Giang Nam. Tháng mười. Tiết Thu.

Dân cư nhộn nhịp. Bỗng có gió thu. Lá bắt đầu rơi. Hơi nhuốm lạnh. Trời chập choạng tối. Ở một khu rừng hoang sơ cách thị trấn chừng năm dặm xuất hiện hai thanh niên vận y phục màu đen và đôi tuấn mã. Người phi bạch mã chạy phía trước có thần sắc tỉnh táo và diện mạo khôi ngô. Theo sát phía sau là một kẻ cưỡi hắc mã với gương mặt tái nhợt, môi tím ngắt và đôi mắt mất hồn. Nhìn tướng tá của người cưỡi hắc mã thì hình như đang trọng thương.

Khi đến gần thị trấn, cả hai kéo mạnh dây cương hãm đà tuấn mã. Người thanh niên cưỡi bạch mã phóng xuống đất trước tiên. Hắn quay đầu nhìn chung quanh, khi biết chắc an toàn tuyệt đối thì hối hả đến đỡ tên còn lại. Hai người một dìu một dắt, thoáng mắt đã biến mất tông tích rồi bất thình lình bước ra sau toán thông già. Họ đã đổi y phục. Bộ quần áo thích khách màu đen xốc xếch giờ thay thế bằng bộ áo bào màu lam nom rất tươm tất và gọn gàng. Trên đầu còn đội thêm chóp bạc. Đây rõ ràng là đồng phục của các bậc tân khoa tú tài.

Hai kẻ thanh niên bỏ rơi cặp tuấn mã ở lại khu rừng, mặc xác chúng muốn đi đâu cứ đi, coi như là giải phóng cho đám thú vật một phen. Còn bản thân hai kẻ đó thì dò dẫm đến thị trấn. Họ lần theo ngõ ngạch mà ít người qua lại để tìm tới cánh cửa hậu của học đường Hắc Viện.

Người thanh niên bị thương đã gần chục canh giờ, lại phải cuốc bộ đường sá xa xôi nên mệt mỏi đuối sức. Hắn quỵ xuống đất.

- Tam ca! - Tên đồng bọn điếng hồn kêu lên một tiếng.

Người bị thương, nay là Tam ca, xua tay lắc đầu:

- Huynh không sao, đệ cứ an tâm.

---oo0oo---

Hắc Viện là học đường rộng lớn và ưu tú của xứ sở Giang Nam. Nơi đó cũng là cư xá dành cho thí sinh tạm trú chờ ngày ứng thí. Học viện vốn do một tay của Mã Lương lão nhân ra sức quyên tiền và hợp tác với dân chúng trong vùng đồng lòng xây cất.

Mã Lương là nhà thơ danh tiếng vào cuối thời đại triều Minh. Ông từng được hậu bối tôn thành “thi tiên” và ví ngang hàng với “thanh liên cư sĩ” Lý Bạch.

Mã Lương một lòng khuy phục nhà Hán nên đã nhiều lần từ khước lời thỉnh mời của tiên hoàng Thuận Trị. Vị hoàng đế quá cố vốn có nhã ý muốn rước Mã Lương vào cung để giao phó trọng trách dạy dỗ các vị bối lặc gia văn chương phong phú và Hán ngữ thơ từ. Nhưng lần nào cũng bị Mã Lương chối bay chối biến. Ông tự biện hộ rằng bản thân không có tham vọng trở thành tôn sư.

Cũng bởi vì thế mà Mã Lương thường hay bị quan địa phương đàm tiếu. Chẳng những vậy, họ còn tìm mọi cách khử trừ. Giang Nam tri huyện từng dùng quỷ kế để gán ghép tội tình. Vị tri phủ sử dụng mọi mưu mẹo. Và ngay cả vị đô đốc cũng đã cố công xua binh dẹp bỏ trường học nhưng mãi mà vẫn không xong. Có lần, tri huyện đại nhân phao tin Mã Lương viết một bài thơ với ý đồ công kích triều đình Mãn Châu. May mắn làm sao, chứng cớ lại bị thiêu hủy một cách bí ẩn thành ra tri huyện đại nhân không thể buộc tội Mã Lương ở giữa công đường.

Vài tháng trước, Mã Lương lão gia lâm bệnh qua đời. Các bậc hiền nhân tu sĩ buộc lòng đứng ra bình chọn tân viện trưởng. Sau nhiều cuộc bỏ phiếu, chiếc ghế trống đã được giao phó cho nghĩa tử của Mã Lương là Tần Thiên Văn đảm đang.

---oo0oo---

Kẻ có diện mạo khôi ngô co chân đạp cánh cửa rồi dìu Tam ca đứng dậy bước vô trong. Từ dãy hành lang, một lão già tóc bạc phơ vọt ra đón. Ông tất tả chạy đến đóng cánh cửa, khóa chốt và gài then cẩn thận. Xong xuôi, ông quay đầu nhìn hai tên nam nhân, đôi mắt ánh vẻ kinh ngạc. “Tại sao chỉ có hai người họ trở về?” Ông tự hỏi chính bản thân, lòng hoang mang tột đỉnh. Cũng bởi vì nhịn không nổi nên ông lên tiếng:

- Hai người không về cùng Sư Thái và đám huynh đệ hay sao?

- Lát nữa sẽ giải thích với ông - Kẻ khôi ngô nói nhanh - Bây giờ ông mau phụ một tay, giúp ta đưa Tam ca vào hầm mật.

Người thanh niên tuấn tú nhờ vả xong thì Tam ca ngất xỉu. Ông lão liền choàng tay qua vai Tam ca làm điểm tựa, cùng với người thanh niên đỡ Tam ca vào an nghỉ trong mật hầm nằm bên dưới từ đường. Vừa đi, ông lão vừa lo lắng, nét mặt khẩn trương còn giọng nói thì phập phòng:

- Thương tích của tam đương gia thế nào?

- Huynh ấy trúng phải kịch độc!

---oo0oo---

Khi ông lão đặt Tam ca nằm trên giường thì thấy dòng máu ứa ra từ hông bên trái. Máu có màu đen, chảy xuống, loang lên tấm trải giường. Ông há hốc miệng, mãi một lúc mới choàng tỉnh.

- Nguy rồi! - Ông lão luống cuống giơ tay chỉ vũng máu - Hình như tam đương gia nhiễm độc huyết.

Người thanh niên kia nghe được thì lập tức điểm huyệt “khí hải” của Tam ca, tĩnh động mạch, phá khí. Ông lão thất kinh thiên, định ra tay cản nhưng người thanh niên giải bày:

- Chất độc quá hiểm. Nếu để máu lưu thông thì độc sẽ công tâm. Phải điểm huyệt này máu mới ứ lại.

Và hắn hất đầu bảo:

- Lão Tôn, ông hãy đi pha nước nóng đem đến đây.

Lão Tôn vâng dạ. Ông mau mắn bỏ ra khỏi mật hầm. Khi lão Tôn đi rồi, người thanh niên cởi áo của Tam Ca để quan sát vết thương.

Nửa khắc sau, lão Tôn quay trở vào với thau nước, cái khăn và nhiều miếng vải trắng dùng cho việc băng bó. Ông trao ba thứ đó tận tay người thanh niên trước khi chạy đến góc phòng bưng chiếc ghế lại để gần giường. Người thanh niên đặt thau nước và mấy tấm vải lên ghế.

Tam ca cởi trần trùng trục, đang nằm bất tỉnh nhân sự, đôi mắt nhắm tịt trong khi người thanh niên nhúng khăn vô thau nước nóng, vắt ráo. Hắn dùng chiếc khăn đó chùi vết máu đen kịt chung quanh be sườn của Tam ca. Lão Tôn đứng khoanh tay kế bên chờ sai bảo. Vừa lau vết thương, người thanh niên vừa cau mày hỏi:

- Thiếu đà chủ đã về chưa?

Lão Tôn buông thõng hai tay. Ông buồn bã lắc đầu thay tiếng trả lời, trong lòng đầy lo ngại. Ông nhìn bệnh nhân, lúc này đang hồn lìa khỏi xác rồi đưa cặp mắt nhăn nheo già nua sang kẻ thanh niên có gương mặt khôi ngô. “Tại sao sự việc lại đến nông nổi này? Kế hoạch của chúng ta chu toàn như vậy…” Lão Tôn đau lòng tự nhủ. Ông không nén được tiếng thở dài.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play