Sáng sớm, khi mặt trời vẫn còn chưa lên sau rặng tre, từng tia sáng dịu dàng đầu ngày mới đang lan tỏa trên mặt đất, mơn man từng phiến lá cây rừng, nhẹ nhàng hòa cùng gió reo vui mừng ngày mới. Trên cành cây, từng chú chim như vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, khẽ rùng mình vung nhẹ đôi cánh, thả rơi những giọt sương đêm tự do bay múa giữa bầu trời quang đãng. Dưới ánh sáng tươi mới của mùa xuân, từng tiếng chim ca theo gió bay vút lên trời cao, yến anh ríu rít, hoan lạc cất lên khúc tình si đối với mùa xuân. Cây cối như chung vui cùng tiếng chim ca, cành tơ phơ phất, nhẹ nhàng rung động theo nhịp điệu của làn gió, theo từng tiếng hát vang của đàn chim.

Trời đã vào xuân, đúng vậy, trời đã sang xuân. Đã ba tháng trôi qua kể từ khi lễ trưởng thành kết thúc, mùa xuân đã đến trên đất nước Đại Việt, trên trấn Kinh Bắc cổ kính, trên vùng Cửu Long sơn mạch mang đậm màu sắc truyền kì này. Trong thôn làng Vĩnh Thái, từng làn khói trắng nhẹ nhàng bay lên từ các mái nhà. Trời sang xuân, dù ngày mới vẫn còn chút bóng tối xót lại từ mùa đông trước, nhưng tất cả mọi người đều tỉnh dậy từ rất sớm, hân hoan chuẩn bị cho một vụ mùa đầu năm mới. Làng Vĩnh Thái tuy nằm trong Cửu Long sơn mạch, bao quanh bởi núi non trùng điệp, nhưng điều đó không cản người dân trong làng tự nuôi trồng lấy thực vật. Trong Cửu Long sơn mạch, linh khí hội tụ, đất đai màu mỡ tốt tươi, con người muốn trồng trọt cũng dễ, chỉ cần mất công khai khẩn là có thể kiến tạo lên những thửa ruộng hợp cách để trồng trọt. Từ những khoảng đất trống giữa núi non hùng vĩ, con người tự tạo cho mình một nơi để nuôi trồng thực vật, tự cung cấp cho cuộc sống của bản thân. Người dân ở Đại Việt quốc, cuộc sống dường như hòa chung với thiên nhiên. Từ trong thiên nhiên, họ tìm được những sản vật phong phú, những tài vật cần thiết để phục vụ cuộc sống. Nhờ thiên nhiên, cuộc sống của dân chúng Đại Việt được đảm bảo ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, nhân dân Đại Việt lại chung tay góp sức, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính họ. Những mảnh rừng tốt tươi, những con sông quanh năm nước chảy xiết, những hồ nước phẳng lặng như gương, nước trong có thể thấy tận đáy, núi đồi hùng vĩ chập chùng ….. Thiên nhiên nơi nơi đều tươi đẹp, đều trong lành một cảm giác ban sơ, nhưng lại cũng rất hòa hợp với cuộc sống của con người.

Tại một ngôi nhà có quy mô khá lớn trong làng Vĩnh Thái, một thiếu niên đang mải miết luyện võ trên sân tập. Võ công hắn luyện chính là thương pháp, nhưng lại dường như là hắn đang luyện bút pháp vậy. Một ngọn thương dài, lại được hắn cầm bằng một tay, từng đường thương đâm ra gọn gàng chuẩn xác, từng nhát chém, nhát quét đều sắc bén vô cùng. Trong tay người thiếu niên này, thương chính là bút, mà bút cũng chính là thương. Thiếu niên chính là Nguyễn Phong, người đã đạt thành tích cao nhất trong lễ thành niên năm trước ở làng Vĩnh Thái. Có lẽ, nên gọi Nguyễn Phong là một thanh niên thì đúng hơn, vì hắn đã trải qua lễ thành niên, và thân thể hắn cũng đã đủ cao lớn để được là một thanh niên. Lúc này, người thanh niên ấy đang cố gắng luyện tập võ công thật tốt, để chuẩn bị cho một sự việc trọng đại trong cuộc đời mỗi tu luyện giả: đi tìm kiếm chân hồn đầu tiên cho bản thân.Chân hồn, được diễn hóa từ linh hồn của vạn vật, đa dạng và phong phú vô cùng. Theo cách phân loại về bản thể chân hồn, có thể chia thành hai loại, một loại là sinh vật, và một loại là sự vật. Thực tế mà nói, tất cả mọi thứ trong thế giới này, đều luôn vận động và phát triển, luôn luôn thay đổi, chính vì vậy nên chúng đều có sinh mệnh. Chỉ là theo quan niệm của con người, thì chỉ những vật nào có thể di động, có thể trao đổi mới được gọi là sinh vật, còn những vật mà con người không thể trao đổi cùng, thì đều gọi chung là sự vật. Cũng vì sự phân loại như vậy, mà phương pháp để đạt được chân hồn cũng khá giới hạn. Hầu hết tu luyện giả, chân hồn đều là đạt được từ sinh vật. Bằng phương pháp trấn áp hoặc thuần hóa nuôi dưỡng một loại sinh vật có sức mạnh linh hồn mạnh mẽ, tu luyện giả có thể tạo được mối liên kết với linh hồn của các loài sinh vật này, hình thành nên chân hồn của bản thân. Tất nhiên, hai phương pháp đều có những điểm lợi và hại khác nhau. Một chân hồn đạt được qua sự trấn áp, thường sẽ bị giảm đi sức mạnh do bản thể đã bị con người đả thương, bị tiêu diệt hoặc bị phong ấn lại. Bất cứ cách nào kể trên, đều sẽ khiến linh hồn của sinh vật tổn thương, bởi linh hồn và thể xác vốn luôn quan hệ mật thiết. Hơn nữa, linh hồn của sinh vật bị trấn áp, thường sẽ mang theo những cảm xúc xấu, trong quá trình tu luyện sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chủ nhân của chân hồn. Tác hại thông thường là khiến cho tâm trí của chủ nhân bị rối loạn, nếu không đủ nghị lực để kiềm chế cảm xúc, điều hòa tâm tình, thì rất dễ sẽ làm ra những hành động sai trái. Đặc biệt trong quá trình tấn cấp, nếu tâm trí bị rối loạn, rất có thể sẽ khiến cho tu luyện gia không khống chế được sức mạnh, dẫn đến cơ thể bị sức mạnh phá hoại, trở thành tàn phế hoặc tử vong. Đương nhiên, tu luyện giả đã trải qua quá trình phát triển đủ lâu, cũng tìm được những phương pháp để kiểm soát tình huống này, đó là nhờ những người có cấp bậc cao hơn giúp đỡ, hộ vệ cho bản thân trong khi tấn cấp, hoặc kiềm chế hành vi cảm xúc của bản thân khi bị tâm ma quấy nhiễu. Tuy nhiên, nhờ người không bằng tự thân lo, chính vì người ngoài không thể luôn túc trực bên cạnh tu luyện giả, nếu tâm ma phát tác trong lúc này, ngoài bản thân thì không thể trông cậy vào ai, chẳng may mà không kiểm soát nổi, đương nhiên là phải gánh chịu hậu quả. Chính vì phương pháp đầu tiên có tính nguy hiểm cao, nên giới tu luyện đã tìm ra một phương pháp khác để thu thập chân hồn, đó là thuần dưỡng và nuôi dưỡng các loài sinh vật có lực lượng linh hồn đạt tiêu chuẩn, trong quá trình nuôi dưỡng, cố gắng tạo nên cảm tình giữa chủ nhân và sinh vật, từ đó liên kết linh hồn với sinh vật, đạt được chân hồn của bản thân. Một sinh vật khi liên kết linh hồn với chủ nhân, hoặc là chia sẻ một phần sức mạnh, hoặc trực tiếp giải thể, đầu nhập vào thân thể của chủ nhân, gia tăng sức mạnh cho chủ nhân. Nếu là liên kết chia sẻ, sức mạnh của sinh vật sẽ bị giảm xuống trong một khoảng thời gian nhất định, cho đến khi tu luyện giả đạt đến đẳng cấp cao, chân hồn quy về bản nguyên, khi đó sức mạnh, của cả hai bên mới trở lại bình thường, thậm chí là tiến hóa lên thêm một cấp. Sinh vật được chọn để liên kết linh hồn, sẽ được gọi là hồn thú. Người chọn cách này, chủ nhân sẽ phải gắn liền với hồn thú cả đời, cho đến khi đạt đến cấp độ lưỡng nghi mới có thể tách ra, nếu một trong hai bên chết đi, vậy bên còn lại cũng sẽ chịu tổn thất đáng kể đối với linh hồn. Tuy nhiên, trong quá trình chiến đấu cũng như tu luyện, cả tu luyện giả và hồn thú đều có thể hỗ trợ cho nhau, gia tăng sức chiến đấu hoặc đẩy nhanh tốc độ tu luyện. Loại hình thứ hai, sinh vật được chọn sẽ giải thể, bồi đắp sức mạnh cho chủ nhân, tạo ra một căn cơ vững chắc cũng như khởi đầu nhanh chóng đối với chủ nhân, lại không bị giảm đi sức mạnh do chia sẻ, nhưng chủ nhân trong quá trình tu luyện, khi đạt đến bình cảnh khó đột phá cũng sẽ không nhận được sự trợ giúp của hồn thú, cũng như không có đồng đội tác chiến trong khi chiến đấu. Mỗi phương án đều có lợi và hại khác nhau, vì vậy con đường tu luyện của các tu luyện giả cũng đa dạng vô cùng.

Đối với linh hồn của sự vật, thường chỉ có một loại tu luyện giả duy nhất có thể liên kết được, đó chính là thư pháp gia. Thư pháp gia, có thể thông qua sự quan sát, gắn bó với sự vật, từ đó lý giải được về nguồn gốc của sự vật, lại thông qua thư pháp, truyền cảm xúc của mình vào chữ, tạo ra giả hồn cho chữ miêu tả sự vật, từ đó kích khởi tâm tình của sự vật, tìm được đường liên kết với linh hồn của sự vật. Phương pháp này tốn thời gian vô cùng, cũng không phải là có thể chắc chắn thành công, bởi giả hồn chỉ là cảm xúc của người viết truyền vào, nếu không thể tạo được sự đồng cảm ở mức độ nhất định với sự vật, kích khởi được tâm tình của sự vật, thì đó chính là thất bại. Đương nhiên, khi thành công, thành quả cũng sẽ xứng đáng với sự cố gắng bỏ ra. Linh hồn của sự vật trong trời đất, thường rất gần với sức mạnh bản nguyên, bởi sự vật ẩn chứa một lượng rất lớn nguyên tố bản nguyên, lấy ví dụ như một ngọn núi, nguyên tố hệt thổ ẩn chứa trong đó vô cùng khổng lồ, nếu có thể liên kết được với linh hồn của núi, tạo ra chân hồn cho bản thân, tốc độ tu luyện sẽ vô cùng mau chóng, rất nhanh đạt đến cấp độ bát quái hoặc ngũ hành. Chính vì vậy, đa số các thư pháp gia thường dành rất nhiều thời gian để gắn bó với một sự vật, tìm cách liên kết chân hồn với chúng. Quá trình này không chỉ giúp họ tìm được cho bản thân một chân hồn mạnh mẽ, đồng thời cũng là rèn luyện cảm xúc, tâm tính cũng như thư pháp của bản thân.

Khi Nguyễn Phong nói với Vũ Ngôn về ý định lên kinh dự thi, Vũ Ngôn hoàn toàn đồng ý, không hề có chút phản đối nào. Dù sao, một người thầy đều mong cho học trò của mình đạt được công danh khoa bảng, có ai lại phản đối việc này. Vũ Ngôn ủng hộ ý định của Nguyễn Phong, nhưng lại khuyên hắn không vội vã. Trước khi lên kinh, còn một việc rất quan trọng mà Nguyễn Phong cần làm, chính là tìm cho mình một chân hồn. Kì thi có hai phần văn võ, văn thì không có gì đặc biệt, đều phải dựa vào tài năng của bản thân để đạt được thành tích tốt, nhưng võ thì lại có sự chênh lệch rất lớn. Võ giả chính là tu luyện giả, nhưng không bắt đầu tu luyện từ tinh thần, tâm tính như thư pháp gia, các võ giả bắt đầu từ tu luyện thân thể, đề cao tố chất của bản thân, đạt đến mức nhất định thì sẽ kích khởi được nội nhãn của mình, nhìn thấu được nguyên tố năng lượng trong trời đất này, qua đó có thể liên kết được linh hồn với các sinh vật, tạo thành chân hồn của bản thân. Nội nhãn và tâm nhãn tuy có công dụng tương đương, nhưng bản chất lại hoàn toàn khác biệt. Nội nhãn là trải qua rèn luyện thân thể, gia tăng khả năng cảm giác của bản thân, từ đó mới cảm ứng được nguyên tố năng lượng; còn tâm nhãn lại là rèn luyện tâm thần để khai mở ra, giúp cho người có tâm nhãn thông qua tâm thần cảm ứng mà hình thành nên trong trí não một nhận thức về năng lượng xung quanh bản thân. Nói một cách khác, nội nhãn chính là dùng thân thể trực tiếp tiếp xúc với năng lượng, từ đó mà cảm giác được năng lượng, còn tâm nhãn thì dùng tâm thần để vẽ lại hình ảnh của năng lượng xung quanh, truyền tín hiệu đến trí não, giống như là dùng mắt để nhìn sự vật vậy. Chính vì bản chất khác nhau, cho nên khả năng cũng có điểm khác nhau. Nội nhãn chỉ có thể cảm nhận được những năng lượng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, vì vậy nên khả năng điều động năng lượng cũng như nhận biết năng lượng kém hơn tâm nhãn rất nhiều, nhưng cũng vì là tiếp xúc trực tiếp với năng lượng, nên tốc độ hấp thu nhanh hơn so với tâm nhãn. Tâm nhãn thì lại hơn ở khả năng trực tiếp thấy được năng lượng, vì vậy điều động năng lượng cần thiết, cũng như nhận biết nguồn năng lượng tốt hơn nội nhãn.

Hầu hết võ giả ra cống hiến cho đất nước, bản thân đều là những tu luyện giả đã tìm được chân hồn của mình. Chính vì vậy, Nguyễn Phong chưa có chân hồn, không thể thi thố được với bọn họ, cho nên, việc Nguyễn Phong cần làm lúc này, chính là tìm kiếm cho mình một chân hồn. Thời gian cấp bách, không phù hợp để liên kết với chân hồn của sự vật, mục tiêu lúc này của Nguyễn Phong, chính là chân hồn của sinh vật. Theo lời dặn dò của Vũ Ngôn, Nguyễn Phong đợi qua mùa đông giá rét, sang đến mùa xuân khi vạn vật sinh sôi, cũng là lúc các loài sinh vật phát triển mạnh nhất thì sẽ đi tìm chân hồn đầu tiên. Ba tháng thời gian chờ đợi, Nguyễn Phong dành để rèn luyện thư pháp, rèn luyện võ công và nghiên cứu thông tin về các loài hồn thú. Điều này cũng là một quá trình chuẩn bị cần thiết cho việc tìm kiếm chân hồn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play