HÀNG XÓM MỚI ĐẾN

“Ngọc Tỷ ngoan, lúc buộc vòng trường sinh không được lên tiếng, nghe chưa?” Tay trái Trình Tú Anh dắt con gái, tay phải cầm tơ đoan ngọ ngũ sắc sợi mảnh.

Ngọc Tỷ đáp bằng giọng non nớt: “Mẹ, mẹ cởi chiếc xuyến này ra rồi hẵng buộc.”

“Mẹ còn chưa nói hết mà, con đã sốt sắng thế rồi.”

Tố Tỷ không khỏi bật cười, ai cũng có quyền rầy cháu gái “sốt sắng” trừ Tú Anh – người ngay cả việc ở cữ thôi đã không chịu yên, nhất định phải tự quản việc nhà cho bằng được, một ngày không nghe báo cáo thì sốt ruột đến mức đấm giường, buồn cười chết được.

Đã hơn ba năm kể từ ngày Ngọc Tỷ ra đời, không có Ngô gia thường xuyên đến quấy rầy, cuộc sống của nhà họ Trình thoải mái vui vẻ hơn. Những ngày nhẹ nhõm thường trôi qua rất nhanh, đầm ấm mà không quá mức bận rộn. Trình Tú Anh đã tiếp quản hơn nửa gia nghiệp, Trình lão thái công lui về nhà, lúc rỗi rãi thì bồng Ngọc Tỷ lên đầu gối dạy chữ, dạy bé đọc vài quyển sách vở lòng.

Ngọc Tỷ vốn sáng dạ, xem qua là nhớ, ông Trình vừa mừng vừa than thở. Mừng do chắt gái thông minh từ nhỏ, than vì tiếc rằng bé là nữ, nếu là nam thì dạy dỗ sướng tay biết bao, mời danh sư học sớm, có khi đậu cả tiến sĩ. Thế thì ngày vinh hiển chẳng còn xa. Còn một chuyện đau lòng khác —– Từ ngày Ngọc Tỷ ra đời, Tú Anh chẳng có dấu hiệu gì nữa, cả nhà không khỏi lo lắng.

Nhưng nỗi lo lắng không phải lúc nào cũng bao trùm nhà họ Trình, khi gặp chuyện mừng hoặc đến ngày vui, cả gia đình thể nào cũng tươi sáng rạng rỡ hẳn. Ví như ngày Tết, ví như sự kiện Trình Tú Anh đích thân tết vòng ngũ sắc cho con gái. Cả nhà chỉ có mỗi một bảo bối này, ba người phụ nữ tranh nhau nuôi bé, nhũ mẫu thì kè kè sau lưng. Ngày này, đến cả ông Trình cũng rất muốn tự tay tết vòng trường mệnh cho chắt gái, hận nỗi cả nhà tranh không lại với mẹ người ta.

Đã thưởng thức cảnh này biết bao lần mà Trình Khiêm vẫn cảm thấy thú vị như cũ, vẫn ngồi bên cạnh, ngắm vợ mình tết vòng ngũ sắc cho con gái đến thất thần.

Bà Lâm chẳng chịu ngồi yên, đưa dây tục mệnh cho ông Trình: “Ông cũng buộc một sợi đi.” Ông Trình hớn hở đáp: “Đương nhiên rồi.” Phải sống để nhìn chắt trai chào đời.

Tết vòng ngũ sắc cho Ngọc Tỷ xong, Trình Tú Anh dùng khăn gói chiếc xuyến vàng của con bé lại, đưa cho Tiểu Hỉ: “Cất vào hộp nữ trang của ta, vài ngày sau lại đem ra cho Ngọc Tỷ đeo.” Tiểu Hỉ mỉm cười nhận lấy. Trình Tú Anh chỉ tay về cái mâm sơn đỏ: “Chừa ra bốn sợi, còn dư thì các em chia nhau mà đeo.”

Tiểu Hỉ cười đáp: “Em cất xong xuyến của đại tiểu thư rồi lại cầm mâm chia cho chúng nó.” Bước thoăn thoắt về phòng ngủ của Trình Tú Anh, cất vòng xong rồi về lấy vòng ngũ sắc, lại nghe Trình Tú Anh nói với Lâm lão phu nhân: “Con thấy rượu hùng hoàng được ngâm đâu ra đấy rồi ạ, xương bồ, ngải thảo cũng đã dặn chúng nó treo lên từ sớm.” Dứt lời lại đeo ngải thảo cho Ngọc Tỷ.

Đùn con gái ra sau hai bước, Trình Tú Anh tỉ mẩn chỉnh trang lại cho Ngọc Tỷ, điểm chu sa lên giữa hàng mày, tóc buộc cao, vì còn nhỏ nên chưa thể cài trâm, dây buộc tóc đính tua rua vàng bạc cẩn ngọc mén. Cổ đeo hạng uyển có khóa bằng vàng, y phục đỏ thẫm thêu hoa —– Đất này lắm tú nương, ngay cả con gái nhà bình thường cũng có tay nghề cực cao —– Chân mang một đôi hài thêu màu đỏ, mũi hài đính một quả cầu nhung to.

Vừa ý rồi, Trình Tú Anh xoay sang định nói chuyện với Trình Khiêm, chẳng ngờ lại thấy Trình Khiêm ngắm con gái đến ngẩn ngơ, không khỏi đưa tay huých chàng: “Nhìn cái gì? Con gái nhà mình xinh nhỉ?”

Trình Khiêm ho khan một tiếng, tiến lên một bước ôm Ngọc Tỷ vào lòng: “Con gái của ta, đương nhiên là đẹp.”

Trình Tú Anh cười, đùa: “Con gái của chàng? Chẳng có phần của em à?”

Chưa dứt lời đã bị Tố Tỷ lườm cho một cái, Trình Tú Anh không nói nữa. Tố Tỷ nhẹ giọng: “Ngọc Tỷ vốn giống con rể mà.” Trình Tú Anh hừ một tiếng bất mãn: “Con vẫn thấy giống mình cơ.”

Ngọc Tỷ được cha dùng một tay ôm vào lòng, Trình Khiêm đưa ngón trỏ gãi nhẹ cằm con bé, khiến nó bật cười khanh khách: “Buồn quá ~” Trình Khiêm rốt cuộc cũng phì cười, lại gãi cằm Ngọc Tỷ: “Buồn nữa không? Buồn nữa không?”

Đến cả ông Trình cũng rất ngạc nhiên, thằng cháu rể này thường ngày nghiêm cẩn nhã nhặn, dáng vẻ hoạt bát này hiếm thấy lắm thay, nói cho cùng cũng là thiên tính cha con, không một chút giả tạo.

Trong khi hai cha con cười ngây ngô, Trình Tú Anh rỗi rãi lại bàn về số lượng bánh ú nhà mình với bà Lâm: “Dịp Tết này, dù quà đã chuẩn bị tươm tất vẫn phải thêm vào mỗi món một phần bánh ú, đã sai người xếp sẵn sáu mươi hộp thượng hạng, chắc cũng đủ rồi.” Trình gia bảo nhỏ không nhỏ, nói lớn không lớn, cũng chẳng phải là hào môn thâm đình gì, cộng thêm thân hữu dần suy tàn, sáu mươi hộp bánh ú là vừa đủ.

Ông Trình nghe cháu gái rì rà rì rầm với bạn già của mình, lại nhìn cháu rể ôm chắt gái cười ngơ, ánh mắt lia ngang, lại thấy con gái đang vân vê khăn tay, tự dưng đau đầu. Đúng là hồ đồ, âm dương đảo lộn rồi! Đàn ông thì dỗ dành con nít, phụ nữ lại bàn chuyện nhà! Ông Trình hiểu ngầm trong lòng rằng Trình Khiêm không phải đứa vô dụng, nhưng gia đình bọn họ lại chẳng giống gia đình bình thường! Chuyện chỉ-sinh-được-con-gái kéo dài đến tận đời của Ngọc Tỷ, khiến lòng Trình lão thái công tê tái như bị kim châm.

Vốn đang tươi cười hớn hở, bấy giờ lại có vẻ miễn cưỡng, ông ho khan một tiếng: “Chuẩn bị nhiều một chút, các cháu đi sớm về trễ mãi nên không biết, sắp có hàng xóm mới chuyển đến, ở ngay con đường này.”

Trình Tú Anh và Trình Khiêm đều nhìn sang, Trình Tú Anh hỏi: “Là tòa trạch viện ở phía đông ạ? Đã nghe nó được bán cho một gia đình nhà quan từ lâu, trước đây có thấy người đến quét vôi tường, đông người lắm chuyện, cháu cũng hạn chế để đám nha hoàn chạy lung tung rồi.”

Trình lão thái công gật đầu: “Đúng thế, dù không phải quan to gì, nhưng vẫn nên sống hòa bình với chủ bộ huyện này.”

Trình Tú Anh đáp: “Cháu tính cả rồi, hiện quan chẳng bằng hiện quản, huống hồ gì có một người như thế ở gần đây, chỗ chúng ta càng thêm an tĩnh. Chỉ tiếc chúng ta nuôi Vương chủ bộ quen tay rồi, giờ lão lại bị chuyển đi, chẳng biết vị tân chủ bộ này ra sao, có dễ chung sống không.”

Ông Trình nói: “Cương trực công chính cũng tốt? Nhưng không ngay thẳng, càng dễ xử.”

Trình Tú Anh đáp với vẻ bất đắc dĩ: “Chờ chuyển đến rồi gửi thiếp mời là được. Mấy ngày gần đây còn phải giao tiếp với hàng xóm.”

Ông Trình gật đầu.

•••••

Cả dịp Tết đoan ngọ, Ngọc Tỷ ngày nào cũng diện áo mới, trang điểm rất đáng yêu, ngày nào cũng được chuyền từ tay trưởng bối này tới tay bề trên khác trong gia đình. Ngay cả hàng xóm láng giềng, ngoài trừ tiếng thở dài tiếc nuối vì Trình gia không có đàn ông ra, cũng khen Ngọc Tỷ không dứt miệng, trong đó, người có vẻ thích Ngọc Tỷ nhất lại là con dâu Lâm thị của nhà họ Triệu – hàng xóm vách trái.

Con dâu của nhà họ Triệu, hàng xóm vách trái của Trình gia họ Lâm, vừa khéo cùng họ với Lâm lão an nhân, tuổi tác lại tương đương Trình Tú Anh, vừa được gả vào nhà họ Triệu không lâu thì nhà mẹ đẻ điều tra ra được Triệu gia có một nhà hàng xóm như thế, cha ruột của Lâm nương tử bèn nhận Lâm lão an nhân làm mẹ nuôi, thế nên quan hệ hơi khác với những hàng xóm bình thường. Vì có một hàng xóm Trình gia như thế, Lâm nương tử sống rất an nhàn bên nhà chồng.

Hôm nay, Lâm nương tử đích thân được thị nữ và hai bà hầu dìu sang tặng bánh ú. Lâm nương tử có vẻ ngoài giống với tất cả những người Giang Châu khác, khiến ai nhìn vào cũng biết đấy là một người miền nam, tuy không đẹp nức tiếng nhưng vẫn có nét rạng ngời uyển chuyển riêng. Nàng ta có một đứa con trai hơn Ngọc Tỷ một tuổi, tên là Văn Lang, vì không có con gái nên rất thích con gái nhà người, mượn dịp Tết đoan ngọ đến biếu bánh ú trứng vịt để tặng vài món đồ chơi mới tinh xảo cho Ngọc Tỷ. Bế Ngọc Tỷ lên cưng nựng: “Ngọc Tỷ lại lớn hơn hồi trước rồi, be bé lại xinh lên.” Vừa khen vừa vuốt tóc Ngọc Tỷ.

Lâm thị đã có con nên cả vuốt cả bế đều rất thạo nghề. Trình Tú Anh thấy nàng ta bế thạo tay thì thích lắm: “Chỉ mong sau này trưởng thành không mất đi cái vẻ đáng yêu ngày nhỏ mới hay,” đoạn sai Tiểu Hỉ lấy bút mực giấy nghiên đã chuẩn bị từ sớm đến, “Văn Lang nhà chị lên bốn rồi nhỉ? Chẳng mấy chốc phải học vỡ lòng rồi, dạy sớm chứ không nên muộn, ta đây cũng góp chút quà mọn.”

Lâm thị cười dịu dàng nhận lấy: “Em gái có lòng rồi. Hôm nay thái công nhà ta trả bài thuộc lòng thơ nên mới không dắt nó sang đây được, hai ngày nữa lại đưa thằng bé đến dập đầu tạ ơn em.”

Trình Tú Anh cười đáp: “Chẳng phải chuyện gì to tát, sau này cháu nó đỗ đạt quan to, cưỡi tuấn mã quay về, bọn em cũng được thơm lây.”

Hai vị mẫu thân đại nhân tâng bốc lẫn nhau, Ngọc Tỷ xoay người, chốc thì nhìn người này, chốc lại ngắm người kia, đôi mắt đen láy chớp chớp, chỉ thấy mẹ và “thím” trò chuyện rất vui, học lõm được vài câu. Đi về chơi với Tiểu Hỉ, tự đóng giả mẹ rồi bảo Tiểu Hỉ diễn vai Lâm thị, từng câu từng chữ chẳng sai, khiến Trình Tú Anh thấy mà phát cáu, nhéo đôi má phính của con bé —– Chuyện này nói sau.

Hôm ấy Lâm thị chỉ nói: “Nhận lời tốt lành của em.” Trình Tú Anh lại bàn đến chuyện phía đông có hàng xóm mới chuyển đến: “Chắc đã đến được vài ngày rồi, tra được gia đình chủ bộ mới này họ Kỷ, vợ hắn họ Hà, hai người cùng tuổi, năm nay đều ba mươi, có đứa con trai lên mười, con gái thì tám tuổi.”

Lâm thị kinh ngạc: “Em gái nhạy tin thật.”

Trình Tú Anh đáp: “Ai bảo em nhạy? Chẳng qua là do nương tử Vương chủ bộ khi trước kể ta nghe, ta đi tiễn bà ấy, bởi thế mới biết.” Sau này mà Lâm thị có quan hệ tốt với nương tử nhà Kỷ chủ bộ, mình cũng dễ qua lại.

Lâm thị nghe xong không tiếp lời, chỉ bảo: “Ta phải về báo lại với nhà mới được.”

Trình Tú Anh đáp: “Nên thế.”

Lâm thị thầm nghĩ, bình thường khó mà ra khỏi nhà để đến Trình gia một chuyến, lại nghe được tin hay, bèn buôn chuyện với Trình Tú Anh thêm một lát, cũng khoan khoái. Kể ngay: “Bà nội nhà chồng tháng chín này sẽ tổ chức tiệc thọ bảy mươi, bây giờ đã bắt đầu bận rộn, cha chồng bảo bà ấy đã kham khổ một đời, phải tổ chức thật lớn…”

Hai người lại chuyện phiếm hồi lâu, mùa hạ tháng năm ấm áp, khiến người ta dễ dàng ngủ gật. Ngọc Tỷ là trẻ con, hoạt bát hơn hẳn người lớn, đến trưa lại càng không muốn ngủ, Trình Tú Anh không thể không ôm nó vào lòng, lại sợ con bé nóng: “Bảo mợ Lý dắt con đến chỗ bà ngoại mới được.”

Lâm thị đứng dậy: “Ta phải về rồi, làm dâu nhà người, khó mà ung dung quá.” Trình Tú Anh thở dài: “Ai cũng có chỗ khó xử riêng.” Ngọc Tỷ không cho mợ Lý bế, chỉ ôm cổ Trình Tú Anh ngó trái nhìn phải, khỏi kể, nó lại đang học lõm lời hai người rồi.

Trình Tú Anh đích thân bế con tiễn Lâm thị ra đến cửa: “Kỷ gia đến rồi, nhà chúng ta cũng phải đưa bái thiếp sang, nhà chị cũng sớm chuẩn bị đi nhé.”

Lâm thị lại cảm ơn lần nữa, về nhà báo cáo lại với chồng và cha mẹ, nhà họ Triệu cũng sai người gửi thiếp lại cho Trình gia, có ý cảm tạ họ đã nhắc. Vì nhà họ Trình khác với mọi nhà, cha mẹ chồng Lâm thị mỗi người viết một tấm thiếp, sai người đưa tận tay Trình lão thái công và Lâm lão an nhân, hẹn hai nhà cùng đến gặp Kỷ gia. Đại diện Trình gia là vợ chồng Tú Anh, đại diện Triệu gia là Lâm thị và chồng Triệu Kỳ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play