Grigori đau khổ không những vì chàng yêu Natalia theo kiểu của chàng và đã quen ăn ở với nàng sau sáu năm chung sống, mà còn vì chàng cảm thấy mình có lỗi gây ra cái chết của nàng. Nếu khi còn sống Natalia đã làm đúng lời nàng đe doạ là đem hai đứa con đi và trở về sống với mẹ, nếu vì căm uất mà nàng đã tỏ thái độ quyết liệt với người chồng không chung thuỷ và nhất định không chịu hoà giải, thì có lẽ chàng không cảm thấy sự mất mát nặng nề như thế nầy, và có lẽ lòng hối hận cũng không cắn rứt chàng ghê ghớm đến thế nầy. Nhưng qua lời bà Ilinhitna, chàng lại biết rằng Natalia tha thứ cho chàng tất cả, vẫn yêu chàng và nhớ tới chàng tới giây phút cuối cùng. Điều đó càng tăng thêm nỗi đau khổ của chàng, càng làm cho lương tâm chàng trĩu nặng vì một lời trách tội luôn luôn văng vẳng, bắt chàng phải suy nghĩ một cách khác về quá khứ và cách xử sự của mình trong quá khứ…
Đã từng có những ngày đối với vợ Grigori không cảm thấy gì khác ngoài một sự thờ ơ lạnh nhạt, thậm chí còn căm ghét, song những năm gần đây chàng đã bắt đầu có một thái độ khác đối với nàng và nguyên nhân căn bản của sự chuyển biến nầy trong quan hệ của chàng với Natalia là hai đứa con.
Đầu tiên đối với chúng Grigori cũng chưa cảm thấy sâu sắc cái tình cảm cha con mới nảy nở trong lòng chàng ít lâu nay. Trong thời gian ngắn ngủi ở mặt trận về nhà nghỉ phép, chàng đã chăm nom vuốt ve hai đứa tựa như vì nhiệm vụ và để cho mẹ vui lòng. Thật ra bản thân chàng không những không cảm thấy việc đó có gì cần thiết mà còn không khỏi nhìn Natalia cùng những biểu hiện sôi nổi của tình mẹ con ở nàng với một sự ngạc nhiên đầy nghi ngờ. Chàng không hiểu vì sao người ta lại có thể yêu đến quên mình những con vật nhỏ nhoi luôn miệng kêu khóc nầy. Nhiều lần ban đêm thấy Natalia còn cho con bú, chàng đã nói với vợ bằng một giọng bực bội và chế nhạo: "Làm gì mà nhảy chồm dậy như con mẹ ngộ ấy? Nó còn chưa kịp há miệng ra khóc mà đã đứng lên rồi. Chà, cứ mặc cho nó khóc, mặc cho nó kêu, có lẽ sẽ chảy ra được một giọt nước mắt bằng vàng đấy!" Đối với chàng, hai đứa con cũng không kém phần lạnh nhạt. Song chúng càng lớn lên thì sự quyến luyến của chúng đối với bố cũng theo đó mà tăng dần. Lòng yêu bố của hai đứa trẻ cũng gợi ra ở Grigori một tình cảm đáp lại và tình cảm nầy đã lan sang cả Natalia như một đốm lửa.
Sau lần cắt đứt với Acxinhia, Grigori không bao giờ thật sự nghĩ tới chuyện bỏ vợ. Ngay sau khi đã nối lại tình cảm với Acxinhia, chàng cũng không hề nghĩ rằng sẽ có ngày Acxinhia thay Natalia làm mẹ hai đứa con mình. Thật ra nếu được sống với cả hai thì chàng cũng không từ chối vì chàng yêu mỗi người một cách khác, nhưng sau khi vợ chết, ngay đối với Acxinhia, chàng cũng có phần cảm thấy muốn xa lánh nàng và sau đó còn âm thầm bực bội với nàng vì nàng đã nói ra việc hai người đi lại với nhau và chính vì thế đã đẩy Natalia đến chỗ chết.
Sau khi bỏ ra đồng, Grigori cố hết sức quên nỗi đau khổ của mình, nhưng dù cho chàng cố gắng đến đâu, các ý nghĩ của chàng vẫn cứ quay về chuyện đó. Chàng tự bắt mình làm việc đến kiệt sức, ngồi lì hàng giờ trên máy gặt mà không leo xuống, tuy vậy chàng vẫn cứ nghĩ tới Natalia. Hồi ức cứ ngoan cố làm sống lại những tình tiết của cuộc sống chung trước kia, những câu chuyện trao đổi giữa hai người, nhiều khi chỉ về những điều lặt vặt chẳng có gì đáng kể.
Chỉ cần chàng buông thả cho cái trí nhớ đang ngoan ngoãn chiều người được tự do trong một phút là trước mắt chàng lại hiện ngay ra cái hình ảnh sống động, tươi cười của Natalia. Chàng hồi tưởng lại vẻ người, dáng đi, cách sửa tóc, nụ cười và giọng nói của nàng…
Sang ngày thứ ba hai bố con bắt đầu gặt đại mạch. Đến giữa trưa, trong khi ông Panteley Prokofievich cho hai con ngựa đứng lại, Grigori bỗng nhiên tụt trên chiếc ghế sau máy gặt xuống, đặt cái chàng nạng ngắn lên xe và nói:
- Cha ạ, con muốn tạt về nhà một lát.
- Về làm gì?
- Tự nhiên con thấy nhớ hai đứa bé…
- Không sao cả, mày cứ về đi. - Ông già vui vẻ đồng ý ngay. - Trong khi mày về chúng tao sẽ đánh đống lại.
Grigori lập tức tháo con ngựa của chàng ra khỏi chiếc máy gặt, cưỡi lên nó rồi cho nó đi bước một ra đường cái qua những đám rạ vàng cứng lờm xờm. "Dặn bố thương lấy các con!" - Giọng nói của Natalia lại văng vẳng bên tai chàng. Grigori nhắm mắt, buông dây cương, mặc cho con ngựa đi không theo đường lối gì cả, tâm hồm hoàn toàn chìm trong những hồi ức cũ.
Vài đám mây thưa thớt bị gió thổi xa ra gần như đứng không động đậy trên bầu trời xanh thẫm. Những con quạ đen đi ngật ngưỡng giữa những đám rạ, kéo bầu đoàn thê tử lên đứng trên những đống lúa. Những con già dùng mỏ mớm mồi cho những con non mới mọc lông chưa được bao lâu, cánh vung còn ngượng nghịu. Tiếng quạ kê ran trên hàng đê- xi- a- chin lúa mới gặt.
Con ngựa đực của Grigori cố đi thật sát lề đường, chốc chốc lại rứt một nhánh cỏ đôn- nhích nhai ngau ngáu, hàm thiếc kêu lách cách. Hai ba lần nó nhìn thấy phía xa có con ngựa cái bèn đứng lại, hí lên một tiếng dài. Những lúc đó Grigori tỉnh lại, thúc nó đi tiếp, hai con mắt chàng ngước lên nhưng không nhìn thấy gì cứ lướt trên đồng cỏ, trên con đường lầm lụi, trên những đống lúa vàng rải rác và những đám kê chín dở xanh xanh nâu nâu.
Grigori về đến nhà thì cũng vừa thấy Khristonhia mò tới với bộ mặt đưa đám và tuy trời rất nóng, hắn cũng đánh một cái áo quân phục cổ bẻ kiểu Anh bằng nỉ và một chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình. Hắn chống một cái gậy to tổ bố bằng gỗ bạch lạp mới vào, bước tới chào hỏi:
- Tôi sang thăm đây. Vừa được biết tin buồn của nhà ta. Thế là như ta đã đưa chị Natalia Mironovna ra đồng rồi à?
- Cậu làm thế nào mà bỏ mặt trận về được thế? - Grigori làm như không nghe thấy câu hỏi, vừa hỏi vừa thích thú ngắm cái thân hình vụng về, hơi gù gù của Khristonhia.
- Sau khi bị thương mình được chúng nó cho về nhà điều trị đấy. Liền một lúc ăn hai viên đạn vào bụng. Và cho đến bây giờ hai cái của đáng nguyền rủa ấy nó vẫn còn nằm ỳ ở gần ruột, vào đến đấy thì mắc lại. Vì thế mình phải chống gậy mới đi được. Anh có thấy không?
- Cậu bị chúng nó chơi cho như vậy ở đâu thế?
- Ở gần Balasov.
- Chiếm được Balasov rồi à? Nhưng cái chuyện cậu bị thương là như thế nào?
- Bọn mình đang xung phong lên. Balasov đã chiếm được rồi, và cả Povorino nữa. Mình cũng có dự trận ấy.
- Nào, cậu hãy kể cậu ở đơn vị nào, cùng với những ai, anh em trong thôn có những cậu nào ở cùng một chỗ với cậu đi! Ngồi xuống đã nào, thuốc lá đây.
Grigori cảm thấy sung sướng vì có một người ngoài số mình thường gặp hàng ngày, giúp mình có thể nói về những chuyện gì khác, không dính dáng đến các cảm xúc hiện nay của mình.
Khristonhia tỏ ra cũng còn có chút thông minh, hắn cũng đoán được rằng Grigori không cần gì đến sự thương hại của hắn, vì thế hắn rất vui lòng kể thủng thẳng về trận đánh chiếm Balasov và về chuyện hắn bị thương. Hắn vừa hút một điếu thuốc khổng lồ, thở khói mù mịt, vừa nói bằng một giọng trầm khê đặc:
- Bọn mình đang tấn công theo đội hình bộ binh qua một đám hướng dương. Chúng nó bắn chặn bằng súng máy và pháo, tất nhiên có cả súng trường. Cái thân hình của mình vốn là dễ lộ, mình đi trong đội hình chiến đấu thì cứ như con ngỗng giữa một đàn gà, khom lưng xuống đến thế nào cũng vẫn bị chúng nó nhìn thấy. Thế là cái của khỉ ấy, hai viên đạn ấy đã tìm thấy mình. Nhưng kể ra vẫn còn là may, vì mình cao lớn, nếu thấp hơn thì đã vào đầu rồi? Đúng là hai viên đạn ấy đã bay hết đà, nhưng xuyên vào vẫn mạnh lắm, làm cho bao nhiêu ruột gan trong bụng cứ như lộn tùng phèo, mà mẹ khỉ cậu có biết không, viên nào cũng nóng rực như bay từ trong bếp lò ra ấy… Mình chộp tay xuống chỗ ấy, thấy chúng nó chạy đi chạy lại ngay dưới da, hệt như hai hòn mỡ ấy, viên nọ cách viên kia vài phân. Phải, mình lấy ngón tay sờ sờ nắn nắn rồi nằm lăn ra. Mình nghĩ thầm, đùa gì cái kiểu thổ tả thế nầy, cút mẹ chúng nó với cái kiểu đùa nầy đi. Nhưng dù sao cứ nằm lại thì hơn, nếu không có một viên khác bay tới, nhanh nhẹn tháo vát hơn, thì nó sẽ xuyên thủng người mình từ bên nọ sang bên kia cho mà xem. Thế là mình cứ nằm ra đấy. Và chốc chốc mình lại sờ sờ chúng nó, sờ hai viên đạn ấy mà. Rồi bỗng nhiên mình hoảng lên, bụng bảo dạ: nếu chúng nó, hai cái của chết dẫm ấy, chui sâu thêm vào trong bụng thì sẽ ra sao nhỉ? Rồi chúng nó sẽ luồn vào trong ruột non ruột già và các bác sĩ sẽ làm thế nào mà mò ra được? Nếu thế thì mình cũng chẳng có gì đáng mừng lắm đâu. Mà cái xác của con người dù là của mình đi nữa, thì vốn dĩ lại nhẽo nhợt, vì thế hai viên đạn nầy rồi sẽ lần vào tới ruột già, và khi đó nó sẽ chạm vào nhau leng keng như tiếng chuông xe bưu điện cho mà xem. Tất cả rồi sẽ hỗn loạn hết. Mình nằm đấy, vặn đứt một cái hoa hướng dương, ăn hết hạt, nhưng trong lòng sợ sợ là. Đội hình chiến đấu của bọn mình đã tiến xa. Rồi sau khi chiếm được Balasov, mình cũng tự điều động tới đấy. Mình nằm ở bệnh viện quân y Chisanskaia. Vớ được ở đấy một thằng bác sĩ láu táu, cứ như một con chim sẻ. Hắn khuyên mình mãi: "Chúng tôi sẽ mổ để lấy hai viên đạn ra nhé!" Nhưng mình đã có tính toán riêng… Mình bèn hỏi: "Bẩm quan lớn, chúng nó có thể chui vào trong ruột gan được hay không?" Lão bảo: "Không, không thể chui vào đâu". Mình nghĩ thầm là nếu thế thì sẽ không để cho lấy ra nữa! Những cái trò như thế, mình đã biết tỏng rồi. Chúng nó moi hai viên đạn ra, rồi vết mổ chưa kín miệng chúng nó đã tống cổ mình về đơn vị cho mà xem.
Mình bèn nói: "Không đâu, bẩm quan lớn, tôi không bằng lòng cho mổ đâu. Tôi thấy có chúng nó còn ở trong người thì có lẽ lại hay hơn. Tôi muốn đem về nhà cho vợ tôi xem, mà chúng nó cũng chẳng gây trở ngại gì cho tôi đâu, cũng không nặng gì cho lắm". Hắn chửi mình một trận, nhưng cũng cho về nghỉ ở nhà, được một tuần.
Grigori mỉm cười lắng nghe câu chuyện kể bằng một giọng ngây thơ rồi hỏi:
- Cậu rơi vào đâu thế? Về trung đoàn nào?
- Trung đoàn hỗn hợp số Bốn.
Trong thôn có những cậu nào ở cùng một chỗ với cậu?
- Anh em trong thôn ta ở đây nhiều lắm: Anikey - Xkovet 1, Beskhlevnov, Koloveydin Akim, Mirosnhikov Xemca, Gorbachev Tikhol.
- Được thế tình hình anh em Cô- dắc như thế nào? Họ có kêu ca gì không?
- Chúng nó oán bọn sĩ quan, tất nhiêPnlà như thế. Điều những thằng khốn nạn ấy tới thì không thể nào sống được nữa. Mà hầu hết đều là những thằng Nga, không có anh em Cô- dắc đâu.
Khristonhia vừa kể vừa kéo hai cái tay áo ngắn cũn của chiếc áo quân phục cổ bẻ xuống và như không tin vào mắt mình, hắn cứ nhìn một cách ngạc nhiên và vuốt vuốt hai cái đầu gối của chiếc quần kiểu Anh may bằng thứ dạ lông lồm xồm rất tốt.
- Nhưng giầy thì chúng nó chẳng mò đâu ra một đôi vừa chân mình. - Hắn nói có vẻ trầm ngâm. - Ở cái nước Anh ấy, dân chúng nó không có những bàn chân to như thế nầy… Ở đây chúng ta gieo lúa mì, ăn lúa mì, còn ở bên ấy thì có lẽ cũng như ở nước Nga, chúng nó chỉ có đại mạch. Nếu thế thì lấy đâu ra những bàn chân to như thế nầy? Toàn đại đội được phát quần áo, giầy ủng; thuốc lá gửi đến thơm thơm là, nhưng vẫn có một điều không tốt…
- Có cái gì không tốt? - Grigori tò mò muốn biết.
Khristonhia mỉm cười nói:
- Cái mã ngoài thì tốt, nhưng cái cốt lõi bên trong lại không tốt. Anh có biết không, anh em Cô- dắc lại không muốn đánh nhau nữa rồi. Xem ra cuộc chiến tranh nầy rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Anh em nói rằng họ không muốn tiến quá khu Khopesky…
Sau khi đưa tiễn Khristonhia ra về, chàng suy nghĩ rất nhanh rồi quyết định: "Mình sẽ ở nhà một tuần rồi lại ra mặt trận. Ở đây sẽ chết vì buồn thôi". Chàng ở nhà đến chiều. Nhớ lại thời kỳ thơ ấu, chàng lấy lau sậy hí hoáy làm cho thằng Misatka một cái cối xay gió và lấy lông bờm ngựa đan cho nó vài cái lưới bẫy chim sẻ. Đứa con gái thì được bố làm cho một chiếc xe ngựa nhỏ xíu rất khéo, bánh xe quay được, gọng xe trang sức rất đẹp. Thậm chí chàng còn thử bện một con búp bê bằng giẻ rách, nhưng lần nầy thì chẳng làm được ra cái gì. Con búp bê đã được làm xong nhờ cô Dunhiaska tới giúp.
Trước kia chưa bao giờ Grigori tỏ ra chăm chút đến con cái như thế nầy, vì thế hai đứa trẻ cũng có ý nghi ngờ trước cái trò mà chàng bày ra, nhưng sau chúng hó không rời chàng một phút nào nữa. Đến chiều, khi Grigori sửa soạn ra đồng, thằng Misatka cố ghìm nước mắt nói:
- Bố thì bao giờ cũng thế thôi? Chỉ về được một lát rồi lại bỏ hai chúng con mà đi biệt… Cả mấy cái bẫy, cái cối xay lẫn cái mõ, bố cứ mang hết đi! Con không thiết nữa đâu!
Grigori nắm bàn tay nhỏ xíu của thằng con trong hai bàn tay to bè bè của mình và nói:
- Nếu thế thì chúng ta quyết định thế nầy nhé: con là một thằng Cô- dắc, vì thế con sẽ cùng với bố ra đồng. Bố con ta sẽ gặt đại mạch, sẽ đánh đống lại, con sẽ lên máy gặt ngồi với ông để đánh ngựa. Ngoài ấy, dưới cỏ có cơ man nào cào cao châu chấu! Dưới khe thì có đủ mọi thứ chim? Còn Poliuska thì ở lại với bà để làm các việc dọn dẹp nhà cửa. Nó sẽ không giận chúng ta đâu. Nó là con gái, công việc của nó là quét nhà, xách một cái thùng thật nhỏ ra sông Đông lấy nước về cho bà, nó và bà thiếu gì những việc phụ nữ phải làm? Con đồng ý chứ?
- Sao lại không? - Thằng Misatka khoái trá kêu lên. Hai con mắt nó long lanh vì đã cảm thấy trước những điều sung sướng sắp được hưởng.
Bà Ilinhitna không muốn cho thằng cháu đi.
- Mầy định lôi nó đi đâu hử? Mày nghĩ ra những trò gì, có ôn dịch nào biết được? Nhưng nó sẽ ngủ ở đâu bây giờ? Ra ngoài ấy thì lấy ai coi nó? Cầu Chúa che chở cho, không tới gần ngựa bị ngựa đá thì cũng đến bị rắn cắn. Cháu yêu của bà, chớ có đi với bố mày, cứ ở nhà thôi? - Bà nói với thằng cháu.
Nhưng hai con mắt nheo nheo của thằng bé bất thần sáng bừng lên một cách hết sức hung hãn (đúng hệt như ông nội Panteley của nó những lúc ông phát khùng). Nó nắm chặt hai tay, the thé kêu lên, giọng mếu máo:
- Thôi bà im đi! Thế nào cháu cũng đi! Bố, bố yêu của con, bố đừng nghe bà nhé!
Grigori vừa cười vừa bế thằng con lên và nói cho mẹ yên lòng:
- Nó sẽ ngủ với con. Ngay từ nhà con sẽ cho ngựa đi bước một, làm thế nào mà đánh ngã nó được? Mẹ cứ sửa soạn quần áo cho nó đi, và đừng sợ gì cả. Con sẽ giữ nó hoàn toàn nguyên vẹn, tối mai sẽ lại đưa về
Tình cảm thân mật giữa Grigori và thằng Misatka đã bắt đầu như thế.
Trong hai tuần về sống ở thôn Tatarsky, Grigori chỉ gặp Acxinhia có ba lần mà lần nào cũng chỉ thoáng nhìn thấy thôi. Với trí thông minh và sự mẫn cảm tế nhị trong cách đối xử sẵn có, nàng đã cố tránh không gặp chàng vì cũng hiểu rằng tốt nhất là đừng để Grigori trông thấy mình. Nhạy cảm của người đàn bà đã giúp nàng đoán được tâm tư của chàng, giúp nàng hiểu rằng mọi sự biểu lộ tình cảm không thận trọng và không đúng lúc đều có thể làm cho Grigori tức bực với mình, bôi một vết nhọ lên quan hệ giữa hai người. Nàng chờ đến khi nào chính Grigori phải nói với mình trước. Việc ấy đã xảy ra một ngày trước hôm Grigori ra mặt trận, hoàng hôn đang xuống, chàng đánh một xe lúa từ ngoài đồng về. Chàng đã gặp Acxinhia gần cái ngõ ở sát đồng cỏ. Từ xa nàng đã hơi mỉm cười cúi đầu chào, nụ cười đầy vẻ xao xuyến và mong chờ, Grigori chào lại nhưng không thể nào nín thinh mà đi qua được.
- Dạo nầy Acxinhia sống thế nào? - Chàng vừa hỏi vừa hơi khẽ ghìm cương, cho những bước chân nhẹ nhàng của con ngựa chậm lại.
- Vẫn bình thường, cám ơn anh, anh Grigori Panteleevich.
- Sao chẳng trông thấy Acxinhia đâu nữa thế?
- Cứ phải ở ngoài đồng… Chỉ có một mình vật lộn với công việc.
Thằng Misatka đang ngồi trên xe với Grigori. Có lẽ vì thế chàng đã không cho ngựa dừng lại và không nói chuyện lâu hơn với Acxinhia. Chàng đi quá vài xa- gien thì nghe có tiếng gọi, bèn quay lại Acxinhia đang đứng bên cạnh hàng rào.
- Anh còn ở lại trong thôn có lâu không? - nàng vừa hỏi vừa bồi hồi bứt từng cái cánh của một bông cúc dại ngắt cầm trong tay.
- Vài ngày nữa sẽ đi.
Rồi Acxinhia đứng ngập ngừng một giây, điều đó đủ cho thấy nàng còn muốn hỏi gì nữa. Nhưng không hiểu sao nàng không hỏi gì cả, chỉ vung tay hấp tấp đi ra bãi chăn bò, không quay lại lần nào.
--- ------ ------ ------ -------1 Xkovet là tên gọi những người theo giáo phái chịu thiến ở Nga trong thế kỷ 15 (ND).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT