Các phương trình được phân loại bằng lũy thừa cao nhất (giá trị số mũ) của các ẩn số của nó. Nếu lũy thừa này là một thì phương trình là bậc một. Nếu lũy thừa là hai thì phương trình là cấp hai, v.v... Các phương trình ở bậc cao hơn một thì đẻ ra nhiều giá trị có thể có cho các số lượng chưa biết đến của nó. Các giá trị này được biết là các nghiệm.
Phương trình bậc một (phương trình tuyến):
3x - 9 = (nghiệm: X = 3)
Lisbeth Salander kéo cặp kính đen xuống chỏm mũi, hé liếc nhìn từ dưới vành mũ che nắng. Cô thấy người phụ nữ ở phòng 32 đi ra lối ra vào cạnh khách sạn, bước đến một chiếc ghế gấp kẻ vạch xanh đen ở bên bể bơi. Chị ta nhìn chăm chăm xuống đất, chân đi có vẻ do dự.
Salander chỉ nhìn thấy chị ta từ xa. Cô đồ chừng người phụ nữ cỡ ba mươi lăm tuổi nhưng nom chị ta có thể trong quãng hai lăm đến năm mươi. Tóc chị ta màu nâu dài đến vai, mặt trái xoan, thân thể như vừa bước thẳng ra từ một quyển catalô quảng cáo quần áo phụ nữ đặt mua qua mạng. Chị ta mặc bikini đen, dép xăng đan và kính râm màu tím. Giọng nói chị ta pha giọng người Mỹ miền nam. Chị ta ném chiếc mũ che nắng màu vàng xuống cạnh ghế gấp rồi ra hiệu cho người coi quầy bar của Ella Carmichael.
Salander đặt quyển sách đang đọc lên bụng, nhấp cà phê đá rồi thò tay lấy bao thuốc lá. Không quay đầu, cô chuyển tầm mắt sang đường chân trời. Cô có thể nhìn thấy Caribbean qua một nhóm cọ và đỗ quyên ở đằng trước khách sạn. Một du thuyền đang hướng lên phía bắc tới St Lucia hay Dominica. Ngoài xa nữa, cô có thể thấy một con tàu chở hàng màu xám đang đi xuống phía nam theo hướng Guyana. Một làn gió mát làm cho nhiệt độ ban mai có thể kham được nhưng cô cảm thấy một giọt mồ hôi lách luồn vào lông mày mình. Salander chả thiết tắm nắng. Cô bỏ hàng ngày ra ngồi càng xa càng tốt trong bóng râm, ngay bây giờ thì ở dưới mái hiên trên sân trời. Vậy mà cô nâu y thể một quả hạt dẻ. Cô mặc soóc kaki và áo nịt ngực đen.
Cô nghe tiếng nhạc kỳ quái của các trống thép tuôn trào ra từ các loa ở quán bar. Cô không nói ra được chỗ khác nhau giữa Sven - Ingvars và Nick Cave nhưng tiếng trống thép thì mê hoặc cô. Hình như khó có thể làm cho một thùng dầu cũ vang lên được thành nhạc, song càng khó tin hơn nữa rằng cái thùng ấy lại làm ra được thứ âm nhạc không hề giống với bất cứ âm nhạc nào khác trên thế gian này. Cô nghĩ những âm thanh này giống như ma thuật. Cô chợt thấy không yên và lại nhìn người phụ nữ vừa mới được đưa cho một cốc thứ nước màu cam gì đó.
Đây không phải là chuyện của Salander nhưng cô không thể hiểu tại sao người phụ nữ cứ vẫn ở lại. Trong bốn đêm, ngay khi cặp nam nữ vừa đến, Salander đã nghe thấy nỗi kinh hoàng câm nín diễn ra trong gian phòng kế bên. Cô nghe thấy tiếng khóc, những giọng nói thấp trầm, kích động và đôi khi cả tiếng tát tai không sao nhầm lẫn nổi. Người đàn ông chịu trách nhiệm về các cú đánh - Salander cho rằng hắn là chồng chị ta - có bộ tóc sẫm màu duỗi thẳng rẽ ở giữa theo kiểu cổ và có vẻ đang ở Grenada vì công chuyện. Loại công chuyện gì, Salander không rõ nhưng sáng sáng, người đàn ông mặc jacket và cà vạt lại xuất hiện với chiếc cặp, uống cà phê ở quầy bar khách sạn rồi ra ngoài kiếm taxi.
Hắn trở lại khách sạn lúc chiều muộn, bơi và ngồi với vợ bên bể bơi. Họ ăn tối cùng nhau, với cái kiểu mà bề ngoài xem như yên bình và thân yêu. Người phụ nữ có thể đã quá chén chút ít nhưng chuyện chị ta say không hề ồn ào.
Hằng đêm, ngay khi Salander sắp đi nằm với một quyển sách về các bí ẩn của toán học thì cuộc náo động ở phòng kế bên lại bắt đầu. Nghe ra không phải là một trận công kích hẳn hoi. Như chừng nghe qua bức vách Salander cho rằng đây là một trò cãi cọ lặp đi lặp lại, dai dẳng. Đêm qua, Salander đã không kìm được tò mò. Cô ra ban công, lắng nghe qua cửa ban công để mở của cặp vợ chồng này. Trong hơn một giờ đồng hồ, người đàn ông cứ đi đi lại lại trong phòng, nói miết về chuyện anh ta là cứt, không xứng đáng với chị ta. Anh ta nói tái nói hồi rằng chị ta cần phải nghĩ anh ta là phường lừa gạt. Không, chị ta sẽ trả lời như vậy, nhưng lại chẳng làm gì để xoa dịu anh ta. Anh ta càng thêm căng thẳng và hình như đã xô đẩy chị ta. Thế là cuối cùng chị ta đã cho anh ta cái câu trả lời mà anh ta mong đợi... Anh nói đúng, anh là một tên lừa gạt. Và thế là ngay lập tức anh ta túm lấy nó làm lý do nhiếc rủa chị ta. Anh ta gọi chị ta là con đĩ, điều Salander coi là lời kết tội mà nếu như nó nhằm vào cô thì cô sẽ phải có biện pháp đánh trả. Không phải là đánh trả nhưng muốn gì cô cũng đã phải nghĩ một lúc lâu xem liệu cô có nên dùng một kiểu hành động nào đó không.
Salander đã ngạc nhiên nghe câu chuyện cãi vã hiềm thù này, nó thình lình kết thúc với một tiếng gì vang lên như một cái tát. Cô đã đến nước sắp đi ra hành lang khách sạn, đá một cái vào cửa phòng hàng xóm thì im lặng buông xuống gian phòng.
Bây giờ khi quan sát tỉ mỉ người phụ nữ bên bể bơi, cô có thể thấy một vết thâm tím lờ mờ trên vai chị ta và một đường rách xước trên hông, ngoài ra không có thương tích nào khác.
Vài tháng trước, khi Salander đọc một bài báo trong tờ Popular Science ai đó để lại ở sân bay Leonardo da Vinci ở Rome, thì chủ đề tăm tối về thiên văn học hình cầu liền làm nảy nở trong cô một nỗi mê hoặc mơ hồ. Xung động lên, cô đã tìm đường đến hiệu sách đại học ở Rome để mua một vài tác phẩm kinh điển về đề tài này. Nhưng để nắm được môn thiên văn học hình cầu, cô đã phải tự ngập chìm vào trong các bí mật còn mịt mùng hơn nữa của toán học. Trên đường ngao du mấy tháng qua, cô đã đến các hiệu sách đại học khác kiếm thêm nhiều sách nữa.
Việc học của cô không thành hệ thống và không có một mục đích thực sự nào, cho đến khi cuối cùng loáng quáng vào một hiệu sách đại học ở Miami, cô đã vớ được quyển Các chiều kích trong toán học của tiến sĩ L.C. Pamault (Nhà xuất bản Đại học Harvard, 1999). Đó là vào lúc cô sắp đi xuống Florida Keys, bắt đầu cuộc nhảy cóc qua các hòn đảo xuyên khắp vùng biển Caribbean.
Cô đã ở Guadeloupe (hai đêm trong một đống rác ghê tởm), Dominica (vui và thư giãn, năm đêm), Barbados (một đêm ở một khách sạn Mỹ mà cô cảm thấy bị hắt hủi đến phát sợ) và St Lucia (chín đêm). Cô đã tính chuyện ở lại lâu hơn nếu như cô không chuốc hận với một gã lưu manh trẻ ngốc nghếch vốn hay ám các quầy bar của cái khách sạn loàng xoàng cô trọ. Cuối cùng mất kiên nhẫn, cô quại cho hắn một cục gạch vào đầu, làm thủ tục rời khách sạn, đi phà tới St George, thủ đô của Grenada. Trước khi mua vé xuống tàu, cô chưa từng nghe đến xứ sở này.
Cô lên bờ ở Grenada giữa một trận mưa bão nhiệt đới lúc 10 giờ một sáng tháng Mười một. Qua tờ The Caribbean Traveller, cô biết Grenada còn có tên đảo Gia vị và là một trong những nơi sản xuất hạt nhục đậu khấu hàng đầu thế giới. Dân số đảo có 120.000 người nhưng 200.000 người Grenada khác sống ở Mỹ, Canada hay Anh, những con số cho thấy điều gì đó về thị trường việc làm ở quê hương họ. Đất đai là đồi gò ở quanh một ngọn núi lửa ngủ, Grand Etang, nghĩa là cái ao lớn.
Grenada là một trong nhiều thuộc địa cũ nhỏ bé của Anh. Năm 1795, Julien Fedon, một nhà trồng trọt da đen có tổ tiên lai máu Pháp, đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rập theo Cách mạng Pháp. Quân đội đã được cử đến bắn giết, treo cổ hay gây thương tật cho một số lớn người nổi loạn. Điều làm cho chế độ lung lay là ngay những người da trắng nghèo, gọi là dân trắng cùng đinh, petits blancs, cũng đã theo Fedon nổi dậy, chả để ý quái gì đến các ranh giới chủng tộc. Cuộc nổi dậy đã bị nghiền nát nhưng người ta không bao giờ bắt được Fedon; ông tan biến vào vùng núi non Grand Etang và trở thành một huyền thoại như Robin Hood.
Khoảng hai trăm năm sau, năm 1979, một luật gia tên là Maurice Bishop bắt đầu một cuộc cách mạng mới mà sách hướng dẫn du lịch của Salander nói là đã được các chế độ độc tài cộng sản ở Cuba và Nicaragua khơi gợi cảm hứng cho. Nhưng Salander đã có một bức tranh khác về tình hình khi cô gặp Phillip Campbell - nhà giáo, người coi thư viện, nhà truyền giáo dòng Baptist. Cô đã trọ ở một phòng trong nhà khách của ông ít ngày đầu. Nguyên nhân chính là vì Bishop là một nhà lãnh đạo quần chúng nổi tiếng từng hạ bệ một tên độc tài bệnh hoạn, một gã phát rồ lên với những vật thể bay chưa xác định đã từng đem cúng một phần ngân sách quốc gia còm nhom vào việc săn lùng đĩa bay. Bishop đã vận động hành lang cho nền dân chủ kinh tế và du nhập vào đất nước bộ luật đầu tiên về bình đẳng giới. Rồi năm 1983 ông bị ám sát.
Tiếp đó là cuộc tàn sát hơn một trăm con người, gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Các vấn đề phụ nữ và một số lãnh tụ chủ chốt của công đoàn. Rồi Mỹ xâm lược đất nước, dựng nên một nền dân chủ. Chừng nào còn dính dáng đến Grenada thì còn có nghĩa là nạn thất nghiệp tăng từ khoảng 6 phần trăm lên gần 50 phần trăm, là buôn bán cocaine một lần nữa lại trở thành nguồn thu nhập lớn duy nhất. Chán ngán lắc đầu với miêu tả trong sách hướng dẫn của Salander, Campbell cho cô vài ba mánh về các loại người và láng giềng cô nên lánh xa mỗi khi trời tối.
Salander để ngoài tai những lời khuyên của Campbell. Nhưng cô đã tránh giao du với phần tử tội phạm ở Grenada nhờ phải lòng với bãi biển Grand Anse, ngay ở phía nam St George, một bãi biển thưa thớt dân cư kéo dài hàng dặm. Cô thậm chí có thể đi dạo ở đó hàng giờ mà không phải nói chuyện hay gặp một ma nào khác. Cô chuyển đến Keys, một trong ít khách sạn Mỹ ở Grand Anse, ở lại đó bảy tuần, không làm gì khác ngoài đi dạo trên bãi biển và ăn thứ quả dân địa phương gọi là quả “ngửa cằm”, nó làm cho cô nhớ đến quả lý gai chua chua ở Thụy Điển - và cô thấy nó ngon.
Đang mùa vãn khách, chỉ một phần ba số phòng của khách sạn Keys có người trọ. Vấn đề duy nhất là cả sự tĩnh lặng lẫn việc bận bịu với các bài toán của cô đều đã bị nỗi kinh hoàng lí nhí ở gian phòng kế bên phá quấy.
Mikael Blomkvist bấm chuông nhà Salander ở Lundagatan. Anh không mong đợi cô mở cửa, nhưng đã thành nết, hàng tuần hay hơn thế anh đến gọi cửa nhà cô xem liệu mọi sự có gì thay đổi không. Nhấc nắp thùng thư, anh nhìn thấy vẫn một đống thư rác như cũ. Đã khuya và quá tối để xem đống thư đã lớn lên bao nhiêu từ lần anh tới trước. Anh đứng ở đầu cầu thang một lúc rồi thất vọng quay gót.
Anh thong thả trở về nhà mình ở Bellmansgatan, uống một ít cà phê, xem qua các tờ báo chiều trước khi mục Rapport trên tivi bắt đầu. Anh cáu kỉnh và phiền muộn không biết Salander ở đâu. Anh thấy bồn chồn thấp thỏm và nghĩ quanh nghĩ quẩn xem điều gì đã xảy ra.
Anh đã mời Salander đến căn nhà nhỏ của anh ở Sandham nghỉ lễ Noel. Họ đã đi dạo dài dài, bình thản bàn đến ảnh hưởng của các sự kiện bi thảm hai người từng dính vào năm ngoái, rồi Blomkvist nhảy sang chuyện mà anh bắt đầu cho là một khủng hoảng đến quá sớm ở giữa chừng đời. Anh đã bị tố cáo vu khống và ngồi tù hai tháng, sự nghiệp chuyên môn ở tư cách nhà báo của anh đã rơi xuống cống và anh đã ít nhiều phải bẽ bàng từ chức chủ bút của tạp chí Millennium. Nhưng đến đó mọi sự đã thay đổi hẳn. Một tiểu ban viết tự truyện của nhà công nghiệp Henrik Vanger - điều anh coi là một kiểu trị liệu được đài thọ hậu hĩnh đến ngớ ngẩn - hóa ra đã thành cuộc săn lùng hãi hùng một kẻ sát nhân hàng loạt.
Trong lần săn người này anh đã gặp Salander. Blomkvist bất giác sờ vào vết sẹo mờ mà cái nút thòng lọng để lại ở dưới tai trái anh. Không chỉ giúp anh tìm ra lõng kẻ giết người - Salander còn cứu mạng anh.
Dần dà cô đã làm anh ngạc nhiên về các tài năng kỳ lạ của cô - cô có một trí nhớ máy ảnh và các chiêu sử dụng máy tính cực kỳ siêu. Blomkvist coi mình rút cục là một dân mù tin học còn Salander thao túng các máy tính cứ tựa như cô đã ký một hiệp ước với quỷ sứ vậy. Anh đã đi tới chỗ nhận ra cô là một tin tặc tầm cỡ thế giới, và thuộc vào một cộng đồng quốc tế chuyên môn hiến mình vào tội ác tin học ở cấp bậc cao nhất - và không chỉ đấu tranh chống lại nó - cô là một truyền kỳ. Cô chỉ được biết đến ở trên mạng với cái tên Ong Vò Vẽ.
Cô có bản lĩnh lọt thoải mái vào các máy tính người khác, chính nó đã cho anh dữ liệu để biến nỗi nhục nghề nghiệp của anh thành ra cái gọi là “vụ Wennerstrom” - một tin giật gân mà năm ngoái còn là đề tài của cảnh sát quốc tế điều tra vào các tội ác tài chính vẫn bị xếp xó. Rồi Blomkvist đã được mời xuất hiện ở sô gặp gỡ nhân vật trên tivi.
Lúc ấy, năm ngoái, nghĩ đến tin giật gân này anh rất hài lòng - như để phục thù và cũng như phục hồi danh dự. Nhưng sự hài lòng đã xẹp mau. Trong vòng vài tuần anh phát ốm và mệt vì phải trả lời các câu hỏi giống nhau của các nhà báo và cảnh sát tài chính. Tôi xin lỗi nhưng tôi không thể lộ nguồn tin. Khi một nhà báo của tờ báo tiếng Anh Azerbaijan Times đi cả một thôi đường đến Stockholm để hỏi anh vẫn những câu tương tự thì giọt nước đã làm tràn li. Blomkvist cắt các buổi phỏng vấn xuống ngắn nhất, anh mới chỉ dịu đi mấy tháng gần đây, khi người phụ nữ của chương trình She trên TV4 kéo anh vào chuyện, và điều này chỉ xảy ra vì cuộc điều tra xem vẻ đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Cộng tác của Blomkvist với người phụ nữ của TV4 đã có một chiều kích khác. Chị là nhà báo đầu tiên chộp lấy câu chuyện và vào buổi tối Millennium tung bài báo ra, nếu không có chương trình của chị thì tác động của nó có thể đã không được mạnh như thế. Mãi sau Blomkvist mới biết chị đã phải sôi máu sôi nước mắt lên để thuyết phục giám đốc phát hành của chị cho phát sóng. Người ta đã chống lại mạnh mẽ việc cho “tay hề kia” ở Millennium nổi bật lên và ngay cả lúc lên hình, cũng không thể chắc chắn rằng câu chuyện sẽ lại được dàn đại bác của các luật sư bên phía công ty cho nó kết thúc êm thấm. Mấy đồng nghiệp lão luyện hơn đã lắc đầu từ chối và bảo chị rằng nếu chị lầm thì sự nghiệp của chị chấm dứt. Chị đã kiên quyết và buổi phát hình trở thành sự kiện của năm.
Trong tuần đầu tiên ấy, chị đã tự phụ trách lấy nội dung - dẫu sao chị cũng là phóng viên duy nhất nghiên cứu thấu đáo đề tài - nhưng trước một ít, Blomkvist nhận thấy tất cả các góc cạnh mới mẻ trong câu chuyện đều đã bị trao cho các đồng nghiệp nam. Quanh quẩn Năm mới, qua luồng tin riêng, Blomkvist nghe tin chị đã bị chèn hất ra với cớ là phải các phóng viên tài chính có kinh nghiệm mới được đảm trách một bài báo quan trọng như thế chứ không phải một đứa gái ranh từ Gotland hay Berslagen hay bất kỳ cái xó nào đến. Lần sau TV4 gọi, Blomkvist giải thích thẳng thắn rằng anh chỉ trả lời nếu là “nàng” đặt câu hỏi. Im lặng, xưng xỉa tiếp theo mấy ngày liền rồi đám trai ở TV4 đầu hàng.
Thích thú của Blomkvist trong vụ Wennerstrom nhạt đi trùng với việc Salander biến khỏi đời anh. Anh vẫn không hiểu nổi điều gì đã xảy ra.
Sau Noel hai hôm, họ chia tay nhau rồi anh không gặp cô những ngày còn lại trong tuần. Hôm trước Năm mới, anh điện thoại gọi cô nhưng không có trả lời. Giao thừa Năm mới anh hai lần đến bấm chuông nhà cô. Lần đầu đèn sáng nhưng cô không trả lời cửa. Lần sau đèn không sáng. Ngày đầu Năm mới anh lại gọi và vẫn không có trả lời nhưng anh được tin nhắn của công ty điện thoại cho hay không thể liên lạc được với chủ thuê bao.
Trong ít ngày sau anh đã gặp cô hai lần. Đầu tháng Giêng, khi gọi điện không tìm được cô, anh đến tận nhà, ngồi chờ trên bậc tam cấp cạnh cửa trước. Anh mang theo một quyển sách và bướng bỉnh chờ liền bốn tiếng rồi thì cô hiện ra ở cổng chính, ngay trước 11 giờ đêm. Mang một cái hộp màu nâu, khi thấy anh, cô dừng phắt lại.
- Chào Lisbeth. - Anh nói, gấp sách lại.
Cô nhìn anh, dửng dưng, không có dấu hiệu ấm áp hay thậm chí cả tình bạn trong mắt. Rồi cô đi ngang qua anh, tra chìa vào cửa.
- Không mời cà phê được ư? - Anh nói.
Cô quay lại, trầm giọng nói:
- Ra khỏi đây. Từ nay tôi không muốn gặp lại anh nữa.
Rồi cô đóng cửa trước mũi anh và anh nghe thấy tiếng khóa cửa ở bên trong. Anh bàng hoàng.
Ba hôm sau, anh đi xe điện ngầm từ Slussen đến ga trung tâm, khi đoàn xe đỗ ở Gamla Stan, anh ngó ra cửa sổ thì cô đang đứng ở ke cách không tới hai mét. Anh thấy cô đúng lúc cửa xe đóng lại. Trong năm giây, cô nhìn thẳng qua anh, tựa như anh chả là gì khác với không khí, rồi cô quay gót đi ra khỏi tầm mắt anh, lúc đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh.
Ý tứ thế là không thể lầm được. Cô không muốn liên quan gì hết với anh. Giống như xóa bỏ các tập tin ra khỏi máy tính, cô đã cắt anh ra khỏi đời cô, không giải thích, dứt khoát và y như bằng dao kéo vậy. Cô đã thay số điện thoại di động và không trả lời các thư điện tử.
Blomkvist thở dài, tắt tivi, đi đến cửa sổ nhìn ra Tòa Thị chính.
Có lẽ thưa đến nhà cô, anh đã phạm sai lầm. Thái độ của Blomkvist luôn luôn là nếu một phụ nữ tỏ cho thấy rõ người ấy không muốn dính gì với anh nữa thì anh nên đường anh mà đi thôi. Theo anh, không theo thông điệp ấy là chứng tỏ thiếu tôn trọng với người phụ nữ.
Blomkvist và Salander đã ngủ với nhau. Đấy là cô chủ động và chuyện này kéo dài nửa năm. Nếu cô quyết định kết thúc vụ này - cũng khá ngạc nhiên như lúc mở đầu - thì với Blomkvist cũng OK thôi. Đây là do cô quyết định. Anh chả có khó khăn gì với vai bạn trai cũ - nếu anh là thế thật - nhưng việc Salander dứt khoát xua đẩy anh thì lạ. Anh không yêu cô - đại khái họ không thuộc vào loại có thể yêu nhau - nhưng anh rất mến cô và thật tình nhớ cô, cái nhớ này nó làm anh cáu kỉnh như cô đôi khi cũng thế. Anh đã nghĩ hai người ưa nhau là câu chuyện có qua có lại. Tóm lại, anh cảm thấy mình giống một thằng ngốc.
Anh đứng hồi lâu ở cửa sổ.
Cuối cùng anh quyết định. Nếu Salander ít nghĩ đến anh tới mức không buồn chào anh cả khi hai người gặp nhau ở xe điện ngầm thì vậy là tình bạn của họ rõ ràng đã kết thúc và tổn thất này là không thể nào bù đắp được. Anh sẽ không nên mưu tính tiếp xúc với cô nữa làm gì.
Salander nhìn đồng hồ và nhận thấy tuy ngồi trong bóng râm hoàn toàn yên tĩnh, cô vẫn đầm đìa mồ hôi. Đang 10 giờ rưỡi. Cô ghi nhớ một công thức toán dài ba dòng và gấp cuốn Các chiều kích trong toán học lại. Rồi cô nhặt chìa khóa cùng gói thuốc lá trên bàn. Phòng cô ở tầng bốn, tức là tầng trên cùng khách sạn. Cô lột quần áo ra, đi vào tắm vòi hoa sen.
Một con thằn lằn xanh dài hai chục phân ở bức tường ngay dưới trần nhìn cô trừng trừng. Salander nhìn trừng trừng lại nhưng không làm cử chỉ gì để hù nó bỏ đi. Trên đảo đâu đâu cũng có thằn lằn. Chúng đến qua các mành cửa sổ để mở, dưới cửa ra vào hay lỗ thông hơi trong buồng tắm. Cô thích có bạn chung phòng mà vẫn để cô yên. Nước gần như lạnh buốt và cô ở dưới vòi nước năm phút cho người nguội đi.
Khi quay lại phòng cô đứng trần truồng ở trước gương trên tủ quần áo, thú vị quan sát thân thể mình. Cô vẫn chỉ cân nặng bốn chục ký và cao một mét tư. Thôi, cô chả làm được gì nhiều cho chỗ này đâu. Tay chân cô mảnh dẻ như búp bê, những ngón tay nho nhỏ và mông miếc gần bằng không.
Nhưng bây giờ vú vê cô đã có.
Cả đời cô vốn lép ngực, tựa hồ cô chưa từng dậy thì. Cô nghĩ như thế nom buồn cười và cô luôn không thoải mái mỗi khi để lộ thân hình trần truồng ra.
Nay thình lình cô có vú. Chúng không hề đồ sộ - cô cũng không muốn thế mà nếu thật như thế thì nằm trên cơ thể xương xẩu của cô nom nó sẽ buồn cười - mà là một đôi vú rắn chắc, tròn trịa, cỡ trung bình. Việc sửa cho vú to lên phải chăng đã làm cho cô tự tin hơn.
Cô đã ở năm tuần trong một bệnh viện ở bên ngoài Genoa để cấy lớp độn nó tạo nên cấu trúc cho bộ vú mới. Bệnh viện và các bác sĩ ở đây có tên tuổi nổi nhất tuyệt đối ở toàn châu Âu. Bác sĩ của cô, một phụ nữ sắt đá tên là Alessandra Perrini, bảo rằng ngực của cô kém phát triển không bình thường, do đó tiến hành việc sửa cho vú to ra có thể là vì lý do y học.
Hồi sức hậu phẫu không hề đau đớn nhưng vú cô nom và cảm thấy hoàn toàn bình thường, đến nay các vết sẹo gần như không còn trông thấy. Cô không hối tiếc chút nào quyết định của mình. Cô vui. Thậm chí sáu tháng sau, mỗi khi đi qua một tấm gương, với vú để trần, cô đều không thể không dừng lại mà cảm thấy thích thú rằng chất lượng sống của mình đã được cải thiện.
Trong thời gian ở bệnh viện tại Genoa, cô cũng cho xóa một trong chín hình xăm - con vò vẽ dài 25 phân - ra khỏi cổ bên phải của cô. Cô thích các hình xăm của mình, đặc biệt con rồng ở bả vai trái. Nhưng con vò vẽ quá lộ liễu và nó làm cho cô dễ bị nhớ hay nhận dạng, vết xăm đã được xóa bằng xử lý laser, khi lần ngón tay trên cổ, cô có thể cảm thấy vết sẹo mờ mờ. Kiểm tra kỹ sẽ cho thấy ở chỗ từng là hình xăm thì làn da rám nắng của cô có hơi sáng hơn, song nhìn thoáng qua thì chả có gì đáng để ý. Cô đã tốn 190.000 curon cho việc nán lại ở Genoa.
Điều này cô cho phép mình làm được.
Cô thôi nghĩ lan man trước gương rồi mặc quần chẽn gối, nịt vú vào. Hai hôm sau khi rời bệnh viện ở Genoa, lần đầu tiên trong hai mươi lăm năm đời mình, cô vào một cửa hiệu quần áo lụa là, đăng ten mua những thứ trước đây cô chưa từng cần đến bao giờ. Từ nay bắt đầu tuổi hai mươi sáu, cô mặc nịt vú với đôi chút hài lòng.
Cô mặc jean và áo phông đen với khẩu hiệu CẢNH CÁO ĐẤY!. Cô tìm dép xăng đan, mũ che nắng rồi quàng một túi đen lên vai.
Đi qua gian sảnh, cô nghe thấy tiếng lầm rầm từ một nhóm khách của khách sạn ở quầy tiếp tân ngoài cùng. Cô chậm chân lại và dỏng tai.
- Mẹ ấy mới nguy hiểm làm sao chứ? - Một phụ nữ da đen lớn tiếng nói với giọng châu Âu. Salander nhận ra bà ta là một người trong nhóm du lịch từ London đến đây đã mười ngày.
Freddy McBain, giám đốc tiếp tân tóc bạc nom lo lắng, ông luôn chào Salander với nụ cười thân thiện. Ông đang bảo đảm với khách rằng các chỉ dẫn sẽ được đưa ra cho tất cả các vị khách và chừng nào họ làm đúng nguyên văn các chỉ dẫn thì không có lý gì phải lo. Ông liền nhận một loạt tới tấp các câu hỏi.
Salander cau mày đi ra khỏi bar, tìm thấy Ella Carmichael ở đằng sau quầy.
- Tất cả trò vè này là về cái gì thế? - Cô nói, ngón tay cái chĩa thẳng vào quầy tiếp tân.
- Matilda đang đe đến thăm chúng ta.
- Matilda?
- Matilda là một trận bão cấp 8 hình thành ở ngoài khơi Brazil mấy tuần trước, hôm qua đã xộc thẳng qua Paramaribo, thủ đô của Surinam. Chả ai hoàn toàn biết chắc hướng nó đến sẽ là đâu - có thể xa hơn về phía bắc, vào Hoa Kỳ. Nhưng nếu nó theo bờ biển về phía đông thì Trinidad và Grenada sẽ lọt vào trong đường đi của nó. Vậy là có thể nổi lên ít gió máy.
- Tôi nghĩ đã hết mùa bão cấp 8 rồi chứ.
- Đúng. Đó thường là tháng Chín tháng Mười. Nhưng hồi này chả biết thế nào mà nói, vì có quá nhiều nhiễu loạn thời tiết rồi hiệu ứng nhà kính và đủ mọi thứ.
- OK. Nhưng cho là bao giờ thì Matilda đến?
- Sắp.
- Tôi có cần làm gì không?
- Bão lớn không phải là để ta giỡn với nó đâu. Những năm 70 một trận bão đã tàn phá Grenada rất nhiều. Mười một tuổi, sống ở một thị trấn trên mạn Grand Etang, trên đường tới Grenville, tôi không bao giờ quên được cái đêm hôm ấy.
- Hừm.
- Nhưng cô không phải lo. Thứ Bảy cứ ở gần khách sạn. Gói các thứ cô không muốn bị mất thành một cái bọc - giống như chiếc máy tính cô vẫn nghịch ấy - rồi chuẩn bị đem nó đi cùng nếu phải xuống hầm rượu tránh bão. Có thế thôi.
- Nhất trí.
- Cô muốn uống gì không?
- Không, cảm ơn.
Salander bỏ đi không chào. Ella Carmichael mỉm cười, nín nhịn. Chị đã mất hai tuần để quen được với các kiểu cách độc đáo của cô gái quái dị này, để nhận ra rằng cô gái không có chơi trò ta đây - mà thực ra tính cách cô ta hoàn toàn ngược lại cái kiểu “ta đây” ấy. Nhưng cô ta trả tiền các thức uống chả hề bận lòng, sống tương đối thanh đạm, giữ gìn bản thân và không bao giờ gây chuyện rắc rối.
Giao thông ở Grenada gồm chủ yếu các xe buýt con con trang hoàng theo tưởng tượng và chạy không có thời gian biểu hay thể thức nào khác. Xe chạy ban ngày ban mặt. Sau tối, không có xe riêng thì khó lòng mà đi lại quanh quẩn.
Salander chỉ phải chờ ít phút trên con đường tới St George thì một trong những chiếc xe buýt kia lăn tới. Anh tài là một người Jamaica, hệ loa trên xe đang chơi hết âm lượng “Không đàn bà, không khóc lóc”. Cô bịt tai lại, trả tiền vé rồi co rúm vào bên một phụ nữ đẫy đà, tóc hoa râm cùng hai đứa con trai mặc đồng phục trường học.
St George ở trên một vịnh hình chữ U do con sông Carenage tạo thành. Quanh bến cảng nổi lên các quả đồi dốc lốm đốm những ngôi nhà và các tòa cao ốc kiểu thuộc địa cũ, với đồn Rupert vắt vẻo chìa thè lè ra bên ngoài ở trên chỏm một vách đá dựng ngược.
St George là một thị trấn chen chúc, bó cứng lại với những phố hẹp và nhiều hẻm. Các ngôi nhà trèo lên mọi sườn đồi dốc, không có chỗ bằng phẳng nào rộng hơn bãi kết hợp chơi bóng cricket và đường đua xe ở đầu đằng bắc thị trấn.
Cô rời cảng, đi bộ đến nhà Điện tử MacIntyre ở trên đỉnh một con dốc ngắn ngủn. Gần như mọi sản phẩm bán ở Grenada đều nhập từ Mỹ hay Anh cho nên đắt gấp đôi ở nơi khác, nhưng ít ra cửa hàng cũng có máy lạnh.
Bộ pin siêu cấp cô đặt mua cho máy tính PowerBook Apple của cô (G4 titan với một màn hình 43 phân) cuối cùng đã tới. Ở Miami cô đã mua một Palm PDA với một dàn phím gấp mà cô có thể dùng để soạn thư điện tử và mang dễ dàng trong túi khoác vai thay vì chiếc PowerBook kéo lê bên người, nhưng nó là một thế phẩm tội nghiệp cho màn hình 43 phân. Pin chính gốc bị hỏng, chỉ chạy nửa giờ là phải sạc lại, điều chả khác nào một lời chửi rủa khi mà cô đang muốn ra ngồi ngoài sân trời bên bể bơi. Việc cung cấp điện ở Grenada cũng đáng chê trách lắm. Trong các tuần ở đây, cô đã trải qua hai phen dài mất điện hoàn toàn. Cô trả tiền bằng một thẻ tín dụng mang tên Công ty Vò vẽ, nhét bộ pin vào túi khoác vai rồi quay thẳng trở lại vào cái nóng giữa trưa.
Cô ghé ngân hàng Barclays, rút ra 300 đôla Mỹ rồi xuống chợ mua một bó cà rốt, nửa tá xoài, một chai nước khoáng lít rưỡi. Nay túi khoác vai của cô đã nặng lên nhiều, khi trở về cảng, cô thấy đói và khát. Cô tính đến món nhục đậu khấu trước nhưng cửa vào nhà ăn đã chật ních người chờ. Cô đi tiếp đến Turtleback yên tĩnh hơn ở đầu đằng kia cảng. Tại đấy cô ngồi ở hàng hiên, gọi một đĩa mực ống với khoai tây rán cùng một chai Carib, thứ bia địa phương. Cô nhặt một tờ Grenadian Voice người ta quăng đó, đọc trong hai phút. Món lý thú duy nhất là một bài báo cảnh báo cơn bão Matilda có thể tới. Bài báo được minh họa bằng bức ảnh cho thấy một ngôi nhà hư hại, gợi nhớ lại cuộc tàn phá do trận bão lớn gần đây ập vào hòn đảo này gây nên.
Cô gấp tờ báo, tợp một hơi vào chai Carib rồi nhìn thấy người đàn ông buồng 32 từ trong bar đi ra ngoài hiên. Một tay ông ta xách chiếc cặp nâu, tay kia cầm một cốc lớn Coca Cola. Mắt ông ta lướt qua không nhận ra cô rồi ông ngồi xuống chiếc ghế dài ở đầu hiên đằng kia, nhìn dõi vào mặt nước xa xa.
Xem vẻ hoàn toàn bận bịu, ông ta im lặng ngồi đấy chừng sáu bảy phút, Salander quan sát, rồi ông ta nâng cốc lên uống ba ngụm dài. Ông ta lại đặt cốc xuống và bắt đầu nhìn mãi ra biển. Một lúc sau cô mở túi lấy Các chiều kích trong toán học ra.
Cả đời Salander thích các câu hỏi và câu đố. Khi cô lên chín, mẹ cô cho cô một khối vuông Rubik. Chỉ mất có bốn chục phút loay hoay là cô đã hiểu cách xoay xở với nó. Sau đó giải các câu đố câu hỏi, cô chẳng có bất cứ một khó khăn nào. Cô không bao giờ bỏ lỡ các bài thử trí thông minh trên các tờ báo; năm hình vẽ dáng dấp lạ và câu đố là đủ để cô cho ra cái hình vẽ thứ sáu. Với cô, câu trả lời bao giờ cũng trông thấy rõ lù lù.
Ở trường tiểu học cô học cộng, trừ. Còn nhân, chia và hình học là do cô tự mở rộng. Cô có thể tính nhẩm hóa đơn trong nhà ăn, tạo ra một hóa đơn và tính đường đi của một viên đại bác bắn ở một tốc độ và góc độ nào đó. Chuyện dễ ẹc. Nhưng trước khi đọc bài báo trong Popular Science, cô chưa bao giờ thắc mắc với toán học hay thậm chí nghĩ rằng bảng cửu chương là toán học. Đó là một cái gì đó cô ghi nhớ trong một buổi chiều ở trường và cô không hiểu tại sao thầy giáo lại cứ phải quanh năm suốt tháng đập bàn đập ghế vì nó.
Rồi khá thình lình, cô cảm thấy cái lôgíc sắt đá, cái thứ chắc là nằm ở sau lập luận và công thức, nó đã dẫn cô tới khu vực toán học của cửa hiệu sách đại học. Nhưng phải đến khi cô bắt đầu với cuốn Các chiều kích trong toán học thì toàn bộ một thế giới mới mẻ mới mở ra với cô. Toán học thật sự là một câu hỏi lôgíc với vô cùng tận các biến hóa - các câu đố có thể giải đáp được. Bí quyết không phải ở trong việc giải các bài toán. Năm lần năm cứ sẽ mãi mãi là hai mươi lăm. Bí quyết là hiểu các phối hợp của nhiều quy tắc khác nhau nó khiến cho ta có thể giải được bất kỳ một bài toán nào.
Nói cho chặt chẽ thì Các chiều kích trong toán học không phải là sách giáo khoa, mà là một cục gạch 1.200 trang về lịch sử toán học từ Hy Lạp cổ đại đến thời hiện đại với ý định giúp hiểu môn thiên văn học hình cầu. Nó được coi là Kinh Thánh, cùng đẳng cấp với cái mà Arithmetica của Diophantus muốn nói lên (và vẫn còn đang nói) với các nhà toán học nghiêm túc. Lần đầu khi mở Các chiều kích trong toán học trên sân trời khách sạn bãi biển Grand Anse ra, cô đã bị hút vào một thế giới mê hoặc của các con số. Tác giả viết quyển sách này vừa là nhà sư phạm vừa là người làm vui bạn đọc bằng những câu chuyện, những vấn đề đáng sửng sốt. Cô có thể lần theo toán học từ Archimedes đến Phòng thí nghiệm Sức đẩy Máy bay phản lực ở California. Cô đã được đưa dắt vào các phương pháp mà ở đó họ dùng để giải quyết các vấn đề.
Đặt ra trước Công nguyên 500 năm, phương trình Pythagore (x2 + y2 = z2) là một sự giáng lâm. Lúc ấy, Salander hiểu ra ý nghĩa của cái điều mà cô nhớ được từ một số khá ít giờ học ở trường phổ thông. Trong một tam giác vuông góc, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh khác kia. Cô đã bị quyến rũ bởi phát hiện của Euclide khoảng 300 năm trước Công nguyên cho rằng một con số hoàn hảo luôn là một bội số của hai con số, trong đó một con số là một lũy thừa của 2 và con số thứ hai là hiệu giữa lũy thừa tiếp theo của 2 và 1. Đây là một cải tiến của phương trình Pythagore, cô có thể nhìn thấy vô cùng tận các tổ hợp.
6 = 21 x (22 - 1)
28 = 22 x (23 - 1)
496 = 24 x (25 - 1)
8128 = 26 x (27 - l)
Cô có thể tiếp tục miên man mãi mà không tìm thấy một con số nào phá vỡ được quy tắc này. Đây là một lôgíc nó gợi cho Salander cảm thức về tuyệt đối. Với niềm lạc thú thuần túy, cô tiến lên qua Archimedes, Newton, Martin Gardner và cả chục các nhà toán học kinh điển khác.
Rồi cô đi đến chương về Pierre de Fermat, người mà bí ẩn toán học, “Định luật cuối cùng của Fermat”, đã làm cho cô mất bảy tuần ngẩn tò te. Biết rằng gần như trong 400 năm Fermat đã làm cho các nhà toán học điên đầu, thế mà rồi với một quãng thời gian làng nhàng, một người Anh tên là Andrew Wiles đã giải thành công câu đố, mới đây, vào năm 1993.
Định lý Fermat đặt ra một vấn đề hấp dẫn, đơn giản.
Pierre de Fermat sinh năm 1601 ở Beaumont-de-Lomagne tại tây nam nước Pháp. Ông thậm chí không phải là nhà toán học; ông là một viên chức hiến mình cho toán học, coi như thú tiêu khiển riêng. Ông được nhìn nhận là một trong những nhà toán học tự học có nhiều năng khiếu nhất từng tồn tại. Giống Salander, ông thích giải các câu đố, câu hỏi. Ông đặc biệt thích ghẹo các nhà toán học khác bằng việc đề ra các bài toán mà không cấp cho lời giải. Nếu nhà triết học Pháp Descartes nhắc tới Fermat bằng nhiều tính từ giảm giá trị, thì John Wallis, đồng nghiệp người Anh của ông, đã gọi ông là “gã người Pháp chết tiệt kia”.
Năm 1621, một bản dịch Toán học của Diophanus bằng chữ Latinh đã được ấn hành, nó chứa đựng một sưu tập đầy đủ các lý thuyết về con số mà Pythagore, Euclid và các nhà toán học cổ xưa đã đặt ra. Chính giữa lúc đang nghiên cứu phương trình Pythagore mà trong một khắc xuất thần thuần túy thiên tài, ông đã sáng tạo ra bài toán bất tử của mình. Ông đặt ra một biến thể của phương trình Pythagore. Thay vì (x2 + y2 = z2), Fermat chuyển bình phương sang thành lũy thừa ba (x3 + y3 = z3).
Vấn đề là phương trình mới này hình như không có bất cứ lời giải nào cho tất cả các con số. Vậy là bằng một cái ngoéo tay có tính hàn lâm, điều mà Fermat đã làm là biến một công thức có một số lượng vô cùng tận về các lời giải hoàn hảo thành ra một lối cụt không có một lời giải nào hết. Định lý của ông chính là thế - Fermat tuyên bố rằng trong vũ trụ vô biên của các con số, không có một con số trọn vẹn nào mà ở đó một lũy thừa ba lại có thể được biểu hiện ra là tổng của hai lũy thừa ba, và đó là nói chung đối với mọi con số có một lũy thừa lớn hơn 2, tức là chính ngay bản thân phương trình Pythagore.
Các nhà toán học khác mau chóng tán thành rằng điều này là đúng. Qua thử và sai, họ có thể xác nhận rằng họ không thể tìm ra một con số bác bỏ được định lý của Fermat. Vấn đề đơn giản là cho dù họ có đếm đến tận cùng thời gian thì họ cũng không bao giờ có thể xem xét được tất cả các con số đang tồn tại - dẫu gì chúng cũng là vô cùng tận - và do đó các nhà toán học không thể chắc chắn trăm phần trăm rằng con số tiếp theo sẽ không bác bỏ định lý của Fermat. Trong toán học, các xác nhận đều luôn phải được chứng minh bằng toán học và được diễn đạt bằng một công thức có giá trị và đúng đắn về khoa học. Nhà toán học phải đứng được trên bục giảng mà nói: “Nó là thế này bởi vì...”
Như thói quen của ông, Fermat trắc nghiệm rất nhiều các đồng nghiệp. Ở lề quyển Toán học của ông, bậc thiên tài viết ra bài toán và kết thúc bằng các dòng sau: Cuius rei demonsirationem mirabilem sane detexi hanc marginis exiguitas non caperet. Các dòng này đã trở thành bất tử trong lịch sử toán học: Tôi có một chứng minh thật sự tuyệt vời về cái mệnh đề này nhưng chỗ lề đây quá chật không chứa nổi.
Nếu ý đồ của Fermat là làm cho các cộng sự phát điên thì ông đã thành công. Từ 1637, gần như mỗi nhà toán học tự trọng nào cũng đều đã bỏ thời gian, đôi khi một khoản thời gian rất lớn ra cố tìm chứng minh của Fermat. Các thế hệ những nhà tư tưởng đều đã thất bại cho tới khi Andrew Wiles cuối cùng có được cái chứng minh mọi người hằng chờ đợi. Lúc ấy ông đã suy nghĩ trong hai mươi lăm năm về câu hỏi này, mười năm cuối ông gần như dùng toàn bộ thời gian vào giải bài toán.
Salander đã bối rối. Cô thật sự không quan tâm đến câu trả lời. Cái hay là ở quá trình giải đáp. Khi ai đó đưa ra cho cô một câu đố, cô giải đáp nó. Trước khi hiểu các nguyên tắc lập luận, cô phải mất nhiều thời gian để giải các bí mật của các con số, nhưng cô luôn đi đến câu trả lời đúng trước khi cô tìm kiếm nó.
Cho nên cô lấy một tờ giấy và bắt đầu nghí ngoáy các con số khi cô đọc định lý của Fermat. Nhưng cô không tìm ra được chứng minh cho nó.
Cô không thiết xem chìa khóa giải đáp cho nên cô nhảy tắt sang chỗ cung cấp lời giải của Wiles. Thực tế cô đã đọc hết Các chiều kích và công nhận rằng trong các bài toán khác đề ra trong sách, không có bài toán nào lại khó đến mức cô không thể vượt qua. Rồi ngày ngày cô quay lại với câu đố của Fermat, mỗi lúc một thêm cáu bẳn, nghĩ xem cái gì là “chứng minh tuyệt vời” của Fermat. Cô đi từ tắc tị này sang tắc tị khác.
Khi cô nhìn lên thì người đàn ông phòng 32 đứng dậy đi ra cửa khách sạn. Ông ta đã ngồi ở đây suốt hai giờ mười phút.
Ella Carmichael đặt cốc xuống bar. Từ lâu chị đã nhận thấy thứ đồ uống màu hồng dở ẹc với chiếc dù ú ớ không phải là phong cách Salander. Cô luôn gọi một thức uống, rượu rum và Coke. Trừ một tối khi cô dở chứng và quá say thì Ella đã phải gọi người coi cửa đưa cô lên phòng, còn lại cô thường uống caffè latte cùng một số ít thứ uống khác. Bia Carib chẳng hạn. Cô luôn luôn ngồi ở tít đằng đầu cùng mé bên phải quầy bar, mở một quyển sách nom có những hàng con số rắc rối ở trong, điều mà theo con mắt Ella thì với một cô gái ở tuổi Salander là một sự chọn đọc ngồ ngộ đây.
Chị cũng nhận thấy Salander xem vẻ không có chút thú vị nào với việc được cánh đàn ông nhót đi. Một ít người lẻ loi từng ướm lời đã bị từ chối tử tế nhưng kiên quyết, và trong một trường hợp không tử tế lắm. Một gã đại lãn sở tại, Chris MacAllen, người đàn ông bị thu dọn quá đột ngột này có thể đã có một chiêu hay hay. Cho nên Ella không quá bận tâm việc hắn ta như thế nào đó lại loạng choạng ngã xuống bể bơi sau khi quấy quả quý cô Salander suốt cả một buổi tối. Với tấm lòng của MacAllen, hắn ta không hề tức tối. Tối sau hắn lại trở lại, hoàn toàn tỉnh rượu, ngỏ lời mua một chai bia cho Salander, điều mà sau một chút ngập ngừng cô nhận. Từ đấy khi thấy nhau ở bar họ lại chào hỏi nhau lịch sự.
- Mọi sự OK chứ?
Salander gật đầu, cầm cốc lên.
- Có tin gì về Matilda không?
- Vẫn hướng đến chúng ta. Có thể là một cuối tuần thật sự tồi tệ đây.
- Khi nào thì chúng ta biết?
- Nó đến rồi mới thật biết được. Nó có thể hướng thẳng đến Grenada nhưng tới phút cuối cùng thì lại quyết định quặt lên phía bắc kia mà.
Lúc ấy nghe thấy tiếng cười hơi quá to, hai người quay lại thấy bà ở phòng 32 có vẻ đang thú vị về một câu nói nào đó của chồng.
- Những ai đấy?
- Tiến sĩ Forbes nhỉ? Họ là người Mỹ ở Austin, Texas. - Ella Carmichael nói chữ “người Mỹ” với một vẻ khinh khỉnh nào đó.
- Tôi có thể nói họ là người Mỹ nhưng họ làm gì ở đây chứ? Ông ta là một giáo sư thỉnh giảng à?
- Không, không phải kiểu tiến sĩ ấy. Ông ta ở đây thay mặt cho Quỹ Santa Maria.
- Là cái gì vậy?
- Họ đỡ đần việc giáo dục cho những đứa trẻ có năng khiếu. Ông ta là một người tốt. Ông ta đang thảo luận với Bộ Giáo dục đề nghị mở một trường trung học mới ở St George.
- Ông ta là một người tốt hay đánh vợ. - Salander nói.
Ella nhìn xói Salander rồi đi đến đầu bar đằng kia phục vụ mấy người khách địa phương.
Salander nán lại mười phút, mũi chúi vào trong Các chiều kích. Từ trước khi bước vào tuổi dậy thì, cô biết rằng mình có một trí nhớ của máy ảnh và do đó cô rất khác với các bạn cùng lớp. Cô không lộ điều này ra với bất cứ ai - trừ với Blomkvist trong một lúc yếu mềm. Cô đã thuộc lòng quyển Các chiều kích và đang tha nó theo cùng vì nó tiêu biểu cho một liên hệ vật chất với Fermat, tựa như quyển sách đã thành một kiểu bùa chú.
Nhưng tối ấy, cô không thể tập trung vào Fermat hay định lý của ông. Thay vì, trong đầu cô chỉ thấy tiến sĩ Forbes ngồi im lặng, nhìn đăm đăm vào mỗi một điểm xa ngoài biển tại Carenage.
Cô không thể giải thích tại sao, cô biết có một cái gì đó không ổn.
Cuối cùng cô gấp sách lại, đi về phòng, mở máy tính PowerBook. Lướt Internet không gợi ra bất cứ suy nghĩ nào. Khách sạn không có dải tần rộng nhưng cô đã cài một modem vào máy tính và cô có thể kết nối với điện thoại di động Panasonic của cô, nhờ nó cô có thể gửi cũng như nhận email. Cô gõ một thư nhắn cho :
Không có băng thông rộng ở đây. Cần tin về một tiến sĩ Forbes cùng với Quỹ Santa Maria và vợ ông ta, sống ở Austin, Texas. 500 đô Mỹ cho bất kỳ ai tìm kiếm. Vò Vẽ.
Cô gắn khóa bảo mật thư điện công khai PGP, Pretty Good Privacy, rất tốt cho chuyện riêng tư, mã hóa bức thư bằng khóa PGP của Dịch Bệnh và gửi đi. Rồi xem đồng hồ thấy vừa qua 7 rưỡi tối, cô tắt máy tính, khóa cửa, đi dạo bốn trăm mét dọc bãi biển, băng qua con đường tới St George, gõ cửa một ngôi nhà xoàng xĩnh ở đằng sau Rặng Dừa. George Bland mười sáu tuổi và còn đi học. Cậu có ý định trở thành luật sư hay bác sĩ hay có thể là phi hành gia, cậu ta cũng xương xẩu như Salander, có điều cao hơn một chút.
Salander gặp cậu ta trên bãi biển buổi sáng sau hôm cô chuyển tới Grand Anse, cô ngồi dưới bóng vài cây cọ xem đám trẻ con đá bóng bên mép nước. Cô đang mải mê với Các chiều kích thì cậu con trai đến ngồi xuống cát ở cách cô vài mét, có vẻ không để ý thấy cô đã ở đó. Cô im lặng quan sát cậu ta. Một cậu con trai da đen gầy, đi xăng đan, jean đen và một sơ mi trắng. Cậu ta cũng mở một quyển sách và lút chìm vào đó.
Giống cô, cậu ta đọc một quyển toán - Những khái niệm cơ bản 4. Cậu ta bắt đầu nghí ngoáy ghi vào một sách bài tập. Năm phút sau, khi Salander dặng hắng, cậu ta giật mình nhảy lên. Cậu ta xin lỗi đã làm phiền cô và sắp bỏ đi thì cô hỏi có phải cậu ta đang gặp một công thức phức tạp không.
Số học. Một phút sau, cô chỉ ra một lỗi trong tính toán của cậu ta. Nửa giờ sau hai người làm xong bài tập. Một giờ sau hai người đã đi hết toàn bộ chương sau trong sách giáo khoa của cậu ta, cô đã giảng cho cậu cái bí quyết ở đằng sau các bài làm toán học tựa hồ cô là gia sư của cậu vậy. Cậu kinh ngạc nhìn cô. Hai giờ sau cậu bảo cô rằng mẹ cậu sống ở Toronto, bố cậu sống ở Greenville, phía bên kia hòn đảo, còn bản thân cậu ta sống trong căn nhà xoàng xĩnh dọc theo và cách bãi biển một ít đường đất. Cậu là người trẻ nhất trong gia đình, với ba chị.
Salander thấy ở bên cậu ta thư thái lạ lùng. Tình thế không bình thường. Cô xưa nay ít bắt chuyện với người lạ chỉ để mà nói. Đây không phải là vì ngượng. Với cô, chuyện trò là có một chức năng rõ ràng. Tôi đi đến hiệu thuốc như thế nào đây? hay Một buồng ở khách sạn giá bao nhiêu? Chuyện trò cũng có một chức năng nghề nghiệp. Khi cô làm việc với tư cách điều tra viên cho Dragan Armansky tại An ninh Milton, cô không bao giờ ngại nói chuyện lòng thòng nếu là để truy tìm sự việc.
Mặt khác, cô không thích các cuộc tranh luận cá nhân, chúng thường dẫn đến chỗ chõ mũi vào những khu vực cô cho là riêng tư. Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn có thích Britney Spears không? Thì ai? Bạn nghĩ thế nào về tranh của Carl Larsson? Tôi chả nghĩ tí gì về nó sất. Bạn có đồng tính ái nữ không? Lãng nhách.
Cậu trai này lóng ngóng và rụt rè nhưng biết phận và cố có một câu chuyện thông minh mà không ganh đua với cô hay thọc mũi vào đời cô. Giống cô, cậu ta có vẻ đơn độc. Cậu ta có vẻ chấp nhận không chút bối rối rằng một nữ thần toán học đã giáng hạ xuống bãi biển Grand Anse đây, nữ thần lại muốn vui vẻ làm bạn với cậu nữa. Họ đứng lên khi mặt trời đã chìm xuống ở đằng chân trời. Họ đi bộ đến khách sạn cô và cậu ta chỉ căn nhà lụp xụp nó là khu sinh viên của cậu. Ngượng nghịu cậu ta hỏi liệu có thể mời cô trà được không.
Căn nhà gồm cái bàn kê ghép làm một, hai ghế dựa, giường và một tủ gỗ con con đựng quần áo. Ánh sáng duy nhất là ngọn đèn bàn làm việc với sợi dây điện dòng ra rặng dừa. Cậu có một bếp lò, loại dùng đi cắm trại. Cậu mời cô một bữa cơm với rau mà cậu ta dọn ra những chiếc đĩa nhựa. Thậm chí cậu ta nhằng nhằng mời cô làm một hơi khói cái thứ lá bản địa đã bị cấm và cô nhận lời.
Salander không thể không nhận thấy việc cô có mặt đã tác động đến cậu ta và không biết cậu ta sẽ đối xử với cô ra sao. Chợt bốc đồng, cô quyết định để cho cậu ta tán tỉnh. Nó đã phát triển thành ra một thủ tục vòng vo trong đó cậu ta chắc hiểu các tín hiệu của cô nhưng không biết nên phản ứng lại ra sao. Cuối cùng hết kiên nhẫn, cô thẳng cánh xô cậu ta xuống giường rồi tụt sơ mi cùng jean của mình ra.
Từ chuyến phẫu thuật ở Ý, đây là lần đầu tiên cô để cho một người thấy mình trần truồng. Cô đã rời bệnh viện với cảm giác hoảng loạn. Phải mất một thời gian dài cô mới nhận thấy chả có ma nào nhòm đến cô. Bình thường cô chẳng đoái một li đến chuyện người ta nghĩ gì về cô và cô không lo vì sao nay cô lại cảm thấy căng thẳng.
Cậu trai trẻ Bland đã là một nhập môn hoàn hảo cho cái bản ngã mới mẻ của cô. Cuối cùng khi (sau vài khuyến khích) đã loay hoay cởi nịt vú của cô ra, cậu liền lập tức tắt phụt đèn rồi mới cởi quần áo mình. Có thể nói là cậu ta xấu hổ, Salander liền bật đèn lại. Cô ngắm nhìn kỹ các phản ứng lóng ngóng của cậu ta khi cậu ta bắt đầu sờ vào người cô. Chỉ lâu sau đó cô mới thoải mái, chắc chắn rằng cậu ta nghĩ vú cô nó tự nhiên là thế. Mặt khác, vẻ như cậu ta chả biết nhiều nhặn gì để mà so sánh với vú cô.
Cô không dự định kiếm cho mình một người yêu tuổi teen ở Grenada. Đây là một xung động, và đêm hôm ấy, sau khi rời cậu ta, cô không nghĩ sẽ trở lại. Nhưng hôm sau đâm phải cậu ta ở bãi biển cô nhận ra rằng cậu trai trẻ này là một bạn đồng hành vui vui. Trong bảy tuần cô sống ở Grenada, George Bland trở thành một bộ phận quan trọng của đời cô. Ban ngày họ không đi cùng nhau nhưng ở bên nhau trên bãi biển trước khi mặt trời lặn và ban đêm thì chỉ có hai người trong căn nhà xoàng xĩnh của cậu ta.
Cô biết rằng khi họ đi dạo với nhau trên bãi biển, trông họ giống hai đứa tuổi teen. Tuổi mười sáu ngọt ngào.
Rõ ràng cậu ta nghĩ cuộc đời đã trở nên lý thú hơn nhiều. Cậu ta gặp một phụ nữ dạy cho cậu ta toán học và chuyện chăn gối.
Cậu ta mở cửa, thú vị cười với cô.
- Có thích có bạn đồng hành không? - Cô nói.
Salander rời căn nhà xoàng xĩnh sau 2 giờ sáng. Cảm thấy người nong nóng, cô đi loanh quanh dọc bãi biển thay vì lên con đường về khách sạn Keys. Cô đi một mình trong đêm tối, biết rằng Bland có lẽ đang ở cách một trăm mét đằng sau mình.
Cậu luôn luôn đi theo như thế. Cô không bao giờ ngủ cả đêm ở chỗ cậu ta và cậu thường phản đối rằng, cô, một phụ nữ đơn độc không nên đi về khách sạn ban đêm. Cậu nài nỉ rằng đi kèm cô về lại khách sạn là nghĩa vụ của cậu. Đặc biệt khi đã rất muộn, như thường vốn là thế. Salander sẽ nghe cậu ta phản đối rồi cắt phắt cuộc tranh cãi bằng một chữ “không” kiên quyết. Tôi muốn đi đâu thì tôi đi. Mà không, tôi không thích có vệ sĩ. Lần đầu tiên chộp được cậu ta đi theo cô thật sự khó chịu. Nhưng nay cô nghĩ ý muốn bảo vệ của cậu ta là khá đáng yêu cho nên cô làm bộ không biết có cậu ta ở đằng sau mình; và khi thấy cô vào cửa khách sạn rồi thì cậu ta liền quay về. Cô thầm nghĩ cậu ta sẽ làm gì nếu như cô bị công kích. Cô thì sẽ dùng chiếc búa cô mua ở cửa hàng ngũ kim của MacIntyre và để ở trong túi ngoài của cái xắc đeo vai. Các mối đe dọa về thân thể mà chống cự lại được bằng một cây búa đích thị thì cũng không nhiều lắm, Salander nghĩ. Trăng tròn vành vạnh và sao lấp lánh. Salander ngước lên và nhận ra sao Regulus trong chùm Sư Tử ở gần chân trời, sắp đến sân trời khách sạn thì cô liền dừng phắt. Cô nhìn thấy một ai đó gần bờ nước bên dưới khách sạn. Đây là lần đầu tiên cô trông thấy một mạng sống ở trên bãi biển sau trời tối. Hắn ở cách khoảng một trăm mét nhưng ngay lập tức Salander biết ai đang đứng dưới ánh trăng kia.
Đó là tiến sĩ Forbes ở phòng 32.
Cô nhào vội ba bước vào trong bóng một cái cây. Khi quay lại cô cũng không thấy George Bland nữa. Hình người bên bờ nước đang đi đi lại lại thong thả. Hắn hút thuốc lá. Hắn hay dừng lại và cúi xuống tựa như xem xét cát. Trò múa rối này tiếp tục trong hai mươi phút rồi hắn quay lại, bước nhanh về lối ra bãi biển của khách sạn và biến mất.
Salander chờ một ít phút rồi đi xuống chỗ tiến sĩ Forbes đã ở đó. Cô thong thả đi một đường vòng cung, kiểm tra cát. Cô chỉ có thể thấy sỏi cuội và vài vỏ ốc. Ít phút sau, cô thôi tìm kiếm và trở về khách sạn.
Trên ban công, cô tì vào lan can, nhòm sang cửa phòng bên. Tất cả đều yên tĩnh. Cuộc cãi vã buổi tối rõ ràng đã kết thúc. Một lúc sau, cô lấy ở trong xắc đeo vai ra ít giấy để quấn một điếu thuốc bằng thứ lá Bland đã cho cô. Cô ngồi xuống ghế ban công, nhìn ra màn nước tối đen của biển Caribbean, vừa hút thuốc vừa nghĩ ngợi.
Cô cảm thấy giống như một trạm rađa đang hồi báo động gắt.
CHƯƠNG 2
Thứ Sáu, 17 tháng Mười hai
Luật sư Nils Erik Bjurman đặt tách cà phê xuống, nhìn dòng người bên ngoài cửa sổ quán Café Hedon trên đường Stureplan. Ông nhìn mọi người liên tục đi qua không dứt nhưng chả quan sát một ai.
Ông đang nghĩ đến Lisbeth Salander. Ông hay nghĩ đến cô gái.
Điều ông đang nghĩ đến nó làm cho ông giận sôi lên.
Salander đã nghiền ông tan nát. Ông không bao giờ quên được điều này. Cô đã nắm quyền chỉ huy và làm nhục ông. Cô đã lăng mạ ông bằng cách để lại những dấu vết không thể xóa sạch trên thân thể ông. Ở vùng bằng cỡ một quyển sách bên dưới rốn ông. Cô đã còng tay ông vào giường, hạ nhục ông, xăm dòng chữ TÔI LÀ MỘT CON LỢN BẠO DÂM, MỘT ĐỨA SA ĐỌA, MỘT ĐỨA HIẾP DÂM lên người ông.
Tòa án quận của Stockholm đã tuyên bố Salander không đủ sức tự trông nom lấy bản thân. Bjurman đã được chỉ định giám hộ cô, điều khiến cho cô lệ thuộc vào ông. Từ lần đầu gặp gỡ, ông đã nghĩ lăng nhăng về cô. Ông không thể giải thích chuyện này nhưng cô hình như khêu gợi ra phản ứng đó.
Điều ông, một luật sư năm mươi lăm tuổi, đã làm là đáng chê trách, là không thể bào chữa về mọi tiêu chuẩn. Ông biết như thế, dĩ nhiên. Nhưng từ tháng Chạp hai năm trước, khi ông để mắt tới Salander, ông không thể cưỡng lại cô. Pháp luật, luân thường đạo lý cơ bản nhất và trách nhiệm giám hộ của ông - chả có cái gì đáng trọng hết sất cả.
Cô là một cô gái lạ lùng - trưởng thành đầy đủ nhưng với một mẽ ngoài nó khiến cho cô dễ bị tưởng lầm là một đứa trẻ. Ông kiểm soát đời cô; cô lại chỉ huy ông.
Cô có một bản lí lịch có thể khiến người khác mất tin tưởng vào cô nếu cô muốn lên tiếng phản đối. Đây cũng không phải là cưỡng dâm một người vô tội nào đó - hồ sơ của cô xác nhận cô đã có nhiều lần giao cấu, thậm chí có thể bị coi như là lang chạ bừa bãi. Báo cáo của một nhân viên xã hội đã nêu lên khả năng Salander đã từng ngỏ lời phục dịch tính dục lấy tiền lúc mười bảy tuổi. Một cảnh sát tuần tra đã ghi nhận thấy một người đàn ông nhiều tuổi say mèm ngồi với một cô gái trong công viên ở Tantolunden. Cảnh sát đã đối chất hai người; cô gái từ chối trả lời các câu hỏi còn người đàn ông thì quá xỉn, không cung cấp được thông tin phải chăng nào cho họ.
Trong con mắt Bjurman, kết luận đã rành rành: Salander là một cô điếm ở dưới đáy bậc thang xã hội. Là không sợ gặp phải rủi ro gì. Nếu cô dám phản đối Sở Giám hộ, chả ai lại đi tin lời cô tố cáo ông.
Cô là vật chơi lý tưởng - phát dục, dâm đãng, không có khả năng sống trong xã hội và do tay ông định đoạt.
Đây là lần đầu tiên ông khai thác một trong các thân chủ của mình. Cho đến nay chưa từng xảy ra với ông chuyện tranh thủ kiếm lợi ở một ai mà ông có quan hệ nghề nghiệp. Để thỏa mãn nhu cầu tính dục, ông luôn quay sang các gái điếm. Ông kín đáo và ông chi hậu; vấn đề là gái điếm không nghiêm túc, họ chỉ làm ra bộ. Đó là một dịch vụ ông mua của một phụ nữ, ả ta rên rỉ rồi đảo tròn mắt lên; ả diễn cái phần vai của ả, nhưng cái đó nó dỏm như sân khấu đường phố.
Ông đã cố áp chế vợ trong những năm ông lấy bà, nhưng bà ít đồng lòng, mà chuyện này cũng là một trò chơi đấy chứ.
Salander đã là một giải pháp hoàn hảo. Cô không phương tự vệ. Cô không có gia đình, bè bạn; một nạn nhân đích thực, chín muồi cho sự cưỡng đoạt. Kẻ cắp là do cơ hội tạo ra mà.
Thế rồi thình lình cô đã hủy hoại ông. Cô đã đánh trả với một sức mạnh và một quyết tâm ông không ngờ nổi. Cô đã làm cho ông nhục nhã. Cô đã tra tấn hành hạ ông. Cô gần như đã phá sập ông.
Từ đó trong gần hai năm nay, cuộc sống của Bjurman đã thay đổi cơ bản. Sau lần Salander đến tận nhà thăm ông giữa đêm hôm, ông cảm thấy bị tê liệt - gần như không thể suy nghĩ sáng sủa hay hành động dứt khoát. Ông tự giam mình lại, không trả lời điện thoại và thậm chí không thể duy trì tiếp xúc với các thân chủ chính thức của mình. Sau hai tuần ông xin nghỉ ốm. Thư ký của ông được thay mặt xử lý thư tín của ông ở văn phòng, hủy hết mọi cuộc hẹn và cố giữ cho các thân chủ tức tối không bén mảng.
Ngày ngày ông phải đối mặt với hình xăm trên người mình. Cuối cùng ông hạ tấm gương trong buồng tắm xuống.
Đầu mùa hè, ông trở lại văn phòng. Ông đã trao nhiều thân chủ cho các đồng nghiệp. Những thân chủ ông giữ lại cho mình là các công ty mà ông chỉ phải giải quyết công việc qua thư tín kinh doanh hợp pháp chứ không dính líu đến hội họp. Thân chủ tích cực duy. nhất của ông bây giờ là Salander - hàng tháng ông viết một báo cáo và một giấy ghi nhận thu chi cho Sở Giám hộ. Ông làm chính xác những gì cô yêu cầu: các báo cáo không có một tí sự thật nào và nêu rõ ra rằng cô không còn cần đến người giám hộ. Mỗi báo cáo là một nhắc nhở nghiêm ngặt với ông rằng cô đang tồn tại, nhưng ông không thể lựa chọn.
Bjurman đã sống vô phương trông cậy hết mùa hè và mùa thu, điên người lên nghiền ngẫm. Rồi, hồi tháng Chạp, lấy lại bình tĩnh, ông đi nghỉ ở Pháp. Trong khi ở đó, ông đã tham vấn chuyên gia tại một bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ tại Marseille về cách tốt nhất tẩy hình xăm đi, một quá trình hành động. Một cách sẽ là điều trị bằng laser, ông nói, nhưng hình xăm quá rộng và kim xăm đã vào quá sâu đến mức ông sợ rằng giải pháp thực tế duy nhất là ghép da. Như thế thì tốn kém và mất nhiều thì giờ.
Trong hai năm qua, Bjurman chỉ gặp Salander trong mỗi một dịp. Vào cái đêm cô công kích ông và thiết lập chế độ kiểm soát đời ông, cô đã lấy đi bộ chìa khóa dự trữ ở văn phòng và nhà ông. Cô sẽ theo dõi ông, cô đã bảo ông như thế, và khi ông ít chờ đợi nhất thì cô sẽ nhảy bổ vào. Bắt đầu ông gần như tin rằng cô dọa suông thôi nhưng ông không dám đổi khóa. Cảnh cáo của cô là không thể nhầm lẫn - nếu thấy ông lên giường với một phụ nữ, cô sẽ công khai băng video chín chục phút tư liệu về việc ông đã cưỡng dâm cô như thế nào.
Tháng Giêng năm ngoái, ông thức giấc lúc 3 giờ sáng, không rõ vì sao. Ông bật đèn cạnh giường và gần như kinh hoàng rú lên khi trông thấy cô đứng ở cuối giường. Như một con ma, cô thình lình xuất hiện, cách ông không tới hai mét. Mặt cô nhợt nhạt và không biểu cảm. Cô cầm trong tay khẩu súng bắn điện.
- Chào luật sư Bjurman, - cô nói. - Xin lỗi đã đánh thức ông giờ này.
Lạy Chúa, con ranh đã ở đây trước chưa? Trong khi ta ngủ à? Ông không thể nói có phải cô đã trộ hay không. Bjurman dặng hắng toan nói. Cô khoát tay cắt.
- Tôi đánh thức ông chỉ vì một lý do. Mai kia khá sớm, tôi sắp đi vắng lâu. Hãy viết đều báo cáo hàng tháng của ông nhưng đừng gửi qua bưu điện cho tôi, hãy gửi đến địa chỉ hotmail này.
Cô lấy trong túi jacket ra một tờ giấy gấp và ném nó xuống giường.
- Nếu Sở Giám hộ muốn tiếp xúc tôi hay cái gì khác xảy ra mà có thể cần tôi có mặt ở đây thì viết một thư điện tử cho tôi ở địa chỉ này. Hiểu chứ?
Ông gật.
- Tôi hiểu...
- Miễn nói. Tôi không muốn nghe tiếng ông.
Ông nghiến răng. Ông không dám thử mó đến cô vì cô đã đe gửi video cho các nhà chức trách nếu ông định thế. Hàng tháng nay quả là ông đã nghĩ đến điều ông sẽ nói với cô nếu như cuối cùng cô tiếp xúc ông. Ông thật sự không nói được gì để tự bào chữa cả. Mọi sự ông có thể chỉ là kêu gọi lòng nhân đạo của cô. Ông sẽ cố thuyết phục cô - nếu cô cho ông một cơ may nói năng - rằng ông đã làm thế trong một cơn điên rồ, rằng ông tuyệt đối buồn phiền vì chuyện đó và muốn bồi thường. Ông sẽ phủ phục xuống nếu chuyện đó thuyết phục được cô, nếu như thế nào đó ông tháo được ngòi nổ cho mối đe dọa cô đặt ra cho ông.
- Tôi có một điều muốn nói, - ông nói, giọng đáng thương. - Tôi muốn xin cô tha thứ...
Cô lặng lẽ nghe lời cầu xin của ông. Rồi cô đặt một chân lên cuối giường, khinh bỉ nhìn ông chằm chằm.
- Bây giờ nghe đây, Bjurman, ông là một tên đốn mạt. Tôi không có lý do gì tha thứ cho ông. Nhưng nếu ông giữ mình sạch sẽ, tôi sẽ cho ông thoát khỏi cái câu liêm, ngày nào hủy bỏ lời tuyên bố tôi không tự cai quản được tôi.
Cô chờ cho đến khi ông cụp mắt xuống. Nó đang sắp bắt mình bò ra đất đây.
- Những gì tôi nói với ông năm ngoái là không thay đổi. Ông không theo đúng là băng video đến công ty của ông ngay. Ông tiếp xúc với tôi khác với cách tôi bảo ông là tôi cho công khai băng đó ra. Tôi chết vì tai nạn, băng video sẽ được công bố. Ông mà lại đụng đến tôi, tôi giết ông.
Ông tin cô nói thật.
- Một điều nữa. Ngày tôi cho ông tự do, ông có thể làm gì tùy thích. Nhưng cho tới ngày đó ông sẽ không được đặt chân tới bệnh viện ở Marseille. Ông bắt đầu điều trị, tôi lại xăm nữa và lần này thì tôi xăm lên giữa trán ông.
Sao cái con quỷ điên này lại biết đến chuyện bệnh viện cơ chứ?
Lát sau cô đi. Ông nghe thấy tiếng “chát” nhẹ khi cô quay chìa khóa cửa ra vào. Cứ tựa hồ một con ma vừa mới đến gặp ông vậy.
Lúc đó, ông bắt đầu nguyền rủa Lisbeth Salander với một sức nóng bỏng như thép nung đỏ trong đầu và biến đời ông thành nỗi ám ảnh nghiền nát cô gái. Ông mơ tưởng giết cô. Ông chơi với những ý hão huyền là bắt cô trườn cô bò dưới chân ông, cầu xin ông tha tội. Nhưng ông sẽ không thương xót đâu. Ông sẽ siết lấy cổ họng cô bằng hai bàn tay mình rồi bóp cho tới khi cô thở ngắc. Ông muốn moi mắt cô ra khỏi hốc và móc tim cô ra khỏi ngực. Ông muốn xóa cô đi khỏi mặt đất này.
Nghịch lý thay, cũng chính lúc đó, ông cảm thấy tựa như ông bắt đầu năng động lại, phát hiện ra một cân bằng đáng ngạc nhiên về cảm xúc trong người ông. Ông bị ám ảnh về người phụ nữ này và ả ta nằm trong tâm trí ông trong từng phút từng giây ông thức. Nhưng ông bắt đầu cũng lại suy nghĩ hợp lý. Nếu ông tìm cách hủy hoại cô thì ông sẽ phải cho đầu óc ông trật tự lại đã. Đời ông sẽ được sắp đặt theo một mục tiêu mới.
Ông ngừng mơ hão về cái chết của cô mà bắt đầu lên kế hoạch cho nó.
Blomkvist đi qua sau lưng luật sư Bjurman chưa tới hai mét khi anh lượn lách lái đưa hai tách cà phê latte tới bàn của Tổng biên tập Erika Berger tại quán Café Hedon. Cả anh lẫn Berger đều chưa nghe nói đến Nils Bjurman cho nên cả hai đều không biết ông ta đang ở đây.
Berger nhăn mặt đẩy chiếc gạt tàn thuốc lá sang bên để lấy chỗ cho hai tách cà phê. Blomkvist quàng jacket vào lưng ghế, kéo chiếc gạt tàn về phía mình rồi châm một điếu thuốc. Ghét khói thuốc lá, Berger giận dữ nhìn anh. Anh quay đầu thở khói ra xa chị.
- Tôi ngỡ bỏ rồi.
- Tạm thời tái phạm.
- Tôi sắp ngừng ăn nằm với những cha sặc mùi thuốc đấy nha, - chị nói, mỉm cười nhẹ nhàng.
- Không thành vấn đề. Có nhiều cô gái không quá đặc biệt như thế đâu. - Blomkvist nói, cười đáp lại.
Berger trợn mắt lên.
- Vấn đề là thế đấy hả? Hai mươi phút nữa em sẽ gặp Charlie ở nhà hát đây.
Charlie là Charlotta Rosenberg, một bạn từ thủa bé.
- Cô gái thực tập quấy rầy anh. - Blomkvist nói. - Dù cô ta có là con của một người bạn gái của em, anh cũng bất cần. Nhưng nghe đâu cô ta được ở lại tòa soạn thêm tám tuần nữa mà anh thì không thể kham nổi cô ta lâu đến như vậy được.
- Em để ý thấy anh đi qua thì cô ta lại thèm khát liếc nhìn. Dĩ nhiên em chờ đợi anh cư xử như một người lịch sự.
- Erika, cô bé tuổi mười bảy nhưng não trạng thì chỉ mới lên mười. Anh có thể sai ở mặt hào phóng.
- Cô ta bị ấn tượng đấy. Chắc là hơi tí ti sùng bái anh hùng.
- Mười giờ tối qua, cô ta bấm chuông điện thoại ở cửa tòa nhà anh, muốn lên với một chai vang.
- Hoài của. - Berger nói.
- Hoài của là đúng. Nếu trẻ hơn hai chục tuổi, có thể anh đã chả lấn cấn. Một ngày nào đó anh sẽ bốn mươi lăm rồi đây.
- Đừng nhắc em cái đó. Chúng ta đồng tuế mà.
Vụ Wennerstrom đã cho Blomkvist một tên tuổi nhất định. Cả năm ngoái anh đã được mời đến các nơi, các liên hoan và sự kiện không thể ngờ. Anh được mọi kiểu người hôn gió chào, những người trước đây anh khó mà bắt tay được. Họ không phải là dân truyền thông hàng đầu - anh đã biết tất cả họ và từng có quan hệ tốt hay xấu với họ - mà là những người gọi là nhân vật văn hóa và các tên tuổi ở danh sách B thì bây giờ muốn tỏ ra như là bạn bè thân thiết của anh. Bây giờ vấn đề là có Mikael Blomkvist làm khách ở một buổi tiệc khai trương hay một bữa ăn tối riêng tư. “Rất hân hạnh nhưng không may tôi lỡ mắc bận mất rồi” đang trở thành câu trả lời thông lệ.
Mặt trái của vị thế ngôi sao này là tin đồn dồn dập ngày một tăng lên. Một chỗ quen biết e ngại ghi nhận ông đã nghe tin đồn nói từng trông thấy Blomkvist ở một bệnh viện cai nghiện. Thật ra tổng lượng ma túy Blomkvist hút từ lúc mười mấy tuổi là dăm sáu điếu cần sa và một lần, cách nay mười lăm năm, xài thử cocaine với một nữ ca sĩ trong một ban nhạc rock Hà Lan. Về rượu anh chỉ bị say nặng trong các bữa tối riêng tư hay dạ hội liên hoan. Trong bar, anh hiếm khi uống hơn một vại bia mạnh. Anh cũng thích uống bia mạnh vừa. Tủ rượu của anh ở nhà có vodka và vài chai rượu mạch nha Scotland đều là quà biếu. Anh ít bập vào rượu là một điều lạ.
Blomkvist sống độc thân. Việc anh thi thoảng có các vụ yêu đương đều được tỏ tường ở trong ngoài vòng bạn bè và đưa tới các lời đồn thêm thắt. Vụ kéo dài với Erika Berger thường là đề tài suy luận. Sau này đồn thổi thành ra là anh đã nhót một số đàn bà con gái, đang khai thác vị thế nổi tiếng mới mẻ để mở lối lọt vào đám khách của các điểm vui chơi đêm ở Stockholm. Một nhà báo không tên tuổi thậm chí đã một lần giục anh tìm cách giúp đỡ cho bệnh nghiền tính dục của mình.
Blomkvist quả là có nhiều quan hệ ngắn ngủi. Anh biết mình nom tàm tạm điển trai nhưng không bao giờ cho rằng mình có sức hấp dẫn khác thường. Nhưng anh thường nghe nói anh có một cái gì đó khiến cho phụ nữ thấy thích. Berger nói anh cùng lúc tỏa ra sự tự tin và an toàn, anh có khả năng làm cho phụ nữ cảm thấy thoải mái dễ chịu. Lên giường với anh không bị sợ sệt hay rắc rối mà lại có thể là được hưởng thụ. Và điều đó, theo Blomkvist thì là đúng như nó vẫn vốn dĩ vẫn thế.
Blomkvist có các quan hệ tốt đẹp nhất là với các phụ nữ anh biết rõ và anh ưa mến nhiều, cho nên anh bắt đầu có chuyện với Berger hai mươi năm trước, khi chị là một nhà báo trẻ, đã không là một sự cố.
Tuy vậy, sự nổi tiếng của anh hiện nay đã làm cho mối quan tâm của phụ nữ đối với anh tăng lên đến mức anh thấy khá là lạ. Đáng ngạc nhiên hơn cả là các phụ nữ trẻ đã xung động đi những bước chủ động trong những trường hợp không ngờ.
Nhưng Blomkvist không bị các cô tuổi teen váy ngắn và thân hình hoàn hảo làm cho cuồng lên. Lúc anh còn trẻ, các bạn nữ của anh thường nhiều tuổi hơn anh - một số, còn nhiều hơn đáng kể - và lão luyện hơn. Cùng với thời gian, chênh lệch tuổi tác đã bị san bằng. Salander đã dứt khoát là một bước đi sang hướng khác.
Và đó là lý do anh gọi gặp Berger. Millennium đã nhận một cô tốt nghiệp ngành truyền thông đại chúng làm thực tập, coi như chiếu cố một trong những người bạn của Berger. Chuyện không có gì lạ; hàng năm họ đều có vài nhà báo thực tập. Blomkvist đã lịch sự chào cô gái và mau chóng phát hiện thấy ngoài việc “muốn mình được nom thấy trên tivi” ra thì sự thích thú của cô với nghề báo là lơ mơ hết sức và như vậy lúc này - Blomkvist ngờ - việc kia là một thủ đoạn ghê gớm để được làm việc ở Millennium.
Cô không lỡ một dịp nào để tiếp xúc sát sườn với anh. Anh làm như không để ý thấy các tán tỉnh lộ liễu của cô, nhưng như vậy chỉ làm cho cô cố gắng gấp bội lên mà thôi. Rất đơn giản, chuyện này trở nên mệt người.
Berger phá ra cười.
- Lạy Chúa, tưởng tượng xem, anh mà bị quấy rối tính dục trong công việc kìa.
- Erika, đây là chài. Anh không muốn xúc phạm hay làm cô ấy bối rối. Nhưng cô ấy không tế nhị được hơn một con ngựa cái lên cơn động đực. Anh đang lo lần sau cô ấy có thể giở trò gì ra đây.
- Cô ấy mết anh nhưng quá trẻ, không biết tự diễn đạt mình.
- Em sai. Cô ấy quá biết tự diễn đạt. về việc cô ấy đi xa tới đâu, có một cái gì đó làm cho bị méo mó đi, cô ấy đang ngán vì anh không cắn câu. Anh không cần một đợt tin đồn mới nữa để chấm dứt cái tiếng là một kiểu ngôi sao nhạc rock dâm đãng săn lùng một ả xinh đẹp để cùng ăn nằm.
- OK, nhưng hãy để em đi vào lõi vấn đề. Cô ấy bấm chuông cửa nhà anh tối nọ, vậy có phải câu chuyện chỉ có là thế thôi không?
- Với một chai vang. Cô ấy nói cô ấy đến dự liên hoan ở nhà một người bạn gần đó rồi làm như thuần túy tình cờ mà cô ấy lại đi qua nhà anh.
- Anh đã bảo cô ấy sao?
- Anh không cho cô ấy vào, rõ ràng. Anh nói cô ấy đến vào lúc bất tiện, anh đang có một người bạn trong nhà.
- Cô ta thấy sao?
- Cô ta thật sự choáng nhưng cũng bỏ đi.
- Anh muốn em làm gì?
- Làm cho cô ấy thôi bám anh. Anh đang nghĩ thứ Hai này nói chuyện nghiêm túc với cô ấy. Hoặc cô ấy từ bỏ hoặc anh sẽ đá cô ấy ra khỏi tòa báo.
Berger nghĩ một lúc.
- Để em nói với cô ấy. Cô ấy đang tìm một người bạn chứ không phải một người tình.
- Anh không biết cô ấy tìm cái gì nhưng...
- Mikael. Thì em cũng đã trải cái điều cô ấy đang trải thôi mà. Em sẽ nói với cô ấy.
Như bất cứ ai khác xem tivi hay đọc báo chiều trong năm qua, Bjurman đã nghe nói đến Blomkvist. Nhưng ông không nhận ra anh ở Café Hedon và muốn sao thì ông cũng không biết rằng giữa Salander và Millennium là có quan hệ.
Ngoài ra bị chìm đắm trong các ý nghĩ của bản thân nên ông không để ý tới xung quanh.
Từ khi cất bỏ đi được chứng tê liệt tâm trí, ông liên tục bị cùng một câu hỏi hắc búa bao vây.
Salander nắm trong tay một phim video mà cô đã quay được bằng camera giấu kín về việc ông hành xác cô. Cô đã cho ông xem. Không có chỗ để giải thích có lợi cho ông. Nếu như nó đến tay Sở Giám hộ, hay vào tay đám truyền thông đại chúng thì sự nghiệp của ông, tự do của ông và đời ông sẽ chấm hết. Ông biết hình phạt cho việc cưỡng dâm với tình tiết nặng, lợi dụng một người ở vị trí lệ thuộc, lạm dụng với tình tiết nặng; thì ông thừa nhận ít nhất cũng bị sáu năm tù giam. Một công tố viên mẫn cán còn có thể sử dụng một đoạn của phim video làm cơ sở để buộc cho ông tội mưu sát.
Ông chỉ có làm cho cô ngạt thở vì trong khi hiếp, kích thích lên, ông đã đè một chiếc gối lên mặt cô. Ông đã thật tình hy vọng việc đó hoàn thành.
Họ sẽ không chấp nhận rằng cô ta đã chơi một trò chơi suốt thời gian ấy. Cô đã chài ông bằng đôi mắt gái mới lớn đáng yêu, đã quyến rũ ông bằng thân hình nom như của một đứa trẻ mười hai tuổi. Cô đã khích ông hiếp cô. Họ sẽ không bao giờ thấy rằng thực tế cô đã dựng lên một màn kịch. Cô đã có kế hoạch...
Việc đầu tiên ông phải làm là đoạt lấy cuộn phim video và như thế nào đó bảo đảm rằng không có bản sao. Đó là then chốt của vấn đề. Ông cầm chắc trong đầu là trong các năm tháng qua một con phù thủy như Salander thì không thể nào mà không có kẻ thù được. Ở đây Bjurman có một lợi thế. Không như bất cứ ai khác có thể là đã cố hay đang cố tiếp cận cô, ông được đi vào tất cả các hồ sơ bệnh án, báo cáo phúc lợi và các đánh giá tình hình tâm thần của cô. Ông là một trong số rất ít người ở Thụy Điển biết các bí mật của cô.
Khi ông bằng lòng nhận nhiệm vụ làm người giám hộ cô, hồ sơ cá nhân mà Sở Giám hộ sao cho ông chỉ là mười lăm trang chủ yếu cho ra một bức tranh về đời sống trưởng thành của cô, một đánh giá tóm tắt của các bác sĩ tâm thần do tòa án chỉ định, quyết định của tòa án quận đặt cô vào chế độ giám hộ và bản kê khai của ngân hàng về tài khoản thuộc về năm trước của cô. Ông đã đọc đi đọc lại hồ sơ. Rồi ông bắt đầu thu thập có hệ thống thông tin về cuộc đời Salander.
Là một luật sư, ông đã khéo trích rút lấy thông tin từ các báo cáo, biên bản của các cơ quan chức trách công. Là người giám hộ cô, ông có thể lọt vào các tầng thông tin riêng tư bao quanh y bạ của cô. Muốn là ông có thể nắm được mọi tư liệu liên quan tới Salander.
Tuy vậy cũng phải mất hàng tháng để ghép nối lại, từng chi tiết một, cuộc đời cô, từ các biên bản của trường tiểu học đầu tiên đến báo cáo của người hoạt động xã hội, biên bản của cảnh sát và các bản ký lục của tòa án quận. Ông đã thảo luận với bác sĩ Jesper H.Loderman về tình hình cô, ông này là bác sĩ tâm thần đã từng yêu cầu đặt cô vào chế độ giám hộ khi cô tròn mười tám tuổi. Loderman đã cho ông một tóm tắt bao quát của vụ này. Ai cũng sẵn sàng giúp đỡ. Một phụ nữ ở Sở Phúc lợi thậm chí còn ca ngợi ông đã tỏ ra quyết tâm đến thế trong việc tìm hiểu mọi khía cạnh của cuộc đời Salander.
Ông đã tìm thấy một mỏ vàng thông tin ở hai quyển sổ tay để trong một cái hộp tích cóp bụi tại bộ phận lưu trữ hồ sơ của Sở Giám hộ. Hai quyển sổ tay do luật sư Holger Palmgren, người tiền nhiệm của Bjurman biên soạn, ông có vẻ đã đến được chỗ hiểu Salander như bất cứ ai hay hơn nữa. Palmgren hàng năm nộp báo cáo chu đáo cho Sở Giám hộ và Bjurman cho rằng chắc Salander không biết rằng Palmgren cũng đã ghi chép tỉ mỉ cho ông. Sổ tay của Palmgren đã đến với Sở Giám hộ, ở đây hình như chả ai đọc nội dung của chúng vì hai năm trước ông đã bị đột quỵ.
Đây là bản gốc. Không có dấu hiệu cho hay chúng đã được sao. Tuyệt.
Bức tranh của Palmgren về Salander hoàn toàn khác với điều người ta có thể suy luận ra từ biên bản của Sở Giám hộ. Ông đã có điều kiện dõi theo bước tiến bộ cần cù của cô từ một đứa tuổi teen không kỷ cương luật lệ đến thiếu nữ rồi đến nhân viên ở An ninh Milton, công việc mà nhờ quan hệ riêng của Palmgren cô đã có được. Qua các ghi chép này, Bjurman biết Salander không hề mảy may là một nhân viên quèn đần độn coi máy sao chụp và bưng bê cà phê - trái lại cô có một công việc thật sự, tiến hành các cuộc điều tra thật sự cho Dragan Armansky, giám đốc điều hành Milton. Palmgren và Armansky rõ ràng rất biết nhau. Hai người thỉnh thoảng vẫn trao đổi tin tức về cô gái họ cùng che chở.
Xem vẻ Salander có hai người bạn ở trong đời và cả hai đều coi cô là người mình che chở. Palmgren nay đã ra ngoài bức tranh. Armansky thì vẫn còn lại và có khả năng là một mối đe dọa. Bjurman quyết định lánh xa Armansky.
Hai quyển sổ tay giải thích được nhiều. Bjurman hiểu tại sao Salander đã phát hiện được về ông lắm như thế. Cả đời ông cũng sẽ không hiểu tại sao cô lại phát hiện ra việc ông đến bệnh viện thẩm mỹ ở Pháp, nhưng nay nhiều bí mật bao bọc cô cũng đã tiêu tan. Cô kiếm sống bằng cách lục lọi vào đời tư người khác. Lập tức có những thận trọng mới mẻ cho cuộc điều tra của chính bản thân, ông quyết định rằng giữ bất cứ giấy tờ nào liên quan đến vụ việc của cô ở đây là không hay, do Salander ra vào được nhà ông. Ông nhặt nhạnh tất cả tư liệu rồi cho vào đầy một thùng các tông để đem đến căn nhà nghỉ hè của ông ở gần Stallarholmen, ông ngày càng để ra nhiều thời gian sống ở đó và nghiền ngẫm một mình.
Càng đọc về Salander, ông càng đinh ninh cô gái không lành mạnh về bệnh lý. Ông rợn người nhớ lại cô đã còng tay ông vào giường như thế nào. Lúc ấy, ông hoàn toàn bị cô kiểm soát, ông không nghi ngờ, rằng nếu ông cho cô ta lý do thì cô ta sẽ giết ông ngon ơ như đã đọa.
Cô thiếu những sự cấm kỵ của xã hội, một trong các biên bản về cô đã kết luận. Tốt, ông có thể kết luận thêm một hay hai cái nữa: Ả là một con khốn kiếp bệnh hoạn, có máu sát nhân, rồ loạn. Một quả lựu đạn đã tháo chốt. Một con điếm.
Các sổ tay của Palmgren đã trao cho ông chiếc chìa khóa cuối cùng. Trong vài trường hợp Palmgren đã ghi lại theo kiểu nhật ký các mẩu chuyện trò riêng tư mà ông từng có với Salander. Cái lão này điên. Trong hai lần chuyện trò Palmgren đã dùng câu: “khi Tất cả Xấu xa xảy ra”. Cho là Palmgren lấy câu này trực tiếp từ Salander thì cũng không rõ là nó nhắc tới sự việc gì.
Bjurman viết xuống chữ “Tất cả Xấu xa”. Những năm ở các gia đình nhận nuôi cô chăng? Một phá phách đặc biệt nào đó? Lời giải chắc là ở đây, trong các tư liệu mà ông đã đọc. Ông mở giấy tờ đánh giá bệnh lý tâm thần của Salander lúc cô mười tám tuổi và đọc kỹ nó năm sáu lần. Trong hiểu biết của ông đã có một lỗ hổng.
Ông có những đoạn trích trong các đề mục báo chí từ trường tiểu học, một lời khai có tuyên thệ về việc mẹ Salander không thể trông nom con gái và các báo cáo của những gia đình nhận nuôi khác nhau hồi cô đang tuổi mười mấy. Khi cô mười hai tuổi, một cái gì đó đã khiến bệnh khùng của cô bật ra.
Có thêm những lỗ hổng khác trong tiểu sử cô.
Ông hết sức ngạc nhiên phát hiện thấy Salander có một em gái sinh đôi nhưng không được nhắc đến trong bất cứ tư liệu nào mà trước đây ông đã đọc. Ôi Chúa, có những hai đứa như thế này cơ đây. Nhưng điều gì đã xảy ra với người em thì ông không tìm ra được bất cứ gợi ý nào.
Người bố không được biết đến, còn về phần tại sao mẹ cô không thể trông nom con thì không có giải thích. Bjurman giả định bà ta đã ngã bệnh và thế là tình trạng cứ thế kém đi, bà ta chỉ còn nói được những câu ngô nghê như trẻ con. Nhưng nay ông bắt đầu tin chắc rằng khi Salander mười hai, mười ba tuổi thì đã có một cái gì đó xảy ra với cô. Tất cả Xấu xa. Một kiểu chấn thương nào đó. Nhưng còn câu “Tất cả Xấu xa” là cái gì đây thì không có tham chiếu nào hết ở trong các ghi chép của Palmgren.
Cuối cùng trong bản đánh giá tâm thần, ông tìm được một quy chiếu nói đến một bản đính kèm hiện đang mất - con số của một biên bản cảnh sát đề ngày 12 tháng Ba 1991. Nó được viết tay ở lề bản sao mà ông đã cho sao từ hồ sơ tư liệu của Sở Phúc lợi xã hội. Khi ông đưa yêu cầu lấy biên bản này thì người ta bảo ông nó đã được đóng dấu “Tối Mật theo lệnh của Đức Hoàng thân” nhưng ông có thể nộp đơn xin giúp đỡ với bộ phận liên đới của Chính phủ.
Bjurman lúng túng. Một biên bản của cảnh sát xử lý về một cô bé mười hai tuổi được xếp hạng tối mật, việc đó tự thân nó không có gì đáng ngạc nhiên - để bảo vệ sự riêng tư thì mọi lý do đều có thể đưa ra được cả thôi. Nhưng ông, người giám hộ của Salander, thì ông có quyền nghiên cứu bất cứ tư liệu nào thuộc về tất cả những gì liên quan đến cô. Ông không hiểu tại sao tiếp cận một biên bản vậy lại đòi phải làm đơn gửi tới một bộ phận của Chính phủ xin giúp đỡ. Ông nộp đơn. Hai tháng trôi qua rồi ông được thông báo rằng yêu cầu của ông bị khước từ. Trong một biên bản của cảnh sát cách đây gần mười bốn năm về một cô gái quá trẻ thì có cái gì có thể khiến cho nó bị xếp vào hạng Tối Mật đây? Nó có thể chứa đựng mối đe dọa tiềm tàng gì cho Chính phủ Thụy Điển đây?
Ông quay về nhật ký của Palmgren, cố mò ra xem “Tất cả Xấu xa” kia có thể là ngụ ý cái gì. Nhưng ông không tìm ra manh mối. Palmgren và người ông giám hộ chắc đã thảo luận về điều đó nhưng không viết lại. Ở quyển sổ tay thứ hai thì hết, không còn có các chỗ nhắc đến “Tất cả Xấu xa”. Có thể trước khi bị đột quỵ, Palmgren đã không có thì giờ viết được kết luận của ông về loạt sự việc xem ra là quan trọng này.
Palmgren đã là người đỡ đầu của Salander khi cô lên mười ba và là người giám hộ khi cô sang tuổi mười tám. Vậy là ông đã có dính líu ngắn ngủi sau khi xảy ra “Tất cả Xấu xa” và rồi Salander được đem đến bệnh viện tâm thần dành cho trẻ em. Có các cơ may rằng ông biết những cái đã xảy ra kia là gì.
Bjurman quay về lưu trữ hồ sơ của Sở Giám hộ, lần này để tìm bản tóm tắt chi tiết về đánh giá của Palmgren do Sở Phúc lợi xã hội soạn thảo. Mới xem đã thấy miêu tả ở đây là đáng thất vọng: hai trang thông tin về bối cảnh. Mẹ của Salander nay không có sức nuôi nấng con gái; hai chị em phải chia lìa; thông qua Sở Phúc lợi xã hội Camilla Salander được đưa vào một gia đình nhận nuôi; Lisbeth Salander bị lưu giữ ở bệnh viện tâm thần Thánh Stefan cho thanh thiếu niên. Không thấy bàn đến cách làm nào khác.
Tại sao? Chỉ một chỗ khó hiểu: “Đề phòng các sự việc ngày 13/3/91, Sở Phúc lợi xã hội đã quyết định rằng...”. Rồi lại một gợi nhắc đến biên bản của cảnh sát được xếp hạng tối mật. Nhưng ở đây có tên của người cảnh sát viết biên bản.
Choáng người lên, Bjurman viết tên viên cảnh sát ra. Ông rất biết cái tên này. Đúng là ông biết rất rõ, và phát hiện này đã đặt các vấn đề dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Ông vẫn phải mất hai tháng nữa để có được biên bản này, lần này ông dùng các cách thức khác. Biên bản của cảnh sát gồm bốn mươi trang khổ A4, với một chục trang hay hơn những ghi chép được điền thêm qua thời gian sáu năm. Rồi cuối cùng các bức ảnh. Và tên người.
Chúa ơi... không thể thế được.
Có một người khác nữa cũng có lý do ghét Salander thậm tệ như ông.
Ông có một đồng minh, đồng minh không ngờ nhất mà ông có thể tưởng tượng ra.
Đang mơ màng thì Bjurman bị giật mình vì một bóng tối đổ xuống ngang mặt bàn ở Café Hedon. Ông nhìn lên và thấy một người tóc vàng... khổng lồ là chữ duy nhất để dùng cho anh ta. Ông co rúm lại trong vài giây rồi lấy lại tư thế.
Người đàn ông đang nhìn xuống ông đây cao hơn hai mét và có một thân hình tập luyện khỏe mạnh khác thường. Không nghi ngờ gì hắn là một lực sĩ thể hình. Hắn cho ra một ấn tượng hãi hùng nhất. Mái tóc màu vàng của hắn cắt sát sọ ở hai bên đầu nhưng lại để một bờm tóc ngắn trên chỏm. Bộ mặt hắn gần như của con nít, trái xoan, mềm mịn lạ thường, nhưng mắt hắn màu xanh lơ của băng đá thì còn lâu mới hiền dịu. Hắn mặc áo jacket da đen dài lưng lửng, sơ mi xanh lơ, cà vạt đen, quần đen. Điều cuối cùng Bjurman để ý là hai bàn tay hắn. Nếu tất cả phần còn lại trên cơ thể hắn đều to quá cỡ thì bàn ta hắn là đồ sộ.
- Luật sư Bjurman?
Hắn nói với một chút giọng châu Âu nhưng tiếng nói của hắn lại đặc biệt choe chóe khiến Bjurman đã toan bật cười. Ông phải cố giữ cho vẻ mặt bình thường và gật đầu.
- Ông nhận được thư tôi?
- Ông là ai? Tôi muốn gặp...
Người đàn ông với đôi bàn tay đồ sộ đã ngồi xuống đối diện Bjurman và cắt gọn lời ông.
- Đúng là ông sẽ gặp tôi đây. Bảo xem ông muốn gì nào.
Bjurman ngập ngừng. Ông ghét ghê ghét gớm cái ý nghĩ phải để cho một người lạ mặt sai bảo. Nhưng đây là cần thiết. Ông tự nhắc cần nhớ rằng không chỉ mình ông thù hận Salander. Đây là chuyện chọn đồng minh. Ông hạ giọng giải thích việc của mình.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT