Grigori Melekhov ở lại thôn Tatarsky năm ngày. Trong những ngày ấy chàng đã gieo cho nhà mình và cho mẹ vợ vài đê- xi- a- chin lúa mì. Vừa thấy ông Panteley Prokofievich từ đại đội về nhà, chấy rận như sung, người gầy rộc đi vì buồn nhớ công ăn việc làm, chàng đã sửa soạn ngay để trở về đơn vị. Sư đoàn của chàng vẫn còn đóng dọc theo sông Tria như trước, Kudinov có viết bức thư mật báo cho chàng biết về những sự đàm phán bắt đầu tiến hành với ban chỉ huy trung đoàn Xerdovsky và đề nghị chàng trở về nắm quyền chỉ huy sư đoàn.
Hôm ấy Grigori sửa soạn đi Karginskaia. Đến giữa trưa, trước khi lên đường, chàng dắt con ngựa ra sông Đông cho nó uống nước.
Trong khi xuống dốc tới chỗ mặt nước lên sát chân hàng rào các vườn rau, chàng nhìn thấy Acxinhia. Không biết nàng thật quả có cố ý chùng chình thẫn thờ múc nước để chờ Grigori hay chỉ là chàng có cảm tưởng như thế, nhưng Grigori đã bất giác rảo bước và trong cái giây phút ngắn ngủi trước khi chàng tới sát Acxinhia, một loạt những hồi ức vừa tươi sáng vừa buồn thảm đã loáng qua trong đầu óc chàng…
Nghe thấy những tiếng chân bước, Acxinhia quay lại. Nét mặt nàng có vẻ ngạc nhiên, cái ngạc nhiên đúng là giả vờ, nhưng niềm vui sướng trước cuộc gặp gỡ và nỗi đau buồn qua bao nhiêu năm đã làm cho nàng không giấu được gì cả. Nàng mỉm cười, vẻ luống cuống và đáng thương trong nụ cười không hợp với khuôn mặt kiêu hãnh của nàng đến nỗi trái tim của Grigori bất chợt run lên với cả một niềm thương hại và trìu mến. Chàng bỗng cảm thấy buồn nhớ đến đau nhói trong lòng và những hồi ức ập tới đã hoàn toàn chi phối chàng. Grigori ghìm cương con ngựa và nói:
- Chào Acxinhia, Acxinhia yêu quý!
- Chào anh.
Trong giọng nói khe khẽ của Acxinhia có hàm những tình cảm hết sức khác nhau: vừa ngạc nhiên, vừa âu yếm, vừa đau khổ.
- Chúng ta không nói chuyện với nhau đã lâu rồi đấy nhỉ?
- Đã lâu rồi.
- Cả đến giọng nói của Acxinhia tôi cũng không còn nhớ nữa…
- Nhanh quá nhỉ.
- Nhanh quá ấy à?
Grigori nắm đoạn dây buộc mõm, giữ con ngựa đứng sát vào mình. Acxinhia cúi đầu cố mắc đòn gánh vào một quai thùng nhưng chẳng làm thế nào mà mắc được. Hai người đứng lặng một phút.
Như một sợi dây câu lăng thẳng ra xa, một con vịt trời bay vụt qua đầu hai người với một tiếng vút dài. Sóng nước đập vào khoảng vách đứng liếm mãi không chán những tảng đá xanh biếc. Những làn sóng bạc đầu dồn lại với nhau nom như đàn cừu ở chỗ ven rừng bị nước lên to tràn vào. Gió phả tới một lớp bụi nước li ti, kèm theo một mùi nhạt thếch bốc lên từ dòng nước hùng vĩ của sông Đông đang cuồn cuộn tuôn về vùng hạ du.
Grigori chuyển tầm mắt từ khuôn mặt Acxinhia ra sông Đông.
Với những thân cây trắng nhợt, đám tiêu huyền bị ngâm nước lắc lư những cái cành trơ trụi. Những cây liễu đâm chồi nảy lộc xum xuê rũ những chùm hoa nom như hoa tai của những cô gái và vươn lên khỏi mặt nước như những đám mây nhẹ lâng màu xanh lá cây hết sức kỳ lạ. Grigori hỏi, giọng hơi đượm vẻ bực mình và phiền muộn:
- Sao thế? Chẳng nhẽ hai chúng mình không còn có gì để nói với nhau nữa hay sao? Tại sao Acxinhia cứ nín thinh như thế?
Nhưng Acxinhia đã lấy lại được bình tĩnh. Không một thớ thịt nào rung động trên khuôn mặt đã trở lại lạnh lùng của nàng khi nàng trả lời:
- Có lẽ chúng ta có gì đã nói hết cả rồi…
- Thật vậy ư?
- Tất nhiên là như thế rồi? Cây cối cũng chỉ nở hoa mỗi năm một lần…
- Acxinhia cho rằng cái cây của chúng ta đã tàn hết hoa rồi hay sao?
- Thế còn chưa à?
- Tất cả những việc trước đây thật lạ lùng thế nào ấy… - Grigori cho con ngựa ra tới làn nước rồi nhìn Acxinhia với nụ cười âu sầu. - Nhưng tôi thì, Acxinhia ạ, tôi chẳng làm thế nào dứt bỏ được hình ảnh Acxinhia khỏi trái tim tôi. Hai đứa con tôi đã lớn, chính tôi đã bạc trắng nửa mái đầu, giữa hai chúng ta đã có bao nhiêu năm ngăn cách như một cái vực sâu… Thế mà tôi vẫn một niềm nhớ tới Acxinhia. Trong những giấc mơ tôi vẫn còn thấy Acxinhia và cho đến nay vẫn còn yêu Acxinhia. Có những lúc tôi nhớ tới Acxinhia, nhớ lại hồi chúng ta ở nhà Litnhitki… hai chúng ta đã yêu nhau như thế nào… và những hồi ức ấy đã làm cho tôi… Có những lúc nghĩ lại toàn bộ cuộc đời của mình, Acxinhia ạ, tôi thấy đời tôi chỉ như một cái túi rỗng, lộn lần trong ra lần ngoài…
- Tôi cũng thế thôi… Nhưng tôi phải về đây… Chúng ta nói chuyện với nhau quên hết mọi việc rồi.
Acxinhia cương quyết nhấc đôi thùng, đặt hai bàn tay rám nắng xuân lên cái đòn gánh cong veo. Nàng đã bắt đầu lên dốc, nhưng bất thần quay mặt nhìn Grigori, gò má hơi ửng đỏ, nom rất trẻ.
- Tôi nhớ rằng hình như mối tình của chúng ta bắt đầu ngay ở bến sông nầy, anh Grigori nhỉ. Anh có nhớ không? Hôm ấy là ngày tiễn tráng đinh Cô- dắc đến trại quân dịch, - Nàng mỉm cười, giọng nói đã rắn rỏi và có cái gì, vui vui.
- Tôi còn nhớ hết!
Grigori dắt con ngựa về sân gia súc, buộc bên cạnh máng ăn. Vì còn phải đưa tiễn Grigori, từ sáng ông Panteley Prokofievich chưa đi bừa. Ông bước từ dưới hiên nhà kho ra và hỏi:
- Thế nào, sắp lên đường rồi chứ? Lấy ít thóc cho ngựa nhé!
- Lên đường đi đâu bây giờ? - Grigori ngơ ngác nhìn bố.
- Mầy làm sao thế? Đi Karginskaia chứ còn đi đâu?
- Hôm nay con không đi đâu.
- Sao lại thế?
- Thay đổi ý kiến rồi… Có thế thôi… - Cái nóng trong người làm môi Grigori khô cả lại. Chàng liếm môi, ngước mắt nhìn trời. - Mây kéo đến ùn ùn, sắp mưa rồi đấy, tội gì mà giơ đầu ra hứng lấy mưa?
- Chẳng tội gì thật đấy, - Miệng ông già nói đồng ý nhưng trong lòng lại không tin Grigori chút nào, vì mới trước đó mấy phút, ông đứng trong sân gia súc nhìn ra thấy Grigori nói chuyện với Acxinhia trên bến sông. "Chúng nó lại thậm thụt với nhau rồi, - Ông già lo lắng nghĩ thầm. - Hình như nó đã lại có chuyện lủng củng với con Natalia rồi thì phải… Chà, mẹ cái thằng Griska nầy chứ? Cái thói chó dái ấy không hiểu nó thừa hưởng ở ai nhỉ? Chẳng nhẽ ở mình?". Ông Panteley Prokofievich ngừng tay rìu, thôi không vát đoạn gỗ bạch dương trên chiếc xe ngựa nữa. Ông nhìn theo cái lưng gù gù của thằng con đang bỏ đi, cố moi rất nhanh trong trí nhớ để hồi tưởng thời trai trẻ của mình, rồi ông nhận định dứt khoát: "Đúng là ở mình rồi, con quỷ dữ! Mà còn hơn cả bố nó là khác, thằng khốn nạn! Phải nện cho nó một trận để nó cạch không làm mê mẩn đầu óc cái con Acxinhia ấy nữa, khỏi làm rối loạn gia đình. Nhưng bây giờ làm thế nào mà nện được nó?".
Xưa kia mà ông Panteley Prokofievich nhìn thấy Grigori nói chuyện tay đôi với Acxinhia ở xa chỗ có người thì nhất định ông sẽ không đắn đo gì cả, sẽ vớ luôn bất cứ cái gì để nện vào lưng chàng. Nhưng lần nầy ông luống cuống không nói được gì cả, thậm chí thần sắc cũng không để lộ là mình đã đoán ra những nguyên nhân thực tế làm cho Grigori đột nhiên hoãn ngày lên đường. Và tất cả chỉ vì ngày nay Grigori không còn là "thằng Griska", không còn là một thằng thanh niên Cô- dắc ngang ngạnh như xưa nữa, mà đã trở thành một vị sư đoàn trưởng, tuy không có lon, nhưng dù sao cũng là một "ông tướng" soái lĩnh hàng mấy ngàn gã Cô- dắc mà bây giờ tất cả mọi người đều phải gọi là ngài Grigori Panteleevich. Làm thế nào mà ông Panteley Prokofievich nầy, một kẻ trước kia bất quá leo được đến cấp hạ sĩ, lại dám giơ tay đánh một vị tướng, dù ông tướng ấy là con đẻ của mình? Tinh thần phục tùng cấp trên thậm chí còn không cho phép ông Panteley Prokofievich nghĩ tới điều đó, vì thế ông cứ cảm thấy mối quan hệ giữa mình và Grigori nó đã trở nên gò bó, nhạt nhẽo thế nào ấy! Muôn tội đều chỉ vì Grigori được thăng cấp nhanh chóng lạ lùng như thế? Hôm đi cày đến ngày thứ ba, thậm chí Grigori đã quát ông: "Nầy, ông làm gì mà cứ đứng há hốc miệng ra như thế? Khiêng cái cày lại đây!". Ông Panteley Prokofievich đã nhịn nhục chịu dựng, không hé răng nửa lời… Trong thời gian gần đây hai cha con tựa như đã thay đổi cương vị: Grigori thường quát tháo người cha già nua, còn ông Panteley Prokofievich thì hễ nghe thấy cái giọng chỉ huy khàn khàn của chàng là luống cuống, khập khiễng đi với cái chân tàn tật, cố làm cho thằng con vừa lòng… "Nó lo trời mưa à? Nhưng làm quái gì có mưa, gió thì thổi đằng đông mà giữa đỉnh trời mới có một đám mây thì lấy đâu ra mưa! Hay mình bảo cho con Natalia biết chăng?"
Ông Panteley Prokofievich hiểu vỡ lẽ, đã lật đật đi vào trong nhà, nhưng ông nghĩ đi nghĩ lại sợ xảy ra chuyện lục đục, nên lại quay ra với đoạn gỗ trên xe chưa vát xong…
Còn Acxinhia thì vừa về đến nhà nàng đã đổ hai thùng nước rồi bước tới trước mảnh gương nhỏ ghép trên bếp lò, bồi hồi nhìn đi nhìn lại mãi khuôn mặt đã già đi nhưng vẫn còn rất đẹp của mình.
Mặt nàng vẫn còn giữ được cái vẻ đẹp lẳng lơ mê người như xưa, tuy mùa thu của cuộc đời đã phủ lên cặp má của nàng những màu héo hắt, làm mí mắt nàng úa vàng, dệt thêm vài sợi bạc như tơ nhện lẫn trong làn tóc mun và làm mờ đi cái ánh long lanh trong con mắt nàng ngày nay đã thoáng một vẻ mệt mỏi bi thảm.
Acxinhia đứng đấy một lát rồi đi tới bên cái giường, nằm úp mặt xuống khóc nức nở, những giọt nước mắt tràn trề, làm nhẹ lòng nhẹ dạ. Đã lâu lắm nàng không được khóc một lần nào như thế nầy rồi…
Mùa đông, trên một khoảng sườn dốc đứng của dãy núi ven sông Đông, những luồng gió lạnh thường lồng lộn xoáy tròn, gào rú trên một đoạn dốc mọc lồi hẳn ra ngoài mà người ta thường gọi là "Thằng trộm". Những đợt gió đông lạnh buốt thốc lên những đám tuyết vụn trắng bong trên ngọn gò trọc, cho rơi xuống, rồi lại quét thành đống, đống nọ chồng lên đống kia. Tuyết ụn lại như núi bên trên cái vách đứng, nắng chiếu vào lấp loáng như đường kính, lúc hoàng hôn thì xanh cta trời, sáng sớm thì tím nhạt và khi mặt trời mới mọc thì hồng hồng. Ụn tuyết ấy sẽ còn lắt lẻo trên đó, chết lặng một cách rùng rợn, cho đến khi hơi nóng của những ngày tuyết tan đục khoét nó từ bên dưới hay những trận gió thốc tới từ bên sườn làm cho chính bản thân sức nặng của nó kết liễu đời nó. Và khi đó, bị hút xuống dưới, nó sẽ đổ xuống với những tiếng êm êm, trầm trầm, sẽ đè bẹp trên đường những bụi kim tước thấp lè tè, sẽ dúi gãy những cây sơn trà e thẹn nép mình bên sườn dốc, sẽ ào ào kéo theo sau một cái vạt váy toàn bụi tuyết trắng như bạc nó bông lên, sực lên, bốc mù mịt lên trời…
Ba năm nay, tình cảm của Acxinhia đã tích lại như ụn tuyết chồng chất tầng tầng lớp lớp kia, chỉ chờ có một cái gì đẩy hết sức khẽ. Cuộc gặp mặt với Grigori, lời chào âu yếm của chàng: "Chào Acxinhia, Acxinhia yêu quý." đã tạo ra sức đẩy ấy. Thế còn chàng? Chẳng nhẽ chàng không phải là người mà nàng yêu quí hay sao?
Mấy năm nay chàng không phải là người mà nàng mong nhớ hàng ngày, hàng giờ, và những ý nghĩ rối bời trong đầu óc nàng chẳng phải đều hướng về chàng hay sao? Dù cho nghĩ gì, dù cho làm gì, tâm tư của nàng lúc nào cũng gắn bó với chàng, không bao giờ xa rời, không bao giờ đổi khác. Hoàn toàn không khác gì con ngựa mù đi quanh cái vòng kéo nước giếng…
Acxinhia nằm lì trên giường đến chiều mới dậy, hai con mắt khóc đến sưng húp. Nàng rửa mặt, chải đầu, hấp tấp mặc áo xống, nhưng chải chuốt như cô gái sắp có người đến xem mặt. Nàng mặc một chiếc sơ- mi sạch, một cái áo len màu huyết dụ, chít khăn lên đầu, nhìn lại mình loáng một cái trong gương rồi bước ra ngoài.
Ánh hoàng hôn phủ lên thôn Tatarsky một màu xanh xám. Ở một chỗ nào đó trên đoạn khuỷu sông mênh mang nước lũ có vài con vịt trời hốt hoảng kêu quàng quạc. Vầng trăng nhợt nhạt, không sức sống, lên cao dần từ sau dãy tiêu huyền ven sông Đông. Ánh trăng trải dài trên làn nước con đường xanh xanh sóng gợn lăn tăn. Đàn gia súc trên đồng cỏ đã quay về thôn từ lúc trời còn sáng. Vài con bò cái ăn cỏ non chưa đẫy bụng kêu í ới trong mấy cái sân. Acxinhia không vắt sữa con bò nhà nàng. Nàng đuổi con bò non mũi trắng ra khỏi chuồng, đẩy nó ra với con bò mẹ. Con bò non hối hả đạp hai chân sau, vẫy vẫy đuôi, rúc mõm lên cái vú tóp của mẹ, nom vẻ rất háu ăn.
Ả Daria nhà Melekhov vừa vắt sữa bò xong. Ả đang trở vào nhà trong với cái thùng và cái rót sữa trong tay thì bên kia hàng rào có tiếng gọi:
- Chị Daria!
- Ai thế?
- Tôi đây, Acxinhia đây… Mời chị tạt sang bên tôi một lát.
- Chị cần gì đến tôi thế?
- Cần lắm! Chị ra đi! Lạy Chúa tôi!
- Tôi rót xong sữa sẽ ra ngay.
- Thế tôi đợi chị cạnh sân gia súc nhé.
- Được rồi?
Một lát sau Daria bước ra. Acxinhia đang đợi ả bên cái cửa xép nhà nàng. Người Daria đang toả ra mùi sữa bốc hơi ấm ấm và mùi sân nuôi gia súc. Daria rất ngạc nhiên khi thấy Acxinhia không vén gấu váy mà ăn vận rất đẹp, rất sạch sẽ.
- Không có ông Stepan ở nhà, công việc của tôi cũng gọn thôi. Nhà chỉ có một con bò cái, việc bếp nước gần như không phải làm gì. Chỉ nhấm nháp ừ đồ nguội là xong…
- Chị gọi tôi có việc gì thế?
- Mời chị vào nhà tôi một lát. Có chút việc…
Giọng Acxinhia run run. Daria đã mơ hồ đoán ra mục đích của câu chuyện, bèn lặng lẽ vào theo.
Không châm đèn, Acxinhia vừa bước vào trong nhà đã mở chiếc rương, lục lọi trong đó một lát rồi đưa hai bàn tay vừa khô vừa nóng nắm lấy tay Daria và vội vã lồng vào ngón tay Daria một cái nhẫn.
- Sao chị lại làm như thế? Một cái nhẫn phải không? Chị cho tôi đấy à?
- Biếu chị đấy! Biếu chị đấy. Làm một vật kỷ niệm… của tôi…
- Bằng vàng có phải không? - Daria vừa hỏi bằng một giọng rất thiết thực vừa bước ra cửa sổ, giơ cái nhẫn nho nhỏ trên ngón tay ra ngắm dưới ánh trăng bềnh bệch.
- Bằng vàng đấy. Chị giữ lấy mà đeo!
- Chà, lạy Chúa tôi? Chị cần gì mà lại cho tôi như thế nầy?
- Chị gọi hộ tôi… gọi ông ông Grigori nhà chị.
- Lại cái chuyện ấy à? - Daria mỉm cười có vẻ đã đoán ra.
- Không, không đâu! Chao ôi, sao chị lại nói thế? - Acxinhia hoảng sợ đỏ mặt, chảy cả nước mắt. - Tôi cần phải nói với ông ấy về chuyện Stepan… May ra cũng xin được cho Stepan về nghỉ phép ít bữa…
- Thế sao chị không sang nhà chúng tôi? Chị đã có công việc cần đến chú ấy thì có thể sang nói với chú ấy chứ? - Daria nói giọng ranh mãnh.
- Không, không… Natalia có thể lại nghĩ thế nọ thế kia… Không tiện đâu…
- Thôi được rồi, tôi sẽ gọi. Tôi cũng chẳng thương gì hắn.
Grigori đã ăn tối xong. Chàng vừa buông cùi dìa xuống, liếm mút chòm ria dính mứt hoa quả và đưa mu bàn tay lên chùi thì cảm thấy dưới gầm bàn, không rõ chân ai chạm vào chân mình. Chàng nhìn lên thì thấy Daria hơi nháy mắt ra hiệu cho mình.
"Nếu ả muốn mình thay thế anh Petro vừa mồ yên mả đẹp và nói gì với mình về chuyện ấy thì mình phải nện cho ả một trận mới được. Mình sẽ lôi ả ra sân đập thóc, tốc váy chụp lên đầu quật cho một mẻ như đánh một con chó cho mà xem!" - Chàng tức sôi lên, bụng bảo dạ như vậy. Suốt thời gian gần đây, chàng chỉ cau cau có có mặc cho chị dâu ve vãn mình. Chàng đứng dậy, rời khỏi bàn ăn, châm thuốc hút và lững thững bước qua cửa. Daria gần như lập tức cùng ra theo.
Lúc đi qua trước mặt Grigori ở phòng ngoài, Daria sát ngực vào người chàng, khẽ nói:
- Nầy, đồ vô lương tâm! Ra ngoài kia đi… Người ta gọi đấy.
- Ai thế? - Grigori khẽ hỏi.
- Người ta.
Một giờ sau, lúc Natalia và hai con đã ngủ say, Grigori mặc một chiếc áo ca- pốt cài hết khuy, cùng Acxinhia bước ra khỏi cửa sân gia súc nhà Astakhov. Hai người lặng lẽ đứng một lát trong cái ngõ tối om rồi cũng lặng lẽ như thế đi ra đồng cỏ, nơi bầu không khí trầm lặng tối đen và hương cỏ ngây ngất đang thu hút họ. Grigori mở tà áo ca- pốt, ôm siết Acxinhia vào mình và cảm thấy người nàng run lên, tim nàng đập thình thịch rất thưa, rất mạnh dưới làn áo…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT