Dân thành phố Luân-đôn thanh bình chúng ta chưa hề bao giờ được chứng kiến một cảnh tượng hỗn độn, hốt hoảng như ở Brussels lúc này (cầu Chúa tránh cho chúng ta điều đó). Nhiều đám đông chen lấn nhau tiến vê phía cổng thành Namur vì có tiếng súng từ phía ấy vọng lại; nhiều người cưỡi ngựa phi lên trước để đón những thông tin viên của quân đội. Người nọ nhao nhao hỏi tin tức người kia; những nhà quý tộc tai mặt người Anh cùng các mệnh phụ cũng hạ cố hỏi chuyện cả những người tầm thường không quen biết bao giờ. Bọn người có cảm tình với quân Pháp thì chạy ngược chạy xuôi, sướng điên người lên, luôn mồm tiên đoán sự thắng lợi của Hoàng đế. Các thương gia đóng chặt cửa hàng lại, cũng xông ra đường đóng góp phần mình vào sự ồn ào túi bụi chung. Đàn bà xô đẩy nhau chạy vào nhà thờ, quỳ xuống cầu kinh ngay cả trên những bậc đá ngoài cửa. Tiếng súng đại bác vẫn ầm ầm vang dội. Lúc này, những chiếc xe ngựa của du khách bắt đầu rời khỏi thành phố, lao qua cổng Ghent. Điều dự đoán của bọn thân Pháp bắt đầu được coi là thành sự thật.
Kẻ nói: “Hoàng đế đã cắt những đạo quân đồng minh ra làm hai rồi”. Người bảo: “Hoàng đế đang tiến thẳng về Brussels; Hoàng đế đã đánh bại quân Anh. Đêm nay Người sẽ ở đây?”
Ixiđo thét lên với chủ: “Hoàng đế sẽ đánh bại quân Anh. Đêm nay Người sẽ vào thành phổ. Hắn cứ nhảy cỡn lên từ trong nhà ra đường, chốc chốc lại đem một tin thất bại mới toanh chạy về. Mặt Joe mỗi lúc một thêm tái nhợt. Anh chàng “dân thường” to béo này bắt đầu hoàn toàn mất tinh thần, uống bao nhiêu là sâm-banh cũng không lại hồn. Chưa hết ngày hôm ấy, anh chàng đã lo đến cuống cả người lên; Isidor khoan khoái ngắm chủ, chắc mẩm trong bụng phen này ăn ngon chiếc áo khoác có viền và mọi đồ vật khác.
Hai người phụ nữ vẫn chưa nói gì với nhau. Nghe ngóng tiếng súng nổ một lúc lâu, bà thiếu tá béo phị mới nhớ đến người bạn gái của mình trong gian phòng bên. Bà chạy vào để săn sóc và nếu cần thì an ủi Amelia đôi chút. Người đàn bà Ai len này vốn đã cứng cỏi bây giờ lại càng can đảm hơn, vì bà nghĩ rằng mình đang có nhiệm vụ che chở cho một người yếu đuối thất vọng khác. Bà ta ở liền năm tiếng đồng hồ cạnh người bạn gái, lúc thì lên tiếng trách móc, lúc thì ngọt ngào vui vẻ; nhưng thường thường bà ngồi yên lặng, thì thầm cầu nguyện Chúa trời. Sau này, bà kể lại rằng: “Suốt ngày hôm ấy, cho mãi đến đêm khi tiếng súng ngừng hẳn, tôi không hề rời bàn tay bà ấy ra lúc nào”. Chị hầu gái Pauline thì còn bận quỳ trong nhà thờ ngay gần đó để cầu nguyện cho anh nhân tình của chị ta().
Tiếng đại bác đã ngừng hẳn. bà O’Dowd từ trong phòng của Amelia bước ra phòng khách, thấy Joe ngồi trước hai chiếc vỏ chai không, bao nhiêu can đảm lúc trước cạn sạch. Có một hai bận anh ta đã đánh bạo lấn vào tận cạnh giường cô em gái, vẻ mặt rất lo lắng, như có điều gì muốn nói với em. Thấy bà thiếu tá vẫn ngồi yên chỗ cũ, anh ta đành đi ra, không bộc bạch được can tràng. Joe ngượng không muốn cho bà này biết mình muốn đi trốn.
Nhưng khi bà O’Dowd bước ra phòng ăn, lúc anh chàng ngồi trong căn phòng tranh tối tranh sáng làm bạn với mấy cái vỏ chai rượu sâm banh, thì anh ta bắt đầu thổ lộ tâm sự:
- Bà O’Dowd ạ, có lẽ bà nên sửa soạn cho Amelia đi thôi.
Bà thiếu tá đáp:
- Ông định bảo đưa bà ấy đi chơi à? Bà ấy còn yếu lắm, đi sao được.
Anh chàng nói:
- Tôi... tôi đã ra lệnh sửa soạn xe... và... thuê ngựa; thằng Isidor đi lo liệu việc này rồi.
Bà khách đáp:
- Tối tăm thế này, ông định giong xe đi chơi đâu? Để bà ấy nằm nghỉ tốt hơn. Tôi vừa mới dỗ được bà ấy ngả lưng một chút đấy.
Joe đáp:
- Đánh thức cô ấy dậy; thế nào cũng phải dậy - anh ta giậm mạnh chân xuống đất - tôi đã bảo thuê ngựa sẵn sàng cả rồi mà... phải, đâu vào đấy cả. Hỏng hết mọi sự rồi... bây giờ...
Bà O’Dowd hỏi:
- Bây giờ làm sao?
- Tôi đi Ghent đây. Thiên hạ ai cũng đi cả. Tôi dành cho bà một chỗ ngồi trong xe! Nửa giờ nữa ta lên đường.
Bà thiếu tá nhìn vào mặt anh chàng, vẻ khinh bỉ lộ ra nét mặt. Bà nói:
- Chưa có lệnh của ông O’Dowd nhà tôi, tôi chưa rời khỏi nơi này. Ông Sedley, ông có thể đi đâu tùy thích nhưng nhất định tôi và Amelia ở lại đây.
- Cô ấy phải đi. Joe lại giậm chân đáp.
Bà O’Dowd khuỳnh tay đứng án ngữ ngay trước cửa phòng ngủ. Bà bảo:
- Ông định đưa bà ấy về với cụ bà nhà ta phỏng? Hay là chính ông cũng muốn về núp bóng bà cụ đấy, ông Sedley? Vậy thì chào ông, chúc ông lên đường bình an vô sự. Chúc ông một hành trình tốt đẹp. Tôi khuyên ông điều này, nên cạo, quách bộ râu đi thôi, kẻo chúng nó làm lôi thôi đấy.
- Bỏ mẹ thật.
Joe kêu lên, vừa sợ, vừa giận lại vừa bực mình.
Vừa lúc ấy, thằng Isidor lù lù bước vào, mồm cũng đang chửi vung tàn tán: “Hết sạch cả ngựa rồi”().
Ngày hôm ấy, ở Brussels không phải chỉ có Joe là biết sợ đến cuống người lên. Gần sáng thì Joe sợ hãi đến gần như biến thành loạn trí ở trên, ta đã rõ chị Pauline cũng có một anh nhân tình, anh phải ra trận đương đầu với quân đội của hoàng đế Napoléon. Anh này là người Brussels và làm khinh kỵ binh trong đội quân Bỉ. Trong cuộc chiến tranh này, lính Bỉ nổi tiếng không phải vì can đảm, mà vì chuyện khác; cho nên anh chàng Van Cutsum, người yêu của Pauline, cũng chẳng dũng cảm gì nên đã ngoan ngoãn tuân theo lệnh rút lui của viên đại tá Bỉ. Trong thời kỳ đó trong đội quân đồn trú ở Brussels, có anh chàng trai trẻ Regulus (anh ta vốn sinh trưởng trong thời kỳ cách mạng) hầu như có lúc nào rỗi là lại la cà trong bếp của Pauline; mấy bữa trước, khi chia tay với cô nhân ngãi khóc sướt mướt để ra trận, túi áo và túi súng của anh ta đầy phồng toàn những của ngon vật lạ lấy trong chạn để thức ăn.
Riêng đối với trung đoàn của anh chàng này thì chiến tranh có thể coi là đã kết thúc rồi. Trung đoàn của anh ta là một bộ phận của sư đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của vị hoàng đế tương lai là thái tử Orange. Cứ nom lưỡi kiếm và bộ ria mép dài lê thê, cùng những đồ trang phục và trang bị lộng lẫy, thì thấy Regulus và các bạn đồng ngũ cũng có vẻ can trường lắm, chẳng kém gì những đội quân dũng cảm khác đã từng lập những chiến công hiển hách.
Thống chế Ney tiến quân như vũ bão, chặn bước tiến của quân đồng minh, chiếm hết cứ điểm nọ đến điểm kia; mãi tới khi đại quân Anh từ Brussels tham gia chiến đấu tỏ ra hoạt động tích cực nhất trong việc rút lui chạy dài trước quân Pháp, hối hả bỏ lại hết vị trí này đến vị trí khác. Chỉ có đội quân Anh đi tập hậu mới chặn nổi bước rút lui của họ. Nhân thế, kỵ binh của địch quân (mà người ta phải khâm phục sự dũng cảm đến khủng khiếp) mới có dịp được chạm trán với quân Anh hơn là với quân Pháp, nên len bừa vào giữa hàng ngũ của quân Anh đi tập hậu mà chạy thục mạng, rồi mạnh ai người nấy chạy tan tác tứ phía trốn sạch. Vậy là trên thực tế trung đoàn quân Bỉ không còn tồn tại nữa. Đố ai biết nó ở đâu, bản doanh cũng biến mất. Regulus trơ trọi một mình một ngựa, phi miết, chuồn khỏi chỗ giáp chiến đến mấy chục dặm đường; và dĩ nhiên, anh ta còn kiếm đâu ra được một chỗ tốt hơn là cái bếp của Pauline cùng đôi cánh tay trung thành của người yêu sẵn sàng đón tiếp anh?
Gia đình Osborne, theo lối du khách lục địa, thuê một căn phòng trên gác khách sạn. Khoảng mười giờ, nghe có tiếng gươm chạm vào bậc thang gác kêu lách cách, rồi thấy có tiếng gõ cửa bếp; chị Pauline đáng thương vừa ở nhà thờ về vội mở cửa ra, thấy ngay “thầy quyền” của mình mặt ngơ ngơ ngác ngác lù đù đứng đấy, chị ta sợ hãi suýt chết ngất. Mặt anh này tái nhợt, như mặt chàng lính ngự lâm nửa đêm đánh thức cô Leonora vậy. Pauline muốn kêu rú lên, nhưng lại sợ chủ nghe tiếng, e rằng anh tình nhân đào ngữ của mình bị lộ mất. Chị ta bèn yên lặng dẫn anh chàng vào bếp, dọn cho anh chàng nào rượu bia, nào vô khối món ăn rất ngon mà lúc chiều Joe không còn bụng dạ nào mà nuốt. Chàng lính khinh kỵ chứng tỏ mình không phải là ma quỷ hiện hồn về bằng cách nốc bia và xơi thịt cật lực vừa nhai nhồm nhoàm anh ta vừa thuật lại câu chuyện tai hại của mình.
Theo lời anh ta, trung đoàn quân Bỉ đã chiến đấu anh dũng vô kể, cho nên đã chặn đứng cuộc tiến công của toàn bộ quân Pháp trong một thời gian, nhưng cuối cùng cũng bị đánh; mà quân Anh cũng vậy. Ney tiêu diệt hết trung đoàn nọ đến trung đoàn kia. Quân Bỉ tìm mọi cách cứu quân Anh khỏi cuộc tàn sát khủng khiếp, song vô hiệu.
Quân lính của quận công Brunswick bị đánh tơi bời...quận công bị tử trận. Thật là một sự tan rã hoàn toàn. Anh chàng muốn dìm nỗi sầu thất trận của mình vào hết cốc bia này đến cốc bia khác.
Isidor qua bếp nghe lỏm được câu chuyện, tức tốc nhảy bổ đi mách với chủ. Hắn hét ầm lên: “Hỏng hết cả rồi; quận công bị bắt làm tù binh; quận công Brunswick tử trận. Quân Anh đại bại. Độc có một người thoát chết trốn được về đang ở trong bếp... xuống mà xem”.
Joe lảo đảo lần xuống bếp, thấy Regulus vẫn ngồi ngất ngưởng trên bàn, tay cầm chắc lấy cốc bia. Joe vận dụng hết khả năng Pháp văn của mình (tuy còn xa lắm mới gọi là tạm đúng ngữ Pháp) để dỗ anh lính khinh kỵ thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Càng nghe anh ta kể, càng thấy tai họa thêm trầm trọng. Anh ta là người độc nhất thoát khỏi bị giết tại trận.
Chính mắt anh ta nhìn thấy quận công Brunswick ngã, đoàn khinh kỵ binh áo đen chạy trốn tan tác, và đoàn quân Scotch bị đạn trọng pháo nghiền nát như cám. Joe há hốc mồm ra hỏi:
- Thế còn trung đoàn thứ...?
- Nghĩa là tơi bời.
Pauline nghe nói kêu ầm lên: “Ôi, bà chủ của tôi, bà chủ yêu quý của tôi ơi.” (); rồi chị ta tru tréo khóc ầm nhà lên.
Sedley lo tưởng phát điên, không biết tính toán ra sao, không biết chuồn đâu cho thoát nữa. Anh ta hối hả chạy lên gác, lo lắng nhìn vào cánh của phòng Amelia, mà lúc chiều bà O’Dowd đã đóng lại ngay trước mắt anh ta và khóa chặt. Nhưng nhớ đến vẻ mặt khinh bỉ của bà này, Joe ngần ngại, nghe ngóng một tý rồi quyết định ra phố một lúc xem tình hình thế nào.
Thế là Joe vớ lấy một cây nến, soi tìm chiếc mũ có lon vàng, thấy nó nằm ở chỗ mọi khi, trên chiếc bàn con kê sát vách trong phòng khách, trước chiếc gương; mọi lần trước khi ra mắt thiên hạ, anh ta vẫn nhìn vào chiếc gương này để làm dáng, vuốt lại mái tóc một tý, sửa lại cái mũ trông cho thật bảnh. Lần này theo thói quen, giữa cơn sợ hãi, anh ta vẫn chải lại mái tóc cho mượt, sửa lại cái ngù lông trên mũ. Nhìn trong gương thấy mặt mình tái nhợt, lại thấy bộ râu nuôi đã bảy tuần lễ nay mọc xồm xoàm, anh ta bàng hoàng cả người, nghĩ bụng: “Thế nào, chúng nó cũng cho mình là hàng binh mất. Nhớ lại lời Isidor đe dọa, nhớ lại những chuyện tàn sát quân Anh bại trận, anh ta lảo đảo bước về phòng ngủ, rối rít kéo chuông gọi người hầu.
- Isidor, cắt tao đi, mau lên! Cắt đi?()
Isidor tưởng chủ phát điên, muốn bảo mình cắt cổ hộ chăng.
Joe lại hét:
- Râu ấy, râu ấy... cắt đi, cạo đi, mau.()
Tiếng Pháp của anh ta như vậy đấy, nói khá trôi chảy, nhưng không đúng văn phạm cho lắm.
Isidor lập tức lấy dao cạo sạch bộ râu trong nháy mắt; hắn rất khoan khoái thấy chủ ra lệnh đi lấy một cái mũ và một bộ áo thường, Joe bảo: “Đừng mặc áo nhà binh nữa...cho mày đấy...đem ra ngoài kia ()...”
Thế là chiếc mũ và tấm áo nhà binh về tay hắn rồi.
Sau đó Joe vào tủ áo chọn một chiếc áo gi-lê đen.và một chiếc áo khoác ngoài kiểu thường, đeo chiếc cà vạt trắng và đội thêm cái mũ rộng vành. Giả thử kiếm được một cái mũ mục sư có lẽ anh ta cũng đội. Trông bộ dạng anh ta lúc này giống một ông thầy tu béo tốt thuộc nhà thờ Anh-cát- lợi. Joe bảo người hầu:
- Bây giờ theo tao...đi...đi ra ngoài phố () Rồi anh ta nhanh nhẹn bước xuống thang gác ra phố.
Regulus tuyên bố mình là người duy nhất thoát nạn, còn tất cả trung đoàn, có thể toàn bộ quân đội đồng minh đã bị Ney đánh cho thất điên bát đảo rồi. Nhưng dễ thường anh ta nói khoác, vì thấy vô khối người khác cũng sống sót trốn được về. Nhiều bạn đồng ngữ của Regulus chạy được về Brussels đều đồng thanh công nhận sự thất bại, và phao tin ầm khắp tỉnh rằng quân đồng minh đã thua trận.
Từng giờ, từng giờ, người ta đợi quân Pháp tiến vào thành phố. Cảnh tượng hỗn độn diễn ra khắp nơi, chỗ nào cũng thấy người sửa soạn chạy trốn. Joe lo cuống cả người lên: “Kiếm đâu ra ngựa bây giờ?” Anh ta đã sai Isidor đi hỏi thăm hàng chục nơi xem chỗ nào có ngựa bán hoặc cho thuê, không đâu có; Joe như chết điếng người đi được. Hay là đành đi bộ? Chưa bao giờ vì sợ hãi mà anh chàng béo phị này đâm ra hoạt động đến như vậy.
Ở Brussels, hầu hết những khách sạn có người Anh trú ngụ đều tập trung quanh khu công viên; Joe không có chủ định gì, lang thang trong khu vực này giữa những đám đông, lòng dạ bồn chồn vừa sợ hãi, vừa tò mò. Anh ta thấy có vài gia đình may mắn hơn kiếm đâu ra được cặp ngựa, đang giong xe chạy như bay qua các phố để đi lánh nạn. Lại cũng có nhiều gia đình khác lâm vào hoàn cảnh tương tự như Joe, cũng không tìm được phương tiện chạy trốn, mặc dầu đã dùng đủ mọi cách van lơn cũng như mua chuộc. Trong đám người suýt nữa được lánh nạn này, Joe nhận thấy cô Bareacres phu nhân và tiểu thư; cả hai đang ngồi trong xe ngựa riêng đỗ ngoài cổng khách sạn, hành lý xếp sẵn sàng trên nóc xe; cũng chỉ vì thiếu ngựa kéo như Joe nên hai mẹ con nhà này chưa đi được.
Rebecca Crawley cũng trọ tại khách sạn này. Trong thời gian vừa qua, nhiều lần cô đã va chạm với đám phụ nữ trong gia đình Bareacres. Khi hai bên tình cờ gặp nhau ở cầu thang, Bareacres phu nhân lạnh nhạt ngoảnh mặt đi không thèm chào Rebecca. Trong câu chuyện, nghe ai nhắc tới tên vợ Crawley, bà này thường tìm cách khéo léo để nói xấu. Thấy tướng Tufto cư xử thân mật với vợ viên sĩ quan tùy tùng, bà bá tước này rất công phẫn. Còn công nương Blanche thì tránh mặt Rebecca y như sợ cô này truyền bệnh hủi. Riêng ông bá tước thì thỉnh thoảng có kín đáo giao thiệp với Rebecca, nhưng giấu kín không dám cho vợ con biết.
Bây giờ chính là lúc Rebecca có dịp trả miếng bọn kẻ thù hỗn xược. Trong khách sạn, ai cũng biết đại úy Crawley để ngựa ở nhà. Lúc tình hình bắt đầu hỗn độn, Bareacres phu nhân hạ cố sai chị hầu gái đến tìm vợ viên đại úy, nói rằng phu nhân có lời chào và hỏi xem muốn bán cặp ngựa với giá bao nhiêu. Bà Crawley cũng viết gửi lời chào lại, kèm theo một câu nói ngụ ý xưa nay mình không có thói quen mua bán với người ở cửa các bà quyền quý. Thành ra ông bá tước đành phải đích thân tìm đến buồng Rebecca để giao thiệp, song cũng không có kết quả gì hơn. Bà Rawdon giận dữ kêu ầm lên:
- Lại sai đứa ở đến giao thiệp với tôi à? Sao Bareacres phu nhân không sai tôi ra thắng yên ngựa cho bà ấy một thể! Thế bà ấy muốn đi trốn, hay là chị hầu phòng của bà ấy muốn đi trốn?
Ông bá tước đành về trình lại nguyên văn với vợ. Thế là “qua sông nên phải lụy đò”, bà bá tước đành chịu thân chinh đến gặp Rebecca vậy. Bà ta khẩn khoản xin, cho biết giá tiền cặp ngựa lại mời cả Becky đến thăm lâu đài Bareacres, nếu bằng lòng bán ngựa để mụ về được đến nhà đến cửa. Vợ Crawley cười ầm lên vào mặt mụ, đáp:
- Nào tôi có thiết được bọn đầy tớ mặc chế phục hầu hạ đâu; có lẽ khó lòng mà về được nước Anh; ít nhất thì cũng khó lòng đem được kim cương châu báu về cho vẹn toàn. Bọn Pháp sẽ vét sạch. Hai tiếng đồng hồ nữa, chúng nó tới đây; lúc ấy tôi đã đi được nửa đoạn đường tới Ghent rồi. Tôi không bán ngựa cho bà đâu; đánh đổi lấy hai viên kim cương to nhất bà đeo trong buổi dạ hội cũng vô ích.
Bareacres phu nhân run lên vì sợ, vì giận. Bà này đã khâu mấy viên kim cương giấu vào trong áo, còn đâu thì gói lại nhét vào trong ủng của chồng. Bà nói:
- Này bà, tôi lưu ký kim cương ở nhà băng rồi. Tôi muốn có cặp ngựa.
Rebecca cười vào giữa mặt bà ta. Bá tước phu nhân giận dữ bước xuống thang gác, lại leo lên xe ngồi. Bà ta bắt chị hầu gái, anh xà ích và cả chồng nữa, mỗi người một phương, chạy lùng khắp tỉnh tìm ngựa. Đứa nào về chậm thì đừng có trách. Bà ta đã quyết định, hễ có ngựa là cho đánh xe đi liền... chồng chưa kịp về cũng mặc kệ.
Rebecca thấy cảnh tượng bà quý tộc ngồi chờ trong chiếc xe không ngựa thì hả dạ lắm, Cô ta ngồi trong cửa sổ cứ nhìn cho vào mặt bà bá tước mà lớn tiếng giễu cợt thái độ bối rối của bà này:
- Không tìm đâu ra ngựa. Mà lại có bao nhiêu kim cương khâu trong áo gối mới chết chứ! Phen này bọn Pháp mà đến thì tha hồ vớ bẫm?... Là nói chiếc xe và chỗ kim cương ấy, chứ còn người thì...
Rebecca lại kháo ầm lên với lão chủ nhà, với bọn đầy tớ, với những người khách trọ; cả đám đông toàn người lạ cũng biết. Bareacres phu nhân ước gì có súng mà ngồi trong xe bắn cho cô ta một phát chết tươi.
Đang khoái trá vì trả được mối thù cũ, thì Rebecca nhìn thấy Joe. Anh chàng vừa nom thấy Rebecca vội tiến lại Nhìn bộ mặt béo múp bơ phờ vì sợ hãi cũng đoán được anh ta đang muốn chuồn, vì đang lùng phương tiện để đi trốn. Rebecca nghĩ ngay: “Thế nào hắn cũng phải mua ngựa của mình. Mình cưỡi con ngựa non cũng được”.
Joe tiến thẳng đến trước mặt người con gái, nhắc lại câu nói vừa dùng hàng nghìn lần: “Cô có biết đâu bán ngựa không?” Rebecca cười, đáp:
- Thế nào? Anh mà cũng đi trốn à? Em nghĩ anh là người hiệp sĩ che chở cho phụ nữ chứ, anh Sedley?
Anh chàng lắp bắp nói:
- Tôi... Tôi không phải là quân nhân.
- Thế còn Amelia? Ai sẽ trông nom cho cô em gái bé bỏng đáng thương của anh? Chẳng lẽ anh bỏ mặc chị ấy sao?
Joe đáp:
- Ví như...ví như quân địch tới thì tôi giúp đỡ gì được cho cô ấy!... Chúng không giết đàn bà con gái, nhưng thằng hầu của tôi bảo rằng chúng thề không để cho một người đàn ông nào sống sót... bọn hèn mạt!
- Khủng khiếp nhỉ?
Rebecca giả vờ kêu lên; thấy anh chàng hoảng hốt, cô ta thú lắm. Joe lại nói:
- Vả lại, tôi không có ý định bỏ mặc cô ấy. Nhất định thế. Tôi vẫn dành một ghế trong xe tôi cho Amelia và có cả một ghế cho cô nữa, Rebecca ạ, nếu cô cũng đi, và nếu chúng ta tìm được ngựa.Anh ta thở dài...
Rebecca đáp:
- Em có một cặp ngựa đang muốn bán đây.
Joe nghe nói mà muốn ôm chầm ngay lấy cô ta. Anh chàng kêu lên.
- Isidor, lấy xe ra; mua được ngựa rồi...mua được rồi.
Rebecca đáp:
- Ngựa của em chưa đóng xe bao giờ. Anh mà bắt càng xe vào thì con Bullfinch nó đá gẫy tan xe ra mất.
Joe vội hỏi:
- Thế nó có chịu cho cưỡi không?
- Nếu cưỡi, thì nó ngoan như con cừu, mà chạy nhanh như thỏ.
Joe lại hỏi:
- Nặng như tôi, cưỡi được chứ?
Anh chàng đã tưởng tượng ngay cảnh mình ngồi trên yên ngựa, quên khuấy mất cô gái đáng thương rồi. Ai đang khao khát có ngựa để đi trốn mà cưỡng lại điều cám dỗ này cho được?
Rebecca không đáp, mời anh chàng vào trong phòng để mà cả cho ngã giá. Anh ta nín thở bước theo. Trong đời Joe, chưa lần nào chỉ trong nửa đống đồng hồ mà anh ta mất một món tiền lớn đến như vậy. Rebecca thấy Joe đang khao khát ngựa, mà ngựa lại hiếm, nên hiểu rõ giá trị những con ngựa của mình lắm, bèn thẳng tay bắt chẹt; cô ta đặt cho đôi ngựa của mình một giá quá đắt, làm cho Joe cũng phải chùn lại. Cô ta tuyên bố dứt khoát chỉ bán cả đôi, không bán một con, nhất là Rawdon đã dặn lại không được bán cặp ngựa dưới giá vừa nói: bá tước Bareacres dưới nhà sẵn sàng trả cùng giá ấy, nhưng cô ta không bán. Vì muốn tỏ cảm tình đặc biệt với gia đình Sedley nên cô ta mới chịu để lại cho Joe.Vả chăng “anh Joseph thân yêu” nên thể tình cho rằng người nghèo cũng cần phải sống...tóm lại cô ta nói ngọt như mía lùi, song cũng hoàn toàn cương quyết trong vấn đề giá cả.
Hẳn ta cũng đoán trước được là cuối cùng Joe đành ưng thuận. Món tiền lớn quá, anh ta phải xin khất trả sau; đối với Rebecca, đó là một cái gia tài nho nhỏ. Nhưng như chớp cô ta tính toán rằng món tiền ấy cộng với tiền bán mớ đồ vặt vãnh của Rawdon để lại, cùng tiền trợ cấp tử tuất được hưởng cũng tạm đủ cho cô ta sống độc lập không cần nhờ vả ai và có thể sẵn sàng đối phó với cảnh góa bụa.
Ngày hôm ấy, cũng có một đôi lần Rebecca nghĩ đến việc đi trốn, nhưng rồi cô ta cân nhắc: “cho rằng bọn Pháp tràn đến đi nữa, thì chúng nó sẽ làm gì người vợ góa của một sĩ quan? Dào ôi! Bây giờ đâu còn những chuyện cướp bóc, hãm hiếp như ngày xưa? Rồi mình cũng phải được an toàn hồi hương, hoặc có thể cứ ung dung mà sống ở nước ngoài cũng được”.
Joe và Isidor cùng ra tàu ngựa xem cặp ngựa mới mua.
Anh ta sai thằng hầu thắng yên cương ngay lập tức. Giá đi được ngay đêm ấy, ngay lúc ấy, Joe cũng đi. Mặc thằng hầu lo việc sửa soạn yên cương, anh ta trở về khách sạn sửa soạn hành lý. Cần giữ bí mật việc chuồn đi này. Anh ta muốn đi cửa hậu vào phòng mình, không muốn gặp mặt bà O’Dowd và Amelia, vì sợ phải thú nhận rằng mình sắp đi trốn.
Lúc việc mua bán với Rebecca và việc xem ngựa xong xuôi cả thì trời đã bắt đầu rạng sáng. Nửa đêm đã qua từ lâu mà khắp thành phố vẫn còn đồn ồn lên. Dân chúng chong mắt không ai ngủ, nhà nào cũng thắp đèn sáng rực; từng đám đông tụ tập trước cửa mỗi nhà; phố xá toàn người là người. Người nọ truyền người kia đủ các thứ chuyện. Có tin nói quân Phổ đã hoàn toàn bị đè bẹp; lại có tin phao rằng chính đội quân Anh mới bị tấn công và bị phá vỡ; một nguồn tin thứ ba cho hay quân Anh vẫn giữ vững vị trí.
Lời đồn cuối cùng này mỗi lúc một trở thành đáng tin cậy hơn. Vẫn không thấy mặt tên lính Pháp nào. Nhiều anh lính lẻ tẻ rút lui từ mặt trận về mang theo những tin tức mỗi lúc một thêm tốt đẹp; cuối cùng có một viên sĩ quan tùy tùng về Brussels, đem theo một tờ công văn gửi tư lệnh bảo vệ thành phố, lập tức ông này cho dán khắp thành phố những tờ bố cáo chính thức báo tin quân đội đồng minh thắng trận “Bốn cánh tay”(), hoàn toàn đánh lui quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Ney, sau sáu giờ đồng hồ chiến đấu. Có lẽ viên sĩ quan tùy tùng này đến Brussels xấp xỉ vào lúc Joe và Rebecca đang mà cả với nhau, hoặc lúc Joe đang xem ngựa. Lúc anh chàng về tới khách sạn đã thấy mấy chục khách trọ tụ tập trước cửa bàn tán sôi nổi...
Không có gì đáng nghi ngờ nữa. Anh ta vội leo lên gác báo tin cho hai người đàn bà được mình che chở rõ. Anh ta cũng không muốn để họ biết mình vừa có ý định đi trốn đã mua ngựa và đã phải trả với một giá cắt cổ như thế nào.
Thắng hay bại, đối với họ không phải là chuyện quan trọng; họ chỉ quan tâm nhất là sự an toàn của những người thân yêu. Amelia nghe tin thắng trận lại hóa ra bồn chồn xao xuyến hơn trước. Cô muốn tìm đến đơn vị của chồng ngay lập tức, cô cứ khóc lóc khẩn khoản anh trai đưa mình đi trong lòng khắc khoải, hãi hùng đến cực độ. Người đàn bà đáng thương này vừa lúc nãy còn lầm lì hàng tiếng đồng hồ liền, bây giờ cứ chạy loăng quăng chỗ này, chỗ kia, miệng nói lảm nhảm như một người mất trí...trông đến thảm hại. Sau cuộc chiến đấu gay go trên bãi chiến trường cách đó mười lăm dặm, biết bao nhiêu con người anh dũng phải ngã xuống nhưng không một ai đau đớn quằn quại bằng người nạn nhân chiến tranh vô tội và đáng thương này. Joe không sao chịu đựng nổi cảnh tượng em gái đau khổ như vậy. Anh ta để em gái cho bà bạn cứng cỏi hơn chăm sóc, lại xuống thang gác ra cửa khách sạn; vẫn còn nhiều người đứng tụ tập chờ nghe những tin tức mới.
Trời dần dần đã sáng hẳn mà họ vẫn đứng chờ. Lại thêm những người đã tham dự trận đánh trở về với những tin tức sốt dẻo. Nhiều xe ngựa và xe bò chất đầy những thương binh chạy qua thành phố. Từ trong xe vọng ra những tiếng rên rỉ khủng khiếp, và trên những đống rơm ló ra những bộ mặt phờ phạc. Joe Sedley đang nhìn theo một chiếc xe, vẻ mặt vừa đau đớn vừa tò mò... tiếng những người nằm trong xe rên rỉ vọng ra nghe đến sợ... mấy con ngựa mệt mỏi gần như không còn đủ sức kéo chiếc xe nữa. Bỗng có tiếng nói yếu ớt từ đống rơm trong xe vọng ra: “Đứng lại! Đứng lại!” Chiếc xe dừng lại trước cửa khách sạn của Sedley.
- Đúng là George rồi, tôi biết!
Amelia chạy xổ ra bao lơn kêu lên, mặt tái nhợt, mớ tóc xõa xuống rũ rượi. Không phải là George; nhưng cũng may, có tin của George nhắn về. Thì ra đây là anh chàng Tom Stubble đáng thương của chúng ta. Mới hai mươi bốn giờ đồng hồ trước, anh ta còn hùng dũng rời Brussels ra trận, tay giương cao lá quân kỳ của trung đoàn trên chiến trường. Tom đã bảo vệ lá cờ một cách anh dũng xứng đáng. Một tên lính Pháp đã đâm anh ta bị thương vào chân; lúc ngã xuống tay anh ta vẫn còn dũng cảm nắm chặt cán cờ. Trận đánh kết thúc, người ta cho chàng trẻ tuổi đáng thương này một chỗ nằm trong một cái xe ngựa và đưa về Brussels.
“Ông Sedley, ông Sedley?” chàng thanh niên lên tiếng yếu ớt gọi; Sedley hốt hoảng chạy đến ngay. Mới đầu cũng chưa nhận ra được ai gọi mình.
- Cho tôi xuống đây. ông Osborne và...và ông Dobbin bảo thế. Ông cho người đánh xe hai đồng Napoléon hộ; tôi xin mẹ tôi trả ông sau.
Trong những giờ đằng đẵng sốt hầm hập nằm trong chiếc xe ngựa, người con trai này chỉ mơ màng nghĩ về cái làng có ông bố làm mục sư mà anh mới từ đó ra đi được vài tháng nay; nhờ những phút mê man thế mà có khi anh chàng tạm quên được nỗi đau đớn về thể xác.
Khách sạn thì rộng, mọi người trong đó cũng tốt bụng.
Họ đem tất cả những thương binh trên xe vào trong nhà, đặt lên giường cẩn thận. Viên sĩ quan cầm cờ trẻ tuổi được đưa lên chỗ ở của gia đình Osborne trên gác. Lúc Amelia từ ngoài bao lơn nhận ra mặt Stubble, cô và bà thiếu tá chạy xổ ngay vào. Các bạn cứ tưởng tượng xem, nghe báo tin cuộc chiến đấu đã qua, chồng họ vẫn an toàn, thì hai người đàn bà này có cảm tưởng thế nào. Amelia sung sướng đến say sưa yên lặng ôm lấy cổ người bạn gái mà hôn. Cô quỳ ngay xuống say sưa cầu nguyện, cảm tạ đấng uy lực vô biên đã cứu chồng mình tai qua nạn khỏi.
Trong lúc lòng dạ bồn chồn khắc khoải, đối với người thiếu phụ trẻ tuổi này, không có một ông bác sĩ nào kê được một đơn thuốc bổ tài tình bằng đơn thuốc của sự may mắn. Amelia và bà O’Dowd luôn luôn săn sóc bên cạnh viên sĩ quan trẻ tuổi bị thương. Vết thương của anh ta rất nặng; Amelia thấy mình có nhiệm vụ săn sóc, nên bận quá cũng không có thì giờ nghiền ngẫm những nỗi băn khoăn lo lắng của riêng mình. Bằng những lời lẽ giản dị, viên sĩ quan bị thương kể lại trận đánh ngày hôm đó và việc tham chiến của những chiến sĩ dũng cảm thuộc trung đoàn thứ...như sau: “Trung đoàn tổn thất khá nặng, mất khá nhiều lính và sĩ quan. Lúc trung đoàn xuất kích, con ngựa viên thiếu tá đang cưỡi bị bắn trúng; ai cũng tưởng ông O’Dowd tử trận và Dobbin được thăng chức thiếu tá. Sau đợt tấn công quay về vị trí cũ, họ đã thấy viên thiếu tá ngồi ung dung trên xác con Pyramus với một chai rượu. Chính đại úy Osborne đã chém gục tên lính Pháp đâm bị thương viên sĩ quan cầm cờ Stubble. Amelia tái cả mặt chỉ lo bà O’Dowd ngắt lời người quân nhân trẻ tuổi. Đến chiều thì, tuy bản thân bị thương, chính đại úy Dobbin đã bế viên sĩ quan cầm cờ lên mang trao lại cho viên sĩ quan quân y, rồi lại đưa xe ngựa bảo xe về Brussels. Và cũng chính Dobbin hứa cho người đánh xe hai đồng Louis, nếu người này đưa người bị thương về tới khách sạn của Sedley yên ổn. Stubble lại nói với bà đại úy Osborne rằng trận đánh thế là xong, và chồng bà hoàn toàn bình an vô sự.
Bà O’Dowd lên tiếng:
- Nói của đáng tội, cái ông William Dobbin cũng tốt bụng đấy chứ, mặc dù ông ấy chúa là hay chế nhạo tôi.
Stubble thì cam đoan rằng trong quân đội không có một sĩ quan nào sánh được với Dobbin; anh ta cứ luôn mồm tán tụng những đức tính của viên đại úy, nào là khiêm tốn, nhã nhặn nào là ra trận thì bình tĩnh vô cùng. Amelia lơ đãng, không chú ý lắm đến những chuyện này; khi nghe nhắc đến George, thì cô lắng tai chú ý, mà không nói đến George thì cô lại mơ màng đến chồng.
Cả ngày hôm sau Amelia không thấy thì giờ trôi qua chậm chạp lắm, vì lúc nào cũng bận săn sóc người thương binh, và bận nhớ lại những chuyện xảy ra ngày hôm trước.
Đối với Amelia, trong quân đội chỉ có một người; chỉ cần người ấy được bình yên vô sự là đủ, ngoài ra mọi hoạt động của quân đội không có gì đáng chú ý. Những tin tức Joe mang ngoài phố về chỉ loáng thoáng bên tai Amelia ; cũng những tin tức ấy lại đủ khiến cho anh chàng nhát gan này cũng như mọi người dân thành Brussels phải lo sốt vó.
Quân Pháp quả thật có bị đánh lui, nhưng thật ra chỉ có một sư đoàn quân Pháp bại trận, mà cũng phải sau một trận chiến đấu hết sức gay go. Còn Napoléon và đại quân thì vẫn ở Ligny, đã tiêu diệt hoàn toàn quân Phổ, bây giờ có thể rảnh tay dốc toàn lực tấn công quân đồng minh.
Quận công Wellington đã lùi quân về sát thành phố, trận đại chiến sắp tới rất có thể sẽ diễn ra ngay dưới chân thành; kết quả ra sao, cũng chưa biết thế nào mà lường, Quận công Wellington chỉ có thể dựa vào lực lượng hai vạn quân Anh, vì quân Đức gồm toàn dân vệ, mà quân Bỉ thì không có tinh thần chiến đấu. Với một dúm quân như thế, quận công phải đương đầu với mười lăm vạn con người đã tràn vào nước Bỉ dưới quyền chỉ huy của Napoléon. Napoléon chỉ huy! Trên đời này có viên tướng lĩnh nào, dù danh tiếng lẫy lừng và có tài thao lược mấy đi nữa, mà đủ sức chống lại?
Joe đã nghĩ đến những điều đó; anh ta run quá. Nhân dân thành phố Brussels cũng vậy...Ai cũng cảm thấy rằng trận đánh ngày hôm trước mới chỉ là mở màn cho một trận đại chiến khác chắc chắn sẽ nổ ra. Đã có một đội quân bị Hoàng đế đánh cho tan tành không còn mảnh giáp rồi. Đem dúm quân Anh còn lại ra kháng cự thì rồi cũng đến bỏ mạng trên chiến trường mà thôi; kẻ thắng trận sẽ giẫm qua xác họ mà tiến vào thành phố. Kẻ nào còn lại trong thành phố mà bị quân Pháp bắt gặp ắt phải chết!
Người ta đã soạn sẵn những bài diễn văn; bọn công chức đã họp nhau lại bí mật thảo luận; người ta còn sửa sang sẵn sàng nhiều căn nhà, lại thuê may sẵn cờ tam tài và làm huy hiệu chiến thắng để chuẩn bị đón rước Hoàng đế vua nước Pháp.
Việc tản cư vẫn tiếp tục tiến hành; gia đình nào tìm được phương tiện vận chuyển là chuồn thẳng. Buổi chiều ngày tháng sáu, Joe đến khách sạn của Rebecca đã thấy chiếc xe ngựa đồ sộ của gia đình Bareacres rời cổng khách sạn lao đi rồi. Lão bá tước đã tìm được không biết ở đâu ra một cặp ngựa chẳng cần đến bà Crawley nữa, bây giờ đang trên đường đi Ghent, Louis thứ mười tám cũng đang soạn sửa tủ áo sắp rời bỏ thành phố này. Hình như tai họa không chịu rời bỏ lão vua phệnh đường lưu vong thì phải.
Joe cảm thấy tình hình không có chiến sự hôm qua cũng rất tạm bợ; bây giờ là lúc nên dùng cặp ngựa mua với “giá cắt cổ” này vào việc. Suốt ngày, anh ta như người sắp chết. Chừng nào giữa Napoléon và thành phố Brussels còn có đạo binh Anh, thì cũng chưa cần phải đi trốn ngay; nhưng anh ta cũng đem cặp ngựa về nhốt sẵn sàng trong tàu ngựa ngoài sân khách sạn; như thế mới để mắt đến được, không sợ ai dùng vũ lực đoạt mất. Ngày đêm Isidor đứng canh bên trong chuồng ngựa; ngựa thì yên cương sẵn sàng, khi cần có thể lên đường tức khắc, Joe ước gì phút ấy xảy ra ngay cho xong.
Sau buổi đón tiếp hôm trước, Rebecca không còn thiết gì đến gần bó hoa Amelia yêu quý của mình nữa. Cô ta thay nước cho bó hoa George tặng mình, rồi đọc lại mảnh giấy của chàng.
Vừa quấn mảnh giấy nhỏ quanh ngón tay, Rebecca vừa nói một mình: “Anh chàng khốn kiếp, mình có thể giết cô ta bằng cái này lắm chứ?... Con người như thế mà cô ta yêu đến đau khổ được thì lạ thật... một anh chàng ngu ngốc, đồ “rẻ cùi tốt mã”, mà lại vô tình với cô ta nữa cơ chứ. Lão Rawdon đáng thương nhà mình so với của ấy còn bằng mười”.
Đoạn Rebecca lại suy tính xem mình sẽ làm ăn ra sao giá dụ... giá dụ, như Rawdon có mệnh hệ nào, và cảm ơn trời đất mãi vì may mắn làm sao chồng lại để đôi ngựa ở nhà.
Hôm ấy, vợ Rawdon thấy gia đình Bareacres lên đường cũng có ý bực mình. Cô ta nghĩ cũng nên bắt chước bà bá tước cẩn thận một chút, bèn đem gần hết mọi vật trang sức, ngân phiếu và giấy bạc khâu vào lần lót áo. Thế là đủ chuẩn bị để đối phó với mọi biến cố...nghĩa là tùy trường hợp hoặc chạy trốn, hoặc ở lại để đón tiếp kẻ chiến thắng, dù kẻ chiến thắng là người Anh hay người Pháp. Ngay đêm hôm ấy, trong lúc Rawdon áo choàng khoác trên vai, dãi dầu mưa bão trên đồi St. John, đang một lòng một dạ thiết tha nhớ về cô vợ trẻ để lại nhà, thì không biết chừng Rebecca đang nằm mơ thấy mình trở thành một quận chúa, hoặc một thống chế phu nhân cũng nên.
Hôm sau là ngày chủ nhật. Bà thiếu tá O’Dowd thấy tất cả những bệnh nhân của mình đã lại sức và vui vẻ sau một đêm nghỉ ngơi thì rất bằng lòng. Chính bà cũng ngồi ngay trong một chiếc ghế bành lớn trong phòng Amelia mà ngủ; như thế, khi cần tiện săn sóc cả người bạn gái và viên sĩ quan cầm cờ bị thương. Sáng ra người đàn bà cứng cỏi này trở về chỗ trọ của mình và chồng là viên thiếu tá, để trang điểm một cách thật cầu kỳ lộng lẫy cho xứng đáng với ngày chủ nhật. Chắc hẳn khi chỉ có một mình trong gian phòng nơi trước kia chồng vẫn ra vào, lại nhìn thấy chiếc mũ của chồng còn úp trên gối, chiếc can của chồng còn dựng ở góc phòng, thế nào bà ta chẳng cầu Thượng đế che chở cho người chiến sĩ dũng cảm Michael O’Dowd ít nhất là một lần.
Lúc quay lại với Amelia, bà mang theo cuốn kinh cầu nguyện, và cuốn sách giảng đạo nổi danh của ông chánh xứ chú bà; có ngày Sa-bát () nào bà quên không đọc quyển sách này; tuy bà cũng chỉ hiểu lõm bõm, và nhiều khi đọc cũng sai, vì bài nào cũng dài dằng dặc và tối như hũ nút - ông chánh xứ vốn là người học rộng nên ưa dùng hàng tràng tiếng la-tinh- song bao giờ bà cũng cao tiếng đọc ngân nga trịnh trọng dáng điệu hết sức nghiêm túc. Bà vẫn nhủ thầm: “Đã bao nhiêu lần Mick lắng nghe những bài giảng đạo ta đọc trong ca-bin tàu thủy!” Hôm nay, bà có ý định diễn lại cái trò này với Amelia và viên sĩ quan cầm cờ bị thương. Đồng thời, cũng giờ ấy, tại hai vạn giáo đường trong nước cũng tổ chức việc giảng đạo tương tự và hàng triệu người dân Anh, đàn ông cũng như đàn bà, cùng quỳ gối cầu xin sự che chở của đấng bề trên tối cao. Họ không nghe thấy những tiếng động đã quấy rối sự yên tĩnh của mấy nhân vật tại Brussels. Bà O’Dowd đang cao giọng ngân nga bài giảng đạo, thì bỗng vang lên những tiếng nổ còn to hơn cả những tiếng nổ họ nghe thấy hai hôm trước: súng đại bác trận Waterloo bắt đầu gầm thét.
Nghe những tiếng nổ khủng khiếp ấy vọng về, Joe quyết định ngay rằng mình không thể sao chịu đựng nổi những nỗi lo sợ hãi hùng triền miên ấy được, và anh phải chuồn ngay. Anh ta xông vào trong căn phòng có viên sĩ quan bị thương nằm, thấy ba người đang cầu kinh với nhau, bèn lên tiếng gọi Amelia :
- Emmy, anh không sao chịu đựng nổi nữa rồi, không chịu được nữa; cô phải đi với anh ngay. Anh đã mua cho cô một con ngựa. Không cần biết giá đắt rẻ ra sao... cô phải mặc áo, đi ngay với anh. Cô ngồi sau Isidor.
Bà O’Dowd đặt cuốn sách xuống, nói:
- Lạy Chúa tha tội cho tôi, ông Sedley ơi, ông chỉ là một tên hèn nhát.
Anh chàng vẫn nói tiếp:
- Amelia, anh bảo phải đi ngay. Bà ấy nói gì mặc kệ, đừng nghe. Tại sao chúng ta lại ở đây cho bọn Pháp tàn sát?
Anh chàng Stubble bé nhỏ đang nằm trên giường cũng nói:
- Ông ơi, ông quên trung đoàn thứ... rồi à? Và... kìa bà O’Dowd ơi, bà sẽ không bỏ mặc tôi chứ?
Bà này cúi xuống hôn cậu thanh niên, đáp:
- Không đâu, cậu em đáng yêu ạ. Còn có tôi bên cạnh, cậu chưa sợ gì nguy hiểm. Ông Mick nhà tôi chưa có lệnh, tôi chưa đi chỗ khác. Tôi mà ngồi bám sau lưng cái ông này trên lưng ngựa thì trông hay đáo để đấy nhỉ?
Cái hình ảnh đó làm cho anh chàng trẻ tuổi bị thương đang nằm trên giường cũng phải phá lên cười. Amelia cũng mỉm cười theo, Joe quát ầm lên:
- Tôi không hỏi bà ấy...Tôi không hỏi cái...cái mụ người Ailen này; tôi hỏi Amelia cơ. Lần cuối cùng, cô có đi không?
- Bỏ mặc nhà em mà đi trốn ư, anh Joseph?
Amelia nhìn anh trai ngạc nhiên hỏi, rồi đưa tay cho bà thiếu tá. Joe không sao nhịn được nữa.
- Vâng thì xin chào.
Anh ta vừa nói vừa giơ nắm tay rung rung, giận tưởng phát điên, rồi đi ra khép cửa đánh thình. Lập tức Joe ra lệnh lên đường, trèo lên ngựa ngay trong sân. Bà O’Dowd nghe rõ mồn một tiếng vó ngựa phi ra cổng; nhìn ra, bà thấy Joseph phi ngựa xuôi xuống phố có Isidor theo sau đầu đội chiếc mũ có lon vàng; bà ném theo mấy lời nhận xét đầy khinh miệt. Cặp ngựa đã mấy hôm không phải diễn tập, rất sung sức, phi nước đại qua các phố. Joe không cưỡi ngựa quen lại nhát, ngồi trên yên ngựa, coi bộ không vững vàng lắm. “Này, Amelia, ra cửa sổ phòng khách mà xem; y như con voi trong tủ kính bày đồ sứ ấy nhỉ?” Hai người kỵ sĩ dóng dả phi nước đại đi về phía Ghent; bà O’Dowd vẫn còn nhìn theo mà nói mỉa mai cho đến khi họ đi khuất mới thôi.
Suốt ngày hôm ấy, từ sáng mãi đến sau lúc mặt trời lặn không lúc nào ngớt tiếng đại bác gầm thét. Lúc tiếng súng đột nhiên ngừng bặt thì trời cũng đã tối hẳn.
Chúng ta đọc sách đều đã hiểu rõ trong thời gian này đã xảy ra những chuyện gì rồi. Trận đánh đã trở thành câu chuyện cửa miệng của người Anh. Bạn và tôi, khi chiến dịch vĩ đại ấy diễn ra, chúng ta còn bé cả, vậy mà có bao giờ chúng ta không muốn cứ được nghe đi nghe lại, cứ được kể đi kể lại trận đánh lịch sử ấy? Nhớ lại trận đánh, hàng triệu đồng bào của những kẻ bại trận ngày hôm ấy còn thấy đau nhói trong tim. Họ khát khao sao có dịp trả mối hận này. Và nếu như một cuộc chiến tranh mới sẽ kết thúc bằng sự thắng lợi của họ, thì lại đến lượt họ kiêu hãnh, còn chúng ta sẽ thừa hưởng sự căm thù và đau khổ; và chuỗi dài toàn những cái gọi là vinh dự và nhục nhã ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, vì cả hai dân tộc kiêu hùng sẽ vĩnh viễn lao vào một cuộc chém giết khi thắng lợi, khi thất bại. Đã bao nhiêu thế kỷ rồi, người Pháp và người Anh chúng ta vì kiêu ngạo đã tàn sát lẫn nhau, đổ máu cho một thứ luật lệ quỷ quái về danh dự.
Mấy người bạn của chúng ta đã góp phần chiến đấu xứng đáng trên trận địa. Suốt ngày hôm ấy, trong khi cách đó mười dặm, mấy người đàn bà cầu nguyện Thượng đế, thì những đội bộ binh Anh dũng cảm chống đỡ và đánh bật những cuộc tấn công điên cuồng của kỵ binh Pháp. Đạn đại bác địch nổ, ở Brussels cũng nghe rõ mồn một, cầy tung hàng ngũ quân Anh; nhiều bạn đồng đội gục ngã, những người còn sống bổ sung ngay vào chỗ trống. Gần tối, quân Pháp lại tấn công nhưng bị chống trả quyết liệt nên sức mạnh mỗi lúc một yếu dần. Chúng sẽ tấn công quân đội đồng minh của Anh, hay sẽ dồn sức mở một đợt phản công quyết định? Cuối cùng, ta thấy những đội ngự lâm quân Pháp tiến lên tấn công đồi thánh Jean, nhằm quét sạch quân Anh chiếm lấy cao điểm suốt ngày vẫn nằm trong tay họ.
Đại bác Anh gieo rắc chết chóc trong hàng ngũ quân Pháp, mặc? Dòng người đen ngòm cứ cuồn cuộn tràn lên đồi; lúc gần chiếm được đỉnh đồi thì thấy quân địch như ngập ngừng...tiến chậm lại, dừng hẳn, song vẫn tiếp tục giao chiến. Cuối cùng, từ vị trí không kẻ địch nào bẩy được họ ra ngoài, những đội quân Anh lao xuống; đội Ngự lâm quân quay lưng tán loạn chạy trốn.
Brussels không còn nghe thấy tiếng súng vọng về nữa, cuộc truy kích diễn ra cách đó mấy dặm. Màn đêm đã buông xuống bãi chiến trường và thành phố, Amelia vẫn cầu nguyện cho George, nhưng George đã chết rồi, nằm úp xuống mặt đất, bị một viên đạn xuyên qua trái tim.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT