THÂN THỊ VÀ TÚ ANH NẾM QUẢ NGỌT, ĐỀU MUỐN GIỮ MỐI LÀM ĂN LÂU DÀI VỚI KHÁCH HỒ.
Lại nói mẹ con hai người Tú Anh, Ngọc Tỷ ra khỏi châu phủ, thấy Tú Anh buồn bã, Ngọc Tỷ dỗ mẹ nói ra chuyện khó xử, rồi bảo: “Chuyện này không khó.”
Tú Anh dù biết con gái mình sáng dạ, nhưng bấy giờ cũng không dám đồng ý bừa, hỏi bé trước: “Sao lại không khó? Chỉ một câu này của con, mẹ đã không thể đồng ý bừa rồi, huống chi còn muốn đến bàn chuyện với nương tử phủ quân?”
Ngọc Tỷ nói: “Chẳng phải mẹ từng bảo, cửa hàng kim chỉ trước kia của chúng ta có rất nhiều khách đến mua à? Đã có nhiều người mua như thế, thì trong thành này phải có nhiều người biết thêu thùa. Qua lại bao nhiêu năm như vậy, lại nghe chuyện Trình Thực tới lui, dán bao nhiêu là quảng cáo, hẳn đã rất nhiều người biết tiệm mình mở lại. Thành này thứ dư dả nhất hẳn là tú nương rồi? Đã buôn bán kim chỉ nhiều năm như vậy, có lẽ chưởng quỹ cũng biết ai có tay nghề tốt. Giờ nhà mình chất đống kim chỉ và lụa là, giao những thứ này cho tú nương, bảo họ thêu, chúng ta trả tiền công. Lại có sẵn mẫu, chúng ta phát vải, nửa tháng một tháng là xong. Rồi căn cứ theo thành phẩm mà trả tiền cho họ, không cần họ phải tự ra vải, chẳng không rẻ hơn?”
Tú Anh nghĩ, đây đúng là một cách hay, lại tuyệt ở chỗ không cần lập tức dọn dẹp mặt tiền cửa hàng. Chỉ cần sắp xếp một phòng sạch để cất hàng thêu là được. Chợt bảo: “Ấy chết! Vừa nói nói với nương tử phủ quân rồi, sợ rằng nàng ấy đã sai người đi từ chối khách thương Hồ. Thế còn may, chứ nếu nàng ta tìm nguồn hàng nơi khác, chúng ta chẳng nhẽ lại khoanh tay ngồi nhìn ư?” Trong mắt Tú Anh, hai nhà Hồng Trình trước mắt không thiếu tiền, nhà họ Trình thì khỏi nói, còn nhà họ Hồng thì cũng có của hồi môn của nàng, nhưng tiền trong tay Hồng Khiêm có hạn, vợ chồng hai người còn trẻ, sau này nếu lại nuôi thêm hai ba đứa con, thì tình hình kinh tế hẳn sẽ eo hẹp, phải thừa lúc còn trẻ, kiếm thêm tiền mới tốt.
Tú Anh lại còn một suy nghĩ trong lòng, người cậu ruột chưa từng gặp mặt của mình đã chết trên đường đi thi, lúc Hồng Khiêm đỗ cử nhân thì lại phải vào kinh, Tú Anh muốn sắm sửa lo lót thật ổn cho chàng một phen. Nghĩ lại năm xưa cậu vào kinh, gia đình chưa hẳn đã không phái tâm phúc đi theo bảo vệ, nhưng chết thì vẫn chết. Nên chuyến này Hồng Khiêm đi, Tú Anh càng quan tâm hơn, chuyện thuê thuyền thì không bàn đến, ngay cả thức ăn nước uống cũng phải bổ dưỡng ngon lành, xong xuôi đâu đó có lẽ phải mời một thầy lang có thâm niên đi theo. Lại nghe Thân thị bảo trong kinh giá gạo rất cao, thuê phòng ở cũng không rẻ, thứ nào thứ nấy đều cần tiền, không khỏi coi trọng chuyện làm ăn buôn bán hơn.
Ngọc Tỷ nghe mẹ nói thế, bèn bảo: “Vậy chúng ta nhanh chóng quay lại, thế nào?” Tú Anh cân nhắc một chút, chuyện này không có sơ suất, nếu có, cũng có thể bàn bạc đôi điều với nương tử phủ quân. Trước đây tuy chưa từng làm ăn theo cách như vậy, nhưng cũng không phải chưa có tiền lệ. Láng giềng tay nghề khá một chút, sẽ nhận lời thêu giúp nàng, có thể trả công bằng rượu thịt hoặc biếu chút tiền tạ lễ.
Cân nhắc một lúc, lệnh xoay kiệu về, lại đến gặp Thân thị.
Bên này Thân thị cũng đang tiếc rẻ, nghĩ đến chuyện sắp đến cuối năm, tuy Giang Châu trù phú, cấp dưới thỉnh thoảng cũng biếu quà, nhưng Lệ Ngọc Đường không phải quan tham, Thân thị cũng chẳng phải loại người hà khắc bóc lột, lại đến đây chưa đầy một năm, những thứ lễ lạt lợi lộc nhận được cũng có hạn.
Vừa phải biếu quà Ngô vương phủ chốn kinh đô, vừa phải để dành tiền cưới vợ gả chồng cho con, trong kinh đưa thư đến, vợ trưởng tử của Lệ Ngọc Đường lại sinh thêm một đứa con trai cho nhà họ Lệ, trưởng nữ đã xuất giá cũng đang mang thai. Giờ đây Thân thị đã có bảy tám đứa cháu nội lẫn ngoại, tuy không phải con mình, nhưng sau này trưởng thành rồi kết hôn, không thể thiếu vài món đắp vào. Lệ Ngọc Đường lại thích một bức tranh chữ, nghe đồn là bút tích thực của thái phó đời trước Tô Trường Trinh, cũng chẳng biết sao lại lưu lạc tới tận Giang Châu, chủ nhân của nó bán với giá năm trăm lượng, Lệ Ngọc Đường đã sai người rút tiền chi bạc. Lại cả áo quần năm mới, trang sức phụ nữ, giày mũ đàn ông, cũng là một khoản chi tiêu lớn.
Thân thị và người chị đã mất của mình đã có thể gọi là biết kinh doanh, nhưng cứ sống với khoản tiêu như vậy, hai ba mươi năm qua, thực sự không còn bao nhiêu tiền để mua thêm sản nghiệp, dù có mua được, cũng phải dành ra quá nửa làm của hồi môn cho con gái. Chẳng dễ gì có vợ Hồng tú tài nảy ra ý định kia, Thân thị cũng thích, nhưng không ngờ khách thương người Hồ lại đến vội như thế, một món bạc lớn ngay trước thềm năm mới cứ bay qua trước mắt như vậy. Tuy đã nhủ “không phải là của mình”, nhưng trong lòng vẫn thấy tiếc.
Bỗng nghe bẩm Tú Anh quay lại, Thân thị nói: “Chẳng hay nàng ấy quay lại làm gì? Mời vào đi.” Bụng bảo dạ, hẳn là chuyện gấp, bằng không sao lại vội vã như vậy? Không ngờ Tú Anh đem tin tốt đến cho nàng.
Mới đầu lúc Tú Anh dắt Ngọc Tỷ đến, Thân thị bảo con gái mình trò chuyện với bé, còn mình thì bàn bạc chuyện chính với Tú Anh. Lần này quay lại, Tú Anh dắt theo Ngọc Tỷ vào, chị em Lệ thị không đi theo mà đã về phòng thêu thùa, Ngọc Tỷ ở lại.
Thân thị cười hỏi: “Không nỡ rời xa ta à?” Tú Anh cũng cười: “Đúng thế đấy ạ.”
Hai người nói đùa xong, Tú Anh bèn bàn vào chính sự: “Chuyện khi nãy vừa bàn, nương tử đã sai người trả lời thương khách người Hồ kia chưa?” Thân thị ung dung hỏi: “Trả lời rồi thì sao? Chưa trả lời thì sao? Em quay lại là vì chuyện này? Có cách xoay sở rồi à?” Tú Anh gật đầu đáp: “Vâng.” Lập tức thuật lại kế sách nhưng giấu tên Ngọc Tỷ đi. Thân thị nghe xong, cũng thấy khả thi, nhưng lại bảo: “Chỉ e quá gấp gáp.”
Tú Anh liếc Ngọc Tỷ, Thân thị thấy thế cũng chững mày nhìn bé, gương mặt nhỏ nhắn của Ngọc Tỷ nhăn lại, suy nghĩ một lúc, bé cũng không dám nắm chắc. Trước nay những người từng gặp Ngọc Tỷ đều khen bé thông minh, nhưng giờ bé cũng chỉ mới mười tuổi, tuy có thầy dạy dỗ, hiểu được một số lý lẽ nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, cũng chưa từng đích thân kinh doanh buôn bán, không rõ cách thức lề lối, rất nhiều chuyện chỉ nghĩ rằng “chắc hẳn phải vậy thôi”. Nhưng bé lại có một ưu điểm, phàm là chuyện không nắm chắc được, sẽ không gắng gượng ôm đồm vào.
Tú Anh nhìn tình hình liền biết Thân thị đã ngờ Ngọc Tỷ. Giờ nàng đã đổi ý, bị nhiều người nhận ra con gái quá lợi hại thì không hay ho gì, nhưng có người biết con gái nàng thông minh lanh lợi hiền lành lại tốt, những việc nổi trội tỏa sáng, thực sự không nên để cả thành đều hay tin. Nhưng Thân thị đã nhìn ra, nàng đành phải úp mở đôi câu thực thà, cũng không thể để nương tử phủ quân hiểu lầm, trái lại dễ xảy ra chuyện. Bèn nói: “Trên đường về nhà, con bé này thấy ta buồn bã, nói bừa thành này có nhiều tú nương, chỉ tiếc không tiện sai phái.”
Thân thị lại nhìn Ngọc Tỷ, đoạn cười: “Con gái nhà em thông minh thật.”
Ngọc Tỷ đứng dậy thưa: “Nương tử quá khen rồi, con chỉ đoán bừa thôi. Trước Tết mẹ dạy con vài sự vụ trong nhà, vì nhà con có kho, họ thường thuê về trữ hàng. Giang Châu vốn là một nơi như thế. Là đất trao đổi hàng hóa nam bắc, trao đổi hàng hóa giữa Thiên triều và phiên bang, lẽ nào giao dịch giữa tú nương và khách thương người Hồ lại không được? Lại chẳng phải mình bán đồng thiết cho họ.”
Thân thị cười đáp: “Thuốc ác không uống, phi pháp không làm. Ngoài những việc ấy, mọi thứ đều tùy vào bản lãnh mỗi người. Chính là cái lẽ ấy.” Bụng bảo dạ, ta chỉ sợ con còn bé mà thông minh quá, đến mức ỷ vào cái thông minh ấy mà không kiêng kỵ gì, nếu là như thế, dù có thông minh hơn cũng không tiện dây vào, nhưng xem ra con là người biết phải trái, không đến nỗi rước tai họa. Trong lòng đã chọn Ngọc Tỷ, nhưng suy nghĩ vẫn còn lung lắm, không biết nên xuống tay thế nào mới ổn. Nếu gả cho Bát Ca thì quá tốt. Nhưng Thân thị nhìn vẻ ngoài xinh xẻo ấy, lại vô cùng không nỡ. Nếu gả cho con ruột Cửu Ca, Thân thị lại muốn quan sát bé thêm vài lần nữa mới quyết định.
Hai người này lại hợp ý nhau, Ngọc Tỷ nghe Thân thị nói mà có cảm giác như gặp tri kỷ, đạo lý ấy bé hiểu rõ trong lòng, chỉ không thể diễn đạt rõ ràng thẳng thắn như thế mà thôi. Thân thị thấy bé chỉ nghe một câu nói thôi mà gương mặt nhỏ nhắn ửng đỏ, đôi mắt to lấp lánh thì lấy làm thoải mái trong lòng, ai lại không vui khi người khác thích nghe lời mình nói chứ? Không khỏi thêm một câu hỏi Ngọc Tỷ: “Con nói xem có phải không?”
Ngọc Tỷ cười thưa: “Phải ạ phải ạ. Trong thành này, gia đình con đã có thể xếp vào hạng cơm áo không lo, nhưng vẫn có nhà ưu sầu vì năm mới, nghe nói họ không có ruộng đất, chỉ dựa vào làm công mà sống qua ngày, nương tử và mẹ con có lòng giúp họ tay làm hàm nhai, thực tế hơn việc bố thí cho họ củi gạo nhiều. Cho họ cá chi bằng cho họ cần câu, cả hai đều lợi, không còn gì tốt hơn.”
Giọng bé trong trẻo dịu dàng, lại biết tiếng quan thoại, âm điệu êm tai, Thân thị nghe mà thoải mái khó tả. Thầm nhủ, nếu gả cho Bát Ca thì hơi tiếc, người ta nuôi được một đứa con gái như thế, e cũng không muốn gả cho Bát Ca. Tuy nói thân sơ khác nhau, Thân thị vẫn luôn gắng đối xử công bằng, với con ruột đương nhiên sẽ tốt, nhưng với những đứa không phải mình sinh ra cũng chẳng đến nỗi nào, song chung quy đích thứ vẫn khác nhau, vợ Bát Ca không nên nổi trội hơn vợ Cửu Ca.
Thân thị đã nghĩ như thế, không khỏi lại nhìn Ngọc Tỷ, chỉ bằng vẻ ngoài này, sự lanh lợi này, dù có ném vào trong kinh cũng không kém cạnh ai, nếu cho làm vợ Bát Ca chỉ e không hợp, nếu gả cho Cửu Ca… Thân thị nhìn Ngọc Tỷ bằng ánh mắt khác. Vì Cửu Ca là con ruột của mình, lại là con đích, nhưng rốt lại vẫn là đứa bé nhất, nếu định hôn cho Cửu Ca trước thì chuyện của Tứ Tỷ Ngũ Ca sẽ trễ mất đôi phần, không tốt lắm. Đành phải gả gấp Tứ Tỷ Ngũ Tỷ cho người khác, tránh để trong kinh lại phối bừa uyên ương. Ngọc Tỷ hãy còn bé, quan sát thêm nửa năm một năm, vẫn kịp.
Sau đó bèn dịu dàng trò chuyện với Ngọc Tỷ, đoạn khen Tú Anh: “Con gái nhà em vừa xinh xắn vừa lanh lợi, đúng là chiếm trọn linh khí đất trời.”
Tú Anh cười bảo: “Sao có thể bì với con gái quý phủ? Chẳng qua là do chỉ nuôi một mình con bé, cái gì tốt đẹp đều dành hết cho nó, bồi đắp mà ra cả.”
Thân thị đáp: “Nhà ai nuôi con mà không thế đâu? Có người muốn bồi đắp còn không đủ sức kìa.” Tú Anh Ngọc Tỷ nghe mà cúi đầu cười khẽ, Thân thị nhìn sườn mặt trông nghiêng của Ngọc Tỷ, đúng là cười rộ lên vẫn đáng yêu, muốn nói: “Xinh xắn thế này, chẳng biết con cái nhà ai có phúc cuỗm về đây.” nhưng có mặt Ngọc Tỷ, lời này e có phần càn rỡ, nàng bèn nhịn, chờ lần sau chỉ gặp một mình Tú Anh mới để lộ chút ý. Chuyển đề tài, bàn sang khách thương người Hồ với Tú Anh. Vì Ngọc Tỷ đang ngồi nghe bên cạnh, Thân thị cũng hỏi bé.
Ngọc Tỷ thưa: “Con chưa từng gặp, chỉ nhìn thoáng qua lúc theo trưởng bối. Kim chỉ vải lụa đều đã có sẵn, các chưởng quỹ cũng quen với những tú nương có tay nghề tốt, giao cho người dưới lo liệu là được. Chỗ Hồ thương có quản sự của quý phủ lo, chúng ta chỉ ngồi chờ tin thôi.” Thân thị lại thỏa thuận với Tú Anh: “May mà ta chưa sai người từ chối khách thương người Hồ, mối này vẫn còn treo đấy, ta cử Hồ Nhị dẫn chưởng quỹ của em đến gặp họ, chọn mẫu. Em thì lo phần tìm tú nương.” Tú Anh đồng ý.
Thân thị lại rút chiếc lược bạc cài trên đầu ra cho Ngọc Tỷ: “Ngày thường gặp mặt, vì đông người nên quên tặng quà ra mặt cho con, đây là kiểu mới nhất trong cung, đẹp ở chỗ tinh tế.” Ngọc Tỷ liếc Tú Anh, thấy nàng gật đầu mới uyển chuyển xá một cái, cảm ơn rồi mới nhận.
Tú Anh thấy mình nán lại đã lâu, rất thức thời muốn cáo lui. Thân thị cũng không giữ lại, chỉ bảo: “Rảnh rỗi thì đến, sau này em và ta còn hợp tác lâu dài.”
•••••
Mẹ con Tú Anh không còn lo lắng gì, về nhà đương nhiên sẽ bắt tay vào chỉnh đốn gia vụ. Ngọc Tỷ ít kinh nghiệm, như bé đã nói, mình chỉ đứng bên quan sát. Tú Anh hiểu nhiều biết rộng, vừa gọi chưởng quỹ quản sự đến, vừa sắp xếp an bài.
Tú nương ở Giang Châu rất dễ tìm. Người ngụ thành Giang Châu, như lời Ngọc Tỷ đã nói, ngoài gia đình giàu có có ruộng vườn ở nông thôn, những người không có ruộng đất thì hoặc đi ở cho người, hoặc buôn bán nhỏ sống qua ngày, hoặc ngăn nhà thành vài gian cho thuê lấy tiền, số còn thừa lại chỉ đành đi làm công trang trải cuộc sống. Giang Châu gần kênh đào, có vô số người đến bến thuyền làm thuê. Rất nhiều gia đình tú nương cũng thế, đàn ông ra ngoài kiếm việc, phụ nữ nhận hàng thêu về làm. Lúc cụ Trình còn sống đã có tiếng là trung hậu, các tú nương nghe đây là mối làm ăn của nhà cụ, đều vui vẻ nhận việc.
Một chiếc khăn thêu thượng hạng, gộp cả tiền kim chỉ, vải lụa, công cán cũng chưa đến một mạch tiền, bán với giá một lượng cho Hồ thương, họ cũng đồng ý mua. Nếu tự mình gom hàng, khách thương Hồ không cần bỏ nhiểu vốn đến vậy, nhưng sẽ khó mà gom được số lượng lớn lại đồng đều thế này, lại phải bỏ tiền thuê người móc nối các nơi, chẳng biết đến khi nào mới gom đủ số, kiểu mẫu cũng không được tự chọn. Trước mắt có phủ quân đảm bảo, hàng vừa nhiều vừa tốt, tải về cũng bán được với giá cao. Hồ thương thồ khăn thêu về nước, một chiếc mắc cũng được năm lượng, thế mà vẫn có người mua, rẻ thì bán hai lượng thôi. Lại nghe chỗ Tú Anh có cả kim, thực sự là lãi to, dù Tú Anh có to gan nâng giá lên mấy lần, lão vẫn còn lời được trăm lượng vàng, không gì thỏa đáng hơn. Rồi lại biết có thể đặt hàng, bèn đặt mấy mẫu màn thêu, những thứ này mà tải về, cũng là một món hời kếch sù.
Ngọc Tỷ ở bên cạnh quan sát, lại để tâm nghiền ngẫm, trau dồi được không ít kinh nghiệm. Tú Anh muốn con gái nắm bắt được việc làm ăn của gia đình, lại nghĩ giờ đây Ngọc Tỷ đã là con gái tú tài, tiền đồ Hồng Khiêm còn chưa rõ, không thể để bé còn nhỏ mà chường mặt ra giữa đám đông mãi, cố ý dặn dò: “Con nghe này, nếu gặp khách thì phải lùi ra sau lưng mẹ, nam nữ khác nhau. Sau này có ra ngoài cũng phải ngồi kiệu, hoặc đội nón mành hoặc trùm khăn che.
Ngọc Tỷ đáp: “Mẹ, con biết mà, sẽ không quấy phá đâu. Lúc còn bé cũng phải có cha có thầy dắt con mới dám ra ngoài.” Ngọc Tỷ khá tiếc mạng mình, cũng là do từ lúc lọt lòng, người nhà đã bảo bọc bé, xem bé như tròng mắt mình, bé cũng biết mình không thể nào xảy ra chuyện ngoài ý muốn được. Dần dà lại thành tật tiếc mạng, không biết là tốt hay xấu.
Tú Anh híp mắt gõ bàn tính, sau một tràng tiếng lách cách mới thở hắt ra: “Chỉ một mẻ mà ngân sách đã dư dả hơn nhiều. Lúc cầm được tiền phải về quê mua mấy mẫu ruộng mới được. Số còn thừa lại đưa cha con làm lộ phí. Năm sau nếu còn vụ nữa thì lại để một nửa làm lộ phí tiếp. Chẳng ai chê tiền nhiều.” Một nửa số tiền còn lại, đương nhiên là dành làm của hồi môn cho Ngọc Tỷ. Tuy cụ Lâm đã tặng của nả, nhưng Ngọc Tỷ vẫn là con ruột của mình, phải tự thu vén của hồi môn mới ổn.
Sắp xếp đâu ra đấy, Tú Anh lại gọi Điền thị đến, sai thị sang chỗ nương tử Hồ Nhị nhà Thân thị, mượn lời hai thị thuật lại sự vụ với Thân thị. Vừa xong vụ làm ăn, vừa thể hiện chủ mẫu hai nhà không nhúng tay. Chỉ khi châu phủ đãi tiệc trước và sau Tết, Tú Anh mới dắt con gái đến chuyện phiếm với Thân thị.
Nhưng những vụ làm ăn như thế, chỉ cần ra tay thì làm sao lòe được người tinh mắt? Tuy có phần tử trí thức cổ hủ không nghĩ đến chuyện này, nhưng những thương nhân biết lợi hại, thấy nương tử Hồng tú tài và nương tử phủ quân hợp tác kiếm món tiền này, cũng chỉ càm ràm sau lưng, than một câu: “Sớm biết thế này…”, nhưng không dám phá đám.
Trước Tết Tú Anh đã gom về được vài trăm chiếc khăn, trả tiền vốn lại cho Thân thị, để nàng ngồi không ăn lời. Thân thị đã có lòng muốn qua lại thân thiết với Tú Anh, vô cùng không muốn chiếm hời chỗ nàng. Tú Anh bảo: “Nếu không có tin từ nương tử, vụ làm ăn này đã không thành.” Thân thị bèn đáp: “Ta không thể tìm được nhiều tú nương lành nghề như thế, cũng không thành.” Hai người nhường qua nhịn lại, cuối cùng, Tú Anh thấy Thân thị thật lòng, bèn bảo: “Thực sự không cần nhiều vốn đến vậy, tổng chi phí chưa đến vài trăm bạc.” Thân thị nói: “Vậy cứ giữ đấy, có thêm khách ta sẽ báo em.”
Hai bên đều là người khôn ngoan, chỉ cần đều có lòng, thành tâm hợp tác, đương nhiên có thể tiếp tục bắt tay nhau. Năm này trôi qua rất thoải mái. Mỗi lần tính sổ, Tú Anh luôn có thể thêm mấy trăm lượng bạc vào, đến cả Ngọc Tỷ còn được chia hai trăm lượng. Tú Anh vui cực.
Ngọc Tỷ lại có tâm sự, từ đường nhỏ trong nhà vừa xây mới, bên trong lại vẫn trống rỗng như cũ. Ấy không hợp lẽ thường! Ngọc Tỷ lén đến tìm Tú Anh, khi ấy Tú Anh đang trông Kim Ca lảo đảo tập chạy, thấy bé đến, Kim Ca bổ vào đùi bé, siết chặt váy bé: “Đại tỷ tỷ ~” Nhóc biết nói muộn, nhưng phát âm rất rõ.
Ngọc Tỷ khom lưng bế nhóc lên, áng chừng: “Nhóc lại béo lên rồi! Bụ bẫm, đúng là khỏe khoắn!”
Kim Ca cười khanh khách, ôm cổ Ngọc Tỷ không buông. Ngọc Tỷ bế nhóc đến chỗ Tú Anh, Tú Anh đón lấy: “Nặng lắm ấy, con lại bế nó, phải để thằng bé hoạt động chứ, nó lười lắm, hiếm được khi muốn chạy đấy.” Ngọc Tỷ đáp: “Giờ lại không thích nhúc nhích rồi, để con bế là được. Con có chuyện muốn nói với mẹ.” Tú Anh bèn hỏi chuyện gì, Ngọc Tỷ mới thưa: “Năm mới đến rồi, từ đường nhà mình vẫn còn trống.”
Tú Anh đáp: “Cha con lại không nhắc đến… Thôi, để mẹ hỏi cha vậy. Mẹ cũng thường lấy làm lạ, chẳng lẽ chuyện ông bà nội con lại có ẩn tình? Nếu không sao lại không nhắc đến? Trước đây đi ở rể không tiện nhắc thì thôi, giờ đã… Mẹ phải hỏi cha một tiếng mới được, con đừng làm rộn lên đấy.”
Ngọc Tỷ nói: “Con biết nặng nhẹ, mẹ cũng khuyên cha, không thờ không ổn. Giờ cha cũng đã là tú tài, hai năm sau lại làm cử nhân, tiến sĩ, chuyện này khó mà nói ra được, chỉ sợ có ngự sử hạch tội thiếu đức hạnh thì hỏng.” Tú Anh đáp: “Đúng thế thật, gia đình bình thường mà có uẩn khúc gì còn phải giải thích rõ, không thì lại có kẻ xuyên tạc.” Ngọc Tỷ thưa: “Chuyện người lớn, con nít như con không tiện nhiều lời, mẹ khuyên cha nhé.” Tú Anh bảo: “Mẹ biết rồi.”
Ngọc Tỷ lại bế Kim Ca lên trò chuyện với nhóc, dạy nhóc đọc thơ, trước tiên là bài “Đầu giường ánh trăng rọi“, bé đọc câu nào, Kim Ca nhắc lại câu ấy. Học cả buổi, cuối cùng Kim Ca đã thuộc được bốn câu này. Tú Anh nhìn mà thích, đêm bế Kim Ca đến đọc cho Hồng Khiêm nghe, đoạn hỏi: “Ngọc Tỷ dạy Kim Ca thuộc đấy, chàng thì sao? Có nhớ quê nhà không? Con cái đã lớn mà vẫn chưa biết tục danh của ông bà nội, Ngọc Tỷ ngày càng lớn, lúc mối mai ngộ nhỡ sui gia có hỏi, cũng khó mà đáp.”
Hồng Khiêm sầm mặt: “Để ta cân nhắc đã.” Đón lấy Kim Ca, bảo nhóc đọc tiếp. Kim Ca trả bài thêm lần nữa, rồi không muốn đọc tiếp. Hồng Khiêm bó tay, vê má nhóc: “Thằng cứng đầu, giống cha mày ghê chưa!” Đoạn ngẩng đầu nói với Tú Anh: “Để ta tự viết vậy.” Rồi đích thân viết bài vị, xếp vào trong từ đường.
Thầy Tô nghe tin, không tiện xông vào từ đường nhà người ta thăm thú, vò đầu bứt tai, tò mò lắm thay, nhưng lại không tiện hỏi. Cả ngày chỉ đưa mắt soi Hồng Khiêm, Hồng Khiêm mặc kệ, chỉ đi xã giao khắp nơi, rồi hầu thầy Tô uống rượu một bữa. Ngọc Tỷ lại rất bận, vừa phải theo Tú Anh đến gặp Thân thị, mọi người biết nhà họ Hồng và phủ quân có quan hệ làm ăn, cũng chẳng lấy làm lạ. Vừa muốn đến chơi với cụ Lâm và Tố Tỷ, giờ Tố Tỷ ngày càng không muốn bước chân ra khỏi cửa, chỉ tự nhốt mình trong Phật đường, sợ có quỷ lôi bà đi theo.
Lại vì gặp Thân thị nhiều lần, gần đến năm mới, Ngọc Tỷ không thể thiếu việc thêu thùa hai món làm quà. Tài thêu của Ngọc Tỷ là do Tố Tỷ chỉ dạy, thường ngày Tố Tỷ không việc gì làm, bèn dồn hết lòng dạ vào mấy ngón này, tuy tay nghề Ngọc Tỷ còn non nhưng lại khá sáng tạo, hoa văn cũng đẹp mắt. Chuỗi hạt đeo trán biếu Thân thị, ngày hôm sau nàng đã cài lên, lại tặng Ngọc Tỷ một đôi ngọc sáng. Lúc Ngọc Tỷ mở hộp ra xem, thế mà lại là một cặp trân châu đen tròn trĩnh, không khỏi kinh ngạc: “Thứ này rất hiếm thấy, là vật quý.”
Thân thị đáp: “Vốn là quà biếu của khách thương người Hồ kia, ta cũng phải nể mặt người ta, những thứ khác không lấy, chỉ nhận vài hạt trân châu. Cặp trân châu này vừa khéo cùng kích cỡ, cho con chơi.” Tú Anh nói: “Quý hóa quá rồi.” Thân thị đáp: “Đáng là bao? Hai cô cháu ta hợp ý nhau mà.”
Đôi bên đều vui vẻ, sau Tết, Tú Anh đưa tiền lời cho Thân thị, hai người chia năm năm. Thế mà lãi đến tận ngàn lượng, bản thân lại không tốn bao nhiêu tiền vốn, đến cả cửa hàng cũng không cần phải thu dọn, chỉ cần sai người kiểm kê khăn thêu có lỗi không thôi.
Thương khách người Hồ thấy khăn thêu đều đặn, lại có thể tự chọn mẫu rồi phái người làm thì rất hài lòng, lại đặt thêm một số. Ông ta giắt vàng đến đây, một lượng vàng khoảng mười lượng bạc, mười sáu lượng là một cân, mang theo vài hộp da nhỏ đựng vàng, tổng nặng hơn trăm cân thôi. Vàng vốn có giá, nhìn lại gọn, giắt theo cũng tiện. Bèn dùng vàng ròng giao dịch, khăn thêu nhẹ, dễ vận chuyển, quả thực là mặt hàng tốt để mang về bán.
Thân thị và Tú Anh nếm quả ngọt, đều muốn giữ mối làm ăn lâu dài với khách Hồ. Hồ thương bên đây, có quan che chở mà không hà hiếp, hàng gom được lại tốt, cũng cảm thấy đáng tin, trước khi rời đi đã hẹn với Trình Thực: “Năm sau đến mua tiếp.”
Bên kia Tú Anh lại nảy ra ý định, chỉ gom mỗi hàng thêu, hoặc quạt hoặc khăn hoặc bình phong, hễ có đơn đặt hàng thì sẽ nhận cả. Ra lụa ra kim chỉ cho tú nương, cửa hàng xuất vật liệu, tú nương xuất công, Tú Anh trả công cho họ, bán sản phẩm. Dần dà, không chỉ kinh doanh tiệm kim chỉ mà kiêm luôn cả việc mở một phường thêu, không nuôi tú nương mà chỉ trả công, vì thế không cần thuê viện cho họ ở và làm việc, chỉ cần một cửa hàng mặt tiền là được.
Đến tháng ba, trước ngày sinh nhật mười một tuổi của Ngọc Tỷ, hai cửa hàng đã có lợi nhuận. Hôm ấy, trong nhà bày tiệc sinh nhật mừng Ngọc Tỷ, cụ Lâm, Tố Tỷ, thầy Tô đều góp mặt, đương lúc tưng bừng, Trình Thực sai Tiểu Yêu đến bẩm: “Ngoài cửa có người đưa thiệp đến.”
Tú Anh lấy làm lạ: “Là ai vậy?”
Hồng Khiêm giở thiệp ra xem, cười đáp: “Là Thịnh tiểu tú tài, cả nhà cậu ấy lại dời về thành sống, thuê một căn nhà ở phố Đông, mấy ngày sau sẽ đến thăm viếng.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT