Trời sắp hoàng hôn thì đoàn ngựa đến Karginskaia. Trong trấn không còn có ai là cựu chiến binh nữa, họ đã đi Migulinskaia cả rồi.
Petro cho đội quân của hắn xuống ngựa trên cái bãi nhỏ bên cạnh cửa hiệu của lão lái buôn Levotkin, rồi đi đến nhà viên ataman trấn. Một viên sĩ quan cao lớn, da ngăm ngăm, vẻ người đầy sức mạnh, ra tiếp hắn. Viên sĩ quan nầy mặc một chiếc áo sơmi vừa dài vừa rộng không đeo lon, lưng thắt một chiếc đây da kiểu Kavkaz, cái quần đi ngựa Cô- dắc có nẹp, lồng vào trong đôi bít tất len trắng. Một cái píp thõng xuống bên mép cặp môi mỏng dính. Hai con mắt màu nâu có tia nhìn cứ gườm gườm, hiêng hiếng. Hắn đứng lại trên thềm, vừa hút thuốc vừa nhìn Petro bước tới. Cái thân hình đồ sộ của hắn với bắp thịt rắn chắc như đúc bằng gang hằn rõ dưới áo sơ- mi, trên ngực và hai cánh tay, tất cả thể hiện một sức mạnh khác người.
- Ngài là ngài ataman trấn?
Viên sĩ quan hà một hơi khói dưới bộ ria chầy xệ, trả lời bằng giọng nam trung:
- Vâng, tôi là ataman trấn. Không biết tôi có vinh dự hầu chuyện ai đây.
Petro tự giới thiệu. Viên ataman bắt tay hắn và hơi nghiêng đầu:
- Likhovidov Fedor Mitrievich.
Fedor Likhovidov là một tên Cô- dắc thôn Guxino - Likhovidovsky, một con người hoàn toàn không thuộc loại bình thường. Hắn đã học qua trường Yunke, vừa tốt nghiệp xong là biệt tăm một thời gian dài. Vài năm sau hắn đột nhiên về thôn. Được chính quyền cấp trên cho phép, hắn tuyển mộ một đội tình nguyện gồm những tên Cô- dắc đã hết hạn lính trở về. Trong khu vực trấn Karginskaia hiện nay, hắn đã tuyển được một đại đội toàn thằng bạt mạng, trời đánh thánh vật để cùng với hắn sang Ba- tư. Hắn ở bên ấy một năm cùng với đội quân của hắn, làm cận vệ cho tên quốc vương Ba- tư. Trong những ngày cách mạng Ba- tư, hắn cùng quốc vương Ba- tư chạy trốn, mất hết quân, rồi đùng một cái lại xuất hiện ở Kargin. Hắn có đưa về một số những tên Cô- dắc cũ, ba con ngựa Ả rập thuần giống trong chuồng ngựa của tên vua Ba- tư, và cơ man nào của cải: những tấm thảm quí, những đồ trang sức hiếm lạ, những tấm lụa màu sắc hết sức lộng lẫy. Hắn chơi bời một tháng, móc trong cáỉ túi chiếc quần đi ngựa của hắn ra tiêu một số tiền vàng Ba- tư không phải là nhỏ. Hắn cưỡi mốt con ngựa tuyệt đẹp lông trắng như tuyết, chân rất thon, cổ cong như cổ con thiên nga, rong chơi qua các thôn. Hắn thường cứ ngồi trên yên ngựa, tiến qua ngưỡng cửa vào hiệu của lão Levotki, mua thứ hàng gì đó, trả tiền, rồi cứ thế ra thẳng cửa bên kia. Fedor Likhovidov xuất hiện bất ngờ như thế nào thì lại biệt tích biệt tăm cũng bất ngờ như thế. Cùng biến đi với hắn có cả thằng bạn đường nối khố là tên hầu cận Panteliuska, một thằng Cô- dắc thôn Guxinov, khiêu vũ rất giỏi. Cả mấy con ngựa cùng tất cả những gì hắn mang từ Ba- tư về cũng biến theo hắn hết.
Nửa năm sau, Likhovidov xuất hiện ở Anbani. Từ Duracho ở bên ấy, hắn gởi về Kargin cho những kẻ quen biết những tấm bưu thiếp chụp những phong cảnh núi non xanh biếc của xứ Anbani với những cái tên rất lạ. Sau đó hắn rời sang Ý, chu du khắp miền Balkan, có mặt ở Rumani, ở Tây Âu và thiếu chút nữa thì sang tới Tây ban nha.
Một làn khói bí mật bao trùm lên cái tên Fedor Likhovidov. Trong các thôn xóm truyền lan những lời bàn tán và những giả thuyết hết sức khác nhau về hành tung của hắn. Người ta chỉ biết rõ một điều là hắn rất gần gũi với các giới trong hoàng tộc, kết giao với những tên quan lại chóp bu ở Petrograd, có chân trong "Hội liên hiệp nhân dân Nga" 1 giữ trách nhiệm khá quan trọng trong tổ chức đó, nhưng về những nhiệm vụ mà hắn làm ở nước ngoài thì chẳng ai biết.
Sau khi lại ở nước ngoài về, Fedor Likhovidov đến ở Penza một thời gian dài và ở ngay nhà viên tướng tỉnh trưởng. Được xem tấm ảnh của hắn, những người quen biết hắn ở Kargin cứ lắc đầu tặc lưỡi thán phục: "Ái chà chà?", "Cuộc đời của Fedor Mitrievich lên dốc đến ghê!". "Đi lại với những nhân vật như thế nầy cơ à?". Trên bức ảnh có thể thấy Likhovidov đưa tay đỡ tỉnh trưởng phu nhân bước lên chiếc xe ngựa nhẹ bốn bánh, một nụ cười trên khuôn mặt gãy mũi, đen như dân Serbi. Bản thân tỉnh trưởng đại nhân âu yếm mỉm cười với hắn như với một người thân. Gã xà ích lưng cánh phản duỗi hai bàn tay khẽ giật cương, và mấy con ngựa cắn hàm thiếc, sắp sửa phi vụt lên. Likhovidov đưa một tay lên vành chiếc mũ lông xồm một cách rất nịnh đầm, còn tay kia thì đỡ khuỷu tay tỉnh trưởng phu nhân, nhẹ nhàng như đỡ một cái tách.
Sau vài năm mất hút, mãi đến cuối năm 1917, Likhovidov mới lại mò về Kargin, lập cơ sở ở đấy, có vẻ như muốn sinh cơ lập nghiệp lâu dài. Hắn đem về một người vợ không biết là dân Ukraina hay dân Ba Lan và một đứa con nhỏ. Hắn ở một căn nhà nhỏ bốn buồng trên quảng trường đã một mùa đông không hiểu để mưu đồ những kế hoạch bí mật gì. Suốt mùa đông (mà mùa đông năm ấy rét ra rét, chẳng có vẻ khí hậu vùng sông Đông chút nào), bao nhiêu cửa sổ nhà hắn đều mở toang làm bà con Cô- dắc đều lấy làm lạ: hắn rèn luyện sức chịu đựng cho bản thân và cho vợ con.
Mùa xuân năm 1918, sau việc xảy ra ở gần Setrakov, hắn được bầu làm ataman. Thế là các khả năng vô hạn của Likhovidov tìm được đầy đủ đất dụng võ. Hai bàn tay sắt của hắn đã nắm chặt lấy trấn nầy, chặt đến nỗi chỉ một tuần sau, ngay bọn bô lão cũng phải lắc đầu thán phục. Hắn nghiêm khắc lên lớp bọn Cô- dắc, và sau lần hắn phát biểu tại hội nghị dân chúng toàn trấn (Likhovidov nói năng rất giỏi, ông trời đã không quên phú cho hắn cả sức khoẻ lẫn óc thông minh), bọn bô lão đã rống lên như một đàn toàn bò mộng: "Bẩm quan lớn hay lắm! Xin quan lớn cứ thế làm cho!", "Đúng lắm! "
Tên ataman mới đã thẳng tay sử dụng quyền lực của hắn. Hôm trước ở Karginskaia vừa nhận được tin về trận chiến đấu ờ gần Setrakov thì hôm sau trong trấn có bao nhiêu cựu chiến binh đều bị điều đến. Dân ngụ cư (chiếm một phần ba dân số các điểm dân cư trong trấn) đầu tiên không muốn đi, những tên cựu chiến binh bộ kinh khác thì phản đối, nhưng khi ra hội nghị đại biểu dân chúng Likhovidov đã kiên quyết giữ vững ý kiến, vì thế bọn bô lão đã ký một bản kiến nghị yêu cầu trục xuất tất cả những người "mu- gích" không tham gia bảo vệ sông Đông. Thế là ngay hôm sau hàng chục chiếc xe chở đầy lính đã kéo về hướng Napolov và làng Cherneskaia trong tiếng accordeon và tiếng hát. Trong số dân ngụ cư chỉ có vài người lính bộ binh trẻ theo Vaxiki Storozenko (trước kia chiến đấu trong trung đoàn súng máy số 1, chạy sang hàng ngũ Xích vệ.
Chỉ nhìn dáng điệu, tên ataman đã biết ngay Petro là một sĩ quan ngoi lên từ những cấp dưới. Hắn không rời Petro vào trong phòng mà cứ thế đứng nói, giọng có vẻ thân mật suồng sã.
- Không, ông bạn thân mến ạ, ngài chẳng còn có việc gì mà làm ở Migulinskaia nữa đâu. Không có ngài, mọi việc cũng đã xong xuôi cả rồi: tối qua chúng tôi đã nhận được điện. Ngài hãy cho anh em trở về và chờ lệnh. Nhưng các ngài phải lắc cho bọn Cô- dắc động lên mới được! Một thôn lớn như thế mà chỉ phái đi có bốn chục chiến binh à? Những cái thằng khốn nạn ấy, ngài cứ xạc cho chúng nó một trận cẩn thận? Phải biết rằng đây chính là chuyện sống còn của chúng nó? Chúc ngài khoẻ mạnh, mọi sự tốt lành!
Hắn quay vào trong nhà, đế đôi ủng ngắn hạng thường đập lộp cộp cái thân hình vạm vỡ của hắn di động nhẹ nhàng một cách rất bất ngờ. Petro trở về chỗ bọn Cô- dắc đang chờ trên quảng trường.
Mọi người nhao nhao hỏi hắn:
- Thế nào hử?
- Ở đằng ấy tình hình như thế nào?
- Chúng ta đi Migulin chứ?
Petro không giấu vẻ vui mừng, hắn cười mát trả lời:
- Đánh nước mã hồi thôi! Không có bọn mình đâu cũng đã vào đó cả rồi!
Bọn Cô- dắc mỉm cười lốc nhốc kéo nhau về chỗ buộc ngựa bên hàng rào. Khristonhia thậm chí thở dài như vừa trút được gánh nặng trên vai. Hắn vỗ vai Tomilin và nói:
- Thế là được về nhà rồi, cậu pháo thủ ạ!
- Lúc nầy bọn đàn bà ở nhà đã bắt đầu nhớ anh em mình rồi đấy!
- Chúng ta lên đường ngay thôi.
Mọi người bàn qua loa với nhau rồi quyết định không ở lại nghỉ đêm mà lên ngựa về ngay. Thế là họ quân hồi vô phèng, kéo nhau từng đám ra khỏi trấn. Lúc ở nhà lên Karginskaia, họ còn có thái độ miễn cưỡng, ít khi chịu cho ngựa chạy nước kiệu. Nhưng trên đường về họ đã thúc ngựa bạt mạng, cho chạy chết thôi. Thỉnh thoảng lại phi nước đại một chặng. Mặt đất rắn lại vì không có mưa rên siết dưới vó ngựa. Sau những đường sống gò đằng xa, một ánh chớp xanh lè loé lên ở một chỗ nào đó bên kia sông Đông.
Mọi người về tới thôn lúc nửa đêm. Trong khi cho ngựa chạy trên dốc xuống, Anikey giương khẩu súng áo của hắn nã một phát, một loạt đạn nổ ra như sấm báo tin anh em đã trở về. Để trả lời, những con chó trong thôn sủa lên oăng oẳng, một con ngựa không biết của anh chàng nào, đánh hơi thấy đã gần về tới nhà, run bắn lên hí một tràng dài. Mọi người tản ra mỗi người một ngả vào trong thôn.
- Chuyện đánh đấm thế là xong rồi! May đến là may!
Petro mỉm cười trong bóng tối, cho ngựa chạy về sân nhà.
Ông Panteley Prokofievich ra tiếp lấy con ngựa. Ông tháo yên cho nó rồi dắt vào tầu ngựa. Hai bố con cùng đi vào trong nhà.
- Thôi không đi đánh nữa à?
- Vâng.
- Chà, ơn Chúa! Chỉ mong sao suốt đời không phải nghe nói tới những chuyện ấy nữa.
Daria đang ngủ mê mệt cũng trở dậy. Ả ra dọn bữa tối cho chồng ăn. Grigori ở nhà trong bước ra, quần áo phong phanh. Chàng vừa gãi gãi bộ ngực đầy lông đen, vừa nheo mắt một cách châm biếm vừa hỏi anh:
- Quân ta đại thắng chứ?
- Tao đang tiêu diệt nốt cái món súp củ cải còn lại đây.
- Không lo, nó chẳng đi đâu mà sợ. Gì chứ món súp nầy thì nhất định chúng ta sẽ trị được nó, nhất là khi có tôi xông tới chi viện.
Cho tới lễ Phục sinh vẫn chẳng thấy ai đả động gì đến chuyện chiến tranh. Nhưng hôm thứ bảy tuần thánh có một tên sĩ quan đặc phái từ Vosenskaia phi ngựa lới thôn. Hắn quẳng con ngựa mồ hôi đầm đìa ở cổng nhà Korsunov, chạy lên thềm, gươm đập lách cách vào ngưỡng cửa.
- Có tin tức gì thế! - Miron Grigorievich chạy ra đón hắn ở ngưỡng cửa - Tôi cần gặp ông ataman. Có phải ông không?
- Tôi đây.
- Ông cho anh em Cô- dắc sửa soạn vũ trang ngay. Pochenkov đang dẫn bọn Xích vệ tiến qua làng Nagolinskaia. Mệnh lệnh đây. - Hắn lật lần lót mũ đẫm mồ hôi, lấy ra một chiếc phong bì đựng công văn.
Cụ Grisaka cũng đeo kính ra tiếp chuyện. Mitka từ sân gia súc chạy vào. Mọi người cùng đọc bản mệnh lệnh của tên ataman quân khu. Tên sĩ quan đặc phái dựa vào dãy lan can chạm trổ, đưa tay áo lên chùi những đám bụi trên khuôn mặt dãi dầu nắng gió.
Ngày thứ nhất lễ Phục sinh, sau khi ăn bữa chấm dứt tuần chay, bọn Cô- dắc bắt đầu rời khỏi thôn lên đường. Mệnh lệnh của tên tướng Alferov rất nghiêm. Hắn doạ ai không đi sẽ bị tước danh hiệu Cô- dắc, vì thế trong trận đi đánh Pochenkov, không chỉ có bốn mươi người như lần đầu mà có một trăm tám mươi. Trong số đó có cả những tên bô lão muốn được dịp ra tay cho quân Đỏ một trận.
Lão Matvey Kasulin có cái mũi bị khí trời quá lạnh làm hỏng cũng lên ngựa ra đi cùng với thằng con. Lão Apdeit "Vua nói phét" nghênh ngáo trên hàng đầu với con ngựa cái hạng bét. Suốt chặng đường, lão đã mua vui cho bọn Cô- dắc bằng những câu chuyện bịa quái đản nhất. Lão Macxaev cùng vài lão già râu tóc bạc phơ khác cũng tham gia. Bọn trẻ ra đi một cách miễn cưỡng, nhưng mấy lão già lại rất hăng hái.
Grigori Melekhov cưỡi ngựa đi hàng cuối, mũ áo mưa trùm bên ngoài mũ cát- két. Mưa rơi đều đều như được rây từ trên bầu trời u ám xuống đất. Những đám mây đen trôi trên cánh đồng xanh rờn.
Một con đại bàng bay chập chờn rất cao, ngay bên dưới những đám mây. Nó vươn rộng đôi cánh, thỉnh thoảng mới vỗ vỗ vài cái, rồi khi bị một luồng gió cuốn đi, nó nghiêng nghiêng mình, tạt dần về hướng đông mỗi lúc một xa, mỗi lúc một nhỏ, bộ lông nâu nâu ánh lên bệch bệch.
Khắp đồng cỏ tràn ngập một màu xanh ướt át. Chỉ vài chỗ nổi bật lên những đám ngải cứu năm ngoái, những bụi hoàng thử lang đỏ tía, và trên ngọn gò thấy xám xám vài nấm kurgan xưa kia dùng làm địa điểm canh gác.
Trong khi đi theo đoạn đường dốc xuống Karginskaia, đoàn Cô- dắc gặp một thằng bé đánh bò đi ăn rong. Nó vung cái roi, hai bàn chân không giầy vừa đi vừa tượt. Nhìn thấy đoàn người ngựa, nó đứng lại chăm chú nhìn những người cưỡi ngựa và những con ngựa buộc đuôi bùn lấm bê bết.
- Em người đâu ta? - Ivan Tomilin hỏi nó.
- Kargin - Thằng bé mỉm cười dưới cái áo trùm đầu, trả lời rất lanh lợi.
- Các chú các bác Cô- dắc chỗ em đã ra đi chưa?
- Ra đi rồi. Đi đánh đuổi bọn Xích vệ rồi. Thế các bác có thuốc lá cho cháu cuốn một điếu không? Bác có không bác?
- Cháu xin thuốc lá à? - Grigori ghìm ngựa lại hỏi.
Thằng bé Cô- dắc bước tới gần chàng. Cái quần đi ngựa của nó xắn lên, ướt đẫm, nẹp quần đỏ loé. Grigori thọc tay vào túi lấy túi thuốc. Nó mạnh dạn nhìn vào mắt chàng và nói bằng một giọng nam cao rất lưu loát:
- Các bác cứ xuống dốc là thấy ngay những người bị giết đấy. Hôm qua bọn tù binh đỏ bị giải đi Vosenskaia, các bác Cô- dắc chỗ cháu đã giết sạch… Bác ạ, lúc ấy cháu đang chăn bò gần kurgan Pextranyi. Cháu đứng ở đấy, bọn tù binh bị chém như thế nào, cháu nhìn thấy rõ cả. Chao ôi, sợ chết khiếp được! Các bác ấy vừa vung gươm lên là họ gào rú, họ chạy tán loạn… Sau đó cháu có lại xem… Một người bị chém sả vai vẫn còn thở lấy thở để, quả tim đầm đìa những máu ở giữa ngực vẫn còn đập, cái gan thì xanh lè lè… Thật là khủng khiếp? - Nó nhắc lại và rất lấy làm lạ vì mấy người Cô- dắc nghe câu chuyện nó kể chẳng có vẻ khiếp sợ gì cả, hay ít nhất nó cũng kết luận như thế khi nhìn ba khuôn mặt gan lì và lạnh nhạt của Grigori, Khristonhia và Tomilin.
Nó hút một hơi, rồi vuốt cái cổ ướt đẫm của con ngựa Grigori, nói: "Cám ơn bác!" và chạy về với mấy con bò.
Bên cạnh đường, xác của các chiến sĩ Xích vệ bị chém chết nằm ngổn ngang trên một bờ dốc không sâu lắm được nước mưa xuân rửa sạch, bên trên chỉ được phủ bằng một lớp đất mỏng. Còn có thể nhìn thấy một bộ mặt xanh sẫm như đúc bằng thiếc, với cặp môi đầy máu đọng. Một cái chân thòi lên đen sì trong cái ống quần bông màu lam.
- Chúng nó tởm lợm không muốn dọn dẹp chôn cất… Lũ khốn kiếp! Khristonhia lầu bầu, giọng âm thầm rồi bất thình lình hắn quất một roi cho con ngựa chạy xuống dốc, đuổi theo Grigori.
- Thôi thế là ngay trên vùng đất sông Đông đã được thấy đổ máu rồi - Tomilin mỉm cười, một bên má giật giật.
--- ------ ------ ------ -------
1 "Hội liên hiệp nhân dân Nga" - một tổ chức bảo hoàng tàn bạo của nước Nga thời Nga hoàng, cổ động bài Do thái, tổ chức những vụ giết hại dân Do- thái, ám sát các đối thủ chính trị của chúng, được Chính phủ Nga hoàng trợ cấp những món tiền rất lớn (Chú thích của bản tiếng Nga).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT