Vừng mặt trời mùa thu chạy vòng trên khoảng trời đầy những đám mây trắng nhăn nheo như sóng gợn, chênh chếch bên cạnh thôn Tatarsky. Trên ấy, trên khoảng không cao tít, gió chỉ hiu hiu, đủ xua nhẹ những đám mây bập bềnh trôi về phía tây, nhưng dưới nầy, trên làn nước sông Đông màu xanh lá cây sẫm sịt phẳng như một dải đồng bằng, trên những khu rừng đã rụng hết lá, gió lại thổi ào ào từng trận rất mạnh, uốn rạp những ngọn liễu và tiêu huyền, xới tung mặt sông Đông, đuổi những đàn lá hung hung chạy dọc theo các phố. Trong sân đập lúa nhà Khristonhia có đống rơm lúa mì trên đỉnh đánh không cẩn thận lờm xờm như cái đầu bù. Một trận gió xoắn đến, bới một lỗ trên đỉnh đống rơm, lật đổ cái cào mảnh dẻ rồi bất thình lình vơ lấy một ôm rơm vàng óng, như có người cầm chàng nạng xốc lên, rồi bê rơm qua sân, cuốn ra phố, rắc một cách hào phóng xuống con đường vắng tanh và vắng ngắt, còn lại một nắm bù xù lại quăng nốt lên mái nhà Stepan Astakhov. Mụ vợ Khristonhia đầu tóc rũ rượi chạy bổ ra sân gia súc. Mụ kẹp hai đầu gối giữ váy, giương mắt nhìn cơn gió hoành hành trong sân đập lúa, rồi lại đi vào phòng ngoài.
Chiến tranh đã kéo dài đến năm thứ ba. Điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn trong thôn. Trong các nhà không còn có đàn ông ở lại nữa, các nhà kho đều xơ xác, trống huếch trống hoác, sân gia súc nứt nẻ tiêu điều, cảnh tang thương để lại những dấu vết chẳng đẹp mắt chút nào. Mụ vợ Khristonhia phải quán xuyến mọi công việc trong nhà cùng với thằng con mới lên chín. Mụ vợ của gã Anikey thì hoàn toàn chẳng lo gì đến công ăn việc làm, và trong tình cảnh vợ lính vắng chồng, mụ chỉ ra sức chăm nom cái mã của mình: mụ tô son trát phấn, và thiếu bọn Cô- dắc đã trưởng thành thì mụ nhận những thằng nhãi ranh mười bốn mười lăm. Chứng cứ hùng hồn của những chuyện như thế là hai cái cánh cổng bằng ván ghép trước kia đã bị bôi bê bết nhựa chưng, đến nay vẫn còn giữ những vết nâu xịt như những lời tố cáo 1. Căn nhà của Stepan Astakhov thì chẳng còn ma nào ở. Trước khi ra đi, chủ nhà đã dùng ván bịt kín các cửa sổ. Mái nhà sụt vài chỗ, ngưu bàng mọc đầy sân, khoá cửa đã rỉ hoen, và sau cái cổng sân nuôi gia súc mở toang, cỏ dại và tàn lê đã lên um tùm, không còn lối nào mà đi nữa, nhưng bất cứ lúc nào những con bò hay ngựa thả rong cũng có thể vào kiếm chỗ tránh nắng hay mưa gió. Tường nhà Tomilin Ivan thì nghiêng ra phố, chỉ có cái cọc có chạc chống cho nó khỏi đổ. Có lẽ định mệnh đã thay mặt những ngôi nhà ở Đức hay ở Nga bị bắn phá huỷ, trả thù tên lính pháo binh ngang tàng điều khiển bộ phận nhằm của pháo.
Khắp thôn trong tất cả các phố các ngõ cũng đều như thế. Chỉ cuối phần dưới thôn mới còn một cơ ngơi nom ra hồn là nhà ông Panteley Prokofievich: tất cả đều đầy đủ, nguyên vẹn. Tuy vậy cũng không hoàn toàn tất cả. Trên mái nhà thóc, những con gà trống bằng sắt tây làm quá lâu năm đã rơi đâu mất, nhà thóc cũng hơi xiêu, một cặp mắt tinh đời vẫn có thể nhìn thấy vài chỗ còn chưa chu đáo trong công việc làm ăn. Hai bàn tay ông già làm thế nào hết mọi việc, đến thóc gieo cũng phải ít hơn. Còn các mặt khác thì chẳng có gì đáng nói - Nhưng chỉ có một điều là số người trong nhà Melekhov đã không giảm bớt: thay cho Petro và Grigori đang ruồi rong trên các mặt trận, đầu mùa thu năm ngoái.
Natalia đã đẻ sinh đôi. Nàng đã khéo làm vừa lòng bố mẹ chồng, sinh liền một trai một gái. Natalia đã chịu đựng thời kỳ thai nghén một cách rất đau đớn, có khi mấy ngày liền không thể đi đâu được vì hai chân đau nhức nhối. Nàng phải lê chân đi từng bước, nhưng vẫn chịu đựng mọi sự đau đớn một cách rất cứng cỏi, không bao giờ để lộ chút gì trên khuôn mặt ngăm ngăm, gày gò, tràn trề hạnh phúc. Chỉ những phút chân bị chuột rút quá đau, mới thấy hai bên thái dương nàng đổ ra những giọt mồ hôi lóng lánh như hạt cườm, và khi nhìn thấy thế bà Ilinhitna mới đoán ra. Bà lắc đầu, mắng con dâu:
- Có vào nằm đi không, con bé chết tiệt nầy! Sao mày cứ tự làm khổ mình như thế hả con?
Một ngày tháng chín đẹp trời, Natalia cảm thấy mình sắp sinh nở đến nơi, bèn ra phố.
- Mày đi đâu thế con? - Bà mẹ chồng hỏi.
- Con ra bãi cỏ hoang bên sông. Xem mấy con bò cái như thế nào?
Natalia vội vã đi ra ngoài thôn, vừa đi vừa lấm lét nhìn quanh.
Nàng rền rỉ, hai tay ôm chặt lấy phía dưới bụng, lần vào một đám mận gai rất rậm và nằm xuống. Mãi đến lúc trời đã tối, nang mới vòng sau nhà lần về, trong tay hai đứa trè sinh đôi bọc bằng một chiếc lạp dê vài thô.
- Con yêu của mẹ! Con bé chết tiệt nầy! Sao con lại làm như thế? Lúc nãy mày đi đâu thế hử? - Bà Ilinhitna nói rất to.
- Con ngượng quá phải ra ngoài kia… Có cha ở nhà con không dám… Bây giờ con sạch rồi, mẹ ạ con cũng tắm cho hai cháu rồi đấy. Mẹ bế lấy hai cháu nầy… - Natalia chống chế, mặt nhợt nhạt.
Đunhiska chạy bổ đi tìm bà mụ. Daria thì cuống quít đi lót một cái sàng. Nhưng bà Ilinhitna vội kêu lên, mặt cười không ra cười, mếu không ra mếu.
- Đaskca? Có quẳng cái sàng ấy đi không? Có phải con chó con mèo đâu mà cho chúng nó nằm trong cái sàng? Lạy Chúa tôi, hai đứa như thế nầy! Chao ôi, lạy Chúa tôi, sinh liền hai đứa một lúc! Nataliuska… Nhưng đưa nó vào giường mà nằm chứ?
Ông Panteley Prokofievich đang ở ngoài sân nuôi gia súc nghe nói con dâu đẻ sinh đôi, đầu tiên chỉ khoát rộng tay một cái, nhưng sau ông sướng quá, rã bù bộ râu, oà lên khóc. Rồi ông tự nhiên vô duyên vô cớ quát rầm lên với bà mụ đang hộc tốc chạy đến.
- Mụ chỉ được cái nói láo, mụ thật là đồ ngu xuẩn! - Ông vung trước mũi bà già một ngón tay móng dài nghêu - Mụ chỉ nói láo? Dòng giống nhà Melekhov nầy không tuyệt tự ngay được đâu? Con dâu lão vừa tặng cho lão một thằng Cô- dắc và một đứa cháu gái đấy.
Con dâu ra con dâu, thế mới là con dâu chứ? Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Chà, con dâu yêu con dâu quý của cha, tình nghĩa mày như thế cha biết lấy gì báo đáp bây giờ?
Năm ấy cái gì cũng sinh sôi nảy nở: con bò cái đẻ sinh đôi, trước lễ thánh Misen, mấy con cừu cũng đẻ sinh đôi, và cả những con dê…
Ông Panteley Prokofievich thấy thế lạ quá, bụng bảo dạ: "Năm nay quả là một năm may mắn, một năm phát tài phát lộc! Cái gì cũng sinh đôi cả. Bây giờ thì nhà mình đã đến lúc sinh sôi nảy nở rồi… à hà hà!".
Natalia cho con bú đến đầy tuổi thôi. Đến tháng chín thì nàng cho chúng nó cai sữa, nhưng đến cuối thu vẫn chưa lại người. Hai hàm rãng nàng lấp loáng mầu sữa trên khuôn mặt gầy rộc, cặp mắt ấm áp sáng bừng có vẻ quá mênh mông đối với những nét hốc hác trên mặt. Natalia dốc toàn bộ cuộc sống của nàng vào hai con bắt đầu sao nhãng, khòng chăm chút cho mình nữa. Ngoài các công việc làm lụng trong nhà hễ được lúc nào rỗi là nàng lại quẩn quanh với hai đứa: hết tắm rửa giặt giũ lại đan lát vá may, chốc chốc lại bế hai đứa bé sinh đôi trong nôi ra, ghé ngồi nghiêng nghiêng vào giường, thõng một chân ra ngoài, hất vai cho tuột cái áo lót rộng thùng thình để lộ cặp vú to tướng, trắng trắng vàng vàng, căng mọng như hai quả dưa bở, cho cả hai đứa bé cùng bú một lúc.
- Hai đứa bú rộc người mày mất con ạ! Mày hay cho nó bú quá đấy. Bà Ilinhitna nói xong lại phát vào đùi hai cháu, hai cặp chân bụ đến hằn ngấn lên.
- Cứ cho chúng nó bú đi! Đừng tiếc sữa làm gì! Sữa mày thừa cũng chẳng làm phó mát được đâu! - Ông Panteley Prokofievich chỉ nghĩ đến hai cháu cũng nói xen vào bằng một giọng thô lỗ.
Mấy năm ấy, cuộc sống cứ co hẹp dần như sông Đông sau mùa nước lũ. Những ngày sầu thảm ngao ngắn thay nhau trôi qua lúc nào không biết với những sự việc chạy ngược chạy xuôi không lúc nào ngớt, với công việc lao động, với cảnh thiếu thốn, với những niềm vui mỏng manh và nỗi lo lắng khủng khiếp luôn luôn canh cánh bên lòng về những người đang ruổị rong ngoài mặt trận. Năm thì mười hoạ Petro và Grigori mới gửi từ đơn vị chiến đấu về một bức thư phong bì nhớp nhúa, dấu bưu điện đóng nhằng nhịt. Bức thư gần đây nhất của Grigori đúng là đã qua tay một người nào xem trước; nửa trang bị bôi kín bằng mực tím và ở bên lề tờ giấy xám xám đánh một cái dấu bằng mực không hiểu ý nghĩa như thế nào. Petro viết thư về nhiều hơn Grigori. Trong những bức thư gửi cho Daria, anh chàng luôn luôn đe doạ, van xin Daria bỏ cái thói trăng hoa đĩ thoã. Xem ra lời ong tiếng ve về lốỉ sóng tằng tịu bừa bãi của vợ đã đến tai Petro. Cùng với những bức thư, Grigori có gửi tiền về nhà; đó là tiền lương và phụ cấp huân chương của chàng. Chàng có hứa đến khi nào nghỉ phép sẽ về nhà nhưng mãi chẳng thấy bóng vía đâu cả. Con đường công danh của hai anh em đã đi theo hai hướng, khác hẳn nhau. Chiến tranh đã dúi cho Grigori còng lưng xuống, hút hết vẻ hồng hào trên mặt chàng, nhuộm mặt chàng bằng màu mật đắng và chàng không mong chờ được đến ngày chấm dứt chiến tranh. Còn Petro thì thăng quan tiến chức rất nhanh chóng, trơn tru. Mùa thu năm một nghìn chín trăm mười sáu, anh chàng được đề bạt phó quản, và nhờ liếm gót viên đại đội trưởng, đã kiếm chác được hai tấm huân chương. Trong thư anh chàng có viết là đang cày cục đế được cử đi học trường sĩ quan. Mùa hè năm ấy Anikey được nghỉ phép: Petro có gửi về nhà một chiếc mũ sắt của quân Đức, một cái áo ca- pôt và một tấm ảnh. Trên miếng giấy cứng mầu xám, mặt anh chàng nom già đi, nhưng dương dương tự đắc với bộ ria trắng trắng xoắn ngược. Dưới cái mũi củ hành, một nụ cười quen thuộc làm nhe những cái răng giữa cặp môi cứng rắn. Chính cuộc đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Petro, còn chiến tranh đã làm Petro sung sướng vì chiến tranh đã mở ra trước mặt Petro một tiền đồ tươi đẹp lạ lùng: một gã Cô- dắc tầm thường như anh, hồi nhỏ chuyên xoắn đuôi bò để nghịch thì làm thế nào dám mơ ước len chân vào giới sĩ quan và sống một cuộc đời vinh hoa phú quý khác hẳn. Cuộc đời Petro chỉ có một khía cạnh đen tối; trong thôn đang có những lời dị nghị chẳng tốt đẹp gì về vợ anh chàng.
Mùa thu năm ấy Stepan Astakhov được nghỉ phép. Sau khi trở về trung đoàn, anh ta đi rêu rao với toàn đại đội rằng mình đã được hú hí thoải mái với ả "gian- méc- ca" 2 của Petro. Khi nghe các bạn kể lại chuyện ấy, Petro không tin. Anh chàng sầm mặt, mỉm cười và nói:
- Thằng Stepan nói láo đấy! Nó bôi nhọ mình để trả thù về chuyện thằng Grigori đấy thôi.
Nhưng một hôm, Stepan chui trong một căn hầm khoét bên cạnh chiến hào ra, không biết vô tình hay cố ý đánh rơi một chiếc khăn thêu. Petro đi sau nhặt lên chiếc khăn đăng- ten thêu rất khéo và nhận ra trên đó là đường kim của vợ. Thế là mối thù giữa Petro và Stepan càng thắt chặt thêm như một cái nút của dân Kalmys.
Petro chỉ chờ có cơ hội là trả thù. Thần chết rình Stepan: chưa biết chừng Stepan sẽ nằm lại trên bờ sông Tây Đanúp với vết một viên đại của Petro trên sọ. Nhưng chẳng bao lâu đã xảy ra chuyện Stepan bị phái đi chộp một vọng tiêu của quân Đức rồi không trở về nữa. Mấy gã Cô- dắc cùng đi chuyến ấy với Petro kể lại rằng có lẽ tên lính gác của quân Đức nghe thấy tiếng cắt hàng rào dây thép gai nên đã ném ra một trái lựu đạn. Tốp Cô- dắc đã kịp xông tới trước mặt nó, Stepan đấm cho tên lính gác Đức một quả làm nó gục xuống, nhưng tên gác thứ hai nổ súng, thế là Stepan cũng ngã theo. Bọn Cô- dắc đâm chết tên gác thứ hai và lôi tên gác thứ nhất đi, thằng cha ăn một trái đấm nặng như búa tạ của Stepan vẫn còn mê man bất tỉnh. Chúng đã xốc Stepan lên, định đưa cả về, nhưng gã Cô- dắc nầy nặng quá, nên chúng đành bỏ lại. Stepan bị thương cố van: "Anh em ơi? Đừng bỏ mình chết ở đây? Anh em ơi? Sao anh em lại bỏ tôi thế nầy?" Nhưng giữa lúc ấy một luồng đạn súng máy đã tuôn ra dọc theo dây hàng rào dây thép gai, thế là tốp Cô- dắc bò đi.
"Các bạn cùng trấn ơi? Anh em ơi!" - Stepan cố gọi với theo, nhưng trong lúc đó thì còn làm thế nào được nữa, anh nào cũng lo cho cái thân xác của mình trước đã. Sau khi được biết những điều xảy ra với Stepan, Petro cảm thấy nhẹ nhõm cả người, thật chẳng khác gì chỗ bong gân đang nhức nhối lại có mật gấu bôi vào. Nhưng dù sao anh chàng cũng quyết dịnh. "Tao về nghỉ phép phen nầy sẽ chọc tiết con Đaska! Tao không phải là thằng Stepan, không để cho làm như thế được đâu…" Anh chàng đã rắp tâm giết vợ nhưng lại lập tức xua đuôi ngay ý nghl ấy: "Giết con rắn độc ấy đi thì cũng phải, nhưng cả cuộc đời mình vì nó mà tan nát mất. Rồi sẽ là mọt xương trong tù, bao nhiêu công lao vất vả sẽ đi đời nhà ma hết, trơ thân cụ ra thôi…". Vì thế anh chàng chỉ quyết nện cho vợ một trận, nhưng phải là một trận bò lê bò càng, cho kệch đến già không còn dám ngo ngoe gì nữa. "Con rắn độc ấy mình phải móc mắt nó ra mới xong, lúc ấy thì quỷ quái nào vời đến nó nữa". Petro đã suy tính như thế trong khi ngồi dưới đường chiến hào đào ngay gần khoảng bờ đất sét rất dốc của sông Tây Dvina.
Tất cả các loại cỏ cây đều bị mùa thu làm cho héo nát, đều cháy vàng vì sương muối ban mai, mặt đất ngày càng lạnh giá, những đêm thu ngày một tối đen, ngày một dài. Trong chiến hào, ngày ngày binh lính Cô- dắc vẫn làm các thứ cỏ vê, vẫn bắn địch, vẫn chửi nhau với bọn quản về chuyện quần áo rét, vẫn ăn đói, nhưng chẳng có đầu óc người nào không luôn luôn nghĩ tới vùng sông Đông xa xôi, ở cách cái đất Ba Lan thờ ơ khắc nhiệt nầy bao nhiêu ngày đường.
Nhưng mùa thu năm ấy, ả Daria nhà Melekhov đã bù gỡ lại cả một quãng đời sống thiếu thốn xa chồng. Hôm đầu lễ Đức mẹ 3, như mọi ngày, ông Panteley Prokofievich thức giấc trước cả nhà. Ông vừa bước ra sân nuôi gia súc đã đưa ngay hai tay lên ôm đầu: không biết những bàn tay quái ác nào đã kéo cánh cổng ra khỏi bản lề, quẳng ra giữa phố, nằm thườn thưỡn ngang đường. Thật là nhục nhã.
Ông già lập tức lắp cánh cổng lại, rồi sau khi ăn xong bữa sáng, ông gọi Daria vào chỗ nấu nướng mùa hè. Chẳng hiểu bố chồng đã nói với nàng dâu những gì, nhưng vài phút sau, Dunhiaska nhìn thấy Daria chạy bổ từ trong bếp ra, khãn bịt đầu tụt xuống vai đầu tóc rũ rượi, nước mắt nước mũi đầm đìa. Lúc đi qua trước mặt Dunhiaska, Daria nhún nhún vai, hai hàng lông mày đen láy rung cong hẳn lên thành hai vòng cung trên khuôn mặt tức tối, khóc sưng húp.
- Chờ đấy mà xem đồ chết tử chết tiệt! Gái nầy sẽ cho mày nhớ đến già? - Daria rít lên qua cặp môi sưng mọng.
Lưng áo của Daria bị rách toạc, một con lươn xanh tím hằn lên tên làn da trắng hếu. Daria rũ váy loạt xoạt: chạy lên thềm nhà trên lần vào phòng ngoài. Ông Panteley Prokofievich khập khiễng bước vào trong nhà bếp, mặt hung hãn như quỷ dữ. Ông vừa đi vừa gập tư những đoạn dây cương bằng da mới toanh.
Dunhiaska nghe thấy cái giọng khàn khàn của bố:
- Đồ chó cái, không phải chỉ nện cho mày như thế mà thôi đâu? Đồ bạ đâu đánh chịn đấy!
Thế là trật tự được lập lại trong gia đình. Được vài ngày, Daria đi đứng cư xử nhũn như con chi chi, tối tối vào giường nằm trước tất cả mọi người. Thấy Natalia nhìn mình có vẻ thương hại, Daria chỉ cười nhạt, rung rung cả vai lẫn lông mày, ra ý nói: "Không sao đâu, chờ đấy sẽ biết". Nhưng đến ngày thứ tư thì xảy ra một chuyện chỉ có hai người là Daria và ông Panteley Prokofievich biết mà thôi.
Sau đó thấy Daria nhăn nhăn nhở nhở ra vẻ khoái trá lắm, còn ông già thì suốt một tuần cứ ngượng ngùng, ngơ ngác như con mèo ăn vụng. Ông chẳng hé răng cho bà lão biết chút gì về việc xảy ra, và ngay khi xưng tội, ông cũng giấu cha Visarion giấu cả sự việc lẫn các ý nghĩ tội lỗi ám ảnh sau lần ấy.
Câu chuyện là như thế nầy. Sau lễ Đức mẹ không được mấy ngày, ông Panteley Prokofievich chắc mẩm rằng Daria đã hoàn toàn hối cải, bèn bảo bà Ilinhitna:
- Bà nó đừng thương con Daria làm gì. Phải thúc cho nó làm nhiều hơn mới được. Có việc nầy việc nọ thì nó sẽ không còn thì giờ đâu mà léng phéng lung tung. Con ngựa cái ấy, nó cứ phây phây ra… Đầu óc nó chỉ nghĩ tới bãi chơi và ngoài phố thôi.
Với chủ tâm như thế, ông đã ép Daria quét dọn sân đập lúa, khiêng những thanh củi cũ ra sân gia súc sau nhà, rồi ông cùng với Daria dọn dẹp nhà trấu. Măi đến lúc trời sắp tốỉ, ông mới nghĩ ra cái chuyện khiêng cái hòm quạt thóc vào nhà trấu, bèn cất tiếng gọi con dâu:
- Con Daria đâu?
Dạ, thưa cha gì thế ạ? - Daria trả lời vọng ra từ trong nhà trấu.
- Ra đây khiêng với tao cái quạt thóc nầy.
Daria sửa lại khăn bịt đầu, rũ trấu vụn bám trên cổ chiếc áo ngắn mặc ngoài, bước ra khỏi cửa nhà trấu rồi vòng qua cái cổng nhỏ chỗ sân đập lúa, đi về phía nhà kho. Trong cái áo bông ngắn vẫn mặc ngày thường và chiếc quần đi ngựa rách mướp, ông Panteley Prokofievich khập khiễng đi trước Daria. Trong sân nuôi gia súc chẳng có một ai. Dunhiaska và mẹ đang kéo chỗ lông cừu cắt trong mùa thu thành sợi. Natalia thì nhào bột. Bên ngoài thôn, ráng chiều đỏ tía đã sắp tắt, chuông nguyện kinh chiều vang lên gióng giả. Trên bầu trời trong vát, một đám mây tím ngắt đứng không nhúc nhích ngay giữa đỉnh đầu. Bên kia sông Đông, những con quạ đen đã đến đậu như những đám bông cháy đen sì trên những cái cành trơ trụi của đám tiêu huyền trắng phếch. Trong bầu không khí lặng tờ, không một tiếng động, và tưởng như rất giòn của buổi chiều tà, mỗi âm thanh đều vang lên rành rọt và gay gắt. Mùi phân bốc hơi và mùi rơm cỏ xông ra nặng nề từ sân nuôi gia súc. Ông Panteley Prokofievich ì ạch cùng Daria khiêng vào trong nhà trấu cái hòm quạt thóc hung hung đỏ đã bạc màu. Sau khi đặt cái hòm vào trong góc nhà, ông thấy đống trấu bị vãi xuống một đám bèn cầm cái cào vun gọn lại. Cào xông ông sắp sửa bước ra ngoài.
- Cha nầy? - Daria gọi ông, giọng trầm trầm, thầm thì.
Ông già chẳng nghi ngờ gì cả, bước ra từ sau cái hòm quạt thóc và hỏi.
- Có gì thế?
Daria đứng quay mặt vào bố chồng cái áo ngắn cởi phanh trước ngực. Ả đưa hai tay ra sau gáy, sửa lại tóc. Một dé ánh sáng mặt trời đang lặn xuyên qua cái khe trên tường rọi thẳng vào người ả.
- Ở chỗ nầy cha ạ: không biết có cái gì… Cha lại gần đây mà xem.
- Daria vừa nói vừa nghiêng nghiêng người: lấm lét nhìn qua vai bố chồng ra cái cửa mở loang như một con ăn cắp.
Ông già đi sát tới chỗ Daria. Bất thình lình ả vươn hai tay ôm lấy cổ bố chồng, rồi đan mười ngón tay vào nhau giật lùi lại, kéo ông lão theo, khẽ nói:
- Ở đây nầy cha ạ… ở chỗ nầy… êm lắm…
- Mày giở cái trò gì thế nầy? - Ông Panteley Prokofievich sợ hết hồn hết vía vội hỏi. Ông xoay đầu lung tung, cố tìm cách rút cổ khỏi hai cánh tay Daria, nhưng ả càng ghì chặt đầu ông vào sát mặt mình, hơi thở của ả nóng hôi hổi phả vào chòm râu của ông. Ả vừa cười vừa rủ rỉ không biết những gì.
- Buông tao ra, cái con thối thây! - Ông già cố vùng ra nhưng đã cảm thấy cái bụng rất căng của đứa con dâu đang cọ vào mình.
Daria siết chặt người vào bố chồng, ngã ngửa ra, kéo cả ông lão lăn xuống theo.
- Đồ quỉ cái! Mày hoá rồ rồi à? Buông tao ra!
- Ông không muốn à? - Daria thở hổn hển hỏi rồi ả nới lỏng hai cánh tay, đẩy vào ngực bố chồng - Không muốn à… Hay là không làm trò gì được? Có thế nầy ông mới chừa không rời ra lời vào gì về tôi nữa? Phải, như thế đấy.
Daria đứng chồm lên, vội vã vuốt lại váy, phủ những đám vỏ trấu bám trên lưng, rồi quát vào mặt ông Panteley Prokofievich lúc nầy đã không còn hồn vía gì nữa.
- Làm gì mà hôm nọ ông đánh tôi hử? Sao thế, hay là tôi đã là một con mụ già nua móm mém rói? Hồi ông còn trẻ, ông có thua chút nào không hử? Chồng tôi, nó đã một năm nay không vác mặt vê nhà rồi! Còn tôi, chẳng nhẽ để tôi nằm với một con chó đực hay sao? Nầy thì cho lão, lão thọt! Nầy có ăn thì ăn đi?
Daria làm một cử chỉ tục tĩu rồi giương cao hai hàng lông mày bước ra cửa. Ra đến cửa, ả lại nhìn khắp người mình rất cẩn thận một lần nữa, rũ lại bụi trên váy và trên khăn bịt đầu, rồi nói mà không nhìn bố chồng:
- Tôi không có cái ấy, thì không chịu được đâu… Tôi cần phải có một thằng Cô- dắc ở bên. Nếu ông không muốn thì để tôi tự kiếm lấy còn ông thì liệu mà giữ mồm giữ miệng!
Daria ưỡn ẹo bước nhanh ra cái cổng phía sân đập lúa, đi mất hút, không ngoái đầu lại nữa. Ông Panteley Prokofievich vẫn nhai nhai một món râu, đứng bên cái hòm quạt thóc hung hung đỏ, hết nhìn quanh cái nhà trấu lại nhìn xuống mũi đôi ủng vá, ánh mắt vừa phân vân vừa hối hận. "Chẳng nhẽ nó mới là đứa nói đúng hay sao? Chưa biết chừng mình cũng đến phải cùng với nó gánh lấy phần tội lỗi nầy thôi?" - Việc vừa xảy ra đã làm ông choáng váng cả đầu óc nên trong chốc lát đã có ý nghĩ hoang mang như thế.
--- ------ ------ ------ -------
1 Nhựa chưng bôi vào cửa cho biết trong nhà có đàn bà ngoại tình (ND).
2 Tiếng Cô- dắc "vợ lính vắng chồng" (ND).
3 Ngày mồng một tháng mười theo lịch Nga cũ (ND).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT