Gió đông lang thang lồng lộn trên đồng cỏ thân yêu. Tuyết phủ đầy khe núi. Các chỗ trũng, các vách khe đều đã bị lấp bằng. Không còn chút dấu vết gì của mọi đường cái đường con. Bị gió liếm ngang, liếm dọc, bốn bề toàn là một cảnh phẳng lì, trần truồng, trắng lốp.

Đồng cỏ như đã chết. Năm thì mười hoạ mới thấy một con quạ đen bay rất cao trên trời. Có lẽ nó cũng già không kém gì đồng cỏ, không kém gì nấm kurgan nằm giữa khoảng trời tuyết mênh mông với cái mũ tuyết hiện lên giữa một vành ngải cứu nom như dải lông hải ly viền quanh cái mũ của một công tước. Hai cái cánh của con quạ rẽ không gian ràn rạt, nó vừa bay vừa để rơi trong họng ra những tiếng kêu thảm thương. Gió đưa những tiếng kêu ấy đi rất xa với những tiếng vang còn vọng mãi, rất bi thiết trên đồng cỏ, chẳng khác gì có người vô tình búng lên một tiếng đàn trầm trong bầu trời đêm tĩnh mịch.

Nhưng bên dưới lớp tuyết, đồng cỏ vẫn tiếp tục cuộc sống của nó. Ở những khoảng đất cày tuyết phủ trắng như bạc, lên lên xuống xuống như những làn sóng đông lại thành băng, những nơi đất đã bừa từ mùa thu đang nằm chết lặng, lúa mạch qua mùa đông bị đại hàn dúi gục xuống vẫn bám chắc xuống đất bằng những đám rễ háu ăn đầy sức sống. Xanh mượt như lụa, với những giọt sương đông lại nom như những giọt nước mắt, lúa mạch nép mình tránh lạnh xuống chất đất đen ròn tan, sống bằng thứ máu đen tràn trề sinh lực của đất, và chờ mùa xuân, chờ nắng ấm để ngỏng dậy, chọc thủng lớp băng đang tan dở trong như kim cương, mỏng manh như mạng nhện và đến tháng Năm thì mọc lên mãnh liệt, xanh mướt. Rồi chờ được đúng lúc, lúa mạch sẽ ngoi dậy cho mà xem! Cun cút sẽ đánh nhau trong những dám lúa, sơn ca tháng Tư sẽ hót vang trên các cánh đồng. Mặt trời sẽ rọi nắng, gió sẽ vẫn đu đưa những cây lúa. Và cứ như thế, khi đã đúng lúc, những bông lúa nẩy hạt, chín vàng bị mưa dập gió vùi sẽ ngả những cái đầu lông lá, nằm rạp xuống dưới lưỡi liềm của người chủ đất và ngoan ngoãn để rơi những hạt thóc vừa to vừa nặng xuống sân phơi.

Tất cả vùng ven sông Đông đang sống một cuộc sống lẩn lút, bị đè nén. Những ngày ảm đạm đang sắp ập tới. Mới chỉ có những chuyện xảy ra ở các vùng địa giới. Song những tin dữ đã lan dần từ các vùng thượng du sông Đông theo sông Tria, sông Chutcan, sông Khop, sông Elanca, và tất cả các con sông lớn nhỏ tới các thôn Cô- dắc nằm rải rác khắp vùng. Người ta nói rằng mặt trận không đáng sợ vì nó chỉ tràn qua như một làn sóng rồi nằm lại ở gần sông Dones, mà điều đáng sợ là các Uỷ ban đặc biệt 1 và các Toà án.

Người ta nói rằng các Uỷ ban đặc biệt và Toà án có thể xuống các trấn lúc nào không biết và hình như đã tới Migulinskaia và Kazanskaia rồi, và đã có những lời tuyên án giản đơn, oan uổng đối với những người Cô- dắc trước kia có đi lính cho bọn Trắng. Hình như việc người Cô- dắc Đông Thượng bỏ mặt trận không được coi là một lý do bào chữa, mà Toà án xử rất đơn giản: công tố kết tội, toà hỏi qua một đôi câu, tuyên án, thế là nạn nhân nhận lấy ngay một loạt súng máy. Lại thấy nói rằng ở Kazanskaia và Sumilinskaia không phải chỉ một người dân Cô- dắc bị chặt đầu quẳng vào rừng mà không có ai nhận… Những gã Cô- dắc ở mặt trận về chỉ cười nhạo: "Toàn là những chuyện láo toét? Toàn những chuyện bịa của bọn sĩ quan! Từ lâu bọn "Kadet" đã từng đem Hồng quân ra làm con ngáo ộp doạ chúng ta rồi? "

Trước những lời đồn đại, người ta nửa tin nửa ngờ. Ngay trước đây trong các thôn cũng thiếu gì những tin đồn nhảm. Chính các tin đồn đã thúc đẩy những kẻ yếu bóng vía rút lui. Nhưng sau khi mặt trận qua rồi, không thiếu gì những kẻ đêm đêm không ngủ được, những kẻ cảm thấy cái gối quá nóng, cái giường quá cứng và người vợ yêu không còn đáng yêu nữa.

Có những người hối hận tự hỏi tại sao mình không bỏ chạy về sông Dones, nhưng việc đã qua thì còn làm thế nào kéo trở lại được, nước mắt đã rơi không vớt lại được nữa rồi…

Tối tối bọn Cô- dắc thôn Tatarsky tụ tập trong các ngõ, báo cho nhau biết những tin nhận được, rồi la cà từ nhà nọ sang nhà kia uống rượu. Thôn xóm sống một cuộc sống yên tĩnh nhưng đầy đắng cay. Hồi đầu thời kỳ ăn mặn, chuông nhà thờ chỉ dóng có một buổi lễ để báo tin một đám cưới: Miska Kosevoi cho em gái đi lấy chồng.

Đám cưới nầy đã bị người ta chế giễu chua chát:

- Kiếm được đúng lúc như thế nầy mà cưới với xin! Xem ra đã ngứa nghề không nhịn được nữa rồi!

Bầu chính quyền hôm trước thì ngay hôm sau từng nhà bị tước vũ khí Trong ngôi nhà lão Mokhov dùng làm trụ sở của Uỷ ban Quân sự Cách mạng, chỗ phòng ngoài có sưởi ấm và hành lang đều chất đầy vũ khí. Petro Melekhov cũng đem nộp vũ khí của hắn và của Grigori: hai khẩu súng trường, hai khẩu Nagan và một thanh gươm.

Hai anh em giữ lại hai khẩu Nagan của sĩ quan, chỉ nộp những thứ đem về sau cuộc chiến tranh chống Đức.

Petro về nhà trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi. Hắn vào đến nhà trong thì thấy Grigori đang xắn tay áo đến khuỷu tháo hai cái khoá nòng súng trường và bôi dầu hoả để đánh sạch các vết gỉ. Hai khẩu súng dựng ngay bên cạnh tường.

- Ở đâu ra thế nầy? - Petro ngạc nhiên quá, hai hàng ria trễ hẳn xuống.

- Cha mang về từ hồi đến thăm tôi ở Filonovo đấy.

Hai con mắt nheo nheo của Grigori long lanh. Chàng vừa cười khà khà vừa đưa hai bàn tay bê bết dầu hoả lên chống vào sườn.

Nhưng bỗng nhiên chàng bặt tiếng cười, hai hàm răng lách cách đạp vào nhau như răng chó sói.

- Nhưng súng trường đã mùi gì! Anh có biết không? - Grigori hạ giọng nói thì thầm tuy trong nhà không có người lạ nào. - Hôm nay cha mới nói thật với tôi. - Grigori lại cố ghìm nụ cười. - Ông cụ có một khẩu súng máy nặng đấy.

- Nói bậy! Ở đâu ra? Mà để làm gì chứ?

- Cha bảo rằng bọn dân công vận tải Cô- dắc đã đổi cho cha lấy một túi sữa chua, nhưng theo tôi thì nói dối đấy, cái con quỉ già ấy? Đúng là lại ăn cắp ở đâu rồi? Cứ y như con bọ hung rúc đống phân, hễ thấy cái gì là khiêng về tuốt, kể cả những thứ không đủ sức khiêng. Ban nãy cha rỉ tai tôi: "Tao có một khẩu súng máy nặng, chôn ngoài sân đập lúa ấy. Nó có một cái lò xo, có thể dùng làm cái móc trôn ốc, nhưng tao còn chưa động tới". Tôi hỏi: "Nhưng cha tha nó về làm gì?" - "Tao thích cái lò xo quí, có lẽ còn có những thứ khác cũng dùng được. Một của đáng tiền lắm đấy, bằng thép đấy…"

Petro phát khùng lên, định chạy vào bếp tìm bố, nhưng Grigori ngăn lại:

- Thôi đi! Anh giúp tôi lau và lắp lại đi. Anh vào hỏi cha làm gì?

Trong khi lau hai cái nòng súng, Petro vẫn còn thở phì phì, nhưng sau nắn chợt nghĩ ra bèn nói:

- Có lẽ cũng đúng đấy, rồi sẽ có lúc dùng được việc. Cứ để cho nó nằm ngoài ấy cũng được.

Hôm ấy Tomilin Ivan đem đến cái tin ở Kazanskaia đang có những vụ xử bắn. Mấy người hút thuốc và chuyện gẫu bên cạnh bếp lò. Trong khi nói chuyện, không biết có điều gì mà Petro cứ đăm đăm chiêu chiêu. Hắn vốn là một thằng không quen suy nghĩ nên nặn óc rất khó khăn, mồ hôi lấp lánh trên trán như hạt cườm. Đến lúc Tomilin đã về rồi hắn tuyên bố:

- Tôi sẽ đi ngay Rubezyn gặp thằng Yakov Fomin. Nghe nói hiện giờ hắn đang ở nhà. Người ta bảo rằng hắn có làm cái gì trong Uỷ ban Quân sự Cách mạng Quân khu ấy, dù sao cũng là một chỗ có thể bấu víu. Tôi sẽ đề nghị với hắn để nhỡ xảy ra chuyện gì hắn cũng nói đỡ hộ.

Ông Panteley Prokofievich thắng con ngựa cái vào một chiếc xe trượt tuyết thường. Trong chiếc áo lông mới choàng trên vaị, Daria thì thầm mãi với bà Ilinhitna không biết những gì. Rồi mẹ chồng con dâu chui vào nhà thóc và xách ra một cái tay nải.

- Cái gì thế? - Ông già hỏi.

Petro không nói gì cả, nhưng bà Ilinhitna liến thoắng rỉ tai chồng:

- Tôi có để dành trong đó được ít bơ, phòng có lúc phải dùng đến. Bây giờ thì còn tiếc gì bơ nữa, tôi đã đem cho con Daria để làm quà cho mụ vợ gã Fomin, may ra nó cũng che chở cho thằng Petro. - Nói đến đây bà khóc oà lên. - Cứ đi lính nữa đi, cứ đi lính nữa đi, xông pha mãi nơi mũi tên hòn đạn, để rồi bây giờ chưa biết chừng sẽ mất xác vì mấy cái lon của chúng nó…

- Thôi câm đi, cái mụ lắm mồm nầy? - ông Panteley Prokofievich tức tối ném cái roi ngựa lên đống rơm, bước tới trước mặt Petro. - Mày đem đến thêm cho nó ít thóc.

- Nó cần đến thóc làm cái quái gì! - Petro khùng lên. - Cha ạ, tốt nhất là cha sang nhà Anikey mua lấy ít rượu, còn thóc thì…

Ông Panteley Prokofievich đem về một bình rượu to bằng một cái thùng giấu dưới vạt áo. Ông vừa bước vào vừa trầm trồ:

- Thứ vodka nầy ngon ra ngon? Y như rượu Nicolai ấy.

- Lại nốc vào rồi, cái con chó già nầy? - Bà Ilinhitna dội lên đầu ông chồng một tràng, nhưng ông già cứ lờ đi như không nghe thấy gì ông nheo mắt như con mèo vừa kiếm được bữa no, khập khiễng đi thắng vào nhà trong, chân bước rất trẻ, vừa đi vừa è è đưa tay áo lên lau cặp môi bị rượu đốt bỏng.

Petro ra khỏi nhà như một người khách, cổng vẫn để mở.

Hắn đem quà đi biếu người bạn đồng sự nay đã trở thành một nhân vật quyền thế, ngoài bình rượu còn có một đoạn sơ- vi- ết, loại hàng từ hồi trước chiến tranh, một đôi ủng và một phun- tơ chè thượng hảo hạng ướp hoa. Tất cả các thứ đó hắn đã cướp được ở Lisky. Hồi ấy trung đoàn 28 chiến đấu chiếm được nhà ga rồi tản ra đi cướp các toa xe và các kho hàng.

Cũng dạo ấy, trên một đoàn tầu bị chặn đường không chạy được, hắn còn cướp được một cái hòm nan đựng quần áo lót của đàn bà. Thấy cha ra mặt trận, hắn đã gửi cái hòm về. Thế là Daria được diện những thứ đồ lót chưa ai từng thấy bao giờ, làm Natalia và Dunhiaska hết sức ghen tị. Các thứ hàng ngoại hoá ấy mỏng dính và trắng hơn tuyết, mỗi cái đều có thêu huy hiệu của gia đình và những đầu tên bằng tơ. Những đám đăng ten viền trên một chiếc quần lót sùi lên, bông hơn cả bọt nước trên sông Đông. Chồng mới về hôm đầu Daria đã mặc cái quần ấy để đi ngủ.

Trước khi tắt đèn, Petro cười mát một cách độ lượng:

- Em thích mặc đồ lót của đàn ông à?

- Mặc cái nầy ấm hơn và đẹp hơn. - Daria trả lời, vẻ mặt mơ màng. - Nhưng anh chẳng hiểu gì cả: nếu của đàn ông thì phải dài hơn chứ, mà nó lại có đăng ten… Đàn ông các anh thì quần áo viền đăng ten làm gì?

- Có lẽ bọn đàn ông các nhà quí tộc cũng có mặc những quần áo viền đăng ten đấy. Nhưng việc quái gì đến anh? Thích mặc thì cứ mặc cũng được, - Petro vừa gãi gãi vừa trả lời, giọng buồn ngủ.

Đầu tiên hắn cũng không đặc biệt quan tâm đến chuyện nầy. Nhưng mấy ngày sau, trong khi nằm cạnh vợ, hắn cảm thấy sờ sợ, phải lùi ra và bất giác cứ nhìn những chỗ viền đăng ten mà ngại ngại lo lo, không dám động tay tới, và ngay đến Daria hắn cũng có phần muốn xa. Hắn chẳng làm thế nào quen được với các đồ lót nầy. Đến đêm thứ ba, hắn khùng lên, kiên quyết bảo vợ:

- Thôi tụt mẹ cái quần nầy ra đi! Đàn bà mặc nó không hợp đâu, mà đâu phải là của đàn bà? Nằm đườn đưỡn như bà lớn ấy? Mặc vào nom cứ như người ở đâu!

Sáng hôm sau hắn dậy sớm hơn Daria. Hắn húng hắng ho, cau cau có có, thử mặc cái quần vào người xem sao. Như gờm gờm đề phòng điều gì, hắn nhìn mãi cái dải rút, những đám đăng ten, và hai cái chân đầy lông lá của hắn thòi ra từ đầu gối trở xuống. Hắn xoay người, bất thần nhìn thấy cái hình của mình trong gương với những nếp vải xù lên rất to đằng sau mông, bèn nhổ toẹt một bãi nước bọt, văng tục một thôi một hồi, rồi gù lưng như con gấu, để rút chân ra khỏi cái quần rộng thùng thình. Nhưng một ngón chân cái của hắn lóng ngóng thế nào vướng vào một đám đăng ten, làm hắn thiếu chút nữa thì ngã phệt xuống cái rương. Hắn đã phát điên lên thật sự, bèn giật đứt cái dây rút cho mình lại được tự do. Daria hỏi bằng một giọng ngái ngủ:

- Anh làm sao thế?

Petro tức quá không nói gì cả, cứ thở phì phì và nhổ nước bọt luôn miệng. Còn cái quần thì ngay hôm ấy Daria thở dài nhét nó vào cái rương (trong đó không thiếu những đồ mà không người đàn bà nào trong nhà có thể dùng vào được việc gì) và cuốì cùng vẫn không biết là quần đàn ông hay quần đàn bà. Về sau các thứ lủng củng lỉnh kỉnh ấy đã phải đem cắt ra làm "xu- chiêng". Còn mấy cái váy thì Daria đã tìm ra cách dùng. Không hiểu vì sao tất cả đều quá ngắn, nhưng một người nội trợ khéo léo vẫn có thể tiếp thêm ở bên trên để cái váy bên trong dài hơn cái bên ngoài, nhìn thấy được đến nửa trét- véc 2 đăng ten. Thế là nom Daria đỏm dáng sang trọng hẳn ra với đoạn đăng ten Hà Lan quét lê trên sàn đất.

Lần nầy cùng chồng đến chơi nhà người khác cũng thế. Daria ăn vận rất sang trọng, đàng hoàng. Bên dưới cái áo choàng kiểu sông Đông viền lông thú, có thể nhìn thấy cả cái váy lót viền đăng- ten lẫn chiếc váy ngoài bằng len mới rất tốt. Chị chàng ăn vận như thế là muốn cho mụ vợ gã Fomin vừa từ chỗ bùn nhơ leo lên làm bà lớn biết rằng con Daria nầy đâu phải là một ả Cô- dắc tầm thường, ít nhất cũng là một bà vợ sĩ quan chứ.

Petro bập môi, vung cái roi ngựa. Con ngựa đang có mang chạy một nước kiệu nặng nhọc hết cái ngõ ghồ ghề, mặt đường bong nham nhở, ra tới con đường cái đã được đòn xe trượt tuyết miết phẳng lì, chạy dọc theo sông Đông. Đến giờ ăn trưa thì tới Rubezyn. Fomin quả thật đang ở nhà. Hắn tiếp đón Petro khá niềm nở và mời Petro vào bàn. Đến khi thấy cha hắn mang từ trên chiếc xe trượt tuyết của Petro vào trong nhà cái bình đầy rơm và sương muối bám lờm xờm thì một nét cười thoáng hiện sau bộ ria đỏ lòm của hắn:

- Sao thế nhỉ, ông bạn đồng ngũ, tại sao chẳng thấy quan bác lại chơi bao giờ thế? - Fomin kéo dài giọng trầm rất dễ nghe, liếc nhìn Daria bằng cặp mắt màu xanh da trời rất xa tinh mũi, rồi xoắn chòm ria một cách oai vệ.

- Chính bác cũng biết đấy, bác Yakov Efilmut, các đơn vị còn tấn công, thời buổi đang lúc nghiêm trọng như thế nầy…

- Kể ra cũng như thế thật đấy. Bà nó đâu! Mang ra cho chúng tôi ừ dưa chuột, bắp cải và cá khô sông Đông ra đây.

Căn nhà nhỏ xíu được đốt sưởi rất nóng. Có hai đứa trẻ nằm trên bếp lò: một thằng con trai giống bố như lột với hai con mắt màu xanh da trời cũng rất xa tinh mũi, và một đứa con gái. Sau khi nhấm nháp vài hớp rượu, Petro đi luôn vào việc:

- Trong các thôn đang có những tin đồn nói rằng đã có những nhân viên Treka đến đây tính chuyện với bà con Cô- dắc.

- Toà án của sư đoàn 15 Indenskaia đã tới Vosenskaia. Nhưng chuyện ấy thì có sao đâu? Liên quan gì đến bác?

- Còn sao nữa, ngài Yakov Efilmut, chính ngài cũng biết rằng tôi là một sĩ quan. Nhưng sĩ quan kiểu như tôi thì có thể nói là chỉ có cái bề ngoài mà thôi.

- Nếu thế thì có sao?

Fomin đã cảm thấy rằng hắn đang làm chủ tình thế. Hơi men đã làm cho hắn trở nên tự phụ và khoe khoang, nên cứ làm cái vẻ khệnh khạng, vuốt râu vuốt ria, mắt nhìn gườm gườm, coi bộ rất đường bệ.

Petro đã mò ra đúng tâm lý của hắn bèn cứ đóng vai một anh chàng khổ sở không nơi nương tựa, luôn luôn có một nụ cười quị lụy xum xoe nhưng đồng thời lại khéo chuyển ngay từ "ngài" sang "bác":

- Tôi đã từng phục vụ cùng một chỗ với bác. Bác cũng chẳng có thể nói rằng tôi đã làm điều gì xấu. Trước kia tôi có chống lại điều gì đâu. Vốn dĩ là không có chuyện như thế! Nếu nói dối thì có Chúa trừng phạt, bao giờ tôi cũng đã đứng về phía anh em Cô- dắc!

- Chúng tôi biết lắm, bác Petro Panteleevich ạ, bác chẳng cần phải lo lắng làm gì. Tất cả mọi người, ai như thế nào chúng tôi đã tìm hiểu rõ ràng cả rồi. Họ sẽ không động tới bác đâu. Nhưng cũng có những kẻ chúng tôi phải trừng trị. Có những kẻ chúng tôi sẽ phải tóm cổ. Lần nầy thật có lắm đứa khốn nạn. Tuy ở lại, nhưng chúng nó vẫn cứ mưu đồ những chuyện riêng. Chúng nó giấu vũ khí… Thế bác đã nộp hết vũ khí của bác chưa? Thế nào hử?

Fomin đang thủng thẳng nói từng tiếng một bỗng chuyển rất nhanh sang tấn công dồn dập, làm Petro hoảng hồn mất một phút, máu dồn lên làm mặt hắn đỏ bừng bừng.

- Đã nộp chưa hử? Nào, tại sao không nói gì thế? - Fomin nhô người qua cái bàn, hỏi dồn.

- Tất nhiên là đã nộp rồi, bác Yakov Efilmut ạ, bác chớ nghĩ rằng… Tôi nói với cả một tấm lòng thành thật…

- Thành thật à? - Tôi thì biết các anh lắm… Chính tôi cũng là thổ công vùng nầy đấy. - Fomin hấp háy hai con mắt đã bốc hơi men, mở hoác miệng, nhe những cái răng bàn cuốc. - Khi giơ tay nầy ra bắt tay một thằng Cô- dắc có của thì tay kia phải nắm con dao cho chắc, nếu không sẽ bị nó đâm mất mạng… Cái bọn chó má? Làm sao lại có chuyện thành thật được! Tôi đã gặp không phải là ít các hạng người. Cả một lũ phản bội! Nhưng bác đừng có sợ, chúng nó sẽ không động tới bác đâu. Tôi đã nói thì một là một, hai là hai!

Daria chỉ nhấm nháp chút đồ nguội, và để tỏ ra mình là người lịch sự không đụng tới miếng bánh mì nào. Mụ chủ nhà thì cứ săn đón mời khách ăn.

Đến lúc trời đã về chiều Petro mới ra về, trong lòng vui vẻ và chứa chan hy vọng.

° ° °

Sau khi đưa Petro ra cổng, ông Panteley Prokofievich tạt sang thăm lão thông gia Korsunov. Trước khi Hồng quân kéo đến, ông cũng có qua bên đó một lần. Hôm ấy mụ Lukinhitna đang sửa soạn cho thằng Mitka lên đường, cả nhà rối tinh rối mù, vì thế ông cảm thấy mình chỉ là người thừa, bèn bỏ về ngay. Nhưng lần nầy ông quyết định sang xem mọi mặt có được bình an vô sự hay không, đồng thời cũng tìm người để than thở sự đời.

Khập khiễng tới được đầu kia thôn cũng không phải là chuyện chóng vánh. Ông vào đến trong thôn thì gặp cụ Grisaka đang ở trong đó ra. Ông cụ đã già lụ khu, răng đã rụng mất vài cái. Hôm ấy là ngày chủ nhật, ông cụ ra nhà thờ nguyện kinh chiều. Vừa nhìn thấy ông cụ thông gia, ông Panteley Prokofievich bất giác thất kinh: bên dưới chiếc áo choàng mở phanh, có thể nhìn thấy tất cả những tấm huân chương và huy chương mà cụ đã được thưởng từ hồi cuộc chiến tranh Thổ nhĩ kỳ. Trên cái cổ đứng của chiếc áo quân phục kiểu cũ thấy đỏ lóe hai cái lon cổ, nom rất là khiêu khích. Cái quần đi ngựa có nẹp chảy lũng nhũng một cách già nua với hai ống quần luồn rất cẩn thận vào trong đôi bít tất trắng và trên đầu cụ, một chiếc mũ cát- két có đính quân hiệu chụp xuống tới hai vành tai trong như sáp ong.

- Cụ ơi cụ, sao cụ lại làm như thế? Cụ thông gia 3 ơi, cụ điên rồi à? Thời buổi như thế nầy, cụ có còn thấy ai đeo huân chương và quân hiệu nữa đâu?

- Cái gì hử? - Cụ Grisaka khum bàn tay đưa lên vành tai.

- Cái quân hiệu, tôi bảo cụ hãy tháo nó ra! Bỏ hết huân chương đi! Cụ đeo những thứ nầy vào thì chúng nó sẽ bắt đi đấy. Dưới chính quyền Xô- viết không thể làm như thế nầy được đâu, pháp luật nghiêm cấm đấy.

- Nầy anh chàng trẻ tuổi, ta đã phục vụ Hoàng đế Trắng của ta với tất cả lòng trung thành. Còn cái chính quyền nầy thì không phải do ý muốn của Thượng đế đâu. Ta không công nhận chính quyền của chúng nó. Ta đã tuyên thệ với hoàng đế Alexandr chứ không tuyên thệ với bọn mu- gích, ta nói như thế đấy? - Cụ Grisaka nhai nhai cặp môi nhợt nhạt rồi chọc chọc cái gậy, chỉ về phía ngôi nhà. - Ông đến tìm thằng Miron có phải không? Nó có nhà đấy. Còn thằng Mitka thì chúng tôi đã đưa tiễn nó đi rút lui rồi. Lạy Nữ hàng trên trời, cầu xin Người che chở cho nó… Hai thằng bên ông ở lại à? Hả? Thế thì còn ra thể thống gì nữa? Như thế thì còn ra Cô- dắc cái gì nữa? Tất nhiên chúng nó cũng đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước rồi chứ gì? Quân đội đang cần người mà chúng nó lại ở nhà với vợ…

- Thế con Natalia có khỏe không?

- Vâng, khỏe đấy ạ… Nhưng mấy cái huân chương cụ tháo ra đi, cụ thông gia ơi! Những cái của ấy bây giờ không hợp nữa rồi. Lạy Chúa tôi, cụ lẫn mất rồi hay sao thế, cụ thông gia thân mến?

- Thôi cút mẹ anh đi. Trẻ ranh mà lên mặt dạy thằng già nầy! Đi đâu thì đi đi.

Cụ Grisaka xăm xăm đi thẳng tới trước mặt ông thông gia. Ông Panteley Prokofievich vội bước ra chỗ tuyết bên cạnh đường đi, nhường cho cụ đi, rồi vừa nhìn theo vừa lắc đầu một cách tuyệt vọng:

- Ông đã gặp ông lính già nhà tôi chưa? Thật là tội nợ! Chúa cũng chẳng che chở nổi ông cụ đâu. - Miron Grigorievich đứng dậy đón ông thông gia, mới có mấy ngày mà lão sút hẳn đi. - Mắc mấy tấm huân chương lên ngực, đội cái mũ có quân hiệu vào là ra đường. Trừ phi dùng vũ lực tước của ông cụ mới xong. Cứ như đã trở thành con nít ấy, chẳng còn hiểu phải trái là gì nữa. Thôi đành để cho cụ giỡn chơi thoải mái một chút, cụ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu… Nhưng thế nào, nhà ta ở bên ấy như thế nào? Chúng tôi nghe tin hình như bọn phản Chúa ấy, chúng nó có giở trò với thằng Grisaka có phải không?

Mụ Likinhitna đến ngồi trước mặt hai lão Cô- dắc, chõ miệng vào, giọng đau khổ.

- Còn nhà chúng tôi, ông thông gia ạ, thật là tai vạ… Chúng nó đã lấy đi mất bốn con ngựa, chỉ còn một con ngựa cái với một con ngựa non mới xén bờm. Thế là làm chúng tôi khánh kiệt hết rồi.

Miron Grigônevich nheo mắt như người nhằm bắn rồi nói với cả một nỗi căm hờn sôi sục, giọng đổi khác hẳn:

- Vì đâu mà cuộc đời bị tan vỡ? Kẻ nào đã gây ra tất cả nông nỗi nầy? Chính là cái chính quyền quỉ quái ấy? Ông thông gia ạ, muôn tội đều do nó gây ra mà thôi. Làm cho mọi người đều trở nên cá mè một lứa, như vậy, mà coi là một việc làm thông minh hay sao? Anh định moi lấy linh hồn của tôi đi, tôi đồng ý làm sao được? Tôi đã phải làm lụng quần quật suốt một đời, mệt đứt cả hơi, khản cả tiếng, đổi giọt mồ hôi lấy hạt thóc để rồi phải sống cũng chỉ như những kẻ không buồn động ngón tay để tìm cách thoát khỏi cái cảnh khố rách áo ôm hay sao? Không thể như thế được, chờ ít bữa rồi sẽ biết. Cái chính quyền nầy nó muốn cắt mạch máu của những người tằn tiện làm ăn. Cứ như thế nầy thì tay chân sẽ bần thần ra: bây giờ thì còn kiếm tiền làm gì nữa? Vì ai mà lao động nữa bây giờ? Hôm nay kiếm được ít nhiều để rồi ngày mai bị cướp sạch… Còn chuyện nầy nữa, ông thông gia ạ: hôm nọ tôi có một ông bạn đồng ngũ cũ ở Mrykhin đến chơi, có nói chuyện là… mặt trận hiện nay đang ở gần sông Dones. Nhưng không biết liệu có giữ vững được hay không? Điều nầy là tôi nói thật, chỉ những bà con tin cậy được tôi mới nói. Chúng ta cần phải giúp đỡ anh em ta những người hiện giờ đang ở bên kia sông Dones…

- Nhưng làm thế nào mà giúp bây giờ? - Ông Panteley Prokofievich kinh hãi, giọng nói không hiểu sao thít hẳn đi…

- Làm thế nào mà giúp à? Lật đổ cái chính quyền nầy đi! Lật đổ nó đi, cho nó lại cút về với cái tỉnh Tambob của chúng nó. Để cho nó cứ ở đấy mà chơi cái trò bình đẳng với bọn mu- gích. Toàn bộ gia tài điền sản, cho đến cái kim sợi chỉ, tôi sẽ đem hiến hét, cốt sao tiêu diệt được cái bọn thù địch nầy. Ông thông gia ạ, phải làm cho chúng nó mở mắt ra mới được! Bây giờ đã đến lúc rồi? Nếu không sẽ muộn mất… ông bạn đồng ngũ của tôi có bảo rằng ngay trong hàng ngũ chúng nó, bọn Cô- dắc cũng đã sôi sục lên rồi. Chỉ cần đồng tâm hiệp lực bắt tay vào! - Đến đây, giọng lão trở nên lắp bắp và chuyển sang rất nhanh, rất khẽ - Các đơn vị của chúng nó đã tiến qua rồi, thử hỏi ở đây còn lại được bao nhiêu? Vài thằng có thể đếm trên đầu ngón tay! Trong các thôn chỉ còn lại những thằng chủ tịch… Béng cái đầu chúng nó đi thì chỉ là chuyện dễ như trở bàn tay… Còn như ở Vosenskaia thì có gì đâu… Mọi người đồng tâm nhất trí ập tới là chúng nó sẽ tan ra từng mảnh ngay! Chúng ta đoàn kết lại thì không thể nào thất bại được đâu… Việc nầy tin tưởng được đấy, ông thông gia ạ!

Ông Panteley Prokofievich đứng dậy. Ông sợ hãi cân nhắc từng tiếng, khuyên lão kia:

- Ông phải cẩn thận đấy, nhỡ trượt chân một cái rồi lại mang hoạ vào thân! Kể ra bọn Cô- dắc cũng đang hoang mang thật, nhưng quỉ quái nào biết được chúng nó sẽ ngả về bên nào. Thời buổi đang như thế nầy, những chuyện như thế không thể bạ ai cũng nói được đâu… Bọn trẻ thì hoàn toàn không thể nào hiểu được chúng nó nữa, chúng nó sống cứ như chơi trò ú tim ấy. Đứa thì rút lui, đứa thì ở lại. Khó sống quá! Địa ngục chứ không còn là cuộc đời nữa!

Thôi đừng lo lắng nghi ngại làm gì, ông thông gia ạ! - Miron Grigorievich mỉm cười có vẻ kẻ cả. - Tôi không nói khác với ý ông đâu. Con người ta thì cũng như đàn cừu ấy: con cừu đực đầu đàn đi đâu thì cả đàn cùng theo. Vì thế cần phải chỉ cho chúng nó thấy con đường! Cần phải vạch mắt cho chúng nó thấy rõ về cái chính quyền nầy. Không có mây thì làm gì có sấm? Tôi sẽ nói thẳng cho bọn Cô- dắc thấy rằng: phải bạo động mới được. Nghe đồn chúng nó đã ra lệnh treo cổ tất cả dân Cô- dắc lên thì phải. Việc nầy không biết thực hư như thế nào?

Mặt Miron Grigorievich đỏ rực lên qua những điểm tàn hương.

- Thế nào, tình hình rồi sẽ ra sao đây, ông Prokofit? Có tin chúng nó đã bắt đầu đưa con nhà người ta ra xử bắn rồi đấy… Sống như thế nầy thì còn ra sao nữa! Ông xem; chỉ có mấy năm mà tất cả đã đổ sụp hết! Dầu hoả chẳng có, diêm thì không, gần đây nhà Mokhov chỉ còn bán có kẹo… Còn chuyện trồng trọt thì sao? So với trước kia thì bay giờ gieo được bao nhiêu? Ngựa thì bị chúng nó dắt đi mất rồi. Đấy, chúng nó dắt mất của tôi, lại dắt của cả các bà con khác. Bắt ai đi mà chẳng biết bắt, nhưng ai sẽ nuôi, sẽ gây thêm bây giờ? Trước kia, hồi tôi còn thanh niên, trong nhà chúng tôi nuôi tới tám mươi sáu con ngựa. Có lẽ ông còn nhớ đấy chứ? Có những con chạy rất hay, ngựa của bọn Kalmys cũng không thể đuổi kịp được! Hồi ấy nhà tôi có một con ngựa hồng, trên trán nó có hình một ngôi sao. Tôi đã từng cưỡi nó đuổi theo và dẫm chết những con thỏ rừng. Tôi không cần đóng yên, cứ thế cưỡi ra đồng cỏ làm cho thỏ rừng sợ chạy ra khỏi các bụi rậm, nhưng chạy chưa được một trăm xa- gien đã bị tôi cho con ngựa dẫm chết rồi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. - Một nụ cười sôi nổi hiện lên trên mặt Miron Grigorievich. - Có lần tôi cho con ngựa chạy tới chỗ những cái cối xay gió, chợt thấy một con thỏ chạy thẳng tới trước mặt tôi. Tôi bèn rẽ cương đuổi theo. Nhưng con thỏ chạy ngoằn ngoèo xuống dốc rồi lao sang bên kia sông Đông. Hôm ấy lại đúng là ngày lễ tống tiễn mùa đông. Tuyết trên sông Đông bị gió quét, trơn quá. Tôi cứ thúc ngựa đuổi theo con thỏ ấy, nhưng con ngựa trượt chân một cái, khuỵu ngã cả bốn vó, không ngóc đầu dậy được nữa. Tôi sợ đến run cả người, bèn tháo lấy bộ yên, chạy về nhà "Cha ơi, con đuổi theo con thỏ, cưỡi ngã chết mất con ngựa rồi", "Nhưng đã đuổi được chưa?" - "Chưa". - Đóng ngay yên cho con Huyền, đuổi đi, đồ chó đẻ? "Thời xưa như thế đấy? Con người được sống như thế đấy, trẻ nhỏ được nuông chiều như thế đấy. Ngựa chết chẳng tiếc, chỉ cần đuổi lấy con thỏ. Con ngựa giá hàng trăm rúp, còn con thỏ bất quá một hào… Chà, như vậy thì còn nói gì nữa?

Trước khi đến nhà lão thông gia, ông Panteley Prokofievich vốn đã hoang mang rồi, nhưng ở bên ấy về, đầu óc ông lại càng rối như bòng bong, nhưng lo cùng phiền. Bây giờ ông đã cảm thấy hoàn toàn rõ ràng rằng đang có những cái gì xa lạ và thù địch với ông đang nhằm vào cuộc đời của ông mà tấn công. Trước kia ông điều khiển công việc làm ăn cũng như cả cuộc sống của ông như cưỡi một con ngựa thuần chạy trong một cuộc đua vượt vật cản, nhưng bây giờ cuộc đời lại lồng lộn lôi ông đi như một con ngựa cuồng chạy đã sùi bọt mép. Ông không điều khiển được nó nữa, bất giác đành phải để cho lưng mình bị lắc theo trong khi cái lưng của con ngựa hết trẹo sang bên nọ lại trẹo sang bên kia, và bây giờ ông chỉ có thể cố gắng một cách thảm hại để giữ cho mình khỏi ngã là tốt.

Tương lai mù mịt như bị phủ một làn sương. Hồi Miron Grigorievich còn là một nhà phú hộ giầu nhất vùng có phải đã xa xưa gì lắm đâu. Thế mà ba năm nay lão đã kiệt quệ. Kẻ ăn người làm bỏ đi cả, diện tích gieo trồng giảm đến chín mươi phần trăm, phải đem bò đem ngựa trong chuồng đi bán lấy nắm giấy bạc mất giá, lên lên xuống xuống như say rượu. Tất cả cứ như một cơn ác mộng. Tất cả cứ trôi qua như một đám mây mù trên mặt sông Đông. Chỉ còn lại ngôi nhà với ban- công vẽ hoa và những đường gờ chạm trổ bạc mầu dưới mái hiên làm kỷ niệm. Bộ râu đỏ như lông cáo của lão Korsunov đã bạc quá sớm. Rồi những sợi bạc lan đến hai bên thái dương và bám chắc ở đấy. Đầu tiên các món tóc bạc chỉ xuất hiện từng túm như cỏ gai trên vùng đất cát, nhưng sau đã áp đảo hẳn cái mầu đỏ xưa kia và màu muối trắng đã hoàn toàn làm chủ hai bên thái dương. Đến nay màu bạc đã phát triển theo khoảng tóc lơ thơ trên đỉnh đầu và đã chiếm hết phần trước trán. Ngay trong con người của Miron Grigorievich đang có hai động lực vật lộn nhau một cách điên cuồng: dòng máu quật cường của những con người tóc đỏ vẫn thúc giục lão làm việc, bắt buộc lão phải gieo hạt, làm nhà kho, sửa chữa nông cụ, làm giàu. Nhưng cái âu sầu chán ngán vẫn ngày càng hay đến thăm lão nhiều hơn. "Cũng chẳng kiếm chác làm gì nữa. Bỏ mẹ mất thôi", và cái màu của sự thẫn thờ, ngán ngẩm, ngày càng làm cho mặt hắn nhợt nhạt ra như mặt người chết. Hai bàn tay méo mó, nhìn đến phát sợ của lão không còn có thể cầm búa cầm cưa như xưa nữa, mà chỉ lười nhác nằm thuỗn trên đầu gối, và chỉ ngọ nguậy những ngón tay lao động đến thành tàn tật. Tuổi già đã đem lại cho lão những ngày bất hạnh. Ruộng đất bắt đầu làm cho lão cảm thấy xấu hổ. Mùa xuân lão ra đồng chỉ do thói quen và vì nhiệm vụ, cứ như đến với một người vợ mà lão không yêu nữa. Ngày nay, lãi không còn làm lão vui, và lỗ không còn làm lão buồn như năm xưa nữa… Hồng quân đến lấy ngựa lão cũng chẳng buồn ló mặt ra. Hai năm trước đây, có lần chỉ vì một chuyện không có gì đáng kể, vì mấy con bò dẫm nát đống cỏ mà thiếu chút nữa lão cầm chàng nạng đánh vợ. Hàng xóm láng giềng bàn ra tán vào về lão: "Lão Korsunov hốc lắm quá phễnh cả bụng, bây giờ phải mửa bớt ra rồi".

Ông Panteley Prokofievich vừa khập khiễng về tới nhà đã nằm lăn ra giường, trong lòng cồn cào nhức nhối, trong họng lờm lợm buồn nôn. Ăn tối xong, ông bảo bà lão lấy cho ít dưa hấu muối, cố ăn hết được một miếng, rồi khập khiễng mãi mới tới được chỗ bếp lò.

Sáng hôm sau ông không dậy được, cứ nằm bất tỉnh, người nung nấu trong cơn sốt bệnh thương hàn, chung quanh xảy ra chuyện gì cũng không còn biết nữa. Môi ông bị máu xông lên nóng rực, nứt nẻ, mặt vàng như nghệ, lòng trắng con mắt như láng một lớp men xanh. Mụ Drodikha đến chích huyết cho ông, lấy ở mạch máu trên tay ông hai đĩa máu đen như hắc ín. Nhưng ông vẫn không tỉnh, chỉ thấy mặt càng xanh nhợt và cái miệng càng mở hoác, chìa những cái răng đen sì, thở lấy thở để với những tiếng lọc ọc trong họng.

--- ------ ------ ------ -------

1 Tức là Treka, hay Uỷ ban đặc biệt, chuyên trấn áp các hành động phá hoại, phản cách mạng. (ND).

2 Chừng 10 cm (ND).

3 Theo phong tục người Nga, không riêng bố mẹ chồng và bố mẹ vợ gọi nhau bằng "thông gia", mà cả ông bà, con cái trong hai gia đình cũng đều gọi nhau là "thông gia" cả (ND).

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play