Sau khi chạy khỏi thôn Tatarsky, Stokman, Miska, Kotliarov và mấy anh chàng Cô- dắc trước kia làm công an, đều đến với trung đoàn Bốn Damursky. Hồi đầu năm một nghìn chín trăm mười tám trung đoàn nầy đã rút về từ mặt trận trước mặt quân Đức về và sáp nhập toàn bộ vào một chi đội Hồng quân. Sau một năm rưỡi chiến đấu trên nhiều mặt trận của cuộc nội chiến, nó vẫn còn giữ nguyên thành phần cơ bản. Các chiến sĩ trung đoàn Damursky được trang bị rất đầy đủ, ngựa của họ đều được nuôi béo tốt và huấn luyện cẩn thận. Đặc điểm của trung đoàn nầy là có khả năng chiến đấu, tinh thần kiên định, các chiến sĩ được huấn luyện tốt về thuật điều khiển ngựa nên họ cưỡi ngựa với tư thế rất duyên dáng.
Hồi cuộc phiến loạn mới bùng nổ, các chiến sĩ trung đoàn Damursky được trung đoàn bộ binh số một Moskva giúp đỡ, đã gần như đơn độc chống lại được sức ép của quân phiến loạn đang tìm cách chọc thủng vào Ust- Medvedicha. Sau đó đến thêm viện binh, trung đoàn nầy không phân tán làm những nhiệm vụ khác, mà chiếm lĩnh hẳn khu vực Ust- Khopeskaia, dọc theo con sông Krivaya.
Đến cuối tháng Ba, sau khi chiếm một phần các thôn của trấn Ust- Khopeskaia, quân phiến loạn dồn các đơn vị Hồng quân ra khỏi khu du mục của trấn Elanskaia. Cán cân lực lượng đã có phần nào cân bằng, thế cân bằng nầy đã làm cho mặt trận không di động trong gần hai tháng trời. Để che chở cho trấn Ust- Khopeskaia về phía tây, một tiểu đoàn của trung đoàn Moskva được một đại đội pháo yểm trợ đã chiếm thôn Krutovsky trên sông Đông. Dưới chân một nhánh núi chạy ra sông ở phía Nam Krutovsky, một đại đội pháo Hồng quân ngụy trang trong một sân đập lúa ở ngoài đồng ngày nào cũng giã giò lên đầu những tên phiến loạn đến tập trung trên những ngọn gò bên hữu ngạn, yểm hộ các tuyến chiến đấu của trung đoàn Moskva rồi di chuyển hoả lực, rắc đạn lên thôn Elansky nằm bên kia sông Đông. Những đám khói đạn ghém rất nhỏ bung ra khi cao khi thấp trên những ngôi nhà nằm sát sin sít rồi tan rất nhanh. Đạn lựu pháo khi thì nổ trong thôn, làm cho gia súc hoảng lên như phát điên, phá hàng rào chạy lồng lên trong các ngõ, còn người thì khom lưng chạy toán loạn, khi thì nổ trong cái nghĩa địa cựu giáo, gần những cái cối xay gió, trên những ngọn đồi cát vắng tanh không một bóng người, làm bắn tung lên những đám đất nâu nâu nát vụn, chưa tan hết tuyết.
Ngày mười lăm tháng Ba, Stokman, Miska Kosevoi và Kotliarov được tin ở trấn Ust- Khopeskaia đã thành lập một đội nghĩa dũng gồm những đảng viên cộng sản và cán bộ chính quyền Xô viết vừa chạy khỏi các trấn nổi loạn. Ba người đang ở thôn Trebotarev bèn tới trấn Ust- Khopeskaia. Gã Cô- dắc cựu giáo đánh xe có khuôn mặt hồng hào sạch sẽ nom có vẻ con nít, đến nỗi Stokman nhìn gã cũng bất giác phải nheo mép cười. Tuy còn trẻ nhưng gã đã để một bộ râu màu hạt dẻ nhạt xoăn tít rất rậm. Cái miệng đỏ tươi nằm giữa đám râu nom cứ như lát dưa hấu. Sát cạnh mỗi bên mắt có một đám lông tơ vàng óng. Không biết vì chòm râu xồm hay vì làn da hồng hào tốt máu mà hai con mắt màu lam nom trong suốt một cách đặc biệt.
Suốt chặng đường Miska cứ lầm rầm hát hết bài nọ đến bài kia. Kotliarov đặt ngang khẩu súng trường trên đầu gối, cau có ngồi co ro phía sau xe. Còn Stokman thì tán gẫu với gã đánh xe, bắt đầu từ những chuyện đâu đâu.
- Đồng chí thì chẳng phải than phiền gì về mặt sức khỏe đấy nhỉ? - Anh hỏi.
Gã cựu giáo hừng hực sức sống giữa tuổi trai tráng phanh cái áo khoác ngắn may bằng lông cừu, mỉm một nụ cười hồn hậu:
- Không, tôi cũng chẳng làm gì nên tội để Chúa phải giận. Nhưng làm thế nào mà ốm được cơ chứ? Dân chúng tôi từ bao đời nay không hút thuốc, rượu thì tất nhiên cũng có uống, từ nhỏ lại ăn toàn bánh nướng bằng bột lúa mạch. Vậy thì bệnh tật nó có đường nào mà mò tới được?
- Thế có đi lính rồi chứ?
- Cũng có đi ít lâu. Bị bọn Kadet bắt đi.
- Nhưng tại sao không tới vùng sông Dones?
- Đồng chí nói gì mà kỳ quặc? - Gã ném bộ dây cương tết bằng lông đuôi ngựa xuống, tháo đôi găng tay không có ngón, lau miệng rồi cau mày có vẻ bực mình. - Tôi thì sang bên ấy để làm gì? Đi tìm những bài hát mới à? Trước kia nếu không bị bọn Kadet ép buộc thì tôi cũng chẳng đi lính cho họ làm gì. Chính quyền của các đồng chí kể ra cũng công bằng chỉ phải cái có đôi điều làm không đúng…
- Những điều gì thế? - Stokman cuốn điếu thuốc, châm hút rồi chờ rất lâu câu trả lời.
- Tại sao đồng chí lại đốt cái của độc địa nầy làm gì? - Gã Cô- dắc quay mặt đi và nói. - Đồng chí xem, chung quanh không khí mùa xuân trong sạch biết bao, thế mà đồng chí lại đem cái hơi khói hôi thối nầy làm bẩn cả lồng ngực… Tôi không ưa làm như thế. Còn những điều các đồng chí làm không đúng thì tôi sẽ nói: các đồng chí o ép dân Cô- dắc, có những hành động ngu dại, nếu không chính quyền của các đồng chí sẽ không thể suy suyển được. Các đồng chỉ có nhiều anh chàng ngu xuẩn quá, chính vì thế mà đã nổ ra cuộc bạo động đấy.
- Họ đã hành động ngu dại như thế nào? Như thế tức là theo ý anh chúng tôi đã làm những việc ngu xuẩn à? Có phải thế không? Những việc gì vậy?
- Có lẽ chính đồng chí cũng biết rồi… Đem người ta đi xử bắn. Đồng chí xem, hôm nay một người, ngày mai người nữa… Ai lại muốn ngồi chờ đến lượt mình bị tóm cổ đi! Chọc tiết con bó nó còn ngọ nguậy cái đầu nữa là. Đấy, cứ xem như ở trấn Bukanovskaia chẳng hạn… Cái trấn ấy từ chỗ nầy cũng có thể nhìn thấy được. Đồng chí có trông thấy toà nhà thờ của họ không? Cứ nhìn theo ngọn roi tôi chỉ đây nầy, đã thấy chửa? Nghe nói có một chính uỷ, tên là Mankin, đóng ở chỗ họ cùng với một chi đội. Đấy, thử hỏi xem ông ta đối xử với nhân dân có công bằng hay không? Chuyện như thế nào tôi sẽ kể ngay đây. Ông ta đã lôi cổ một số bô lão ở các thôn tới, đưa vào trong rừng, vào đến trong ấy thì cho tất cả hồn lìa khỏi xác, rồi lột trần như nhộng và thậm chí không cho gia đình người ta chôn cất. Điều tai vạ đối với các bô lão ấy là trước kia họ có được bà con trong trấn bầu lên làm bồi thẩm. Nhưng đồng chí có biết họ là những bồi thẩm như thế nào không? Người thì hỳ hà hỳ hục mãi mới ký xong cái tên, người thì phải nhúng tay vào mực điểm chỉ, hoặc chỉ nguệch ngoạc được một chữ thập. Các ông bồi thẩm như thế thường chỉ ngồi làm vì. Toàn bộ công lao là có được bộ râu dài, có người đã già lụ khụ đến quên cả cài cúc quần. Đối với họ thì có thể bắt họ phải chịu trách nhiệm gì? Cả bọn đều đã quay trở lại cái thời con nít. Thế mà cái ông Mankin ấy cứ làm như mình là Thượng đế, nắm quyền sinh sát đối với người khác. Trong lúc đó có một lão già biệt hiệu là "Dây chão" đi qua thao trường. Lão đang cầm một đoạn dây buộc mõm ngựa đi về sân đập lúa nhà lão để thắng con ngựa cái. Nhưng có vài đứa trẻ gọi đùa lão: "Cụ tới đằng ấy đi Mankin gọi cụ đấy". Lão Dây chão bèn làm cái dấu phép dị giáo của chúng nó, vì dân bên ấy đều tin theo đạo mới, rồi lão bỏ mũ ra ngay từ trên bãi tập. Lão hết cả hồn vía, đi đến nơi và hỏi: "Ngài cho gọi tôi à?" Mankin cười như nắc nẻ, cười ghê quá đến nỗi phải đưa hay bàn tay lên giữ lấy hai bên cạnh sườn. Ông ta bảo: "À đã tự xưng là nấm thì cứ chui vào làn. Chẳng có ai gọi lão cả, nhưng lão đã dẫn xác đến thì đi ra với bọn kia. Các đồng chí, bắt lấy lão! cho lão vào loại thứ ba". Thế là tất nhiên lão đã bị bắt và lập tức bị đưa vào rừng. Mụ già đợi mãi, đợi mãi chẳng thấy chồng về. Lão đã ra đi và chết mất xác. Thế là lão đã đem cả đoạn dây buộc mõm ngựa lên thiên đàng. Một lão già khác tên là Mirofan người thôn Andreanovsky bị Mankin bắt gặp ngoài phố và gọi lại "Ở đâu đến? Họ tên là gì?" - Rồi ông ta cười như nắc nẻ và bảo: "Xem kìa, lão để bộ râu dài như đuôi con cáo ấy? Với bộ râu nầy nom lão hệt như một tên nịnh thần của thằng Nicolai 1 ấy". Rồi ông ta lại bảo "Chúng ta sẽ đem lão, đem cái con lợn béo núc nầy đi nấu xà phòng! Cho lão vào loại thứ ba!" Thật là tội nợ, ông lão nầy quả cũng có một bộ râu không kém gì cái chổi bện bằng rơm kê. Thế là đã bị đem bắn chỉ vì không để mắt tới bộ râu và dẫn xác đến trước mặt Mankin vào một giờ dữ. Những chuyện như thế chẳng phải là xúc phạm tới nhân dân hay sao?"
Ngay từ lúc gã đánh xe bắt đầu kể chuyện. Miska đã ngừng tiếng hát. Cuối cùng anh điên tiết nói:
- Bịa đặt chẳng ra đầu ra đuôi gì cả, cái nhà bác nầy!
- Anh hãy cố mà bịa đặt giỏi hơn đi! Trước khi bảo người ta là bịa đặt, anh hãy tìm hiểu thật hư ra sao rồi hãy nói.
- Còn anh thì những chuyện ấy, anh có biết đích xác hay không?
- Người ta đã nói như thế.
- Người ta! Người ta nói rằng có thể vắt sữa gà, nhưng gà thì làm gì có vú? Cứ đi nghe những chuyện bịa đặt rồi nói lại lung tung như đàn bà ấy!
- Các bô lão ấy đều là những con người hiền lành…
- Cái nhà anh nầy! Hiền lành! - Miska tức giận nhại lại. - Mấy lão già mà anh nói là hiền lành biết đâu chẳng đang sửa soạn nổi loạn, và trong sân nhà bọn bồi thẩm biết đâu có chôn giấu súng máy. Thế mà lại bảo là bị xử bắn vì bộ râu làm như đem người ta đi xử bắn chỉ để làm trò đùa… Sao người ta không mang anh ra xử bắn vì bộ râu? Mà bộ râu của anh thì rậm kém gì râu con dê già?
- Tôi mua về được cái gì thì lại đem cái nấy đi bán thôi. Ôn dịch nào biết được, cũng có thể là thiên hạ đã nói láo, cũng có thể là họ cũng ngấm ngầm có những âm mưu gì đó chống lại chính quyền… - Gã cựu giáo luống cuống nói lắp bắp.
Gã nhảy từ trên ghế đánh xe xuống, đi lõm bõm giờ lâu trên lớp tuyết đang tan. Hai chân gã dạng rộng, xới tung một dải tuyết xốp xốp phớt ánh xanh xanh vì thấm nước. Mặt trời âu yếm chiếu sáng trên đồng cỏ. Bầu trời xanh nhạt ôm chặt lấy đường viền của những ngọn gò và mấy cái đèo xa xa. Trong làn gió thổi tới rất nhẹ, có cảm tưởng như đã thấy được hơi thở thơm thơm của mùa xuân không còn lâu la gì nữa. Về phía đông, sau đường nét trắng trắng ngoằn ngoèo chữ chi của những ngọn núi ven sông Đông, thấy hiện lên đỉnh núi cao ngất của trấn Ust- Medvedskaia trong một làn sương mù tím ngát. Ở nơi rất xa, sát đường chân trời, những đám mây trắng bông như lông cừu non trải sát xuống đất, chẳng khác gì một tấm thảm khổng lồ rập rình như sóng.
Gã đánh xe nhảy lên xe, rồi lại quay sang nói với Stokman, nét mặt có vẻ gay gắt hơn:
- Ông cụ sinh ra bố tôi đến bây giờ vẫn còn sống, năm nay đã một trăm linh năm tuổi. Ông cụ cũng được biết ông cụ sinh ra bố ông cụ. Ông tôi có kể lại là trong đời ông tôi, tức là đời cụ ngũ đại của tôi, hoàng đế Petr có phái đến vùng thượng lưu sông Đông chúng tôi một lão công tước, cầu Chúa giúp cho tôi trí nhớ, không biết tên là Dlinnorukov hay Dolgorukov 2 gì đó. Cái lão công tước ấy đã đem binh từ Voronez xuống triệt hạ những thị trấn Cô- dắc vì dân Cô- dắc không chịu theo cái đạo khốn nạn của lão Nicol 3 và không chịu quyền thống trị của vua Nga. Dân Cô- dắc đã bị bắt giữ, bị cắt mũi, có người còn bị treo cổ trên những cái bè thả trôi theo sông Đông.
- Anh nói thế là định đi đến chuyện gì thế hử? - Có ý đề phòng, Miska hỏi giọng nghiêm khắc.
- Tôi muốn nói rằng tuy lão ta là Dlinnorukov nhưng có lẽ nhà vua cũng chẳng trao cho lão những quyền hành như thế đâu. Còn cái ông chính uỷ Mucanovskaia, ông đã quát tháo chẳng hạn như: "Cái bọn chó đẻ, tao sẽ làm cho chúng mày hết giở trò Cô- dắc, cho chúng mày nhớ đời?". Ông ta đã ra bãi họp ở Bukanovskaia quát lác trong cuộc họp toàn trấn như thế đấy. Nhưng chính quyền Xô viết có trao cho ông ta những quyền hành như thế không? Vấn đề là ở chỗ ấy! Có lẽ chẳng làm gì có giấy uỷ nhiệm cho làm những việc như thế, cho đối xử với tất cả mọi người đồng loạt như nhau. Cô- dắc thì cũng có năm bảy đường Cô- dắc…
Da trên hai gò má Stokman nhăn nhúm lại.
- Tôi đã nghe anh nói rồi, bây giờ anh hãy nghe tôi nói đây.
- Cũng có thể là tôi hồ đồ, nói năng có điều không đúng, đồng chí cũng thứ lỗi cho tôi.
- Thôi hượm đã, hượm đã… Thế nầy nầy. Những điều anh vừa kể. Về cái anh chàng chính uỷ nào ấy đúng là không thật như thế đâu. Tôi sẽ thẩm tra lại chuyện ấy. Và nếu đúng như thế, nếu quả thật hắn có làm nhục người Cô- dắc và chuyên quyền làm bậy, chúng tôi sẽ không tha thứ cho hắn đâu.
- Ồ cần gì phải thế?
- Không phải là cần gì phải thế, mà đích xác phải thế mới được! Hồi mặt trận tràn đến thôn các anh, chẳng phải anh em Hồng quân đã xử tử một chiến sĩ trong đơn vị của họ về tội cướp của một người đàn bà Cô- dắc hay sao? Chuyện nầy bà con thôn anh đã kể cho tôi nghe đấy.
- Phải, phải! Hắn ta đã lục trong cái rương của nhà vua Perfilevna. Có chuyện như thế đấy. Đúng là như thế đấy! Điều đó thì tất nhiên… Nghiêm lắm. Chuyện nầy đồng chí nói là đúng. Hắn ta đã bị xử bắn đằng sau những cái sân đập lúa. Sau đó bà con trong thôn cứ bàn nhau mãi xem nên đem hắn ta đi chôn ở đâu. Có người bảo đem chôn ở nghĩa dịa. Song những người khác lại không nghe, nói rằng như thế thì sẽ làm ô uế nơi đó. Vì thế người ta đào hố chôn hắn ta, cái anh chàng bất hạnh ấy, ở ngay bên cạnh một cái sân đập lúa.
- Đã có một chuyện như thế phải không? - Stokman vội vã cuốn một điếu thuốc.
- Có có, tôi không bảo là không có, - Gã Cô- dắc đồng ý ngay, vẻ mặt hoạt bát hẳn lên.
- Thế thì tại sao anh lại nghĩ rằng chúng tôi sẽ không trừng trị cái anh chàng chính uỷ kia nếu đã xác định là hắn có tội?
- Đồng chí thân mến ạ! Có lẽ các đồng chí không tìm đâu ra ở chỗ các đồng chí một người nào cao cấp hơn ông ta đâu. Phải thấy một đằng là binh bét, còn một đằng lại là chính uỷ…
- Như thế thì mức đòi hỏi đối với hắn càng phải cao hơn? Anh đã hiểu chưa? Chính quyền Xô viết chỉ trấn áp kẻ thù thôi. Những người đại diện nào của chính quyền Xô viết mà không công bằng, mà xúc phạm đến nhân dân lao động, thì chúng tôi sẽ trừng trị thẳng tay.
° ° °
Trong bầu không khí lặng lờ của buổi giữa trưa tháng Ba trên đồng cỏ, chỉ nghe thấy tiếng đòn trượt tuyết rít và tiếng vó ngựa dẫm lõm bõm. Chợt có tiếng đạn pháo nổ ầm ầm như núi lở. Sau loạt đạn đầu tiên lại tiếp luôn ba loạt nữa với những khoảng cách đều nhau. Đại đội pháo ở thôn Krutovsky lại tiếp tục bắn phá bên tả ngạn.
Câu chuyện trên chiếc xe trượt tuyết bị ngừng lại. Tiếng đạn pháo bất thần vang lên mạnh mẽ theo một âm giai khác hẳn đã phá tan bầu không khí mộng ảo thẫn thờ của đồng cỏ mơ màng mệt mỏi lúc trời sắp sang xuân. Hai con ngựa nhanh nhẹn vẫy vẫy tai, nhẹ nhàng giậm chân xuống đất, bước dài hơn, đều hơn.
Khi ra đến con đường của các vị Ghet- man, trước mắt bốn người ngồi trên xe đã thấy hiện ra một vùng bát ngát bên sông Đông, loang lổ lấm tấm với những đám cát vàng đã tan tuyết lộ ra như những cái đầu trọc, những mũi đất nhô ra và những rừng liễu và xích dương xanh xanh xám xám nom như những hòn đảo nhỏ.
Tới Ust- Khopeskaia, gã đánh xe cho ngựa chạy tới ngôi nhà dùng làm trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng. Ban chỉ huy trung đoàn Moskva đóng ngay bên cạnh.
Stokman thọc tay vào túi, lấy trong cái túi đựng thuốc lá ra một tờ giấy bạc Kerensky bốn mươi rúp, đưa cho gã Cô- dắc. Gã cười nở mặt nở mày, nhe cả mấy cái răng vàng vàng dưới hàng ria ướt đẫm, rồi luống cuống ngập ngừng nói:
- Sao lại thế, đồng chí, lạy Chúa tôi! Tiền nong làm gì?
- Cứ cầm lấy đi, hai con ngựa của anh đã nai lưng kéo xe. Còn đối với chính quyền thì anh đừng có hoài nghi gì cả. Anh hãy nhớ rằng chúng tôi chiến đấu cho chính quyền của thợ thuyền và dân cày. Song các kẻ thù của chúng ta: những tên kulak, ataman, sĩ quan đẩy các anh đi theo bọn phiến loạn. Chính chúng nó là nguyên nhân căn bản làm nổ ra các cuộc nổi loạn. Còn nếu trong chúng tôi có người nào không công bằng, xúc phạm đến nhân dân lao động Cô- dắc, đến những người đồng tình với chúng tôi, giúp đỡ cách mạng, thì sẽ có thể tìm ra cách trừng trị những kẻ áp bức xúc phạm như thế.
- Có lẽ đồng chí cũng biết câu tục ngữ: trời thì cao và vua thì xa… Vua của các đồng chí cũng xa lắm lắm… Gặp kẻ mạnh chớ đọ sức, gặp kẻ lắm tiền chớ dây chuyện quan nha. Mà các đồng chí thì vừa mạnh, lại vừa lắm tiền. - Nói đến gã nhe răng cười với vẻ mặt rất giảo quyệt - Xem đồng chí đấy, đồng chí cho tôi bốn mươi đồng, tròng khi tiền xe quá lắm chỉ năm đồng là cùng. Thôi, cầu Chúa che chở!
- Đồng chí ấy cho anh như thế vì câu chuyện lúc nãy đấy, - Miska Kosevoi mỉm cười nhảy trên xe xuống rồi vừa rũ quần vừa nói, - và vì bộ râu đẹp của anh nữa. - Cái anh chàng ngốc nghếch nầy, anh có biết anh vừa đánh xe cho ai đấy không? Một ông tướng Hồng quân đấy.
- Thế à?
- Lại còn "thế à"! Người với ngợm như anh! Cho ít thì sẽ rêu rao khắp nơi: "Đấy, đánh xe cho một ông đồng chí, thì cho một tờ năm đồng, lại còn thế nầy thế nọ!" Rồi sẽ là tức tối bực dọc suốt một mùa đông cho mà xem. Nhưng nếu cho nhiều thì cũng lại nói: "Xem đấy, họ lắm tiền chưa! Một chuyến cho cả bốn mươi đồng. Tiền tiêu như rác…" Như tôi thì một xu tôi cũng chẳng cho? Mặc cho oán thán thế nào thì oán thán. Vì đằng nào anh cũng không vừa ý cơ mà. Thôi, ta vào đi… Tạm biệt nhé, anh bạn râu xồm!
Thấy Miska tuôn ra một tràng sôi nổi như thế, Kotliarov đang cau cau có có cuối cùng cũng phải tủm tỉm cười.
Một chiến sĩ của đội trinh sát kỵ binh cưỡi một con ngựa nhỏ lông dài giống Sibiri chạy từ trong sân nhà ban chỉ huy trung đoàn ra.
- Xe trượt tuyết từ đâu đến đấy? - Người chiến sĩ thu ngắn dây cương quay phắt ngựa hỏi to.
- Đồng chí có việc gì thế? - Stokman hỏi.
- Tải đạn lên Krutovsky. Cho xe vào đây!
- Không, đồng chí á, cái xe nầy chúng tôi cho về rồi.
- Nhưng các đồng chí là ai?
Người chiến sĩ Hồng quân, một chàng thanh niên rất đẹp trai, cho ngựa tiến sát tới gần.
- Chúng tôi thuộc trung đoàn Damursky. Đồng chí đừng giữ cái xe nầy lại.
- À. Thế thì được, thôi cho đi. Đánh xe đi, ông lão.
--- ------ ------ ------ -------
1 Vua Nga vừa bị truất ngôi (ND).
2 Cả ba từ nầy đều hàm nghĩa là "tay dài", "Dolgorukov" còn hàm nghĩa là "tham quan". (ND).
3 (1605 - 1681), đại chủ giáo Moskva, năm 1654 triệu tập hội nghị tôn giáo tại Moskva định ra những sự cải cách trong nghi thức làm lễ và trong kinh bổn, gây ra một sự phân biệt trong nhà thờ của nước Nga, bị chính quyền vua Nga cách chức năm 1680 (ND).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT