Tiếng chuông reo ngoài cổng, tôi biết dì Hạnh về. Ngọn đèn ngoài cổng đã bật, tôi ra bao lơn nhìn xuống và thấy bóng của dì Hạnh loáng thoáng qua màu lá xanh. Một khoảng vườn chìm trong bóng tối. Tôi chạy xuống nhà. Cái lối đi bỗng dễ thương như chờ đón những bước chân người đi xa về. Tôi mở cổng. Dì Hạnh bước vào với một nụ cười. Dì dúi vào tay tôi một gói giấy nói:
- Kem dừa đó, món mà Đông thích.
- Quà cho kẻ giữ nhà đấy phải không?
Dì tiếp tục cười:
- Đúng, nhưng không phải dì mua cho Đông đâu. Thục nó mua đấy.
- Cha cô bé tử tế dữ. Tôi kêu lên đầy ngạc nhiên.
Dì Hạnh tròn mắt:
- Sao gọi người ta là cô bé?
- Lý do rất dễ hiểu, Thục nhỏ hơn Đông.
- Nhưng Thục là bạn dì, Đông phải lịch sự.
- Dì khác, bạn dì khác. Nếu mình không bà con họ hàng, Đông cũng không ngần ngại gì mà chẳng gọi dì bằng hai tiếng "cô bé". Bởi hai tiếng ấy rất dễ thương như một đóa hoa nở trong vườn nhà mình vào buổi chiều tối.
Dì Hạnh thoáng nét bối rối và ngó quanh quất khu vườn. Tôi cười:
- Dì có nghe mùi hương của hoa trong vườn mới nở không?
- Có.
- Khi hoa nở là lúc đời sống có mùi hương đấy.
- Gớm, sao hôm nay Đông văn chương thế. Thục nó bảo Đông giống như một thi sĩ, tha hồ mà lên mặt nhé!
- Mỗi người con trai lớn lên đều là một thi sĩ. - Tôi đáp tỉnh rụi.
- Khi cậu ta biết nghe mùi hương hoa trong vườn và biết nhìn một tà áo dài con gái, đúng không?
- Dì Hạnh hôm nay cũng là một thi sĩ, nói chuyện văn học quá trời.
Tôi và dì cùng cười. Hình như có một ánh trăng vừa nhô lên trong bầu trời chưa tối hẳn. Hàng nhạc ngựa vẫn reo bên ngoài, con đường chạy qua nhà luôn luôn có tiếng hát. Một chút nữa, khu vườn nhỏ sẽ nhuộm vàng ánh trăng. Cây cỏ, hoa lá là trăng, những bức tường xám xanh, rêu mốc, cũng là trăng. Chút nữa tôi về, dì Hạnh sẽ ra mở cổng, cũng với một dáng người nhuộm vàng, thơm ngát ánh trăng lên. Có phải như thế không?
- Ăn kem của người ta cho đi Đông. - Dì Hạnh cười nói.
Tôi ngồi xuống bậc thềm, mở túi nilon lấy kem ra ăn. Tôi mời dì Hạnh:
- Dì ăn nữa chứ?
- Không, lạnh tê cả răng rồi.
- Thục có nói gì Đông không?
- Nhiều lắm, nó bảo hôm nay Đông có vẻ người lớn.
- Đông lúc nào mà chả người lớn.
Dì Hạnh cười khúc khích:
- Ngày trước Thục bảo trông Đông như một cậu bé con, chắc cậu phải đi học, có học, mới nên khôn.
- Thục làm tàng quá.
- Hai người bắt đầu "kình" nhau rồi - Dì Hạnh trêu.
- Chả đáng gì, Thục như một cô bé. Chắc cô bé phải học thêm nữa, vì đi học thêm nữa mới khôn.
Câu nói của tôi có vẻ gay gắt, cay đắng và... đau thấu tim thấu óc, làm dì Hạnh cười hoài. Và dì ngước lên trời, thốt ra tiếng reo vui vẻ:
- Ồ, đêm nay có trăng?
- Một đêm rằm, trăng đẹp tuyệt vời. Trăng hồn nhiên sáng và hồn nhiên cho ta mộng tưởng.
- Bây giờ Đông là một văn sĩ.
Tôi ăn hết kem, ném mấy chiếc hộp giấy lăn trên sỏi. Dì Hạnh cười:
- Hình như tối nay Đông có hẹn?
Tôi hơi ngượng:
- Cũng không phải là một cái hẹn.
- Nhưng chắc chắn phải đến, vì khi mình sai hẹn mình sẽ xót xa lắm.
- Dì chỉ đoán thế thôi chứ làm gì đến nổi.
- Nhìn vào mắt Đông thì thấy ngay, không giấu được đâu.
- Dì làm thầy tướng?
- Không, nhưng biết đâu rồi người ta sẽ nhờ dì làm bà mai. Ối dào, nghe to ơi là to.
Tôi đỏ mặt đứng lên. Dì Hạnh vẫn trêu tôi:
- Tới giờ rồi hả?
- Còn lâu lắm, vả lại dì đâu có biết Đông hẹn mấy giờ?
- Sao không, Đông nên nhớ người ta là bạn chân tình với nhau, nguy hiểm lắm à.
- Chả ngán.
- Cũng nên thử lại trái tim mình xem có lớn không. Chỉ sợ ngoài miệng nói như thế, chứ trong lòng đã run.
- Hôm nay dì ăn kem dừa nhiều hay sao mà miệng trơn quá vậy?
Dì Hạnh bỗng gục mặt xuống. Tôi biết dì bị chạm tự ái. Tôi biết dì không thích cái lối nói đùa độc ác của tôi như thế, nhưng tôi cứ nói, thích thú để nói, và để nhìn dì giận dữ. Cho nên tôi cười, tỉnh bơ.
- Đông đi nhé, chút nhớ mở cửa giùm.
Dì Hạnh im lặng dí dí những bước chân của mình. Khi tôi dắt chiếc xe đạp ra trên lối sỏi, dì cũng không nhìn lên. Dì nhìn ở đâu đó trên những đỉnh cây, hay ở một khoảng trời đang vàng ánh trăng. Và dì cũng có vẻ như lắng nghe tiếng reo của hàng cây nhạc ngựa ngoài đường. Tôi cười cười leo lên xe đạp thẳng ra cổng. Tôi co chân đá cánh cổng văng ra một bên, vọt thẳng. Tôi biết dì Hạnh đang ức tôi lắm và có lẽ một chút dì sẽ ngồi khóc một mình.
Tôi tới nhà Thục lúc đứa em nhỏ của Thục đang đứng nhai kẹo ngoài cổng. Một đứa bé gái khoảng mười hai tuổi, có hàm răng thật đẹp, tóc ngắn chấm vai, vừa nhai kẹo vừa nhìn tôi tắp xe vào cổng rào. Tôi ngồi trên xe, vịn song rào hỏi:
- Có chị Thục ở nhà không bé?
Cô bé hơi nhướng mắt, nhưng vẫn không ngừng nhai, đáp:
- Có, ở trỏng.
- Vào bảo với chị Thục có tôi tới tìm.
- "Tôi" là ai?
Tôi cười:
- Tôi là Đông, nói thế, Thục biết liền.
- Nếu không biết thì sao?
- Cô bé cứ việc tả hình dáng của tôi cho Thục biết.
Cô bé có vẻ thích thú khi nghe tôi nói như vậy. Cái miệng đã có vẻ ngừng nhai để tham gia vào câu chuyện một cách hăng hái hơn.
- Tả ông à, khó thấy mồ.
- Cứ tả như lần nào cô bé làm luận văn tả người vậy... nhưng mà lần này, ngừng nhai thì mới tả được, nhai hoài biến thành con thỏ không sợ sao?
Cô bé ngượng, bỏ chạy vào nhà. Tôi vẫn ngồi trên xe đạp vịn cổng rào chờ Thục ra. Hàng rào nhà Thục trồng toàn một loại cây gỗ tôi không biết tên, lá xanh mượt. Tôi nghe thoảng một mùi hương quen thuộc nồng nàn của một thứ hoa dại nép dưới chân rào. Cổng nhà Thục không thắp đèn. Tôi yên tâm không sợ ngượng ngập và yên lặng lắng nghe lũ vạt sành kêu rúc trong chân rào. Một lúc Thục đi ra với mái tóc búi cao bằng một chiếc khăn có hoa trắng lấm tấm. Thấy tôi, Thục mỉm cười. Tôi nói:
- Chờ hơi lâu ấy nhé!
- Ai bảo Đông không chịu vào nhà.
- Có ai mời đâu mà vào.
- Nhỏ em không nói gì cả sao?
- Nhỏ nói nhiều lắm, nhưng chuyện ấy thì quên.
Thục cười to hơn. Tôi xuống xe và bước vào sân. Thục đứng dưới những chùm lá xanh khuất dưới bóng đèn từ nhà hắt ra. Tôi đứng cạnh, nhưng dưới mấy bậc thềm.
- Đông vào nhà chơi.
- Nếu được ở ngoài này thì thích hơn.
- Ngoài này không có chỗ nào cho Đông ngồi cả.
- Mấy bậc thềm này cũng là một chỗ ngồi tốt chứ, có sao đâu.
- Sợ khách về, rồi khách rủa cả năm vì cho khách ngồi ngoài sân.
Tôi cười:
- Khách này dễ tánh và hiền khô. Chắc chắn không bao giờ dám như thế đâu.
- Nhưng dù sao cũng nên vào nhà. Có ông già ở trỏng, ngồi ngoài này ông ấy "gõ" chết.
- Thục sợ à?
- Sợ chứ, cây roi của ông lúc nào cũng sẳn sàng trên đầu tủ.
Tôi cười, bước vào nhà theo Thục. Lúc ngồi xuống ghế tôi hỏi:
- Nhỏ em tên gì?
- Hiền.
- Chả có vẻ gì là Hiền cả.
Thục cười. Những ngón tay Thục vân vê mép bàn. Phòng khách nhà Thục khá rộng. Trên cái máy may để ở một góc phòng có bình hoa cắm đầy hoa bất tử. Tôi biết loại hoa này rất hiếm ở đây, không biết Thục tìm đâu ra. Những cành hoa đã khô, nhưng bông thì vẫn còn tươi. Tôi thích những cánh hoa màu tím. Nó làm nổi bật những tấm voan cửa và làm tươi tắn thêm một chút cái màu áo xanh da trời của Thục. Bây giờ tôi mới biết Thục có một chiếc áo mặc ở nhà rất đẹp, và đúng là màu tôi thích. Thục búi tóc cao, trông gương mặt khác lạ, tròn, bầu bĩnh như gương mặt người thiếu nữ Nhật.
- Xong chưa Đông?
- Cái gì xong? - Tôi ngạc nhiên.
- Chuyện nhờ Đông đó.
Tôi làm bộ kêu à lên một tiếng đầy vẻ ngạc nhiên lẫn vui mừng. Đông ơi mi phải đóng kịch cho khéo, cho tài. Không thì lộ tẩy, mi chỉ có nước về quê mò ốc mà ăn. Tôi nói:
- Xong rồi, phá cho cuốn phim nó hư, trắng bóc, không rửa ra được một cái hình nào.
Một thoáng vui mừng hiện ra trong đôi mắt chớp nhanh của Thục. Nhưng Thục hỏi:
- Phim hư đâu?
Câu hỏi làm tôi rợn người. Nhưng tôi bình tĩnh được ngay.
- Phim hư thì quăng đi, giữ làm gì.
Tôi thấy ngay câu nói của mình không được ổn. Tôi vội nói thêm cho chắc ăn:
- Tôi quăng đại trong góc nhà, chắc hắn không tìm được.
- Nếu người bạn của Đông tìm được sao?
- Dĩ nhiên không có hình cho hắn rữa.
Tự nhiên tôi thấy câu chuyện có vẻ ngớ ngẩn, buồn cười. Tôi lờ mờ đoán biết Thục cũng hiểu đó chỉ là một cái cớ để có một buổi tối hôm nay ngồi nói chuyện riêng với Thục mà không có dì Hạnh ngồi bên cạnh. Tôi đưa mắt nhìn quanh, một tiếng động nhỏ cũng làm tôi e ngại. Tôi đang thắc mắc về một người đàn ông trong nhà này, thắc mắc về ba của Thục. Ông là một người đàn ông tóc muối tiêu, gương mặt dữ dằn hay hiền hòa vui vẻ. Nhưng ngồi một lúc lâu tôi vẫn không thấy có ai ngang qua phòng khách. Hiền cũng biến đâu mất, nhưng tôi hình dung được cái miệng nhai kẹo của cô bé. Tôi hỏi một câu thật vô duyên:
- Thục có thích nhai kẹo không?
- Thích.
- Không sợ sâu răng à?
- Không.
- Thục gan nhỉ?
Hiền bỗng bưng lên cho tôi một ly nước lọc có những vụn đá nhỏ. Tôi nói cám ơn và nhìn Hiền cười. Hiền chạy vụt đi, cái vẻ bướng bỉnh biến mất. Tôi nghĩ đến những viên kẹo ngọt trong chiếc miệng xinh xắn của Hiền.
- Hiền nó khôn hơn Thục nhiều.
- Thục mà khờ thì thiên hạ ở thế gian này chết hết.
- Thật đấy, Thục hiền khô.
- Cứ nói như dì Hạnh. Hai người mà hiền tôi không hiểu nổi.
- Hạnh ở nhà?
- Ở nhà và đang khóc.
Thục ngạc nhiên:
- Sao lại khóc?
- Đã bảo, tôi không hiểu nổi.
- Sống chung trong một căn nhà chắc Đông hay ăn hiếp Hạnh lắm nhỉ?
- Trời đất, ai bảo Thục thế?
- Thục nghĩ thế. Con trai bao giờ cũng ưng làm tàng một chút.
- Một chút thôi thì có sao đâu.
- Nhưng con gái thì vẫn hay tủi thân.
- Con gái sinh ra là để khóc. Trời còn thừa nước mắt sau những cơn mưa của trần gian nên cho hết vào mắt con gái.
- Đông nói chuyện hay ghê.
Tôi đỏ mặt. Lần đầu tiên trong đời mới được một người con gái khen ăn nói có duyên. Trong khi dì Hạnh vẫn bảo là tôi vô duyên nhất thế giới. Tôi sung sướng ngó Thục. Bây giờ tôi thấy Thục hiền, xinh xắn như một con cánh cam.
- Buổi tối Thục có thường đi chơi đâu không?
- Ít lắm, buổi tối thường buồn ngủ, do đó Thục thích ở nhà.
- Ngủ tới sáng?
Thục cong môi:
- Làm gì được như thế. Sáng sớm đã phải thức dậy pha cà phê cho ba, rồi học bài, ủi quần áo, sửa soạn đi học.
- Có bao giờ quên không?
- Không, ba kêu. Mà này, lạ lắm cơ. Ở ngoài cửa sổ phòng Thục có một khóm chuối, mỗi buổi sáng sớm khoảng năm giờ những tàu lá chuối hình như đều đập vào nhau tạo thành một âm thanh vừa đủ đánh thức Thục dậy. Nhỏ Hiền bảo đó là cái đồng hồ. Đông nghĩ có lạ không?
- Lạ, nhưng rồi tàu chuối ấy sẽ già đi và sẽ rụng chứ?
- Hôm qua Thục đã thấy chúng vàng cả rồi. Tự nhiên thấy buồn.
- Nghĩa là Thục đã biết thương đời lá.
- Có sao không Đông?
- Như vậy đã biết thương thêm một chút đời mình.
- Mình đáng ghét lắm, có gì đâu mà thương?
Nụ cười của Thục làm cho câu nói thêm tội nghiệp một chút. Tôi uống ly nước. Và biết mình sắp sửa phải ra về khi nhìn lên chiếc đồng hồ gắn trên bức tường nhà Thục.
Tôi đứng lên nói:
- Tôi về nhé!
- Đông về nhà ăn cơm à?
Tôi cười:
- Tôi ăn tới hai cái kem, no rồi. Chắc nhịn đói đến cuối năm được.
Thục đỏ mặt đứng lên tiễn tôi ra tới cổng. Tôi muốn đứng lại ở đây nói chuyện với Thục suốt cả đêm vì những chiếc lá đáng yêu như có cùng một hơi thở với tôi. Thục cũng không có vẽ gì muốn tôi phải ra về. Thục vẫn cười, vẫn như ngại ngùng dưới những chùm lá khuất lấp ánh đèn từ bên trong hắt ra. Tôi leo lên chiếc xe đạp, lòng hối tiếc một chút. Tôi quay lại cười, và nói:
- Nhà Thục có những cái hoa mới nở trong buổi tối thơm ghê.
- Sao Đông biết những cái hoa mới nở?
- Lúc nãy khi đến đây tôi không nghe mùi hương thơm lạ lùng như thế này.
- Biết đâu bây giờ khi Đông ra về hoa mới có mùi hương thơm.
Tôi cười, ngỡ ngàng. Tôi cũng muốn hiểu như thế lắm Thục ạ. Tôi đưa mắt tìm kiếm những cái hoa kia nhưng tôi không thấy được. Chắc chúng còn ẩn mình trong lá. Tôi nhìn quanh căn nhà như tìm cái vẻ quen thuộc để tạm biệt. Thục vẫn yên lặng nhìn tôi. Mắt Thục to, đen nhánh trong bóng tối. Tôi cười:
- Cho gởi lời chào Hiền nhé... Nhớ nói mai mốt tôi sẽ mua kẹo nhiều nhiều đến cho Hiền nhai.
- Chỉ có mình Hiền thôi sao?
- Cho cả Thục, nếu tôi nhớ ra.
Tôi thấy Thục bặm môi hờn dỗi. Tôi cười, đạp xe ra đường. Tôi đi hướng bờ sông, nhìn công viên với những hàng cây dương liễu cao vút trong bóng đêm. Tiếng sóng nghe âm u xa vời. Tôi vẫn hay ra ngồi ở bờ sông một mình nhìn những người câu cá. Và ngó qua bên kia một cái cồn xanh um cây cối. Tôi quen thuộc với những tấm bảng quảng cáo, những tấm bảng vẽ hình thiếu nữ đang cười, những hàng chữ nhiều màu sắc bao giờ cũng trông vui mắt, làm cho tôi đỡ buồn. "Mình về mình nhớ ta chăng, ta về ta nhớ hàm răng mình cười". Đó là hai câu thơ quảng cáo kem đánh răng, bên cạnh một cô nữ sinh ôm cặp cười thật tươi với hàm răng đều và bóng. Tôi lẩn thẩn không biết hằng ngày có bao nhiêu nữ sinh từ phía bên kia sông qua phà nhìn thấy hai câu thơ, thuộc lòng, và về nhà mua kem đánh răng. Tôi cũng bất ngờ nhớ những chuyến phà buổi sớm, đưa những tà áo trắng cả mặt sóng sang bên này. Lũ con trai chúng tôi yên lặng theo sau những tà áo trắng, đó là một cái thú của học trò mới lớn. Những đứa bạn cùng tuổi với tôi tha thiết chọn cho mình một buổi sáng và một tà áo để đưa đón nhau về trường rồi lặng lẽ với niềm vui. Thời gian với những mùa và thời tiết bắt gặp được trong tỉnh lỵ bình thản, u buồn và tôi thường nằm nghe tiếng sóng vỗ vào bờ đá những ngày nước lớn. Tôi không rõ mình đã lớn hay chưa. Năm nay tôi thi Tú Tài. Tôi mơ hồ thấy kỳ thi không ít thì nhiều cũng làm cho tôi khác hơn bây giờ. Nghĩa là tôi có những lo lắng, ưu tư. Sau ngày thi, chắc chắn tôi phải có nhiều thay đổi.
- Ê! Đông.
Tôi quay lại nhìn sang bên kia đường. Ẩn đang đứng cười, đưa tay ngoắt. Tôi quanh xe lại phía Ẩn. Nó tiến lại vịn ghi đông xe, nhìn tôi cười hỏi:
- Đi đâu đây?
- Tới đằng kia.
- Chỗ nào mới được chứ bạn?
- Nhà một người quen.
Ẩn cười khúc khắc:
- Biết rồi.
- Biết cái gì?
- Vào đây uống cà phê nói cho nghe. Rảnh không?
Tôi lật ngửa hai bàn tay, biểu lộ một cử chỉ nhàn rỗi:
- Rảnh, không biết đi đâu đây.
- Tốt, vào đây, tao đang ngồi một mình.
Tôi dắt chiếc xe đạp vào dựng trước cửa quán. Ẩn ngồi ở chiếc bàn trong góc khuất, dưới một cái đèn bóng gắn trong chụp tre. Ẩn đang châm một điếu thuốc. Tôi bước tới ngồi ghế đối diện:
- Uống gì?
- Cà phê sữa đá.
- Tiến bộ, cứ tưởng là một ly sữa nước sôi.
Tôi cười, Ẩn gọi cà phê cho tôi. Nó đưa bao thuốc. Tôi kéo lấy một điếu, châm lửa. Tôi hình dung ra gương mặt của dì Hạnh. Chắc dì Hạnh đang nhăn mặt.
- Nói chuyện nghe đi Ẩn?
- Chuyện gì?
- Lúc nãy mày nói cái gì?
Ẩn cười, gõ gõ cái máy quẹt xuống bàn:
- À, biết cậu tới nhà ai rồi.
- Nhà ai?
- Nhỏ Phiến.
- Không dám, nhỏ Phiến nếu tao không lầm thì có một cây si bén rễ ở trước cửa.
- Ai.
- Không phải là tao.
Ẩn đỏ mặt:
- Cậu vừa mới tới nhà nó.
- Phỏng đoán, lầm to rồi Ẩn ơi. Tao tới nhà khác. Phiến sức mấy mà chịu mở cổng tiếp tao trừ khi tao lãnh nhiệm vụ đưa thư giùm mày.
- Sao không?
- Đừng có đùa mà trong bụng như có mấy con dao đâm. Bạn bè, biết hết mà.
Ẩn đành phải cười, hỏi:
- Chứ mày tới nhà ai, có thể cho anh em biết tí được không?
- Không.
- Sao thế?
- Chưa cần, từ từ, với lại cũng chưa có gì.
- Mày lúc nào cũng có vẻ bí mật.
- Mồm miệng tụi mày cũng không vừa.
Cà phê mang lên. Tôi ngồi xoay xoay cái phin, chú ý tới những giọt cà phê đen quánh rơi xuống bên trong thành ly. Quán cà phê quen thuộc của bọn học trò đi thi ở tỉnh lỵ. Nó không sang trọng, nhưng ngon, nhạc kha khá. Nghĩa là có những bản nhạc nghe được. Quán không mang bảng hiệu chi cả.
Trong nhà có mấy cô con gái đi học rải rác các trường trong tỉnh. Và mỗi anh thích cô nào đặt tên cho quán cà phê bằng tên của cô chủ mà hắn ưa thích nhất. Tôi quen với Thủy, cô em giửa. Hôm nay lại không phải phiên Thủy bưng cà phê. Tôi đoán chắc Thủy đang học trên lầu.
- Ê! Thủy nó mới nhắc mày đó Đông ơi. Ẩn nói:
- Nhắc gì?
- Nó hỏi thăm tao trả lời không kịp. Nó bảo nó biết nhà mày. Hôm nào mời tới nhà chơi chứ?
- Tao chưa nghĩ ra điều đó.
- Sợ dì Hạnh của mày à?
Tôi không trả lời câu hỏi của Ẩn. Nó làm tôi buồn cười quá. Nhìn phin cà phê đang nhỏ từng giọt xuống ly, tôi nhớ những phin cà phê đã uống với dì Hạnh trong những đêm rất khuya thức học bài. Chờ cà phê xuống hết dưới đáy ly, tôi lấy phin ra, đặt xuống mặt bàn, dùng muỗng quậy đều rồi bỏ từng cục đá vào. Ẩn yên lặng thở khói thuốc nhìn tôi. Trong lớp tôi không thân lắm với Ẩn, nhưng cũng không có gì để phản đối nhau. Ẩn sống với người bà con bên này để đi học. Nhà Ẩn ở một quận lỵ cách xa tỉnh khoảng ba mươi cây số. Cuối tuần, thứ bảy Ẩn về nhà, chiều chủ nhật lại trở lên. Nhà Ẩn có vườn trái cây, nó rủ hôm nào cùng đi về vườn nhà nó ăn trái cây đang mùa. Tôi bỗng nhớ tới điều đó, và nói:
- Tao nhớ ra cái này, Ẩn.
Ẩn nhướng mắt:
-Nhớ gì?
- Hôm nào về vườn nhà mày ăn trái cây?
- Đi.
- Hôm nào?
- Thứ bảy tới.
- Không. Chủ nhật đi. Ở cả ngày, chiều về chắc lực lượng hơi Đông.
- Khỏi lo, càng đông càng vui. Nhưng có những ai?
- Không đông lắm, chỉ có vài người, mình tao với mày thì buồn quá. Phải không?
- Dĩ nhiên, mày cho tao danh sách đi.
Tôi nghĩ đến dì Hạnh và Thục, rất có thể thêm vài người bạn của dì Hạnh nữa. Tôi nói với Ẩn, nó cười. Một lúc nó làm tôi bất ngờ.
- Mày "mết" nhỏ Thục rồi, phải không?
- Tôi bối rối, dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn không trả lời. Tôi đánh trống lảng:
- Như thế được không?
- Cái gì mà không được. Chỉ có điều "phe ta" hơi yếu. Có hai mống, trong khi phe "địch" khá đông, mà gồm toàn những cái miệng đáo để cả.
- Mày khỏi lo, không ai dám bắt nạt mình đâu.
- Sao không kêu thằng Khôi?
- Nó đang có chuyện buồn, sợ không đi.
- Mày kêu chắc nó đi, tao nghĩ hai đứa mày thân nhau.
- Để xem, nhưng đi bằng cái gì?
- Không xa lắm, có thể đi bằng xe đạp cho vui.
- Ý kiến hay lắm, nhưng đi bằng xe gắn máy thì đỡ mỏi chân hơn.
Ẩn đùa:
- Lâu lâu mình tập thể thao một bữa. Biết đâu mai mốt thi rớt, mình làm cua rơ xe đạp.
Tôi cười. Ngày thi đối với tôi chỉ đáng lo âu một chút. Trong khi dì Hạnh ngày nào cũng thắt thỏm. Dì thức khuya hơn tôi nhiều: Có đêm tôi đi ngủ dì còn thức và đến khi tôi thức vẫn thấy dì còn ngồi học bài với bóng đèn làm nồng ấm khung cửa sổ lạnh. Tôi nghĩ những chấn song cửa sổ kia chắc bám nhiều hơi sương lắm, và cả hương hoa mới nở trong vườn nhà nữa. Tôi chỉ đi loanh quanh bên ngoài phòng, nhìn ánh sáng đèn phòng của dì Hạnh bên dưới rồi vào giường ngủ trở lại. Lúc đó tôi thấy nao nao buồn. Đêm mênh mông quá. Mênh mông như một chỗ nằm, mênh mông như ngày tháng. Tôi nói với Ẩn:
- Chút nữa tao lại thằng Khôi, mày đi không?
- Không, chút nữa tao về nhà. Về khuya phải leo cổng chán lắm.
Tôi và Ẩn im lặng nhấm nháp cà phê. Tỉnh lỵ này buồn tẻ quá. Nếu không có bọn học trò chắc là đìu hiu hơn nữa. Tôi nhìn những cục đá nhỏ tan dần, ly cà phê cũng vơi cạn theo. Tôi ra mắt cho Ẩn, nó bảo:
- Mày cứ về trước.
Tôi gật đầu đứng lên. Vừa lúc Thủy ra đứng trước quầy ngó tôi cười. Tôi bối rối với nụ cười đáp lại. Hình như Thủy định nói gì đó, nhưng tôi đã ra tới đường. Chiếc xe đạp đưa tôi đi lại một vài con đường củ. Đường vắng, bóng tối tràn đầy, lấn át ánh sáng thấp thoáng của vài ngọn đèn ở xa. Hương thơm của một con đường vắng hay là hương thơm của các thứ hoa trong vườn nhà hai bên đường tôi cũng không rõ. Tôi đạp xe chậm chạp vòng theo bờ hồ, vào một con ngõ đầy cây xanh để tới nhà Khôi. Tôi phải xuống xe, dắt qua một cây cầu nhỏ, bắc qua một mương nước, rồi đi dưới những chòm cây mận, cây sa bô chê thật thấp.
Khôi đứng ngoài thềm với ly nước. Trong khi Xuyên ôm con mèo nhỏ tựa cửa nhìn ra. Khôi lên tiếng khi thấy tôi:
- Đông hả, đi đâu mà tối thế?
Tôi dựng xe đạp ngoài gốc cây bước lên thềm đứng bên cạnh Khôi. Xuyên gật đầu chào tôi với nụ cười. Tôi cười hỏi:
- Chưa ngủ sao cô bé?
Xuyên hờn dỗi, kéo dài giọng nói:
- Anh Đông tưởng em ngủ như gà sao?
- Ai biết, hình như cô bé cũng tuổi con gà gì đó.
- Không chơi với anh nữa.
Và Xuyên ôm con mèo chạy luôn vào trong. Tôi cười quay lại với Khôi:
- Hôm nay đã hết buồn chưa, bạn?
Khôi cười nhẹ. Tôi hiểu Khôi không muốn nói gì thêm về chuyện đó. Tôi nói:
- Có cái này, mày đi chơi không?
- Đi đâu?
- Chủ nhật lên thăm vườn trái cây nhà thằng Ẩn.
Khôi nói ngay:
- Tao đang cần đi.
- Vậy có thêm mày nữa, nhưng đi chơi phải vui. Đừng mang cái mặt đưa đám chiếc lá vàng ấy nữa.
- Tao hết buồn rồi. Hơi đâu mà buồn. Sinh ra là phải chấp nhận những điều xảy tới cho mình.
- Đồng ý lắm.
Khôi thở hắt ra:
- Vào nhà chơi, mày:
- Thích đứng ngoài này. Tao mới vừa gặp Ẩn xong, nó ngồi ngoài quán cà phê.
- Sao không kêu tao?
- Tưởng mày đóng cửa gạo bài. Và ấp ủ nỗi buồn của mày như con gà ấp trứng.
- Có thể như thế, nhưng tao cũng khoái ngồi quán tán chuyện không đầu không đuôi cho đỡ sầu.
Tôi rủ Khôi đi bộ trong vườn. Tay tôi nắm rồi buông những nhánh cây mềm trong đêm. Một lúc tôi nói:
- Về thôi.
- Sao mới một chốc rồi về, tưởng mày ở chơi khuya chứ.
- Thôi về đi, bữa khác. Nhớ chủ nhật, sẽ gặp lại sau.
Khôi còn đang ngỡ ngàng, tôi đã dắt xe ra cổng. Tôi đấm Khôi một cái, nheo mắt nói:
- Đừng có buồn nữa, bạn hiền.
- Buồn gì đâu?
- Nhìn vào mắt mày tao thấy nhiều sao trời quá. Chối gì được.
Khôi cười. Tôi cũng cười. Tôi đạp xe rè rè qua khỏi con ngõ nhà Khôi. Tôi không biết Xuyên làm gì bên trong với con mèo nhỏ. Tôi quên gởi lời chào cô bé, chắc mai mốt tới lại giận. Tôi thân với Khôi và thân luôn với em gái của Khôi. Cô bé có một chiếc răng khểnh, cười hay nheo mắt, học cùng trường với dì Hạnh. Khôi vẫn thường khoe Xuyên lo cho nó được nhiều việc, như đi mua bao thuốc lá ngoài đầu phố, ủi giùm quần áo, dọn dẹp bàn học, đưa thư cho Nhàn. Tôi muốn bật cười. Nhàn, đứa con gái đã làm Khôi điêu đứng từ năm đệ tam. Tưởng đâu Khôi không đủ điểm để lên lớp, không ngờ nó ráng bò được đến năm nay thì hết hơi. Nhàn đã về quê, bỏ về quê năm nay để theo chồng. Trong khi Khôi đang hứa hẹn đạp nhằm vỏ chuối. Đứa con gái chưa kịp thi tú tài đã theo chồng có quá sớm không? Nhàn hãy còn bé lắm trước mắt tôi, và chắc chắn trước mắt của Khôi. Nhưng Nhàn đã lớn vụt hồi nào không ai hay. Nhàn theo chồng, cả trường ngẩn ngơ chứ không phải với vài đứa bạn bè và Khôi đâu. Tôi không hiểu gì về câu chuyện đó cả. Nhưng tôi biết Khôi đau buồn. Ai mà chẳng đau buồn, nếu một ngày nào đó tôi cũng phải đưa tiễn âm thầm một người con gái bỏ trường mà đi, không vì ai hết, chỉ vì một người xa lạ phất phơ nào đó tới từ ngoài cổng trường, tới từ ngoài cửa lớp. Tôi muốn khuyên Khôi hãy quên nhanh, để lo kỳ thi. Nhưng tôi chả biết khuyên Khôi thế nào. Lắm lúc với ý nghĩ, tôi có cảm tưởng mình là một ông già. Đêm nay tôi về với cái bóng của Thục lờ đờ phía trước mặt. Chắc chắn dì Hạnh sẽ điều tra tôi kỹ, nhưng tôi sẽ không nói gì cả. Tôi muốn im lặng để nghĩ rằng Thục đã thân thiết với tôi.
Hai bên đường cây lá như im ngủ. Nhà phố đóng cửa. Tôi đạp xe một mình. Những con đường tối, khuất ánh đèn. Tôi nhớ tới trường học, những giờ học trò đi học về, trên những con đường này, mù lá me tưới vàng từng góc phố. Nhuộm lên những tà áo trắng của đám học trò con gái. Tỉnh lỵ rồi một ngày nào đó sẽ tiễn đưa hết thảy những tà áo đó về những nơi xa lạ, để lại những gương mặt đầm đìa như Khôi. Tôi mỉm cười. Đêm nay tôi trở về nhà, gọi cửa, dì Hạnh ra mở cổng sẽ thấy tôi là một người đàn ông, một gã thanh niên chứ không còn là một cậu bé. Tôi đã biết những gì sâu kín nhất trong đôi mắt Thục. Tôi thấy cuống quýt khi nhìn vào đôi mắt đó.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT