Mới sáng mà tại Điền Trang của nhà họ Chu ở Trương Châu đã khá đông cao thủ đứng bên ngoài.

Đó là một khu đất rộng xung quanh có nhiều cây cối mọc um tùm. Một ngôi nhà lớn, được xây dựng chắc chắn. Tọa lạc ngay chính giữa khu vườn với hai cánh cửa bằng gỗ dầy mà thời gian đã làm ngả màu đen bóng lúc nào cũng đông người. Do vậy mà hồi vẫn còn ở trên núi, Ân Thiên Trọng và Tạ Vân Hùng thường tỏ ra ghen tỵ với Chu Đại Cẩm.

Thái Ất đạo nhân biết tất cả những điều ấy. Song, bản thân lão lúc nào cũng mong muốn ba gã đệ tử của mình lúc nào cũng hòa thuận trong tình đồng môn, tương thân tương ái nên trước lúc qua đời, lão Chân nhân gọi ba đệ tử đến dặn rằng :

- Các con đã theo ta gần hai chục năm. Kể về võ công thì cũng tạm đủ để thi thố với đời. Song thật đáng tiếc...

Lão nói đến đây bỗng ngừng lại một chút rồi khẽ thở dài :

- Điều mà ta tâm đắc nhất suốt cả cuộc đời thì chính ta lại chưa làm được...

Chu Đại Cẩm nghe thấy thế vội vàng nói :

- Thưa sư phụ.. Tại sao trước đây sư phụ chưa bao giờ nói với chúng con điều đó. Việc đó là việc gì vậy? Xin sư phụ hãy cho chúng con biết dù chết cũng chẳng dám từ nan...

Thái Ất Chân nhân buồn bã thở dài :

- Chuyện chẳng có gì quan trọng cả. Sở dĩ ta không muốn nói vì muốn tự mình khám phá... Các ngươi có nghe nói đến Kỳ thư... “Mai Hoa phổ” chưa?

- “Mai Hoa phổ” ư? - Cả ba đều đồng thanh kêu lên.

- Phải...

Thái Ất Chân nhân chậm rãi nói :

- Đó là tuyệt kỹ võ công của một kỳ nhân, nguyên trước kia là một môn đồ của phái Thiếu Lâm là Phổ Hiền đại sư...

- Thưa sư phụ! Tại sao lại nói “trước kia” không lẽ Phổ Hiền bị khai trừ khỏi môn phái?...

- “Đúng thế, cách đây hơn một trăm năm, Phổ Hiền đại sư là một đệ tử của chùa Thiếu Lâm nhưng chỉ giữ một địa vị hết sức thấp kém. Theo luật lệ ngàn xưa, ngoài võ công bổn môn các môn đồ không được phép tập luyện bất cứ một môn võ công nào khác, nhưng để mở mang khai sáng làm rạng rỡ môn phái, các nhà sư có đẳng cấp cao có quyền nghiên cứu và phát triển võ thuật của bổn môn trên cơ sở những thế võ đã có trước. Mặc dù địa vị tầm thường song với lòng say mê võ học, Phổ Hiền đã nhiều năm trời nghiền ngẫm các pho võ công của Thiếu Lâm như: Thập Bát La Hán quyền, Phục Hổ quyền...

Đại sư đã nhận thấy rằng dù các món võ công ấy có cao thâm đến đâu chăng nữa song võ học bao la nên không sao tránh khỏi những khiếm khuyết. Đại sư định bụng rằng khi nào thành công sẽ trình lên Phương trượng Chưởng môn là Trí Huệ thiền sư biết.

Một hôm vào lúc nửa đêm Phổ Hiền đại sư trong lúc đi quanh chùa thì bỗng nghe có tiếng đập cửa. Đêm hôm ấy, trời lại mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm nên thính lực phải thật là ghê gớm mới phát hiện được tiếng đập đó. Phổ Hiền trong lòng nghi hoặc và tự nhủ :

- “Quái lạ đêm hôm mưa gió thế này mà lại có người gõ cửa chùa thì thật là lạ lùng”.

Đại sư cố lắng tai nghe thì quả thật ngoài tiếng đập cửa yếu ớt lại còn có tiếng thở rất gấp gáp của một người nào đó dường như bị trọng thương thì phải. Phổ Hiền bước nhanh ra rồi hé mở cánh cửa. Bên ngoài trới tối đen nhưng nhờ ánh chớp nhằng nhịt lóe lên nên Phổ Hiền trông rõ đó là một nữ nhân đầu tóc rũ rượi ngực đây máu hiển nhiên là đang bị thương trầm trọng. Thấy cánh cửa bỗng hé mở nữ nhân vô cùng mừng rỡ rồi vội thều thào nói khẽ :

- Xin đại sư mở lòng từ bi... cứu mạng...

Phổ Hiền hết sức ngạc nhiên rồi hỏi :

- Thí chủ! Sao lại bị đến nông nỗi này!

- Tiểu nữ bị... địch nhân đả thương... nên buộc lòng phải trốn lên đây nên phiền đến đại sư! Mong đại sư...

Phổ Hiền trong lòng nghi hoặc vô cùng. Vốn là nhà tu hành chân chính nên đại sư đâu có thể hiểu được những ngoắt ngóeo trong giang hồ, nên trong lòng cảm thấy phân vân khó xử. Đạo Phật lấy từ bi làm gốc song đêm hôm khuya khoắt, kẻ bị thương lại là một nữ nhân. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”

Suy nghĩ một hồi lâu rồi Phổ Hiền ngập ngừng nói :

- Xin nữ thí chủ cảm thông cho nỗi khổ bần tăng... Bần tăng không có quyền cho người lạ vào chùa...Hơn nữa giới luật của bổn tự rất là nghiêm ngặt... Nếu như... nếu như... vào ban ngày bần tăng có thể vào bẩm báo cùng Phương trượng Chưởng môn để người định liệu... đằng này...

- Ha.. .ha... - Nữ nhân bỗng bật lên tràng cười yếu ớt - Té ra chùa Thiếu Lâm dang vang bốn bể hóa ra chỉ là lời đồn hão mà thôi...

- Sao nữ thí chủ lại phát ngôn bừa bãi như thế - Phổ Hiền điềm tĩnh nói - Bần tăng... quả thật không hiểu...

- Có thế mà cũng không hiểu ư? - Nữ nhân cười nhạt nói - Ta bảo: Chùa Thiếu Lâm chỉ toàn là những hạng tầm thường. Không xứng đáng là kẻ tu hành...

Phổ Hiền không chút giận dữ. Đại sư chấp hai tay lại rồi nói giọng từ tốn :

- Thiện tai! Thiện tai! Bần tăng quả thật đầu óc hãy còn tăm tối dốt nát nên không hiểu được ẩn ý cao siêu của thí chủ. Xin thí chủ vui lòng giải thích thêm cho bần tăng có được hay không? Bần tăng chỉ biết chấp hành giới luật: Tuyệt đối không được giao tiếp với nữ nhân... Hơn nữa...

- Giới luật! - Nữ nhân mỉa mai nhắc lại - Đại sư là người tu hành há lại không biết: đạo lý của nhà phật là “Từ bi hỷ xả” hay sao? Đạo phật lấy chữ “Nhân” làm trọng một con kiến cũng là một chúng sinh huống chi lại là một con người. Không lẽ đại sư không thấy rằng cứu được một người là thêm một phước đức hay sao?

- Tất nhiên... Tất nhiên là vậy. - Phổ Hiền ấp úng nói. - Nhưng vào lúc này chỉ có một mình bần tăng và nữ thí chủ e có gì bất tiện...

- Đã là bậc tu hành sao đại sư lại còn câu nệ những điều tầm thường như vậy. - Nữ nhân mệt nhọc nói - Chỉ kẻ nào trong tâm có “tà ý” thì mới nảy sinh định kiến mà thôi? Đại sư sao lại còn tị hiềm nam nữ...

Phổ Hiền giật mình nghĩ thầm :

- “Mình vào chùa đã bao lâu nay, mà một điều tưởng chừng đơn giản như thế mà cũng không thể hiểu nổi, thật đáng hổ thẹn!”.

Nghĩ như vậy song đại sư vẫn trầm tĩnh nói với nữ nhân :

- Đa tạ thì chủ đã chỉ dạy cho bần tăng. Vậy thì... bần tăng nào dám chối từ...

Nói xong Phổ Hiền cúi xuống bế xốc nữ nhân lên vai rồi bước nhanh vào chùa. Nữ nhân vì quá yếu ớt đã gục lên vai đại sư. Phồ Hiền khẽ đặt thiếu phụ nằm xuống trong trại phòng của mình rồi cúi xuống xem xét vết thương trên ngực. Đại sư lúc này chỉ chuyên tâm vào việc chữa trị nên đâu có để ý gì đến làn da trắng như tuyết và đôi gò bồng đảo đang phập phồng theo nhịp thở.

Dường như nữ nhân trúng phải một chưởng lực gì đó thật kinh hồn, toàn thân bầm tím trông thật dễ sợ. Phổ Hiền ngồi xếp bằng bên cạnh nữ nhân, điểm nhanh vào chín huyệt đạo để cầm máu rồi đặt ngón tay trỏ vào huyệt Đản Trung là huyệt hội của “khí” nằm trên nhâm mạch. Chừng một khắc sau toàn thân của nữ nhân đã hồng hào trở lại, trong khi đó làn khói trắng trên đỉnh đầu nhà sư bốc lên mỗi lúc một dày đặc.

Lúc ấy trời đã gần sáng, bỗng vang lên tiếng quát tháo ầm ầm ở bên ngoài cổng chùa. Một thanh âm nghe chói tai của một hán tử cất lên, kèm theo tiếng đập “bình bình” vào cửa :

- Cái lũ trọc, giờ này vẫn chưa dậy sao? Các người mà không mở cửa thì đừng trách ta không báo trước!

Cánh cổng chùa hé mở. Một nhà sư nhỏ bé bước ra giọng nhỏ nhẹ :

- Mới sáng sớm mà thí chủ đã gây huyên náo, không sợ kinh động tới Phật tổ sao?

- Thật tức cười quá! Dư Đại Hổ này từ xưa đến nay có biết sợ gì ai! Ta đến đây để tìm người! Các ngươi dấu y ở đâu thì khôn hồn mang nộp ra đây. Nếu không, họ Dư này quyết không để yên đâu!

- Xin thí chủ đừng có nóng tính thế. - Nhà sư ôn tồn nói - Bổn chùa chưa từng làm điều gì khuất tất bao giờ cả.

- Chẳng hay thí chủ định kiếm ai vậy!

- Ngươi đừng làm bộ tịch nữa, mau gọi Phương trượng ra đây cho ta hỏi chuyện!

- Quyết không thể được! Bần tăng xin nói rõ: trong chùa không có bất cứ một người lạ nào cả. Thí chủ nên đi tìm chỗ khác thì hơn.

- Nói láo! Ta đã theo dấu thị chạy lên đây thì lầm làm sao được.

Gã nói xong toan lách mình vào cửa nhà sư vội la lớn :

- Bần tăng xin thất lễ.

Nói rồi chân trái nhà sư bước lên một chút chân phải đưa ra thành bộ chũ “Nữ” tay trái co lại nơi thắt lưng rồi vung quyền phải đánh ra. Đó là chiêu “Bạch Xà Xuyên Hoa” rất là dũng mãnh.

Hán tử nọ cười nhạt quát lớn :

- Ngươi dám ngăn cản ta sao? Thử xem ngươi có làm nổi hay không?

Gã xoay người bước nhanh chân trái lên hai bàn tay xòe ra sử dụng chiêu “Song Đao Trảm Xà” chém vào xương tỳ bà của nhà sư. Gã xuất thủ cực kỳ mau lẹ suýt nữa đã đánh trúng vai nhà sư, ắt hẳn xương cốt phải gẫy vụn vì kình lực phát ra mạnh vô cùng. Nhà sư kinh hãi vô cùng không ngờ mới có chiêu đầu mà Dư Đại Hổ đã sử dụng một cách tàn ác như vậy. Lão vội hạ thấp người xuống để tránh né đòn dùng chưởng tâm tay trái đánh mạnh lên đó một chiêu gọi là “Mãnh Hổ Phục Địa” một tuyệt kỹ của Thiếu Lâm quyền pháp.

Dư Đại hổ cười nhạt. Gã ngang nhiên tiến lên một bước rồi bất ngờ tung chân phải ra chiêu “Liên Hoàn Uyên Ương Thoái” đá mạnh vào ngực nhà sư.

Cú đá nhanh đến nỗi nhà sư không kịp phản ứng chỉ nghe tiếng “rắc” khô gọn hiển nhiên ngực nhà sư đã bị bể nát rồi. Nhà sư ôm ngực ngã bật ngửa về phía sau lăn lộn dưới đất. Dư Đại Hổ toan bước vào thì ngay lúc đó xuất hiện tam sư mặc áo vàng, đi đầu là một người cao tăng mặt đỏ như chu sa, cổ đeo một chuỗi hạt to tướng, nước đã lên màu đen bóng. Cạnh lão là nhà sư cao và gầy, cặp lông mày bạc trắng phủ dài xuống mắt tay phải cầm một cây thiền trượng có trạm trổ nhiều nét tinh vi. Nhà sư cao gầy quát lớn :

- Thí chủ là ai mà dám cả gan đột nhập tới đây đả thương đệ tử của bổn môn?

Dư Đại Hổ cười nhạt không trả lời vào câu hỏi :

- Tưởng Thiếu Lâm công phu ghê gớm thế nào, thật ra chỉ là tiếng đồn mà thôi.

- Phải. - Nhà sư mặt đỏ chính là Trí Huệ thiền sư chậm rãi nói - Gã đệ tử của bần tăng quả thật không phải là đối thủ của thí chủ đâu. Phải chăng thí chủ là Hắc Dạ Xoa Dư Đại Hổ đó không?

- Hân hạnh! Hân hạnh! - Dư Đại Hổ cười sằng sặc. - Tên tuổi của kẻ hèn này mà đại sư cũng biết đến thì thật là vinh dự cho Dư mỗ này lắm rồi. Vừa rồi gã đệ tử của đại sư có vô lễ với tại hạ nên Dư mỗ này có hơi nóng tính một chút mong đại sư thứ lỗi cho.

- Đừng có huênh hoang như vậy. - Nhà sư ốm là Viên Tĩnh Thủ tọa La Hán đường bỗng nhiên nổi giận. - Không lẽ Thiếu Lâm không còn ai nữa hay sao?

- Đừng hiểu lầm. Đừng hiểu lầm. - Dư Đại hổ xua tay nói. - Tại hạ lên đây chỉ cốt tìm người thôi. Chỉ mong đại sư trao trả y cho tại hạ là xong?

- Tìm người? - Trí Huệ thiền sư nhướng cặp mắt lên. - Làm gì có chuyện ấy được. Thí chủ không lầm lẫn đấy chứ? Bần tăng xin cam đoan không có một người lạ mặt nào ở đây cả.

- Thật là đáng tiếc. - Dư Đại Hổ nhếch mép cười ác độc. - Không lẽ đại sư là nhà tu hành mà lại nói dối thế sao. Thế thì đây là cái gì.

Gã nói rồi chỉ tay vào vết máu trước cổng chùa.

- Lạ thật, lạ thật? - Trí Huệ thiền sư chau mày. - Điều đó bần tăng quả thật không hề biết. Thí chủ hãy đợi một chút.

Lão quay sang nói với Viên Tĩnh :

- Ngươi hãy vào chùa xem coi có gì lạ hay không?

Viên Tĩnh tuân lệnh. lão xem xét kỹ lưỡng từng nơi một song không phát hiện được gì cả. Chợt lão thấy căn phòng phía cuối của Phổ Hiền mặc dù trời đã sáng nhưng vẫn còn le lói ánh đèn. Viên Tĩnh chạy lại vào và lão sửng sốt há hốc cả miệng ra không nói được một lời nào cả. Bên trong Phổ Hiền đang ngồi xếp bằng bên cạnh một nữ nhân thân thể lõa lồ. Điều làm Viên Tĩnh ngạc nhiên hơn cả là Phổ Hiền chỉ là một nhà sư coi Tàng Kinh các chẳng có võ công gì cả mà hiện tại xem ra nội lực còn hùng hậu hơn cả lão. Mãi một lúc sau Viên Tĩnh mới bình tâm trở lại, lão đẩy cửa quát lớn :

- Ngươi...Ngươi... dám cả gan làm chuyện như vậy trong chùa sao?

Phổ Hiền từ từ rút tay khỏi huyệt đạo của nữ nhân rồi quay lại khẽ nói :

- Thưa sư huynh... Vụ này...

- Ta không có sư huynh sư đệ gì với ngươi. Mau ra ngoài gặp sư phụ rồi ngươi sẽ biết!...

Phổ Hiền theo Viên Tĩnh đi ra trong thấy Trí Huệ thiền sư, Viên Tĩnh nói lớn :

- Bẩm Phương trượng quả đúng như lời thí chủ đây nói...

Lão liếc nhìn Dư Đại Hổ rồi ghé tai Trí Huệ thiền sư thuật lại cảnh vừa chứng kiến. Trí Huệ nghe xong nét mặt vẫn tỏ ra bình tĩnh. Lão lạnh lùng hỏi Phổ Hiền :

- Nghiệt đồ việc này là thế nào?

- Đêm hôm qua đệ tử nghe thấy tiếng đập cửa nên bước ra thì gặp nữ thí chủ đang bị thương thế rất trầm trọng. Đệ tử nghĩ: Cứu người còn hơn cứu hỏa nên...

- Nên nhà ngươi đã vi phạm giới luật có đúng không? Ngươi có biết rằng việc ngươi làm đã phạm vào một điều cấm kỵ của chùa đã đề ra hàng ngàn năm nay. - Trí Huệ thiền sư nghiêm giọng nói.

- Đệ tử biết xin sư phụ trừng phạt...

- Được, ngươi hãy đem nữ thí chủ đó ra đây.

Dư Đại Hổ từ nãy giờ vẫn theo dõi cuộc nói chuyện của mấy thầy trò Thiếu Lâm. Nghe đến đó gã cười lớn :

- Thật có tận mắt chứng kiến mới biết đệ tử chùa Thiếu Lâm lại có những hạng người bại hoại như thế... Ha... Ha... Dám đưa cả đàn bà con gái vào chùa làm ô uế cả chốn linh thiêng... Để ta coi các người xử phạt y như thế nào...

- Việc đó là chuyện riêng của bổn tự không liên quan đến ngươi? - Viên Tĩnh tức giận nói.

- Được, được! - Dư Đại hổ cười nhạt. - Nếu các ngươi xử phạt khong nghiêm bao che cho đệ tử, việc này đồn ra ngoài giang hồ thì thật là đáng hổ thẹn, sao tránh khỏi thiên hạ chê cười... Hãy giao thị cho ta, ta sẽ rời khỏi đây ngay lập tức...

- Xin Phương trượng rủ lòng từ bi đừng giao tiểu nữ cho hắn. - Một giọng nói yếu ớt vang lên.

Mọi người giật mình quay lại thì đã thấy nữ nhân xuất hiện tự lúc nào đang đứng sau Trí Huệ thiền sư. Trí Huệ thiền sư không trả lời, lão hỏi Dư Đại Hổ :

- Du thí chủ có thể cho bần tăng biết: nữ thí chủ này là thế nào với thí chủ được chăng?

- Thị là phu nhân của tại hạ! - Dư Đại Hổ đáp.

- Thật như vậy sao! - Trí Huệ thiền sư kinh ngạc hỏi.

- Đúng vậy. - Dư Đại Hổ đáp.

- Làm thế nào mà hai thí chủ lại đến nông nổi này?

- Chuyện dài dòng lắm tại hạ không thể kể hết cho các vị nghe được.

Trí Huệ thiền sư quay sang phía nữ nhân rồi chậm rãi nói :

- Xin nữ thí chủ cảm thông cho bần tăng không thể bao bọc thí chủ được. Đó là việc ngoài ý muốn của bần tăng...

Nói xong lão nói với Dư Đại Hổ :

- Xin mời thí chủ đến nhận người...

Dư Đại hổ vênh váo toan tiến lên một bước thì Viên Tĩnh đại sư bỗng giơ tay ra ngăn gã lại rồi nói :

- Hãy khoan! Bổn chùa nhất định sẽ trao trả nữ thí chủ đây cho ngươi song còn một điều nữa...?

- Điều gì vậy! - Dư Đại Hổ lớn tiếng hỏi.

- Bần tăng muốn thí chủ hãy trả lời cho chúng ta được rõ: Việc ngươi vô cớ đả thương đệ tử của Thiếu lâm thì tính sao đây?

- Ta đâu có ý đả thương y! - Dư Đại Hổ cười nhạt. - Việc ấy ta đã trả lời với Phương trượng Chưởng môn rồi đó, y đã vô lễ với ta...

- Sao gọi là vô lễ! - Viên Tĩnh nổi nóng. - Ngươi tự tiện xâm nhập rồi ỷ mình võ công cao cường đánh người trọng thương... Nếu biết hối cải ta còn có thể bỏ qua cho..

- Đúng đấy, đúng đấy! - Mấy đệ tử Thiếu Lâm đứng ngoài nhao nhao tán thành. - Bắt hắn phải tự hủy võ công để chừa thói “ỷ mạnh hiếp yếu”...

- Không lẽ lại đễ dàng như thế. - Dư Đại Hổ mỉm cười. - Các vị đừng tưởng đông người là có thể uy hiếp được Dư mỗ này đâu...

- Bần tăng quả thật không muốn gây khó dễ gì cho thí chủ... - Trí Huệ thiền sư nhẹ nhàng nói. - Đạo Phật vốn từ bi, bần tăng chỉ cần thí chủ hứa với bần tăng hai điều...

- Xin đại sư hãy nói ra, nếu không gì gò ép Dư mỗ này quá đang thì tại hạ sẵn sàng chấp nhận...

- Chẳng có gì quá miễn cưỡng đâu! Thứ nhất thí chủ phải xin lỗi chúng tăng bổn tự, điều thứ hai không được sát hại nữ thí chủ đây!...

- Khó quá, khó quá! - Dư Đại Hổ kêu lên. - Cả hai điều kiện đó ta vẫn không thực hiện được...

- Vậy thì thí chủ đã bắt buộc bần tăng vô lễ rồi... - Viên Tĩnh không kiềm được sự tức giận quát lên.

Các đệ tử chùa Thiếu Lâm đều biết rõ tính tình của Viên Tĩnh rất nóng nảy hơn nữa võ công của lão rất cao chỉ dưới có Trí Huệ thiền sư một bậc nếu lão ra tay ắt hẳn Dư Đại Hổ nắm chắc phần bất lợi, nên ai nấy đều tỏ ra hoan hỉ.

Nghe thấy Viên Tĩnh nói như vậy, Dư Đại Hổ không hề tỏ ra nao núng.

Gã thản nhiên nói :

- Có nghĩa là... Đại sư muốn cùng mỗ động thủ. Họ Dư này lâu nay vẫn khao khát được chiêm ngưỡng võ học cao thâm của Thiếu Lâm xem có đúng như lời đồn đại hay không! Xin mời!...

Dư Đại hổ vừa nói dứt lời gã đã bước ra khoanh, hai tay trước ngực phong thái rất là ngạo mạn.

Viên Tĩnh tức giận vô cùng. Lão cũng bước ra tay cắp cây thiền trượng nặng mấy trăm cân trông nhẹ nhàng như cầm một cây tăm vậy. Lão quát lớn :

- Dư thí chủ, đây là tự ngươi chuốc lấy đau khổ, đừng trách bần tăng nhé. Hãy tiếp chiêu đây.

Viên Tĩnh tay phải cầm thiền trượng vung lên rồi quét ngang một cái dùng chiêu “Hoành Tảo Thiên Quân” đánh vào hạ bàn đối thủ.

Dư Đại Hổ cũng rút phắt ra trường kiếm ở sau lưng gã không đỡ gạt mà nhảy lùi lại một bước rối bất ngờ vung gươm lên đâm xéo vào bả vai Viên Tĩnh. Đó là chiêu có tên gọi là “Bạch Hồng Quán Nhật” một thế kiếm đánh rất hiểm hóc dùng để hóa giải sự uy hiệo của đối phương nơi hạ bàn.

- Hảo kiếm pháp! Hảo kiếm pháp!

Viên Tĩnh bật lên tiếng khen, nhưng lão bỗng thu trượng về chỉ khẻ nghiêng mình né tránh. Dư Đại Hổ giật mình khi thấy đột nhiên Viên Tĩnh cầm trượng sang tay trái đầu trượng khẽ rung lên rồi điểm ngay vào huyệt “Lan Vĩ” nơi cẳng chân phải của gã. Dư Đại hổ buộc phải thu gươm về để gạt.

Choang một tiếng, Dư Đại Hổ cảm thấy một luồng kình lực Dương Cương truyền lên cánh tay mạnh mẽ vô cùng thì hoảng sợ suy nghĩ :

- “Nội lực của lão trọc này không phải là tầm thường ta phải hết sức cẩn thận mới được”.

Gã liền huy động cây trường kiếm như giao long uốn khúc liên tiếp tấn công Viên Tĩnh. Đại sư vẫn không hề nao núng, lão sử dụng cây thiền trượng bảo hộ kín đáo khắp toàn thân tưởng chừng như hạt mưa cũng không thể lọt.

Đệ tử Thiếu Lâm bên ngoài reo hò ầm ĩ, vô cùng chắc mẫm Dư Đại Hổ trước sau gì cũng thảm bại. Song Trí Huệ thiền sư lại nghĩ khác. Lão quay sang nói với một đệ tử bên cạnh :

- Ngươi chớ vội mừng. Ta e rằng đánh lâu Viên Tĩnh sẽ gặp bất lợi. Võ công của Dư Đại Hổ rất là lơi hại. Viên Tĩnh tính tình nóng nảy nên hơi thở không điều hòa, thêm nửa cây thiền trượng lại quá nặng nề...

Quả nhiên đánh chừng hơn trăm hiệp tuy chưởng pháp không hề rối lọan nhưng hô hấp của Viên Tĩnh xem ra có phần trầm trọng. Chỉ có những bậc đại cao thủ mới có thể nhận ra điều đó. Dư Đại Hổ phấn chân tinh thần.

Gã liền ra tay đối đấu chiêu số chỉ ra nửa phần khiến Viên Tĩnh hao tổn nội lực. Đúng như gã dự tính đến lúc này, Viên Tĩnh hầu như chỉ lo đở gạt cũng đã khó nhọc rồi. Bỗng dư Đại Hổ quát to :

- Hãy coi đây.

Gã hơi nghiêng người một chút rồi ra chiêu “Kim Long Hý Thủy” đường gươm như một con rắn bạc đâm thẳng vào cổ họng Viên Tĩnh. Đại sư vội đưa trượng lên gạt tay tả Dư Đại Hổ bỗng vươn ra sử dụng “Ngũ Long Trảo” chụp vào bả vai nơi huyệt “Kiên Tĩnh”, bị đánh trúng huyệt này kình khí sẽ ngưng trệ, mất mạng ngay tức khắc, cùng lúc gã thu gươm về rối đăm chếch xuống dưới hạ bàn của nhà sư, nhằm điểm vào huyệt “Thủy Phản” nằm dười rốn một tấc.

Đây là một lối đánh rất hiểm độc, Viên Tĩnh đứng đờ ra chịu chết, không còn cách nào đỡ nổi. Ngay cả Trí Huệ thiền sư đứng gần đó muốn ra tay cũng không kịp nữa. Đột nhiên thấp thoáng có bóng áo vàng nhảy ra thân thủ mau lẹ không thể tả, mọi người không nhìn rõ nhà sư ra tay bằng cách nào chỉ thấy Dư Đại Hổ thối lui về phía sau mấy bước mặt mày thất sắc. Gã run giọng :

- Thì ra lũ trọc các ngươi định liên thủ chống đỡ ta chăng?

Trí Huệ thiền sư giật mình nhìn xem đệ tử trong chùa ai là người có võ công cao siêu dường ấy. Lão ngạc nhiên khi thấy đó là Phổ Hiền một người chỉ ở một vị trí hết sức tầm thường trong chùa.

Phổ Hiền vội chấp tay trước ngực giọng ôn tồn nói :

- Không phải thế! Giữa thí chủ và bổn tự đâu có oán thù gì mà thí chủ nỡ ra tay ác độc vậy, còn gì gọi là tình đồng đạo võ lâm...

- Ha! Ha! Chính các ngươi đã gây sự trước đâu phải tại ta. Phải chăng ngươi muốn cùng ta giao đấu?

- Không dám! Không dám! Bần tăng võ công thấp kém làm sao địch nổi thí chủ chẳng qua tình thế cấp bách nên liều chống đỡ mà thôi...

- Ngươi đừng có giả bộ nữa? Võ công của ngươi không phải tầm thường. Tại hạ muốn lãnh giáo vài chiêu của đại sư. Nếu Dư mỗ thua sẽ không bao giờ bén mảng lên đây nữa. Đại sư đừng có khách sáo.

Nói dứt lời Dư Đại Hổ không đợi chờ Phổ Hiền trả lời gã vung quyền đánh liền.

- Bần tăng xin thất lễ.

Phổ Hiền đáp nhanh giơ hai tay ra chiêu “Phân Cung Cự Đình” một chiêu hóa giải thế đánh của Dư Đại Hổ một cách nhún nhường vì đòn này chỉ đơn thuần là thủ thế không công.

- Được lắm.

Dư Đại Hổ cười gằn. Gã sử dụng liên tiếp toàn những chiêu ác hiểm để hạ cho bằng được Phổ Hiền. Suốt năm mươi chiêu đầu Phổ Hiền hoàn toàn chống đỡ chứ không trả đòn khiến cho Trí Huệ lấy làm lạ lùng. Rõ ràng những chiêu thức Phổ Hiền sử dụng là “Đạt Ma quyền pháp” nhưng đã biến hóa đến độ xuất thần nhập quỷ khiến Trí Huệ thầm nghĩ chưa chắc mình được như vậy.

Dư Đại Hổ nóng ruột vô cùng, gã đã tấn công liên tiếp mà vẫn không hề chiếm được thượng phong. Gã thấy Phổ Hiền có ý nhường nhịn nên quyết định tận dụng điểm này.

Gã vận kình vào cánh tay ra chiêu “Phượng Hoàng Triển Đực” nhằm mục đích buộc nhà sư vung quyền lên đỡ rồi sẽ đánh gãy cánh tay của Phổ Hiền. Gã hốt hoảng chợt thấy bóng dáng nhỏ bé của Phổ Hiền bỗng ở bên cạnh mình rồi một tiếng nói nhỏ nhẹ cất lên :

- Xin thí chủ bảo trọng bần tăng ra chiêu đây!

Hai tay nhà sư xòe ra như đóa hoa sen đang nở nhằm đánh vào sường Dư Đại Hổ. Trí Huệ bật lên tiếng khen :

- Chiêu “Khai Hoa Tiến Phật” thật là tuyệt diệu.

Dư Đại Hổ toan khép cánh tay lại dùng cù chỏ đánh vào mặt nhà sư theo thế “Nhị Hổ Quy Sơn” để cứu nguy song Phổ Hiền đã biến thành chiêu “La Hán Ngọa Thụy” tay tả nắm lại thành quyền, ngón trỏ tay hữu xòe ra điểm ngay nơi huyệt “Xích Trạch” ở cánh tay phải của gã.

- Nguy tai. - Dư Đại Hổ thầm kêu lên.

Cũng may, Dư Đại Hổ võ công cũng vào hạng thượng thừa nên gã kịp trấn tĩnh lại. Gã búng mình nhảy vọt về phía sau để tránh đòn, nhưng chân vừa chấm đất gã đã thấy Phổ Hiền đứng ngay trước mặt ra chiêu “Phật Quang Phổ Chiếu” đánh vào thượng bàn đồng thời chân phải nhà sư quét ngang.

- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!

Trí Huệ thiền sư reo lên. Lão quên mất là Phổ Hiền chỉ là một đệ tử tầm thường của Thiếu Lâm mà công phu cao dường ấy quả là một điều không thể tưởng tượng nổi. Dư Đại Hổ đành vận khí khắp thân mình ráng chịu cú đánh. “Binh” một tiếng bị trúng quyền ở ngực thối lui phía sau một bước song chỉ thấy đau chút ít. Gã đâu biết rằng Phổ Hiền là người nhân hậu nên chỉ sử dụng có một phần công lực mà thôi. Dư Đại Hổ nghĩ bụng :

- “Võ công Phổ Hiền tuy cao thật, nhưng nội lực chẳng có gì đáng kể, mình phải dùng chưởng lực để giết chết hắn”

Gã bèn mỉm cười nói :

- Tại hạ rất khâm phục quyền pháp của Đại sư song muốn lãnh giáo chưởng lực của Đại sư có được không?

Phổ Hiền xua tay :

- Thiện tai! Thiện tai! Bần tăng thiết nghĩ giao đấu vậy là đủ rồi đâu cần tranh hơn thua làm chi. Xin thí chủ hãy thuận theo yêu cầu của Phương trượng Chưởng môn là xong.

- Đừng nói nhiều lời hãy coi chưởng của ta đã.

Dư Đại Hổ vận hết kình lực vào hai tay rồi đẩy mạnh ra.

- “Huyết Trảo công” - Mọi người hốt hoảng la lên.

Quả thật người Dư Đại Hổ hồng đỏ rực lên như máu, dương kình phát ra ầm ầm như sấm động.

Ngay Trí Huệ cũng khiếp đảm vô cùng tự hỏi không hiểu “Kim Cương thần công” mà lão luyện được có chống nổi chưởng lực của Dư Đại Hổ hay không.

Chỉ thấy bộ cà sa của Phổ Hiền bỗng phồng lên như buồm căng gió. Hai tay Phổ Hiền ngửa ra để trước ngực thân hình bất động. Chưởng phong của Dư Đại Hổ ập tới bỗng tan biến như bọt nước, còn chính gã thì ngã bật ngửa về phía sau máu trào ra khỏi miệng.

- Ngươi... Ngươi... - Gã lắp bắp kêu lên. - Chưởng pháp gì mà lạ lùng vậy?

Phổ Hiền chưa kịp trả lời đã lảo đảo bỏ đi xuống núi mất dạng.

Trí Huệ thiền sư quay về phía Phổ Hiền rồi lạnh lùng hỏi :

- Phổ Hiền. Vụ này là... thế nào?

- Bẩm Phương trượng... đại sư...

- Ngươi còn gì mà phải giấu giếm nữa, chưởng pháp vừa rồi ngươi đã học của ai!

- Đệ tử không học của ai cả. Đó là “Kim Cương chưởng” của Thiếu Lâm chỉ có điều... những chỗ tinh diệu của nó...

- Ngươi định gạt ta sao! - Trí Huệ nghiêm giọng. - Pho chưởng pháp này đã từ mấy trăm năm nay song những tinh túy thâm sâu của nó ngay cả những Chưởng môn đời trước cũng chưa thấu hiểu được hết, không lẽ.... ngươi....

Lão ngừng lai một chút rồi nói tiếp :

- Hơn nữa ta xem ra, không phải chưởng pháp Kim Cương của Thiếu Lâm...

- Bẩm Phương trượng.... Hãy để đệ tử trình bày...

- Ngươi đã biết rõ môn quy khỏi phải rườm lời nữa. - Trí Huệ phẩy tay. - Ta không bắt lỗi ngươi về việc nữ thí chủ đây, song việc ngươi tự tiện học lõm võ công của bọn tà môn tả đạo là điều không thể chấp nhận được...

- Đúng đấy. - Viên Tĩnh xen vào. - Xin Phương trượng hãy xử phạt thật công minh.

- Ta không muốn một Mình chủ trương ý kiến. Các người nghĩ sao...

- Đuổi y ra khỏi bổn môn và phế bỏ võ công. - Đám đệ tử nhao nhao.

- Không được. - Nữ nhân cất giọng yếu ớt. - Các ngươi xử sự như vậy là không công bằng...

- Ngươi làm gì có quyền xen vào chuyện của bổn phái. - Viên Tĩnh quắc mắt. - Phổ Hiền ngươi có chịu không?

Viên Tĩnh nói xong phất mạnh tay áo một luồng kình lực xô ra, Phổ Hiền bị hất về phía sau mấy thước, khóe miệng rỉ ra vài giọt máu.

Nên biết rằng nội lực của Phổ Hiền vô cùng thâm hậu nhưng lão không vận công chống đỡ nên đã bị nội thương nhẹ. Nữ nhân thấy vậy la lên :

- Đại sư chúng ta chạy đi.

- Không được ta là đệ tử Thiếu Lâm tất phải chịu trừng phạt.

- Nhưng như vậy là quá tàn ác. - Nữ nhân nói tiếp. - Đại sư không nghĩ tới bản thân mình nhưng còn võ công... không lẽ người để nó thất truyền.

Phổ Hiền nghe nữ nhân kia nói vậy thì động tâm. Quả thật, đại sư đã hao tổn tâm cơ bao năm nay để phát triển võ học của Thiếu Lâm không lẽ giờ đây chịu uổng phí... Hơn nữa công phu lại chưa thành tựu...

Bỗng nghe Viên Tĩnh quát to :

- Yêu nữ kia! Nếu ngươi còn nói nữa thì đừng có trách Thiếu Lâm ta không hiếu khách...

Lão nghiêm giọng nói tiếp :

- Phổ Hiền ngươi còn chờ đợi gì nữa mà không tự xử hay phải đợi ta ra tay!...

Phổ Hiền vội nói với Trí Huệ :

- Xin Chưởng môn dung tình. Chẳng phải đệ tử muốn chống đối lại nghiêm lệnh của bổn môn song đệ tử muốn thỉnh cầu một việc...

- Ngươi muốn gì! Hãy nói mau lên.

- Đệ tử muốn sư phụ gia ơn cho đệ tử mười năm nữa, sau khi hoàn thành tâm nguyện xin trở lại đây chịu hình phạt...

- Làm sao ta biết được trong thời gian này ngươi còn giở những trò gì nữa. Ta không cần lấy sinh mạng ngươi song tất cả những gì ngươi được truyền thụ ở đây thì phải phế bỏ hết...

Nữ nhân liền ghé tai Phổ Hiền nói khẽ :

- Đại sư có nói với bọn họ vô ích. Với võ công của đại sư thì chúng ta thừa sức thoát thân mà...

Phổ Hiền vòng tay cung kính nói với Trí Huệ thiền sư :

- Xin sư phụ cùng các sư huynh sư đệ thứ lỗi. Cho đệ tử không thể vâng lời trong lúc này được. Đệ tử không có lỗi gì cả chỉ là hiểu lầm mà thôi...

- A! Ngươi ỷ mình võ công cao cường chống lại sư phụ phải không!

Viên Tĩnh quát lớn lập tức có đệ tử Thiếu Lâm kẻ côn người trượng mà ra bao vây Phổ Hiền vào giữa.

- “La Hán trận” - Viên Tĩnh lập tức hô to, nhà sư đồng lọat xông lên nhằm người Phổ Hiền vung trượng lên đánh.

Nguyên La Hán trận là một trận pháp vô cùng lợi hại. Năm xưa Đạt Ma Tổ Sư đã nghĩ ra thế trận này để bảo vệ chùa.

Bất kỳ ai, dù võ công kém cỏi đến đâu nhưng đã học qua trận pháp này đều trở nên uy lực vô cùng. Bởi nó gồm cả công lẫn thủ rất là toàn diện, kẻ bị vây hãm như lọt vào một rừng người không tài nào lọt qua nổi, trông qua thì hỗn độn nhưng kỳ thực lại rất nghiêm trọng.

Phổ Hiền tuy chưa học qua thế trận này song đôi lần thấy các môn sinh luyện tập, đại sư đã hiểu hết được chỗ vi diệu của nó. “La Hán trận” được bố trí theo ngũ hành bát quái gồm tám cửa là “Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cành, Tử, Kinh, Khai” nếu không biết cách hóa giải thì võ công dù cao đến mấy cũng đành chịu.

Phổ Hiền bình tĩnh tiến về phía cửa “Sinh”. Một rừng trượng vung lên nhằm vào người đại sư đánh tới, Phổ hiền lạng người đi đã nhảy ra phía sau nhà sư nhỏ bé trước mặt. Nhà sư vung trượng quét ngang song đã bị quyền tay của Phổ Hiền thúc ngược lại trúng lưng nhà sư đồng thời chân phải điểm xuống đất vọt người đi. Chỉ mấy cái nhô lên hụp xuống Phổ Hiền đã thoát khỏi vòng vây của đám đệ tử Thiếu Lâm. Cũng may đại sư không có ý đả thương đồng môn của mình chỉ cốt thoát thân mà thôi nên chẳng có ai bị hề cấn gì cả. Lúc mọi người định truy kích thì đã không kịp, Phổ Hiền đã mất dạng...

Kể đến đây Thái Ất chân nhân ngừng lại. Ân Thiên Trọng hỏi :

- Thưa sư phụ, thế còn nữ nhân là ai vậy?

- Thị là một nữ ma đầu tên là Trịnh Ác Bình. Thị cùng chồng là Dư Đại Hổ thoạt đầu âm mư bày gian kế gây lộn xộn bên ngoài rồi thừa cơ sai người vào phía sau lẻn lấy đi cuốn “Đạt Ma Tâm Kinh” nhưng không thành. Sau đó bất ngờ thấy võ công của Phổ Hiền đại sư cao siêu không thể tưởng tượng nổi nên đổi ý định...

Sau khi chạy được mấy ngày đường, Phổ Hiền đại sư tới một vùng phong cảnh hữu tình non xanh nước biết nên người quyết định dừng chân lại làm nơi tu luyện công phu... Trọn đời chỉ nhận có hai đệ từ. Người thứ nhất là ta, người thứ hai là Từ Quốc Đạt sư thúc các ngươi...”

- Ủa! Sao các đệ tử chưa bao giờ nghe sư phụ nhắc tới bao giờ cả!

- Đó là điều đau khổ của ta. - Thái Ất đáp. - Y tuy là sư đệ nhưng niên kỷ còn ít hơn các ngươi...

- Sao lại có chuyện lạ lùng như vậy được? - Chu Đại Cẩm hỏi.

- “Ta gặp sư phụ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Lúc ấy ta là một thanh niên yếu đuối bệnh họan lại mang trong mình ác bệnh. Sư phụ thương tình đem ta về chùa chữa trị gần ba mươi năm trời mới khỏi bệnh. Nên võ công không học được nhiều ở sư phụ... Sau đó mới xuất hiện sư thúc của các ngươi nên tuy vào sau ta rất lâu song lại học võ công trước ta, nên công phu của y cao thâm hơn ta nhiều... Một hôm sư phụ gọi hai ta ra rồi nói rằng :

- Cả cuộc đời ta say mê võ học, ta sáng chế ra một pho chưởng pháp thượng thừa. Thật ra đó chỉ là rút ra những tinh túy sâu xa nhất của võ học Thiếu Lâm mà các tiền nhân đời trước đã để lại. Lẽ ra lâu nay ta phải truyền đạt cho các con từ lâu song...

Phổ Hiền đại sư ngừng lại một chút rồi nói tiếp :

- Đây là một công phu có một uy lực to lớn phi thường nếu để thất truyền thì quả là một điều tổn hại lớn cho nền võ học, nhưng nếu nó rơi vào tay nhửng người tàn ác vô lương tâm thì thật là tai hại không thể sao có thể đo lường được... Phàm trên đời này mọi sự việc điều phải có chữ “duyên” không thể cưỡng cầu mà được. Ta tự biết không còn sống được bao lâu nữa nên đã ghi chép tâm cơ vào hai quyển sách. Trước khi về chầu Phật, ta sẽ trao lại cho hai con mong rằng các con cố gắng luyện tập và tìm được người xứng đáng để truyền lại cho đời sau...”

Ân Thiên Trọng, Tạ Vân hùng và Chu Đại Cẩm vội hỏi :

- Sư phụ, vậy sư phụ đã luyện thành công chưa?

- Chưa. - Thái Ất buồn rầu đáp. Bởi vì... bởi vì ta cũng chưa bao giờ được cầm nó trong tay cả...

- Tại sao lại như vậy. - Ba gã hỏi dồn. - Không lẽ...

- “Phải bởi vì có một việc đã xảy ra... Hôm đó sư phụ sai ta và Từ Quốc Đạt xuống núi để làm việc cho người. Bảy ngày sau ta về trước thì thấy cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Sư phụ bị kẻ nào đó đánh lén người bê bết máu trông thật thê thảm. Ta đoán rằng với võ công của sư phụ không một kẻ nào có thề là đối thủ của người trừ khi y sử dụng thủ đọan đê tiện mà thôi. Ta xem xét vết thương thấy không thể nào cứu chữa được nữa. Lúc ấy chợt sư phụ khẽ mở mắt. Ta vội hỏi :

- Sư phụ... Sư phụ hãy cho đệ tử biết kẻ nào đã hạ độc thủ vậy?

- Ta... ta... cuốn... Thái... Cực... đồ... gã... y..

- Sư phụ... - Nước mắt ta trào ra. - Đệ tử xin hứa sẽ trả thù cho sư phụ. Sư phụ hãy cố gắng nói tên kẻ đó cho con biết...

- Câu cuối cùng ta nghe không được rõ ràng lắm vì nó là tiếng nấc đọan nên ta cũng không hiểu là chữ Vương hay là Dương thì sư phụ đã tắt thở. Ta đau xót vô vàn rồi tìm một nơi cao ráo sạch sẽ chôn cất sư phụ ở đó...

Ta quay trở lại thạch động tìm kiếm vì vẫn tin rằng hẳn là trước đó sư phụ đã có di ngôn để lại. Không hề có dấu vết một trận ác chiến nào cả nên ta càng tin rắng sư phụ đã bị ám toán. Song có một vết máu đen nhỏ giọt đi về hướng Đông chứng tỏ sư phụ đã kịp phóng chưởng nên kẻ địch hẳn đã bị nội thương rất trầm trọng.

Ta bất chợt nhìn thấy một vạt áo cháy đen do chưởng phong xé rách và ta bàng hoàng khi nhận thấy đó chính là vạt áo của gã sư đệ của ta: Từ Quốc Đạt.

Không còn nghi ngờ gì nữa chính gã đã hạ độc thủ. Chỉ vì muốn cướp bí kíp ghê gớm kia nên y đã nảy lòng tham sợ sư phụ không trao cho y mà trao cho ta là sư huynh của gã.

Nhưng vẫn còn một điều nghi vấn. Gã họ Từ sao sư phụ nói một câu và đó ta lại nghe như chữ Dương vậy. Cũng có thể người nói khẽ quá nên ta nghe lộn chăng? Bởi vì giữa chốn hoang sơ này ngoài y ra thì còn ai vào đây nữa lại còn chứng cớ là mảnh áo hãy còn rành rành...

Ta rút gươm cắt máu ở ngón tay rồi đề lên phiến đá hàng chữ :

“Đệ tử nguyện sẽ tìm được bằng được phản đồ để báo thù cho sư phụ” Ta bỗng phát hiện trong góc hang có một mảnh giấy bị xé làm ba và một cuốn “kỳ phổ” của sư phụ. Ta nhặt lên coi và nhận thấy mảnh giấy này chỉ mới vừa bị xé bỏ cách đây không lâu. Có thể Từ Quốc Đạt không tìm kiếm được gì nên tức giận xé nát. Trên mảnh giấy chẳng có gì ghi chép ngọai trừ mấy hình vẽ thật khó hiểu. Ta vuốt lại cho thật thẳng rồi cất vào trong bọc cùng với cuốn kỳ phổ rồi vái lại sư phụ lần cuối.

Từ đó cho đến này ta đã mất bao công sức tìm kiếm tên phản đồ này nhưng y như bóng chim tăm cá biến mất. Rồi không ngờ trên giang hồ truyền tin đồn “Bát Nhã thần chưởng” đã lọt vào tay ta khiến các cao thủ hắc bạch hai đạo đều tìm ta hầu để đọat lấy bí kíp...

Chính vì thế ta buộc phải thay đổi họ tên mai danh ẩn tích để tránh sự truy tầm của võ lâm bảo toàn mạng sống để có thể tìm ra dấu vết kẻ thù... Song cho đến nay...”

Ngừng một lát Thái Ất đạo nhân buồn bã nói tiếp :

- Ta đã không hoàn thành được tâm nguyện của sư phụ đó là nỗi đau lớn của ta. Bây giờ đến lượt các con hãy ráng làm nốt. Các con có ba người giờ đây ta giao cho mỗi con một mảnh giấy, Kỳ Phổ ta giao cho Chu Đại Cẩm...

Kể từ đó ba lão chuyên tâm nghiên cứu những bí ẩn của mảnh giấy song mọi cố gắng đều vô vọng... cho đến khi Chu Đại Cẩm bị sát hại...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play