Đen nhẻm trong bộ quần áo trắng, chúng dậy trước tôi để làm trò dâm đãng trong hành lang và lau sạch trước khi tôi bắt được.
Khi tôi bước ra khỏi buồng ngủ thì chúng đang kỳ cọ, ba đứa cau có hận thù tất cả - cả buổi sáng, cả ngôi nhà và cả những người quanh chỗ chúng đang làm việc. Và khi chúng hận thù thì đừng dại mà giơ mặt ra. Đi đôi giày vải, tôi men theo tường lặng lẽ như chuột, song chúng có những thiết bị cảm ứng siêu nhạy phát hiện ngay ra sự sợ hãi của tôi và nhất loạt ngẩng đầu lên, ba đứa một lúc, cặp mắt lóe lên trên những gương mặt đen đúa hệt những bóng đèn lóe lên sau lưng chiếc máy thu thanh cũ kỹ.
"Thủ lĩnh kia rồi. Thủ lĩnh xiêu phàm kia rồi, tụi bay. Thủ lĩnh Bàn chải thân mến. Lại đây coi, Thủ lĩnh Bàn chải..."
Dúi cho tôi cây giẻ và chỉ cho chỗ chúng muốn tôi phải lau chùi hôm nay, và tôi làm theo. Một thằng cho luôn cán chổi vào gót chân tôi: lẹ lên.
"Tụi bay thấy không, nó làm vù vù. Dài lêu nghêu và cây sào, có thể dùng răng đớp được cả quả táo trên đầu tao, thế mà ngoan đáo để, như là em bé ấy."
Chúng cười vang và sau đó chụm đầu vào nhau thầm thì sau lưng tôi. Những cỗ máy đen xỉn gầm gừ, gầm gừ về hận thù và chết chóc lẫn nhiều bí ẩn khác của bệnh viện. Có tôi ở gần chúng cũng chẳng thèm giữ ý nói nhỏ hơn về sự hận thù của chúng bởi chắc chắn rằng tôi vừa điếc, vừa câm. Tất cả đều nghĩ như thế. Chỉ cần chút ít ranh mãnh là lừa được chúng. Điều duy nhất mà một nửa dòng máu da đỏ giúp được tôi trong cuộc sống bẩn thỉu này là trở nên ranh mãnh, nó đã giúp tôi từ hồi ấy đến giờ.
Tôi đang lau sàn nhà trước cửa phòng trực thì ai đó tra chìa khóa vào ổ từ bên ngoài và tôi nhận ra mụ Y tá Trưởng khi nghe ruột khóa ôm lấy chìa, rất nhanh, rất nhẹ và thân thuộc vì mụ đã quen các loại khóa lắm rồi. Mụ lách qua cửa cùng luồng không khí lạnh ùa vào hành lang rồi khóa cửa, và tôi nhìn thấy những ngón tay mụ lướt trên mặt thép nhẵn – móng tay cùng màu với môi. Thứ màu vàng ệch. Hệt như đầu mỏ hàn. Thứ màu cực nóng hay cực lạnh đến mức ta không biết là nóng hay lạnh ngay cả khi mụ chạm vào ta.
Mụ xách cái giỏ đan bằng liễu gai hình dáng như hộp đồ nghề với cái quai bằng dây gai dầu, loại giỏ này bộ tộcUmpquavẫn bán dọc đường quốc lộ tháng Tám nóng hầm hập. Bao nhiêu năm tôi ở đây thì bấy nhiêu năm mụ ta xách nó. Mắt đan thưa và tôi thấy hết mọi thứ bên trong; chẳng có phấn, sáp hay nước hoa, mụ bỏ đầy giỏ hàng nghìn thứ sẽ dùng đến trong ca trực hôm nay – các vòng bi và bánh răng, răng đánh bóng lộn, các viên thuốc trắng nhỏ xíu sáng lên như sứ, kim tiêm, kẹp y tế, kìm mũi nhỏ và các cuộn dây đồng...
Đi ngang qua chỗ tôi, mụ thoáng gật đầu. Tôi tì lên cây giẻ và nép sát vào tường mỉm cười và để lẩn trốn càng kỹ càng hay khỏi các thiết bị của mụ, tôi nhắm mắt lại – bởi khi ta nhắm mắt, người ta khó nhận biết ta hơn.
Trong bóng tối tự tạo, khi mụ đi ngang qua, tôi nghe rõ tiếng đế giày cao su gõ xuống sàn và những tiếng loảng xoảng trong túi mụ theo nhịp mỗi bước chân. Mụ bước thẳng đơ như gỗ. Mở mắt ra tôi thấy mụ đã ở tít giữa hành lang chuẩn bị rẽ vào phòng Y tá; mụ sẽ ngồi suốt cả ngày trong buồng trực bằng kính, tám tiếng đồng hồ chỉ nhìn qua cửa sổ và ghi lại những gì xảy ra trước mặt mình trong phòng chung. Bộ mặt mụ lặng lẽ, hài lòng khi nghĩ về điều này.
Nhưng bỗng nhiên... mụ nhận ra đám hộ lý da đen. Chúng vẫn tụm vào nhau thầm thì mà không hề phát hiện ra sự xuất hiện của mụ. Khi chợt cảm thấy cái nhìn dữ tợn chiếu tới thì đã muộn. Lẽ ra chúng chẳng nên cả gan tụ tập và ba hoa thiên địa khi sắp đến giờ mụ tới đây. Chúng sợ hãi tản ra. Mụ khuỳnh khuỳnh bước tới, chúng dồn về mắc kẹt phía cuối hành lang. Mụ thừa biết chúng vừa thậm thụt về cái gì, và tôi thấy mụ đã điên lên không kìm chế nổi. Mụ sẽ xé xác mấy thằng nhọ khốn kiếp, mụ điên thế cơ mà. Người mụ phình lên, phình mãi đến khi cái áo trắng tưởng như nứt tung ra đến nơi, và mụ vươn dài những khúc tay đến mức có thể quấn năm sáu vòng qua ba đứa chúng. Quay cái đầu đồ sộ, mụ liếc nhìn xung quanh. Chẳng còn ai ngoài thằng Bromden Bàn chải già, thằng con lai da đỏ, nấp sau cây giẻ lau nhà và cũng không kêu cứu được bởi bị câm. Mụ bèn phát tiết ra mà bẻ cong đôi môi, biến nụ cười bằng son thành cái nhe răng gớm ghiếc, thân thể vẫn tiếp tục nở ra lớn nữa, lớn nữa, lớn nữa bằng cả chiếc máy kéo, lớn đến mức tôi ngửi thấy cả mùi khét bốc lên từ người mụ, giống như thể mùi của động cơ chạy quá tải. Vừa nín thở tôi vừa nghĩ: Chúa ơi lần này thì chúng làm thật rồi! Lần này chúng để hận thù bốc quá cao và chúng sẽ phanh thây nhau ra trước khi hiểu mình đang làm gì!
Nhưng mụ mới chuẩn bị khép cánh tay phân khúc lại quanh đám hộ lý da đen, còn chúng sắp dùng cán cây chổi lau đâm toạc phần thân dưới mụ, thì các bệnh nhân ló đầu ra hành lang để xem có chuyện gì mà ồn ĩ quá vậy, và mụ lập tức xì hơi vì không muốn cho ai thấy cái bộ dạng nguyên thủy gớm ghiếc của mình. Khi các con bệnh dụi xong mắt thì trước mắt họ chỉ còn lại bà Y tá Trưởng điềm tĩnh thường ngày, đang mỉm cười giải thích cho tụi hộ lý rằng hôm nay là thứ Hai,buổi sáng đầu tiên của tuần làm việc, có rất nhiều việc phải làm, chớ nên tụ tập, tán gẫu như vậy...
"...các anh hiểu đấy, thứ Hai, sáng sớm..."
"Dạ, thưa cô Ratched..."
"... sáng nay chúng ta còn tương đối nhiều việc, cho nên, nếu các anh đứng túm tụm đây nói chuyện không phải là việc cấp bách lắm..."
"Dạ, thưa cô Ratched..."
Mụ ngừng lời và gật đầu với đám bệnh nhân mắt đỏ ngầu và sưng vù vì mất ngủ đứng xung quanh quan sát. Mụ chào từng người một. Điệu bộ máy móc, chuẩn xác. Mặt mụ phẳng phiu, được gia công chính xác như một con búp bê đắt tiền, da như được tráng một lớp men màu kem sữa, cặp mắt xanh sáng, mũi hơi ngắn, hai lỗ mũi nhỏ ti hin, hồng hồng, tất cả đều đúng tiêu chuẩn trừ màu môi với móng tay và kích thước bộ ngực. Đã có nhầm lẫn ở đâu đó khi lắp ráp mụ - đặt một bộ ngực vĩ đại rất đàn bà lên một sản phẩm lẽ ra hoàn thiện về mọi mặt, và rõ ràng mụ hết sức cay đắng vì điều đó.
Bệnh nhân vẫn còn nán lại, muốn biết vì sao mụ khiển trách tụi hộ lý, và lúc đó chợt nhớ ra tôi, mụ nói:
"Và vì sáng nay là thứ Hai, để khởi đầu tuần mới chúng ta hãy cạo râu cho ông Bromden tội nghiệp trước tiên, trước việc chen lấn vào phòng cạo mặt sau bữa sáng, may ra điều đó có thể giúp chúng ta tránh được cảnh, ừm, lộn xộn mà ông thường gây ra, các anh nghĩ thế nào?"
Trước khi có ai kịp quay ra tìm tôi đã vội lẻn vào gian kho chứa giẻ lau, đóng cửa, nhà kho kín mít như bưng, tôi cố nín thở. Không gì tồi tệ hơn là phải cạo mặt vào trước bữa sáng. Khi đã có cái gì bỏ bụng tôi sẽ mạnh hơn và tỉnh táo hơn, và những thằng tay sai của Liên hợp không có nhiều cơ hội tuồn một số máy móc của chúng vào trong người vờ là máy cạo râu. Nhưng nếu phải cạo trước bữa sáng như vài lần mụ đã bẫy tôi - sáu rưỡi sáng trong một căn phòng trắng xóa, tường trắng, bồn rửa trắng, đèn ống dài gắn đầy trần không để lại một bóng tối nào, và khắp xung quanh là những khuôn mặt gào thét bị kẹt sau tấm kiếng - thì làm sao ta có thể cầm cự được trước máy móc của tụi này?
Giấu mình trong gian nhà kho lắng nghe, tim đập trong bóng tối, tôi cố gắng xua đi nỗi sợ hãi, cố nghĩ về nơi khác - về xóm làng của tôi, về con sông Columbia rộng lớn, về cái lần, chao ôi, tôi cùng với ba đi săn chim trong rừng bá hương ở gần Dalles... Nhưng cũng như mọi khi, tôi cố nghĩ về quá khứ và ẩn mình trong đó song nỗi hoảng sợ kề bên vẫn luồn lách vào qua ký ức. Tôi cảm thấy thằng hộ lý da đen nhỏ quắt đang đi dọc hành lang đánh hơi tìm nỗi sợ của tôi. Mũi hắn phồng lên như ống khói đen cháy, hắn quay quay cái đầu to tướng, đi đi lại lại, nhòm ngó, ngửi hít, hấp thụ nỗi kinh hoàng từ khắp bệnh viện. Hắn đã ngửi ra tôi, tôi nghe thấy hắn thở phì phì. Hắn không biết tôi nấp đâu, nhưng hắn đang ngửi và đang lùng sục. Tôi cố đứng thật yên...
(Ba nói tôi đứng yên, con chó đã đánh hơi thấy một con chim ở đâu đây. Chúng tôi mượn chó săn của một người ở thành phố Dalles. Những con chó làng là một lũ giữ nhà vô ích, ba nói, chỉ ăn có ruột cá, đồ hạng bét. Còn loại này ấy à - khôn kinh! Tôi không nói gì nhưng đã phát hiện ra, trên cây bá hương mới lớn, một chú chim đậu thu lu như một nắm lông xám xịt. Con chó chạy lăng xăng vòng quanh cái cây, mùi tràn ngập khiến nó không hiểu từ đâu ra. Chừng nào con chim còn đứng yên, nó vẫn an toàn. Con chim bám khá giỏi, nhưng con chó vẫn hít ngửi càng lúc càng ồn, vòng quanh càng lúc càng gần. Rồi con chim bỏ cuộc, xòe rộng đôi cánh bay vụt khỏi thân cây bá hương ngay trước họng súng của ba.)
Tôi ra khỏi nơi ẩn náu nhưng mới chạy được vài bước thì thằng hộ lý bé quắt cùng một trong hai thằng lớn đã tóm được tôi và lôi thẳng vào buồng cạo mặt. Tôi không chống lại cũng không làm ầm ĩ. Tôi cố nén vì kêu gào chỉ thiệt thân. Nhưng khi chúng sờ đến thái dương thì tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi vẫn không biết chắc liệu một thứ máy móc đã thế vào chỗ máy cạo râu hay không cho đến lúc chúng sờ đến thái dương: lúc này tôi không còn đừng được. Nghị lực cái gì nữa khi đã bị sờ đến thái dương? Có một cái... nút, vừa bị nhấn, lên tiếng Báo động Phòng không, vặn tôi lên rền rĩ đến mức như không còn có tiếng, tất cả đều quát tháo tôi, tay bịt chặt tai sao bức tường kính, mặt cử động nói năng nhưng miệng không phát ra tiếng gì. Tiếng kêu của tôi đã nuốt hết mọi thứ tiếng. Rồi họ mở lại máy phun mù, một lớp mù trắng, lạnh, đặc quánh như sữa ít béo bao phủ lấy tôi, nếu họ không giữ chặt tôi lại thì có lẽ tôi đã trốn được trong lớp mù đó. Tôi không thể nhìn thấy gì cách một ngón tay, và lẫn trong tiếng la hét của mình tôi chỉ còn nghe thấy tiếng mụ Y tá Trưởng đang sầm sập xông tới ngoài hành lang, vung giỏ xô ngã bất cứ bệnh nhân nào đụng phải. Biết mụ đã bước vào phòng mà tôi vẫn không ngừng la được. Hai tên giữ chặt lấy tôi, còn mụ nắm chiếc giỏ liễu gai và nhét luôn vào mồm tôi, dùng cán giẻ lau nhà ấn sâu vào họng.
(Con chó sủa trong sương mù, nó đang kinh sợ vì bị lạc và không nhìn được. Trên mặt đất chẳng có dấu vết gì để lại ngoài dấu chân của chính nó, nó dò dò cái mũi cao su đỏ hỏn nhưng chẳng tìm ra được mùi gì, chỉ có mùi nỗi sợ hãi đang thiêu đốt lòng dạ nó). Tôi cũng sẽ bị thiêu đốt như thế, khi cuối cùng cũng mở miệng kể về tất cả - về bệnh viện, về mụ, về những con người ở đây, về McMurphy. Tôi đã im lặng quá lâu đến nỗi giờ ký ức sắp tràn qua tôi như cơn lũ tràn qua đập nước và chắc chắn các người cho rằng cái thằng này đang lên cơn và nói nhảm lạy Chúa, rằng những chuyện khủng khiếp như vậy không thể có trong cuộc sống, đáng sợ như vậy không thể là sự thực! Nhưng hãy làm ơn. Tôi vẫn thấy khó mà sắp xếp cho ý nghĩ mình không bị lộn xộn. Nhưng đó là sự thực kể cả nếu nó đã không xảy ra.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT