“Sống ở đây lâu năm nhất không chỉ có mình tôi, xem chừng anh đã gõ cửa căn phòng dưới tầng hai rồi chứ gì?”, ông lão Tô Miễn Tài vừa nói vừa cười ha hả.
Tôi cũng cười: “Ôi, cháu còn chưa được bước qua cửa nhà bác Trương ấy cơ ạ”.
“Thực ra lão Trương cũng là người tốt, chỉ có điều tính tình hơi quái gở một chút. Anh muốn tìm hiểu những chuyện gì?”
Tôi thầm nghĩ, ông lão trước mặt có lẽ là đối tượng phỏng vấn lý tưởng nhất, tình nguyện kể chuyện năm xưa lại không thích nói tầm phào, mong sao trí nhớ của ông lão vẫn còn minh mẫn, có thể chia sẻ với tôi nhiều chi tiết nhất có thể.
“Rất nhiều năm sau ngày quân Nhật dội bom oanh tạc Thượng Hải hồi năm 1937, ‘khu ba tầng’ vẫn là công trình kiến trúc cao nhất quận Sạp Bắc và cũng chính vì thế mà ‘khu ba tầng’ có thể nhắc nhớ lịch sử. Lúc tới Thư viện Thượng Hải tìm tư liệu, cháu có được xem một bức ảnh chụp sau trận mưa bom bão đạn ấy không lâu. Cảnh tượng trong bức ảnh thật quá thần kì, bốn bề xung quanh ngói tan gạch nát, chỉ riêng ‘khu ba tầng’ vẫn còn vẹn nguyên. Điều này làm cháu vô cùng tò mò, không biết kì tích đó đã xảy ra như thế nào…”
Nói xong những lời này, tôi thấy trong lòng mình bất giác có một dự cảm không lành. Nụ cười trên gương mặt ông lão Tô Miễn Tài đã biến mất.
“Thời gian qua lâu quá rồi, tôi cũng đã già, kí ức mơ hồ lắm.”
“Cháu nghe nói là khi ấy, người nước ngoài sống trong ‘khu ba tầng’ giương lá cờ ngoại quốc…”, tôi có ý thăm dò ông lão.
Nét mặt ông lão Tô Miễn Tài bỗng trở nên nghiêm nghị: “Xin lỗi, ban nãy tôi nói dối anh, không phải là tôi không nhớ rõ.”
Tôi như mở cờ trong bụng, xem ra ông lão với trái tim hướng Phật này có thể giúp ích nhiều cho tôi đây. Thế nhưng, câu nói tiếp theo của ông lão khiến nụ cười của tôi chết trân trên gương mặt.
“Nhưng tôi không muốn nhắc đến kí ức đó nữa, thế nên chỉ có thể nói lời xin lỗi với anh thôi”.
Tôi ra khỏi tòa nhà ba tầng trung tâm, hướng bước chân thẳng tiến về phía tòa nhà ba tầng nơi có văn phòng làm việc của “Tổ dân phố khu ba tầng”. Chà, chuyến đi này của tôi chẳng những không thu hoạch được gì mà ngược lại, càng kích thích trí tò mò muốn tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc của tôi.
Hai lần gõ cửa mà không đạt kết quả gì cũng chẳng thể bịt lấp mọi con đường của tôi, bởi một tay phóng viên lão luyện như tôi vẫn còn nhiều cách để điều tra chân tướng sự việc.
Phản ứng kì quặc của lão Trương gàn dở và ông lão Tô Miễn Tài khiến tôi mơ hồ cảm thấy, chắc hẳn có điều gì đó đã xảy ra trong trận oanh tạc Thượng Hải sáu mươi bảy năm về trước và nó không những có thể bảo vệ “khu ba tầng” nguyên vẹn trong mưa bom bão đạn mà còn khiến những người từng tận mắt chứng kiến phải câm lặng.
Ngẫm lại tôi mới thấy, có quá nhiều điều bất thường xoay xung quanh “khu ba tầng”. Dĩ nhiên, nghi vấn lớn nhất là vì sao nó “may mắn thoát nạn” trong trận ném bom của quân Nhật, nhưng xem ra ngay cả bốn anh em nhà họ Tôn cũng mang nhiều bí ẩn, vì sao họ lại xây bốn tòa nhà cách nhau xa như thế, vì sao lại xếp đặt theo kiểu hình chữ phẩm…
Tôi về đến văn phòng làm việc của “Tổ dân phố khu ba tầng”, bác Dương tổ phó vất vả một hồi lâu cuối cùng cũng tìm được tư liệu tôi cần.
Tuy hai vị cư dân cũ sống trong tòa nhà ba tầng hiện còn kiên quyết không chịu tiết lộ chuyện năm xưa nhưng tôi vẫn chưa quên còn có hai tòa nhà ba tầng mà tôi chưa ghé thăm. Ý tôi muốn nói hai tòa nhà ba tầng đã bị phá bỏ.
Liệu có nhân chứng lịch sử nào của năm xưa sống trong hai tòa nhà đó không nhỉ?
Tổ dân phố làm việc hết sức cẩn thận nên dù những người dân sống trong hai tòa nhà ba tầng đó đã chuyển chỗ ở, nhưng địa chỉ và số điện thoại nơi ở mới của họ vẫn được ghi chép rất đầy đủ.
Tôi có thêm ba cái tên nữa.
Chung Thư Đồng, Dương Thiết và Phó Tích Đệ.
Tôi thật không ngờ lại trông thấy cái tên Chung Thư Đồng ở đây. Tài liệu ghi chép của tổ dân phố đã chứng minh rõ ràng, tôi không nhìn lầm. Chính là bác ấy. Hồi còn học đại học, tôi đã được nghe bài diễn giảng về lịch sử thời Tam Quốc[7] của bác một lần, cực kì đặc sắc. Bác Chung Thư Đồng chuyển nhà đi nơi khác không phải do tình cảnh bắt buộc tòa nhà bị phá bỏ. Vốn dĩ bác sống tại tòa nhà ba tầng trung tâm, khoảng bảy, tám năm trước, bác mua nhà mới nên chuyển chỗ ở.
[7] Thời Tam Quốc: là một thời kì trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc vào năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tam Quốc gồm ba nước là Ngụy, Đông Ngô và Tây Thục.
Bác Chung Thư Đồng, một ông lão ở tuổi cửu tuần thật xứng với danh xưng núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu trong giới sử học Trung Quốc hiện nay. Bác nghiên cứu tất cả các thời kì trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn về thời Lưỡng Hán[8], nhất là thời kì sau nhà Đông Hán đến nhà Tấn[9] mà người ta vẫn quen gọi là thời Tam Quốc. Kiến thức của bác về giai đoạn lịch sử này của Trung Quốc uyên thâm đến nỗi bất kì một nhà lịch sử học nào cũng phải trầm trồ thán phục. Rất nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học của bác ban đầu bị đánh giá là không phù hợp với quy tắc thông thường của khoa học và rồi những thành quả to lớn mà bác thu được khiến những phương pháp này được ngày càng nhiều nhà lịch sử học thời nay vận dụng. Mỗi khi nhắc đến tên bác, nhiều học giả thường dùng câu “Dường như ông ấy là người đã từng sống ở thời đó” để ví von sự hiểu biết đáng kính nể của bác về thời Tam Quốc.
[8] Lưỡng Hán: tức thời Tây Hán (năm 202 TCN-09) và thời Đông Hán (năm 23-220).
[9] Nhà Tấn (năm 265-420), triều đại tiếp sau thời Tam Quốc và Nam Bắc triều.
Vì thế, như một lẽ tự nhiên, tôi gọi điện thoại cho bác Chung Thư Đồng trước tiên.
Tiếc thay, tôi được thông báo trong điện thoại rằng, bác Chung Thư Đồng sang Paris tham dự một hội thảo khoa học về Lịch sử và văn hóa phương Đông, phải ít ngày nữa mới trở về. Tôi thất vọng tràn trề nhưng cũng bất giác thấy ngạc nhiên và vô cùng khâm phục bác. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bác Chung Thư Đồng năm nay đã chín mươi hai tuổi, thế mà bác vẫn có thể đáp chuyến bay đường dài sang tận Paris tham dự hội thảo khoa học.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải liên hệ để phỏng vấn hai người còn lại.
Thật thê thảm cho tôi! Tòa soạn báo “Ngôi sao buổi sớm” của tôi nằm ở ngoại ô thành phố, mà bác Dương Thiết thì chuyển tới công viên Thế kỉ trong khu Phố Đông, còn bác Phó Tịch Đệ lại sống ở khu Tân Trang. Như thế cũng có nghĩa, tôi muốn đi từ tòa soạn tới nơi nào trong hai nơi ấy cũng phải rong ruổi trên quãng đường gần hai mươi cây số.
Điều này hẳn cũng có mặt tích cực của nó. Tôi lặn lội từ xa như thế tới phỏng vấn họ, tất nhiên họ sẽ không nỡ đuổi thẳng tôi về, mà sẽ kể với tôi một vài thông tin nào đó chứ.
Thế sự vẫn luôn nằm ngoài sự dự liệu của con người. Cuộc phỏng vấn của tôi với bác Dương Thiết và bác Phó Tịch Đệ vô cùng thuận lợi, chỉ trừ việc phải chạy đôn chạy đáo trên đường.
Hai lần phỏng vấn vô cùng thuận lợi hôm trước lại càng làm cho mọi việc xảy ra năm xưa trở nên mông lung trong đám mây nghi vấn nặng nề.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT