Ngày hai mươi bốn có một trận chiến đấu ở cứ điểm Sevardino, ngày hai mươi lăm hai bên không bắn một phát súng nào, và đến ngày hai mươi sáu thì diễn ra trận Borodino.

Tại sao hai trận Sevardino và Borodino lại nổ ra? Bên này khởi chiến như thế nào, bên kia ứng chiến ra sao? Đặc biệt tại sao lại xảy ra trận Borodino? Về phương diện quân Pháp cũng như về phương diện quân Nga nó chẳng có nghĩa lý gì hết. Hậu quả trực tiếp nhất của nó là làm quân Nga càng chóng mất Moskva (điều mà phía ta sợ nhất trên đời) và làm cho toàn bộ quân Pháp càng chóng bị tiêu diệt (lại cũng là điều họ sợ hơn cả). Ngay lúc bấy giờ, cái hậu quả này đã sờ sờ ra đấy. Ấy thế mà Napoléon vẫn khởi chiến và Kutuzov vẫn giao chiến.

Lẽ ra, nếu hai vị chủ tướng hành động theo sự chỉ đạo của lương tri, thì Napoléon phải thấy rõ rằng ông ta đã tiến sâu thêm hai nghìn dặm Nga, và bây giờ lại mở trận với cái hiềm tượng là sẽ, mất một phần tư quân số, thì đó là ông ta đang bước nhanh đến một bại vong chắc chắn, và Kutuzov phải thấy rõ là nếu giao chiến, ông ta cũng có thể mất một phần tư quân đội và thế nào cũng phải bỏ Moskva. Về phía Kutuzov thì nó hiển nhiên như toán học vậy: trong ván cờ, nếu tôi kém đối thủ một quân mà tôi cứ muốn chơi lối thí một ăn một thì rốt cục thế nào tôi cũng sẽ thua, vì vậy tôi cần phải tránh thí quân.

Nếu đối thủ có mười sáu quân cờ mà tôi chỉ có mười bốn quân thì lực lượng của tôi chỉ yếu hơn nó một phần tám thôi; Nhưng nếu tôi và nó đều mất mười ba quân cờ thì lực lượng của nó sẽ mạnh hơn tôi gấp ba lần.

Trước trận Borodino, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp là một bên năm một bên sáu, nhưng hai trận này tương quan lực lượng là một bên một, một bên hai, nghĩa là trước trận này ta có mười vạn để chống lại mười hai vạn và sau này ta có năm vạn để chống lại mười vạn. Ấy thế mà Kutuzov con người thông minh và giàu kinh nghiệm ấy đã giao chiến, và Napoléon, vị tướng lĩnh thiên tài như người ta thường gọi, đã khởi chiến, và kết quả là đã mất một phần tư quân đội và làm cho chiến tuyến càng dàn mỏng thêm. Nếu bảo Napoléon hy vọng rằng sau khi chiếm Moskva ông ta sẽ kết thúc một chiến dịch cũng như trước đây ông ta đã thúc chiến dịch sau chiến dịch Viên, thì có rất nhiều chứng cớ bác lại điều đó. Ngay các sử gia của Napoléon cũng kể lại rằng từ khi đến Smolensk, Napoléon đã định dừng lại, vì ông thấy chiến tuyến của mình kéo dài như thế này là một nguy cơ lớn, ông thừa biết rằng chiếm Moskva không phải là chấm dứt chiến dịch, bởi vì từ khi chiếm Smolensk ông đã thấy rõ tình trạng của thành phố Nga khi lọt vào tay ông, và ông vẫn không nhận được lời phúc đáp nào sau bao nhiêu lần tuyên bố muốn tiến hành đàm phán.

Trong trận Borodino, trong khi khai chiến và giao chiến, Kutzov và Napoléon đều hành động một cách không tự giác và phi luận lý. Nhưng đến khi sự đã rồi, các sử gia mới rút ra những chứng cứ phức tạp và lắt léo để chứng minh tài tiên đoán cuả các vị tướng lĩnh thiên tài, chứ thực ra họ chỉ là những tay sai thấp hèn nhất và bị động nhất trong số tất cả những công cụ vô ý thức của những biến cố lịch sử thế giới.

Người cổ đại đã để lại cho chúng ta những áng sử thi gương mẫu trong đó bao nhiêu ý nghĩa của lịch sử chung quy đều nằm trong các nhân vật anh hùng: và cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa quen nghĩ rằng cái thứ quan niệm lịch sử kia chẳng có giá trị gì đối với những người ở thời đại ta cả.

Về vấn đề thứ hai, là trận Borodino cũng như trận Sevardino trước đây đã xảy ra như thế nào, thì từ trước đến nay vẫn lưu hành một quan niệm hết sức rõ ràng và rất phổ biến nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Tất cả các sử gia đều trình bày sự việc như sau:

Theo họ thì quân Nga trong khi rút lui khỏi Smolensk vẫn tìm một trận địa tốt nhất để mở một trận toàn quân và đã tìm thấy trận địa ở Borodino.

Theo họ, quân Nga đã củng cố trận này từ trước. Nó nằm vào khoảng từ Borodino đến Utitxa bên trái con đường từ Moskva đến Smolensk và gần như thẳng góc với con đường này - tức là nó nằm ngay nơi trận chiến diễn ra.

Theo họ, ở trước trận địa này quân Nga đã đặt một vị trí tiền tiêu có công sự kiên cố trên đồi Sevardino để quan sát địch tình.

Ngày hai mươi bốn, Napoléon tấn công và chiếm vị trí tiền tiêu này; ngày hai mươi sáu ông ta tấn công vào toàn bộ quân Nga đang chiếm lĩnh trận địa trên cánh đồng Borodino.

Đấy là lời các sử gia, và tất cả những điều đó đều hoàn toàn sai sự thật, bất kỳ ai muốn đi sâu vào thực chất của vấn đề cũng sẽ thấy như vậy một cách đễ dàng.

Quân Nga khi rút lui chẳng hề tìm hiểu trận địa tốt nhất; trái lại họ đã bỏ nhiều trận địa tốt hơn Borodino. Họ không dừng lại ở một nơi nào trong những trận địa này vì nhiều lý do: vì Kutuzov không muốn chiếm lĩnh một trận địa không phải do mình chọn, vì mở một trận toàn quân vẫn chưa phải là một đòi hỏi phải thực hiện cấp bách, vì Miloradovich vẫn chưa đem dân quân đến và còn vì vô số lý do khác nữa. Sự thực thì những trận trước còn tốt hơn, còn như trận địa Borodino (nơi trận đánh diễn ra) thì không những không có thế mạnh mà thậm chí cũng chẳng có tính chất "trận địa" gì hơn bất cứ một nơi nào khác trên lãnh thổ cuả đế quốc Nga mà người ta có thể chỉ định bằng cách lấy kim găm căm hú hoạ lên bản đồ.

Quân Nga chẳng hề củng cố trận địa Borodino ở bên trái và thẳng góc với dường cái, tức là củng cố nơi mà trận đánh diễn ra. Không những thế, trước ngày 25-8-1812 họ không hề nghĩ rằng một trận đánh có thể xảy ra ở đấy. Có nhiểu bằng chứng cho thấy rõ như vậy: thứ nhất, không những trước ngày hai mươi lăm ở đấy không có công sự, mà những công sự bắt đầu xây ngày hai mươi lăm thì đến ngày hai mươi sáu vẫn chưa xong.

Thứ hai, ngay vị trí của cứ điểm Sevardino cũng chứng tỏ điều đó: lập một cứ điểm như thế ở phía trước nơi chiến sự diễn ra thì chẳng có nghĩa lý gì hết. Tại sao nó lại được củng cố hơn các cứ điểm khác? Tại sao ngày hai mươi bốn, mãi về khuya, người ta đã dốc toàn lực và mất sáu ngàn người để bảo vệ nó? Nếu để quan sát địch tình thì chỉ cần một đội trinh sát cô-dắc là đủ. Thứ ba, người ta không hề dự kiến trước nơi sẽ diễn ra trận đánh, cũng không hề dự kiến trước rằng cứ điểm Sevardino đã là tiền tiêu của trận địa: chứng cớ là mãi đến ngày mười lăm, Barclay de Tolly và Bagration, vẫn yên chí rằng cứ điểm Sevardino là cánh trái của trận địa, và ngay cả Kutuzov trong bản báo cáo viết ngay trong trận đánh, trong lúc tâm trí còn đầy những ấn tượng nóng hổi, cũng vẫn gọi nó là cánh trái của trận địa. Mãi về sau, trong những bản báo cáo viết lúc rỗi rãi về trận Borodino (chắc hẳn là để bào chữa cho những sai lầm của vị tổng tư lệnh, mà họ vẫn tưởng là một người không thể sai lầm), người ta mới đặt ra cái lối giải thích phi lý và kỳ quặc nói rằng cứ điểm Sevardino là tiền tiêu trong khi nó chỉ là một cứ điểm của cánh trái, và cho rằng quân ta đánh trận Borodino ở một trận địa đã được chọn và được củng cố từ trước, trong khi thật ra nó đã xảy ra ở một nơi hoàn toàn ngẫu nhiên và hầu như không được củng cố gì cả.

Tình hình thực tế hiển nhiên là như sau: trận địa đã được chọn trên sông Kolotsa, là con sông cắt ngang đường cái lớn không phải thành một góc vuông, mà thành một góc nhọn. Do đó cánh trái là ở Sevardino nơi hai con sông Kolotsa và Voyna gặp nhau. Một đạo quân có nhiệm vụ chặn quân địch đang tiến lên theo con đường từ Smolensk đến Moskva thế nào cũng phải chiếm vị trí này, vị trí được con sông Kolotsa án ngữ: bất kỳ ai quan sát chiến trường Borodino mà quên hẳn trận chiến đấu trước đây đã diễn ra như thế nào cũng đều thấy nó là hiển nhiên.

Sevardino. Nhưng sau đó ông ta cho quân vượt qua sông Kolotsa trong khi quân Nga không ngờ đến điều đó khiến cho quân Nga không thể nào đánh một trận toàn quân, và phải rút lui cánh trái ra khỏi trận địa mà họ bị chiếm lĩnh, để đến một vị trí mới mà họ không dự định chiếm và không được củng cố. Trong khi đem quân sang tả sông Kolotsa, tức là sang phía bên trái đường cái lớn, Napoléon đã chuyển toàn bộ trận chiến đấu sắp tới từ cánh phải sang cánh trái quân Nga, rồi chuyển sang cánh đồng ở giữa Utitxa, Xemenovxkoye và Borodino (cánh đồng này dùng làm trận địa cũng không có gì lợi hơn bất kỳ cánh đồng nào khác ở Nga) và trên cánh đồng ấy đã diễn ra toàn bộ trận chiến đấu ngày hai mươi sáu.

Đại khái sơ đồ trận chiến đấu theo như dự định và sơ đồ trận chiến đấu trong thực tế đã diễn ra như sau:

Giả sử chiều ngày hai mươi bốn Napoléon không vượt qua sông Kolotsa và ngay chiều hôm đó ông ta không tấn công ngay vào cứ điểm mà hoãn cuộc tấn công đến sáng hôm sau, thì hiển nhiên là cứ điểm Sevardino sẽ là thành cánh trái của trận địa của quân ta và trận chiến đấu sẽ diễn ra như ta đã chờ đợi từ trước.

Trong trường hợp này, chắc chắn là quân ta sẽ bảo vệ cứ điểm Sevardino tức là cánh trái của ta, còn kiên quyết hơn nữa, quân ta sẽ tấn công Napoléon ở trung tâm hay ở cánh phải, và trận chiến đấu toàn quân sẽ diễn ra ngày hai mươi lăm, trận điạ đã chuẩn bị và đã được củng cố từ trước. Nhưng vì cuộc tấn công vào cánh trái của ta đã diễn ra ngay chiều hôm ấy, sau khi hậu quân của ta rút lui, tức là ngày sau trận Grinyevo, là bởi vì các tướng lĩnh Nga không muốn và không thể mở ngay cuộc chiến đấu toàn quân vào buổi chiều ngày hai mươi bốn, cho nên cuộc giao chiến đầu tiên cũng là cuộc giao chiến chính trong trận Borodino đã thất bại từ ngày hai mươi bốn, và điều đó tất nhiên đưa đến cuộc bại trận ngày hai mươi sáu.

Sau khi mất cứ điểm Sevardino, sáng hai mươi lăm, quân ta lâm vào tình cảnh mất chỗ dựa ở cánh trái, nên đành phải rút, lui cánh trái và vội vã củng cố nó bất kỳ ở đâu. Nhưng nếu ngày hai mươi sáu tháng tám, quân đội Nga chỉ được những công sự yếu ớt chưa xây xong bảo vệ, thì tình trạng bất lợi này còn tăng thêm ở chỗ các tướng Nga không nhận thức được tình hình một cách đầy đủ: họ không thấy rằng việc mất vị trí ở cánh trái bắt buộc họ phải chuyển toàn bộ trận địa trước mắt từ phải sang trái, cho nên họ cứ để chiến tuyến của họ kéo dài như trước từ Novoye đến Utitxa. Kết quả là ngay giữa lúc chiến đấu quân đội Nga đã bắt buộc phải di chuyển từ bên phải sang bên trái. Như vậy, trong lúc chiến đấu quân đội Nga chỉ có thể dùng cánh trái của mình để đương đầu với tất cả quân đội Pháp tức là với những lực lượng mạnh gấp đôi. Còn những cuộc tấn công của Ponytovxki vào Utitxa và những cuộc tấn công của Uvarov vào cánh phải của quân Pháp thì chỉ là những hành động lẻ tẻ không liên quan gì đến tình hình chiến sự.

Như vậy, trận Borodino đã diễn ra hoàn toàn không phải như người ta đã miêu tả nó (vì mục đích che giấu những lỗi lầm của các vị tướng soái của ta, và do đó, đã làm giảm bớt phần vinh quang của quân đội và của nhân dân Nga). Trận Borodino không diễn ra trên một trận địa đã chọn từ trước, đã được củng cố, và lực lượng của quân Nga không phải chỉ yếu hơn quân địch một chút. Trái lại, trong trận Borodino, do việc mất cứ điểm Sevardino, quân Nga đã phái giao chiến trên một trận địa trống trái hầu như không có công sự với những lực lượng yếu hơn quân Pháp hai lần, tức là ở trong những điều kiện mà dù chỉ chiến đấu ba giờ liên tiếp thôi cũng đã khó lòng tránh khỏi tình trạng hoàn toàn tan rã buộc họ phải bỏ chạy chứ đừng nói chiến đấu suốt mười tiếng đồng hồ trong một trận giằng co bất phân thắng phụ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play