Sau khi quyết định không rút lui nữa, ông Panteley Prokofievich lại thấy mọi vật đều có giá trị, có ý nghĩa như cũ.

Chiều hôm ấy, trong khi quét dọn chuồng bò, ông đã không do dự gì cả, chọn luôn đống xấu nhất để lấy cỏ. Ông đứng trong cái sân gia súc tối om, ông ngắm đầu đuôi xuôi ngược, ngắm đi ngắm lại con bò cái và nghĩ thầm, trong lòng rất vừa ý: "Nó đang có chửa đây, béo thật ra béo. Không biết Chúa có cho được hai con sinh đôi không?". Mọi vật lại trở nên thân thiết gần gũi đối với ông. Tất cả những thứ mà ông vừa có ý nghĩ vứt bỏ lại trở nên quan trọng và có trọng lượng như xưa. Chỉ trong một buổi hoàng hôn ngắn ngủi ông đã kịp mắng Dunhiaska về tội để trấu vãi lung tung quanh chuồng ngựa và không đập băng trong cái máng ăn của gia súc, đồng thời bịt được cái lỗ mà con lợn thiến nhà Stepan Astakhov mới húc thủng trong hàng rào. Thấy Acxinhia chạy ra đóng cửa chớp, ông bèn nhân tiện hỏi xem Stepan có ý định rút lui không? Acxinhia khép chặt chiếc khăn choàng, trả lời véo von như hát:

- Không đâu, không đâu, nhà tôi bây giờ còn đi đâu được nữa? Hôm nay cứ nằm lỳ trên bếp lò, như đang lên cơn sốt rét ấy… Trán thì nóng nóng là, lại còn kêu đau bụng. Anh Stepan nhà tôi ốm mất rồi. Chẳng đi được đâu…

- Cả bên nhà tôi cũng thế đẩy. Thế là cả chúng tôi cũng sẽ không đi đâu cả. Dịch tả dịch hạch nào biết được là không đi thì tốt hay không tốt…

Trời đã tối. Sao Bắc Đẩu sáng đến chói mắt trên nền trời xanh thẳm, sau đám rừng xám xịt bên kia sông Đông. Vùng chân trời đằng đông hơi phớt một ánh hung hung. Quầng sáng của mặt trăng bắt đầu lên dần. Vầng trăng lưỡi liềm ngoi lên trên một cây hắc dương cành đâm ngang dọc như gạc hươu. Vài cái bóng mung lung nép mình xuống tuyết. Những đống tuyết cũng sẫm dần. Bốn bề quá lặng lẽ, ông Panteley Prokofievich nghe thấy cả tiếng một người nào đó, có lẽ là Anikey, đang dùng cái thuốn chọc băng trên sông Đông bên cạnh cái hố nước. Những mảnh băng nhỏ bắn vung ra, đập vào nhau thành những tiếng leng keng như tiếng thuỷ tinh. Trong sân, mấy con bò mộng vẫn nhai rơm đều đều. Trong bếp đã nhóm lửa. Natalia đi lướt qua khoảng sáng trong khung cửa sổ. Ông Panteley Prokofievich cảm thấy thèm được sưởi ấm. Ông bước vào thì thấy cả nhà đang quây quần. Dunhiaska vừa ở nhà bên mụ vợ gã Khristonhia về. Cô bé đánh đổ hết chén men rượu, rồi liến thoắng kể những tin mới, cứ như sợ có người kể tranh mất.

Grigori ngồi ở nhà trong bôi mỡ cho khẩu súng trường, khẩu Nagan và thanh gươm. Chàng lấy một chiếc khăn bông bọc cái ống nhòm lại rồi gọi Petro:

- Của anh đã sửa soạn xong cả chưa? Mang vào đây đi. Phải đem chôn mới được.

- Nhớ phải chống lại chúng nó thì sao?

- Thôi không nói nữa! - Grigori cười nhạt. - Liệu cái thần hồn, chúng nó mà vớ được thì sẽ treo cổ lên trước cổng cho mà xem.

Hai anh em ra sân gia súc. Không hiểu sao người nào chôn riêng vũ khí của người nấy. Nhưng còn một khẩu Naga mầu đen mới toanh, Grigori đem nhét xuống cái gối ở nhà trong.

Vừa ăn tối xong, mọi người sắp sửa đi ngủ và chỉ còn chuyện trò một cách uể oải. Chợt có tiếng con chó đực xích ngoài sân sủa vài tiếng khàn khàn. Nó kéo cái xích nhảy chồm về phía trước, nhưng bị cái vòng cổ xít lấy họng, nó rên khè khè. Ông già ra ngoài xem có chuyện gì rồi quay vào với một người đầu cuốn một cái khăn tới sát lông mày. Người ấy đeo toàn bộ súng gươm, lưng thắt dây lưng rất chặt. Người ấy vừa bước vào vừa làm dấu phép, hơi bốc ra cuồn cuộn từ cái miệng đầy sương muối nom hệt như một chữ "o" trắng trắng.

Có lẽ cả nhà không nhận ra tôi nữa rồi phải không?

- Bác thông gia Maca đây mà. - Daria kêu lên.

Đến lúc nầy Petro và cả nhà mới nhận ra một người có họ xa là gã Cô- dắc Maca Nogaichev ở thôn Xinghin, một tay rất tốt giọng đồng thời là một con sâu rượu nổi tiếng trong toàn khu.

- Ma quỉ nào dẫn ông anh tới đây thế? - Petro mỉm cười hỏi nhưng không đứng dậy.

Nogaichev gỡ những miếng băng nhỏ bám trên ria, ném ra ngưỡng cửa, dậm dậm đôi ủng dạ đế da to, rồi từ từ cởi áo ngoài.

- Tôi nghĩ rút lui một mình thì buồn chết, nên tự bảo: thôi sang với mấy bác thông gia vậy. Nghe đồn hai bác đều còn có nhà, vì thế tôi bảo nhà tôi là sẽ sang đi cùng với các bác Melekhov cho vui.

Hắn tháo cây súng trường, dựa vào bếp lò, ngay bên cạnh mấy cái gắp than, làm mấy người phụ nữ mỉm cười và cười khúc khích. Hắn nhét cái túi dết xuống bên dưới miệng bếp lò, chỗ vụn tro than, còn thanh gươm và roi ngựa thì trịnh trọng đặt lên giường. Cũng như mọi lần, hôm nay Maca nặc mùi rượu, hai con mắt ốc nhồi rất to mờ đi vì hơi men, hai hàm răng đều đặn trắng xanh như những cái vỏ sò vùng sông Đông, lấp loáng sau bộ râu ướt đẫm, bết lại từng đám.

- Anh em Cô- dắc ở Xinghin không đi à? - Grigori vừa hỏi vừa chìa cho hắn cái túi thuốc thêu hạt cườm.

Người khách đưa tay gạt túi thuốc.

- Tôi không hút thuốc… Anh em Cô- dắc ấy à? Có người thì đi, nhưng có người lại kiếm những cái hang chuột để chôn mình vào trong đó. Thế hai bác có đi không?

- Các ông Cô- dắc nhà tôi không đi đâu. Bác đừng có mà dụ dỗ họ! - Bà Ilinhitna hoảng lên.

- Chẳng nhẽ các bác ở lại thật à? Tôi không thể nào tin được?

Bác Grigori, có thật không? Các bác tự quyết định lấy đời mình đi, hai ông anh thân mến ạ?

- Phó mặc cho Chúa thôi… - Petro thở dài rồi bỗng nhiên hắn đỏ bừng mặt hỏi - Grigori? Mày thế nào hả? Có thay đổi ý kiến không? Có lẽ chúng ta đi chăng?

- Chẳng đi đâu cả.

Làn khói thuốc lá trùm kín Grigori và chập chờn rất lâu trên cái bờm tóc xoăn đen như hắc ín của chàng.

- Con ngựa của mày cha đã tháo yên cương cho nó chưa? - Petro hỏi một câu chẳng ăn vào đâu cả.

Mọi người nín lặng một lát. Chỉ còn nghe thấy cái guồng quay sợi đưới chân Dunhiaska kêu vo vo như con ong đực, nghe đến là buồn ngủ.

Nogaichev ngồi đến khi trời sáng bạch và cứ luôn miệng khuyên hai anh em nhà Melekhov chạy sang bên kia sông Dones. Đêm hôm ấy, Petro hai lần đầu không mũ chạy ra thắng ngựa nhưng cả hai lần đều lại phải ra tháo yên dưới cặp mắt hăm doạ của Daria nhìn như xuyên vào người hắn.

Trời đã sáng, khách sắp sửa ra đi. Hắn mặc xong áo ngoài, tay đã nắm quả đấm cửa, còn húng hắng ho một cách đầy ý nghĩa và nói rõ ràng có ý đe doạ:

- Cũng có thể rồi sẽ gặp may, nhưng có điều là sau nầy hai bác sẽ phải hối thôi. Chúng tôi từ bên ấy kéo về sẽ còn nhớ những ai đã mở cửa cho bọn Đỏ tiến vào vùng sông Đông, những ai đã ở lại làm việc cho chúng nó…

Từ sáng, tuyết đã rơi như trút. Grigori ra sân gia súc nhìn thấy một đám người đen đen đang tiến từ bên kia sông Đông tới chỗ lội.

Tám con ngựa kéo không biết những cái gì. Nhao nhao vẳng sang tiếng người nói, tiếng thúc ngựa, tiếng chửi tục tĩu. Những hình người hình ngựa xám xám trắng trắng hiện ra thấp thoáng trong trận bão tuyết như sau một tấm màn sương. Grigori nhìn thấy những cỗ bốn ngựa bèn nghĩ thầm: "Một đại đội pháo… Chẳng nhẽ là bọn Đỏ?" ý nghĩ ấy làm tim chàng như nứt làm đôi, nhưng chàng ngẫm nghĩ một lát thấy không phải như thế, thì trong lòng lại nguôi nguôi.

Đoàn người tiến rời rạc, vòng tránh rất xa cái hố băng đen ngòm mở hoác nhìn trời, và đã gần tới thôn. Nhưng khẩu pháo đầu tiên vừa tới chỗ lên bờ thì lớp băng ở sát bờ sông bị nước xối mòn bên dưới vỡ ra, một bánh thụt xuống. Gió đưa tới tiếng kêu của bọn coi ngựa, tiếng lớp băng mỏng vỡ lạo xạo và tiếng những móng ngựa vừa trượt đập liên tiếp trên mặt băng. Grigori đi qua sân tới gần, chăm chú nhìn. Trên áo ca- pốt của những tên cưỡi ngựa, chàng nhận ra những cái lon đầy tuyết, và nhìn mặt có thể đoán rằng họ là dân Cô- dắc.

Năm phút sau có một lão quản đã nhiều tuổi cưỡi con ngựa cao lớn, mông rất to, tiến vào trong cổng. Tới bên thềm, lão xuống ngựa, buộc dây cương lên lan can rồi bước vào trong nhà.

- Ai là chủ nhà nầy? - Lão chào xong rồi hỏi.

- Tôi… - Ông Panteley Prokofievich trả lời và lo lắng chờ câu hỏi tiếp theo: "Tại sao nhà ông còn có những tay Cô- dắc ở nhà thế nầy?"

Nhưng lão quản chỉ đưa nắm tay lên sửa lại hai hàng ria trắng loá những tuyết, dài và xệ xuống như dây ngù vai và đề nghị:

- Các bà con đồng hương ạ? Bà con hãy vì Chúa mà giúp chúng tôi một tay để lôi khẩu pháo lên! Vừa tới bờ thì bị thụt xuống nước tới trục bánh xe ấy… May ra có chão lớn chăng? Đây là thôn gì thế nhỉ? Chúng tôi đã bị lạc đường. Đáng là phải đến trấn Elanskaia, nhưng tuyết rơi dầy như thế nầy thì chẳng còn trông thấy gì nữa. Lạc mất đường hành quân rồi, mà bọn Đỏ thì đã đuổi đến sát gót.

- Tôi cũng không rõ, thật đấy… - Ông già ngập ngừng.

- Nhưng có gì mà rõ với chẳng rõ? Nhà ta đang có mấy tay Cô- dắc như thế nầy… Chúng tôi thì đang cần có người kéo giúp.

- Tôi đang ốm, - Ông Panteley Prokofievich nói dối.

- Tại sao bà con anh em lại như thế nhỉ? - Lão quản quay nhìn tất cả mọi người, nhưng cổ lão cứ như ổ con chó sói, không thể xoay đi xoay lại được. Giọng lão tựa như trẻ ra, rắn ròi hơn. - Chẳng nhẽ bà con ta đây không phải là dân Cô- dắc hay sao? Thế là phải giương mắt nhìn tài sản của Quân khu bị mất toi hay sao? Tôi đã phải ở lại thay đại đội trưởng, các sĩ quan đều bỏ chạy hết. Suốt một tuần nay không được xuống ngựa, các ngón chân đã rét cóng, rụng cả ra, nhưng tôi thà hy sinh tính mạng chứ quyết không chịu bỏ mất đại đội pháo nầy đâu? Còn như các người… Nhưng không sao cả? Nói năng nhẹ nhàng với nhau chẳng muốn nghe thì bây giờ tôi sẽ gọi anh em Cô- dắc vào, và chúng tôi sẽ bắt các người… - Lão quản ức quá quát lên, nước mắt đầm đìa - Chúng tôi sẽ bắt các người phải làm, lũ chó đẻ! - Quân Bolsevich? Quẳng mẹ các người xuống hố! Còn lão, lão già kia, dù lão muốn hay không, chúng tôi sẽ cột cổ lão vào xe! Đi gọi ngay người lại đây! Nếu không thì có Chúa chứng giám đấy, thằng nầy mà quay lại thì tất cả cái thôn nầy sẽ thành bình địa…

Lão nói như một con người không hoàn toàn tin vào sức mạnh của mình. Grigori bỗng thấy thương hại. Chàng với lấy cái mũ, nói giọng nghiêm nghị, nhưng mắt không buồn nhìn lão quản lúc nầy đang như hoá điên hoá ngộ:

- Thôi anh đừng ngậu xị lên nữa, ầm ĩ lên như vậy làm gì! Chúng tôi sẽ kéo giúp, còn anh thì cút đi đâu thì cút.

Sau khi dỡ hàng rào lót bánh xe, mọi người đã kéo được đại đội pháo qua sông. Người đến giúp không phải là ít. Anikey, Khristonhia, Tomilin Ivanov, hai anh em nhà Melekhov và một chục người đàn bà đã cùng bọn lính pháo binh kéo mấy khẩu pháo và những hòm đạn lên, cả những con ngựa cũng được dắt lên giúp.

Các bánh xe bị đông cứng không chịu quay cứ trượt trên mặt băng. Những con ngựa đã kiệt sức gân cổ kéo mãi mới leo lên được cái dốc ngắn nhất. Nửa số pháo thủ đã đào ngũ, những gã còn lại phải đi bộ.

Lão quản bỏ mũ cúi chào, cảm ơn những người đến giúp rồi xoay người trên yên, khẽ ra lệnh:

- Đại đội pháo, theo tôi!

Grigori nhìn theo lão, ánh mắt đầy vẻ kính nể. Chàng rất đỗi ngạc nhiên và có vẻ như không tin tưởng lắm. Petro nhai nhai món ria bước tới, nói như để trả lời ý nghĩ của Grigori:

- Nếu mà tất cả đều được như thế nầy nhỉ? Sông Đông êm đềm phải được bảo vệ như thế nầy mới phải!

- Cậu đang nói về cái lão rậm râu, lão quản ấy phải không? - Khristonhia bước tới, bùn bắn tới mang tai. - Chưa biết chừng lão sẽ kéo được mấy khẩu pháo của lão đến nơi cho mà xem! Mẹ lão chứ, lão đã vung roi định đánh cả mình nữa đấy! Mà lão rất có thể đánh thật đấy, một khi con người đã phát khùng lên như thế… Vốn là mình không muốn ra đâu, nhưng thú thật là cũng có hoảng. Không có ủng dạ mà cũng phải ra. Mà cậu bảo, cái thằng ngu xuẩn ấy, nó lôi mấy khẩu pháo nầy đi thì được tích sự gì cơ chứ? Đúng là con lợn hay phá hàng rào, phải đeo cái gông vào cổ, vừa mệt xác, vừa chẳng được việc gì, thế mà cứ lôi đi…

Đám Cô- dắc ra về, vừa đi vừa lặng lẽ mỉm cười.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play