Mỗi ngày theo thông lệ, điểm tâm
xong, Hòa Giả Đạo Uẩn thường ra đại sảnh hỏi han mọi việc xảy ra trong
lãnh địa, duyệt phê những tờ trình của thuộc cấp rồi vào thư phòng đọc
sách hoặc cùng với các tham vấn luận bàn về tư tưởng của Nho gia, buổi
chiều tập luyện ở thao trường; đến tối rảnh rỗi, đàm luận võ nghệ với
các thuộc cấp thân cận cùng trang lứa.
Đạo Uẩn còn trẻ, tính tình khoáng đạt, nên trong những cuộc mạn đàm như
vậy, không khí bên khay trà hay chiếu rượu thường cởi mở, tự nhiên. Ông
mặc áo mỏng bằng vải gai, hàn huyên cùng thuộc cấp thật thoải mái.
- Này Hồ Kiện Bình, nghe nói ngươi giỏi về môn trường thương, không mấy ai địch nổi, đúng chăng ?
- Bẩm, quả vậy !
Thấy lời đáp ra vẻ đắc ý, không tỏ chút khiêm nhường nào, Đạo Uẩn mỉm cười:
- Ngươi tự tin lắm nhỉ !
- Bẩm thiếu gia, cho đến nay chưa ai qua mặt được tiểu nhân thì hà tất phải chối cãi làm gì ?
Đạo Uẩn gật đầu:
- Ừ phải, để đấy. Có ngày ta sẽ thử tài cho ngươi biết.
- Xin đa tạ. Tiểu nhân mong ngày ấy sớm đến.
- Nếu ngày ấy không đến thì may cho ngươi lắm đấy !
Mọi người ha hả cười. Hồ Kiện Bình lại nói:
- Thiếu gia chắc đã nghe câu đồng dao trẻ con hát ngoài phố ?
- Chưa, câu gì thế ?
- Câu hát ngụ ý ca tụng tiểu nhân.
- Vậy hả ? Đọc ta nghe thử.
Sử thương nhiều kẻ Năng luyện ắt tinh Vạn người khôn địch Thương Hồ Kiện Bình.
Nghe đọc vừa dứt, Đạo Uẩn đập tay vào đùi cười sằng sặc:
- Hay lắm ! Khéo lắm ! Nhưng ai đã sửa câu ấy thế ?
- Sửa ? Bẩm có ai sửa đâu ? Câu ấy do người nhà tiểu nhân nghe được rồi về thuật lại đấy chứ !
Đạo Uẩn vẫn không nín được cười. Lát sau mới lập nghiêm, bảo thuộc hạ:
- Câu này trong một truyện về đời Hậu Hán, dân gian đặt ra để ca ngợi
Hàn Lý Thanh, một võ tướng vô địch trường thương đương thời chứ đâu phải tên ngươi.
- Vậy tiểu nhân không rõ, xin thiếu gia tha tội.
- Ta cũng đoán không phải chính ngươi sửa mà là một kẻ nào đó đặt ra để
phỉnh ngươi mà thôi. Nhưng nên thận trọng, tự tin là một đức tính, nhưng tự mãn thì không.
Đoạn quay nhìn xung quanh, Đạo Uẩn hỏi:
- Trong các bằng hữu đây, có bao nhiêu người chuyên về trường thương, bao nhiêu chuyên về kiếm thuật ?
Bảy người thì năm người cúi đầu đáp sở trường về thương pháp, chỉ có hai chuyên về kiếm thuật.
- Trường thương lợi gì mà nhiều người học thế ?
- Thưa đó là võ khí có nhiều ưu điểm lúc lâm trận. Nó dài nên chiếm lợi
thế hơn kiếm, miễn đừng dài quá khó sử dụng. Thương dùng đâm, chém, đỡ
gạt được cả. Khi chẳng may thất bại, có thể bỏ thương dùng kiếm, còn nếu chỉ dùng kiếm, không may kiếm gãy, sinh mạng coi như trứng để đầu đẳng. Như vậy, kiếm bổ túc cho thương ...
- Không hẳn thế ! - Một kiếm sĩ vội vàng lên tiếng phản đối - Sự nghiệp
của chúng ta không phải chỉ giới hạn trong những trận chiến ở sa trường. Huống chi kiếm là linh hồn của kiếm sĩ. Kiếm học giúp ta giữ tâm đoan
chính trong khi đi tìm tinh hoa của kỹ thuật, và đó mới là căn bản của
mọi sự học tập. Nếu giữ được cái tâm cho ngay thì với võ khí gì, dù cả
với hỏa khí nữa, ta cũng không phạm vào những lỗi lầm ngu xuẩn và vô
luân. Cho nên kiếm đạo có những áp dụng rất phổ quát ...
Đạo Uẩn cắt ngang:
- Quan niệm này ta đã nghe ở đâu rồi.
- Thưa đó là quan niệm của tiểu nhân và cũng có thể tất cả những ai lưu tâm đến kiếm đạo.
- Như những ai ?
- Như Cổ Huy Đạo tiên sinh và một danh kiếm đương thời Cát Xuyên Mộc. Cả hai đều khẳng định như vậy.
Nhắc đến tên Cát Xuyên Mộc, Đạo Uẩn mới sực nhớ ra chưa quyết định dứt
khoát có nên gọi hắn vào để thử tài không. Mặc dầu đã được Điền Xán
Quang đề bạt qua trung gian của Cao Mục Lân, Đạo Uẩn thực ra vẫn chưa rõ sở học cùng tài năng Cát Xuyên Mộc. Với tuổi ấy, xét lương bổng chỉ cần hơn ngàn gia. lúa mỗi năm cũng đủ.
Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề, như lời thân phụ Đạo Uẩn đã nói,
chính là xét kỹ người trước khi dùng và khi đã dùng rồi thì đãi ngộ
trọng hậu. Xét người kỹ không những về tài năng mà còn cả về khuynh
hướng đạo đức nữa. Nếu họ không hòa đồng được với chính sách chung của
tộc đảng thì cũng vô ích. Ông đã nói:
“Lãnh địa này ví như một tòa lâu đài được xây cất bởi nhiều phiến đá.
Nếu phiến đá nào không đẽo gọt được để có thể cùng ghép chung vào các
phiến đá khác, tạo nên bức tường thành vững chắc chống đỡ cho lâu đài
khỏi đổ, thì phiến đá ấy dù có tốt đẹp hay to lớn đến đâu cũng bằng vô
dụng. Ở trên núi, ở đồng hoang, thiếu gì những phiến đá như thế bị bỏ
lại”. Xét khía cạnh này, Cát Xuyên Mộc có một ưu điểm. Gã còn trẻ, có
thể đẽo gọt để trở thành phiến đá tốt chống đỡ lâu đài họ Hòa Giả. Đạo
Uẩn lại nghĩ đến kẻ kia, người kiếm sĩ tên Thạch Điền Đạt Lang đã không
may để vuột mất. Nếu những điều Điền tham vấn nói là đúng thì kiếm sĩ ấy quả là người dùng được. Tiếc thay ! Chẳng biết bây giờ hắn lưu lạc
phương nào ? Nhưng thật khó mà đánh giá. Tài năng cả hai chỉ căn cứ vào
những lời đồn đại, có gì chính xác đâu. Xét gia thế, Cát Xuyên Mộc được
hai lợi điểm:
hắn sinh trưởng tại Suo, lại là môn đệ của Nhiễm Chúc, một danh kiếm mà
tài năng ai cũng phải kính phục, tất nhiên sở học vững vàng hơn Thạch
Điền Đạt Lang, xuất thân từ một gia đình kiếm sĩ tầm thường ở thôn
Mimasaka cô lậu và không có căn bản vững chắc về kiếm học.
Bèn quay sang tả hữu, hỏi:
- Các ngươi có ai biết Thạch Điền Đạt Lang không ?
- Phải chăng thiếu gia muốn nói đến Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto, đất
Harina ? Một kiếm sĩ giang hồ cách đây non bốn năm đã giao tranh với Hoa Sơn phái ?
- Ta không rõ lắm nhưng đại cương hình như thế.
Mọi người nhìn nhau không hiểu rõ ý chủ soái nên ngài ngại chưa đáp.
- Có chuyện gì ? Các ngươi định giấu ta chăng ?
- Xin tha lỗi. Về Thạch Điền Đạt Lang, bọn tiểu nhân nhận được nhiều tin tức trái ngược, nhưng tựu trung chẳng ai biết diện mạo hắn ra sao mà
tin tức cũng không có gì làm bằng chứng nên chưa dám mạo muội.
- Thì ta cũng thế. Nghe nói hắn là một kiếm sĩ dũng mãnh, lại có lòng
cứu khốn phò nguy, giúp dân khai hoang nên được mến chuộng lắm phải
không ?
- Chuyện đó thì bọn tiểu nhân không biết, nhưng hình như hắn là người rất tàn ác.
Khi còn ở Miyamoto, nơi sinh quán, hắn giết người không gớm tay. Lúc
giao tranh với Hoa Sơn phái, hắn đã nhẫn tâm chặt đầu cả một đứa trẻ mới tuổi.
Đạo Uẩn chau mày:
- Thật thế ư ?
- Và ngay bây giờ đây, ở Tân đô này, cũng có yết thị gọi đích danh hắn
ra đối chất với một lão phụ cùng làng về một chuyện điếm nhục gì đó,
hình như cướp đoạt vị hôn thê của con trai bà và phá hoại danh dự gia
tộc bà thì phải.
- Bảng yết đã lâu chưa ?
- Bẩm cũng mới vài tháng.
- Thế hắn có ra mặt không ?
- Không ! Không thấy động tĩnh gì. Có thể hắn không biết và cũng có thể
hắn trốn luôn. Người ta nói trong những trường hợp kém thế, hắn thường
lủi mất. Đã mấy lần xảy ra như vậy, nhất là trong lần giao tranh với Hoa Sơn, sau cùng hắn cũng bỏ chạy, ẩn trốn trên núi mãi về sau mới lộ
diện.
Hòa Giả Đạo Uẩn nét mặt đăm chiêu. Những tin tức ông vừa được thuộc hạ
cho biết thật khác xa với những tin tức của Điền Xán Quang thuật lại về
vị anh hùng khẩn hoang mà nông dân vùng Hotengahara hàng ngày thờ phụng. Hình ảnh người kiếm sĩ ông ngưỡng mộ mờ dần, thay vào đó là mối nghi
hoặc mỗi lúc một lớn. Hòa Giả Đạo Uẩn cáo mệt đứng lên lui vào hậu thất. Là người không chịu chấp nhận những điều chưa rõ rệt, Đạo Uẩn tự nhủ
“Con người đó có thể là một kỳ nhân. Ta sẽ tìm hiểu hắn kỹ hơn”.
Hôm sau, ở thư phòng ra, gặp Điền Xán Quang, Đạo Uẩn không ngần ngại kể
lại những tin tức mới biết và yêu cầu ông đặc biệt lưu tâm, nếu có gặp
Thạch Đạt Lang thì tìm cách dẫn hắn vào dinh ngay. “Vãn sinh muốn biết
mặt hắn thế nào và nó i chuyện với hắn một lúc”.
Đến chiều, ở thao trường, Cao Mục Lân lại nhắc tới Cát Xuyên Mộc. Đặt mũi tên trên dây cung, Đạo Uẩn nói:
- Ờ, ta quên khuấy đi mất. Cứ dẫn hắn lại đây, lúc nào cũng được. Còn chuyện thu nạp hay không thì sau sẽ xét.
oo Ngồi trong phòng riêng nhà Cao Mục Lân, Cát Xuyên Mộc rút “cây sào
phơi” ra ngắm nghía. Suy đi tính lại, hắn đổi ý không muốn sửa thanh
kiếm ấy nữa. Nó tuy dài quá thật, nhưng dùng đã quen, đối với người khác có lẽ gặp khó khăn nhưng trong tay hắn lại là một võ khí cực kỳ lợi
hại. Nên hắn đã sai người đến xưởng mài kiếm lấy về.
Dĩ nhiên kiếm vẫn còn nguyên hình cũ, nhưng rút ra khỏi bao mới thấy
khác rõ rệt. Từ màu xanh đen, lưỡi kiếm bây giờ sáng loáng, nhuyễn, mịn
như gương. Các đốm nhỏ rỉ sét bằng mũi kim đã biết đi hết và hình vẽ
sóng gợn dọc theo chiều dài lưỡi kiếm hiện lên, rõ nét như cắt. Ánh thép bóng ngời toa? hào quang, tưởng như mang theo trong lòng nó bao chiến
công hiển hách của hàng thế kỷ trước. Toàn bộ lưỡi kiếm rực rỡ tựa tia
nắng mai khiến Cát Xuyên Mộc không khỏi thốt lên một tiếng “Ồ” ngạc
nhiên thích thú.
Càng nhìn lâu, hắn càng đắc ý.
“Ta có cảm tưởng như mới được trông thấy nó lần đầu. Khác trước quá !”.
hắn đứng lên múa thử vài chiêu. Không ! Vẫn là lưỡi kiếm đó. Sự khác lạ
có chăng chỉ ở bên ngoài, và lần này xoay trở thanh kiếm trong lòng bàn
tay, hắn lại có cảm tưởng như vừa được hội ngộ với cố nhân, vừa được nắm một bàn tay quen thuộc.
Tra kiếm vào bao, nghe tiếng “cắc” khô và gọn, Cát Xuyên Mộc gật gù:
“Được lắm!”, rồi vỗ nhẹ vào bao kiếm, hắn thấy dậy lên trong lòng một niềm tin tưởng vô biên vào người bạn chí thân ấy.
Mải thử kiếm, Cát Xuyên Mộc không để ý và cũng không ngờ có một bóng người đứng ở cổng từ bao giờ nhìn hắn qua khung cửa sổ mở.
- Cát Xuyên Mộc - Ồ, Hồ Điểu lão bá ! Đến từ bao giờ, sao không lên tiếng ?
Tiếng cười khe khẽ qua cái miệng móm:
- Đến từ lâu. Đại hiệp luyện võ chăng ?
- Không, vãn bối thử kiếm. Thanh kiếm mới đưa người ta sửa lại. Mời lão bá vào trong này.
Nhà Cao Mục Lân ở trên cao, tại một nơi được gọi là đồi Lãm Nguyệt, nhở
cảnh trí khoảng khoát, từ lưng chừng đồi đã có thể ngắm trăng một cách
dễ dàng ngay từ khi trăng mới tỏ. Phòng Cát Xuyên Mộc ở trông ra vịnh
đằng xa. Những đêm trăng sáng, mây với nước cùng màu, mặt biển đẫm ánh
trăng lung linh mờ ảo không phân biệt được đâu là trời đâu là nước, đẹp
lạ lùng. Nhưng Cát Xuyên Mộc không bao giờ để ý.
- Chà ! Đại hiệp có căn phòng mát mẻ quá ! Không sợ đâm lười ra ư ?
Cát Xuyên Mộc mỉm cười cải chính:
- Nhà này của Cao Mục Lân, vãn bỗi chỉ ở nhờ. Vả chăng, vãn bối đâu phải là Mãn Hà Chí !
Bà Hồ Điểu không nhận ra lời nói chọc, hay có nhận ra cũng vờ như không biết.
Bà cúi tìm trong thắt lưng một mảnh giấy đưa cho Cát Xuyên Mộc rồi nói:
- Chả có gì làm quà, có bài kệ hiếu tử để đại hiệp đọc những lúc nhàn rỗi. Ta chép một ngàn bài cơ đấy !
- Một ngàn bài ! Nhiều thế ?
Cát Xuyên Mộc cầm tờ giấy liếc qua đoạn đầu:
Trên mọi nẻo đường đời Vạn sự do nhân duyên Nhân chính là hạt giống
Duyên xúc tác môi sinh Nhìn vào thân chúng ta Duyên chính là cha mẹ Khổ
nhọc thuở sinh ra Dưỡng nuôi từ tấm bé.
...
Hắn đặt tờ giấy xuống:
- Hay lắm, cảm ơn lão bá, để rồi vãn sinh sẽ xem sau.
- Quạ còn biêt tha mồi mớm cho mẹ, vượn biết săn sóc cho già, con người
mà không có lòng hiếu thì thua cả loài cầm thú. Ta thấy bây giờ lòng
người đen bạc, tình cha con, nghĩa vợ chồng hỏng cả, nên bỏ công chép
bài kệ này phổ biến. Đại hiệp thấy ai muốn có kệ tụng thì cho ta biết,
ta mang đến.
Cát Xuyên Mộc quay đi giấu nụ cười thầm và hỏi sang chuyện khác:
- Tấm giấy cáo thị vãn sinh viết cho lão bá, lão bá đã cho người đem dán khắp nơi chưa ?
- Lâu rồi, nhưng chẳng thấy kết quả gì. Nó vẫn trốn chui trốn nhủi ở đâu chứ có ra mặt đâu.
Đoạn hạ thấp giọng:
- Này, khi đến đây, ta thấy có một người khả nghi lắm. Gã cũng mặc rách
rưới kiểu kiếm sĩ lang bạt như thằng Thạch Đạt Lang, nhưng không phải
nó. Thấy ta, gã nhìn một lúc rồi lủi vào bờ giậu mất.
Cát Xuyên Mộc nhíu mày:
- Ai vậy kìa ?
- Gã này đã đứng tuổi. Đại hiệp nên cẩn thận.
Cát Xuyên Mộc gật đầu cám ơn, gọi người nhà mang dưa ra đãi khách. Cả
hai vừa ăn dưa vừa chuyện vãn. Bà Hồ Điểu than thở đã lâu lắm, có đến
mấy năm nay chẳng gặp mặt con, tuổi già càng ngày càng yếu nên mọi việc
đều trông cậy cả vào Cát Xuyên Mộc chứ chẳng mong gì ở thằng Mãn Hà Chí. Bà vừa nói vừa khóc.
Chán ngấy vì đã nghe chuyện gia đình bà nhiều lần, lại không hiểu kẻ nào theo dõi mình nên trong lòng băn khoăn nên trong, Cát Xuyên Mộc chỉ đưa đà cho có lệ. Câu chuyện trở thành nhạt nhẽo. Ngoài kia trăng đã lên,
lấp ló ngọn cây. Thấy không tiện ngồi thêm, bà Hồ Điểu đứng dậy cáo
biệt.
Tiễn khách ra cổng xong trở vào, Cát Xuyên Mộc khoanh tay gối đầu nằm
ngửa trên chiếu, mắt xa vắng. Đèn chưa thắp, muỗi bay vo ve hắn cũng mặc kệ. Qua khung cửa sổ mở, ánh trăng chênh chếch chiếu vào in bóng những
ngọn cây rung động lên vách.
Chiều xuống đã lâu mà Cao Mục Lân chưa về. “Chắc đêm nay hắn phải ở lại
trong dinh”, Cát Xuyên Mộc nghĩ thầm rồi dần dần thiếp đi trong tiếng
muỗi cùng những tiếng côn trùng ri rỉ quanh hè.
Dưới chân đồi, một bóng đen vừa nhảy qua hàng giậu. Đêm khuya, trăng lơ
lửng giữa trời, vằng vặc. Lẩn trong những lùm cây thấp, bóng đen phủ
phục, chờ đợi. Rồi như một con ếch, gã bò vào, nhích từng bước, từng
bước, sau mỗi bước lại dừng lại nghe ngóng.
Cát Xuyên Mộc vẫn ngủ say, tiếng ngáy đều đều khiến bóng đen vững dạ. Gã đưa lưỡi kiếm luồn qua khe cửa, nhẹ nhàng đẩy sang bên. Khung cửa lùa
mở hé, êm như ru, bóng đen bò vào, mất hút trong căn phòng tối.
Tiếng ngáy thưa dần, có tiến sột soạt của người vừa trở mình. Bên ngoài, ánh trăng vẫn chan hòa đổ trên những lá trà đen cứng như phủ lên đó một lớp bạc lỏng.
Yên lặng kéo dài chẳng biết bao lâu, một khắc hay mười khắc ? Ý niệm về
thời gian mất hết. Chợt tiếng thét như xé toang màn đêm yên tĩnh và sau
đó là tiếng mũi kiếm cắm phập xuống chiếu ngay chính giữa chỗ Cát Xuyên
Mộc nằm. Một bóng người vọt ra ngoài cửa sổ. Tiếp liền đó, Cát Xuyên
Mộc, tay trái còn giữ bao kiếm, tay phải trỏ mũi “cây sào phơi” vào cổ
họng bóng đen đứng thở hổn hển.
- Ngươi là ai ?
Giọng Cát Xuyên Mộc hết sức bình tĩnh. Như bức tượng đá, hắn không tỏ vẻ gì ngái ngủ hoặc bị khích động sau cuộc tập kích. Bóng đen vẫn đứng yên không đáp.
- Nói ngay ! Ngươi là ai ? Tên gì ?
- Ta thất bại thì ngươi giết ta đi, cần gì hỏi danh tính. Nhưng báo cho ngươi biết phái Hồ Phong sẽ không để ngươi yên.
Cát Xuyên Mộc cười nhạt. Thì ra tên này thuộc phái Hồ Phong đến để trả
thù cho đồng bọn bị hắn giết tại bờ sông Sumida đây ! Một cái xoay tay
nhẹ. Lưỡi kiếm loáng lên như lằn chớp dưới ánh trăng. Tiếng rú tắt nghẹn trong cổ họng và một thây người đổ xuống trước nụ cười thỏa mãn chưa
tắt của Cát Xuyên Mộc.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT