CON BÉ TÚ ANH ẤY ĐANH ĐÁ KHÓ CHƠI, NHƯNG MẸ NÓ THÌ DỄ NÓI CHUYỆN!
Thân thị và Lệ Ngọc Đường phân tích rõ ràng xong, vì trước kia Thân thị lo lót ổn thỏa chuyện cưới gả của con cái, vừa là gia đình giàu có, vừa không phải những kẻ có thân phận lái buôn khó xử, nên giờ Lệ Ngọc Đường chỉ hỏi qua một lượt rồi bỏ ngõ, giao tất cho Thân thị làm.
Thân thị hiểu rõ con người Lệ Ngọc Đường, là kẻ không tốt không xấu, bản lĩnh không lớn không nhỏ, tính tình không mềm không cứng, là người bình thường nhất trong số những kẻ bình thường. Lại do tổ tông từng làm Hoàng đế, bây giờ anh em con chú bác vẫn làm Hoàng đế, vì hơi kỹ tính, vì triều này trọng văn, sợ bị văn sĩ chê cười nên phải vờ ra vẻ mình văn nhã, sưu tập nào tranh chữ danh gia, nào mực bút giấy nổi tiếng…, toàn những trò đốt tiền. Tuy là con trai thân vương, là anh họ Kim thượng, nhưng vì gia đình quá đông người, không thể ban tước cao cho tất cả, bổng lộc đương nhiên cũng chẳng nhiều nhặn gì —– Còn chả đủ cho một mình mình tiêu nữa!
Ưu điểm duy nhất của Lệ Ngọc Đường, chính là vẻ ngoài cũng được, vậy thôi. Nếu giao cái nhà này vào tay hắn, đã phải đến nước bán con bán cái từ lâu. Hắn không nhúng tay vào, may thay. Hắn quen thói ông chủ phẩy tay, vì bản thân không có năng lực, mọi chuyện đùn hết cho vợ, cũng nghe lọt vài câu vợ khuyên.
Thân thị bàn xong với Lệ Ngọc Đường, cả nhà dùng bữa, có quy củ “ăn không nói”. Cơm nước xong, Lệ Ngọc Đường đến thư phòng nguệch ngoạc vài đường, viết hai bức chữ, hắn cũng chẳng có thiên phú gì, chỉ thường tự viết tự thưởng vậy thôi, trong đám con cái có vài đứa vẽ tranh viết chữ còn đẹp hơn hắn.
Thân thị cũng không gò bó hắn, sau khi sinh con trai thứ chín chỉ bảo: “Con út nhà mình đây nhé, mình mà còn sinh nữa thì lo không xuể đâu, nếu cảm thấy chuyện kết thân với nhà thương nhân là đẹp mặt thì cứ sinh tiếp, rồi mình tự đi lo hôn sự cho tụi nhỏ nhé.” Lệ Ngọc Đường nhìn con cái đầy nhà, lại nghĩ mình đã tách khỏi vương phủ, mọi chuyện quản gia đều do hai bà vợ giải quyết, trước mặt không đáp nhưng về sau đã kiềm bớt lại, không đẻ thêm nữa.
Lệ Ngọc Đường đến thư phòng, Thân thị thì trò chuyện với bầy con. Đã là tông thất thì hiếm ai nhập học tham gia khoa khảo, thứ nhất là khó mà đậu, thứ hai là đỡ mang tiếng “tranh với dân”, thứ ba là do người mang họ này khó tránh đôi phần không có chí tiến thủ, đàn ông nhà họ Lệ, tuy có đọc sách nhưng chẳng để thi cử, người làm cha cũng hiếm khi quan tâm con trai mình học hành thế nào. Với cả nhà Ngô vương quá đông, thực sự rộn chuyện, Lệ Ngọc Đường tự lo thân mình, chỉ cần con trai biết chữ, thư pháp ổn, không gây sự phạm pháp, thì hắn mặc kệ.
Thân thị thì trái ngược, từ lúc được gả đến đây, đã quản nghiêm chuyện bài vở con cái nhà mình. Lúc chuyển tới Giang Châu đã đem cả gia sư theo, đến nơi cho nghỉ ba ngày, xong là vào học. Kiểm tra bài vở từng đứa, ngay cả con trai ruột Cửu Ca, cũng bắt chong đèn học đêm rồi mới cho đi ngủ. Nàng bèn gọi đám con gái đến, hỏi: “Các con thấy các tiểu nương tử thế nào?”
Tứ Tỷ là thứ xuất, khá tri lễ, hiểu Thân thị có ý muốn kết thân, bèn thưa: “Mẹ thật chu đáo, thà sớm còn hơn trễ, có điều… Trong số họ có người chỉ là con tú tài, hình như xuất thân hơi thấp một chút?”
Thân thị: “Tạm quan sát đã.” rồi thoáng lia mắt sang Thất Tỷ, Tứ Tỷ bèn hiểu, Thất Tỷ còn nhỏ, có vài lời không nên nói trước mặt con bé. Chị em mỗi người góp một câu, kể chuyện sáng nay. Tứ Tỷ nói: “Nhị tiểu thư nhà họ Tăng không khôn khéo bằng đại tiểu thư nhà họ Hộ.” Ngũ Tỷ nói: “Nhị tiểu thư nhà họ Thượng hiểu chuyện hơn chị mình.” Lục Tỷ nói: “Tiểu nương tử nhà họ Lý đúng là chả biết ngượng, ăn còn nhiều hơn Tứ Ca Ngũ Ca gộp lại nữa!”
Thân thị nói: “Mẹ nhớ có hai đứa nhìn thô lắm đúng không?”
Thất Tỷ cười: “Mẹ, mẹ trông mặt mà bắt hình dong.”
Tứ Tỷ bảo: “Muội chắc không trông mặt mà bắt hình dong đấy, bảo con gái nhà họ Hồng xinh suốt còn gì.” Thất Tỷ ngoắt mặt, hừ hai tiếng.
Thân thị cười nói: “Tóc con rối rồi kia, đi bảo nhũ mẫu chải lại cho đi, phải ngủ sớm một chút.” Rồi giữ ba đứa còn lại ở lại nói chuyện.
Bấy giờ Thân thị mới trả lời câu hỏi của Tứ Tỷ, nàng nhấp một hớp trà, bảo các cô bé ngồi xuống cạnh mình, đáp: “Cái danh tú tài có kém một chút, cũng còn hơn cái mác thương nhân. Mấy đứa làm sao biết rõ lợi hại trong đó được? Nếu là người đọc sách, dù không vươn lên nổi thì cũng có tri thức, con nói tiếng lễ nghĩa liêm sĩ, nó còn nghe lời. Còn là lái buôn, vốn đã ít kẻ chăm chút, đích thứ không rõ ràng, lấy thêm vợ ngoài, hai đàng ngang nhau, kẻ có tiếng nói là chúng nó. Chúng nó muốn gì từ con? Chẳng chỉ là cái mác tông thất để nó tiện làm ăn, rồi khoác da cọp mưu chuyện lớn, sao con biết được nó sẽ giở ngón bán buôn trái phép nào? Chẳng gì trói buộc nổi.”
Tứ Tỷ chau mày suy nghĩ, Ngũ Tỷ nói: “Mẹ thực sự muốn tìm vợ cho các anh em con trong số những người này?” Thân thị đáp: “Quan sát hẵng đã, còn mấy đứa, mấy đứa đừng ngại, phải bắt đầu hiểu sự đời đi, chẳng nhẽ định nhỏ không hiểu chuyện, đến lúc cưới thì tự dưng thông suốt, thông tỏ mọi thứ à? Cứ trông chị ba của các con kìa, ta hỏi nó, nó gật đầu dứt khoát, nếu không nhờ ra tay sớm thì hối hận cả đời. Giả mà có một anh rể là lái buôn, chúng bây gọi không ngượng mồm à? Đây là chuyện cả đời. Gả cho thương nhân thật, tuy mặc vàng giắt bạc, nhưng lại nằm dưới đáy xã hội.”
Gia đình Thân thị giỏi làm ăn, cũng khá giàu có song không ai ra làm quan nổi, muốn cướp một thằng rể tiến sĩ nhưng lại ở cách kinh thành ngàn dặm, ngoài tầm tay với, bèn lấy lùi làm tiến, gả con gái nhà mình cho Lệ Ngọc Đường làm vợ, chết đứa này đắp vào đứa khác. Cũng là hương thân, nhưng lại giống Lệ Ngọc Đường xuất thân tông thất, đều khinh thương nhân.
Lục Tỷ là con ruột Thân thị, tính tình hoạt bát, thấy hai chị nói xong mới bảo: “Con thấy Ngọc Tỷ nhà họ Hồng kia được lắm, xinh đẹp, giọng hay, khá hiểu biết, cũng không hay nói chen.” Tứ Tỷ Ngũ Tỷ gật đầu, nhưng không nói thêm gì.
Thân thị hỏi: “Con bé chín hay mười tuổi nhỉ? Tầm tầm Cửu Ca, cũng không gấp lắm. Trái lại Tứ Tỷ Ngũ Ca lại hơi cần kíp. Cha mấy đứa không quản việc, ta nói mấy đứa nghe rồi đấy, chỉ sợ trong kinh lại nảy ra thiêu thân!” Khiến Tứ Tỷ Ngũ Tỷ hoảng hốt, hai người đều là thứ xuất, chuyện gả kém kiếm tiền, người lên đài trước tiên luôn là thứ nữ.
Thân thị thở dài: “Chúng ta đều là phận má hồng, sao gặp được đấng mày râu nhà người? Thôi đành trông con trông mẹ, trông gia giáo nhà họ vậy.”
Tứ Tỷ và Ngũ Ca cùng mẹ, bèn thưa: “Con thấy Đại Tỷ nhà họ Lý dịu dàng thân thiện, quần áo trang sức đều còn mới, con cầm tay cô ấy, trên tay cũng chỉ có vết chai do cầm bút đánh đàn, chắc gia đình cũng giàu có, không quá khắt khe, ổn chăng?”
Thân thị đáp: “Chỉ chăm chăm của hồi môn nhà người, con thế là không được! Chồng hiền không bằng vợ thảo, con ngoan không bằng dâu hiếu. Dù nó có dữ dằn, làm dâu nhà ta, chỉ cần không có lòng khác thì muốn quản thúc chồng thế nào cũng được! Ngũ Ca hiền lành, lại thêm một con vợ dịu ngoan nữa, thì sao tự lập nổi?”
Tứ Tỷ lo âu, lúc khuyên người khác thì cô cũng sẽ nói vậy, nhưng Ngũ Ca là em ruột, ai lại không muốn tranh một người vợ hiểu chuyện, không quản chặt cho em trai mình, nhưng cũng biết Thân thị nói có lý, bèn không lên tiếng nữa.
Thân thị lại nói chuyện với con gái một hồi, nhưng vì mới gặp một lần, tạm thời chưa quyết định được sẽ chọn ai, chỉ gạch hai đứa không xinh ra khỏi danh sách. Về phần Ngọc Tỷ, nghe nói gia cảnh cũng ổn, con cái xinh đẹp, nhưng Hồng Khiêm chỉ là tú tài, Cửu Ca là con ruột Thân thị, nàng cũng thấy nhà sui như vậy thì hơi thấp thật, còn Ngọc Tỷ kiến thức rộng, chưa biết là cái gì cũng tỏ, hay chỉ am tường mỗi việc chơi bời, thôi thì quan sát thêm.
•••••
Bên kia, Tú Anh và Ngọc Tỷ về đến nhà, Tú Anh lần thứ hai gặp Thân thị, đã bình tĩnh hơn, nhưng vẫn cười hoan hỉ. Về bảo Hồng Khiêm: “Đám con nít ấy, Ngọc Tỷ nhà mình cừ hơn chúng nó nhiều.” Hồng Khiêm đáp: “Tất nhiên,” đoạn hỏi Ngọc Tỷ, “con thấy thế nào?”
Ngọc Tỷ thưa: “Mọi khi thầy Tô kể chuyện mẹ kế của Lương tướng trong kinh tốt ra sao, con chỉ nghe để đấy, những người mang danh mẹ kế này, thường chẳng được mấy kẻ tốt đẹp, trông Đóa Nhi thì biết, trước đây ăn không no lại hay bị đánh. Hôm nay trò chuyện với chị em nhà ấy, tuy Tứ Tỷ Ngũ Tỷ ít nói nhưng họ sắp xếp nha hoàn cũng ra dáng lắm, Lục Tỷ nói Đại Tỷ nhà cô ấy gả cho một cử nhân trẻ tuổi, năm nay cũng đã làm tiến sĩ. Mấy người chị dâu cũng đều là người hiền lành, có thể chăm nom nhà cửa. Đúng là một người mẹ kế hiếm thấy.”
Nụ cười của Hồng Khiêm nhạt dần: “Ấy là người thông minh.” Tú Anh bảo: “Cả người con toàn là mồ hôi, sai Hoa Ni đun nước rồi tắm thay đồ đi.” Giục Ngọc Tỷ đi rồi, Tú Anh mới hỏi Hồng Khiêm: “Ta luôn thấy lạ, dường như nương tử phủ quân đối xử với mấy con bé này khác nhau, trông như đang chọn con dâu vậy, ta có nhầm không nhỉ? Nhà họ sao lại phải quẩn quanh với mình?”
Hồng Khiêm đáp: “Vậy thì là nàng lo xa rồi.”
Tú Anh hồi lâu sau mới sực tỉnh, bảo: “Không phải thế đâu, ta không giải thích rõ được, nhưng vẫn cảm thấy nàng ta có ý đó. Nếu không cần thì đã không mời, ai rỗi hơi lại cứ bắt chuyện với mình? Mẹ chồng thế nào, chồng thế nào, chị em dâu ra sao… Hỏi cả, tâm tư khác nhau, cách hỏi cũng khác nhau. Chỉ trách lúc ấy ta chưa rõ chuyện…”
Hồng Khiêm nói: “Nàng rõ rồi thì sao? Nếu người ta không hỏi, nàng có cơ hội suy nghĩ nên đáp cái gì, không đáp cái gì không? Giờ chỉ cần ra vẻ không biết gì thôi.”
Hồng Khiêm chẳng thèm quan tâm, Tú Anh lại khá để ý, gọi Ngọc Tỷ đến gặng hỏi kỹ càng: “Hồi sáng ở châu phủ, các con đã nói những gì, làm những gì? Kể rõ mẹ nghe.”
Ngọc Tỷ đáp: “Chẳng có gì cả. Người thì đông, lại mới gặp lần đầu, cũng không nhìn rõ được gì. Con chỉ đến ngồi cùng những đứa tầm tuổi mình, không nhiều lời. Lần đầu gặp, nhiều chuyện là hỏng. Nguyệt Tỷ nói hơi nhiều, con còn kéo áo nó nữa mà.” Tú Anh hỏi tới hỏi lui, Ngọc Tỷ suy nghĩ một lúc, thưa: “Còn hỏi đã đọc những sách gì, từng thêu thùa gì chưa. Ở thành chúng ta có chỗ nào ăn ngon chơi vui, có những cửa hàng nào, thời tiết ra làm sao. À! Tứ tiểu thư nhà ấy còn hỏi mấy chị họ Hộ họ Tăng đã từng quản lí chuyện chi tiêu chưa.”
Tú Anh càng khẳng định nương tử phủ quân cứ liên tục mời người đến chơi là có lý do, nhưng Ngọc Tỷ vẫn còn nhỏ, những đứa con lớn nhà phủ quân đều hơn mười tuổi, tầm tầm Hộ gia Tăng gia, chẳng nhẽ Ngọc Tỷ chỉ đi làm nền? Tú Anh lại bất bình trong lòng. Nhưng nghĩ tới chuyện ngộ nhỡ Ngọc Tỷ phải đính hôn với người ta, lại càng hốt hoảng —– Thật ra nàng không nỡ. Nàng thực sự không dám nghĩ đến chuyện Ngọc Tỷ có thể gả vào gia đình tông thất, chốc thì nghĩ mình trèo cao, chốc lại nghĩ con gái nhà mình cái gì cũng tốt, chẳng cần sợ ai.
Ngọc Tỷ còn nhỏ, sao đoán được suy nghĩ của Tú Anh? Chỉ tự nhủ: “Chắc chỉ đang kiểm tra thôi.” Tú Anh vội hỏi: “Sao con lại nghĩ vậy?” Ngọc Tỷ đáp: “Tạm thời con không nói rõ được, họ nói chuyện không nhẹ nhõm thư thái lắm.” Tú Anh hoảng hốt nói: “Vậy con nhớ cẩn thận lời ăn tiếng nói, khôn khéo một chút.” Ngọc Tỷ cười thưa: “Con không kém mảng này đâu ạ.” Bị Tú Anh trở tay đánh cho một phát. Ngọc Tỷ cười chạy về phòng, để Tú Anh rảnh rỗi lại thành sầu muộn, Kim Ca ngủ dậy, bi bô đưa tay đòi bế, Tú Anh bồng nhóc nhưng lòng vẫn tận đâu.
•••••
Cũng không trách được Tú Anh không yên lòng, nàng quả thật nên lo lắng cho Ngọc Tỷ. Đương lúc nương tử Triệu gia Lâm thị bệnh nặng, mẹ đẻ nhà thị đến thăm, đang bàn chuyện Ngọc Tỷ. Lâm thị nói: “Con đã ngắm chuẩn Ngọc Tỷ rồi, thứ khác không nói, cha mẹ con bé đều không mềm yếu, vì con gái nhà mình, thể nào cũng sẽ đỡ đần Văn Lang con. Con chết rồi, quan nhân vẫn chưa đầy ba mươi, nhà này sao để chàng chiếc bóng cho nổi? Có vợ kế thì sẽ thành cha ghẻ, người sau có con chăm con, Văn Lang lại càng chẳng được gì.”
Nói mà mẹ thị rơi nước mắt: “Con cứ an tâm dưỡng bệnh, sợ cái gì? Anh em con còn đây, sao có thể không lo cháu ngoại?”
Lâm thị đáp: “Con sợ họ kiếm bừa một người vợ cho Văn Lang của con, người ta bảo vợ hiền thì chồng bớt họa, nếu cưới trúng đứa tham ăn nhác làm, chỉ e cả nhà phải ra đường xin ăn mất.”
Mẹ thị đành khuyên: “Văn Lang cố gắng học hành, có công danh rồi thì chưa chắc con rể sẽ nhặt một đứa vụng về về làm vợ nó.”
Lâm thị nói: “Vương tú tài thành này, mười tám mười chín đã đậu tú tài, tương lai rộng mở, mẹ kế cậu ta thấy nhà họ Vạn có tiền, muốn vơ vét cho con gái ruột làm của hồi môn, ép cậu ta cưới con gái nhà lái buôn, vừa chi li vừa chua ngoa, ngày ngày chửi người mắng chó, Vương tú tài thế là chẳng thi nổi cử nhân nữa.”
Mẹ thị bảo: “Nhà con bé Ngọc Tỷ chẳng phải không đồng ý à? Trước đây không phải đã từng buôn bán ư, e rằng lấy về được cũng sẽ ỷ thế chèn ép Văn Lang thôi.”
Lâm thị đáp: “Chẳng lẽ còn cách nào khác ư? Vì Văn Lang, con chịu mất mặt mũi.”
“Nhưng con có rời giường được đâu?”
Lâm thị rưng rưng bảo: “Xin mẹ xót con, tìm người nào đó làm trung gian.”
Mẹ thị thấy con gái như thế, cuối cùng nghiến răng đáp: “Bảo vợ anh em con đi.” Về tới nhà đúng là đã bảo con dâu lớn Lâm đại nương tử đến gặp Tú Anh, nói muốn thay Văn Lang cầu thân. Lâm thị sớm đã chuẩn bị một hộp trang sức bốn vàng bốn bạc cho Lâm đại nương tử cầm đi, chỉ đợi họ xuôi theo, thì đem đấy làm lễ vật đính hôn.
Tú Anh sao mà đồng ý cho được? Lâm đại nương tử đến nhà, nàng cười tiếp đón, sau khi chào hỏi, Lâm đại nương tử tự dưng bật khóc. Tú Anh không khỏi hỏi: “Cô đến nhà tôi, khóc cái gì?” Bụng biết tỏng Lâm đại nương tử muốn làm gì. Đúng như dự đoán, Lâm đại nương tử đáp: “Trước đây ta cũng thường đến nhà cô, vui vẻ biết bao, lần này đến ngõ Hậu Đức, lại là để thăm bệnh cô trẻ số khổ của ta.”
Tú Anh sợ chuyện này với vụ Lâm thị ngỏ lời khi trước mắc míu vào nhau, bèn không đơm tiếp, chỉ bảo: “Cô ta còn trẻ, tĩnh dưỡng vài ngày sẽ khỏe thôi.” Lâm đại nương tử sao có thể để nàng qua quýt cho xong? Tú Anh không tiếp lời, thị tự nói: “Em ấy có tâm bệnh, lòng không an ổn, mẹ chồng ta bèn bảo ta đến thỉnh cầu cô. Thầy lang đều bảo em ấy không qua khỏi, chỉ mong được an lòng nhắm mắt, mong xin được đại tiểu thư nhà cô về làm dâu. Cháu ngoại Văn Lang nhà ta, vẻ ngoài cũng đứng đắn, còn nhỏ đã hiểu chuyện, đang đi học, thầy dạy cũng giỏi, học trò nhiều đứa đậu tú tài cử nhân, sau này thằng bé có tương lai, cũng không đến mức bôi nhục tiểu thư quý phủ.”
Tú Anh sưng xỉa mặt mày, sao đồng ý được? Cũng chẳng cần bàn bạc với Hồng Khiêm, đáp luôn: “Đừng nói nữa, càng nói càng phiền. Ngọc Tỷ nhà ta mới chín tuổi, ta còn muốn trông nó hai năm nữa.”
Lâm đại nương tử nói: “Chưa cần quá môn, trao lễ vật đính hôn trước thì sao?”
Tú Anh giận dữ: “Cái thứ cô sao dốt vậy, nghe không hiểu tiếng người à? Ta lời ngon tiếng ngọt bảo cô, cô ra vẻ điếc tai không biết, đừng để ta mạt sát. Nghe cho thủng đây, con gái nhà ta không bao giờ gả cho cháu ngoại cô đâu! Nhà này hèn mọn, mợ của ngữ có tiền đồ, ta không giữ nổi, Tiểu Hỉ, mời nương tử này ra ngoài!” Tiểu Hỉ đưa tay: “Đại nương tử, mời về cho.”
Lâm đại nương tử vốn không muốn đến đây, thị cũng rõ ân oán năm xưa, mẹ chồng thị bảo đến, lúc xưa cười nhạo Trình gia, giờ lại đến xin xỏ người ta, làm gì dễ ăn vậy? Nhưng lệnh mẹ chồng khó cãi, đành phải đến nhà người ta, lại bị đuổi ra ngoài. Thầm trách sau lưng cô trẻ: “Con trai cô cũng chả phải con vàng con bạc mà đòi mà muốn thì sẽ tới tay, không cần không thiết thì xua đuổi con nhà người ta.”
Chẳng ngờ Lâm thị này là người sắp chết, tính dằng dai, cứ xác định thế này sẽ có lợi cho Văn Lang, mẹ thị lại thương con, cũng muốn thị an lòng qua đời, bèn nảy ra một cách: “Con bé Tú Anh ấy đanh đá khó chơi, nhưng mẹ nó thì dễ nói chuyện! Ta tới khóc lóc một bận với bà ta, có lẽ sẽ nhận lời, tuy bảo bà ngoại không quyết định được chuyện này, song đã có lời, nhà họ hẳn khó mà phân trần nổi, chuyện đã thành năm phần.”
Thực sự tìm Tố Tỷ than khóc, Tố Tỷ xưa nay yếu mềm, tuy nhớ chuyện cũ, cũng bảo: “Ta không quản nổi chuyện gia đình con rể.” nhưng chịu không nổi người ta khóc lóc ỷ ôi, Phần Hương thấy chuyện không ổn, vội vã đưa cụ Lâm đến. Cụ Lâm tức giận, mắng mỏ một trận: “Cô khóc thế này, y như nó đã chết rồi vậy! Tích chút âm đức cho người chết đi! Đừng để trở mặt, hai nhà đều khó xử! Ngày ấy các cô xem nhà ta là ôn thần, chẳng thèm qua lại, giờ thấy cha Ngọc Tỷ đậu tú tài, lại mặt dày bám vào, có còn cần mặt mũi nữa không?! Cô tìm Tố Tỷ làm gì? Cô biết ta biết! Mau cút ra ngoài cho ta, nếu để ta nghe được một lời đồn nào, thì ta tính sổ cả nhà cô đấy!” Đuổi người ra ngoài, mẹ Lâm thị còn muốn khóc lóc ngoài cửa nhà họ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT