AMELIA ĐI THEO TRUNG ĐOÀN CỦA CHỒNG

Khi cỗ xe ngựa lịch sự của Joe chạy đến đỗ tại cổng khách sạn ở Chatham, người đầu tiên Amelia gặp lại chính là anh chàng đại úy Dobbin quen thuộc. Anh ta vừa đi bách bộ có đến một tiếng đồng hồ ngoài phố để chờ các bạn. Trông viên đại úy rõ ra vẻ con nhà võ với quân phục đính lon vàng chóe, thắt lưng đỏ, cây kiếm đeo lủng lẳng bên sườn. Joe hết sức kiêu hãnh vì được quen một người như vậy; anh chàng dân thường to béo lên tiếng chào Dobbin một cách thân mật đặc biệt, khác hẳn các anh ta vẫn đối xử với người bạn này hồi ở Brighton và phố Bond.

Cùng đi với viên đại úy có anh chàng sĩ quan cầm cờ Stubble. Nom thấy chiếc xe ngựa tiến đến gần khách sạn, anh chàng này kêu lên: “Trời ơi? Người đâu mà xinh tuyệt!”

Tỏ ý rất phục Osborne là tay biết chọn vợ. Thật thế, với tấm áo cưới có đính đăng-ten hồng, đôi má ửng đỏ lên vì cuộc hành trình vừa qua, nom Amelia thật tươi tắn và xinh đẹp, hoàn toàn xứng đáng với lời ca tụng của viên sĩ quan cầm cờ. Thấy Stubble khen Amelia, Dobbin tỏ vẻ bằng lòng lắm. Anh chàng sĩ quan cầm cờ tiến lên đỡ người thiếu nữ xuống xe, nhận ra ngay một bàn tay xinh xinh nhỏ nhắn đón lấy tay mình, và một bàn chân cũng xinh xinh nhỏ nhắn đáng yêu làm sao đặt xuống bậc cửa xe.

Anh ta bỗng lúng túng mặt đỏ lên, cúi rạp xuống chào một cách thật lịch sự. Nhìn thấy phù hiệu của trung đoàn thứ…thêu trên mũ Stubble, Amelia cũng mỉm cười rất tươi cúi chào trả lại, làm cho viên sĩ quan trẻ tuổi gần như chết đứng. Từ hôm ấy trở đi Dobbin đối với Stubble rất có cảm tình; những buổi hai người cùng đi dạo hoặc đến chơi nhà nhau, Dobbin thường khéo khuyến khích anh chàng nói chuyện về Amelia. Và trong đám sĩ quan trẻ tuổi của trung đoàn thứ... cái việc tán dương và thờ phụng bà Osborne bỗng trở thành một cái “mốt”. Những cử chỉ giản dị tự nhiên, điệu bộ khiêm tốn và thân mật của Amelia đã chinh phục được tâm hồn tất cả mọi người. Kẻ viết truyện này không sao dùng ngòi bút mà miêu tả nổi sự giản dị mà hấp dẫn của người thiếu nữ ấy. Nhưng chúng ta, ai là người đã từng tiếp xúc với những thiếu nữ như thế này mà không thấy - mặc dầu họ chỉ mới nói với ta một câu, đại khái đã trót hẹn nhảy với người khác điệu quadrille sắp tới rồi, hoặc than thở rằng hôm nay sao trời nóng quá - bao nhiêu đức tính tốt đẹp nơi họ? Xưa nay George vẫn nổi tiếng trong trung đoàn, bây giờ lại càng được anh em kính phục vì tấm lòng cao thượng dám cưới một cô vợ nghèo không của hồi môn, và vì con mắt tinh đời, khéo kén được người vợ sao mà xinh đẹp, dịu dàng như vậy.

Bước chân vào phòng khách được sửa soạn sẵn để chờ đón các nhà du khách, Amelia ngạc nhiên nhìn thấy trên bàn có một lá thư để gửi cho bà đại úy Osborne. Lá thư viết trên một mảnh giấy màu hồng hình tam giác có đóng một con dấu hình con chim bồ câu ngậm cành lá ô-liu, ngoài bì gắn nhiều dấu xi màu xanh nhạt; chữ viết to nhưng nét không khỏe, rõ ra chữ đàn bà.

George cười bảo vợ:

- Thư của bà Peggy O’Dowd đấy. Nom con dấu cũng biết ngay.

Quả thật đó là thư của bà thiếu tá O’Dowd. Bà này mời Amelia ngay tối hôm ấy đến dự một buổi họp mặt thân mật do bà tổ chức. George bảo vợ:

- Em nên đến dự. Em sẽ nhân dịp làm quen với mọi người trong trung đoàn. Bởi vì ông O’Dowd chỉ huy trung đoàn, nhưng chính bà Peggy lại chỉ huy ông O’Dowd.

Nhưng hai vợ chồng vừa mới kịp đọc xong lá thư thì cửa phòng bỗng mở toang; một người đàn bà to béo, tươi tỉnh, bận bộ áo đi ngựa bước vào, theo sau là hai viên sĩ quan trong trung đoàn của Osborne.

- Gớm, tôi không sao nén lòng chờ đợi tới giờ bữa tiệc trà - buổi chiều được. Ông George thân mến ơi, giới thiệu tôi với bà ta đi. Rất hân hạnh được biết bà, và được giới thiệu nhà tôi là thiếu tá O’Dowd với bà.

Người đàn bà vừa nói vừa thân mật nắm chặt đấy tay Amelia ; cô thiếu nữ biết ngay đấy chính là bà thiếu tá, người đã bị chồng mình nhiều lần đem ra làm trò cười. Bà này lại vui vẻ tiếp:

Hẳn bà đã nhiều lần được nghe ông nhà ta kể chuyện về tôi chứ ?

Ông thiếu tá chồng bà xen vào:

- Nhất định bà đã nghe kể chuyện nhiều lần rồi.

Amelia mỉm cười đáp:

- Quả có thế.

Bà O’Dowd lại nói:

- Chắc ông George ít nói tốt cho tôi, phải không?

- Ông ấy thật đến tồi.

Ông chồng bà ta làm bộ láu lỉnh xen vào:

- Điều ấy thì khỏi phải bàn.

George cười xòa. Bà O’Dowd quất roi ngựa đến đét một cái ngụ ý ra lệnh cho ông chồng đừng bép xép nữa, rồi bà yêu cầu George giới thiệu mình với “Bà đại úy” theo đúng thủ tục của khoa xã giao.

George trịnh trọng lên tiếng:

- Xin giới thiệu với mình đây là người bạn rất tốt, rất quý báu của tôi, bà Auralia Margaretta, còn gọi là bà Peggy.

Viên thiếu tá lại chêm vào:

- Lạy chúa, ông nói đúng quá đi mất.

-…còn gọi là bà Peggy tức Michael O’Dowd thiếu tá phu nhân, lệnh ái của tôn ông Fitzjurld Ber’sford de Burgo Malony ở Glenmalony, quận Kildare.

Bà thiếu tá điềm nhiên tiếp theo, rất kiêu hãnh:

- Và tại quảng trường Muryan, Doblin.

Ông thiếu tá chồng bà cũng thì thầm:

- Đúng lắm, tại quảng trường ông Muryan.

Bà vợ lại nói:

- Chính tại đó, xưa kia ông đã lặn lội theo đuổi tôi mãi, phải không, ông thiếu tá yêu quý?

Ông thiếu tá gật đầu công nhận, như ông quen công nhận bất cứ điều gì vợ nói trước công chúng.

Thiếu tá O’Dowd đã từng phục vụ đức Hoàng đế tại khắp mọi nơi trên mặt trái đất này; mỗi bậc thang danh vọng của ông được đánh dấu bởi những chiến công trên cả sự oanh liệt, tuy vậy ông ta lại là người khiêm tốn, ít nói và hiền lành nhất đời; đối với bà vợ, ông ta ngoan ngoãn vâng lời như một thằng nhỏ. Ngồi ăn với các sĩ quan trong quán ăn nhà binh, ông không nói mấy, cứ ra sức mà nốc rượu. Rượu say bí tỷ rồi ông mới lặng lẽ chệnh choạng lần về trại. Khi ông lên tiếng, ấy chỉ là để tán thành ý kiến của hết thảy mọi người về bất cứ vấn đề gì. Cứ thế, cuộc đời ông trôi qua một cách hết sức thoải mái, dễ chịu. Bầu trời nóng bức xứ Ấn Độ không hề khiến ông bẳn tính bao giờ, cũng như đối với ông, bệnh sốt rét vàng da đành chịu khoanh tay bất lực. Ông tiến ra trận địa với thái độ hoàn toàn bình thản y như lúc ngồi vào bàn ăn. Món thịt ngựa hay món xúp ba-ba đối với ông đều đáng thưởng thức như nhau. Ông còn bà cụ thân sinh đã già là cụ O’Dowd ở O’Dowdstown; từ nhỏ, chưa bao giờ ông trái lời mẹ, trừ việc ông trốn nhà xin tòng ngũ, và việc ông cứ nhất định cưới bằng được cái bà Peggy Malony ghê gớm này làm vợ.

Bà Peggy có năm chị em cả thảy, trong số mười một người con vừa trai vừa gái thuộc gia đình quý tộc Glenmalony; ông O’Dowd đối với bà thuộc hàng anh họ, nhưng về bên họ ngoại, thành ra không có cái hân hạnh vô song là được mang dòng máu của gia đình Malony trong người, dòng máu mà bà Peggy yên trí rằng cao quý nhất thế giới. Bà đã đi Doblin chơi chín lần, lại đã hai lần đi Cheltenham và Bath mà không tìm được người xứng đáng trao duyên gửi phận. Cho đến năm đã gần ba mươi ba cái xuân xanh, bà bèn ra lệnh cho ông anh họ là Mick phải cưới mình làm vợ; ông anh họ thực thà vâng lệnh đưa bà sang Tây Ấn, để bà chủ tọa những cuộc họp mặt của các vợ sĩ quan trong trung đoàn thứ...vì ông vừa được đến chỉ huy đơn vị này.

Chỉ sau nửa giờ ngồi chơi với Amelia cũng như ngồi chơi với bất cứ người nào khác, bà O’Dowd đã đem gia thế nhà mình ra khoe với người bạn mới thật cặn kẽ. Bà vui vẻ nói:

- Bà bạn thân mến ạ, trước kia tôi vẫn có ý muốn được coi ông George là người trong nhà đấy. Cô Glorvina em gái nhà tôi mà làm bạn với ông ấy thì đẹp đôi quá. Nhưng câu chuyện đã qua chả nên nhắc lại làm gì; bây giờ bà đã kết bạn trăm năm với ông ấy, tôi quyết định sẽ coi bà như em gái, tôi sẽ coi bà như một người trong gia đình. Nói có Chúa trời chứng giám, bà có bộ mặt xinh đẹp đáng yêu lắm, chắc chắn chúng mình sẽ thân nhau ngay; gia đình chúng tôi có thêm một người nữa.

- Đúng lắm, sẽ có thêm một người nữa.

Ông O’Dowd xen vào tỏ ý tán thành, Amelia cũng cảm thấy sung sướng và biết ơn, vì đột nhiên được tiếp xúc ngay với nhiều người sẵn có cảm tình với mình như vậy.

Bà vợ ông thiếu tá lại nói:

- Chúng tôi ở đây đều là người tốt. Bà sẽ thấy khắp quân đội không có đơn vị nào anh em đoàn kết một lòng với nhau như ở đây, và cũng không đâu có một câu lạc bộ nào thú vị bằng. Không ai gây sự cãi nhau bao giờ, không hề có chuyện bôi nhọ nói xấu nhau. Chúng tôi quý nhau lắm cơ.

George cười đáp:

- Thí dụ như bà Magenis chẳng hạn, nhỉ?

- Bà đại úy Magenis và tôi đã làm lành với nhau rồi, tuy rằng cách bà ấy đối xử với tôi có thể sẽ khiến tôi tóc bạc trắng đi vì phiền muộn mà chết.

Ông thiếu tá vội kêu lên:

- Ấy chớ, thế thì hỏng hết bộ tóc huyền của bà, hoài của?

- Thôi, im đi, ông Mick, ông ngớ ngẩn lắm. Bà Osborne thân mến ạ, cái bọn các ông chồng vẫn không chừa thói cứ hay nhúng mồm vào. Tôi vẫn bảo ông Mick nhà tôi luôn luôn rằng đừng có bao giờ mở mồm ra làm gì, trừ trường hợp phải chỉ huy lính, hoặc để nốc rượu ăn thịt thì không kể.

Lúc nào chị em mình ngồi riêng với nhau tôi sẽ kể cho bà nghe mọi chuyện trong trung đoàn để bà biết mà liệu giữ gìn. Bây giờ bà hãy giới thiệu tôi với ông anh trai của bà đi; ông ấy trông thật bệ vệ, lịch sự, làm cho tôi nhớ đến ông anh họ của tôi là Dan Malony quá (bà biết không, tức là thuộc chi họ Malony Ballymalony ấy mà; chị dâu tôi là Ophalia Scully Oystherstown, là em họ của bá tước Poldoody đấy) Thưa ông Sedley, vô cùng hân hạnh được làm quen với ông. Chắc ông vui lòng đến dùng cơm tại quán ăn nhà binh chúng tôi hôm nay? Ông Mick, chớ quên lời căn dặn của ông bác sĩ nhé; hôm nay xin ông uống in ít thôi cho tôi nhờ.

Viên thiếu tá đáp:

- Mình ạ, hôm nay là bữa tiệc trung đoàn 15 tổ chức thiết chúng ta đấy. Nhưng bảo họ viết giấy mời ông Sedley cũng tiện thôi.

- Simple, đi hộ ngay... đây là thiếu uý Simple, sĩ quan cầm cờ trong trung đoàn chúng tôi, khi nãy quên chưa giới thiệu với bà... chạy ngay bộ sang tìm trung tá Tavish nói rằng bà thiếu tá O’Dowd gửi lời chào nhé, và báo rằng đại úy Osborne có ông anh vợ đến chơi, sẽ đến thăm câu lạc bộ của trung đoàn 15 lúc năm giờ đúng...Bây giờ thì hai chị em mình, ta cùng ăn với nhau một chút gì cho vui chứ?

Bà O’Dowd chưa nói dứt câu đã thấy thiếu uý Simple nhảy bổ xuống thang gác đi thi hành lệnh trên rồi.

Đại úy Osborne nói:

- Sự phục tòng là linh hồn của quân đội Emmy ạ. Trong khi bà O’Dowd ở đây trò chuyện cho mình vui, chúng tôi phải đi lo nhiệm vụ.

Đoạn hai viên đại úy mỗi người khoác một cánh tay ông thiếu tá, vừa lôi ông ta ra ngoài vừa nhìn qua sau đầu ông ta mà cười với nhau. Được ở một mình với người bạn mới, bà O’Dowd bắt đầu dốc ra đủ các thứ chuyện con cà con kê, làm cho cô thiếu nữ đáng thương của chúng ta cứ rối cả lên, không sao chịu nổi. Bà kể cho Amelia nghe hàng trăm thứ chuyện liên quan đến cái gia đình đông đúc của bà, mà từ nay người thiếu phụ trẻ tuổi đang ngơ ngác kia có hân hạnh được coi là người nhà.

- Bà Heavytop, vợ ông đại tá, đã chết ở Jamaica rồi; bà mắc bệnh sốt rét vàng da, lại đèo thêm chứng đau tim. Cái ông đại tá đã già mà còn “chơi trống bỏi”, đầu hói, sọ giơ ra như gáo dừa mà còn chấp chới một cô bé người lai thổ dân.Bà Magenis tuy có thiếu giáo dục thật, nhưng cũng là người tốt; đáng tiếc là có cái lối mồm loa mép giải, giá đánh bài với mẹ thì cũng bịp chứ chẳng tha. Còn bà đại úy Kirk thì mới nghe nói đến chuyện chơi bài bà cứ ngước mãi đôi mắt tôm rồng lên ra vẻ sợ hãi lắm. (Xưa kia ông cụ thân sinh ra tôi, vốn ngoan đạo, rất chăm chỉ đi lễ nhà thờ, và chú tôi là ông Dane Malôny, một vị giám mục hẳn hoi, đêm nào cũng đánh bài với nhau để giải trí, có sao đâu).

Bà O’Dowd lại tiếp:

- Nhưng mấy bà ấy không đi theo trung đoàn đâu. Bà Magenis còn bận ở nhà giúp việc bà mẹ, hình như làm nghề bán lẻ khoai và than ở Islington gần Luân-đôn thì phải; thế mà lúc nào cũng thấy bà ta khoác lác rằng ông cụ thân sinh kinh doanh nghề tàu biển, hễ thấy tàu nào chạy trên sông cũng lôi chúng tôi ra chỉ cho xem bằng được. Bà Kirk và lũ con ở lại khu phố Bethesda để được luôn luôn gần gũi đức cha linh hồn là mục sư Ramshorn. Hoàn cảnh bà Bunny cũng đáng chú ý lắm... nói cho đúng thì bao giờ cảnh bà ấy cũng thế...Chả là bà ta đã đẻ cho ông trung úy Bunny tới bảy đứa con mà. Vợ thiếu úy Posky cũng mới đến đây trước bà có hai tháng thôi. Bà ta cãi nhau với Tom Posky đến hàng chục bận rồi, cứ ồn lên khắp cả trại lính (họ kể chuyện rằng hai vợ chồng nhà này quăng cả bát đĩa lên đầu nhau. Tom bị sưng tím một bên mắt, nhất định giấu không chịu nói vì sao). Có lẽ bà vợ sắp bỏ về với mẹ, đâu như mở một nhà chứa trọ cho các thiếu nữ ở Richmond thì phải. Thế thì bỏ nhà đi lấy chồng làm gì cho khổ? À, mà bà đã theo học ở trường nào đấy nhỉ? Tôi đã từng được thụ hưởng giáo dục tại trường Flanahan ở Ilyssus Grove gần Dublin; học phí đắt vô kể, nhưng được cái có một bà hầu tước dạy chúng tôi nói tiếng Pháp hệt giọng Pháp lại có cả một vị trung tướng trong quân đội Pháp đã về hưu dạy chúng tôi tập thể dục.

Amelia không sao hết bỡ ngỡ, vì đột nhiên thấy mình trở thành một người trong cái gia đình kỳ quái này, tức là cái gia đình có bà O’Dowd là chị cả. Đến giờ uống nước trà buổi chiều, cô được giới thiệu với các phụ nữ khác; vì cô e lệ đáng yêu lại không đẹp một cách lộng lẫy, nên họ đối với cô ra chiều cũng có cảm tình; cho tới lúc các sĩ quan trong trung đoàn 15 đến, thấy người nào cũng có vẻ chú ý tới Amelia, mấy người chị em của cô dĩ nhiên mới bắt đầu moi ra đủ mọi thứ khuyết điểm. Bà Magenis bảo với bà Bunny:

- Tôi hy vọng rằng từ nay trở đi Osborne sẽ tu tỉnh lại.

Ví thử một tay bán giời không văn tự có thể hối cải mà thành người chồng tốt, thì bà này cũng có phúc đấy.

Bà O’Dowd thì thầm với bà Posky như vậy. Bà Posky vừa bị Amelia cướp mất địa vị cô vợ mới nhất trong trung đoàn, cũng đang căm giận kẻ thoán đoạt. Bà Kirk, học trò của ngài Ramsorn, bèn ra cho Amelia vài câu hỏi thuộc về nguyên tắc đạo lý, để xem cô có thông giáo lý không, có phải là tín đồ Gia-tô giáo thực sự không. Thấy người thiếu nữ đáp lại bằng những lời lẽ đơn giản, bà này cho rằng Amelia còn đang chìm trong bóng tối dày đặc, bèn đưa tặng mấy cuốn sách đạo rẻ tiền trong có vẽ tranh minh họa... đại khái là cuốn “Sa mạc gió hú”, “Người đàn bà giặt thuê ở Wandsworth”, “Cây lưỡi lê cừ khôi nhất trong quân đội Anh quốc”. Mong cho bạn được ơn trên soi thấu trước khi đi ngủ, bà Kirk yêu cầu Amelia ngay đêm ấy nên đọc cho xong mấy cuốn sách rồi hãy lên giường nằm.

Riêng bọn đàn ông vốn là những người tốt bụng, cứ xúm xít xung quanh cô vợ xinh đẹp của bạn, giở hết vẻ hào hoa của con nhà võ ra để tỏ lòng ngưỡng mộ. Hôm ấy Amelia cũng gọi được là thắng lợi, trong lòng phấn khởi đôi mắt sáng ngời lên. George thấy vợ được chú ý cũng tỏ vẻ tự hào, vì Amelia khéo đáp lại những sự săn sóc và những lời chúc tụng của các bạn; cô rất tươi tỉnh và duyên dáng, tuy cử chỉ có phần mộc mạc và hơi e lệ một chút. Còn George trong bộ quân phục...ôi chao trong phòng đố ai nom điển trai bằng anh ta? Amelia cảm thấy chồng đang âu yếm nhìn mình; mặt cô sáng ngời lên, sung sướng vì tình yêu của chồng. Cô tự nhủ thầm quyết định thế này: “Mình sẽ tiếp đãi bạn bè của anh ấy chu đáo. Mình sẽ quý hết thảy người nào quý anh ấy. Mình sẽ hết sức vui vẻ để làm cho anh ấy vừa lòng”. Tóm lại, trung đoàn đã đón nhận Amelia rất nhiệt tình. Các đại úy đều đồng tình, các trung úy đều hoan nghênh và các thiếu úy thì đều bị “thu mất hồn”. Ông già Cutler, thầy thuốc nhà binh chêm vào vài câu khôi hài...những câu khôi hài có vẻ lính tráng quá, không tiện nhắc lại ở đây. Cackle phụ tá quân y đã từng tòng học tại Edinburgh đại học đường, ra điều muốn sát hạch cô về khoa văn chương, bèn dẫn ra ba câu thơ tiếng Pháp của mình để thử tài. Viên thiếu uý trẻ tuổi Stubble cứ đi hết người này đến người khác mà thì thầm: “Lạy Chúa, con người quả là xinh đẹp nhỉ”. Anh chàng cứ ngây người ra mà ngắm Amelia cho tới lúc rượu mang ra mới thôi.

Riêng đại úy Dobbin, suốt buổi tối hôm ấy anh ta không nói chuyện nhiều với Amelia, Dobbin cùng đại úy Porter thuộc trung đoàn 15 đưa Joe, trở về khách sạn; Joe say bí tỉ. Câu chuyện săn hổ Joe mang ra kể rất có kết quả ở quán ăn nhà binh cũng như trong buổi tiếp tân do bà O’Dowd chủ tọa với chiếc khăn to tướng trên đầu có đính lông một con chim thụy hồng. Giao ông ủy viên tài phán cho người hầu xong, Dobbin đi quanh quẩn rồi đến hút thuốc lá ở ngoài cửa khách sạn. Trong khi ấy, George choàng khăn san cho vợ cẩn thận rồi từ biệt bà O’Dowd đưa vợ về, sau khi đã bắt tay khắp mặt đám sĩ quan trẻ tuổi. Họ theo ra tận ngoài cửa để tiễn; xe ngựa chuyển bánh, họ còn đồng thanh reo to lên để chào. Về đến khách sạn Amelia bước xuống xe trao bàn tay xinh xinh cho Dobbin, mỉm cười và trách anh sao suốt buổi tối hôm ấy chẳng thèm để ý đến mình chút nào.

Sau khi khách sạn đã đóng cửa, hàng phố cũng đã tắt đèn đi ngủ cả. Dobbin vẫn còn đứng hút thuốc lá theo dõi ánh đèn tắt đi trong phòng khách của George, rồi lại sáng lên trong gian phòng ngủ kề ngay bên cạnh. Lúc anh ta trở về chỗ mình ở, trời đã gần sáng. Trên mặt sông đã nghe tiếng ồn ào vẳng lại từ những chiếc tàu thủy; những chiếc tàu này đang lấy khách và chất hàng để sửa soạn xuôi dòng sông Thames.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play