Mọi người không biết Thiết Điệp đi đâu, Tâm Đăng cũng lấy làm lạ, chợt nghe thằng Tiểu Thạch hô hoán lên :
- Thơm quá... mùi gì thơm quá?
Tâm Đăng ngước đầu lên thì thấy Trì Phật Anh men về phía mình, từ mái tóc của nàng toát ra một mùi hương êm dịu, chàng khẽ gọi :
- Phật Anh...
Phật Anh cũng se sẽ hỏi lại Tâm Đăng :
- Độ rày mi vẫn mạnh giỏi?
Tâm Đăng gật đầu trả lời :
- Vẫn mạnh! Còn cô? Sao lâu quá không thấy đến viếng chùa?
Phật Anh liếc nhìn Lư Âu thấy bà ta đang trò chuyện cùng Cô Trúc, nên trả lời nho nhỏ :
- Bà già quỷ này ép ta luyện võ nên không rảnh đến thăm mi.
Tâm Đăng nghe thấy một mùi vị ngọt ngào dâng lên trong lòng mình, chàng bần thần ngắm nhìn vuông lụa đen che trên khuôn mặt của Trì Phật Anh một cách tò mò.
Phật Anh nói tiếp :
- Mi còn bao lâu mới hoàn tục?
Tâm Đăng giật mình, bởi vì chàng rất ghê sợ phải nghe đến hai chữ “hoàn tục” nên gắng gượng trả lời :
- Trung Thu năm tới.
Phật Anh co tay lên lẩm nhẩm tính ngày, đoạn nói tiếp :
- Đến khi mi hoàn tục thì chúng ta có thể tự do chơi đùa với nhau.
Mẩu đối thoại đến đây thì bị thằng Tiểu Thạch la lên cắt đứt :
- Chúng bay chuyện trò gì thế?
Câu nói của Tiểu Thạch làm cho Lư Âu ngoảnh sang và bà ta thét :
- Phật Anh trở sang đây?
Phật Anh lườm Tiểu Thạch một cái mắng :
- Đồ đần.
Rồi mới ngoan ngoãn trở về chỗ mình ngồi ban nãy.
Chưa kịp ngồi xuống thì một luồng gió từ bên ngoài thốc thẳng vào, và Thiết Điệp đã dừng chân bên bàn trong một nụ cười duyên dáng.
Hai tay bà thu trong ống tay áo một cách bí mật, Liễu Liễu hỏi :
- Lão Thiết, nãy giờ mi đi đâu?
Thiết Điệp trả lời :
- Rượu bây giờ chắc vừa miệng, mi hãy uống đi!
Liễu Liễu thò tay ra bưng ly rượu lên, quả thật bây giờ hơi rượu đã ấm áp, thật là vừa uống, ông bưng ly rượu lên nốc thẳng một hơi dài mà lòng nghi hoặc.
Vì ông ta không ngờ khí lực của Thiết Điệp lại mạnh mẽ dường ấy, có thể làm cho rượu sôi lên, chợt nghe Thiết Điệp văng vẳng nói bên tai :
- Ta vừa vào Bố Đạt La Cung luận kinh với viên trụ trì...
Tâm Đăng nghe nói cả kinh thất sắc, chú không bao giờ tin rằng với một khoảng thời gian ngắn ngủi đó mà Thiết Điệp đã đi đến Bố Đạt La Cung luận kinh với trụ trì rồi trở về trong nháy mắt.
Chính những tay kỳ lão trong làng võ có mặt hôm nay thảy đều không tin, Lư Âu trợn mắt ngờ vực hỏi :
- Mi đến Bố Đạt La Cung chắc không tay trắng mà trở về, mi giấu gì trong ống tay áo đó đưa ra xem.
Thiết Điệp từ từ rút tay ra, thì ra đó là một dải lụa bạch, bên trên có những dòng chữ của trụ trì Bố Đạt La Cung.
Mọi người ghé mắt nhìn xem, quả thật đó là một đoạn kinh trong “Hành Tông Luận”, dòng chữ còn mới rành rành, óng ánh hơi mực vẫn còn chưa ráo.
Mọi người thấy vậy thảy đều tin chắc, bàn tán xôn xao về cái thuật khinh công tuyệt vời của Thiết Điệp.
Thiết Điệp lộ vẻ phi thường đắc ý, bà liếc nhìn Lư Âu lúc bấy giờ đang hậm hực cắn chặt vành môi méo mó.
Bỗng Lãnh Cổ đứng phắt dậy nói rằng :
- Bây giờ mới đến lượt ta đây...
Chợt nghe Lư Âu thét lên lanh lảnh :
- Mi nhường cho ta.
Nói rồi trợn mắt bước ra.
Bà thò bàn tay khẳng khiu của mình ra, năm ngón tay quấu chặt lại như vấu ó, bà chộp lấy một con cá trong đĩa, rũ mấy cái cho sạch nước, đoạn nói rằng :
- Ta lười biếng lắm, ta không muốn đi xa để xin chữ của lão hòa thượng, vậy xin mượn con cá này để biểu diễn một trò mọn.
Thiết Điệp biết bà ta cố ý muốn nói móc mình, nhưng không lộ ra ngoài sắc mặt, chỉ chờ cơ hội mới trả lại một đòn đích đáng.
Lư Âu vừa dứt lời búng nhẹ hai ngón tay, thế là con cá bay bổng lên hơn một trượng rồi mới rơi trở xuống.
Chính vào lúc con cá còn cách mặt đất chừng bảy tám thước, thì bỗng thình lình Lư Âu thò bàn tay hữu ra.
Thế là con cá kia dường như bị buộc vào một sợi dây treo lơ lửng giữa từng không, rồi quay lên lông lốc, càng quay càng nhanh, rốt cuộc tỏa ra một làn ánh sáng trông thật đẹp mắt bao quanh nó.
Thế rồi con cá vô tri đó tùy theo chiều hướng bàn tay của bà Lư Âu điều khiển mà khi lên khi xuống, thoạt tả thoạt hữu, bay nhảy giữa từng không một cách linh động vô cùng.
Chợt nghe Lư Âu khẽ nạt :
- Lấy thịt cá cho chim ăn chơi.
Dứt lời bà ta đẩy mạnh bàn tay hữu ra, một làn hơi tạt mạnh lên trần nhà, và lạ lùng thay con cá kia vẫn không bị hơi gió tạt của Lư Âu mà bay đi.
Nó vẫn nằm im chỗ cũ mà quay cuồng lông lốc, duy chỉ có màu sắc tươi đẹp ban nãy là lần lần ngả sang màu trắng, xám... rồi trắng tươi.
Chúng anh hùng nhìn kỹ bất giác bội phục vô cùng.
Thì ra thịt cá lúc bấy giờ đã bay đi mất, chỉ còn thừa lại một chiếc xương cá trắng tinh đang quay lông lốc.
Chỗ khéo của môn chưởng lực này là ở chỗ dùng sức mạnh để bóc hết thịt cá mà không làm thương tổn đến xương cá, đến con người như Cô Trúc mà cũng tấm tắc khen thầm, ông tự bảo với mình :
- Đây là Lương Tương chưởng lực của bà ta.
Vừa nghĩ đến đây thì Lư Âu giơ bàn tay tả ra vẩy mạnh một cái, miếng xương cá lập tức bay về trong đĩa.
Mọi người thảy đều khen dậy, Trì Phật Anh vỗ tay reo lên :
- Sư phụ phải truyền môn nghệ thật này cho con để con bóc thịt cá.
Lúc bấy giờ đã vào khoảng canh tư, Cô Trúc thấy đã luân đến phiên mình, vội đứng dậy nói :
- Để ta ra ngoài kia bách bộ một chút!
Nói rồi mình đi ra ngoài.
Trong một loáng mọi người bỗng nghe có tiếng chim én kêu inh ỏi, thảy đều lấy làm lạ và Cô Trúc đã tươi cười bước trở vào.
Người ta thấy cách trên đỉnh đầu ông ta chừng nửa thước có chừng mười mấy con chim én lượn chung quanh.
Mặc dù chúng nó cố gắng vùng vẫy nhưng không thể nào bay thoát ra khỏi phạm vi năm thước.
Mấy người trẻ tuổi thấy vậy reo cười ầm ĩ, Cô Trúc cười rằng :
- Ta bắt én về cho chúng bay chơi.
Câu nói chưa dứt thì mười mấy con chim én bỗng thình lính mất hết dẫn lực tung cánh bay nhảy khắp nhà.
Cô Trúc chỉ vào bầy chim én mà nói :
- Trong vòng mười tiếng ta sẽ bắt mười con chim én này trở về, nhưng mười ngón này thảy đều sử dụng giữa không trung, nếu nửa chừng mà ta rơi trở về mặt đất kể như ta thua.
Dứt lời, Cô Trúc ngửa mặt nhìn lên, thấy mười con chim én bay lung tung tản mác khắp mọi nơi.
Bỗng nhiên Cô Trúc cất lên một tiếng hú thật dài làm kinh động những người trong gian nhà đá.
Tiếp theo tiếng hú, thân hình của ông ta bắn lên như một mũi tên trong cái thế Bổ Phong Tróc Ảnh, và người ta thấy có một con chim én lọt vào bàn tay của lão.
Tiếp theo đó, thân hình của lão như một người phi hành giữa không trung, khi tả khi hữu, lúc đông lúc tây, xa trông dường như một áng mây mờ bay lững thững.
Cứ mỗi một lần thay đổi một thế võ là mỗi một lần ông ta lấy đó làm điểm tựa để cho thân hình cứ đảo qua đảo lại giữa từng không.
Mỗi một thế võ đều là một đòn danh chấn giang hồ, làm cho ai nấy phải tấm tắc ngợi khen.
Trong chớp mắt, mười đòn đã dứt và ông ta mới la đà rơi trở về mặt đất.
Người ta thấy ông cười niềm nở, xoè hai bàn tay ra, trong mỗi lòng bàn tay có năm con chim én đang chớp cánh cựa quậy muốn bay lên mà không tài nào bay nổi.
Lão ta buông ra một tràng cười khoái chá và bảo :
- Thôi... cho chúng bay về với tự do.
Nói đoạn đưa nhẹ hai bàn tay ra cửa, và mười con chim én tức khắc mất hết dẫn lực và bay vù vù ra cửa.
Lúc bấy giờ phương đông đã dần dần hửng sáng, và mọi người đều phải đứng dậy đề nghị giải tán buổi liên hoan.
Bệnh Hiệp lấy mắt ra dấu cho Tâm Đăng lấy một tấm giấy đưa ra để trước mặt mình, mọi người còn đang ngơ ngác, chưa hiểu đầu đuôi thì Bệnh Hiệp khẽ dùng mi mắt của mình động đậy nhè nhẹ.
Đến khi Bệnh Hiệp mở bừng mắt ra thì trên tấm giấy đã bị soi thủng một hàng chữ :
“Đa tạ chư vị”.
Việc này làm cho mọi người lấy làm lạ, vì rằng một người mang bệnh sắp sửa lìa đời kia lại còn đủ công lực để dùng nội công soi thủng những chữ này.
Tâm Đăng và Khắc Bố ôm lấy Bệnh Hiệp mà nước mắt rơi tầm tã!
Thế rồi buổi liên hoan giải tán trong khi bình minh ló rạng, và trong ngôi nhà đá lạnh lùng kia chỉ còn lại một mình Bệnh Hiệp và Khắc Bố.
Bệnh Hiệp thở một hơi dài ảo não, từ từ khép đôi mắt của mình lại.
* * * * *
Ánh trăng thu bàng bạc chiếu khắp Bố Đạt La Cung, lúc bấy giờ trong chùa đã vắng bặt tiếng kinh. Đó đây im lìm lặng lẽ.
Tâm Đăng học ôn lại võ công của ba phái rồi, nghe thấy tinh thần của mình sáng suốt lắm, chú ngồi xuống trên một chiếc ghế đá, đưa tay chống cằm mà ngắm vầng trăng lạnh.
Chú nghĩ :
- Khi trăng mùa thu hiện lên là ta sẽ phải hoàn tục! Và ta sẽ phải hoàn thành nhiều việc... và ta phải lo việc của ta, là tìm cho ra nguồn gốc, cha mẹ ta là ai?
Chắc họ không phải là người Tây Tạng, vì nếu họ là người Tây Tạng thì họ đã tới thăm ta.
Tâm Đăng nghĩ đến đây, bất giác vô cùng kinh hãi, lẽ ra việc sống chết với chú không ăn nhằm gì, nhưng mà mỗi khi nghĩ đến cha mẹ đã chết đi, không thể đến thăm mình, chú bất giác ứa ra vài dòng nước mắt.
Còn đang bùi ngùi than thở, chợt thính giác báo cho chú biết có một người vừa phóng qua, làn gió nghe có vẻ gấp lắm.
Tâm Đăng lặng lẽ khinh công đuổi theo bén gót, bóng đen có vẻ hơi thấp đang chạy về hướng Kim Nga điện. Bóng đen nấp bên ngoài nghe ngóng rồi nhảy vào trong điện. Tâm Đăng nhẹ nhàng đến bên cửa sổ dòm vào. Té ra bóng đen đó là Vô Danh lão nhân.
Lão ta mặt mày hầm hầm sát khí đương đưa chưởng lên bức bách một người mà mới thoạt nhìn Tâm Đăng vô cùng sửng sốt, đó là Tạng Tháp, vị đại sư trụ trì của Tâm Đăng.
Bỗng nghe Vô Danh lão nhân cất tiếng lạnh lùng :
- Tạng Tháp! Nếu mi muốn sống thì hãy đưa Tàm Tang khẩu quyết cho ta, còn nếu không ta giết mi tức khắc.
Tạng Tháp khẽ nói :
- Quyển sách này do một người theo đạo nhà Phật là Tàm Tang Tử viết ra, ông viết với một thiện chí, không ngờ Phật tử lại lạm dụng nó để làm điều xằng bậy.
Bây giờ ta thu hồi mà trả về cửa Phật, thí chủ xem ta làm như thế có phải hay không? Nếu phải thì đừng cản trở.
Không biết Tạng Tháp quả có thật lòng, hay là ông ta đóng kịch, nhưng mà giọng nói của ông ta thật chân thành và cảm động.
Tâm Đăng nghe nói, máu nóng nổi lên bừng bừng, tự nói với mình :
- Nếu vì lý do này mà Tạng Tháp không chịu trao quyển sách này ra thì thật là đáng phục.
Vô Danh lão nhân trầm ngâm nghĩ ngợi đoạn nói một câu sắc lạnh :
- Nếu mi đã có lòng tốt thì cớ sao lại tạo ra một quyển sách giả để hại Y Khắc?
Tạng Tháp nghe hỏi, thẹn đỏ bừng sắc mặt, lớn tiếng nói rằng :
- Y Khắc là một người dưới tay ta, nhưng lại gian ngoan xảo quyệt, không trung thành với ta nên ta cho nó một bài học.
Câu nói của Tạng Tháp chưa dứt thì Vô Danh lão nhân đã cười khan mà cắt đứt :
- Tạng Tháp... Mi thật là giỏi nói, Y Khắc đã chết rồi thì ai chứng kiến việc này... Ha ha...
Sắc mặt của Tạng Tháp càng ngày càng khó coi, ông ta nói nho nhỏ :
- Ta là người trong cửa Phật, ta cần làm sao cho tâm tính được bình tĩnh, ngoài ra không thiết việc gì nữa.
Tâm Đăng lấy làm lạ tự hỏi mình :
- Thế là thế nào? Phật đã bảo phổ độ chúng sinh chứ không có bảo mình chỉ giữ toàn vẹn lấy mình mà thôi!
Về phần Vô Danh lão nhân bị mấy câu nói của Tạng Tháp làm cho nóng giận, ông ta hỏi với vẻ quyết liệt :
- Vậy thì... Hòa thượng bây giờ mi nghĩ sao?
Tạng Tháp biết rằng công lực của mình kém lão già này xa lắm, nhưng khi lão ta nhớ đến lão già này sẽ lấy được quyển thiên hạ đệ nhất kỳ thư trong lòng mình đây, thì máu nóng sôi lên sùng sục, ông ta tự nói với mình :
- Ta rơi vào biển khổ đã lâu thì cứ hãy đắm chìm trong biển khổ! Dù chết, ta cũng không trao quyển sách này ra... Vạn bất đắc dĩ ta hủy bỏ quyển sách.
Nghĩ đến đây, đã định, nên trong lòng Tạng Tháp cảm thấy bình tĩnh hơn ban nãy, ông ta thò tay ra thủ một thế cực kỳ hóc hiểm đoạn nói rằng :
- A di đà Phật, quyển sách này bần tăng nhất định chẳng trao ra...
Vô Danh lão nhân nghe nói, đôi mắt trợn trừng, tóc tai dựng ngược.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT