Trong khi tất cả những việc ấy diễn ra ở Petersburg thì quân Pháp đã tiến quá Smolensk và càng ngày càng đến gần Moskva. Sử gia chuyên viết về Napoléon là Tyer, - cũng như các sử gia khác chuyên viết về Napoléon, muốn thanh minh cho vị anh hùng của họ, chủ trương rằng Napoléon đã bị nhử đến tận chân thành Moskva, trái với ý muốn của ông. Typer có lý, cũng như tất cả các sử gia cố cắt nghĩa các sự kiện lịch sử bằng ý chí của một cá nhân đều có lý cả; Typer cũng có lý ngang với các sử gia Nga đã khẳng định rằng Napoléon đã bị nhử đến Moskva do sự khéo léo của các tưởng Nga. Ở đây, theo luật hồi tưởng, tất cả quá khứ không những đã chuẩn bị cho việc xảy ra, mà lại còn có hiện tượng tương hỗ cho sự việc càng thêm rối ren. Một người cao cờ thua một ván thì tin chắc chắn và thành thật rằng mình thua là do một nước cờ đi lầm; anh ta tìm cái lầm lỗi ấy ở lúc mới nhập cuộc mà quên rằng suốt ván cờ anh ta còn để lỡ nhiều nước nữa, và không một nước cờ nào của anh ta hoàn thiện cả. Anh ta chỉ để ý đến cái lỗi ấy vì nó đã bị đối thú lợi dụng. Còn phức tạp hơn thế biết mấy là cuộc cờ chiến tranh, bởi vì chiến tranh diễn ra trong những hoàn cảnh thời gian nhất định, và trong hoàn cảnh ấy không phải một ý chí duy nhất điều khiển được các bộ máy vô tri, mà mọi việc xảy ra là do sự đụng chạm giữa vô số ý chí cá nhân.
Tiến quá Smolensk, Napoléon muốn giao chiến với quân Nga ở bên kia Dorogobuie trước Viazma, rồi trước Txarevo Zaimits; nhưng do không biết bao nhiêu việc xảy ra, quân Nga đã không thể giao chiến được trước khi lùi đến Borodino cách Moskva một trăm mười hai dặm. Qua Viazma, Napoléon ra lệnh cho quân tiến thẳng đến Moskva.
Moskva, chốn kinh đô Á đông của đế quốc rộng lớn ấy, thành phố thiêng liêng của các dân tộc thân thuộc Alekxandr, Moskva với vô số nhà thờ giống như những ngôi chùa Trung Quốc. Thành Moskva kia không để cho trí tưởng tượng của Napoléon yên tĩnh lấy được một chút. Trên chặng đường từ Viazma đến Txarevo Zaimits, Napoléon cưỡi con ngựa kiệu lông tía thắt đuôi, theo hộ giá có đội cận vệ, một đoàn tuỳ tùng, nhiều thị đồng và sĩ quan phụ tá Tham mưu trưởng Bertie ở lại sau để hỏi cung một người Nga vừa bị quân kỵ mã bắt làm tù binh. Cùng với viên thông ngôn Lơlorm Didvil, ông ta phi ngựa theo kịp Napoléon và dừng lại, vẻ mặt hơn hở.
- Thế nào? - Napoléon hỏi.
- Một tên cô-dắc của Platov, nó nói rằng đạo quân của Platov đang bắt liên lạc với đại quân Nga, và Kutuzov đã được phong chức tổng tư lệnh. Tên ấy thông minh và lém lỉnh lắm!
Napoléon mlm cười bảo cấp cho người cô-dắc ấy một con ngựa và dẫn hắn đến. Ông ta muốn tự mình hỏi chuyện hắn.
Mấy sĩ quan phụ tá liền phi ngựa đi và một giờ sau. Lavuruska, người nông nô mà Denixov đã nhường lại cho Roxtov, đến ra mắt Napoléon, mình mặc quân phục lính cần vụ, ngồi trên yên ngựa của kỵ binh Pháp, với bộ mặt vui vẻ tinh quái của một người say rượu.
Napoléon bảo hắn rong ngựa đi bước một bên cạnh và hỏi:
- Anh là cô-dắc?
- Thưa đại nhân, vâng ạ!
Tyer thuật lại đoạn này có viết: "Người cô-dắc không hiểu mình đang đi với ai, vì vẻ giản dị của Napoléon không mảy may làm cho bộ óc quen tưởng tượng theo kiểu phương Đông có thể nghĩ rằng mình đang ở trước mặt một đế vương. Hắn nói chuyện về cuộc chiến tranh đang diễn ra một cách hết sức suồng sã, song thật ra Lavuruska, hôm qua vì quá chén mà quên không làm thức ăn cho chủ nên bị đòn, sau được sai vào các làng mua gà vịt thì lại đi ăn cắp lương thực của dân rồi bị quân Pháp bắt. Lavuruska thuộc hạng những tên gia nô xấc láo và thô lỗ, đã nếm đủ mùi đời, nên vẫn nghĩ rằng bổn phận của chúng là trong bất cứ việc gì cũng phải hành động một cách hèn hạ và gian trá, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để hầu hạ chủ, có đủ khôn ngoan để đoán ra tất cả những ý nghĩ xấu xa của chủ, nhất là những ý nghĩ hám danh và ty tiện.
Đến trước Napoléon mà hắn nhận ra ngay một cách rất dễ dàng, Lavuruska vẫn không mảy may xúc động và chỉ cố hết sức làm cho các ông chủ mới ấy được vừa lòng.
Hắn biết rất rõ rằng người đứng đó chính là Napoléon. Nhưng Napoléon đứng đó cũng không làm cho hắn lúng túng hơn là Roxtov hay viên đội kỵ binh đã đánh đòn hắn, vì cả viên đội lẫn Napoléon đều không thể làm gì được hắn.
Hắn khai hết những điều hắn đã nghe lỏm được trong các câu chuyện mà bọn sĩ quan hầu cận nói với nhau; và trong đó có nhiều điều đúng sự thật. Nhưng khi Napoléon hỏi rằng người Nga có cho là họ sẽ thắng được Bonaparte không thì hắn nheo nheo đôi mắt lại suy nghĩ một lát.
Hắn cho rằng câu hỏi này là một cái bẫy tinh vi, cũng như những kẻ thuộc loại như hắn thường nghĩ rằng lúc nào và ở đâu người ta cũng bẫy họ cả. Hắn nhăn mặt và đứng im. Rồi vẻ trầm ngâm, hắn nói:
- Nghĩa là hai bên có giao chiến… và giao chiến cho chóng, thì đúng thế đấy. Nhưng nếu để quá ba ngày… thì sau đó… vậy nghĩa là công chuyện còn kéo dài.
Lời hắn nói được dịch lại cho Napoléon như sau:
- Nếu đánh nhau trước ba ngày thì quân Pháp thắng, nhưng nếu để lâu hơn thì có trời biết được là sẽ ra sao.
Lơlorm Didvil mỉm cười dịch lại câu này cho Napoléon nghe. Napoléon không cười, - tuy lúc bấy giờ ông ta đang vui thích rõ rệt, - và hắn nhắc lại câu vừa nói.
Lavuruska hiểu ý, liền nói tiếp, vờ không biết Napoléon là ai, cốt đề cho Napoléon cười:
- Chúng tôi biết các Ngài có Bonaparte, khắp thiên hạ ai ai ông ta cũng thắng tuốt, nhưng với chúng tôi thì lại khác… - Thật tình chính hắn cũng chẳng hiểu từ đâu cái giọng khoác lác yêu nước lại lọt vào câu nói của hắn như vậy. Viên thông ngôn lại dịch cho Napoléon và bỏ lửng phía sau của câu nói. Napoléon mỉm cười.
Về việc ấy Tyer có viết: "Tên cô-dắc trẻ tuổi làm cho người đối thoại chí tôn của hắn phải mỉm cười".
Yên lặng đi vài bước, Napoléon quay lại bảo Bertie rằng ông ta muốn cho Lavuruska biết người vừa nói chuyện với hắn chính là hoàng đế. - vị hoàng đế đã ghi tên các kim tự tháp cái đại danh vinh quang và bất tử của mình, - để xem tin ấy tác động đến "đứa con của sông Đông" ấy như thế nào.
Tin ấy được truyền đến Lavuruska.
Lavuruska biết rằng người ta muốn làm cho hắn túng túng, lại biết là Napoléon tưởng hắn rất sợ; để lấy lòng các chủ mới, hắn liền vờ kinh ngạc, khiếp sợ, tròn xoe đôi mắt và đổi sang cái vẻ mặt mà hắn thường có những khi người ta mang hắn ra đánh đòn. Tyer viết: "Người phiên dịch của Napoléon vừa nói xong, thì chàng cô-dắc ngẩn người ra không nói được một lời nào nữa và vừa đi vừa trố mắt nhìn vào nhà chinh phục mà đại danh đã lang lừng đến tận hắn, qua các thảo nguyên phương Đông. Tất cả cái lém lỉnh hắn đột nhiên tắc nghẽn lại, nhường chỗ cho hắn, Napoléon ra lệnh thả cho hắn tự do như người ta thả một con chim về đồng nội, quê hương của nó".
Napoléon tiếp tục đi, vừa đi vừa mơ tưởng đến thành Moskva nơi đang làm cho trí tưởng tượng của ông ta say đắm, trong khi con chim mà người ta thả về đồng nội, quê hương của nó phi ngựa về các đồn tiền tiêu, vừa phi vừa bịa đặt trước những việc không hề xảy ra để kể lại cho quân ta nghe. Còn những việc hắn đã gặp thật thì hắn giấu hết, vì hắn cho rằng những việc ấy không đáng thuật lại thành chuyện. Hắn trở về với quân cô-dắc, hỏi thăm trung đoàn của hắn thuộc chi đoàn của Platov và tối hôm ãy thì hắn tìm được chủ là Nikolai Roxtov đang đóng ở Yankovo. Nikolai vừa lên ngựa để cùng Ilya đi dạo chơi các làng lẫn cận, liền cho Lavuruska cưỡi ngựa đi theo.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT