Tên thượng uý Itvarin đã bỏ chạy khỏi trung đoàn trước khi ở Kamenskaia họp đại hội đại biểu các binh sĩ Cô- dắc ở mặt trận về.

Hôm trước khi chuồn khỏi đơn vị, hắn có đến gặp Grigori, đánh tiếng về việc mình sắp bỏ đi.

- Tình thế đã chuyển biến đến bước như thế nầy thì khó mà ở lại phục vụ trong trung đoàn được nữa. Anh em Cô- dắc cứ lúng túng ngả nghiêng giữa hai cực đoan: bọn Bolsevich và chế độ quân chủ trước kia. Còn Chính phủ Kaledin thì chẳng ai muốn ủng hộ, thậm chí một phần vì lão cứ khư khư bám lấy cái thái độ trung dung trước đội quân của lão như giữ mả tổ 1. Nhưng chúng ta lại đang cần có một nhân vật cứng rắn, có ý chí kiên cường, có biện pháp đặt bọn ngụ cư vào đúng cương vị của chúng nó… Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng trong lúc nầy tốt nhất vẫn là ủng hộ Kaledin để khỏi hoàn toàn sôi hỏng bỏng không. - Hắn nín lặng một lát, châm thuốc hút rồi hỏi - Anh… có lẽ đã theo cái đạo của bọn Đỏ rồi phải không?

- Cũng gần như thế. - Grigori thú nhận.

- Anh thực tâm theo chúng nó hay lại muốn kiếm chác chút uy tín trong bọn Cô- dắc như thằng Golubov?

- Tôi thì chẳng cần uy tín uy tiếc làm gì. Chỉ muốn tìm một lối thoát cho mình thôi.

- Anh đã húc đầu vào tường, chứ không phải đã tìm ra lối thoát đâu - Chúng ta hãy chờ xem…

- Grigori ạ, tôi chỉ sợ lần sau chúng ta sẽ gặp nhau như hai kẻ thù.

- Anh Efilm Itvarin ạ, trên chiến trường người ta không nhận được ra bạn bè nữa đâu. - Grigori mỉm cười.

Itvarin ngồi lại một lát rồi ra về, và sáng hôm sau hắn mất hút như hòn đá dưới đáy sông.

Hôm họp đại hội, có một gã Cô- dắc trung đoàn Atamansky người thôn Lebirgi trấn Vesenskaia đến chỗ Grigori ở. Grigori đang lau và bôi mỡ khẩu Nagan. Gã ngồi chơi một lát rồi mãi đến khi sắp ra về mới nói như nhân lúc vui chuyện, nhưng thật ra gã đến tìm chàng chỉ vì việc nầy (gã vốn biết rằng tên Litnhitki trước kia là sĩ quan trung đoàn Atamansky đã cướp vợ của Grigori, vì thế sau khi ngẫu nhiên gặp Litnhitki ngoài ga, gã đã đến báo cho chàng biết).

- Anh Grigori Panteleevich ạ, hôm nay tôi có gặp thằng bạn quý của anh ở ga đấy.

- Thằng nàỏ thế?

- Thằng Evgeni Litnhitki ấy mà. Anh có biết nó không?

- Gặp lúc nào thế? - Grigori vội hỏi ngay.

- Trước đây một tiếng.

Grigori ngồi phịch xuống. Mối căm hờn âm ỉ từ ngày xửa ngày xưa bỗng cắn ngập răng vào tim chàng như con chó ngao chuyên dùng để săn sói. Chàng không còn cảm thấy mối hận thù đối với kẻ tình địch sục sôi như xưa nữa. Nhưng chàng biết rằng nếu mình trạm trán với hắn trong hoàn cảnh nội chiến vừa bùng nổ thì giữa hai người phải có đổ máu. Bất ngờ nghe nhắc tới Evgeni, Grigori bỗng nhận thấy rằng vết thương cũ của mình chưa được thời gian chữa lành hẳn: chỉ một lời sơ ý nhắc tới là nó lại rỉ máu ngay. Có lẽ Grigori sẽ khoái trá trả thù cho mình về chuyện xưa kia, trả thù vì chính do tội của cái thằng đáng nguyền rủa nầy mà cuộc đời chàng mất hết màu sắc và thay cho niềm hân hoan tràn trề, hừng hực sức sống xưa kia, chỉ còn lại một nỗi đau khổ lạnh giá, nhức nhối, một cái gì ảm đạm và bạc màu.

Grigori nín lặng một lát, và sau khi cảm thấy mặt mình vừa rực lên một chút đã trở lại bình thường, chàng mới hỏi:

- Nó đến đây à, cậu có biết rõ không?

- Chưa chắc chắn thế. Có lẽ nó đi Novocherkask.

- À à à…

Gã Cô- dắc trung đoàn Atamansky nói thêm vài câu về đại hội, về những tin trong trung đoàn rồi ra về. Sau đó mấy ngày liền, Grigori cố gắng thế nào cũng không dập tắt được nỗi đau khổ âm ỉ trong lòng. Chàng lang thang như một thằng say rượu, miệng đắng như ngậm bồ hòn, lòng tê tái và rắn lại như đá, những hồi ức về Acxinhia càng ám ảnh chàng nhiều hơn hẳn ngày thường. Chàng cũng nghĩ tới Natalia, tới hai đứa con, nhưng niềm vui đã quá xa xưa, đã bị thời gian gặm nhấm nham nhở mất rồi. Trái tim chàng vẫn hướng về Acxinhia, vẫn bị nàng hấp dẫn một cách ghê gớm, vẫn không sao cưỡng lại được.

Hôm Chernechev đánh tới, các lực lượng ở Kamenskaia đã phải cấp tốc rút đi. Các chi đội thiếu tập trung của Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông, các đại đội Cô- dắc đã tan nát đến một nửa, tất cả đều được đưa nháo nhào lên xe lửa, hoặc bỏ chạy bằng ngựa hay bằng chân trên đường, bao nhiêu đồ nặng không tiện mang theo đều vứt hết. Người ta cảm thấy ảnh hưởng của tình trạng thiếu tổ chức, và thiếu một bàn tay cứng rắn có khả năng thâu tóm và sắp xếp sử dụng toàn bộ số lực lượng thật ra khá lớn nầy.

Những ngày gần đây, trong số các cán bộ chỉ huy được bầu ra, không hiểu từ đâu ngoi lên trung tá Golubov, Golubov đã lên nắm quyền chỉ huy trung đoàn Cô- dắc 27 là đơn vị có sức chiến đấu mạnh nhất và lập tức sắp xếp mọi việc với bàn tay sắt. Binh sĩ Cô- dắc nhìn thấy ở Golubov điều mà trung đoàn đang thiếu là khả năng tổ chức lại một cách chặt chẽ các thành phần, phân phối nhiệm vụ, điều khiển công việc. Golubov là một sĩ quan phục phịch, má phính, mắt nhìn trâng tráo. Anh ta đứng trên sân ga, tay vung gươm, miệng quát những gã Cô- dắc chậm chất các đồ lên tàu:

- Chúng mày làm sao thế nầy? Chơi ú tim với nhau đấy à? Mẹ chúng mày ra! Khiêng lên ngay? Nhân danh cách mạng tao ra lệnh phải lập tức phục tùng! Cái gì hử? Thằng mị dân nầy là đứa nào thế hử? Tao sẽ bắn chết mày, đồ khốn kiếp! Câm ngay cái mồm! Tao không là đồng chí của những thằng phá hoại và ngấm ngầm phản cách mạng đâu!

Thế là anh em Cô- dắc đều cúi đầu phục tùng. Theo lề thói cũ thậm chí còn có nhiều người thích như thế người ta còn chưa kịp rũ bỏ các tập quán cũ. Xưa kia đối với binh sĩ Cô- dắc thì một chỉ huy càng "hắc" càng tốt. Đối với những con người như Golubov, họ thường nói: "Phạm tội thì lão lột da ra, nhưng lão lại biết lo cho anh em".

Các đơn vị thuộc Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông ào ào rút đi và kéo đến tràn ngập thị trấn Glubokaia. Trên thực tế, quyền chỉ huy tất cả các lực lượng đều do Golubov nắm hết. Trong không tới hai ngày. Golubov đã tập hợp lại được các đơn vị bị tan rã, áp dụng một số biện pháp thích hợp để củng cố việc phòng thủ Glubokaia.

Theo yêu cầu khẩn khoản của Golubov, Grigori được chỉ huy một tiểu đoàn gồm hai đại đội của Trung đoàn dự bị số 2 và một đại đội của trung đoàn Atamansky.

Ngày hai mươi tháng Giêng, lúc trời hoàng hôn, Grigori ra khỏi nơi anh ở để kiểm tra các vọng tiêu mà đại đội của trung đoàn Atamansky đặt bên kia đường sắt. Chàng vừa ra khỏi cửa thì gặp Pochenkov.

- Anh đấy à, Melekhov?

- Phải, tôi đây.

- Anh đi đâu thế?

- Đi kiểm tra các vọng gác. Anh ở Novocherkask về đã lâu chưa? Kết quả ra sao?

Pochenkov cau mày:

- Với những kẻ thù không đội trời chung của nhân dân thì không có chuyện chạm trán với chúng nó một cách hoà bình đâu. Anh đã thấy chúng nó diễn một tiết mục như thế nào chưa? Đang đàm phán thì chúng nó phái thằng Chernechev đến cắn mình. Kaledin là một thằng bẩn thỉu như thế đấy! Nhưng tôi không có thì giờ, còn vội tới bộ tư lệnh đây.

Pochenkov chia tay qua quít với Grigori rồi bước những bước rất dài về phía trung tâm thành phố.

Ngay trước khi được bầu làm chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng, Pochenkov đã thay đổi khá nhiều trong thái độ đối với Grigori cũng như anh em Cô- dắc quen biết khác, giọng nói đã rõ ràng có vẻ kẻ cả và đôi phần kiêu ngạo. Như hơi men, quyền hành đã làm choáng váng đầu óc anh chàng Cô- dắc bản chất giản dị nầy.

Grigori bẻ cao cổ áo ca- pôt đi rảo bước hơn. Đêm nay hứa hẹn sẽ rét cóng. Một làn gió hiu hiu thổi tới từ xứ Kirgizia. Bầu trời đã trong sáng hơn. Nước đã đóng băng khá nhiều. Tuyết kêu, lạo xạo dưới chân. Mặt trăng từ từ nghiêng mình lên cao dần như một người tàn tật lên thang gác. Đằng sau những ngôi nhà, hơi khói xanh lơ tím ngắt của buổi chiều tà bốc lên ngùn ngụt trên đồng cỏ. Đang là lúc đêm sắp xuống, lúc mọi hình thù, đường nét, màu sắc, khoảng cách đều nhoà đi, lúc ánh sáng ban ngày còn đan quyện, còn bíu chặt lấy màn đêm, vì thế muôn vật đều có vẻ hư ảo, uyển chuyển, co dãn như trong thần thoại. Trong giờ phút nầy, ngay các mùi vị cũng mất tính chất rành rọt, cũng chỉ còn phảng phất một cách rất là đặc biệt.

Kiểm tra xong vọng gác, Grigori trở về chỗ chàng ở trọ. Chủ nhà là một nhân viên đường sắt, mặt rỗ nhằng nhịt, nom rất gian giảo. Hắn nhóm lửa trong samova rồi ngồi vào bàn.

- Các ông sẽ tấn công chứ?

- Còn chưa biết.

- Hay là các ông chờ chúng nó kéo đến.

- Có lẽ thế.

- Như thế mới thật là đúng. Xem ra các ông cũng chẳng có đâu lực lượng mà tấn công. Trong trường hợp nầy, dĩ nhiên tốt nhất là chờ họ đến. Phòng ngự thì lợi hơn. Trong chiến tranh với quân Đức chính tôi đã làm công binh nên được hiểu cặn kẽ về chiến lược chiến thuật… Binh lực có phần quá ít phải không?

- Cũng đủ. - Grigori đánh lảng không muốn nói tiếp câu chuyện đang làm chàng khó chịu.

Nhưng người chủ quán cứ lượn đi lượn lại quanh cái bàn, vừa luồn tay vào trong cái áo gi- lê bằng nỉ để gãi cái bụng lép như bụng con cá dầy, vừa lải nhải dò hỏi một cách rất đáng ghét.

- Pháo binh có nhiều không? Có pháo không, có pháo không?

- Anh đi lính rồi mà không biết luật nhà binh hay sao? - Grigori đã điên tiết lắm rồi nhưng giọng chàng nói vẫn lạnh như tiền. Chàng trợn tròn hai con mắt làm tên chủ nhà ngật người sang bên như sằp bất tỉnh - Anh đã đi lính mà không biết hay sao? Anh có quyền gì mà dò hỏi tôi về quân số bộ đội của chúng tôi và kế hoạch của chúng tôi? Tôi sẽ lôi cổ anh đi hỏi cung…

- Ngài… ngài sĩ quan… quý… quý mến! - Tên chủ nhà tái mặt, tắc họng nói lắp bắp, những nốt rỗ trên mặt hắn xạm lại, miệng hắn há không ra há, mím không ra mím. - Tôi ngu… ngu dại quá! Ngài tha tội cho?

Trong lúc uống trà, Grigori ngẫu nhiên ngước mắt nhìn tên chủ nhà, thấy mắt hắn chớp chớp rất nhanh như ánh điện, nhưng dến khi hắn hạ hai hàng mi xuống thì vẻ mặt hắn biến đổi hẳn, trở nên âu yếm thân thiết, thậm chí gần như cung kính tôn sùng. Gia đình hắn có một mụ vợ và hai đứa con gái đã lớn tuổi, cả ba cứ thì thầm rỉ tai nhau. Grigori chưa uống hết tách trà thứ hai đã bỏ về phòng của chàng.

Chẳng mấy chốc có sáu gã Cô- dắc không biết ở đâu mò về. Tất cả đều thuộc đại đội bốn trung đoàn dự bị số hai và ở cùng nhà với Grigori. Họ sì sụp uống nước trà, chuyện trò cười nói ầm ĩ. Grigori đã thiu thiu, nên chỉ nghe được những đoạn rời rạc trong câu chuyện họ nói với nhau. Một gã kể chuyện (Grigori nghe giọng nói nhận ra trung đội trưởng Barmachev, một anh chàng người trấn Luganskaia), mấy gã kia chốc chốc cũng chõ vào góp một ý kiến nhận xét.

- Mình đã chính mắt chứng kiến chuyện nầy đấy. Có ba anh chàng thợ mỏ khu Gorlovsky, mỏ số mười một, đến đây nói rằng ở chỗ chúng tôi đã tổ chức một đội vũ trang, nhưng đang thiếu vũ khí ghê lắm, xin các đồng chí chia được bao nhiêu thì cho chúng tôi bấy nhiêu. Còn ông uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng nhà ta thì chính tai mình nghe thấy ông ấy giật giọng trả lời một ý kiến của một anh chàng nào đó mà mình nghe không rõ lắm. Ông ấy bảo: "Các đồng chí ạ, các đồng chí đến chỗ Sablin mà xin, ở chỗ chúng tôi chẳng có gì đâu". Sao lại chẳng có gì đâu? Mình thì biết rõ là súng ống hiện nay có thừa. Vấn dề không phải ở chỗ đó… Họ thấy bọn mu- gích nhúng tay vào nên đâm ra đố kỵ đấy thôi.

- Nhưng làm như thế là đúng đấy! - Một gã khác nói. - Trang bị cho chúng nó rồi cũng chẳng biết chúng nó có chiến đấu hay không. Nhưng hễ động đến chuyện ruộng đất là thế nào chúng nó cũng chìa tay ra.

- Cái hạng người ấy chúng ta đã biết chán rồi? Một gã thứ ba nói ồm ồm.

Barmachev trầm ngâm gõ chiếc cùi dìa uống trà lên cái cốc rồi nói rành rọt từng tiếng theo nhịp gõ.

- Không, giải quyết công việc như thế không được đâu. Người Bolsevich đang vì lợi ích của toàn thể nhân dân mà có những nhượng bộ, còn chúng ta thì chỉ là những thằng Bolsevich hạng bét. Lăm lăm chờ lật đổ được Kaledin là đi lấn ép người khác…

- Nhưng ông anh thân mến ơi! - Một giọng vỡ tiếng của một gã nào không biết, nghe như cái giọng trầm của một thằng thiếu niên, kêu lên cố thuyết phục - Anh phải nhớ rằng chúng mình cũng chẳng có gì mà cho! Phần đất tốt thì mỗi nhân khẩu chỉ được một đê- xi- a- chin rưỡi. Ngoài ra toàn một loại đất sét, đất khe núi, đất chăn nuôi chung. Thế thì lấy gì mà cho đi bây giờ?

- Người ta có lấy của cậu đâu mà sợ, còn có những kẻ thừa mứa ruộng đất ra đấy.

- Thế còn đất của Quân khu?

- Thôi tôi van các cậu! Mình có gì đem cho đi cả rồi chính mình lại ngửa tay xin à? Đầu óc cậu suy với nghĩ gì mà lạ?

- Đất Quân khu thì chính chúng mình cũng phải dùng đến chứ.

- Nói thế là đúng đấy.

- Cậu đã bị lú lấp vì cái thói tham lam rồi!

- Chuyện nầy thì có gì mà tham lam?

- Có lẽ cũng phải cho bà con Cô- dắc chúng ta ở các vùng trên xuống đây ở mới được. Chúng mình cũng biết rằng đất của họ toàn một thứ cát vàng.

- Đúng như thế đấy?

- Đâu đến phần chúng ta phải lo việc triều đình.

- Câu chuyện nầy không có vodka thì không lần được ra ngành ngọn đâu.

- Nầy các cậu ạ! Hôm nọ chúng nó phi vỡ một kho rượu. Có thằng cha bị sặc rồi chết đuối trong thùng rượu đấy.

- Bây giờ mà có cho mình tuý luý một mẻ nhỉ. Phải uống cho đến thấm qua sườn mới được.

Grigori nửa tỉnh nửa mê còn nghe thấy mấy gã Cô- dắc dọn chỗ ngủ trên sân, ngáp vắn ngáp dài, gãy sồn sột rồi lại bàn ra tán vào về chuyện chia lại ruộng đất.

Trời sắp rạng thì bên ngoài cửa sổ có tiếng súng nổ đánh "pằng".

Mấy anh chàng Cô- dắc nhảy chồm cả dậy. Grigori chui đầu vào cái áo quân phục, lồng mãi chẳng thấy tay áo đâu. Chàng vơ nhanh chiếc áo ca- pôt, vừa chảy vừa đi giầy. Bên ngoài cửa sổ, súng đã nổ loạn như pháo ran. Một chiếc xe tải chạy long xồng xộc. Ngay gần cửa ra vào có người hốt hoảng kêu như cháy đồi.

- Cầm lấy súng! Cầm lấy súng!

Những đội hình tản khai của quân Chernechev đang đẩy lui các vọng tiêu, đột nhập vào Glubokaia. Trững tên cưỡi ngựa loáng thoáng qua bóng tối xám xịt mung lung sương khói. Bọn lính bộ binh chạy, ủng dẫm rầm rập. Một khẩu súng máy nặng đã được đặt ở chỗ ngã tư. Chừng ba chục binh sĩ Cô- dắc nối đuôi nhau chạy qua phố. Một tốp khác vượt qua một cái ngõ. Vang lên những tiếng quy- lát lách cách lên đạn. Trong căn phố cạnh đấy, một giọng ra lệnh vẳng tới, oang oang, rành rọt:

- Đại đội ba, nhanh lên! Ai làm rối hàng ngũ thế kia? Nghiêm!

Các xạ thủ súng máy, sang cánh bên phải! Sẵn sàng chưa? Đại đội.

Một trung đội pháo ầm ầm chạy qua, ngựa phi nước đại. Bọn coi ngựa vung roi vun vút… Các hòm đạn kêu lạch xạch, tiếng giá súng lóc cóc hoà lẫn với tiếng đạn nổ rền ở ngoại ô. Ngay lúc đó, ở một chỗ gần đấy có mấy khẩu súng máy nặng khạc lửa ầm ầm. Ở góc phố bên cạnh, một chiếc xe nhà bếp dã chiến không biết định chạy đi đâu mà lớ ngớ húc ngay vào cái cọc buộc ngựa trồng bên dãy hàng rào rồi đổ kềnh.

- Đồ quỉ dữ, mắt mù à? Mắt mũi để đâu thế? Đâm đầu đi đâu thế nầy? - Không biết là từ chỗ nào có tiếng người hết hồn hết vía gầm lên tức tối.

Grigori phải mất không biết bao nhiêu hơi sức mới tập hợp được một đại đội rồi cho chạy nước kiệu ra ngoài lề thôn. Bọn Cô- dắc ngoài đó đang lốc nhốc rút lui.

- Chạy đi đâu hử? - Grigori nắm lấy khẩu súng trường của gã chạy đầu.

- Buông ra! - Gã Cô- dắc cố giằng ra - Buông ra, đồ chết tiệt! Làm gì mà nắm lấy người ta như thế hử? Không thấy là đang rút lui! Quân địch mạnh quá!

- Chạy đến vãi cứt…

- Chúng mình chạy đi đâu bây giờ? Chạy đâu thế? Đến Mileskaia à? - Có tiếng người hổn hển hỏi to.

Grigori cố dàn đại đội của anh thành đội hình tản khai ở ngoại ô, cạnh một căn nhà kho dài, nhưng lại bị một toán bỏ chạy khác cuốn đi Bọn Cô- dắc trong đại đội của Grigori lẫn ngay vào đám người đang tháo chạy, rút trở lại, trở về các phố.

- Đứng lại? Không được chạy… Tao bắn cho bây giờ! - Grigori gầm lên, chàng điên tiết run bắn cả người.

Chẳng còn ai tuân lệnh Grigori nữa. Một luồng hoả lực súng máy nặng bắn lùa theo dãy phố. Bọn Cô- dắc vội nằm rạp xuống đất, lốc nhốc từng đống. Họ bò vào sát tường rồi chạy lao vào các phố ngang.

- Bây giờ thì đừng hòng nắm được quân nữa, Melekhov ạ! - Gã trung đội trưởng Barmachev chạy qua trước mặt Grigori, nhìn vào mắt chàng kêu lên.

Grigori vung khẩu súng trường, nghiến răng chạy theo.

Tâm trạng hoang mang xâm chiếm các đơn vị đã kết thúc bằng một cuộc tháo chạy khỏi Glubokaia, chẳng còn hàng ngũ gì nữa. Họ rút lui, bỏ lại hầu như toàn bộ vật liệu dụng cụ của chi đội. Mãi đến khi trời rạng mới tập hợp được vài đại đội để điều ra phản công.

Golubov mặc chiếc áo da mở phanh chạy theo các đội hình tản khai của trung đoàn 27 của anh, mặt đỏ như gấc, mồ hôi đầm đìa, giọng hô sôi nổi, lanh lảnh như tiếng kim khí:

- Chạy nhanh lên! Không nằm xuống nữa! Tiến, tiến!

Đại đội pháo 14 đã chiếm lĩnh trận địa, các khẩu pháo đã tháo khỏi xe. Người sĩ quan chỉ huy đại đội trên một hòm đạn, dùng ống nhòm quan sát.

Cuộc chiến đấu mở màn lúc sáu giờ sáng. Những đội hình tản khai hỗn hợp vừa lính Cô- dắc, vừa các chiến sĩ Xích vệ của chi đội Petrop ở Voronez xông lên dày đặc, dãy hình người đen đen hiện lên trên nền tuyết nom như một đường viền đăng ten.

Một làn gió lạnh thổi tới từ phía mặt trời mọc. Dưới đám mây được gió thổi sạch bong, đường chân trời rực lên đỏ như máu trong ánh bình minh.

Grigori cắt nửa đại đội của trung đoàn Atamansky tới yểm hộ cho đại đội pháo 14 rồi lôi số còn lại lên tấn công.

Phát đạn pháo đầu tiên rơi rất xa trước đội hình tản khai của quân Chernechev. Khói nổ bốc vút lên nom như là cờ vàng vàng xanh xanh rách như xơ mướp. Phát thứ hai ròn rã dội lên tiếp theo. Từng khẩu đội tự điều chỉnh xạ kích.

Viu viu viu… Những phát đạn bay đi xa dần.

Sau một giây chết lặng căng thẳng mà những loạt súng trường chỉ càng nhấn mạnh thêm, từ xa vẳng tới một tiếng nổ rất vang. Những phát đạn pháo đầu tiên còn bắn quá xa, nhưng sau đã dần dần trúng vào gần các đội hình tản khai của địch. Gió thổi mạnh làm mặt Grigori cau lại, chàng cảm thấy sung sướng, bụng bảo dạ: "Mò đúng được chúng mầy rồi nhé! "

Các đại đội của trung đoàn 44 tiến ở gần sườn bên phải. Golubov đưa trung đoàn của anh tiến lên ở giữa đội hình. Grigori ở bên trái Golubov. Sau Grigori, các đại đội Xích vệ chiếm nốt phần cuối của sườn bên trái. Ba khẩu súng máy được ghép vào các đại đội của Grigori. Người đội trưởng Xích vệ là một anh chàng nhỏ bé, mặt mũi âm thầm, có hai bàn tay rất to đầy lông lá. Anh ta tiến hành xạ kích rất khéo, làm tê liệt được các đợt tấn công vu hồi của địch. Anh ta luôn luôn có mặt bên cạnh một khẩu súng máy tiến trong đội hình tản khai của đại đội Atamansky. Ở bên cạnh anh có một nữ chiến sĩ Xích vệ mặc áo ca- pôt, người béo lẳn. Trong khi đi dọc theo đội hình chiến đấu, Grigori bỗng bực tức nghĩ thầm: "Đồ liếm váy! Tiến trên tuyến lửa mà cũng chẳng xa được đàn bà. Với những thằng như thế nầy thì đánh chác cái gì! Sao không mang theo cả con cái, chăn gối và nồi niêu xoong chảo luôn thể?". Người đội trưởng súng máy đi tới trước mặt Grigori, sửa lại cái dây đeo khẩu Nagan trên ngực?

- Đồng chí chỉ huy chi đội nầy à?

- Vâng, tôi đây.

- Tôi sẽ bắn chặn trong khu vực nửa đại đội Atamansky nầy. Đồng chí thấy không, chúng nó không để cho ta tiến nữa.

- Đồng chí trị chúng nó đi, - Grigori đồng ý rồi quay ngoắt lại vì ở chỗ khẩu súng máy từ nãy lắng bặt bỗng có tiếng kêu.

Một xạ thủ súng máy lực lưỡng, râu ria xồm xoàm, kêu to giọng hung dữ:

- Buntruc! Súng máy nóng chảy rồi! Sao lại có thể như thế nầy được?

Người đàn bà mặc áo ca- pôt quì ngay bên cạnh anh ta. Hai con mắt đen láy của chị sáng bừng dưới chiếc khăn len xồm làm Grigori vụt nhớ tới Acxinhia. Chàng nín thở trong một giây, đăm đăm nhìn chị không chớp bằng cặp mắt âu sầu.

Đến giữa trưa, có một liên lạc ở chỗ Golubov phi ngựa đến gặp Grigori với một mẩu giấy. Trên tờ giấy xé nham nhở trong quyển sổ dã chiến thấy viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ:

"Nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông, tôi ra lệnh cho đồng chí đem hai đại đội đã trao cho đồng chí chỉ huy rút khỏi trận địa theo tốc độ hành quân cấp tốc, luồn ra bao vây sườn bên phải của địch. Hướng di chuyển là khu vực ở đây có thể nhìn thấy, hơi bên trái cái cối xay gió, trong lòng khe… Phải vận động thật bí mật (đến đây có vài chữ đọc không rõ)… Đồng chí sẽ đánh vào sườn địch ngay khi chúíng tôi chuyển sang đợt tấn công quyết định.

Golubov"

Grỉgôri rút hai đại đội, cho lên ngựa, vận động về phía sau, cố giữ cho địch khỏi nhận ra hướng tiến của mình.

Con đường du hồi dài hai mươi vec- xta. Những con ngựa vừa chạy vừa thụt chân xuống lớp tuyết rất dày. Cái khe dùng làm đường bao vây cũng đầy tuyết. Đôi chỗ tuyết lên đến bụng ngựa. Grigori lắng nghe những tiếng đạn pháo nổ, chốc chốc lại lo lắng xem chiếc đồng hồ tháo ở tay một tên sĩ quan Đức bị giết ở Rumani, trong lòng thấp thỏm chỉ lo đến muộn. Chàng lấy địa bàn kiểm tra lại hướng tiến, thấy vẫn cứ lệch sang bên trái một chút. Đoàn người ngựa leo theo một khoảng dốc rộng ra khỏi khe núi. Những con ngựa bốc hơi ngùn ngụt, bẹn con nào con nấy ướt đẫm. Grigori ra lệnh xuống ngựa rồi leo trước lên một cái gò. Ngựa được để lại bên dưới cùng với những người lính coi ngựa. Grigori quay đầu nhìn lại thấy sau lưng mình có hơn một đại đội đã xuống ngựa, tản thưa ra trên đoạn sườn khe đầy tuyết, bất giác cảm thấy mình tin tưởng hơn, sung sức hơn. Cũng như mọi người, trong chiến đấu bao giờ Grigori cũng hoàn toàn bị xâm chiếm bởi tinh thần đồng đội. Chàng đưa mắt nhìn qua toàn bộ tình hình, hiểu rằng do thiếu tính tới vấn đề đường khó đi, mình đã đến muộn ít nhất nửa tiếng đồng hồ.

Grigori dùng một chiến thuật vật động táo bạo, đã gần như cắt đứt được đường rút lui của quân Chernechev. Anh rút các bộ phận trắc vệ ra khỏi hai bên sườn để tấn công chính diện vào đám quân địch lúc nãy đã gần như bị vây kín. Các đại đội pháo bắn từng loạt long trời. Súng trường nổ rền như có người lăn những viên đạn chì trên chảo gang. Đạn ghém nổ chùm lên những đội hình chiến đấu đã rối loạn của quân Chernechev. Đạn pháo rơi sin sít.

- Tản kha...ai!

Grigori đem hai đại đội của chàng đánh vào bên sườn địch. Mọi người không nằm xuống nữa, cứ vừa tiến vừa bắn như trong diễn tập.

Nhưng một tên lính tháo vát của Chernekov đã hướng một khẩu "Mác- xim" quét rất dữ vào đội hình tản khai làm anh em Cô- dắc phải ngoan ngoãn nằm xuống ngay, để lại ba người không theo được đội hình nữa.

Đến hơn hai giờ trưa, Grigori bị trúng một viên đạn. Trong cái vỏ bọc bằng kền, hòn chì nóng bỏng thui cháy một chỗ thịt phía trên đầu gối. Grigori cảm thấy một vật nóng rực đập vào mình và cái buồn nôn quen thuộc những khi mất máu. Chàng nghiến răng, bò ra khỏi đội hình chiến đấu, rồi giữa lúc đang hăng chàng nhảy chồm dậy, lắc mạnh đầu, thấy đầu mình cũng bị dập thương vì một viên đạn. Vết thương ở chân, viên đạn không xuyên sang bên kia, vì thế càng làm tình làm tội chàng. Lúc bắn vào Grigori, viên đạn đã gần hết đà, nên chỉ xuyên qua áo ca- pôt, quần cưỡi ngựa và làn da rồi nằm chết dí trong lớp thịt. Chỗ đạn xé thịt nóng rát trở ngại mọi cử động của chàng. Grigori vừa nằm vừa hồi tưởng lại trận tấn công của trung đoàn Mười hai trong vùng núi Transinvani ở Rumani. Lần đó chàng đã bị thương ở tay. Những hình ảnh của trận tấn công ấy hiện lên rành rọt trước mắt chàng: "Tóc trái đào", bộ mặt căm uất đến méo đi của Miska Kosevoi, Emelian Grosev chạy từ trên núi xuống lôi theo viên trung uý bị thương.

Viên sĩ quan Liubiskin Paven, tiểu đoàn phó của Grigori, lên nắm quyền chỉ huy các đại đội. Theo lệnh của Liubiskin hai chiến sĩ Cô- dắc dìu Grigori về chỗ các anh em giữ ngựa. Hai người đỡ Grigori lên ngựa rồi khuyên chàng, giọng đầy thiện cảm:

- Đồng chí phải băng vết thương mới được.

- Có băng đấy à?

Grigori đã ngồi lên yên, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thế nào lại tụt xuống. Chàng cởi chiếc quần đi ngựa, một cơn lạnh truyền khắp cái lưng đẫm mồ hôi, lan tới bụng và hai chân làm chàng nhăn mặt. Chàng vội vã băng vết thương nóng rát, vẫn chảy máu, tựa như vết rạch của một con dao gọt bút chì.

Cùng với người cần vụ, Grigori cho ngựa chạy theo con đường vòng cũ, về tới chỗ cuộc phân công đã mở màn lúc nãy. Chàng nhìn những vết móng ngựa in hằn nhằng nhịt trên mặt tuyết, nhìn những đường nét quen thuộc của cái khe núi trong đó chàng đã chỉ huy hai đại đội của chàng vận động mấy giờ trước đây, bỗng cảm thấy buồn ngủ và không hiểu sao những việc xảy ra trên gò tự nhiên trở nên xa xôi và không còn có ý nghĩa gì nữa.

Nhưng ở đằng kia, những loạt súng trường vẫn nổ, lúc thì dồn dập, lúc thì rời rạc. Đại đội trọng pháo của địch bắn ầm ầm hòng chi viện cho quân của chúng. Và thỉnh thoảng lại có những khẩu súng máy nổ tẳng tằng đính những đường kim khâu liên tục, vẻ như muốn vạch một nét vô hình định chỗ kết thúc trận chiến đấu.

Grigori cho ngựa đi chừng ba vec- xta dưới khe núi. Chân hai con ngựa bị tuyết níu lại.

- Rẽ ra chỗ quang kia đi… - Grigori lầu bầu với người cần vụ rồi kéo cương về phía khoảng dốc lổn nhổn những đám tuyết trên bờ khe.

Xa xa, hình những xác chết hiện rõ đen sì trên khắp cánh đồng, như có một đàn quạ đậu xuống. Ngay trên khoảng chân trời sắc như một lưỡi dao có con ngựa không người cưỡi chạy loạn lên, đứng đấy trông nó chỉ còn nhỏ xíu.

Grigori nhìn thấy thấy bộ phận chủ lực của Chernekov đang vòng sang bên cạnh, rút khỏi cuộc chiến đấu và chạy về phía Glubokaia. Chúng đã bị đánh tan nát, thưa thớt đi nhiều. Chàng bèn cho con Hạt Dẻ phi nước đại. Đằng xa hiện ra những đám người ngựa Cô- dắc đứng rải rác. Chàng phi ngựa đến toán đầu tiên thì thấy Golubov. Golubov ngồi ngửa người trên yên, cái áo da ngắn có vạt áo viền lông cừu non vàng khè phanh trước ngực, chiếc mũ lông dội lệch sang một bên, trán đẫm mồ hôi. Golubov vê vê chòm ria vểnh ngược như ria của một lão chánh quản, kêu to lên với Grigori bằng một giọng khàn khàn.

- Melekhov, cậu cừ lắm! Nhưng cậu bị thương hay sao thế? Mẹ khỉ? Xương còn nguyên vẹn chứ? - Rồi Golubov không chờ trả lời, mỉm cười nói tiếp luôn - Không còn mảnh giáp. Bọn mình đã nện cho chúng nó không còn mảnh giáp! Chi đội sĩ quan đã bị đánh tơi bời, không thể tập hợp lại được nữa. Phen nầy thì thất điên bát đảo!

Grigori xin thuốc hút. Khắp chiến trường chỗ nào cũng thấy những chiến sĩ Cô- dắc và Xích vệ đổ về cuồn cuộn. Một chiến sĩ Cô- dắc cho người chạy nước kiệu trên đầu một đám người ngựa đen ngòm.

- Bắt tù binh được bốn mươi thằng, Golubov ạ! - Từ xa anh chàng đã kêu lên. Bốn mươi thằng sĩ quan, và chính thằng Trecnechev.

- Chỉ nói láo! - Golubov kinh hãi ngọ nguậy một lát trên yên rồi thúc ngựa phi vụt lên, vừa phi ngựa vừa quất không tiếc tay con ngựa cao chân trắng.

Grigori nán lại một lát rồi cũng cho ngựa chạy nước kiệu theo Golubov.

Ba chục chiến sĩ Cô- dắc vây kín, áp giải một đám lốc nhốc những tên sĩ quan bị bắt làm tù binh. Đội áp giải gồm những chiến sĩ thuộc trung đoàn 44 và một đại đội của trung đoàn 27. Chernechev đi đầu toán tù binh. Trong khi cố chạy thoát bộ phận truy kích, hắn đã vứt bỏ cái áo lông ngắn mặc ngoài, nên bây giờ trên mình chỉ còn độc một chiếc áo da mỏng. Cái lon trên vai trái đã bị giựt đứt. Trên mặt hắn có một vết mới toạc ở gần mắt bên trái, máu còn chảy ròng ròng. Hắn đi rất nhanh, chân bước không có vẻ gì luống cuống.

Chiếc mũ lông đội lệch sang một bên làm cho mặt hắn nom như nhởn nhơ, ngang tàng. Khuôn mặt đỏ hồng của hắn không lộ một chút gì khiếp hãi. Có lẽ đã mấy hôm nay không cạo râu nên trên má và dưới cằm hắn thấy lồm xồm một đám râu ngô óng ánh như vàng.

Chernechev đưa nhanh mắt gườm gườm nhìn mấy chiến sĩ Cô- dắc phi ngựa tới, giữa hai hàng lông mày hiện lên một vết nhăn đầy đau khổ và căm hờn. Hắn vừa đi vừa đánh diêm châm thuốc hút, điếu thuốc kẹp chặt bên mép cặp môi hồng cứng cỏi.

Phằn lớn những tên sĩ quan khác còn trẻ, chỉ có vài tên tóc bạc như sương. Một tên bị thương ở chân đi tụt lại sau. Một chiến sĩ Cô- dắc nhỏ bé, đầu to, mặt rỗ hoa, lấy báng súng nện vào lưng hắn, thúc hắn đi nhanh hơn. Một tên đại uý cao lớn, dáng hùng hổ, đi gần ngang hàng với Chernechev. Có hai tên mỉm cười khoác tay nhau cùng đi, một tên là thiếu uý, một tên là trung uý. Sau lưng hai tên nầy là một thằng Yunke vai rộng, đầu không mũ, tóc xoăn. Một tên khoác cẩu thả một chiếc áo ca- pôt của lính có hai chiếc lon vai khâu chặt. Còn một tên nữa cũng không có mũ lông, mà chỉ có một chiếc mũ ba tai màu đỏ của sĩ quan chụp xuống tới cặp mắt đen đẹp như mắt phụ nữ, gió thổi lất phất như cái tai mũ trên vai hắn.

Golubov cho ngựa chạy phía sau. Anh dừng lại một lát rồi quát lên với các chiến sĩ Cô- dắc:

- Nầy nghe đây! Anh em sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tù binh theo đúng luật cách mạng thời chiến? Phải giải tất cả về bộ tư lệnh cho đầy đủ.

Rồi Golubov gọi một chiến sĩ Cô- dắc cưỡi ngựa và vẫn ngồi trên yên, viết nguệch ngoạc trên một mảnh giấy, viết xong gấp lại trao cho người chiến sĩ.

- Phi ngay về! Đưa cái nầy cho Pochenkov.

Nói xong anh quay sang hỏi Grigori:

- Cậu cũng về đằng ấy chứ, Melekhov?

Thấy Grigori trả lời là có, Golubov cho ngựa chạy lên ngang với chàng và nói:

- Cậu bảo hộ với Pochenkov rằng tôi bảo đảm cho Chernekov! Cậu hiểu chứ? Thôi, cậu cứ nói lại hộ tôi như thế. Cậu đi đi.

Grigori vượt qua đám tù binh, cho ngựa chạy tới bộ tư lệnh Uỷ ban quân sự cách mạng đóng ngay trên cánh đồng, gần một cái thôn.

Pochenkov đang đi đi lại lại bên cạnh một cái xe hai ngựa rất rộng của người Tavria, nước bám đông cứng trên các bánh xe, trên xe có một khẩu súng máy nặng trong cái áo súng màu xanh lá cậy. Các nhân viên tham mưu, liên lạc, một số sĩ quan và cần vụ Cô- dắc cũng đang luẩn quẩn ở đấy, đế ủng lạo xạo trên tuyết. Cũng như Pochenkov, Minaev mới trở về chưa được bao lâu từ các đội hình chiến đấu. Anh ngồi trên cái ghế đánh xe, ăn một miếng bánh mì trắng đã đóng cứng, tiếng răng nhai sồn sột.

- Anh Pochenkov! - Grigori rẽ ngựa sang bên. - Sắp giải tù binh đến đây rồi đấy. Anh đã đọc bức thư của Golubov chưa?

Pochenkov vung mạnh chiếc roi ngựa. Anh đưa hai con mắt đỏ ngầu những máu nhìn xuống đất rồi quát lên:

- Tôi thì mặc xác thằng Golubov! Mơ ước chuyện ấy còn ít đấy! Muốn đảm bảo cái mạng cho thằng Chernechev, cho thằng ăn cướp thằng phản cách mạng ấy à? Tôi không để cho đâu! Đem tất cả chúng nó đi bắn sạch một lượt, thế là xong!

- Golubov nói là sẽ đảm bảo cho hắn.

- Tôi không để cho làm như thế đâu! Tôi đã nói là không để cho làm như thế rồi? Đấy, chỉ có thế thôi! Toà án cách mạng sẽ lôi cổ nó ra xử và sẽ lập tức trừng trị ngay. Để cho những đứa khác không còn dám làm như nó nữa? Anh có biết, - Pochenkov đưa cặp mắt sắc ngọt nhìn đám tù binh đang đi tới gần, nói tiếp bằng một giọng đã bình tĩnh hơn, - Anh có biết nó đã làm đổ bao nhiêu máu trên đời lày không - Hàng biển máu! Nó đã giết hại bao nhiêu anh em thợ mỏ rồi! Nói đến đây Pochenkov lại sôi sục căm hờn, hai con mắt long lên một cách hung dữ. - Tôi không để cho làm như thế đâu!

- Ở đây có gì mà phải quát lác như thế! - Cả Grigori cũng giật giọng. Lục phủ ngũ tạng của chàng run lên bần bật, tựa như cơn phẫn nộ của Pochenkov đã lan sang chàng. - Các anh ở đây sao mà lắm quan toà thế? - Chàng hất đầu về phía sau, cánh mũi phập phồng. - Để xử trí tù binh các anh thật không thiếu kẻ quyết định?

Pochenkov vò cái roi ngựa trong gay, bỏ đi. Nhưng đi đã xa anh mới quát lên:

- Tôi đã có mặt ngoài ấy đấy! Anh đừng tưởng tôi đã giữ lấy cái thân xác của mình trên cái xe nầy. Còn anh, Melekhov ạ, hãy im cái mồm đi! Hiểu chưa hử? Anh đang nói với ai đấy? Hử… Những cái thói sĩ quan ấy thì liệu vứt đi đâu thì vứt! Quyền xét xử của Uỷ ban quân sự cách mạng chứ không phải bất cứ…

Grigori thúc ngựa tới trước mặt Pochenkov. Chàng quên rằng mình đang bị thương, nhảy luôn trên yên xuống, nhưng một cơn đau nhói đã làm chàng ngã vật ra. Máu trong vết thương ào ra, nóng rát như lửa. Không cần người khác giúp đỡ, chàng đứng dậy được rồi khập khiễng lê bước tới bên cạnh chiếc xe ngựa và dựa sườn vào cái díp phía sau.

Toán tù binh đã bị giải tới. Một phần các chiến sĩ áp giải đi chân đến đứng lẫn vào đám cần vụ và số chiến sĩ Cô- dắc bảo vệ bộ tư lệnh. Tinh thần sôi sục của họ trong chiến đấu còn chưa nguôi. Mắt long lanh hung tợn, họ trao đổi với nhau những nhận xét về các chi tiết và kết cục của trận chiến đấu.

Pochenkov nặng nề bước tới gần đám tù binh, chân anh dẫm tới đâu, tuyết sụt tới đó Chernechev đứng trước cả đám. Hắn nhìn Pochenkov, hai con mắt sáng quắc gan lì nheo lại khinh bỉ. Hắn đưa thoải mái một chân ra phía trước, rung rung đầu gối, hàm răng trên trắng nhởn hình móng ngựa cắn lên bên trong cái môi dưới hồng hồng. Pochenkov bước tới sát trước mặt hắn. Toàn thân anh run bắn lên, hai con mắt không chớp nhìn lướt trên mặt tuyết lồi lõm nham nhở, đưa lên cao đầu, bắt gặp cặp mắt liều lĩnh và khinh bạc của Chernechev, cuối cùng áp đảo được cặp mắt đó với sức nặng của lòng căm hờn.

- Thế là tóm cổ được mày rồi… đồ chó đẻ! - Pochenkov nói bằng một giọng trầm nhưng rất to rồi lùi một bước, một nụ cười méo xệch mở hoác như nhát gươm giữa hai bên má.

- Mầy phản bội người Cô- dắc! Quân khốn nạn! Đồ phản bội! - Chernechev rít răng gầm lên.

Pochenkov lắc đầu như để tránh một cái tát, hai gò má anh đen xạm lại, hơi thở khò khè qua cái miệng vẫn mở to.

Mọi việc sau đó đã diễn ra một cách nhanh chóng lạ lùng.

Chernechev áp hai nắm tay lên ngực, ngả hẳn người về phía trước, tiến về phía Pochenkov, mặt hắn tái nhợt, hai hàm răng nhe ra. Qua cặp môi giật giật vì chuột rút, thấy thều thào những lời líu nhíu lẫn với những tiếng cười tục tĩu. Pochenkov từ từ lùi lại. Những lời Chernechev nói, chỉ riêng anh nghe thấy.

- Rồi sẽ đến lượt mày… Hiểu không? - Chernechev bất thần nói giật giọng.

Câu đó, cả bọn sĩ quan bị bắt làm tù binh, các chiến sĩ áp giải lẫn các nhân viên tham mưu đều nghe thấy.

- Cha.. à- à- à… - Pochenkov đưa tay xuống cán gươm, rít lên như bị nghẹt thở.

Không khí bất thần chết lặng. Minaev, Krivoslykov và vài người nữa chạy bổ tới chỗ Pochenkov, tiếng đế ủng của họ ràn rạt trên tuyết nghe rõ mồn một. Nhưng Pochenkov đã hành động nhanh hơn họ. Anh khuỵu chân xuống một chút, xoay toàn bộ thân phải, rút đánh soạt thanh gươm ra khỏi vỏ rồi xông vụt lên phía trước, nhằm đầu Chernechev chém bổ xuống với một sức mạnh khủng khiếp.

Grigori nhìn thấy Chernechev run bắn người, giơ bàn tay trái lên che đầu, cố đỡ nhát gươm. Chàng nhìn thấy bàn tay bị chém đứt chếch còn lưỡi gươm thì ăn rất ngọt vào đầu hắn, không một tiếng động, giữa lúc hắn cố ngửa ra sau. Chiếc mũ lông của Chernechev rơi xuống trước tiên, rồi sau như một cây lúa gẫy ngang thân, cả cái thân hình của hắn từ từ ngả xuống, miệng hắn méo xệch đi nom rất kỳ quặc, hai con mắt nheo lại một cách đau khổ như chói ánh chớp.

Pochenkov còn bồi thêm cho Chernechev một nhát nữa rồi mới bỏ ra chỗ khác, chân bước nặng nề, nom già hẳn đi, vừa đi vừa chùi hai cái má gươm van vát, đỏ lòm những máu.

Đến lúc vấp phải chiếc xe ngựa, anh quay lại nhìn các chiến sĩ áp giải, quát lên như chó sủa:

- Chém mẹ tất cả chúng nó đi! Chém kỳ hết! Không có tù binh gì hết… Chém cho trúng tim, cho xối máu ra?

Những phát súng nổ loạn lên một chập. Bọn sĩ quan xô nhau chạy tán loạn, gã trung uý có cặp mắt đen như mắt phụ nữ và cái mũ ba tai của sĩ quan đưa hai tay lên ôm đầu, cắm cổ chạy. Một viên đạn đã làm hắn bật lên như người nhảy vượt hàng rào. Hắn ngã vật xuống để không bao giờ nhỏm dậy được nữa. Viên đại uý cao lớn, vẻ ngang tàng, bị hai gã Cô- dắc xông đến chém. Hắn giơ tay lên nắm lấy hai lưỡi gươm, từ hai bàn tay bị rách toạc, máu chảy ròng ròng xuống tay áo hắn. Hắn khóc rống lên như một đứa con nít, khuỵu đầu gối, ngã ngửa ra, đầu lăn lộn trên tuyết. Trên mặt hắn chỉ còn có thể nhìn thấy hai con mắt đầy máu và cái miệng đen ngòm với tiếng gào không ngớl. Hai thanh gươm vung lên xả xuống mặt hắn, miệng hắn, nhưng hắn vẫn kêu lên những tiếng the thé vì kinh hoàng và vì đau. Một gã Cô- dắc mặc chiếc áo ca- pôt mất dây lưng đứng dạng chân trên đầu hắn, kết liễu đời hắn bằng một phát súng.

Tên Yunke tóc xoăn thiếu chút nữa thì vượt được khỏi vòng vây, nhưng một tên lính trung đoàn Atamansky đã kịp lao theo chém cho hắn một nhát vào gáy chết tươi. Cũng chính tên lính nầy đã nã một viên đạn vào trúng giữa hai cái xương bả vai của một tên trung uý đang bỏ chạy với cái áo ca- pôt bay phành phạch trước gió như con chim vươn cánh. Tên trung uý ngồi sụp xuống và cứ cào mười ngón tay lên ngực cho đến khi tắt thở. Một tên thượng uý tóc hoa râm bị giết ngay tại chỗ. Trước khi chia tay với cuộc đời, hắn cứ giãy đành đạch và chưa biết chừng sẽ còn đập mãi hai chân xuống tuyết như một con ngựa tốt khi bị buộc vào cọc, nếu mấy gã Cô- dắc không động lòng thương cho hắn sớm về với ông bà ông vải.

Cuộc chém giết vừa mở màn, Grigori đã rời khỏi chiếc xe ngựa. Hai con mắt đục ngầu không rời khỏi Pochenkov, chàng khập khiễng bước nhanh tới chỗ Pochenkov. Nhưng Minaev đã từ phía sau ôm ngang lưng chàng, bẻ ngoặt tay chàng và giằng lấy khẩu Nagan. Minaev đờ đẫn nhìn thẳng vào mắt Grigori, thở hổn hển hỏi chàng.

- Thế cậu cho rằng phải làm như thế nào hử?

--- ------ ------ ------ -------

1 Nguyên văn: "Như thằng ngốc giữ cái túi thóc vẽ hoa" (ND)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play