Bảy ngày, cũng chính là một tuần, một khoảng thời gian không ngắn, nhưng cũng không hề dài. Đối với những người tu luyện mà nói, bảy ngày, bảy tháng, bảy năm hay thậm chí là bảy mươi năm, đôi khi cũng chỉ như một cái chớp mắt. Tương truyền những người đã đạt đến cảnh giới từ ngũ hành trở lên, tuổi thọ được kéo dài rất nhiều, một lần tĩnh tu là vài chục năm cũng không có vấn đề gì, nói chi tới bảy ngày ngắn ngủi. Thế nhưng đối với những người trong lòng mang ước vọng, hoài bão, mang một niềm nhiệt huyết sôi trào, có khi chỉ một canh giờ chờ đợi để được làm điều mình mong muốn cũng đã thấy vô cùng dài, nói gì tới bảy ngày chờ đợi dài dằng dặc. Đã từng có một nhà khoa học nói, không gian và thời gian chỉ mang tính chất tương đối, nếu áp dụng trong trường hợp kể trên thì câu nói này quả thực là chính xác vô cùng.

Đối với nhóm người Nguyễn Phong hiện tại cũng vậy, bảy ngày mặc dù rất ngắn, nhưng lại cũng rất dài. Đối với Trần Duy, một người luôn thích nhanh chóng, một khi đã muốn làm chuyện gì thì chỉ cố gắng nhanh nhanh chóng chóng để hoàn thành, bảy ngày chờ đợi để lên đường này quả thực là quá dài, mỗi ngày không khác gì một năm. Đối với Văn Thái, một người luôn ổn định, cân bằng, cẩn thận thì bảy ngày này cũng không quá dài, thậm chí là hơi ngắn, bởi vì hắn muốn dùng hết khả năng để tìm hiểu về các quy tắc thi cử, cẩn thận chuẩn bị cho kì thi sắp tới, trong lòng hắn, câu tục ngữ cẩn tắc vô áy náy giống như đã trở thành chân lý sống của hắn vậy.

Còn đối với Nguyễn Phong, bảy ngày này chẳng ngắn cũng chẳng dài, bảy ngày vừa đủ cho hắn tìm hiểu quy chế thi, hơn nữa còn có thời gian rảnh rỗi để đi kết giao với bạn bè, đi thăm thú cảnh sắc một tòa thành theo phong cách cổ xưa, điều mà kiếp trước hắn không có khả năng thực hiện được. Đối với một người có ý thức bảo tồn những truyền thống văn hóa sâu sắc như Nguyễn Phong, điều này quả thực là một quá trình trải nghiệm thú vị nhất, vui vẻ nhất, chính vì vậy mà hắn không hề vội vàng chút nào, ngày ngày vẫn dành ra một phần lớn thời gian để thỏa mãn sở thích của bản thân.

Trong bảy ngày này, cũng có vài lần Nguyễn Phong được tham gia vào những buổi bình văn tại Phán Nguyệt Đường. Thực tâm mà nói, Nguyễn Phong trước kia mỗi lần đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã từng ao ước không thôi cái cảnh sĩ tử tụ tập tại mái đình giữa hồ nước, cùng nhau bình văn ngâm thơ, trao đổi thi từ tâm đắc. Vốn đó chỉ là mộng tưởng của một kẻ mãi đeo bám vào những giá trị truyền thống đã xa, không ngờ sự tình bất ngờ xảy ra, lại giúp cho Nguyễn Phong có được cơ hội thực hiện niềm ước ao của mình. Nếu đã có cơ hội, ngại gì mà không nắm lấy. Nguyễn Phong vẫn thầm nhủ trong lòng như vậy, chính vì thế mỗi buổi bình văn tại Phán Nguyệt Đường hắn đều đến tham dự một cách chăm chỉ. Quả thực không phụ sự yêu thích của Nguyễn Phong, cái không khí của mỗi buổi bình văn thật sự quá đỗi mê hoặc, đặc biệt là đối với một kẻ yêu văn chương cổ như Nguyễn Phong mà nói, nó lại càng khiến hắn thêm say mê.

Mỗi buổi bình thơ thường được diễn ra vào buổi chiều tối, khi mà không gian dường như cũng bình lặng lại, cảm xúc con người càng dễ được kích phát ra, bởi khung cảnh, bởi thơ, bởi người. Giữa hồ nước trong xanh, dập dìu từng cơn gió nhẹ thổi, lay động mặt nước tạo lên vài con sóng nhỏ dập dờn, khiến cho tâm tình của người ở trên Phán Nguyệt Đường, cũng lay động nhẹ nhàng theo sóng kia, theo gió kia mà càng phát huy ra được những cung bậc cảm xúc tuyệt vời. Đặc biệt là vào đêm rằm, khi mà ánh trăng sáng tròn đầy viên mãn rọi tỏa khắp không gian, phản chiếu qua mặt nước, khiến cho cả tòa Phán Nguyệt Đường như cũng được dát lên một tầng ánh trăng sáng bạc, mê hoặc lòng người. Nguyễn Phong mỗi lần đến đây, đều không kìm được cảm xúc dâng trào, văn chương trong đầu cũng có thể thoải mái xuất ra, mỗi một sĩ tử dường như không cần phải đi tìm cho mình một cung bậc cảm xúc riêng, mà là cảm xúc tự tìm đến với sĩ tử, tìm đến với cái hồn văn, hồn thơ của một người yêu văn chương. Nguyễn Phong cũng không ít lần phải cảm thán, thật không biết vị thiên tài nào đã nghĩ ra cách thiết kế Phán Nguyệt Đường như vậy, quả thực là nơi tốt nhất để cho các văn nhân thi sĩ bộc lộ hết được cõi lòng mình.

Mỗi lần tham dự bình văn ở Phán Nguyệt Đường, Nguyễn Phong lại một lần được trải rộng lòng mình, tìm được những người có chung sở thích, chung tiếng nói với bản thân. Chính vì vậy, trong mấy lần đi bình văn, Nguyễn Phong cũng đã làm quen được không ít sĩ tử đến từ các nơi trong trấn Kinh Bắc. Quả thật, người tri âm thì luôn dễ tìm được nhau, ở một nơi đậm thi cảm như Phán Nguyệt Đường, tìm được cho bản thân một tri âm cũng thật dễ dàng. Nguyễn Phong lần này cũng tìm được một tri âm như vậy. Người này tên là Lý Nguyên Kiệt, là người bản địa ở thành Kinh Bắc này. Dòng họ nhà hắn cũng là một trong những thế gia ở nơi này, nghe nói cũng có chút quan hệ họ hàng với hoàng tộc.

Nếu lần theo gia phả, thì tổ tiên của Lý Nguyên Kiệt là anh họ của Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập lên vương triều Đại Việt này. Chính vì chút quan hệ họ hàng này cho nên nhiều đời nay, dòng họ của Lý Nguyên Kiệt cũng được hưởng không ít lợi lộc, từ đó mới có thể trường tồn mấy ngàn năm, trở thành một trong những thế gia nắm quyền chủ đạo ở thành Kinh Bắc. Tuy nhiên, gia quy của dòng họ này cũng rất nghiêm khắc, chính vì vậy mà con cháu trong họ không bao giờ ỷ thế ức hiếp dân thường. Mặc dù cũng có vài trường hợp cá biệt, nhưng thường đều bị xử lý nghiêm minh, làm gương cho tất cả mọi người, vì thế nên nề nếp gia phong của dòng họ Lý vẫn luôn được đảm bảo, mà bọn họ cũng nhận được sự quý trọng của nhân dân trong thành.

Sáng ngày thứ bảy, cũng là ngày cuối cùng mà nhóm Nguyễn Phong ở lại trong thành. Mặc dù chỉ còn một ngày nữa là sẽ rời đi, nhưng Nguyễn Phong vẫn không chút trễ nải việc đến Giáo trường tham gia học tập, dù sao thì biết nhiều thêm một chút cũng tốt hơn. Mặc dù đối với Nguyễn Phong thì đây là buổi cuối cùng hắn ở lại thành Kinh Bắc, nhưng đối với đa số sĩ tử mà nói, buổi học hôm nay vẫn là một ngày bình thường, vì vậy cho nên cũng không có chút gì đặc biệt xảy ra. Sau buổi học, cũng đã là gần trưa, Nguyễn Phong đang định đi tìm hai người Văn Thái, Trần Duy để cùng đi ăn, thì bất ngờ nghe được có người vội vã gọi tên mình

“Nguyễn Phong, cậu chờ tôi một chút”

Nguyễn Phong quay đầu nhìn lại, nhận ra người đến gọi mình thì ra không phải ai khác mà chính là Lý Nguyên Kiệt.

“Nguyên Kiệt, cậu gấp gáp tìm tôi như vậy là có việc gì?”

“Tôi nghe nói ngày mai cậu sẽ rời đi, mà sau này không biết bao giờ mới gặp lại, vì thế tôi muốn mời cậu ăn một bữa cơm, coi như tiệc đưa tiễn. Nếu cậu từ chối là không nể mặt tôi đâu đấy nhé”

“Cậu đã nói vậy thì tôi sao dám từ chối. Đợi tôi gọi thêm hai người anh em rồi chúng ta cùng đi, được chứ?”

“Không vấn đề gì, càng đông càng vui mà”

Nguyễn Phong nhận lời mời của Lý Nguyêt Kiệt, cũng không chần chừ mà đi tìm ngay hai người Trần Duy, Văn Thái, sau đó cả bốn người cùng đi đến một nhà hàng trong thành Kinh Bắc. Bởi vì đây là bữa tiệc do Lý Nguyên Kiệt mời, cho nên nhà hàng mà hắn chọn cũng là nhà hàng xa hoa nhất trong thành. Nguyễn Phong quả thực không muốn làm người bạn này phải tốn nhiều tiền, những nhìn vẻ mặt nhiệt tình của hắn, cuối cùng cũng đành bước vào trong nhà hàng.

Lý Nguyên Kiệt có vẻ rất thông thuộc với thực đơn của nhà hàng này, một hơi gọi liền bảy món, toàn là sơn hào hải vị. Ba người Nguyễn Phong nhìn thấy cách gọi món của hắn cũng không khỏi than thở, quả nhiên là người giàu thì cách sống cũng khác, mấy kẻ sống trong núi như bọn hắn không thể so sánh được. Kể cả là Nguyễn Phong đã sống qua hai kiếp, cũng vẫn bị sự hào phóng của Lý Nguyên Kiệt làm cho tán thán không thôi. Trong bữa cơm, bốn người bọn họ nói chuyện rất vui vẻ. Đề tài mặc dù chủ yếu là thơ văn, nhưng đối với những sĩ tử đi thi, nói chuyện này mới càng hợp ý. Kể cả Trần Duy lẫn Văn Thái cũng rất vui vẻ khi bàn luận văn học. Sau bữa cơm, Lý Nguyên Kiệt tạm biệt ba người Nguyễn Phong, có vẻ lưu luyến vô cùng, nhưng mà nam nhi thì tác phong không thể lề mề, vì vậy nên bọn họ cũng sảng khoái mà tạm biệt nhau, hẹn ngày gặp lại tại kinh thành, cùng nhau đạt thành tích cao trong kỳ thi.

Sau bữa trưa, ba người Nguyễn Phong cũng tranh thủ tản bộ, đi thăm thú thành Kinh Bắc một lần cuối cùng. Thực lòng mà nói, đối với những kẻ sống trong núi rừng như bọn họ, hoàn cảnh ở thành thị quả thực là một niềm hấp dẫn vô cùng. Mặc dù đã sống tại đây bảy ngày, nhưng thành Kinh Bắc này cũng rộng lớn vô biên, bọn họ dù bỏ ra thời gian đi thăm thú, cũng không thể tìm hiểu hết được tòa thành này. Tuy nói có mấy cảnh đẹp trong thành bọn họ cũng đã đi xem, nhưng muốn khám phá một tòa thành, đâu phải chỉ đi xem cảnh đẹp là có thể hiểu được. Còn rất nhiều nơi trong thành mà bọn họ chưa từng đặt chân đến, ví dụ như những nơi ăn chơi nổi tiếng như Phong Nguyệt Lầu, hoa thuyền trên sông, lại có cả những nơi chuyên phục vụ thi nhân như các tòa thủy đình, nguyệt đình chuyên dùng để thả thơ, đánh thơ, thi thố thư pháp.

Tất nhiên bọn họ không đến mấy nơi đó đa phần là vì không có tiền, nhưng một nguyên nhân khác cũng là vì họ không muốn tham gia vào mấy nơi ăn chơi này để giữ bản thân thanh cao. Ngoài ra còn có một nơi mà bọn họ cũng chưa từng đến, chính là chợ ở trong thành. Dịp đầu xuân như thế này, trong các khu chợ thường sẽ có những trò chơi dân gian rất vui, cũng có nhiều thứ đặc biệt mỗi năm xuất hiện một lần, chính vì vậy mà lúc này ba người mới quyết định đi đến chợ dạo chơi một lần trước khi rời khỏi thành Kinh Bắc.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play