Đại huynh đi rửa mặt rồi thay áo. Có phải nhận việc ngay không ?
Thạch Đạt Lang cười:
- Không. Đề nghị bị bác.
- Bị bác ? Đại huynh không giỡn đấy chứ ?
- Ai giỡn làm gì !
- Tiếc quá nhỉ ! Khó có cơ hội như thế nữa.
- Hiền đệ mà cũng nghĩ vậy à ? Hiền đệ cho là vinh quang chỉ ở trong Tôn phủ hay sao ?
Lâm Bằng không đáp. Thạch Đạt Lang lại tiếp:
- Một thời, ngu huynh cũng có ý muốn đem sở học và kiếm thuật đặt dưới
chân minh chủ mình chọn lựa, mơ tưởng kiếm đạo đi đôi với chế độ để xây
dựng một quốc gia cường thịnh.
- Phải vậy chứ. Tiểu đệ cũng nghĩ thế.
Thạch Đạt Lang lại cười:
- Vậy là chúng ta đồng ý kiến. Nhưng giấc mơ ấy tan rồi ! Đó chỉ là giấc mơ không sát thực tế. Có bao giờ hiền đệ tự hỏi nếu gặp một chế độ
không chủ trương xây dựng quốc gia thì những người cầm kiếm phục vụ cho
chế độ ấy phải xử sự thế nào ? Bị cuốn vào cơn lốc, người cầm kiếm không có lối thoát, sẽ bị dùng như một món đồ cho đến chết và nhiều khi không biết rằng mình chỉ là một món đồ ...
Lâm Bằng cau mặt:
- Vậy đại huynh đứng ngoài xã hội hay sao ?
- Không. Hiền đệ chớ nghĩ thế. Chừng nào còn dân tộc Nhật, còn quốc gia
Nhật thì kiếm đạo vẫn còn là ngọn đèn sáng chỉ đường và giữ vững tinh
thần cho huynh.
Nói rồi lảng sang chuyện khác, Thạch Đạt Lang hỏi:
- Hạo Nhiên đâu ?
- Nó vào rừng kiếm củi.
Thạch Đạt Lang lấy giấy bút ra thảo một bức thư đưa cho Lâm Bằng và nói:
- Nhờ hiền đệ mang trả ngựa và giao thư này cho vị hào trưởng vùng Akagi là Hà Chu Cát Tỉnh. Nếu gặp thiền sư Đại Quán ở đó, cũng xin chuyển lời cảm ơn nồng nhiệt của ngu huynh đến các vị. Chắc các vị đó đã biết ngu
huynh không được thu nhận vào chức vụ đề nghị rồi.
- Đại huynh có nghi là vì bị gièm pha chăng ?
Thạch Đạt Lang gật đầu:
- Cũng có thể ! Nhưng bị gièm pha hay không, ngu huynh chẳng bao giờ để
ý. Tuy nhiên, xin hiền đệ nói thêm để các vị ấy biết ngu huynh không
đích thân đến cám ơn được vì ngại sự liên lạc quá mật thiết có thể khiến các vị bị liên lụy và xin miễn chấp cho.
- Tiểu đệ hiểu, xin đi ngay bây giờ.
- À, còn việc này nữa ...
Thạch Đạt Lang vừa nói vừa rút ra một túi gấm đưa cho Lâm Bằng:
- Cái này là của Hạo Nhiên. Phiền hiền đệ giao lại cho nó, bảo nó phải gìn giữ cẩn thận vì là di sản độc nhất cha nó để lại.
Lâm Bằng trố mắt nhìn Thạch Đạt Lang:
- Sao vậy ? Đại huynh đi đâu ?
- Ngu huynh lên núi.
- Đi đâu cũng cho tiểu đệ đi theo. Cả Hạo Nhiên nữa.
Nhưng Thạch Đạt Lang nghiêm nghị:
- Ngu huynh không ra đi vĩnh viễn. Trong lúc vắng mặt, nhờ hiền đệ dạy dỗ Hạo Nhiên cho và coi nó như đồ đệ.
- Đại huynh lên núi ở ẩn chăng ?
Thạch Đạt Lang cười rộ, ngả người chống tay lên chiếu rồi lập nghiêm:
- Chẳng phải thế. Ngu huynh còn trẻ, cũng muốn có sự nghiệp chứ. Biệt
hiền đệ, không vui gì. Nhớ mấy câu thơ của một thi sĩ Trung Hoa đời
Đường, xin đọc để tặng:
Tịch tịch cách hà đãi Triêu triêu không tư quy Dục tầm phương thảo khứ
Tích dữ cố nhân vi (Đợi gì không hưởng trọn yên tĩnh. Sớm nào cũng trở
về không. Muốn tìm nơi cỏ thơm mà tới. Chỉ tiếc phải xa cố nhân).
Lâm Bằng nghe, lòng buồn vời vợi, cầm tay Thạch Đạt Lang nghẹn ngào. Lúc sau lên ngựa từ biệt.
Đến lâu đài Akagi, Đại Quán vẫn còn đó, đang cùng chủ nhân đàm đạo. Cả
hai đã được thông báo quyết định của Tôn đầu lãnh. Lâm Bằng đưa thư, đọc xong mới biết ý định của Thạch Đạt Lang muốn xa Edo một thời gian. Lại
nghe Lâm Bằng nói Thạch Đạt Lang không đích thân đến giã biệt được vì sợ liên lụy đến ân nhân, ai cũng cho hắn quá cẩn thận.
Hà Chu Cát Tỉnh đề nghị:
- Hắn đã không đến ta được thì ta đến hắn, ngại gì !
Đại Quán gật đầu đồng ý. Bèn cùng nhau lên ngựa tới đồng cỏ.
Đến nơi, căn lều vắng lặng. Trên trời cao, chỉ thấy một đám mây trôi lờ lững.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT