Song cơn giận cũng không làm cho Mông-ta-ne-li quên lời hứa của mình. Ông ta kịch liệt phản đối gông cùm đến nỗi viên đại tá xấu số kia đâm ra hoang mang và đành phải nhắm mắt ra lệnh tháo gông cùm cho Ruồi trâu.
Phe-ra-ri phàn nàn với sĩ quan tuỳ tùng :
- Không biết Mông-ta-ne-li còn định phản đối gì nữa không. Nếu lão ta cho gông cùm là khắc nghiệt thì có lẽ chẳng bao lâu nữa lão ta cũng sẽ đòi bỏ nốt các chấn song sắt và bắt tôi phải dâng sơn hào hải vị cho Ri-va-ret! Thời tôi còn trẻ thì phạm nhân là phạm nhân và được xử trí thích đáng ! Lúc ấy chẳng ai cho kẻ phản nghịch nhẹ tội hơn kẻ cắp cả. Nhưng bây giờ thì làm loạn đã thành mốt cả rồi và Hồng y giáo chủ tưởng muốn tha hồ khuyến khích lũ côn đồ ấy thế nào cũng được.
Viên sĩ quan tuỳ tùng nói :
- Không hiểu lão ta nhúng tay vào làm gì . Không phải là đặc sứ không có quyền dính vào việc dân sự và quân sự. Theo pháp luật thì...
- Còn nói tới pháp luật làm gì nữa ! Từ khi đức Thánh cha đã ra lệnh mở cửa nhà tù để cho bè lũ tự do chủ nghĩa khốn kiếp được tháo cũi sổ lồng thì còn ai kiêng nể gì pháp luật ! Thật hoàn toàn điên rồi ! Ai chẳng biết Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li bây giờ lên mặt rồi. Hồi Đức cố Giáo hoàng ngài còn sống thì lão ta nhũn lắm nhưng nay thì lão ta nghiễm nhiên trở thành nhất phẩm triều đình. Một bước tót ngay lên địa vị cận thần của Giáo hoàng đương kim lão ta tha hồ mà làm mưa làm gió. Mình địch lại sao nổi! Biết đâu lão ta lại chẳng đã nhận được mật dụ của Va-ti căng. Bây giờ thời thế đảo điên chẳng hiểu mai đây như thế nào. Ngày xưa thì còn có kỷ cương chứ thời buổi bây giờ..
Rồi Phe-ra-ri chán ngán lắc đầu. Thật khó mà sống ở thời buổi này khi mà Hồng y giáo chủ để mắt tới cả chế độ nhà tù bàn luận đến cả quyền lợi của các chính trị phạm.
Còn về phần ruồi trâu thì anh trở về nhà tù trong pháo đài với một tâm trạng hầu như điên dại. Cuộc gặp Mông-ta-ne-li đã hút gần kiệt sức anh. Câu nói cuối cùng độc ác về gánh xiếc rong buột ra giữa lúc anh đã quá tuyệt vọng chính là để tìm cách cắt đứt cuộc nói chuyện ấy. Nếu chỉ kéo dài chừng năm phút nữa thì chắc anh sẽ khóc oà lên mất.
Mấy tiếng đồng hồ sau viên đại tá gọi Ruồi trâu lên. Nhưng để trả lời mọi câu hỏi anh chỉ cười sằng sặc như điên như dại. Cho đến khi viên đại tá cáu tiết và chửi bới ầm ĩ thì Ruồi trâu càng cười to hơn. Viên đại tá lại doạ dẫm bằng đủ mọi hình phạt ghê gớm nhưng rốt cuộc cũng như Giêm-xơ Bớc tơn xưa kia hắn cho rằng không hơi sức đâu mà đi thuyết phục một kẻ hoàn toàn mất lý trí.
Chúng lại dẫn Ruồi trâu trở về ngục tối. Anh nằm lăn ra phản lòng đau buồn không sao tả xiết. Mỗi khi trận cười điên dại qua đi thì buồn đau lại ập đến. Anh cứ nằm như thế đến tận chiều không nhúc nhích không nghĩ ngợi. Xúc động mãnh liệt đã nhường chỗ cho vô cảm giác. Nỗi đau khổ đè nặng lên tâm hồn thì cũng chỉ như một vật thể đè nặng lên khúc gỗ mà thôi. Và nói cho cùng tương lai dù có kết liễu như thế nào đối với anh cũng chẳng quan hệ gì. Điều quan trọng duy nhất đối với anh cũng như đối với mọi sinh vật khác là làm sao thoát khỏi những nỗi đau khổ vô cùng tận. Nỗi đau khổ ấy mất đi là do tình thế bên ngoài thay đổi hay là do khả năng cảm xúc trong anh sẽ chết đi đó chỉ là vấn đề phụ. Anh có thể trốn thoát được mà cũng có thể bị giết nhưng dù thế nào anh cũng sẽ không bao giờ thấy mặt "cha" nữa.
Người coi ngục mang cơm chiều lại cho Ruồi trâu. Anh nhìn lên với đôi mắt nặng chịch mà thản nhiên.
- Mấy giờ rồi ?
- Sáu giờ. Thưa ông, bữa ăn chiều đây.
Ruồi trâu rùng mình nhìn thức ăn đã lạnh và thiu thối. Anh quay mặt đi. Chán nản và mệt mỏi. Nhìn thức ăn ruồi trâu thấy buồn nôn.
Người coi ngục vội khuyên :
- Nếu ông không ăn thì ốm mất. Cố ăn chút bánh cho lại sức ông ạ.
Và như để ruồi trâu tin lời nói của mình hơn anh ta cầm miếng bánh ướt giơ lên khỏi đĩa. Thói quen hoạt động bí mật bừng tỉnh dậy trong Ruồi trâu. Anh hiểu rằng trong miếng bánh có giấu một điều gì bí mật.
- Anh để đấy rồi tôi ăn.
Ruồi trâu nói một cách hững hờ là vì cửa còn mở tên đội đứng ở cầu thang có thể nghe thấy rõ ràng từng câu nói.
Khi cửa ngục đã khoá lại và Ruồi trâu biết chắc không có ai nhìn qua lỗ nhòm thì anh cầm lấy miếng bánh từ từ bẻ vụn ra thành từng mảnh. Quả nhiên trong bánh có mấy chiếc giũa con bọc trong một mảnh giấy có mấy hàng chữ mờ mờ. Ruồi trâu thận trọng vuốt thẳng mảnh giấy và đưa lên ánh đèn yếu ớt trong xà lim. Chữ viết rất khó xem giấy lại mỏng dính rất khó đọc :
"Cửa không khoá. Đêm không trăng. Cưa chấn song cho mau và chui xuống đường hầm vào khoảng hai ba giờ đêm. Chúng tôi đã sẵn sàng. Có lẽ không còn dịp nào khác đâu"
Ruồi trâu vội vã vò nhàu mảnh giấy. Thế là mọi việc đều sẵn sàng. Anh chỉ việc cưa cho được chấn song cửa sổ. Thoát khỏi gông cùm rồi may mắn biết bao ! Anh không còn phải mất thời giờ cưa gông cùm nữa. Cửa sổ có bao nhiêu chấn song ?.. Hai.. bốn .. mỗi chấn song fải cưa hai chỗ cũng coi như là tám chấn song. Nếu không để lỡ phút nào thì có thể cưa xong đêm nay. Giêma và Mac ti ni làm thế nào bố trí được nhanh như thế ? Lại còn chuẩn bị cả quần áo để hoá trang, hộ chiếu, tìm được chỗ ẩn núp nữa.. Có lẽ hai người đã làm việc suốt ngày đêm.. Lại chính kế hoạch của Giê ma chứ gì ! Ruồi trâu cười thầm : kế hoạch của ai không quan trọng miễn sao tốt là được ! Nhưng anh vẫn thấy khấp khởi trong lòng, vì Giê ma là người đầu tiên nghĩ tới cách dùng đường hầm chứ không fải leo thang dây như những người buôn lậu đề nghị. Kế hoạch của Giê ma tuy phức tạp và khó khăn hơn nhưng không nguy hại tới tính mạng của người lính đứng gác ở mặt đường phía đông. Vì thế khi Ruồi trâu được biết hai kế hoạch ấy thì anh không do dự, chọn ngay kế hoạch của Giê ma.
Theo ké hoạch đó thì người lính gác mang biệt hiệu Dế mèn phải bí mật khoá cánh cửa sắt từ sân nhà tù dẫn tới đường hầm dưới chân thành rồi treo chìa khoá vào chỗ cũ. Còn Ruồi trâu phải cưa chấn song xé áo sơ mi thành từng sải kết lại làm thành dây mà tụt xuống mặt đường rộng phía đông. Tới tường rồi thì phải bò dọc theo tường khi tên lính gác quay đi thì bò hễ hắn nhìn lại thì phải nằm nép vào tường.
Góc tường phía đông nam là một tháp canh nhỏ. Tháp này đã cũ nát mọc đầy dây leo chằng chịt bên dưới là những đống đá vụn. Ruồi trâu fải lần theo những đám dây leo và những đống đá vụn ấy tụt từ trên tháp xuống sân nhẹ nhàng đẩy cửa hầm đã mở khoá mà men tới đường hầm. Cách đây mấy thế kỷ đường hâm này là một hành lang bí mật nối liền pháo đài với tháp canh trên đồi bên cạnh. Giờ thì không ai dùng tới nữa nên thỉnh thoảng đường hầm có chỗ bị đá lở xuống che lấp.
Những người buôn lậu đã đào một con đường bí mật thông tới đường hầm này. Chỉ họ mới biết con đường ấy . Không ai có thể ngờ rằng từng đống hàng lậu lâu nay vẫn nằm hàng tuần dưới chân pháo đài trong khi bọn viên chức thế quan vẫn tức tối vì đã phải lùng khắp nhà dân trên núi một cách vô hiệu quả.
Ruồi trâu phải lăn theo đường bí mật ấy sang vườn đồi bên canh rồi nhân lúc đêm tối đến chỗ có Mac ti ni và một người buôn lậu đứng đợi. Mở cửa sân sau giờ đi tuần buổi chiều là điều khó khăn hơn cả. Không phải ngày nào cũng có thể mở cửa một cách dễ dàng. Trèo từ cửa sổ xuông những đêm sáng trời thì lính canh có thể trong thấy. Vì thế hôm nay Ruồi trâu không thể bỏ lỡ thời cơ.
Ruồi trâu ngồi xuống giường nhai bánh. Bánh mỳ không đến nỗi ghê tởm như những thức ăn khác của nhà tù. Anh cố nuốt để lấy sức. Rồi, anh ngả lưng và cố chợp mắt một lát vì cưa ngay trước mười giờ thì mạo hiểm quá mà cưa đêm thì lại là một công việc rất vất vả.
Như vậy là dù sao "cha" vẫn nghĩ cách tạo điều kiện cho anh trốn. Thật đúng là cái lối đối xử của "cha" từ trước đến nay. Nhưng không đời nào anh chịu nhận sự giúp đỡ của cha. Không, không đời nào ! Nếu anh trốn thoát được thì đó cũng là công của các đồng chí của anh và bản thân anh. Anh không thèm nhờ sự ban ơn của các cha cố.
Nóng quá ! Chắc trời sẽ nổi cơn giông và nổ ra sấm sét. Không khí nặng nề và ngột ngạt ruồi trâu sốt ruột trở mình trên phản và đưa cánh tay quấn đầy băng lên gối đầu. Nhưng anh vội rút ra ngay. Cả cánh tay rần rật và nóng bừng như lửa đốt. Các vết thương cũ lại bất đầu nhức nhối, day dứt.. Tại sao thế nhỉ ? Không, không có gì đâu ! Chắc là tại thời tiết tại trời sắp nổi cơn giông đó thôi. Tốt hơn là đánh một giấc cho tỉnh người rồi sẽ cầm lấy giũa.
Tám chấn song mà toàn là những chấn song to và chắc! Còn bao nhiêu nưa ? Chắc chẳng còn bao nhiêu nữa đâu. Nãy giờ anh cưa đã nhiều cưa nhức cả tay. Nhức lắm. Nhức thấu xương ! Nhưng chả lẽ vì cưa mà tay nhức và chân cũng nhức nốt ! Nhức như lửa đốt dùi đâm...
Ruồi trâu vùng đứng dậy. Không, anh chưa ngủ. Anh mơ mà mắt vẫn mở to. Anh mơ thấy tự tay mình cưa chấn song. Nhưng, kìa, những chấn song vẫn còn kia vẫn nguyên vẹn vẫn to và chắc như bao giờ hết. Tiếng chuông từ tháp canh xa xôi vọng lại đúng mười tiếng. Đã đến giờ ra tay. Ruồi trâu nhìn qua lỗ nhòm. Biết chắc không có ai rình mò anh rút lấy một chiếc giũa giấu trong ngực.
*
* *
Không, có việc gì đâu, chẳng sao cả ! Đó hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Ruồi trâu thấy đau ở sườn. CHắc là tại cảm lạnh hoặc đau bụng đấy thôi. Điều ấy cũng không có gì lạ vì ba tuần nay anh phải ăn những thức ăn ghê tởm của nhà tù và nằm giữa bốn bức tường ẩm ướt. Còn toàn thân đau nhừ và mạch đập rộn rã thì chẳng qua chỉ là do xúc động và bị tù túng lâu ngày . Đúng rồi, đúng như thế đấy, chỉ do tù túng quá nhiều mà thôi. Thế mà bấy lâu vẫn không nghĩ ra. Phải tạm nghỉ cho bớt đau đã. Chắc vài phút sẽ đỡ thôi.
Nhưng mới ngồi xuống Ruồi trâu lại thấy toàn thân đau nhức nhối hơn mặt anh tái nhợt đi vì kinh hoàng. Không, phải đứng dậy làm gì đi thôi. Phải cố gạt cơn đau đi. Đau hay không là do ý chí của mình. Phải không biết đau, phải bắt cơn đau dịu xuống.
Ruồi trâu đứng dậy dõng dạc nói với chính mình :
- Ta không ốm. Lúc àny không thể ốm được. Phải cưa cho được chấn song và ta đang không ốm.
Và anh lại cầm lấy giũa.
Mười giờ mười lăm, mười giờ rưỡi, mười giờ bốn lăm... Ruồi trâu mải miết cưa cưa mãi và anh nghe tiếng giũa xiết vào sắt như đang xiết vào thân thể và đầu óc mình.
Anh mỉm cười tự bảo :
- Xem kẻ nào sẽ bị cưa đứt trước : ta hay chấn song ?
Rồi anh lại nghiến răng cưa đến mười một giờ rưỡi mặc dù tay đã sưng phồng tê cứng tưởng chừng không nắm nổi chiếc giũa nữa. Không, anh không dám ngừng lại để nghỉ vì nếu rời chiếc giũa khốn nạn này ra là sẽ không còn đủ can đảm để nhặt lên.
Ngoài cửa vang lên tiếng giày đinh người lính canh và tiếng báng súng đập vào khung cửa sắt. Ruồi trâu ngừng cưa. Tay không rời chiếc giũa anh ngoái cổ lại. Phải chăng bọn chúng đã nghe thấy ? Một vật gì ném qua lỗ nhòm lăn trên sàn xà lim. Anh cúi xuống nhặt : thì ra một mẩu giấy vo tròn.
Sao tụt mãi mà không đến đất ? Và dường như có những đợt sóng đen ngòm gầm thét ghê rợn từ bốn phía xô lại phía mình.
À thôi, hiểu rồi ! Không phải anh đang tụt xuống mà chỉ mới cúi xuống nhặt mẩu giấy lên thôi. Đầu anh hơi choáng váng. Nhưng đó là chuyện thường khi người ta cúi xuống. Có gì đặc biệt lắm đâu! Không, hoàn toàn không có gì hết.
Ruồi trâu nhặt mẩu giấy đưa ra chỗ sáng và cẩn thận mở ra xem:
"Thế nào anh cũng phải ra đêm nay. Đến mai Dế mèn sẽ bị chuyển đi nơi khác. Đây là thời cơ duy nhất"
Anh xé vụn mảnh giấy như đã xé vụn mảnh giấy nhận được trước đây cầm lấy giũa và lại nghiến răng cưa, cưa một cách kiên nhẫn, lì lợm và cố sống cố chết.
Một giờ đêm. Sau ba tiếng đồng hồ, sau chấn song đã hàng phục, chỉ còn hai cái nữa là có thể tụt xuống đất được...
Những cơn đau dữ dội trước kia thoáng hiện ra trong trí anh. Cơn đau cuối cùng vừa xảy ra vào quãng đầu năm mới. Anh rùng mình nhớ lại năm đêm đau kinh khủng ấy. Nhưng lần ấy cơn đau không đến đột ngột như thế này. Chưa bao giờ cơn đau nổi lên đột ngột như bây giờ.
Ruồi trâu bỏ rơi chiếc đũa và bất giác chắp hai tay. Và từ khi theo thuyết vô thần lần đầu tiên trong cơn tuyệt vọng vô biên anh thốt lên lời cầu nguyện. Anh cầu nguyện một cái gì đó nhưng không biết là cầu nguyện cái gì mà cũng có thể là cầu nguyện hết thảy mọi cái.
-Đừng ốm hôm nay! Mai hãy ốm ! Đến mai bất ta chịu đựng cái gì cũng được chứ đừng bắt phải chịu đựng hôm nay.
Anh im lặng một lát, hai tay bóp chặt thái dương rồi lại cầm lấy giũa tiếp tục cưa..
Một giờ rưỡi. Chỉ còn một chấn song cuối cùng. Hai ống tay áo ruồi trâu đã rách tan, đôi môi ứ máu trước mắt là một màn sương đỏ, mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán nhưng Ruồi trâu vẫn cưa, cưa mãi...
Mãi tới rạng đông, Mông-ta-ne-li mới chợp mắt được. Ông ta bị dằn vặt vì thao thức. Mấy phút đầu còn ngủ được yên giấc nhưng sau thì cứ nằm mê.
Mới đầu những cơn mê còn lờ mờ và rối loạn. Nhưng sau những mẩu hình ảnh cứ hiện ra mỗi lúc một rõ đã để lại cho ông một cảm giác đau đớn khắc khoải mơ hồ. Bây giờ ông lại ước gì mình không ngủ được vì ông thấy mình lại đang chìm đắm vào một giấc mơ quen thuộc và ghê gớm đã từng giày vò ông trong suốt mấy năm trời. Và mặc dù là trong cơn mơ Mông-ta-ne-li vẫn biết không phải mình mơ như thế lần đầu tiên.
Này đây ông thấy mình đang lang thang ở một nơi hiu quạnh, cố tìm một xó yên ổn để nghỉ ngơi. Nhưng chỗ nào cũng thấy người ta đi lại, bàn tán cười đùa kêu la cầu kinh và rung chuông ầm ĩ. Có lúc ông thấy mình đi thoát khỏi chốn huyên náo ấy lúc thì lại nằm trên một chiếc ghế gỗ. Mông-ta-ne-li nhắm chặt mắt, lấy cả hai tay bưng lấy mắt cho khỏi chói và tự nhủ thầm "Bây giờ chắc là sẽ ngủ được đây" Nhưng đám người lại ồ lên kêu la ầm ĩ. Người ta gọi tên ông kêu váng "Tỉnh dậy, tỉnh dậy nhanh lên chúng tôi đang cần ông đây"
Và, này đây, Mông-ta-ne-li đang ở giữa những căn phòng sang trọng trong một toà lâu đài nguy nga. Chỗ nào cũng đầy những ghế bành tráng lệ và đi văng thấp và êm ái. Màn đêm buông xuống. Mông-ta-ne-li nghĩ thầm "Thôi tìm được chỗ yên tĩnh này chắcc ta sẽ ngủ được" Rồi ông chọn một căn phòng thật tối vào đấy nằm. Nhưng ánh đèn chói loá bỗng rọi tới mắt ông một cách tàn nhẫn. Rồi có tiếng hét vào tai ông " Dậy đi, có người gọi ông kìa!"
Mông-ta-ne-li lại đứng dậy , lảo đảo bước chân nam đá chân chiêu như một người bị thương nặng. Chuông điểm một giờ và ông biết rằng một nửa khoảng đêm ngắn ngủi và quý báu đã trôi qua. Hai ba bốn năm giờ. Đến khoảng sáu giờ thành phố sẽ tỉnh dậy và sẽ không còn gì là yên tĩnh nữa.
Mông-ta-ne-li lẻn vào một buồng khác. Vừa định ngả xuống giường đã nghe có kẻ hét " Đấy là giường của tôi" Tuyệt vọng, ông lại bỏ đi nơi khác.
Từng giờ cứ trôi qua Mông-ta-ne-li vẫn thất thểu trên những hành lang dài dằng dặc của toà lâu đài. Đồng hồ điểm năm tiếng. Bình minh xám ngắt và ghê gớm đã bò lại gần và đẩy lùi đêm tối nhưng ông vẫn không tìm được nơi yên tĩnh. Ôi! Đau khổ ! Trời sắp sáng rồi.. Lại một ngày đau khổ !
Trước mặt Mông-ta-ne-li là một đường hầm dài vô tận, chan hoà ánh sáng chói lọi của những chiếc đèn cây, đèn treo trên trần và những tiếng chân khiêu vũ, tiếng cười nói, tiếng nhạc rộn ràng vẫn từ đâu phía trên vang lại qua các lớp chấn song trên trần của gian hầm thấp bé ấy. Hình như trên ấy người trên thế giới của những người sống người ta đang hội hè gì. Giá tìm được chỗ nào để chợp mắt một tí thì sung sướng biết bao! Một chỗ nhỏ xíu thôi cũng được, một ngôi mồ cũng được ! Chưa nghĩ xong thì Mông-ta-ne-li đã thấy mình đứng bên cạnh một lỗ huyệt mở rộng. Dưới huyệt toả lên một mùi chết chóc, hôi thối. Nhưng có hề chi! Chợp mắt được là tốt rồi.
Bỗng Mông-ta-ne-li nghe thấy tiếng nói của Gơ-lê-đi-xơ :"Đây là mồ của tôi!" Bà gạt chiếc khăn liệm đã rữa nát, ngẩng đầu lên, mắt trừng trừng nhìn Mông-ta-ne-li.
Mông-ta-ne-li quỳ sụp xuống giơ hai tay về phía bà mà cầu khấn :
"Gơ-lê-đi-xơ! Gơ-lê-đi-xơ ! Thương tôi với! Cho tôi ngủ ở đây. Tôi không nài xin tình yêu của em, tôi không đụng tới người em, tôi không dám nói với em một lời nào mà chỉ xin em cho tôi nằm xuống bên cạnh và ngủ yên đi ! Gơ-le-đi-xơ thân yêu ! Tôi đã khổ nhiều vì mất ngủ ! Tôi không thể sống được thêm một ngày nào nữa. Ánh sáng đang đốt cháy linh hồn tôi, tiếng động đang làm vỡ nát đầu óc tôi. Gơ-lê-đi-xơ Cho tôi xuống mồ của em và nằm ngủ bên em!"
Mông-ta-ne-li định lấy khăn liệm của bà che lên mặt, nhưng bà lùi lại và hét lên:
-"Ông làm thế là phạm tội với Chúa ! Ông nên nhớ ông là một Thầy cả!"
Mông-ta-ne-li lại thất thểu lê bước đi hết nơi này đến nơi khác. Ông bước tới một bờ biển đá lởm chởm tràn đầy ánh nắng. Sóng biển dạt dào xô vào bờ như tiếng rên rỉ thảm thiết, vô tận.
Ông nói :
- Biển cả chắc sẽ thương ta ! Vì biển cả cũng như ta mệt đến chết rồi, nó cũng thao thức mãi mà vẫn không sao ngủ được !
Giữa lúc ấy thì Ac-tơ hiện lên trên vực mặn mà thét lên :"Đây là biển của tôi!"
- Thân lạy đức Hồng y! Thân lạy đức Hồng y!
Mông-ta-ne-li vội vàng mở choàng đôi mắt. Có tiếng người gõ cửa, ông đứng dậy như một cái máy và mở cửa ra cho người đầy tớ. Thấy mặt ông méo mó, nhăn nhúm lại vì khiếp sợ anh ta nói :
- Thưa đức Hồng y, ngài ốm phải không ạ ?
Mông-ta-ne-li đưa cả hai tay lên sờ trán :
- Không, ta ngủ đấy thôi. Con làm ta sợ quá.
- Xin đức Hồng y tha lỗi lúc sáng sớm con mơ màng nghe tiếng chân của ngài trong phòng vì thế con tưởng..
- Thế ra bây giờ đã trưa lắm rồi ư ?
- Bẩm đã chín giờ rồi ah. Đại tá Phe-ra-ri đã đến và có chuyện rất cần muốn gặp đức Hồng y. Đại tá biết rằng ngài hay dậy sớm và..
- Ông ấy ở dưới nhà phải không ?..Ta xuống bây giờ.
Mông-ta-ne-li mặc quần áo rồi vội vã xuống nhà dưới.
Viên đại tá lễ phép nói :
- Tôi mạo muội xin đức Hồng y tha lỗi..
- Chắc không có việc gì xảy ra chứ ?
- Chao ôi ! Thưa đức cha ! Suýt nữa thì Ri-va-ret trốn thoát.
- Thế nghĩa là chưa xảy ra việc gì quan trọng cả chứ gì. Chuyện ra làm sao ?
- Bẩm chúng tôi bắt được hắn ta cạnh cửa sắt. Khoảng ba giờ sáng khi đội tuần tra đi qua sân thì một người lính vấp phải một vật gì. Soi đèn thì thấy Ri-va-ret nằm ngất ở ngay lối đi. Họ liền báo động và gọi tôi dậy. Tôi xuống xem xà lim thì chấn song sắt đã bị cưa, trên cửa sổ có một đoạn dây bằng vải áo. Hắn ta theo dây tụt xuống và bò dọc theo tường thành. Té ra cửa sắt dẫn tới đường hầm không khoá. Chắc là toán lính canh đã bị mua chuộc.
- Nhưng tại sao hắn lại nằm ngất ở lối đi? Ngã trên tường thành xuống à ?
- Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế nhưng y sĩ nhà tù khám không thấy có vết tích gì cả. Người lính canh trực phiên ngày hôm qua báo rằng lúc đem cơm chiều đến thì Ri-va-rét có vẻ mệt nặng không chịu ăn uống gì cả. Nhưng chuyện ấy là láo toét! Người ốm thì làm sao cưa được chấn song, làm sao bò trên tường thành được! Vô lý !
- Hắn có khai gì không ?
- Thưa đức Hồng y, hắn chưa tỉnh.
- Đến giờ còn chưa tỉnh à ?
- Có lúc hơi tỉnh, hắn rên rỉ rồi lại ngất đi.
- Lạ nhỉ, y sĩ bảo sao ?
- Ông ta cũng chẳng biết nghĩ sao . Ông ta không tìm được triệu chứng yếu tim nên cũng không giải thích được bệnh trạng của Ri-va-ret. Nhưng dù sao cũng thấy rõ một điều là lúc gần tới đích thì Ri-va-ret bỗng nhiên ngất đi. Tôi cho rằng Đức chúa lời rủ lòng thương chúng ta.
Mông-ta-ne-li hơi cau mày. Ông hỏi :
- Bây giờ các ông định làm thế nào ?
- Đó là vấn đề tôi phải giải quyết trong mấy ngày gần đây. Còn bây giờ thì tôi được môtbại học tốt là hễ tháo gông cùm cho hắn thì kết quả như thế đấy.
Mông-ta-ne-li ngắt lời :
- Tôi mong rằng ông sẽ không gông cùm hắn ta lại nữa trong khi hắn ta còn ốm. Người đã như thế thì còn chạy trốn làm sao được.
Bước ra khỏi phòng viên đại tá lẩm bẩm một mình :
- Không thể để xảy ra lôi thôi lần nữa. Mặc xác lão Hồng y muốn làm gì thì làm. Ri-va-ret ốm hay khỏe ta cũng nhất định không chịu tháo cùm cho hắn.
*
* *
- Nhưng sao lại thế được nhỉ? Đến phút cuối cùng sắp xong cả rồi, đã ra đến tận cửa rồi mà còn ngất đi là làm sao?... Thật hết sức trớ trêu thế nào ấy.
Mác-ti-ni đáp:
- Tôi nói để anh biết nhé, theo tôi điều duy nhất có thể xảy ra là cơn đau hồi trước đã trở lại với anh ấy. Lúc còn có sức bao nhiêu thì anh ấy cố vật lộn với nó bấy nhiêu, nhưng xuống đến sân kiệt hết sức rồi thì anh ấy ngất đi.
- Thôi, dù sao thế cũng là hết rồi, cơ sự đã đến thế này thì chúng ta đành bó tay. Thương hại anh ta quá!
- Ừ, thương hại thật!
Mác-ti-ni khẽ nhắc lại qua một hơi thở, và anh chợt bắt đầu hiểu rằng đối với cả bản thân anh, nếu không có Ruồi Trâu thì thế giới này sẽ trở nên trống trải và buồn thảm.
- Chị ấy nghĩ thế nào?
Mác-cô-nê hỏi vậy và nhìn vế phía cuối phòng. Giê- ma đang ngồi một mình, tay thẫn thờ khoanh trên lòng, cặp mắt nhìn thẳng vào cõi hư vô phía trước mặt.
- Tôi cũng chưa hỏi. Từ khi biết tin đến giờ chị ấy chẳng nói gì cả. Thôi, cứ để cho chị ấy yên.
Giê- ma dường như không biết rằng trong phòng còn có họ, nhưng cả hai người đều hạ thấp giọng xì xào y như trước mặt họ là một xác chết vậy. Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua. Mác-cô-nê đứng dậy, nhét tẩu thuốc vào túi.
- Đến chiều tôi sẽ quay lại.
Nhưng Mác-ti-ni ra hiệu ngăn anh lại.
- Đừng đi vội, tôi có chuyện cần bàn với anh - Mác-ti-ni càng hạ thấp giọng, thì thầm - Theo anh thì thực không còn hy vọng gì nữa hay sao?
- Thì còn hy vọng vào đâu được nữa. Không có cách nào bố trí cho Ri-va-ret vượt ngục được lần thứ hai nữa đâu. Dù Ri-va-ret có khoẻ lại, đủ sức đảm đương chăng nữa, thì chúng ta cũng đành chịu bó tay. Đám lính gác bị tình nghi đều đã bị thay cả rồi, và Dế mèn cũng không thể giúp chúng ta được nữa, chắc chắn là như vậy.
Bỗng Mác-ti-ni hỏi:
- Thế nếu Ri-va-ret hồi sức lại, chúng ta có làm được gì bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của tụi lính gác không?
- Đánh lạc hướng sự chú ý của lính gác? Ý anh là thế nào?
- Tôi chợt có ý nghĩ như thế này. Đến ngày lễ Viếng Mình Thánh (1), khi đám rước lễ đi qua sát pháo đài, nếu trà trộn vào được, tôi sẽ chặn đường viên Giám binh, bắn vào mặt hắn. Thể nào bọn lính canh cũng sẽ xô lại bắt tôi. Thừa lúc nhốn nháo, có lẽ các anh có thể giúp cho Ri-va-ret tháo chạy được. Thật ra đấy chưa đáng là một kế hoạch... mà mới chỉ là một ý thoáng hiện ra trong đầu.
Nét mặt trở nên rất nghiêm trọng, Mác-cô-nê bảo:
- Tôi e chưa chắc đã làm được thế. Tất nhiên cũng phải suy nghĩ rất nhiều xem sẽ có thể làm gì được không. Nhưng...
Anh dừng bước, nhìn Mác-ti-ni:
- Nhưng... nếu có thể làm được thế, thì anh... có sẽ làm không?
Mác-ti-ni vốn là con người thận trọng trong lúc bình thường, thế nhưng đây không phải là lúc bình thường nữa rồi. Anh nhìn thẳng vào mắt Mác-cô-nê. Anh nhắc lại:
- Anh hỏi tôi có sẽ làm không à? Anh thử nhìn chị ấy xem.
Không cần giải thích gì thêm nữa. Những lời đó đã nói lên tất cả. Mác-cô-nê quay lại nhìn xuống phía cuối buồng.
Từ lúc họ bắt đầu câu chuyện đến giờ, Giê- ma vẫn không mảy may cử động. Gương mặt chị không có vẻ gì là ngờ vực, sợ hãi và thậm chí cả đau đớn nữa, mà chỉ còn có bóng đen của thần chết. Nhìn chị, Mác-cô-nê bỗng ứa nước mắt. Anh mở cánh cửa trông ra hàng hiên mà gọi:
- Mi-ke-lê, nhanh tay lên. Các anh sắp làm xong công việc chưa? Còn hàng trăm việc trước mắt kia kìa!
Mi-ke-lê vội từ hàng hiên bước vào, theo sau là Ginô.
- Xong rồi đây. Tôi chỉ còn định hỏi bà...
Mi-ke-lê đang định tiến đến chỗ Giê- ma thì Mác-ti-ni đã nắm tay kéo lại:
- Thôi đừng. Nên để chị ấy ngồi một mình.
Mác-cô-nê tiếp lời:
- Để cho chị ấy yên. Chúng ta xen vào chẳng giúp được gì lắm đâu. Chúa biết chúng ta ai cũng đau khổ cả. Nhưng chị ấy còn đau khổ hơn nhiều, tội nghiệp chị ấy!
--- ---------.
(1) Corpus Domini day (tiếng Latin): cũng gọi là ngày Viếng Thánh Thể hoặc lễ Mình Máu Thánh, một trong những ngày lễ trọng của Công giáo, thường tiến hành vào tháng sáu hàng năm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT