Ngày thứ hai dì Hạnh vắng nhà, tôi đang nghĩ tới bữa ăn trưa ngoài phố. Buổi trưa nắng sửng sốt mà đạp xe ra mãi tới chợ để ăn cơm rồi đạp xe về tôi thấy nản. Buồn quá, tôi buông quyển sách, xuống nhà nghe nhạc. Tiếng chuông làm tôi sững người ngỡ dì Hạnh về sớm, nhưng người gọi cổng lại là Kim. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Đi đâu vậy.
Kim cười, chìa cho tôi mảnh giấy:
- Của nàng đưa cho chàng đó, chàng đọc đi. Thông điệp gay cấn nhất thế giới.
Kim lúc nào cũng đùa được, trong lúc tôi đọc mảnh giấy gấp làm bốn thì Kim đã vội chạy đi. Tôi không kịp gọi. Kim cũng không chịu nói gì thêm. Tôi nghĩ, Thục viết cho tôi chắc có chuyện gì cần thiết:
"Đông,
Nghe Kim bảo Đông phải ăn cơm ngoài phố không ngon, lại xa quá, nắng dữ dội cả buổi trưa. Thôi, trưa nay Đông ăn cơm nhà. Kim và Thục bàn nhau rồi, bây giờ đi chợ, rồi tới nhà nấu cơm Đông ăn. Bài vở học hết rồi nghe, bây giờ chỉ còn ngày ứng thị. Thôi Đông đợi ở nhà. Kim cũng dễ thương chứ, đừng có ghét người ta nữa. Có Kim, Thục mới dám tới nhà Đông, không sức mấy dám tới. Thục"
Tôi sung sướng bỏ mảnh giấy vào túi áo. Chữ Thục đẹp quá, những lời Thục viết thật dễ thương. Dễ thương như buổi trưa nay, dễ thương cả ngày nay. Tôi không còn khó chịu với tánh vui đùa đôi khi hơi quá lố của Kim nữa, ít ra Kim cũng thấu hiểu tình cảm và tình cảnh của tôi và Thục. Tôi nghĩ rằng chuyện Thục tới nhà nấu cơm, đi chợ là do Kim bày ra chứ Thục không bao giờ dám nghĩ tới. Kim dễ thương vô cùng, vậy mà lúc nãy chả chịu nói trước để tôi cám ơn, khen ngợi Kim. Tôi chạy vào phòng mở nhạc lớn rồi chạy ra ngoài thềm đứng nghe. Trong khu vườn nhỏ tự nhiên tôi có cảm tưởng chim bướm sẽ bay đầy, hoa nở hết những nụ búp. Khi thục xách giỏ vào nhà. Cây lá sẽ vẫy mừng, và lòng tôi bát ngát như biển xanh. Tôi nghe máu trong thân thể mình chạy những nhịp mạnh nhất, trái tim nồng nàn nhất. Buổi sáng hôm nay đẹp nhất. Tôi lên phòng ôn lại bài. Tôi thấy những dòng chữ như múa reo, nhảy nhót vui đùa trước mắt. Nhưng rồi tôi cũng hồi hộp để lắng nghe tiếng chuông gọi cổng. Nếu trường hợp gì xảy ra khiến Thục không đến được mà người đến lại là Kim thì chắc Kim hết dễ thương. Tôi cũng buồn bã chết được. Tôi nhìn đồng hồ từng chập, nghe nhịp tim mình đập loạn theo từng trang sách tôi đọc qua. Tiếng chim kêu ngoài cây lá cũng nôn nả thúc bách. Hàng nhạc ngựa say gió cũng như muốn kéo thời gian chậm lại. Đường từ nhà Thục tới chợ, rồi từ chợ về đây tưởng như xa ngàn dặm. Tôi cố nhắm mắt để không nghĩ ngợi gì thêm, để tin rằng rồi Thục sẽ đến, cuối cùng em sẽ đến.
Thục tới thật, tôi nghe tiếng chuông gọi cổng là phóng xuống cầu thang. Tôi vừa chạy vừa trách mình quá lo xa. Những kẻ lo xa là những kẻ tự làm khổ mình trước tiên. Thục đến đó, xinh tươi trong màu áo, rực rỡ nụ cười dưới dàn hoa giấy đỏ thắm. Bên cạnh là Kim, Kim ôm lỉnh kỉnh những gói giấy. Kim dễ thương vô cùng. Tôi mở cổng, Thục và Kim vào. Mặt Thục đỏ ửng, ngại ngùng nói:
- Nếu bạn Đông đến chơi thì sao?
Tôi tươi cười:
- Không mở cổng, nó tưởng đi vắng, nó bỏ về.
- Sợ quá.
- Đừng sợ Thục, không có gì hết, cứ xem... như ở nhà.
Kim thúc hông bạn:
- Phải liều, cứ sợ mãi rồi làm sao. Khi người ta yêu nhau người ta liều dễ sợ. Nhảy qua năm bảy ngọn núi, trèo qua cả chục trái đồi, bơi qua hai mươi mấy cái biển cũng dám nữa là.
Tôi suỵt Kim. Thục càng đỏ mặt khi nghe Kim nói. Tôi đành phải đánh trống lãng.
- Kim nói nghe ghê, chứng tỏ con người đầy kinh nghiệm.
- Kinh nghiệm gì, đừng có hiểu lầm tai hại nhé.
- Chứ sao Kim rành quá vậy.
- Thấy người ta.
Kim và Thục vào nhà sửa soạn thức ăn ra bàn. Hai người bàn nhau nấu món này món kia. Tôi đứng cười. Có cảm tưởng như hôm nay hai người cho tôi ăn giỗ, một cái giỗ cực lớn. Kim hỏi:
- Đông muốn ăn món gì?
- Món gì cũng muốn ăn hết.
- Người ta dễ tánh nhỉ, thế thì Thục cứ yên tâm mà trổ tài đi.
Thục nói:
- Miệng thì nói vậy chứ khi ăn thì tha hồ chê.
Kim đuổi:
- Thôi, Đông lên nhà học bài đi. Khi nào xong kêu xuống ăn. Đừng đứng lạng quạng ở đây người ta khó nấu nướng.
- Đứng nhìn thôi chứ bộ.
- Không được.
- Kim hôm nay làm tàng nhỉ.
- Lâu lâu mới được lên mặt một bữa, dại gì không làm tàng. Đông lên nhà học bài đi.
Thục ngó tôi cười. Thục chắc cũng đồng ý với Kim đuổi tôi đi chỗ khác chơi.
- Đi ra ngoài vườn được không Kim?
- Đi đâu tùy ý, miễn đừng xớ rớ ở đây thì được.
- Đi một chút trở vào được không?
- Xong rồi, nghe kêu mới vào.
- Khó quá.
Tuy thế, tôi cũng đi chỗ khác. Tôi đi dạo trong khoảng vườn nhỏ, đi hết lối đi trải sỏi rồi ra cổng, rồi từ cổng trở vào, hút hết cả nửa bao thuốc vẫn chưa thấy Kim gọi vào. Buổi trưa đã tới, nắng gắt và bóng tôi cụt ngủn in dưới mặt đất. Tiếng một con chim cu gáy ở đâu xa vọng tới nghe buồn buồn.
Rồi Kim cũng gọi tôi vào. Bữa cơm được dọn sẵn. Tôi thấy nhiều thức ăn trên bàn. Trong những chiếc dĩa lớn toàn những màu sắc của rau, món ăn. Tôi sung sướng vì trưa nay Thục và Kim cùng ở lại. Bữa cơm bắt đầu với tiếng nhạc vặn nhỏ. Thục và Kim từ trong bếp ra nên mặt người nào cũng đỏ ửng. Kim hỏi:
- Nội trợ như vầy được chưa?
- Giỏi rồi, hai mươi trên hai mươi mỗi người.
- Đừng có nịnh.
- Thật chứ, giỏi quá, bữa ăn ngon, nhìn không cũng đủ thấy ngon.
Tôi nhìn thấy mắt Thục mở lớn, sung sướng. Chúng tôi ăn chậm, nói chuyện. Phải thành thật mà nói rằng, chưa bao giờ tôi ăn thấy ngon như vậy. Kim luôn luôn pha trò trong bữa ăn để trêu tôi và Thục. Tôi sung sướng ngắm niềm vui của Thục, nghe cả niềm vui của mình nhảy quanh, như những bước chân chim. Ăn xong, Thục và Kim dọn dẹp dưới bếp. Tôi ngồi ghế nghe nhạc, thấy một ngày sắp sửa trôi qua, nhanh chóng quá. Hình như hạnh phúc thì trôi nhanh còn khổ đau thì đứng lại. Một lúc Kim và Thục lên. Tôi nói:
- Chiều nay làm gì?
Kim đáp:
- Chút Kim và Thục về. Chiều Đông tự hâm lấy thức ăn và ăn một mình. Ngày mai Hạnh về rồi.
- Đã chắc gì.
- Thế nào Hạnh cũng về mà. Còn lo ôn bài thi nữa.
- Tôi nhớ tới ngày thi của Thục, tôi hỏi phòng và số ký danh. Thục hỏi:
- Đông biết để làm gì?
- Để đi xem bảng cho Thục.
- Người ta không biết đi xem sao?
- Đông lắm, con trai mạnh khoẻ mới chen vào xem được, con gái chỉ đứng ngoài.
- Thôi, sợ rớt lắm.
Tuy nói thế nhưng rồi Thục cũng ghi số ký danh cho tôi vào trong một mảnh giấy. Tôi bỏ vào túi áo nói:
- Ở chơi cả buổi chiều không được sao?
Thục le lưỡi:
- Xin ông già chỉ có buổi sáng cũng là may rồi, nhờ Kim nói đó. Ở lại có nước đi luôn.
- Chiều nay định kêu Thục và Kim đi ciné, có phim mới.
- Gan nhỉ, Đông đi một mình. Thục chả dám đâu, gặp người quen thì chết.
- Có Kim mà sợ gì.
Kim nhìn tôi, cười:
- Kim cũng chả dám, Kim với Thục thì đi được. Có Đông mọi chuyện sẽ khác ngay.
- Có gì khác?
- Người ta sẽ hiểu lầm.
- Ai muốn hiểu sao thì hiểu, mình đi chơi cũng sợ người ta nữa sao?
- Không phải sợ.
Thục ngồi cúi mặt nhìn những ngón tay mình. Kim đã hết dễ thương từ giờ phút này. Lẽ ra Kim phải bắt Thục đi, nói vào một tiếng. Đằng này Kim cũng có vẻ về phe với Thục. Tôi không biết nói sao hơn, đành ngồi im. Kim bỗng hỏi:
- Đông có sách nào mới không?
- Có mấy cuốn.
- Không phải sách học đâu à nhà. Người ta hỏi tiểu thuyết.
- Học bài không lo, thi tới nơi rồi mà đọc tiểu thuyết.
- Đừng có giở giọng anh cả người ta. Học bài lúc nào chả được. Lâu lâu phải đọc sách để mở mang trí óc chứ. Học bài hoài riết "mát" thần kinh sao?
Tôi cười:
- Lên phòng mà lấy, có cuốn "Chuyện Tình" tha hồ mà khóc.
- Cảm động lắm hả?
- Bảo đảm, khóc không vơi nước mắt.
Kim bảo Thục:
- Hai người ngồi đó tâm tình nhé, ta đi kiếm sách đọc. Buồn quá rồi.
Tôi cám ơn Kim. Cám ơn âm thầm. Tôi mong Kim sẽ nghiền ngẫm cuốn "Chuyện Tình" tới bảy giờ tối. Và đừng trở xuống nhà nữa. Kim vừa khuất, tôi nói với Thục:
- Định biên cho Thục một cái thư, nhưng cuối cùng không viết.
- Tại sao không viết?
- Thấy làm sao, kỳ kỳ...
- Đông viết thư chắc hay lắm, Hạnh khen Đông hoài.
- Một bức thư, bây giờ, có nên chăng?
Thục cười:
- Biên thư thì người ta đọc, không biên thì thôi. Hỏi như thế làm sao trả lời được.
- Thục không biết gì hết.
- Biên thư mới biết được chứ.
Tôi bỏ chỗ ngồi, tới gần Thục, nhưng Thục xích ra. Tôi cười thầm, nếu bây giờ tôi nắm tay Thục chắc có nước Thục bỏ chạy. Thục cự:
- Đông làm vậy Kim thấy thì sao?
- Ngồi gần thì có gì?
- Kim cười chết.
- Kim cười khỏi lo, chỉ lo Kim khóc thôi.
- Không giỡn à.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Thục. Khiến Thục phải quay đi. Thục nói:
- Đông nhìn gì dữ vậy, mắt Đông to quá.
- Nhìn để xem thấy gì trong mắt Thục.
- Thế Đông đã thấy gì?
- Chưa nhìn rõ.
- Nhìn như nuốt người ta mà bảo không rõ.
Tôi cười:
- Nhìn giữa chừng Thục quay đi.
Thục cười khúc khích. Tôi nghe hơi thở Thục rõ ràng trong lồng ngực. Tôi cũng nghe hơi thở dồn dập trong ngực mình như khi tôi chạy lên một con dốc cao. Thục nép sát người vào thành ghế, nếu không có thành ghế ngăn lại, chắc Thục rơi xuống đất. Tôi phì cười:
- Thục làm gì mà cực khổ như thế, ngồi bình thường không được sao?
- Tại Đông.
- Có làm gì đâu.
- Đông lấn người ta vào sát thành ghế, ngồi xích ra đi.
- Ghế chật, có bao nhiêu thôi.
- Đông trở về ngồi ghế của Đông đi.
- Ngồi đây một chút không được sao?
Thục ngó tôi:
- Đã hết một chút rồi, Kim ở trên lầu Kim xuống thấy ngồi gần nhau Kim hiểu lầm.
- Còn gì nữa mà hiểu lầm.
- Đông kỳ quá.
- Thục cũng kỳ quá. Cái gì cũng sợ hết. Không biết còn những gì Thục sợ nữa.
- Thục sợ suốt đời.
Thục vẽ những vòng tròn trên bàn. Tôi nhìn tóc Thục buông xuống vai. Tôi yêu những sợi tóc đen nhánh của Thục, nhưng không biết làm sao. Thục ngồi gần, nhưng xa cách quá. Giữa tôi và Thục chưa ai nói với ai một lời nào. Chưa nói gì, toàn những câu mưa nắng chưa ăn nhập vào đâu. Tôi biết trong mắt Thục, bây giờ đã có một vệt khói mờ, những hạt ngọc long lạnh cho tình cảm. Nhưng Thục e dè quá đổi. Thục như con thỏ bạch. Tôi chỉ dám đứng xa mà nhìn, nếu tôi ôm nó vào lòng, con thỏ bạch sẽ chết. Chết vì vỡ trái tim. Tôi thở dài:
- Thi đậu, Thục làm gì?
- Học nữa.
- Chỉ biết học thôi sao?
- Chứ biết làm gì bây giờ, à, tìm thơ của Đông đăng trên báo đọc.
- Tôi không có gởi đăng báo.
- Đông giấu à?
- Tôi chép vào một cuốn sổ, chỉ đưa cho một người đọc.
- Ai mà được Đông dành đặc biệt quá vậy.
- Thục.
Thục tròn xoe đôi mắt:
- Thục?
- Đúng, Thục có thể đọc bất cứ giờ phút nào Thục muốn.
- Sợ Thục không cảm nổi thơ, Thục ngu dại lắm.
- Nhưng tôi thích thế.
- Hạnh được đọc chưa?
- Chưa
- Sao không đưa cho Hạnh đọc?
- Không, dì Hạnh phải đọc sau Thục.
Thục nhìn tôi, chớp mắt:
- Cho Thục mượn bây giờ được không?
- Bất cứ giờ phút nào.
- Cho Thục mượn tối nay về nhà đọc.
Tôi gật đầu. Phải chi tôi đã viết xong bức thư gửi cho Thục kèm luôn trong tập thơ thì không còn gì hơn. Tôi khờ quá, bây giờ tôi biết Thục sẽ nhận bất cứ cái gì tôi đưa. Vậy mà tôi cứ lo sợ. Tôi muốn đấm vào mặt mình. Tại sao tôi có thể khờ đến như thế. Thục cười:
- Thi đậu Đông làm gì?
- Học thêm.
- Chỉ có học thôi sao?
- À, viết thư cho Thục nữa chứ.
Thục cười:
- Có bao giờ Đông nghĩ tới một ngày nào phải xa tỉnh lỵ nhỏ bé này không?
- Chưa. Dù sao, cũng còn một năm nữa sống ở đây. Tỉnh lỵ này đáng yêu quá. Nó êm đẹp như một giấc mơ vàng.
- Rồi sẽ có một ngày Đông ghét nó. Con trai như một thứ thời tiết, thay đổi bất thường.
- Còn con gái?
- Con gái như bức tượng, muôn đời vẫn vậy.
- Con gái là một mùa, không phải là một bức tượng. Mùa cũng có mùa này mùa khác. Nhưng tôi nghĩ mùa đẹp nhất là mùa người con gái tới tuổi biết yêu thương.
- Không ai nói như Đông cả.
- Chưa chứ không phải không. Tôi yêu tỉnh lỵ u hoài này, nếu phải xa nó chắc tôi buồn lắm.
- Dĩ nhiên, nhưng con trai thay đổi tình cảm nhanh như mưa rồi chợt nắng. Ngày nào đó Đông sẽ không nói như vậy nữa, Đông sẽ nói khác.
- Ngày đó không có đâu.
- Tỉnh lỵ này của Thục đó, người nào ghét nó Thục cũng ghét luôn người đó.
- Tôi yêu tỉnh lỵ này suốt đời.
- Đông khôn quá.
Kim trở xuống với quyển sách cầm ở tay. Kim thoáng nhìn chúng tôi, rồi cười nói:
- Sách dầy quá, phải về nhà đọc. Về chưa Thục?
- Về.
- Về thật à?
Kim nheo mắt:
- Nãy giờ năn nỉ không được sao. Về thật chứ đùa gì nữa, trưa quá rồi Thục ơi. Về học bài.
Tôi liếc Kim:
- Làm như siêng học dữ.
- Không siêng trợt vỏ chuối ai khóc dùm cho đây. Thôi về Thục ơi, mi không về ta bỏ lại à.
Tôi bảo Thục:
- Để Kim về một mình.
- Nó chửi chết.
Tôi ức Kim không thể tả. Nhưng Kim đã dẫn xe ra đứng chờ Thục. Tôi ngó Thục, chờ đợi Thục thay đổi ý kiến, Thục bối rối nói:
- Thôi để Thục về, tối Đông có ghé nhà chơi cho mượn tập thơ nhé.
Thục nói như một lời hẹn. Tôi không biết làm sao hơn để Thục lên ngồi cho Kim chở về. Lúc đóng cổng, Kim quay nói với tôi, nheo mắt:
- Xin lỗi Đông nhé, ghét lắm, nhưng rồi mai mốt sẽ cám ơn nhỏ này.
Tôi không thèm nói gì với Kim mà quay vào nhà. Tôi muốn nằm hoài, mắt nhắm nhưng tai vẫn cứ dõi nghe những tiếng động ngoài trời. Nghe hàng nhạc ngựa reo say trong gió lớn buổi trưa. Tôi yêu Thục mất. Thục về tôi thấy quay quắt trong lòng. Như vừa đánh rơi mất trái tim mình trong một cơn mưa. Tôi phải làm gì cho hết buổi chiều nay, rồi còn những ngày tháng tới. Chuyến xe lửa về ngang qua nhà. Tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt, tiếng còi hú vang, chạy dài qua các đỉnh cây. Tôi chồm dậy tới bên cửa sổ nhìn xuống đường. Cái toa xe lửa cuối cùng vừa vụt qua, những ngọn cây khua động trong nắng trưa gay gắt và những đám mây trời bay trên cao. Tôi lấy quyển sách, ôn lại những trang đã học ban sáng. Cuối cùng tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Khi tôi thức dậy trời đang có cơn mưa. Không khí thấm lạnh và gió vút đi ngoài vườn. Tôi nằm yên lắng nghe mưa đổ. Tiếng những con chim vỡ tổ gọi nhau trên mái ngói. Lâu quá, trời mới có cơn mưa. Sau cơn mưa này thời tiết sẽ thay đổi. Tôi vẫn không hiểu được, hay là rất mơ hồ trước thời tiết ở đây. Mùa hè còn chưa tới, hay đã hết khi mưa đến. Chỉ có một điều sau mỗi trận mưa, sáng sớm ra đường nghe cây lá thay đổi, những bông phượng như nở to hơn, đỏ thắm hơn. Trưa nắng, nghe ve kêu nhiều và ròn rã hơn. Tôi nằm nghe và nhớ những cái đâu đâu, từ xa xưa lắm trở về. Và khi tôi nhớ tới Thục thì có tiếng gọi cổng. Tôi chạy vội xuống nhà không kịp lấy áo mưa. Khi mở cổng tôi muốn run lên vì người gọi cổng không phải là dì Hạnh, mà là Thục. Tôi dành lấy chiếc xe đạp của Thục dắt vào sân. Thục mặc áo mưa. Trên chiếc giỏ nhỏ của chiếc xe đạp tôi thấy mấy cuốn vở mới tắm đẫm nước mưa. Tôi lấy mang vào nhà, mấy cuốn vở ướt hết không còn trang nào khô. Thục cởi áo mưa ra máng vào thành ghế. Thục có vẻ lạnh. Thục đứng co ro bảo:
- Thục ra phố mua mấy cuốn sổ về làm nháp, không ngờ lúc về ngang đây mưa to quá, phải gọi cổng. Đông đang làm gì?
- Ngủ mới dây.
- Sướng nhỉ, vậy mà người ta tưởng đang học bài.
- Định dậy rồi học, học bài trong buổi chiều thú hơn.
- Thôi Đông lên học bài đi. Thục hơ khô mấy cuốn vở rồi về.
- Tôi nói:
- Quăng đi chứ còn xài được gì, nó rách tả tơi thế này, Thục không thấy sao?
- Rồi làm sao, mai mốt chẳng lẽ lại xin tiền ba mua nữa.
- Ngày mai Thục có vở mới đừng lo.
- Quăng uổng lắm.
- Chứ xài không được, tiếc làm gì.
Tôi không cho Thục hơ khô mấy quyển vở. Tôi lấy khăn mặt của dì Hạnh cho Thục lau nước mưa bám trên mặt. Nhìn hai cổ tay tròn, trắng hồng của Thục đưa cao lên tôi nghĩ là hai cổ tay xinh xắn của con búp bê. Những cọng tóc mai bám hai bên thái dương Thục, ướt nước. Gương mặt Thục hơi xanh vì mưa lạnh, tôi hỏi:
- Thục lạnh không?
Thục gật đầu, mỉm môi cười. Tôi nói:
- Lên phòng cho khỏi lạnh.
Thục ngoan ngoãn theo tôi lên phòng. Không có Kim. Thục bớt e dè và dạn dĩ hơn một chút. Tôi đóng cửa sổ lại cho gió đừng lùa vào, mưa dừng tạt những hạt bụi nhỏ qua cửa. Thục ngồi trên mép giường tôi ngó loanh quanh.
- Phòng của Đông đẹp quá.
- Thế mà bị dì Hạnh la hoài, lâu lâu dì Hạnh phải lên dọn dẹp mới ngăn nắp được.
- Ừa nhỉ, Đông không quét phòng sao giấy vụn nhiều quá, bị la là phải.
- Trước kia có bà giúp việc. Bà đổ dùm giỏ giấy rồi quăng đi đâu mất tiêu. Định nhờ bà ấy mua cái khác thì bà nghỉ.
- Ừa, sao lại nghỉ? Bà ấy đau à?
- Không, con bà đau, bà xin về quê nghỉ ít lâu.
- Rồi bà có lên không?
- Chắc có, nhưng không biết bao giờ.
Thục ngó quanh tìm cái gì. Tôi hỏi:
- Thục tìm gì?
- Đông có cây chổi không?
- Dưới nhà.
- Lấy lên Thục quét phòng dùm cho. Rác với giấy vụn nhiều quá thế này Đông ăn ở thật bê bối.
Tôi cười:
- Mỗi tuần mới dọn một lần.
- Hôm nay cũng cuối tuần rồi, còn gì. Để tuần sau hả?
- Dám lắm, vì cũng còn tùy siêng hay chưa siêng nổi. Đông cười.
- Con trai bê bối ghê.
- Lúc nãy Thục vừa mới khen phòng đẹp, sao giờ lại chê.
- Bây giờ chê rồi, đẹp mà nhiều giấy vụn quá rối mắt.
Tôi ngồi cười, lấy thuốc hút. Thục nhăn mặt:
- Đông hút thuốc nhiều không?
- Buồn hút chơi mấy điếụ
- Tới mấy điếu lận, đừng có hút nhiều nghe, không tốt, lủng phổi à. Thục có một ông anh họ hút thuốc gì mà đến vàng tay, trông kỳ lắm. Đông đừng có giống như vậy.
Tôi sung sướng nghe Thục dặn điều này điều nọ. Như thế Thục đã để ý tới đời sống hàng ngày của tôi. Thục như một người tình lo lắng cho người yêu của mình. Tôi ngắm Thục. Bây giờ gương mặt Thục đã bớt xanh. Trong bóng tối của căn phòng không bật đèn, gương mặt Thục trắng và đẹp như một thiếu nữ trong tranh. Thục ngồi đó. Ké né trên mép giường, hai bàn tay vòng để lên đầu gối, mái tóc dài buông rũ xuống che nửa gương mặt, thỉnh thoảng Thục đưa tay vén mái tóc qua một bên, cổ tay tròn với chiếc vòng ngọc thạch xanh biếc. Chiều nay Thục mặc áo dài màu tím than, màu áo chìm trong bóng tối. Tôi nghĩ tới bài hát trong đó có mấy câu đau đớn nói về màu áo tím. Từ lâu tôi chưa mua nổi cây đàn. Nếu lúc này có đàn tôi sẽ không ngần ngại gì mà không ngồi đàn, hát cho Thục nghe bài hát đó.
- Đông học bài đi.
- Không học được. Thục ngồi đó không cách nào học được.
- Thế để Thục về.
- Thục về lại không học được, như lúc trưa đó, Thục về tôi phải ngủ liên miên cho hết buổi trưa buồn bã.
- Đông phải học bài chứ, Đông sắp thi rồi. Đừng thi rớt, buồn lắm.
- Sẽ học, con trai không sợ rớt.
- Gan thật.
- Rớt học lại. Đậu thì được lên lớp, rớt ngồi lại học thêm một năm, lăn lộn quá chỉ thêm khổ.
- Đông ngược đời ghê đó.
Tôi cười. Thục với lấy chiếc gối dài ôm trong lòng. Chân Thục đu đưa một cách hồn nhiên. Tôi ngồi im lặng ngắm Thục đến khi Thục ngượng phải quay mặt đi. Bây giờ Thục đã hiểu, hay là cả hai đứa đều hiểu rõ tình cảm của người này đối với người kia. Tôi muốn nói với Thục nhiều lắm, cho đến hết cơn mưa của buổi chiều nay. Cơn mưa đã đưa Thục đến, làm ấm lại căn phòng nhỏ trơ trọi của tôi. Làm mưa bên ngoài nồng nàn, ngọt xớt từng phiến. Đồng thời tôi cũng muốn im lặng, nỗi im lặng tuyệt vời giữa tôi và Thục.
Tôi gọi nhỏ:
- Thục.
Thục ngước nhìn tôi, nhưng tôi im lặng. Thục nói:
- Gì thế Đông?
- Sao Thục lại ghé vào trong cơn mưa.
- Sợ lạnh.
- Thục có nhớ gì không?
- Nhớ, một chút thôi.
- Đông nhớ Thục quá.
Tôi ngạc nhiên thấy mình nói ngon lành mà không ngượng ngâp. Có lẽ tại tôi đang xúc động thật tình. Tôi cũng nhận ra lối xưng hô của mình lộn xộn, khi thì xưng tên, lúc xưng tôi. Thục cũng luống cuống:
- Thục có gì để nhớ đâu.
- Thục hiền lắm, xinh lắm.
- Nhiều người khác hiền, xinh hơn Thục nữa, rồi Đông sẽ gặp.
- Không còn ai hơn Thục.
- Thục sợ lắm, sợ tình cảm sẽ là một cái gì tan nát, thà đừng thân thiết với nhau đỡ đau buồn hơn. Thục yếu đuối trước đau buồn.
- Có gì đau buồn?
- Rồi sẽ có, biết bao nhiêu nỗi buồn.
- Thục quá lo xa.
- Hình như nó thấp thoáng đâu đây chứ Thục không lo xa. Tình cảm ai mà đoán được, phải không Đông?
- Đoán được chứ, không đoán được sao có cơn mưa kỳ diệu như thế này. Cơn mưa đã đưa Thục tới, xui Thục ghé lại.
- Ừ nhỉ, Thục không biết đi đâu, lẽ ra Thục tới nhà Kim.
- Đó, thấy không. Chúng ta đã có một mối dây vô hình ràng buộc khiến Thục phải vào đây.
- Đông đừng nói với ai nghe. Ngượng lắm.
Tôi sung sướng tới ngồi cạnh bên Thục. Tôi sung sướng thấy Thục không ngồi xa tôi nữa. Và tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé lạnh giá của Thục, khiến Thục run lên, sợ hãi. Tôi yên lặng nghe hạnh phúc tuyệt vời của mình thành sóng, vỗ dào dạt trong lòng. Tôi ngửi thấy mùi thơm trên tóc Thục, hương thơm ban đầu ngào ngạt hơn bất cứ hương thơm nào. Thục rụt bàn tay lại, và tôi ngạc nhiên thấy Thục khóc.
Tôi hỏi:
- Sao vậy Thục?
Thục lắc đầu, nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn xuống má. Tôi luống cuống dỗ dành Thục, một lúc Thục nói:
- Thục sợ lắm.
- Có gì Thục sợ.
- Ngày mai, ngày kia, biết Đông có còn thân thiết với Thục không?
- Tôi yêu Thục suốt đợi
- Thục đưa tay bịt miệng tôi. Thục gật đầu, mím môi nói:
- Thục biết.
- Sao Thục còn sợ?
- Không hiểu sao Thục vẫn cứ sợ.
- Thục.
Tôi áp bàn tay Thục lên ngực tôi. Tiếng khóc của Thục như vỡ ra, ào lên, tan lẫn vào trong tiếng mưa đổ lớn bên ngoài. Tôi đặt trên trán Thục một chiếc hôn làm Thục sợ hãi rụt bàn tay về. Tôi nói:
- Chỉ hôn trên trán Thục thôi.
- Đông đừng làm Thục sợ.
- Không có điều gì làm Thục sợ cả. Thục tin không?
Thục gật đầu. Tôi nghĩ Thục khóc bằng những giọt nước mắt hạnh phúc nhất. Những giọt nước mắt nồng nàn. Tôi hứng cả trên vai áo, như hứng cả một thời thơ dại của Thục, một thời thơ dại của tôi. Và một thời để chúng tôi yêu nhau, thương nhau nồng nàn hơn mưa, ngào ngạt hơn hương mái tóc. Tôi lấy khăn lau nước mắt cho Thục, nàng ngượng, quay mặt đi. Căn phòng ấm áp hơn bao giờ. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu, tưởng như thời gian dừng lại dưới chân. Mưa vẫn đổ lớn, và tôi mong mưa đừng bao giờ tạnh. "Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều, em đến thăm anh trời mưa gió, đường xa lạnh đầy. Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu..." tôi nghĩ miên man tới mấy câu trong bài hát tình nhân đó. Tôi hỏi:
- Thục biết hát bài hát dành để hát trong chiều mưa tới thăm nhau không?
- Bài "Em đến thăm anh một chiều mưa"?
- Giỏi quá.
- Đông hát nghe đi.
- Không có đàn, hôm nào Đông mua cây đàn và sẽ hát cho Thục nghe bài hát đó.
- Còn những câu gì nữa Đông?
Tôi hát nhỏ:
- Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lòng nghẹn ngào hồn anh như say như ngây gì đâu. Gió đưa cánh chim trời, đó đây cách xa vời...
- Không phải, mấy câu chót cơ.
- Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về...
- Đông giỏi ghê, thuộc cả bài.
- Mong như thế, mong Thục quên đường về.
Thục cười, tròn mắt:
- Không quên được đâu, ông già với cây chổi lông gà vẫn nhớ hơn, dù rất muốn quên đường về.
- Đông đưa Thục đi thi?
- Thôi, Thục đi với Hạnh, được rồi.
- Chờ Thục về?
- Ở đâu?
- Trước cổng trường.
- Không được, chờ ở xa xa, càng xa cổng trường càng tốt.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, nói:
- Quán nước ở đầu ngã tư đường.
- Chỗ đó cũng đông.
- Thôi, ngồi đợi Thục trong công viên vậy, Thục về ngang nhớ kêu.
Thục gật đầu cười. Tôi nhớ số phòng, số ký danh của Thục hơn nhớ ngày sinh tháng đẻ của tôi. Thục thi trường Tiền Giang, bên kia cầu, phòng số 9, số ký danh 18753. Từ đó về ngang công viên hơi xa. Phải nói là xa quá với sự chờ đợi, nhưng Thục muốn thế, tôi đành chìu nàng:
- Mấy giờ rồi Đông?
- Mưa còn lớn Thục chưa về được đâu.
- Tối quá về bị la đấy nhé.
- Nói trú mưa nhà nhỏ bạn..
- Lúc này Thục nói dối đều đều.
- Đừng lo, chưa bao giờ Thục nói dối dễ thương như lúc này.
- Còn xúi người ta nói dối nữa hả?
Tôi cười. Thục dĩ nhiên là không muốn về chút nào, nhưng đôi mắt cũng cứ nhìn ra mưa vẻ lo ngại. Tôi ngồi gần Thục, nghe trái tim mình đập loạn lên, nghe chung quanh tràn ngập những yêu thương thân ái từ đâu mới kéo về, mới nhận ra, như là không khí của căn phòng, lũ bàn ghế. Thục ké né bám lấy mép giường, tay Thục run lật bật, hơi thở Thục bàng hoàng. Tôi thấy tội nghiệp Thục, nàng như con sóc con trước đôi mắt của người thợ săn. Tôi bật cười:
-Thục giống như một chú sóc con.
Thục tròn mắt:
- Người ta như vầy mà là sóc?
- Ừ, một chú sóc con ngơ ngác, run rẩy trong tay người lạ.
- Run bao giờ.
- Nhìn xuống tay coi.
Thục nhìn xuống. Quả nhiên bàn tay Thục run từng hồi trong tay tôi. Thục ngượng quá giựt vội ra, mặt đỏ bừng quay đi chỗ khác. Tôi sung sướng cười thầm. Nhớ tới một đoạn truyện nào đó tôi đã đọc. Đoạn truyện tả một người con gái và một người con trai mới biết yêu nhau. Anh con trai muốn hôn người con gái nhưng không dám bèn bảo người con gái ngây thơ tin lời nhắm mắt lại. Và bất ngờ nhận được chiếc hôn nơi môi. Tôi muốn bảo Thục nhắm mắt lại lắm, nhưng tôi không dám.
- Thôi Thục về nhé.
- Đòi về hoài, trời đang mưa lớn không thấy sao?
- Nhưng biết chờ chừng nào mưa mới tạnh.
- Từ từ nó tạnh.
- Như thế tối mất.
- Đông đưa Thục về, lo gì?
- Thôi, Thục về một mình được mà.
Tôi nắm tay Thục, bàn tay đã bớt run, đồng thời hơi ấm cũng nồng nhiệt thêm. Tôi vuốt ve lên những ngón tay tròn, thon như đầu mũi viết. Thục e thẹn nói:
- Tay Thục chỉ để rửa chén, giặt bao bố, quét nhà, không đẹp đâu.
Tôi không nói gì, cứ để mặc cho Thục tha hồ nói. Tôi vuốt ve bàn tay, thương yêu nó, như sợ nó sắp mất. Thục hỏi:
- Tay Thục xấu nhất trần gian, phải không?
Tôi lắc đầu. Thục tiếp tục nói:
- Tay Thục là bàn tay voi, to lớn, xấu xí.
- Nhưng Đông thương bàn tay như thế.
- Đông xạo.
- Thật.
- Không tin.
- Thục muốn tin không?
Tôi không để Thục trả lời, kéo ngay bàn tay của nàng đưa lên môi hôn. Thục ngượng quá, giựt bàn tay về và giấu luôn không cho tôi nắm nữa. Thục giận dỗi ngồi im không thèm nói chuyện với tôi. Con gái thật kỳ lạ, đã cho người ta nắm tay, nghĩa là cho luôn bàn tay mình rồi. Tôi hôn hay để dành cũng được. Khi hôn lại giận, khi nắm trong tay vuốt ve thì cho. Kỳ lạ. Tôi nghiêng mặt ngó Thục. Nàng giấu mặt sau mái tóc. Tôi nói:
- Thục giận hả?
- Dĩ nhiên rồi.
- Tại sao giận kỳ vậy.
- Tại sao hôn tay người ta?
- Tại vì Thục cho người ta nắm tay.
- Cho nắm tay thôi, biết không?
- Tôi cười:
- Thục không chịu nói trước, tưởng Thục cho bàn tay ấy luôn. Muốn làm gì thì làm.
Thục cong môi:
- Nghĩa là Đông chặt nó quăng vô thùng rác cũng được hả?
- Ai làm thế, người ta giữ lấy mà hôn chứ.
- Bộ hôn mới được sao?
- Chứ để dành mai mốt hôn cũng vậy.
- Để dành đi.
Tôi cười:
- Từ bây giờ để dành.
Thục không thể giận lâu được, rồi bàn tay nàng cũng ở trong tay tôi. Bàn tay Thục càng mềm, vàng ấm sau những hồi cãi vã. Tôi không hiểu sao hai đứa hay gây lộn, trong khi tôi vẫn thương Thục mỗi phút mỗi giờ. Và chắc Thục cũng thế.
- Mưa sắp tạnh rồi à nha.
- Chừng nào tạnh hẳn Thục mới được về.
- Người ta có chân, muốn về lúc nào cũng được chứ không xin phép ai cả.
Tôi cào nhẹ trong gan bàn tay của Thục khiến Thục nhột vùng vẫy bàn tay định thoát ra, nhưng tôi nắm chặt quá, Thục cự nự:
- Làm tàng hả?
- Thua Thục xa, Thục dữ quá.
- Rồi còn kinh khủng hơn nữa. Người ta còn mát thần kinh nữa cơ. – Thục cười.
- Có thuốc chữa, đừng lo. Khi nào mát cốc lên đầu mấy cái thì hết ngay tức khắc.
Thục bỗng vùng chạy tới cửa sổ nhìn ra một hướng trời và mừng rỡ nói:
- Mưa tạnh rồi, Thục về.
- Còn nước trên cây đổ xuống, cũng ướt hết áo chứ bộ.
- Có áo mưa, Thục phải về, trời sửa soạn tối rồi, Đông cũng phải ăn cơm nữa chứ.
- Không ăn cũng chả thấy đói.
- Vậy Đông nhịn tới khi Hạnh về nghe.
Thục chạy vội xuống nhà. Tôi rượt theo Thục hai đứa như đuổi bắt nhau trên cầu thang. Nhưng Thục tới trước tôi, nàng khoác áo mưa vào. Tôi nắm tay Thục lại:
- Tối nay Thục làm gì?
Thục nhắm mắt:
- Như thế đó.
- Nghĩa là gì?
- Ngủ, trời ơi, người ta đã nhắm mắt mà không biết.
Tôi cười. Thục vén lại mớ tóc. Thục ngó mấy cuốn vở tả tơi trên bàn. Tôi nói:
- Tối Thục chờ Đông mang vở tới đền cho nhé.
- Thôi Đông đừng ghé nhà buổi tối, sợ ông già lắm.
- Chứ làm sao, vở mới của Thục đã ướt hết?
- Ngày mai Thục ghé.
- Trưa, sáng, chiều hay tối?
- Trưa, chừng nào Hạnh về.
- Sáng sớm không được sao?
Thục nhăn mặt:
- Sáng sớm làm sao được, phải dọn dẹp nhà cửa nữa chứ bộ. Còn đi chợ, nấu cơm.
- Nhỏ Hiền không biết làm gì hết ả
- Biết chứ. Nó biết ngồi cười, ăn và chê đủ thứ. Nó chê Đông cù lần đó.
Thục bước ra cửa. Tôi dắt xe tới cho Thục. Mưa chưa tạnh hẳn, còn những hạt nước nhỏ, nhưng không làm sao giữ Thục được. Thục ngồi lên xe. Chiếc xe nhỏ. Thục nhỏ, dễ thương trong một buổi chiều trời sẫm tối. Tôi nghe những tiếng động trong bầu trời thấp, nặng nề hơi nước. Thục đạp xe chầm chậm ra cổng. Tôi dặn Thục:
- Nhớ mai tới nhé?
- Quên thì sao?
- Không có chuyện quên.
Thục cười. Tôi đẩy đằng sau xe Thục. Nàng cuống quít la tôi và đạp thẳng xuống đường. Chạy một khoảng xa biết tôi còn đứng nhìn theo phía sau lưng, Thục dừng lại đưa tay vẩy. Con đường vắng, mưa mù, hai bên đường cây lá xanh ngát, như muốn che lấp bóng Thục. Tuy nhiên tôi vẫn nhìn thấy nụ cười của Thục rạng rỡ trong những sợi mưa nhỏ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT