Nhiều sử gia nói rằng quân Pháp không thắng trận Borodino vì Napoléon sổ mũi, chứ giả sử hôm ấy ông ta không bị sổ mũi thì những mệnh lệnh của ông ta trước và trong trận này sẽ còn thiên tài hơn nữa, và nước Nga sẽ diệt vong, và bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi(1). Đối với những sử gia quan niệm rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của một cá nhân là Piotr Đại chế, còn nước Pháp từ một nước Cộng hoà đã thành một đế quốc và quân Pháp tiến vào nước Nga đều là do ý chí của cá nhân là Napoléon thì cái lối suy luận cho rằng sở dĩ nước Nga còn hùng cường chỉ vì ngày hai mươi sáu Napoléon bị sổ mũi nặng, đối với hạng sử gia này, lối suy luận như vậy là hoàn toàn nhất quán và tất yếu.

Nếu việc mở hay không mở trận Borodino chỉ phụ thuộc vào ý muốn của ông ta thì dĩ nhiên bệnh sổ mũi có tác dụng đối với sự biểu hiện ý chí của ông ta có thể là nguyên nhân để cứu vãn nước Nga; vậy thì các anh chàng hầu phòng nào đấy đã quên không đưa cho Napoléon đôi ủng không thấm nước chính là vị cứu tinh của nước Nga.

Một quá trình lý luận như vậy nhất định phải đưa đến một kết luận như vậy, điều đó không thể nghi ngờ gì được, cũng như không thể ngờ vực cái kết luận của Volter trong khi bông đùa (ông ta cũng không biết mình đùa cợt cái gì) nói rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy(2) đã xảy ra là do Charles IX bị đầy bụng. Nhưng đối với những người không thừa nhận rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của những cá nhân Piotr đệ nhất, và đế chế Pháp đã hình thành cũng như cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra không phải do ý chí của cá nhân Napoléon, thì lối lý luận này không những sai lạc, phi lý mà còn trái với tất cả bán chất của con người. Đối với vấn đề cái gì làm thành nguyên nhân của các biến cố lịch sử có một cách giải đáp khác, nói rằng sự diễn biến của biến cố trên thế giới là do thiên định, nó lệ thuộc vào sự xuất hiện đồng thời của tất cả những ý chí tự do của những con người tham dự vào những biến cố ấy. ảnh hưởng của Napoléon đối với quá trình diễn biến này chỉ là một ảnh hưởng bề ngoài và hư ảo.

Nếu giả thiết rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy do Charles IX ra lệnh không phải xảy ra do ý muốn của ông ta, mà chẳng qua là ông tưởng chính mình đã ra lệnh thôi, thì thoạt mới nghe cũng có vẻ kỳ quặc thật, cũng như cho rằng vụ tám vạn người ở Borodino đã xảy ra không phải do ý muốn của Napoléon (mặc dù ông ta đã ra lệnh khai hoả và đã ra nhiều mệnh lệnh khác trong trận đánh) mà chẳng qua là ông ta tưởng mình đã ra lệnh. Nhưng dù giả thiết này có kỳ quặc đến đâu đi nữa, lòng tự trọng của con người cũng mách bảo chúng ta rằng bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều là người như Napoléon đại đế, và nếu không hơn ông ta về tính người thì ít nhất cũng không kém ông ta chút nào về phương diện đó, và do đó, nó bắt buộc chúng ta chấp nhận cách giải quyết vấn đề đó như thế, và không thiếu gì những công trình nghiên cứu lịch sử khăng định giả thiết này.

Trong trận Borodino, Napoléon không bắn một phát súng nào và không giết ai hết. Tất cả những việc bắn giết đều do quân lính của ông ta làm. Thế nghĩa là không phải ông ta đã giết người.

Binh sĩ trong quân đội Pháp biết binh sĩ Nga trong trận Borodino không phải theo mệnh lệnh của Napoléon và theo ý muốn của bản thân họ. Toàn thể đạo quân gồm những người Pháp, người Ý, người Đức, người Ba Lan, đói rách, mệt mỏi vì những cuộc hành quân, đứng trước một đạo quân chặn đường không cho họ vào Moskva, và cảm thấy rằng rượu đã rót ra thì phải uống.

Nếu lúc bấy giờ Napoléon ngăn cản họ không cho họ đánh nhau với quân Nga, thì họ sẽ giết Napoléon để đánh nhau với quân Nga bởi vì họ không thể nào làm khác được.

Khi họ nghe nhật lệnh của Napoléon hứa hẹn rằng để đền bồi cho những thương tích và cho cái chết của họ, hậu thế sẽ nói họ đã có mặt trong trận địa chiến đấu dưới chân thành Moskva, họ liền hô: "Hoàng đế vạn tuế" cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ cầm cái gậy nhỏ xuyên qua quả địa cầu, cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nghe bất kỳ câu nói vô nghĩa nào mà người ta nói với họ. Họ không còn biết làm gì hơn là hô "hoàng đế vạn tuế" và đi chiến đấu để có được thức ăn và chỗ nghỉ ở Moskva dành cho những người thắng trận. Do đó họ giết đồng loại của họ không phải vì có lệnh của Napoléon.

Mà Napoléon cũng không hề chỉ huy quá trình diễn biến của trận đánh, bởi vì trong tất cả những mệnh lệnh của ông ta, không mệnh lệnh nào được thực hiện, và trong thời gian chiến đấu, ông không hề biết trận đánh diễn ra như thế nào. Thành thử, ngay đến cách những người kia giết lẫn nhau như thế nào cũng không tuỳ thuộc ý muốn của Napoléon, mà tuỳ thuộc ý muốn của hàng chực vạn con người đã tham dự trận chiến đấu. Chẳng qua Napoléon tưởng rằng sự việc đã xảy ra ý muốn của mình. Cho nên, vấn đề Napoléon hôm đó có sổ mũi hay không đối với lịch sử không có gì quan trọng hơn bệnh sổ mũi của người lính mạt hạng trong đội vận tải. Vả chăng các sử gia hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng do bệnh sổ mũi của Napoléon ngày hai mươi sáu, nên trong khi chiến đấu ông ta không đưa ra một kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh có hiệu lực như trước kia.

Kế hoạch tác chiến nói trên không hề thua kém mà còn hay hơn tất cả những kế hoạch trước đã làm cho ông ta thắng trận.

Những mệnh lệnh tưởng tượng đã ban bố lúc chiến đấu cũng không thua kém gì những mệnh lệnh trước kia, nó cũng y như hệt như những mệnh lệnh khác của Napoléon từ trước tới nay. Nhưng kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh này thua kém những trận trước chính vì trận Borodino là trận đầu tiên mà Napoléon không thắng. Tất cả những kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất và sâu sắc nhất bao giờ cũng đều có vẻ sai lầm khi trận đánh không giành được thắng lợi, và bất cứ chuyên gia quân sự nào cũng phê phán nó với một giọng văn quan trọng và đầy ý nghĩa. Trái lại, những kế hoạch kém nhất sẽ đâm ra có vẻ rất hay ho khi người ta đã giành được thắng lợi, và những người rất đứng đắn sẽ viết ra hàng pho sách để chứng minh giá trị của nó.

Kế hoạch tác chiến do Vairother thảo ra ở Austerlix là mẫu mực hoàn hảo của loại này, thế mà người ta vẫn phê phán nó, phê phán chính vì nó hoàn chỉnh, chính vì nó có nhiều chi tiết tỉ mỉ quá.

Ở Borodino, Napoléon đã làm nhiệm vụ của người đại diện cho quyền lực một cách cũng đúng đắn và còn khá hơn ở các trận khác.

Ông không làm điều gì có hại đến sự diễn biến của trận đánh.

Ông nghe theo những ý kiến hợp nhất. Ông không làm rối công việc không tự mâu thuẫn với mình, không kinh hoàng, không bỏ chiến trường mà chạy và với sự khôn khéo và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của ông, ông sẽ đóng vai trò của người tổng chỉ huy hư vị một cách điềm nhiên và trang trọng.

Chú thích:(1) Điển tích lấy trong lịch sử La Mã: Nữ hoàng Ai Cập là Cleopatra đã nhờ sắc đẹp lộng lẫy mà quyến rũ được tướng La Mã Antoniux và do đó đã làm cho ý đồ chinh phạt của La Mã thất bại. Người đời sau có lời bàn mỉa mai rằng "Giả sử cái mũi của Cleopatra dài hơn một chút, bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi". Tolstoy dùng điểm này cho một trường hợp tương tự

(2) Vụ tàn sát hàng loạt những người theo tôn giáo cải cách ("Tin lành") dưới thời Charles IX. Đêm 23 tháng tám 1572 (rạng ngày thánh Barthelomy), nhà vua, theo lời xúi giục của hoàng thái hậu và bọn triều thần công giáo đã ra lệnh giết hết những người Tin Lành, kể cả trẻ sơ sinh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play