Giang Nam.

Sau biến cố đại lao, may mắn thoát ra từ long đàm hổ huyệt, Giang Nam dân cư càng thêm thận trọng.

Trong vòng mấy hôm gần đây Hắc Viện xôn xao, người ra kẻ vào náo nhiệt. Các bậc thánh hiền đang lo sốt vó. Họ bận rộn cho việc thi thố sắp tới. Chả là Giang Nam thị trấn mở cuộc bình chọn tú tài. Lại nữa, hồi tháng trước, tri huyện lão gia có đề nghị với dân chúng là cuộc thi năm nay sẽ được tổ chức ở học viện của Tần Thiên Văn. Cửu Dương chưa đồng ý thì tri huyện lão gia ra cáo thị dán đầy đầu đường xó chợ. Cửu Dương bất đắc dĩ đành phải nhận lời.

Thế nên, gia cư của chàng tấp nập thí sinh tới trọ. Chốn học đường và thư viện cũng đầy ắp học trò. Nhưng ở đằng sau Hắc Viện, bên phía tư thất vẫn được bảo quản kỹ càng. Nơi đó chỉ dành cho Trương Quốc Khải liều thương, và những thư phòng của các bậc tam nương đều được phong tỏa. Nữ Thần Y biết địch biết ta nên ít khi ra ngoài. Nàng giam mình trong kho chứa thuốc. Lâm Tố Đình và Tiểu Tường ý hợp tâm đầu, đeo dính như sam. Hằng ngày, hai nương ở lì trong phòng hoặc trong nhà bếp huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, không sót điều chi. Chỉ riêng Hiểu Lạc là được chủ nhà đặc biệt cấp cho giấy phép thông hành, tha hồ tung tăng, đi đây đi đó.

Theo luật lệ cổ điển thì lúc ban đầu, thí sinh nào muốn đỗ tú tài đều phải trải qua kỳ thi Hương, tức là khóa thi cử sơ khởi. Đề thi của cuộc thi Hương bao gồm Tứ Thư, Ngũ Kinh, triết lý văn chương, và phân tích các bài thơ, đa phần thuộc về nội dung nho giáo. Những kỳ thi này được triều đình phong kiến tổ chức và mở rộng ở cống viện của các tỉnh địa phương.

Kỳ thi diễn ra ba lần, hay còn được xem là tam trường, mỗi lần ba ngày, do chánh phó chủ khảo quan chủ trì. Mục đích chủ yếu của các kỳ thi là tuyển chọn nhân tài, tìm tòi người uyên bác để cấp bằng quan chức hầu phò trợ quân vương. Sau khi thí sinh đổ khóa thi Hương thì sẽ được dự kỳ thi cao cấp hơn vào năm tới, gọi là thi Hội, rồi đến thi Đình. Kẻ đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải Nguyên.

Mỗi một học sinh muốn tham dự cuộc thi Hương phải vượt qua hai yếu tố Khảo Hạch. Cũng không thể không nhắc đến những người bất tài nhưng nhờ gia cảnh mà được tuyển chọn vào cuộc thi. Thế nên, dân ca đương thời thường hay ngạo nghễu hai câu, “cử tú tài bất tri thư, cử hiếu liêm phụ biệt cư.” Hai câu này có ý chế giễu những thí sinh được tiến cử tú tài nhưng học lực kém cỏi, dốt nát, chữ nghĩa không đầy lá mít.

Ngoài biện pháp sát cử thì đôi khi quân vương cũng khai ân xuống chiếu chiêu mộ nhân tài. Hình thức chiêu cử, điển hình là khi nhà vua bang phép trực tiếp cho các vị thường dân ghi danh mà bất cần thông qua thủ tục tiến cử. Cho dù là họ đang an cư ở vùng núi non xa xăm vạn dặm, các bậc hiền nhân đều được hộ tống về kinh thành để hoàng thượng đích thân khảo sát. Vị nào đạt tiêu chuẩn tuyển chọn thì sẽ được ban cho danh hiệu Hiếu Liêm, Tú Tài, hoặc Cử Nhân, vâng vâng.

Nhắc lại yếu tố Khảo Hạch. Đầu tiên, các vị sĩ tử sẽ được xã trưởng và quan tri huyện địa phương giám duyệt phần đạo đức lý lịch. Kế đến, trình độ học lực sẽ được kiểm tra bằng một kỳ thi ám tả bát cổ văn mà người đời thường gọi là kỳ thi Sát Hạch. Kẻ đỗ đầu kỳ Sát Hạch sẽ được phong danh hiệu Đầu Xứ. Tuy danh hiệu này không có học vị gì, nhưng Đầu Xứ cũng là một vinh dự đáng nở mày nở mặt trong chốn gia môn. Sau khi hai yếu tố Khảo Hạch được xác nhận thì cuộc thi Hương mới chính thức bắt đầu.

Thi Hương gồm có Tứ Kỳ. Nhất kỳ là cuộc thi kinh thư nghĩa. Nhị kỳ là cuộc thi chiếu, chế, biểu. Tam kỳ thi thơ phú. Và tứ kỳ khảo văn chương.

Kết quả thi Hương được phân thành hai hạng. Thí sinh làm bài trót lọt ba kỳ đầu sẽ đỗ cấp tú tài, tức sinh đồ mà dân gian thường quen miệng gọi là ông Đồ, ông Tú. Còn kẻ qua được cả tứ kỳ thì đỗ cấp cử nhân hương cống, kêu là ông Cống, ông Cử. Mặc dầu kẻ đỗ tú tài không được triều đình bổ dụng, nhưng các bậc tú tài lại có một địa vị vô cùng trọng nể trong làng. Họ có chân trong hội đồng kỳ mục, được miễn sưu dịch, và khi có cỗ bàn trong đình thì họ được ưu tiên ngồi chiếu trên. Những người đỗ cử nhân lại khác. Ngoài việc được phép ghi danh thi Hội, cử nhân còn vinh hạnh được vua ban áo mũ, được bổ nhiệm làm quan trong những ngạch thuộc cửu phẩm, và được làng xã phục dịch đón tiếp vinh quy.

Cứ mỗi chu kỳ thì ba năm mới tổ chức một lần, vào tháng Tám âm lịch của các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, gọi là "thu vi chính khoa.” Gặp khi tân quân lên ngôi hoặc vào ngày mừng thọ thì có thể mở thêm một khoa thi nữa gọi là “ân khoa.”

Đến thời nhà Minh, khoa thi có hệ thống tỏ tường hơn, tổ chức cũng được chuẩn mực và hoàn bị hơn. Những cuộc thi được lập chế độ và mô hình đặc biệt. Triều đình ấn định thành ba cấp, thi Viện, thi Hương, và thi Hội. Các vị học sinh khăn gói lên đường thi Viện để có danh phận tú tài. Sau đó, họ vác dép đi thi Hương để lấy bằng cử nhân, rồi cuốn chiếu lên kinh thành thi Hội để đỗ đạt Trạng Nguyên, tha về tổ bằng cấp Tiến sĩ.

Từ đó về sau, những cuộc thi Viện thường hay được gọi là cuộc thi Tú Tài, và là cấp thi đầu tiên trong khoa cử. Cuộc thi tú tài được chia làm ba giai đoạn, là thi Huyện, thi Phủ và thi Viện. Thí sinh dự thi không phân biệt tuổi tác, nhưng phải là nam nhân đồng sinh. Thể lệ dự thi được giữ như cũ, cũng ghi danh và nộp bản kê khai lý lịch tại lễ phòng nha môn của huyện đang ở. Bản kê khai lý lịch vô cùng phức tạp, gồm những dòng đảm bảo, điển hình như khai thật tên họ quê quán và đặc biệt là hình tượng xuất thân trong sạch của tổ phụ, không thuộc dòng họ kỹ nữ, kép hát, sai dịch, tội đồ, và nhất là không để tang phụ mẫu trong vòng hai mươi bảy tháng tính đến ngày thi.

Như đã nêu ra, cuộc thi viện gồm ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, cuộc thi gọi là thi Huyện, và được tổ chức vào tháng Hai mỗi năm. Trường thi do quan tri huyện đề nghị và cho người chủ trì.

Thi huyện có tất cả năm trường. Trường nhất ra đề văn bát cổ và một bài thơ ngụ ngôn sáu vần. Các trường còn lại đều mang tính chất tham thảo. Nếu đồng sinh làm bài trơn tru hết tất cả năm trường thì được phong danh Xuất Án, và người đạt số điểm cao nhất trong nhóm Xuất Án gọi là Huyện Án Thủ.

Giai đoạn thứ nhì gọi là thi Phủ, được tổ chức vào tháng Tư. Người đứng ra chủ trì là vị quan tri phủ. Các vị thí sinh có tên trong danh sách Xuất Án mới được phép ghi danh thi Phủ. Nội dung của cuộc thi Phủ cũng tương tự như thi Huyện nhưng đề tài khó hơn. Người đỗ đầu cuộc thi Phủ gọi là Phủ Án Thủ.

Giai đoạn cuối cùng vô cùng trọng hệ, gọi là thi Viện, ba năm chỉ tổ chức một lần, do đích thân vị quan Đề Đốc của triều đình phái đến phụ trách. Mỗi tỉnh có duy nhất một người chủ trì, và chỉ có các thí sinh trúng tuyển cuộc thi Phủ mới đủ tư cách tham gia thi Viện.

Điểm đặc biệt của thi Viện là vị quan Đề Đốc đến từng phủ khảo thí. Các trường thi Viện được lập tại các phủ, gồm hai trường. Đề thi của trường thứ nhất buộc các học sinh phải viết nên hai bài văn bát cổ và một bài thơ ngũ ngôn sáu vần. Bài thi của trường thứ nhì là một bài văn bát cổ và một bài thơ. Thí sinh trúng tuyển kỳ thi Viện gọi là Tú Tài, đỗ đầu bản gọi là Viện Án Thủ.

Sau khi công thành danh toại, các vị Tú Tài sẽ được ghi danh vào học ở trường huyện hoặc trường phủ, chẳng hạn như Hắc Viện học đường. Các vị tân khoa Tú Tài trở thành sinh viên huyện học hoặc sinh viên phủ học. Đại đa số vận đồng phục áo bào màu lam, đầu đội chóp bạc. Những bậc tú tài ưu tú sẽ được giới thiệu về triều đình làm việc, nhân gian gọi những người anh tài này là Cống Sinh, rất oai phong và hiển hách.

Khi quân đội Bát Kỳ đóng chiếm thành Bắc Kinh, Đại Hãn đã ra lệnh cho những cuộc thi được giữ nguyên như cũ, luật lệ giống hệt triều đại nhà Minh. Nhưng dưới khoa cử thời đại Mãn Thanh, vì muốn ưu đãi thí sinh dòng giống Mãn Châu nên đề thi và phương cách thi được phân chia làm hai loại, Hán ngữ và phiên dịch. Và cũng trong thời đại này, hạng tệ nạn liên tục xảy ra. Những câu chuyện về mua bán và giả mạo tú tài, nạn thi cử gian lận, đút lót quan trường, hối lộ giám khảo, mua chuộc tư cách sinh viên gần như nơi đâu cũng có.

---oo0oo---

Năm nay, tân hoàng đế Khang Hi lên ngôi nên cuộc thi ân khoa được mở thêm lần nữa. Và lần thi Viện này được tổ chức ở Hắc Viện học đường. Hai cuộc thi Huyện và thi Phủ vừa mới trải qua.

Còn vài bữa nữa mới đến ngày ứng thí. Tối hôm qua, vị quan đề đốc Từ Hiến Trung đích thân giá lâm học viện. Ông mang đề thi trao tay Cửu Dương và ra lệnh cho chàng bảo quản kỹ càng. Từ đề đốc là chính chủ khảo và cũng là người chủ trì cuộc bình chọn tú tài. Ông vốn là vị quan thanh liêm, một người có tâm địa nhân từ ngay thẳng, yêu dân như con, và xử án anh minh như Bao Hắc Tử. Sau khi đề đốc đại nhân cáo lui, hẹn ngày tái ngộ, Cửu Dương đem đề thi về thư phòng, đặt trong ngăn tủ bí mật nằm ở đằng sau bức họa phục hổ. Ngoài chàng và Từ Hiến Trung thì không ai biết đó là chỗ cất giấu đề thi.

Tờ mờ sáng, lão Tôn gõ cửa thư phòng Cửu Dương. Chàng đang mắt nhắm mắt mở trên giường:

- Mời vào – Giọng Cửu Dương uể oải.

Lão Tôn bước vô thưa:

- Tri huyện lão gia mới vừa cho gã bộ đầu mang thiệp qua đây - Ông bẩm báo tin, hai tay dâng tấm thiệp.

Cửu Dương giương vai, ngáp ngắn ngáp dài:

- Ông đọc lên nghe thử.

Lão Tôn ghé mắt sát tấm thiệp, đọc to. Nội dung trên tấm thiệp chính đáng, không có gì khả nghi. Đại khái là tri huyện lão gia muốn mời viện trưởng của học đường, tức là Cửu Dương, đến phủ dùng điểm tâm rồi cùng thương lượng cuộc thi cử. Nhưng ngộ cái là tri huyện lão gia chỉ ghi một mình tên họ Tần Thiên Văn, còn các bậc phó chủ khảo không được mời tham dự. Lạ chưa! Còn nữa, chi tiết đó cứ tái đi tái lại, nhấn mạnh vài lần trong thiệp.

Cửu Dương hất tấm chăn qua một bên, ngồi bật dậy bước xuống giường. Lão Tôn loay hoay giúp chủ tử sửa soạn. Một hồi sau, y phục chỉnh tề, Cửu Dương cùng lão Tôn bước ra khỏi cửa chính của Hắc Viện, thấy kiệu đang chờ sẵn. Cửu Dương rì rầm vào tai lão Tôn:

- Khi ta đi rồi, ông nhớ đừng cho phép ai bước vào thư phòng.

Lão Tôn là thuộc hạ thân tín của Mã Lương, vị cố viện trưởng của học đường Hắc Viện, nay đã tạ thế. Sau khi Mã Lương từ trần, lão Tôn nguyện một lòng trung thành với nghĩa tử của chủ nhân mình. Ông lão chưa bao giờ làm trái phép điều chi, lại rất có trách nhiệm với công việc. Bởi vậy mà khi thấy mái tóc bạc phơ gật gật, Cửu Dương an lòng ra đi.

(Còn tiếp)

Giang Nam. Phủ Tri Huyện.

Cửu Dương đặt chân vào cổng chính của phủ tri huyện, vượt qua khoảng sân rộng có chứa hàng trăm cây kiểng quý để đến gặp tri huyện lão gia. Ngài đang an ngự cạnh chiếc bàn trà to tướng. Trên bàn là vài chục chiếc giỏ tre có nắp đậy kín nhưng vẫn không ngăn được làn khói bay bổng mịt mùng, mang hương thơm của món ăn điểm sấm ngạt ngào khứu giác.

Điểm sấm là tên gọi của rất nhiều cách chế biến món ăn với lớp bột mỏng bọc bên ngoài, nhân bên trong, và sau cùng đem rán hoặc hấp chín.

Truyền thống này xuất xứ từ Quảng Đông. Chữ điểm có nghĩa là chút ít, còn chử sấm tức là yêu mến và quan tâm. Hợp hai từ điểm sấm lại với nhau có nghĩa là một món ăn nho nhỏ đã được nấu bằng sự quan tâm của người nấu ra những món ăn đó.

Điểm sấm là một phong tục nấu nướng món ăn nhỏ gọn bằng cả trái tim yêu thương. Với thông điệp tràn đầy tình thân thiện ấy, điểm sấm đã trở thành món ăn rất được yêu thích trong giới thượng lưu thời bấy giờ.

Một chút tôm, thịt, rau, hay là lớp da bóc từ chân vịt đã được làm sạch, đến một miếng cá hoặc đậu phụ, tất cả được kết hợp với nhau theo tỉ lệ để làm nhân. Miếng nhân này đặt trong một lớp bột gạo mỏng, rồi gói lại thành chiếc bánh. Những viên bánh được nấu chín và trình bày trong chiếc giỏ tre có nắp đậy để giữ gìn độ nóng và hương vị như lúc mới vừa chế biến xong. Điểm sấm là món ăn phổ biến và có hàng trăm cách chế tạo khác nhau, vô cùng phong phú và độc đáo.

---oo0oo---

Lại nói về câu chuyện Cửu Dương đến phủ tri huyện.

- Tham kiến đại nhân! - Cửu Dương quỳ xuống vòng tay, cúi đầu thi lễ.

- Miễn lễ - Tri huyện lão gia vừa nói vừa chỉ chiếc ghế bên cạnh - Ngồi đi.

- Tạ đại nhân - Cửu Dương cung tay vái một cái, đa tạ ân điển.

Chàng vừa đặt mông lên ghế thì quản gia xuất hiện. Quản gia đi đến bên cạnh vị khách quý, giở nắp giỏ tre, rồi gắp các món ăn từ trong giỏ tre ra chưng đầy trên mâm bạc và đĩa sứ. Loại đồ sứ sang trọng này được chế tạo từ lò gốm danh tiếng Giang Tây.

Khi gắp đến viên bánh cuối cùng, quản gia khệ nệ bưng những chiếc giỏ tre rời khỏi phòng ăn, trở vô bếp. Những chiếc giỏ tre đã được đầu bếp dùng lâu năm nên dưới đáy dệt thành màu đen xám. Chế biến điểm sấm là cả một công trình nghệ thuật. Các loại nguyên liệu thường được bằm nhuyễn để đạt hương vị. Bột bánh phải mềm và dai, không nát bấy. Còn nhân bánh thì được hấp vừa chín tới nhưng không bỡ rục.

Trở lại bàn ăn. Cửu Dương lặng lẽ quan sát tri huyện lão gia. Không biết ông ta có chủ trương gì mà nãy giờ ngồi rung đùi tủm tỉm. Phòng dùng tiệc vắng vẻ. Ngoài hai người họ thì bọn binh lính cai quản phủ sai biệt tâm biệt tích.

Tri huyện lão gia nhiệt tình gắp thức ăn vô chén của Cửu Dương, rồi còn đích thân rót trà mời chàng:

- Ngươi cứ tự nhiên - Tri huyện lão gia huơ đũa chỉ bàn tiệc.

Cửu Dương đưa mắt nhìn cả chục mâm thức ăn và mười mấy đĩa bánh ngọt. Nào là bánh cuốn tôm, bánh bao xá xíu, bánh bao nhân sò điệp, bánh củ cải chiên, xíu mại, chân gà hấp tàu xì, sủi cảo, há cảo, sườn non chua ngọt, bánh khoai môn chiên xù, bánh cuốn tôm tươi, bánh củ sen, xôi nếp, bánh trứng, cháo hột vịt bắc thảo, cháo thịt xé, cháo cá, hoành thánh… tùm lum tùm la, ùm bà lằng xắng cấu. Nội nhìn không cũng khiến chàng no ứ bụng.

Dân gian đang lầm than. Lụt lội làm vạn nhà đói rét mà bọn cẩu quan chi tiêu phung phí. Bữa ăn sáng đã nhiều như vầy thì bữa trưa và tối chắc còn đa phần lộng lẫy hơn. Đã vậy, Cửu Dương nhìn dáng vẻ gian xảo trước mặt, cộng thêm giọng điệu khách sáo tệ cũng đâm nghi trong lòng. Chàng ăn chẳng vô. Chàng thà tri huyện lão gia muốn gì thì nói đại ra để hai người còn thương lượng. Lão cứ úp úp mở mở. Chàng buộc phải đoán mò. Sau một hồi đoán non đoán già, chàng thối chí, không thèm làm thầy bói mù sờ voi nữa.

Mãi đến khi tiệc tàn, tri huyện lão gia mới chịu nhập đề. Lão tằng hắng vài tiếng. Người quản gia lúc nãy lộ diện, hai tay bưng mâm trà. Nhưng lần này quản gia không đi một mình. Theo sau là một trang nam tử ăn vận chảy chuốc, bộ tóc láng cóng, trông… gà mái tợn.

Tri huyện lão gia nháy mắt ra hiệu tên nam tử bước lại chào Cửu Dương. Tên đó chẳng tuân. Hắn khoanh tay đứng yên tại chỗ gật đầu một cái, rồi ngoảnh mặt ngó trần nhà. Phong cách rất là bá vương hóng hách.

Tri huyện lão gia tươi cười giới thiệu:

- Chắc ngươi đã từng gặp khuyển tử của ta?

Cửu Dương gật đầu đáp lễ thằng hách dịch. Thằng tặc tử này đương nhiên Cửu Dương đã gặp, nhưng hắn tên gì thì Cửu Dương quên mất tiêu, còn riêng biệt hiệu thì chàng biết chứ. Dân chúng trong vùng gọi hắn là Đổ Thần, trùm sòng tài xỉu, cờ bạc kinh niên.

Đổ Thần là chuyên gia mánh lới. Nói về gian lận, nếu hắn đứng hạng nhì thì không ai xếp hạng nhất. Đổ Thần có tài đánh bài bách chiến bách thắng, trăm trận vô song không trận thua. Hắn còn vũ phu, chuyên môn sai binh lính đánh đập dân lành, làm toàn điều thiên tru địa diệt. Ngặt nỗi, hắn luôn có quan binh theo sát bảo vệ mỗi khi hắn xuất hiện ở nơi đông người, còn không thì nằm ru rú trong phủ nên Gia Cát tái lai chưa tiện ra tay.

Sau khi Đổ Thần gật gù chào Cửu Dương, tri huyện lão gia lại hất đầu ra lệnh khuyển tử rót trà dâng khách.

Thường thường sau bữa điểm tâm, thực khách hay dùng một tách trà, mà đúng điệu thì phải là loại trà bửu lị, trà xanh, hoặc trà ô long bông cúc. Trà là thức uống tuyệt vời. Ngoài việc giúp đỡ tiêu hóa, trà còn phối hợp tinh vi với cung cách điểm sấm. Ăn điểm sấm rồi uống một ly trà sẽ xóa đi cái vị ngậy của bột và nhân. Chỉ riêng hương thơm của thức ăn là còn lưu lại.

Tên quý tử thấy phụ thân sai bảo dâng trà liền thô thố mắt:

- Phụ thân có rồ không đó? Hắn là ai đây? - Đổ Thần ám chỉ Cửu Dương – Sao phụ thân lại bảo con rót trà dâng tên vô danh tiểu tốt?

Tri huyện lão gia giật mình:

- Sao con lại ăn nói hỗn xược với viện trưởng như thế? Không biết tôn sư trọng đạo gì cả. Rót trà cho sư đồ là việc thiên kinh địa nghĩa mà.

Đổ Thần nghinh mặt:

- Tôn sư cái thá gì? Phụ thân cứ đưa hắn lễ vật là xong.

Cửu Dương ngồi lắng nghe đối thoại, lòng lờ mờ hiểu ra lời ám chỉ trong câu nói cuối cùng. Đổ Thần không để ý vẻ mặt sửng sốt của phụ thân, hắn quay mình bỏ đi. Chớp mắt đã trở lại với chiếc rương nhỏ trong tay. Đổ Thần thảy chiếc rương lên bàn ăn, rầm một cái, ngay trước mặt Cửu Dương:

- Ngươi hãy mở ra xem! – Đổ Thần nhún vai ra lệnh cho viện trưởng.

Cửu Dương giở nắp, thấy bạc nén chói chang, châu báu đống đầy. Chàng giương mắt ngó tri huyện lão gia. Lão biết không thể vòng vo mãi bèn đặt tay lên vai chàng gạ:

- Bổn quan muốn ngươi giúp ta một việc, xong xuôi thì số ngân lượng này thuộc về ngươi.

- Đại nhân đừng quá khách sáo! – Cửu Dương vỗ hai cái lên bàn tay của tri huyện lão gia - Chúng ta từng có giao tình thâm hậu lâu năm.

Tri huyện lão gia nghe Cửu Dương bảo thế thì mừng trong lòng, “Tần Thiên Văn hắn rất biết điều, không có vẻ muốn chối từ quà cáp của bổn quan.”

Phía bên này, Cửu Dương khoan nhận ngân lượng. Chàng khôn khéo nói thêm:

- Đại nhân có gì sai bảo xin cứ nói ra, nếu sự việc nằm trong khuôn viên sức lực của tiểu nhân thì Tần Thiên Văn tôi lập tức đi thực hiện ngay.

Tri huyện lão gia chưa kịp lên tiếng thì Đổ Thần đã ngoác mồm nói:

- Ngươi về mang đề thi đến cho ta, xem xong rồi ta hoàn trả lại.

Đổ Thần nói quỵch tẹt mưu mẹo ra luôn, chẳng màng che giấu nửa câu. Cửu Dương vỡ lẽ chàng đã đoán trúng. Bọn chúng muốn ăn hối lộ, dùng ngọc ngà châu báu tráo đổi đề thi tú tài.

Gia Cát tái lai suy xét tới lui. Một mặt, chàng không muốn làm phật ý Thanh quan, e họ vùng lên rút gươm đối phó, xuống tay tiêu trừ Hắc Viện, nơi đang dìu dắt hàng vạn thư sinh tài hùng xuất chúng. Thời cuộc đang rối loạn. Quốc gia hưng vong, thất phu phụ trách. Dân chúng khắp nơi rất cần những kẻ trí thức trị an. Hơn nữa, nếu chàng lớn tiếng chống đối thì tri huyện lão gia chỉ cần bịa cớ tào lao để gán ghép tội tình, hất cẳng chàng ra khỏi chiếc ghế trưởng học sĩ, rồi đem người của hắn vào thế chỗ. Lúc đó, tình thế chẳng phải tệ hại hơn sao?

Phải ứng xử thế nào để vẹn toàn đôi sự? Cửu Dương muốn tìm câu từ chối hữu hiệu nhất. Vừa bảo vệ nhân phẩm vừa xoa dịu lương tâm. Chàng không nỡ bán rẻ dân tộc, lại muốn cứu trường học, nhưng trên hết là làm vui lòng người đối diện. Mà ai chứ Đổ Thần vô dũng vô mưu. Để người như hắn đỗ đạt thành quan, đại nghiệp quốc gia thiên thu tan nát.

Cửu Dương quay sang nhìn gương mặt đầy thớ thịt của Đổ Thần. Chợt, Cửu Dương nhớ ra, tên Đổ Thần đầu óc ngốc hơn sửu. Cho dù hắn có đề thi trong tay thì đã sao? Tới hôm ứng thí khờ vẫn cứ khờ, mèo vẫn hoàn mèo vậy thôi. Để hắn ngắm đề án một tí đâu có chết chóc gì! Nghĩ tới đây, Cửu Dương vui vẻ gật đầu đồng ý:

- Tối nay đại nhân hãy cho người đến thư viện lấy đề thi.

Tri huyện lão gia cười toe toét, nháy mắt với con trai cưng. Cửu Dương khép mắt, nhè nhẹ thở ra. Chàng tưởng mọi việc êm xuôi, ai đi đường nấy. Nhưng Gia Cát tái lai chỉ đoán trúng phân nửa. Đổ Thần quả thật muốn tung tiền ra mua đề thi tú tài, nhưng hắn chưa nói xong ý định còn lại. Khúc sau mới là nguyên tố chính của bữa tiệc này.

Khi thấy Cửu Dương thở phào nhẹ nhõm và đứng lên khỏi ghế định cáo từ thì Đổ Thần dang tay cản lại:

- Khoan đã, chúng ta còn chưa thương lượng xong.

Cửu Dương trố mắt ngạc nhiên trong khi tri huyện lão gia híp mắt:

- Để cho chiếc ghế tú tài được bảo an một cách chu toàn tuyệt đối, bổn quan còn muốn ngươi làm thêm điều này.

Nghe đến đây, Cửu Dương chột dạ. Thì cũng đúng thôi, bởi vì ngay sau đó, Đổ Thần liền hùng hồn vạch kế hoạch đoạt chức vị tú tài. Hắn vung tay loạn xị, hăm hở nói:

- Sau khi ta biết đề thi thì ta sẽ mướn người làm dùm bài văn chương thơ từ. Tới hôm ứng thí, ngươi cứ mắt nhắm mắt mở để ta nộp bài viết sẵn đó cho đề đốc đại nhân.

Cửu Dương ngớ người một lúc. Thì ra tri huyện lão gia và tên khuyển tử đã dọn dẹp đường đi lối về vô cùng chu đáo. Bây giờ họ chỉ ra lệnh cho chàng mà thôi. Chứ đâu có nhờ vả cái đinh đỉnh gì?

Quả đúng y dự liệu, chàng mà không chịu làm cá mè một lứa ắt sẽ có người khác ra tay. Ở Giang Nam có thiếu gì kẻ thấp thỏm chờ đợi chàng bị cắt chức để giành chiếc ghế viện trưởng béo bở. Thùng vàng bạc kia nói ít không ít, nhiều không nhiều, nhưng cũng đủ làm người ta mờ mắt. Thế nhân từ lúc khai sinh đã có tính tham lam ích kỷ, đầu óc mụ mị ham lợi lộc. Điểu vị thực vong, nhân vị lợi vong. Cửu Dương hết cách. Chàng rất muốn chối nhưng chối không tiện, đành miễn cưỡng nhận lời. Thôi kệ! Nước tới đâu, “chế phà” tới đó.

Tri huyện lão gia thấy Cửu Dương sảng khoái thì rất là cao hứng. Lão mừng tới nỗi đích thân tiễn chàng ra cổng, tình nguyện mở cửa, rồi vịn cánh cửa cho chàng bước qua.

Trước khi Cửu Dương rẽ ngõ, tri huyện lão gia nói với theo:

- Tối nay ta sẽ sai người rinh thùng quà cáp đến tận nhà để tặng cho ngươi. Chúng ta có đi có lại mới toại lòng nhau. Bổn quan nói vậy đúng hay không hả tân viện trưởng?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play