Sau ngày xảy ra những việc lặt vặt kể trên được vài tuần lễ, một buổi sáng đẹp trời kia, những con người lịch sự thành Luân- đôn rủ nhau rời khỏi thành phố để bắt đầu cuộc du lịch hàng năm của họ đi tìm thú giải trí hoặc để lấy lại sức khỏe. Quốc hội đã tạm ngừng hoạt động vì thời tiết mùa hè oi bức.
Chiếc tàu thủy chạy hơi nước Batavier từ giã cầu Tháp Luân- đôn chật ních toàn du khách người Anh đi nghỉ mát. Trên boong tàu đằng lái đã căng lên nhiều chiếc lều vải bạt; hành khách chen chúc nhau trên những chiếc ghế dài, và bên hàng lan can thành tàu: Những đứa trẻ bụ bẫm hồng hào, những chị vú nuôi bận rộn tíu tít, những bà sang trọng bận áo mát mùa hè, đội mũ màu hồng thật diêm dúa, và những ông sang trọng trong những bộ áo vải, đầu chụp mũ lưỡi trai du lịch, với bộ râu vừa mới để rậm cốt dùng riêng trong cuộc viễn du. Ấy là chưa kể các vị du khách lão luyện ăn bận lịch sự, vóc dáng béo tốt, cổ áo đính nơ, hồ bột cứng nhắc, mũ chải thật tươm tất. Từ hồi chiến tranh chấm dứt, đám khách du lịch này vẫn ồ ạt kéo vào Âu châu bất cứ mùa nào trong năm. Họ đem cái phong cách đặc biệt dân tộc của người Anh đi giới thiệu tại tất cả các thành phố trên lục địa. Hộp mũ, va ly, và những hộp đựng đồ trang sức chất thành đống trên tàu. Đây là những cậu sinh viên trẻ tuổi trường đại học Cambridge cùng những giảng viên hướng dẫn, đi tham quan Nonnenwerth và Konigswinter; kia là mấy chàng thanh niên Ai len để râu mép nom thật bảnh, đeo cả đồ trang sức nữa; họ luôn mồm kháo nhau về chuyện đua ngựa, và tỏ ra hết sức lịch sự với các bà các cô cùng đi trên tầu. Trái lại, các cậu sinh viên Cambridge và mấy vị giảng viên hướng dẫn nước da tai tái, thấy phụ nữ lại cứ lẩn như trạch, e lệ như con gái. Người ta thấy trong số hành khách còn có cả những ông vẫn quen la cà ở Pall Mall; họ đi Ems và Wiesbaden để tiêu bớt số mỡ thừa trong người vì những bữa tiệc ê hề mùa hội vừa qua, và đồng thời cũng tìm cách kích thích thêm lòng yêu đời bằng những ván bài xì () và trò chơi quay số. Này là ông lão Methuselah vừa vớ được một cô vợ trẻ măng, có đại úy Papillon () thuộc Ngự lâm quân đi kèm, mang quyển sách hướng dẫn du lịch và cầm hộ ô cho cô dâu mới; kia là cậu May() trẻ trai dẫn vị hôn thê đi đổi gió tìm thú vui (vị hôn thê của cậu là bà Winter (), xưa kia có hồi đã là bạn đồng học của bà nội chính cậu May), lại có cả tôn ông John cùng phu nhân và con cái, lau nhau vừa đúng một tá, kèm theo vú bõ một đoàn, ta còn thấy gia đình quý tộc Bareacre ngồi trơ trọi mé gần bánh lái, cứ giương mắt lên mà ngó tất cả mọi người, nhưng không thèm hỏi ai cả. Xe ngựa của gia đình này với đủ cả huy hiệu quý tộc đỗ trên boong tàu đằng mũi, chen chúc bên cạnh một tá xe ngựa khác tương tự. Kiếm cho ra một lối đi lách qua đám xe cộ kềnh càng này thật khó. Đám hành khách đáng thương thuê ca-bin phía mũi tàu phải vất vả lắm mới tìm được chỗ ra vào. Đó là mấy ông Do-thái ăn mặc thật lãng lẫy; họ hà tiện mang theo thức ăn của nhà; nhưng thật ra, họ có đủ tiền để mua đến nửa số các ông bà sang trọng đang giải trí vui vẻ trong phòng khách lớn của con tàu. Một vài anh chàng coi bộ đứng đắn để râu mép, mang theo những mảnh bìa cứng rộng, khoảng nửa giờ trước khi tàu chạy đã thấy họ lúi húi giở giấy bút ra vẽ ký họa rồi. Có một hai chị hầu phòng người Pháp đã bắt đầu say sóng lúc tàu mới đi ngang Greenwich; một vài anh xà ích cứ loanh quanh bên cạnh chỗ nhốt ngựa để trông nom ngựa nhà, hoặc đứng tỳ vào bánh lái trên khoang tàu mà tán chuyện gẫu với nhau về những chiến công của con “Nhẹ nhàng”, và đoán phỏng người nào sẽ chiếm giải trong cuộc đua tranh giải Goodwood.
Bọn đầy tở đã quen chịu đựng tàu chòng chành, không còn ngã bổ chửng như trước nữa; họ thu xếp chỗ nằm ngồi của chủ trong ca-bin hoặc trên boong tàu xong xuôi, bèn túm năm tụm ba đứng kháo chuyện và hút thuốc lá với nhau. Mấy ông sang trọng người Do-thái bèn lân la lại gần cùng đứng ngắm mấy cỗ xe. Tôn ông John có cỗ xe to chứa được đến mười ba người cùng ngồi; này là xe của bá tước Methuselah, xe của bá tước Bareacre; xe cỡ lớn, xe cỡ nhỏ, và cả loại xe hạng tồi, ai muốn cũng có thể sắm được.
Không hiểu mấy nhà quý tộc đào đâu ra tiền mà chi phí trong cuộc du lịch này nhỉ? Riêng các ông khách người Do-thái biết rất rõ tiền ấy ở đâu ra. Các ông biết cả số tiền hiện nằm trong túi các vị là tiền nào, vay của ai và chịu lãi bao nhiêu phần trăm. Cuối cùng bọn này duyệt đến một cỗ xe du lịch thật sự; một bác hầu việc tai đeo khuyên vàng, khoác một cái túi da đựng tiền, hỏi một bác hầu việc khác cũng khoác túi da và đeo khuyên ở vành tai:
- Xe này của ai nhỉ ?()
Bác kia đáp lại cũng bằng tiếng Pháp lơ lớ pha giọng Đức:
- Chắc là xe của lão Kirsch... vừa nãy tôi nom thấy lão ngồi ăn bánh xăng-uych trong xe. ()
Kirsch đang đứng gần đó; hắn đang bận gân cổ hò hét ra lệnh cho bọn phu khuân vác phải buộc néo hành lý của khách đi tàu sao cho thật chặt, vừa văng tục bằng đủ các thứ tiếng trên thế giới. Hắn bước lại cho các bạn đồng nghiệp biết về lý lịch chiếc xe. Hắn bảo rằng chiếc xe này là của một ông “Nabopp” ở Calcutta Jamaica; ông này giàu có không biết để đâu cho hết của; ông ta thuê hắn đi theo hầu hạ trong cuộc du lịch này. Lúc ấy có một thằng bé vừa hì hục leo được lên đống hòm xiểng va ly cao ngất, lại đứng ngay tại đấy mà nhảy đánh huỵch một cái xuống nóc xe của bá tước Methuselah, rồi cứ thế thằng bé chuyền qua nóc các xe khách cuối cùng đến xe của gia đình; nó leo xuống chui qua cửa sổ xe vào trong. Bọn hầu việc đứng nom coi bộ phục lăn.
- Hôm nay, cuộc vượt biển của chúng ta chắc sẽ dễ chịu lắm, cậu George ạ. ().
Thằng bé văng tục:
- Vứt mẹ nó cái tiếng Pháp của anh đi. Bánh bích quy để đâu, hả?
Kirsch đành nói với thằng Georgy bằng tiếng Anh, hoặc đúng hơn bằng một thứ tiếng đại khái như tiếng Anh... Kirsch biết nói đủ các thứ tiếng, nhưng không có một thứ tiếng nào hắn nói được gọi là thạo; hắn cứ liến thoắng nói tất cả các thứ tiếng một cách vô tội vạ như nhau, bất cần ngữ pháp.
Cậu công tử hách dịch đang đứng ngốn lấy ngốn để bánh bích-quy chính là thằng Georgy Osborne người bạn quen thuộc của chúng ta. Lúc này nó đã thấy đói, vì từ lúc cu cậu ăn điểm tâm ở Richmond đến bây giờ đã có tới ba tiếng đồng hồ. Mẹ nó và bác Joe đang ở trên boong tàu đằng lái, cùng với một người bạn vẫn đi lại thân mật với gia đình. Cả bốn người định đi du lịch xa trong mùa hè năm nay.
Joe đang ngồi trên boong, dưới một chiếc lều vải bạt, gần như đối diện với chỗ gia đình bá tước Bareacre ngồi. Hầu như Joe tập trung hết cả sự chú ý của mình vào cử chỉ của gia đình nhà này. Cả hai vợ chồng lão bá tước nom trẻ ra so với hồi Joe gặp họ ở Brussels năm 1815 (hồi ở Ấn Độ, anh chàng thường khoe ầm lên rằng mình có đi lại rất thân mật với họ). Hồi ấy tóc của Bareacre phu nhân màu sẫm, bây giờ đổi thành màu vàng óng rất đẹp; còn bộ râu của lão bá tước trước kia màu đỏ sẫm, bây giờ lại hóa thành màu đen; ánh nắng chiếu vào làm ánh lên những sợi pha màu đỏ sẫm và xanh tím. Tuy hình dáng bề ngoài của vợ chồng nhà này có thay đổi nhưng Joe vẫn nhận ra, anh chàng rất chú ý đến cử chỉ của họ.
Đứng trước một vị bá tước, Joe như bị thu mất hồn, không thiết để mắt nhìn một vật gì khác.
Dobbin ngắm Joe, bật cười nói:
- Hình như cái bọn kia làm anh thú vị lắm thì phải?
Amelia cũng cười. Cô đội một chiếc mũ rơm có băng đen, vẫn mặc áo tang; nhưng sự ồn ào xung quanh và cuộc hành trình giải trí thoải mái khiến cô dễ chịu và cảm thấy hào hứng; xem ý cô thích thú lắm.
- Trời hôm nay đẹp tuyệt!
Emmy thốt lên, và tiếp theo một nhận xét thực là đặc sắc:
- Tôi mong rằng chuyến đi này trời im bể lặng.
Joe xua xua bàn tay tỏ ý coi thường nguy hiểm, mắt vẫn liếc nhìn sang cái gia đình quý phái ngồi mé trước mặt. Anh ta nói:
- Nếu cô đã từng đi đây đi đó nhiều như chúng tôi đây, cô sẽ không buồn quan tâm lắm đến thời tiết làm gì.
Nhà du khách lão luyện của chúng ta tuy huyênh hoang nói thế, nhưng đêm hôm ấy anh chàng chui vào xe nằm, trong người nôn nao tưởng gần chết. Bác hầu việc Kirsch phải đem rượu mạnh trợ lực cho chủ, săn sóc thật chu đáo. Đúng giờ đã định, đoàn khách du lịch vui vẻ này cập bến ở Rotterdam, rồi lại xuống một chuyến tàu thủy khác đi Cologne. Đến đây mọi người đặt chân lên đất liền; chiếc xe ngựa cũng được chuyển lên bộ. Thấy báo chí ở Cologne đăng tin: “Ngài bá tước von Sedley từ Luân-đôn vừa đến Cologne”() Joe lấy làm hãnh diện lắm; anh ta cẩn thận mang theo cả bộ lễ phục dùng riêng trong những cuộc triều kiến, và cũng đã nhất định buộc Dobbin phải đem theo bằng được bộ quân phục. Joe tuyên bố rằng phen này mình có ý định vào thăm triều đình các nước ngoài, để tỏ lòng trân trọng đối với các vị quốc vương những nước có hân hạnh được anh ta đặt chân tới du lãm.
Mỗi lần dừng chân ở bất cứ đâu, và hễ có dịp thế nào Joe cũng tìm đến tòa lãnh sự Anh ở địa phương để đưa bằng được danh thiếp của mình và của Dobbin vào. Lần viên lãnh sự Anh ở Judenstadt mời họ đến dự tiệc, mọi người phải can mãi anh ta mới thôi không đội chiếc mũ vành tam giác có đính băng kim tuyến để ra mắt nhà ngoại giao có bụng hiếu khách. Joe còn viết một tập nhật ký, trong đó anh ta ghi lại tất cả những ưu điểm cũng như khuyết điểm của những khách sạn anh ta đã đặt chân đến, cùng đặc điểm của các thứ rượu và các món ăn đã thưởng thức.
Riêng Emmy thấy cuộc du lịch rất thú vị. Trong những buổi đi chơi, Dobbin vẫn mang hộ người bạn gái một chiếc ghế xếp nhỏ và một tập sách vẽ. Anh ta cứ tấm tắc khen mãi những bức ký họa của nhà nghệ sĩ xinh xinh; lần đầu tiên trong đời, Amelia được người khác ca tụng những bức vẽ của mình như vậy. Cô ngồi trên boong tàu thủy nhìn lên bờ sông vẽ những mỏm đá hoặc những tòa lâu đài. Cũng có khi Amelia cưỡi lừa leo lên thăm những chiếc tháp cổ kính trơ trọi trên đỉnh đồi, gọi là tháp của trộm cướp, có Dobbin và Georgy đóng vai kỵ sĩ phụ tá theo hầu. Nhìn Dobbin cưỡi lừa, hai chân dài nghêu thõng xuống sát đất, Amelia không sao nhìn được cười; Dobbin cũng cười theo, Dobbin lãnh nhiệm vụ thông ngôn cho cả đoàn, vì anh ta biết khá nhiều tiếng Đức trong thời gian tại ngũ. Anh ta đem những chuyện về chiến dịch sông Rhine và chiến dịch Palatinate kể lại cho thằng Georgy nghe, thằng bé khoái lắm. Chỉ trong khoảng vài tuần sau, nhờ chịu khó thảo luận với tôn ông Kirsch lúc ngồi trên ghế xà ích, Georgy đã có những tiến bộ trông thấy trong việc học tiếng Đức. Nghe nói có chuyện với bọn đầy tớ trong các khách sạn và bọn bồi ngựa, mẹ nó sung sướng quá.
Dobbin cũng lấy làm thú vị.
Joe rất ít khi tham dự những cuộc đi chơi buổi chiều cùng các bạn đồng hành. Ăn xong, anh ta lăn ra đánh một giấc thật cẩn thận, nếu không thì cũng ngồi lim dim sưởi nắng dưới vòm cây trong những khu vườn xinh xắn của các khách sạn. Những khu vườn vùng sông Rhine mới đẹp làm sao! Thật là một xứ sở thần tiên của thanh bình và ánh nắng... những ngọn núi hùng vĩ màu đỏ tía, đỉnh núi soi bóng xuống dòng sông trắng lệ. Ai đã từng thưởng thức cảnh đẹp này, sẽ không bao giờ quên được những nét mỹ lệ mang lại cho người du khách sự thư thái trong tâm hồn.
Chúng ta hãy tạm dừng bút và để cho tâm hồn mình bay tới vùng sông Rhine kiều diễm... chỉ cần thế thôi cũng đủ khiến cho chúng ta sung sướng rồi. Vào hồi này, những buổi chiều mùa hạ, từng đàn bò lũ lượt từ sườn đồi kéo xuống vừa kêu rống lên vừa lắc lắc những cái chuông đeo ở cổ kêu leng keng, chúng tiến về một thị trấn cổ kính còn giữ lại đủ cả những hào nước, những chiếc cổng đồ sộ, những mái nhà nhọn hoắt cũ kỹ, và những hàng cây dẻ trải bóng mát màu xanh thẫm dài ra trên mặt cỏ. Nền trời và mặt sông cùng ánh lên một màu ráng vàng đỏ ối như rực lửa. Và kìa mặt trăng đã vội hiện ra mờ mờ ngó xuống cảnh hoàng hôn.
Mặt trời lặn dần sau những dãy núi hùng vĩ, trên đỉnh nổi bật bóng đen của những tòa lâu đàn màu đêm buông xập xuống, mặt sông tối dần, từ những khung cửa sổ trên mặt sông run rẩy chập chờn, hoặc thấp thoáng êm đềm trong những xóm làng dưới chân đồi bên kia bờ sông.
Còn Joe thì sau bữa ăn hay ngồi thu hình trong ghế bành thật thoải mái, kéo khăn quàng che kín mít mặt đánh một giấc ngon lành; sau đó anh ta đọc tất cả các tin tức đăng trên báo Galignani, nghiền ngẫm từng câu từng chữ (mọi người Anh du lịch ra ngoại quốc đều cầu Chúa ban phúc lành cho người sáng lập ra tờ báo quý ghê quý gớm này!); nhưng dù Joe thức hay ngủ, thì mấy người bạn đồng hành cũng không hề cảm thấy thiếu sự có mặt của anh ta.
Quả thật họ đang sống tràn trề hạnh phúc. Buổi tối, họ thường rủ nhau đi coi hát tại rạp Opera...những rạp Opera ấm cúng; khiêm tốn, cũ kỹ nhưng rất thân mật trong các thị trấn nước Đức; tại đây người ta thấy một bên các ông bà quý tộc vừa coi hát vừa hò hét, hoặc đan bít tất; họ ngồi tách biệt hẳn với bọn thị dân mé bên kia.
*
* *
Ngài quận công () cùng gia đình cao quý lịch sự của ngài tiến vào lô ghế dành riêng ở khu giữa. Tầng dưới chật ních toàn những sĩ quan dáng điệu phong nhã, bận áo chèn bó khít lưng, để bộ ria mép màu vàng óng, mặc dầu lương chính của các vị chỉ có hai penni một ngày. Chính tại nơi này, Emmy đã vô cùng sung sướng vì lần đầu tiên được làm quen với âm nhạc kỳ diệu của Mozart và Cimarosa. Ở trên, chúng ta đã có dịp biết Dobbin cũng yêu âm nhạc và lại có dịp thưởng thức tài thổi sáo của anh ta. Nhưng có lẽ ngồi trong rạp Opera, anh ta thú nhất là được ngắm Emmy say sưa thưởng thức âm nhạc. Nghe những bản nhạc thần tiên này, Emmy cảm thấy trước mặt mình mở ra cả một thế giới mới của tình yêu và mỹ lệ.
Người đàn bà ấy vốn có một khả năng cảm xúc vô cùng tế nhị và sâu sắc, làm sao mà thờ ơ được khi nghe nhạc của Mozart? Có những đoạn trong bản nhạc Don Juan dịu dàng êm ái quá; đánh thức trong tâm hồn Amelia những khoái cảm đầm ấm vô cùng đến nỗi ban đêm, những lúc ngồi cầu kinh, cô băn khoăn tự hỏi không biết rằng khi thưởng thức vở nhạc kịch ‘Vedrai Carino’ và ‘Batti Batti’, trái tim bé nhỏ của mình rung động mãnh liệt như thế có phải là một tội lỗi hay không. Cô đem thắc mắc của mình ra hỏi ý kiến Dobbin; anh chàng thiếu tá vẫn đóng vai cố vấn về giáo lý cho người bạn gái (và chính anh ta cũng là một người rất ngoan đạo) đáp rằng, theo ý riêng, bất cứ vẻ đẹp nào của nghệ thuật hoặc của tạo vật cũng chỉ giúp cho con người thêm hạnh phúc. Anh ta nói thêm rằng được nghe một bản nhạc hay, được ngắm những ngôi sao trên bầu trời, cũng như được thưởng thức một phong cảnh kỳ thú hoặc một bức họa thiên tài, những sự thích thú ấy đều khiến cho chúng ta chân thành cảm tạ Thượng đế như khi được hưởng bất cứ một hạnh phúc trần tục nào khác. Amelia rụt rè đưa ra vài ý kiến phản đối (rút trong những cuốn sách đạo lý đại khái như cuốn “Người đàn bà giặt thuê ở Finchley” hoặc những tác phẩm tương tự cùng loại, mà cô đã được đọc hồi còn ở Brompton). Dobbin bèn kể một câu chuyện cổ tích Đông phương đại ý nói con cú cho rằng ánh sáng mặt trời không thể thích hợp với mắt, và con chim họa mi được người ta đánh giá tài năng quá mức(). Anh ta cười nói thêm: “Trời sinh ra con họa mi để hót, và con cú để rúc; chị có giọng nói trong trẻo như thế, chị phải thuộc về loài chim họa mi mới đúng.
Tôi muốn nói dài một chút về quãng đời này của Amelia, vì tôi tin rằng thời kỳ này cô có nhiều hạnh phúc và sung sướng. Các bạn đã rõ, từ nhỏ Amelia chưa mấy khi được hưởng một cuộc sống như vậy; trí thông minh và những năng khiếu của cô cũng chưa hề có điều kiện được giáo dục đến nơi đến chốn. Cho đến nay, cô vẫn chỉ được thụ hưởng sự giáo huấn của những nhà trí thức quá tầm thường. Rất nhiều người phụ nữ phải chịu chung số phận như vậy.
Và cũng vì mỗi một người thuộc phái đẹp là kẻ thù của tất cả những người đàn bà khác trên đời, cho nên những người này sẵn sàng rộng lượng đánh giá người e lệ là vớ vẩn, người thùy mị là ngốc nghếch... và sự yên lặng - tức là một cách phản ứng rụt rè đối với lời gièm pha xấu thói của những kẻ cứ muốn lên mặt khống chế thiên hạ - thì không bao giờ được Tòa án tôn giáo của giới phụ nữ tha thứ. Bởi thế cho nên, hỡi bạn đọc thân mến và văn minh của tôi, nếu tối hôm nay chúng ta đến dự một buổi họp mặt của các bác bán hoa quả, rất có thể câu chuyện chúng ta không được các bác chú ý lắm. Ngược lại ví thử có một bác bán hoa quả nào đó lại lạc vào ngồi uống trà cùng bàn với các vị khách lịch sự nhã nhặn như bạn, để nghe người ta thi nhau ăn nói bóng gió, kiểu cách, để nghe các ông các bà thượng lưu tai mặt bôi nhọ danh dự của bè bạn một cách thật thú vị, rất có thể người khách lạ mặt kia sẽ gìn giữ không dám nói nhiều, và dĩ nhiên không được ai chú ý, cũng như không buồn chú ý đến ai.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, cho đến nay, chưa bao giờ Amelia có dịp tiếp xúc với một nhân vật thượng lưu. Có lẽ những con người thực sự thượng lưu trên đời này hiếm hơn nhiều người vẫn tưởng. Thử hỏi chúng ta ai là người có thể tìm thấy được nhiều nhân vật thượng lưu thực sự trong số những người quen thuộc... nghĩa là những người biết lấy việc làm điều tốt lành là mục đích của cuộc sống, biết trung thành tôn trọng sự thực, không những trung thành mà còn biết vươn tới những sự thực cao đẹp, những con người tính tình giản dị vì xa lạ với những thói đê tiện, những người có thể thẳng thắn ngẩng cao đầu nhìn vào mặt cuộc đời, với một thái độ thông cảm rất cao quý đối với kẻ giàu sang cũng như người nghèo hèn? Chúng ta đều có thể đếm được hàng trăm người thuộc loại sang trọng nghĩa là bận quần áo may cực khéo; nhưng chúng ta chỉ có thể tìm được khoảng chục người gọi là có tư cách đáng trọng, còn loại người biết giữ vững được bản lĩnh, mình vẫn là mình, mà bước chân vào cái giới thượng lưu đầy những con mắt cú vọ soi mói để giễu cợt, thì lại càng hiếm lắm, chỉ có độ một hai là cùng. Vậy thì được bao nhiêu người thực sự là quý phái? Mỗi người chúng ta hãy lấy giấy bút ra liệt kê danh sách coi thử.
Lẽ dĩ nhiên, đứng đầu danh sách của tôi, phải là anh bạn thiếu tá Dobbin. Anh ta có bộ giò dài ngoằng ngoẵng, một bộ mặt vàng khè, đôi môi hơi mỏng, thoạt nhìn trông anh ta hơi tức cười. Nhưng anh ta tính tình trung thực, trí óc sáng suốt, đời sống trong sạch không một vết nhơ, có tâm hồn nồng nàn nhưng kín đáo. Kể ra bàn chân bàn tay anh ta cũng to quá thật; thằng Georgy, và cả cha nó hồi còn sống nữa vẫn hay vẽ biếm họa để lôi anh ta ra làm trò cười. Những chuyện cười cợt nghịch ngợm ấy có thể đã làm cho Emmy lạc hướng không nhìn thấy chân giá trị của Dobbin. Nhưng chẳng phải đã hàng trăm lần chúng ta lầm lẫn đối với thực chất của những kẻ được ta quý mến, để rồi sau này lại thay đổi ý kiến đó sao? Cho nên trong thời gian này Emmy cũng thấy những thành kiến của mình đối với chân giá trị của anh chàng thiếu tá bị lay chuyển dữ dội.
Có lẽ đấy là thời kỳ cả hai người cùng được hưởng hạnh phúc đầy đủ nhất trong đời họ, nếu như họ hiểu đó là hạnh phúc, nhưng ai là người biết được mình đang có hạnh phúc? Liệu trong chúng ta, ai có thể chỉ rõ ra rằng đâu là tột đỉnh của hạnh phúc loài người? Dẫu sao đi nữa thì đôi trai gái này cũng rất bằng lòng với cuộc du lịch mùa hè của họ, không kém gì bất cứ một cặp tình nhân nào rời nước Anh ra du ngoạn nước ngoài trong năm nay. Cuộc đi chơi nào cũng có mặt Georgy, nhưng khi ra về, người choàng khăn san lên đầu cho Emmy bao giờ cũng là anh chàng thiếu tá. Những buổi đi dạo mát hoặc đi thăm phong cảnh, thằng Georgy thường hay chạy trước; nó leo lên cầu thang gác lâu đài hoặc trèo lên cây một mình; trong khi ấy cặp du khách từ tốn hơn ngồi chơi dưới cỏ, anh chàng thiếu tá thản nhiên hút thuốc lá như thường lệ, còn Emmy thì ngồi hý hoáy vẽ phong cảnh hoặc ghi lại hình ảnh tòa lâu đài đổ nát.
Chính trong cuộc du lịch lý thú vừa tả ở trên, kẻ chép câu chuyện toàn sự thực này đã có may mắn gặp họ lần đầu tiền, và được làm quen với họ.
Lần đầu tiên tôi gặp trung tá Dobbin và các bạn của anh ta là tại thị trấn xinh xinh Pumpernickel, một thị trấn lịch sự, thủ phủ của một quận (nơi tôn ông Pitt Crawley có hồi đã từng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xứng đáng với tư cách là tùy viên sứ quán; nhưng ấy là câu chuyện quá khứ, đã lâu lắm rồi, trước khi xảy ra trận Austerlitz, làm cho các nhà ngoại giao Anh ở nước Đức phải cắp cặp lên đường về nước). Họ cùng người hầu việc ngồi xe ngựa riêng đến khách sạn “Hoàng thái tử” là khách sạn lịch sự nhất của thị trấn. Tối hôm ấy, tất cả mọi người cùng ngồi dùng bữa tại phòng ăn công cộng của khách sạn. Ai cũng phải chú ý đến dáng điệu bệ vệ của Joe, và thái độ sành sỏi của anh ta khi nhấm nháp, đúng hơn là tu ừng ực những cốc rượu vang Johannisberger anh ta đã gọi trong bữa ăn. Tôi nhận thấy thằng bé cũng ăn khỏe ra phết; nó ngốn hết món nọ đến món kia, sườn rán, thịt bò nướng, khoai tây (), rồi mứt quả, rau tươi, pa-tê, chim quay, bánh ngọt, xơi cật lực, rõ xứng đáng là một người dân Anh quốc. Thanh toán xong khoảng mười lăm món ăn thằng bé bắt đầu sang mục tráng miệng; nó thậm chí còn chiếu cố mang theo về một vài thứ. Có vài người trẻ tuổi ngồi cùng bàn thấy thằng bé ăn uống tự nhiên thoải mái như thế, lấy làm thú vị, xui nó bốc một ít bánh hạnh nhân bỏ vào túi. Trên đường đi xem hát, thằng Georgy mới móc ra nhấm nháp dần. Ở cái thị trấn nhỏ bé của nước Đức này rạp hát chính là nơi họp mặt của mọi người khi ăn xong. Mẹ thằng bé, người đàn bà bận áo tang, nhìn con cười và đỏ mặt lên; suốt bữa ăn, người đàn bà này tỏ ra hết sức e lệ nhưng vui vẻ, nhất là những khi thấy con trai láu lỉnh nghịch ngợm (). Viên trung tá - bởi vì ít lâu sau Dobbin được thăng một cấp - hay giả bộ nghiêm trang nói trêu thằng bé; anh ta chỉ cho nó biết những đĩa ăn nó còn chưa đụng đến, và khuyên nó không nên ăn uống quá dè dặt; Dobbin còn bảo nếu cần thì gọi lấy thêm vài món nữa cho đủ.
Tối hôm ấy, người ta tổ chức một buổi dạ hội tại hý viện riêng của tiểu triều đình Pumpernickel. Bà Schroeder Devrient đóng vai chính trong vở nhạc kịch Fidelio; hồi này sắc đẹp cũng như tài nghệ của bà ta đang độ nở hoa rực rỡ. Từ chỗ tôi ngồi giáp sân khấu nhìn lên, có thể nhận ra bốn người bạn của chúng ta trong lô ghế đặc biệt mà ông Schwendler chủ khách sạn “Hoàng thái tử” đã giữ dành riêng cho các vị khách quý của ông. Tôi cũng nhận thấy tài nghệ của diễn viên và bản nhạc diệu kỳ đã khiến cho bà Osborne xúc động mạnh mẽ; tôi biết đúng là bà ta vì có lần nghe thấy người đàn ông to béo để râu rậm gọi như vậy. Lúc trình diễn vở nhạc kịch thiên tài “Bản đồng ca của những tù nhân”, tiếng hát thánh thót của người nữ nghệ sĩ vươn cao lên và vang ra khắp phòng trong một hòa âm tuyệt diệu; trên nét mặt người thiếu phụ Anh lộ ra một vẻ đặc biệt vừa ngạc nhiên vừa say sưa, khiến cho ngay anh chàng Fipps bé nhỏ, tùy viên ngoại giao, con người vẫn tự cho mình là kẻ chán đời (), phải thốt lên khi hướng ống nhòm về phía Amelia: “Trời ạ, sung sướng thay cho người ta vì còn được thấy có người đàn bà say sưa đến mức như vậy! Rồi đến cảnh trong nhà tù, lúc Fidelio nhảy xổ vào ôm lấy chồng mà kêu lên: “Không, không, anh Florestan của em!”() thì Amelia gần như ngất lịm đi, vội đưa mùi xoa lên che kín mặt. Hôm ấy, tất cả phụ nữ trong rạp đều ứa nước mắt vì cảm động. Nhưng tôi chú ý đặc biệt đến Amelia, vì số trời đã định cho tôi phải viết tập ký ức này về cô.
Hôm sau, rạp hát trình diễn một vở kịch khác của Beethoven, vở “Trận đánh Vittoria”(). Màn vừa mở, Malbrook xuất hiện báo hiệu cuộc tiến quân của quân Pháp; rồi tiếp đến tiếng kèn tiếng trống, tiếng đại bác gầm thét, tiếng người bị thương rên rỉ, cuối cùng vở kịch kết thúc bằng bản nhạc hùng hồn “Cầu chúa che chở cho Vua ta”.
Hôm ấy trong rạp có khoảng hơn một chục người Anh đến xem. Lúc bản nhạc thân yêu và quen thuộc kia nổi lên, tất cả đều đứng bật dậy tỏ ra vô cùng tự hào được là công dân của đất nước Anh cổ kính đáng yêu, tất cả, từ chúng tôi là những người trẻ tuổi ngồi sát sân khấu, đến tôn ông John và Bullminster phu nhân (hai vợ chồng nhà quý tộc này đã thuê nhà ở Pumpernickel để tiện săn sóc việc học hành của chín đứa con), người đàn ông to béo để bộ râu rậm, viên thiếu tá cao lêu đêu bận chiếc quần màu trắng, cùng hai mẹ con thằng bé mà anh chàng thiếu tá săn sóc rất chu đáo và cả bác hầu việc Kirsch ngồi ở hạng bét nữa. Riêng Tapeworm, đại biện sứ quán Anh, thì đứng hẳn dậy trong lô ghế của mình mỉm cười và cúi chào mọi người, y như thể lão đang đại diện cho tất cả dân tộc Anh vậy. Tapeworm là cháu trai, và người thừa kế của thống chế Tiptoff, tức là người đã có lần ra mắt bạn đọc trong truyện này với tư cách là trung tướng Tiptoff trước khi xảy ra trận Waterloo; trước kia ông ta chỉ huy trưởng trung đoàn thứ... tức là trung đoàn của Dobbin; năm xảy ra chiến dịch lớn lao này, ông ta tạ thế vì trót sơi quá nhiều trứng chim óc cau. Tang lễ rất linh đình, do đó quyền chỉ huy trung đoàn chuyển sang trung tá Michael O’Dowd, tước tùy giá hiệp sĩ, là người đã từng có thành tích chỉ huy đơn vị, lập rất nhiều chiến công hiển hách.
Chắc Tapeworm đã có dịp gặp Dobbin tại nhà riêng của ông chú là thống chế Tiptoff, cho nên tối hôm ấy anh ta nhận ra ngay viên thiếu tá ở rạp hát. Nhà ngoại giao đại diện cho Hoàng đế tỏ ra hết sức bình dân, đích thân rời “lô” ghế của mình và, trước mặt tất cả mọi người, tiến đến bắt tay người bạn mới gặp lại.
Fipps ngồi sát sân khấu soi mói nhìn theo cấp trên của mình, thì thầm với bạn:
- Nom mặt lão Tapeworm quỷ quyệt kìa; chỗ nào thấp thoáng có bóng đàn bà con gái xinh xinh y như lão lách vào bằng được.
Nói cho đúng thì trời sinh ra các nhà ngoại giao còn để làm việc gì khác kia chứ? Viên đại biện sứ quán mỉm cười một cách hất sức duyên dáng nói:
- Thưa, chúng tôi có hân hạnh được tiếp kiến bà Dobbin chăng? Georgy phá ra cười:
- Lạy chúa, ông nói đùa thế thì chết thật.
Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra thấy cả Dobbin và Emmy cùng đỏ mặt.
Viên thiếu tá trả lời:
- Thưa ngài, đây là bà George Osborne; còn đây là anh trai của bà Osborne, ông Sedley, một viên chức lỗi lạc tòng sự tại Sở Hành chính Belgan. Xin cho phép tôi được giới thiệu ông Sedley cùng ngài.
Ngài đại biện quay sang Joe, vẫn với một nụ cười vô cùng hấp dẫn, hỏi tiếp, khiến cho Joe cảm động quá:
- Ngài có định lưu lại Pumpernickel lâu không? Ở đây buồn lắm. Chúng tôi không có ai là người lịch sự để đánh bạn. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm vui lòng các ngài, ông... a hèm... bà... ư hừm... tôi mong sáng mai có hân hạnh được đến thăm các vị tại khách sạn.
Nói đoạn lão trở về chỗ ngồi, vừa mỉm cười ngoái cổ gửi lại một cái liếc tình sắc như mũi tên của dân Parthia (). Lão yên trí bà Osborne hẳn là bị mình thu mất hồn.
Xem kịch xong, bọn trai trẻ kéo nhau đi la cà trong hành lang, các ông bà lịch sự lũ lượt ra về. Bà quận chúa già góa bụa bước lên chiếc xe ngựa cũ rích kêu lọc cọc, có hai người thị nữ trung thành mặt mũi nhăn nheo theo hầu. Một nhà quý tộc bé nhỏ có tuổi đã đứng túc trực sẵn; lão bận một cái quần màu nâu, một cái áo màu xanh lá cây, trên ngực la liệt toàn huy chương... chiếc giải áo màu vàng trên có đính tấm bội tinh thánh Michael của triều đình Pumpernickel nom nổi bật, ai cũng phải chú ý. Một hồi trống nổi lên, hàng lính cận vệ đứng nghênh chào; chiếc xe ngựa cũ kỹ lắc lư chuyển bánh.
Tiếp đến quận công và gia đình của ngài, cùng đi với các sĩ quan cao cấp và các quan chức trong triều. Ngài quận công điềm đạm cúi chào đáp lễ tất cả mọi người. Hàng lính cận vệ bồng súng chào; đám gia nhân bận chế phục màu tía tíu tít chạy, giơ cao những bó đuốc sáng rực; toàn xe ngựa của nhà quý tộc tiến về phía tòa lâu đài cổ kính của quận công, có những chòi tháp cao vút đứng sừng sững giữa thị trấn. Ở Pumpernickel, không ai lạ ai. Hễ có một người khách lạ đến thị trấn, ngài tổng trưởng Bộ ngoại giao, hoặc một vị quan to quan nhỏ nào đó trong triều, lập tức đến ngay khách sạn “Hoàng thái tử” để tìm cho ra tên tuổi của người du khách.
Chúng tôi đang đứng ngoài cửa rạp hát nhìn họ ra về. Vừa lúc ấy Tapeworm bước ra, khoác một tấm áo choàng; một bác lính hộ vệ to lớn như hộ pháp lúc nào cũng ôm tấm áo nói trên túc trực sẵn sàng; trông lão có vẻ Don Juan lắm. Thủ tướng phu nhân cũng vừa ép được cái thân hình phì nộn của bà vào trong lòng chiếc ghế cáng; lệnh ái của bà, tức là cô Ida kiều diễm cũng vừa quàng khăn san, vừa sỏ chân vào đôi giày xong. Đám du khách người Anh bước ra khỏi rạp; thằng bé ngáp dài mệt mỏi, viên thiếu tá choàng tấm khăn san thật cẩn thận lên đầu Amelia; Sedley coi bộ rất hiên ngang, chiếc mũ đội lệch về một bên đầu, một tay thọc vào tiếng túi chiếc áo gi-lê trắng to tướng. Chúng tôi ngả mũ chào mấy người bạn ngồi cùng bàn ăn bữa chiều; người đàn bà hơi mỉm cười và cúi đầu đáp lễ, thái độ nhã nhặn của người đàn bà khiến chúng tôi rất vui vẻ.
Kirsch lúc nào cũng lăng xăng bận rộn, đã về khách sạn bảo giong ngựa đến đón sẵn. Nhưng người đàn ông to béo bảo rằng mình thích đi bộ về nhà vì còn muốn hút thuốc lá. Ba người kia mỉm cười gật đầu với chúng tôi rồi lên xe về trước để Sedley đi sau; bác Kirsch cầm hộp thuốc lá lẽo đẽo theo hầu chủ.
Chúng tôi cũng đi bộ trở về khách sạn, vừa đi vừa tán chuyện với người đàn ông to béo về những cái thú vị ()của thị trấn này đối với người Anh, đây cũng là một nơi khá dễ chịu. Người ta thường tổ chức những cuộc săn bắn; triều đình rất hiếu khách, dạ hội khiêu vũ và tổ chức những trò giải trí thường xuyên; xã hội thượng lưu ở đây nói chung lịch sự, rạp hát diễn toàn vở hay, và giá sinh hoạt lại rất rẻ.
Ông bạn mới của chúng tôi nói:
- Vị đại diện nước tôi có vẻ là một nhân vật rất lịch thiệp, tính tình ngài dễ chịu lắm. Với một vị đại diện như vậy và nếu lại có có thêm một ông thầy thuốc lành nghề nữa, thì tôi thấy chỗ này thật là thần tiên. Xin chúc các vị ngon giấc.
Nói đoạn Joe lê đôi ủng kêu cọt kẹt trèo lên cầu thang về phòng ngủ, Kirsch cầm bó đuốc đi theo sau. Hình như chúng tôi ai cũng hy vọng rằng người đàn bà xinh đẹp kia sẽ lưu lại ít lâu tại thị trấn nhỏ bé này.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT