BÂY GIỜ MỚI RÕ MẶT ĐẠI NHÂN

Một khi hầu tước Steyne đã quyết tâm làm việc gì, không bao giờ ngài chịu làm dở dang. Thái độ nâng đỡ của ngài đối với vợ chồng Crawley càng khiến cho người ta thêm kính nể bụng dạ con người rộng lượng. Ngài hầu tước còn hạ cố thương đến cả thằng bé Rawdy. Ngài bảo cho bố mẹ nó hay rằng cần gửi thằng bé theo học một trường nội trú, nó đã đến tuổi cần được ganh đua với bè bạn, được học tiếng La tinh, tập thể dục và tiếp xúc với bọn trẻ con khác thì mới lợi cho sự phát triển về mọi mặt. Bố nó đáp rằng nhà túng, không đủ tiền cho con theo học nội trú; mẹ nó cũng bảo rằng bà Briggs dạy nó cũng tốt chán; bà ta đã dạy nó tiếng Anh, một ít tiếng La tinh và những kiến thức thông thường khác. Nhưng hầu tước Steyne thiết tha giúp đỡ quá, thành ra cuối cùng hai vợ chồng đành nghe theo vậy. Ngài hầu tước có chân trong ban quản trị một trường học nổi danh từ lâu gọi là “Trường tu sĩ áo trắng”. Ngày xưa đó là một tu viện của dòng tu Cistercian, và cánh đồng Smithfield giáp cạnh cũng là một đấu trường luyện võ. Rất nhiều tên phản đạo bướng bỉnh đã bị thiêu sống trên bãi luyện võ này.

Vua Henry đệ bát, biệt hiệu là Hoàng đế Mộ Tín (), đã từng cho quân chiếm đóng tu viện, tịch thu tất cả tài sản, treo cổ và tra tấn một số giáo sĩ không chịu phục tùng việc cải cách của nhà vua. Cuối cùng một nhà phú thương bỏ tiền ra mua lại cả toà nhà và đất đai chung quanh rồi nhờ quyên được thêm tiền và đất, bèn dựng lên tại đó một cứu viện dành cho trẻ em và người già. Đồng thời một trường học nội trú cho thiếu niên cũng được dựng lên ngay bên toà lâu đài cổ kính vẫn còn mang những tập quán tương tự như của nhà tu thời kỳ trung cổ. Tu sĩ dòng Cistercian đều cầu Chúa cho sự hoạt độn của cứu tế viện này được thịnh vượng mãi.

Trong ban quản trị của tổ chức này có cả vài vị quý tộc, tu sĩ cao cấp và quan to trong triều tham dự. Học trò ở đây được nuôi nấng chu đáo, dạy dỗ cẩn thận; chúng được chuẩn bị để sau này theo học có kết quả tại các đại học đường: Do được nuôi dưỡng từ nhỏ trong bầu không khí của giáo đường, nhiều đứa trẻ đã sớm có khuynh hướng muốn trở thành mục sư, học trò tốt nghiệp ở đây ra tìm việc hết sức dễ dàng. Mới đầu nhà trường chỉ nhận học sinh là con cái các mục sư túng thiếu và trung thành; nhưng về sau, nhiều vị quý tộc trong ban quản trị cao hứng muốn nới rộng phạm vi chiêu sinh ra. Một số nhà giầu thấy con đi học không mất tiền, tương lai chắc chắn, nghề nghiệp đảm bảo, nghĩ tội gì mà bỏ qua dịp này; cho nên không những chỉ có người quen của các vị tai mặt mà chính các vị tai mặt cũng gửi con theo học cho khỏi phí của...các vị tu sĩ cao cấp gửi người trong họ, hoặc con cái các tu sĩ dưới quyền, đồng thời một số nhà quý tộc tiếng tăm cũng không ngần ngại gì mà không cho con cái của bọn tay chân thân tín vào học...thành ra con trẻ vào nội trú trong trường được tiếp xúc với một tập thể khá phức tạp.

Từ bé, Rawdon Crawley chỉ nghiên cứu kỹ có một cuốn sách là cuốn “Niên giám đua ngựa”; kiến thức chủ yếu anh ta còn nhớ là những trận đòn trong trường trung học hơn hồi còn bé. Tuy vậy, anh ta vẫn tỏ ra hết sức tôn trọng nền học vấn cổ điển như mọi người Anh thượng lưu khác. Nghĩ rằng con mình được học hành cẩn thận, lại rất có thể được đảm bảo về tương lai, anh ta cũng thích, tuy thằng bé là nguồn an ủi và là người bạn độc nhất của bố nó. Giữa hai bố con có biết bao nhiêu mối dây ràng buộc khăng khít (Rawdon cũng chẳng buồn nói với vợ về chuyện này, vì đã từ lâu Becky đối với con rất thờ ơ lạnh lẽo). Rawdon cũng thuận xa con, đành phải hy sinh hạnh phúc riêng của mình để cho con có điều kiện ăn học thành người. Tới lúc phải xa con, anh ta mới thấy mình quý con đến thế nào. Thằng bé tựu trường rồi, anh ta cảm thấy rầu rĩ, chán nản một cách không ngờ... còn buồn hơn chính thằng con trai, vì nó đang háo hức được bước vào một cuộc sống mới có nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Nghe chồng vụng về lúng túng bày tỏ tâm trạng lúc xa con, Becky phá ra cười mấy bận. Anh chàng đáng thương cảm thấy thế là mình mất người bạn thân thiết trung thành nhất rồi. Nhiều lần anh ta cứ buồn rầu đứng ngó chiếc giường nhỏ trong phòng rửa mặt, chỗ thằng bé vẫn ngủ. Sáng sáng ngủ dậy thấy vắng con, Rawdon nhớ quá, cố đi chơi một mình ngoài công viên cho khuây khoả. Hồi thằng bé chưa đi học anh ta không hề ngờ rằng mình cô độc đến thế này.

Rawdon vốn quý những người đối đãi tốt với mình; anh ta thường đến ngồi chơi hàng giờ với chị dâu là công nương Jane, nói toàn chuyện con trai ngoan ngoãn, con trai kháu khỉnh và hàng trăm đức tính khác nữa.

Công nương Jane cũng quý cháu trai, đứa con gái của Pitt cũng vậy; phải xa em, con bé khóc khóc mếu mếu đến tội. Rawdon thấy vậy rất cảm động. Anh ta chỉ có mỗi một đức tính quý báu duy nhất là tấm tình phụ tử. Trước mặt người chị dâu tốt bụng, anh ta được dịp tự do bộc lộ hết tâm tình của mình. Những tình cảm này, anh ta không bao giờ dám bày tỏ với vợ. Công nương Jane thấy em chồng biết thương con nên cũng có lòng giúp. Còn hai chị em dâu lại rất ít gặp nhau; Becky thường cười giễu cợt tính tình trung hậu dịu dàng của công nương Jane; ngược lại người chị dâu bản tính mềm mỏng, hiền hoà cũng không sao chịu nổi thói sắt đá lạnh lùng của Becky.

Tính tình Becky khiến cho Rawdon dần cảm thấy mình xa lạ đối với vợ; chính anh cũng không ngờ đến như vậy; Becky chẳng buồn quan tâm đến chuyện ấy. Quả thật, cô ta chẳng thiết tha gắn bó gì với chồng cũng như với bất cứ ai. Becky coi chồng như một kẻ giúp việc hoặc một tên nô lệ. Chồng buồn bã rầu rĩ, cô ta cũng chẳng buồn chú ý, nếu không tìm cách giễu cợt. Cô ta còn bận suy nghĩ về địa vị, về thú vui và còn lo tìm cách leo lên cao hơn trên bậc thang danh vọng. Cô ta yên trí rằng phải có ngày mình giành bằng được một địa vị trong xã hội thượng lưu.

Bà Briggs chất phác được giao nhiệm vụ sửa soạn hành lý cho thằng bé tựu trường. Chị hầu gái Molly cứ đứng khóc thút thít ngoài hành lang lúc thằng Rawdy lên xe. Mặc dù đã lâu chưa được trả tiền công, nhưng chị Molly vẫn hầu hạ chủ trung thành chu đáo.

Becky không bằng lòng cho chồng giong xe ngựa đưa con đến trường. Mang xe ngựa riêng của nhà vào khu City à? Chuyện kỳ quái, không nghe được! Đi mà thuê một cái xe ngựa rong. Lúc con trai đi, cô ta không giơ má cho con hôn, mà thằng bé cũng không nghĩ đến chuyện hôn mẹ. Nó chỉ hôn bà Briggs (tuy rằng mọi ngày nó cũng ít khi tỏ vẻ âu yếm với bà này). Để an ủi bà Briggs, nó bảo rằng thứ bảy sẽ về thăm bà ta. Trong khi chiếc xe ngựa thuê bon bon chạy vào khu City, Becky cũng đánh xe ngựa riêng đi công viên chơi. Lúc hai bố con dắt nhau vào cổng trường cũng là lúc Becky chuyện trò cười cợt với một lũ công tử bột trên bờ kênh đào Serpentine... Rawdon gửi con ở đấy ra về, trong lòng ngao ngán buồn bã vô cùng; từ lúc lọt lòng mẹ, chưa bao giờ anh ta sầu não đến thế.

Rawdon đi bộ về nhà, ngồi ăn cơm với bà Briggs. Anh ta tỏ ý cảm ơn bà Briggs đã âu yếm săn sóc thằng bé. Ngẫm lại chuyện vay tiền, Rawdon thấy lương tâm cắn rứt vì trót dự phần vào việc lừa dối bà ta. Hai người nói chuyện rất lâu về Rawdy. Becky chỉ về nhà một lúc để thay áo rồi lại đi ăn tiệc ngay... Đoạn Rawdon đến nhà công nương Jane uống nước trà, kể chuyện cho chị dâu nghe con trai mình đi học ngoan lắm, được mặc bộ quần áo mới nó thích quá, trong trường lại có thằng Blackball là con trai của Jack Blackball một bạn đồng ngũ cũ; nó đã hứa sẽ trông nom che chở cho thằng Rawdy.

Độ một tuần lễ sau, Blackball đã biến Rawdy thành một thằng nhỏ, bắt thằng bé đánh giầy và nướng bánh mì cho mình mỗi bữa ăn. Nó dạy thằng bé được ít tiếng La tinh, nhưng cũng đã nện cho ba bốn trận... tuy không đau lắm. Cũng may, thằng bé được bộ mặt vui vẻ thật thà, nên chỉ bị đánh đập xoàng xoàng vừa đủ để cho nó khôn ra thế thôi. Vả chăng, trong việc học vấn của con cái các gia đình thượng lưu nước Anh, những việc hầu hạ lặt vặt như đánh giầy, nướng bánh, v.v... cũng không phải là không cần thiết.

Chúng ta không có thì giờ nói dài về đời sống của thằng Rawdy trong trường, có dịp khác sẽ kể lại tỷ mỹ. Mấy bữa sau viên trung tá đến thăm con, thấy con tươi tỉnh vui vẻ trong bộ quần áo mới màu đen. Anh ta khôn khéo đãi Blackball một đồng tiền vàng để mua chuộc thiện cảm của ông trùm đối với thằng nhỏ. Các nhân vật có thẩm quyền trong trường đối với thằng bé cũng có biệt nhãn, vì nó được hầu tước Steyne che chở, nó là cháu trai của một uỷ viên trong Ban quản trị một quận; bố nó lại là một trung tá, tước Tùy giá hiệp sĩ, được nêu tên trên mặt báo-“Tin tức buổi sáng” luôn vì có mặt trong các buổi hội họp của giới thượng lưu. Thằng bé có rất nhiều tiền; nó mua bánh quả đãi anh em bạn rất hào phóng; thứ bảy nó hay về thăm nhà; bữa ấy bố nó vui như tết. Những lúc rỗi rãi, Rawdon dẫn con đi xem hát, hoặc sai người hầu đưa đi. Chủ nhật thằng bé đi lễ nhà thờ với bà Briggs, công nương Jane và hai đứa con nhà bác. Rawdon rất thích nghe con kể chuyện ở trường, chuyện đánh nhau, chuyện bị bắt nạt. Anh ta cho một đứa bạn thân của con về nhà chơi, dẫn đi xem hát rồi cho cả hai ăn kẹo, ăn sò huyết thật thoả thích, lại cho uống cả rượu nữa. Thằng Rawdy đưa cho bố coi bài La tinh nó được điểm tốt, anh ta làm ra bộ thông thạo lắm, lấy vẻ mặt nghiêm trang bảo con:

- Học cho cẩn thận, con ạ. Không gì bằng một nền học vấn cổ điển vững vàng đâu, nhớ thế!

Càng ngày Becky càng khinh rẻ chồng hơn: “Anh muốn làm gì thì làm... muốn đi đâu ăn tùy ý... Đi mà nốc bia và đốt mùn cưa ở nhà lão Astley, hay là đến cầu kinh với công nương Jane, tha hồ...miễn là đừng bắt tôi bận bịu vì thằng ôn con. Anh không đủ sức lo cho tương lai của anh, thì tôi phải ra tay lo hộ vậy. Anh thử nghĩ xem, địa vị xã hội của anh ra sao”. Sự thực là tại những cuộc hội họp Becky thường đến dự, cũng không ai ưa anh chồng đáng thương dẫn xác đến làm gì. Bây giờ, nhiều khi người ta chỉ mời một mình cô vợ. Becky nói về các vị tai mà y như cô ta làm chủ cả khu May Fair, và khi nào trong triều có việc tang, bao giờ cô ta cũng mặc một bộ đồ đen để trở.

Thu xếp cho thằng Rawdy xong hầu tước Steyne khuyên Becky nên đuổi nốt bà Briggs đi cho đỡ tốn; lão vốn có lòng thương, săn sóc nhiều đến gia đình nhà này; lão cho rằng Becky cũng đủ khôn ngoan chán để cai quản lấy việc nhà.

Trong một chương trước, chúng ta đã thấy lão cho Becky tiền để trả nợ bà Briggs, nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy bà này ra đi. Ngài hầu tước mới đoán rằng Becky lại tiêu món tiền ấy vào việc khác rồi. Tuy vậy lão cũng tế nhị không nỡ nói thẳng điều mình nghĩ với Becky, vì sợ căn vặn về chuyện tiền nong lỡ cô ta giận thì khổ; vả chăng Becky bao giờ cũng sẵn có hàng trăm lý do để trình bày về việc tiêu món tiền đó. Song lão cũng quyết định tìm cách biết rõ sự thực, bèn tiến hành việc điều tra một cách hết sức khéo léo.

Đầu tiên lão định mơn man cho bà Briggs khai hết ra. Việc này không khó lắm, chỉ khéo nói một chút là người đàn bà chất phác này bụng dạ có gì dốc sạch. Một bữa, Becky đánh xe ngựa đi chơi, lão hầu tước bèn mò đến phố Curzon (mỗi khi Becky đi chơi, ông Fiche, tay chân thân tín của hầu tước, báo ngay cho chủ biết vì được bọn bồi ngựa ở cửa hiệu cho vợ chồng Rawdon thuê xe ngựa thường xuyên thông tin về việc này); lão bảo bà Briggs dọn một tách cà phê rồi kể chuyện với bà ta rằng lão được nhiều tin tức rất tốt về việc học hành của thằng Rawdy trong trường... Chỉ năm phút sau, lão đã rõ rằng Becky chưa trả bà Briggs xu nào, chỉ tặng một chiếc áo lụa đen mà bà này rất thích.

Nghe bà Briggs thực thà kể lại câu chuyện, lão cũng buồn cười, vì cô bạn Becky quý hoá của chúng ta đã bịa chuyện kể tỷ mỉ với lão rằng bà Briggs nhận được tiền sung sướng quá. Một nghìn một trăm hai mươi lăm đồng tất cả... bà ta vội đem gửi ngay tại một nơi chắc chắn..., còn Becky phải trả một lúc số tiền lớn như vậy thì tiếc đứt ruột đi được. Có lẽ cô ta nghĩ thầm rằng: “Biết đâu lão già nghe mình nói dối thế lại không tòi ra cho mình thêm ít tiền nữa?” Nhưng lão hầu tước không có ý kiến gì thêm, ý hẳn lão cho rằng mình rộng rãi như vậy là đã quá đủ.

Lão còn tò mò về vốn liếng của bà Briggs, bà này cứ thực thà khai hết... nghĩa là bà Crawley chết đi có để lại cho ít tiền..., rồi họ hàng nhà bà Briggs xâu xé mất một ít... Trung tá Crawley vay một phần, vẫn trả lãi đều đặn..., hai vợ chồng ông Rawdon Crawley còn làm ơn vận động hộ với tôn ông Pitt để khi có dịp tôn ông sẽ đem nốt phần còn lại đặt lãi hộ tại một nơi thật chắc chắn. Lão hầu tước hỏi bà Briggs đã gửi Crawley bao nhiêu tiền, bà này đáp tất cả là hơn sáu trăm đồng bảng.

Kể chuyện xong. bà Briggs lại hối hận ngay vì mình quá thực, bà ta van xin hầu tước chớ nói lại với bà Crawley. “Ông trung tá đối với cháu tốt lắm.. Chỉ sợ ông giận trả lại cháu món tiền thì cháu chả biết đem đặt lãi ở đâu cho có lời bằng”. Hầu tước Steyne phì cười, hứa sẽ không bao giờ lộ chuyện; lúc ra về, lão còn không nhịn được cười. Lão nghĩ thầm: “Con bé quỷ quyệt thật. Dàn cảnh, đóng trò tài đến thế là cùng? Hôm nọ nó ỏn ẻn khéo quá suýt nữa moi được của mình thêm một món. Mình lăn lộn với đàn bà đã nhiều mà chưa từng thấy ai bợm bằng nó. So với nó, bọn kia chỉ là con nít. Mình thật là ngốc; rõ dại như vích. Dối trá đến thế thì trần đời có một.

Nhân việc ấy lão hầu tước càng kính phục trí thông minh của Becky. Bòn xu không khó lắm... nhưng moi được gấp đôi số tiền cần thiết, mà không trả ai đồng nào... ấy mới thật tài. Lão nghĩ tiếp: “Cái thằng cha Crawley bề ngoài như lù đù, thế mà đáo để thật. Vợ chồng nhà nó một đồng một cốt với nhau. Nom vẻ mặt và cách cử chỉ của hắn, đố ai bảo hắn biết tý gì về chuyện bòn xu của con vợ đấy, nhưng nhất định chính hắn xui vợ tán mình, chính hắn đã tiêu món tiền ấy không sai”. Nghĩ như vậy thì rõ ràng là lão ta lầm rồi. Nhưng lão vẫn cứ đinh ninh như thế nên từ đó về sau cách đối xử của lão với Rawdon không còn giữ được cái vẻ lịch sự nể nang như trước nhà. Lão không hề nghĩ rằng Becky lại có thể moi tiền của lão để dành làm vốn riêng; và cũng có thể tại lão căn cứ vào vô số kinh nghiệm bản thân về tư cách của nhiều ông chồng khác mà lão có dịp lợi dụng trong suốt cuộc đời trác táng từ trẻ đến già; những kinh nghiệm này đã khiến ta hiểu biết nhiều về những sự yếu đuối của con người. Trong đời mình, ngài hầu tước đã dùng tiền bạc mua được nhiều ông chồng quá rồi, bây giờ lão có tưởng lầm rằng Rawdon bán vợ mình để lấy món tiền kia, thì cũng không có gì là đáng trách.

Ngay sau đó, nhân lúc ngồi riêng với Becky, lão vui vẻ ngỏ ý khen cô ta khôn ngoan lấy được món tiền nhiều hơn số cần dùng.

Mới đầu Becky hơi chột dạ, kể ra cô ta cũng không có thói quen nói dối, trừ trường hợp bất đắc dĩ, song gặp những lúc gay go thế này thì Becky có thể bịa chuyện chống đỡ rất tài. Chỉ trong chớp mắt cô ta đã dựng đứng ngay được một câu chuyện có đầu có đuôi, nghe rất lọt tai để trả lời lão hầu tước. Cô ta thú nhận rằng những lời đã nói với lão là không đúng sự thực... Nhưng vì đâu cô ta phải nói dối. “Ôi ngài ơi, ngài không thể hiểu được em phải nín lặng mà đau khổ đến thế nào. Ngài chỉ thấy ngồi với ngài, em vui vẻ, sung sướng...nào có biết đâu nông nỗi khi em phải xa người hằng che chở cho mình. Chính nhà em đã hành hạ, dọa dẫm em, bắt phải xin ngài bằng được món tiền ấy. Biết thế nào ngài cũng hỏi xem tiêu việc gì, nhà em đã bắt em nói dối như vậy. Tiền ấy nhà em cầm cả. Anh ấy bảo rằng đã trả bà Briggs rồi. Em không muốn, mà em cũng không dám nghi ngờ anh ấy. Xin ngài hãy tha thứ cho anh ấy, chẳng qua vì túng quá nên phải làm liều; xin ngài thương lấy em là một người đàn bà đau khổ, đau khổ lắm”. Vừa nói, cô ta vừa khóc thảm thiết, chưa bao giờ thấy người đàn bà đức hạnh nào bị lâm vào cảnh thương tâm đến thế.

Hai người sóng đôi ngồi trên xe ngựa của Becky đi chơi quanh vườn hoa Nhiếp chính. Họ nói chuyện với nhau rất lâu, chuyện trò những gì, thiết nghĩ cũng chẳng cần phải kể lại. Chỉ biết kết quả là lúc về nhà, Becky chạy ngay đến ôm chầm lấy bà Briggs tươi cười báo cho biết là mới có một tin rất đáng mừng. Hầu tước Steyne đối xử thật là người cao quý rộng lượng; khi nào có dịp ngài luôn luôn nghĩ cách giúp đỡ, bây giờ Rawdy vào nội trú trong trường, nhà cũng không cần mượn người giúp việc nữa. Phải chia tay với bà Briggs cô ta thật đứt từng khúc ruột, nhưng bây giờ tiền nong eo hẹp, phải tần tiện hết sức mới đủ tiêu. Tuy vậy, cô ta cũng được an ủi đôi phần, vì bà Briggs sẽ tìm được một chỗ làm tốt hơn nhiều, dưới quyền ngài hầu tước vốn là người vô cùng rộng lượng. Bà Pilkington là quản gia trong lâu đài Gauntly đã quá già yếu, lại mắc bệnh thấp cốt, không đủ sức coi sóc một tòa nhà rộng lớn như vậy, bây giờ cần tìm người thế chân. Thật là một dịp may hiếm có. Gia đình ông chủ mỗi năm chỉ về lâu đài Gauntly độ một hai lần. Còn thì bà quản gia là bà chủ của tòa nhà lâu đài sang trọng ấy..., mỗi ngày có quyền mời bốn người cùng ăn, lại được giới tu sĩ và những người đứng đầu trong vùng đến thăm luôn luôn..., nghĩa là trong thực tế sẽ đóng vai Gauntly phu nhân. Trước bà Pilkingtơn, hai người nữ quản gia tại lâu đài này đã lấy chồng mục sư cả; riêng bà Pilkingtơn không có điều kiện, vì viên mục sư hiện tại lại trót là cháu bà mất rồi. Hiện giờ chưa phải đã giao ngay việc này cho bà Briggs, nhưng bà có thể đến thăm bà Pilkingtơn để xem nếu ưng đảm nhiệm công việc ấy thì nhận.

Lời nói nào tả xiết được nỗi cảm kích của bà Briggs. Bà ta chỉ yêu cầu Becky một điều là thỉnh thoảng cho phép thằng Rawdy xuống lâu đài thăm bà. Becky bằng lòng... bằng lòng hết. Lúc chồng đi chơi về, cô ta líu tíu kể lại với chồng tin mừng nói trên, Rawdon cũng vui vẻ lắm, thế là đỡ phải lo món nợ không trả được. Dĩ nhiên rồi thế nào bà Briggs cũng có tiền để tiêu pha... Nhưng Rawdy vẫn thấy thắc mắc làm sao ấy; câu chuyện nghe ra có cái gì hơi khác thường. Anh ta kể lại với Southdown việc hầu tước Steyne giúp gia đình mình; anh chàng trẻ tuổi này liếc nhìn Rawdon với một con mắt làm cho anh ta ngạc nhiên vô cùng.

Rawdon lại đem chuyện này kể với công nương Jane; bà chị dâu cũng ra vẻ hốt hoảng một cách kỳ lạ, cả Pitt cũng vậy. Hai vợ chồng nhà này bảo: “Thím ấy khôn khéo lắm, mà tính lại... ham vui, không nên cứ để la cà chơi bời hết chỗ nọ đến chỗ kia mà không có ai đi theo gìn giữ. Rawdon, thím ấy đi đâu, chú phải đi theo mới được; phải có ai luôn luôn gần thím ấy; hay là cho một cháu gái ở trại về, tuy chúng nó cũng không được khôn ngoan lắm”.

Tất nhiên là Becky đang cần người coi giữ. Song cũng phải thấy rằng bà Briggs không lẽ nào từ chối một dịp may độc nhất trong đời như vậy; bà ta thu xếp hành lý và đi lâu dài Gauntly. Vậy là hai tên lính gác của Rawdon bị sa vào tay địch.

Pitt đến thăm em dâu hỏi về việc cho bà Briggs, và nhiều chuyện tiếng khác. Becky hết sức trình bày rằng người chồng đáng thương của mình rất cần được hầu tước Steyne che chở, và nếu không cho phép bà Briggs nhận chỗ làm ấy thì chẳng hoá ra vợ chồng cô ta tàn nhẫn quá. Tha hồ cho Becky ngọt ngào, ỏn thót, rồi cười, rồi khóc, mặc, tôn ông Pitt vẫn không chịu nghe ra, cứ một mực như là gây sự với cô em dâu trước kia vẫn được quý mến. Pitt nói đến những chuyện danh dự của gia đình, tiếng tăm trong sạch xưa nay của dòng họ Crawley. Pitt có vẻ bực mình lắm khi nhắc đến chuyện em dâu tiếp đãi bọn trai trẻ người Pháp, cái bọn công tử bột ngông nghênh lấc cấc, và cả hầu tước Steyne nữa; gì mà lúc nào cũng thấy xe ngựa của lão đỗ lù lù ngoài cửa nhà em dâu, ngày nào cũng thấy lão đến chơi với em dâu hàng tiếng đồng hồ, đi đâu cũng thấy cặp kè, làm cho thiên hạ dị nghị. Lấy cương vị là anh cả trong gia đình, Pitt mong cô em dâu cần phải biết thận trọng. Thiên hạ đã bắt đầu xì xào bàn tán rồi đấy. Phải biết rằng hầu tước Steyne tuy là người có tài lớn, có danh dự cao thật, nhưng hễ lão để ý nhiều đến người đàn bà nào là người ấy dễ mang tiếng xấu lắm đấy. Pitt cầu khẩn van lơn, rồi ra lệnh cho em dâu phải hết sức giữ gìn trong khi giao tiếp với lão quý tộc.

Pitt muốn gì, Becky xin hứa vâng theo hết, nhưng rồi hầu tước Steyne vẫn cứ tiếp tục ra vào nhà cô như thường. Pitt lại càng cáu tợn. Không biết công nương Jane thấy chồng xích mích với Rebecca thì hả dạ hay là bực mình? Thấy hầu tước Steyne tiếp tục đến thăm Rebecca, Pitt không đến nữa. Công nương Jane cũng từ chối không giao thiệp với lão quý tộc như trước. Đêm hôm tổ chức diễn kịch đố chữ, hầu tước phu nhân có gửi thiếp mời. Nhưng công nương Jane không muốn đi riêng, Pitt cảm thấy cần đến dự, vì Hoàng tử cũng có mặt.

Tuy đến, nhưng hôm ấy Pitt ra về sớm; cô vợ cũng tán thành ý kiến của chồng. Hôm ấy Becky chỉ nói qua loa gọi là vài câu với Pitt, cô ta cũng không buồn để ý đến chị dâu nữa. Pitt Crawley tuyên bố rằng Becky hành động như vậy không đứng đắn chút nào, anh ta kịch liệt lên án lối chơi hoá trang diễn kịch, cho là không xứng đáng với phụ nữ Anh. Vở kịch diễn xong, Pitt gọi riêng em trai ra cự kịch liệt về tội bôi mặt đóng trò và cho phép vợ lên sân khấu mua vui cho thiên hạ. Rawdon hứa từ rầy sẽ không cho vợ diễn kịch nữa.

Có lẽ những lời bóng gió của anh trai và chị dâu khiến cho Rawdon hồi này đâm ra đứng đắn tợn. Anh có mặt ở nhà. Anh đích thân giong xe đưa vợ đi chơi. Becky đi đâu, anh chồng cũng chịu khó đi theo. Hầu tước Steyne đến chơi lần nào là y như gặp anh chàng trung tá ở nhà. Mỗi khi Becky ngỏ ý muốn chơi một mình hoặc nhận lời mời của khách, anh chồng lập tức ra lệnh dứt khoát bắt vợ phải từ chối. Coi điệu bộ anh chồng, Becky đành buộc lòng tuân theo. Nói cho đúng thì Becky thấy chồng lại săn sóc đến mình như vậy cũng không phải là khó chịu lắm. Chồng thì luôn luôn cau có nhưng cô ta tuyệt nhiên không. Dầu có khách hay không, bao giờ Becky cũng tươi tỉnh, săn sóc chồng thật chu đáo. Hai vợ chồng sống lại thời kỳ trăng mật năm xưa; lại vui vẻ săn đón, hết sức làm vui lòng nhau, và hoàn toàn tin cậy nhau như ngày trước. Cô ta bảo chồng: “Có anh cùng ngồi xe đi chơi thích bằng mấy phải ngồi với mụ Briggs ngớ ngẩn! Anh Rawdon yêu quý ơi, chúng mình đi chơi với nhau luôn nhé. Giá vợ chồng mình có thêm ít tiền thì thật là hạnh phúc thần tiên, nhỉ”.

Ăn xong, anh chồng ngả lưng thiu thiu ngủ trên ghế bành, anh ta không nhìn thấy mặt vợ đang ngồi đối diện với mình; bộ mặt sao mà ngơ ngác, mệt mỏi và dữ tợn. Nhưng tỉnh dậy, lập tức anh ta thấy ngay bộ mặt ấy tươi như hoa, vui vẻ ghé xuống hôn vào má mình. Anh chồng lấy làm ngạc nhiên sao mình lại có thể nghi ngờ vợ được. Không, anh ta chưa bao giờ nghi ngờ vợ. Những sự hiểu lầm, những ý thức ngờ vực khi trước chẳng qua cũng chỉ là chuyện ghen tuông bóng gió. Vợ anh ta vẫn quý chồng lắm, xưa nay bao giờ cũng quý chồng như vậy. Còn về chuyện được chú ý trong khi giao thiệp với bên ngoài, thì đâu phải là tại Becky? Trời sinh ra vợ anh ta để được mọi người chú ý. Thử xem có người đàn bà nào hát hay, nói chuyện giỏi bằng Becky? Rawdon nghĩ thầm: “Ước gì vợ mình quý con trai một tý thì thật là hoàn toàn”. Nhưng hai mẹ con không thể sao gần nhau được.

Đang khi đầu óc Rawdon rối tung lên vì những ý nghĩ ấy, thì xảy ra câu chuyện vừa kể ở chương trên. Anh chàng trung tá bất hạnh thế là bị giam một chỗ, không về nhà được.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play