Kẻ thù dù can đảm, gan góc đến mấy mà bị đói thì cũng phải hàng phục, cho nên trong cuộc đấu tranh ta vừa miêu tả ở trên, ông Osborne không sợ đối thủ của mình. Ông tin rằng khi cạn túi, thế nào George cũng đầu hàng không điều kiện. Kể ra cũng có điều không may cho ông, vì ngay hôm hai bố con cãi nhau, George đã vớ được món tiền của bố. Nhưng ông già nghĩ ngần ấy tiền cũng không tiêu được mãi, chẳng qua ngày đầu hàng chỉ lùi lại ít lâu. Cho nên trong ít hôm, hai bố con không nhìn mặt nhau, ông bố tuy khó chịu trước sự im lặng của con nhưng vẫn yên trí; bởi vì, như lời ông lão nói, “kiến trong miệng chén còn bò đi đâu”, ông chỉ cần chờ đợi kết quả như ông dự tính. Ông có kể lại cho hai con gái nghe chuyện xích mích giữa hai bố con, nhưng lại dặn thêm đừng chú ý đến làm gì, lại bảo nếu George trở lại, cứ tiếp đón thân mật như không có chuyện gì xảy ra hết. Đến bữa ăn vẫn bày bát đĩa của George như mọi khi; ông già hình như có ý nóng ruột đợi con trai quay về thì phải, nhưng mãi vẫn không thấy mặt anh ta. Phái người đến tiệm cà-phê Slaughters hỏi thăm thì thấy nói anh ta cùng bạn là đại úy Dobbin đã rời khỏi thành phố rồi.
*
Một buổi sáng ảm đạm cuối tháng tư, mưa rơi tầm tã đổ xuống vỉa hè dẫy phố cổ có tiệm cà phê của lão Slaughters; George Osborne bước vào tiệm, mặt mày phờ phạc, tái mét, tuy anh ta diện rất bảnh. George mặc một tấm áo màu xanh nước biển có đính một khuy đồng, ngoài khoác một chiếc áo gilê bằng da, rất đúng “mốt”. Đại úy Dobbin có mặt trong tiệm cà-phê; anh ta cũng mặc bộ áo xanh có khuy đồng; tấm áo choàng nhà binh và chiếc quần màu xám nhạt thường vẫn đeo trên cái thân hình khẳng khiu của anh ta đã được cất đi. Dobbin ngồi trong quán cà phê đã đến hơn một tiếng đồng hồ. Anh ta giở hết báo nọ đến báo kia, nhưng không sao đọc được, hết nhìn đồng hồ có đến hàng chục lần, lại nhìn ra ngoài phố, mưa vẫn rơi tầm tã, người qua lại nện guốc cồm cộp để lại những cái bóng đen dài trên nền đá lát bóng loáng. Thỉnh thoảng anh ta lại gõ nhịp lên mặt bàn, hoặc cắn cụt cả móng tay (anh ta vẫn có thói quen trang điểm cho bàn tay hộ pháp của mình như vậy), rồi lại đặt chiếc thìa cho nằm chênh vênh trên miệng cốc sữa, và nghiêng cốc cho nó rơi xuống.v.v... Tóm lại, anh ta có vẻ đang băn khoăn điều gì, cố tìm những trò giải trí lặt vặt cho qua thời giờ, y như những người đang có chuyện gì ghê gớm ám ảnh tâm trí.
Vài người bạn thường đi lại ở tiệm cà-phê, nói đùa Dobbin về bộ áo lộng lẫy và cử chỉ băn khoăn của anh. Có người hỏi đùa, hay là Dobbin sắp đi cưới vợ, Dobbin cười đáp khi nào có việc vui mừng sẽ gửi biếu ông bạn (tức là thiếu tá công binh Wagstaff) một cái bánh. Cuối cùng đại úy Osborne hiện ra, diện rất bảnh nhưng sắc mặt tái nhợt, và có vẻ băn khăn như ta đã thấy. George rút ra chiếc mùi xoa màu vàng thơm sực mùi nước hoa lau bộ mặt nhợt nhạt, bắt tay Dobbin, nhìn lên đồng hồ treo trên tường, và sai John, bác hầu bàn lấy rượu ca-cao. Anh ta uống luôn hai cốc một cách vội vã. Dobbin hỏi thăm sức khỏe thế nào.
George đáp:
- Suốt đêm qua đến sáng, không chợp mắt được phút nào. Nhức đầu, và sốt kinh khủng. Chín giờ mới dạy đến Hummums tắm được một cái. Y như cái buổi sáng mình cùng Rocket ra bãi thi ngựa ở Quebec ấy Dobbin ạ.
William đáp:
- Mình cũng thấy thế. Sáng hôm ấy, mình còn hồi hộp hơn cậu nữa. Nhưng hôm ấy, cậu ăn bữa điểm tâm cẩn thận lắm, mình còn nhớ. Bây giờ hãy ăn tý gì đi đã.
- Will, cậu thật là một người bạn tốt. Mình muốn uống mừng sức khỏe của cậu, và vĩnh biệt...
Dobbin ngắt lời:
- Thôi, thôi. Hai cốc là đủ rồi. Này John, cất rượu đi. Hạt tiêu đây, cho một ít vào món gà và ăn mau mau bên, lẽ ra chúng mình phải ở đấy rồi.
Lúc hai viên đại úy nói với nhau mấy câu ngắn ngủi như vậy là khoảng mười hai giờ rưỡi. Chiếc xe ngựa của đại úy Osborne đã đợi từ lâu; hành lý của đại úy, anh hầu đã bỏ vào trong xe. Hai viên đại úy che chung một cái ô bước vội vào xe, còn anh hầu leo lên chỗ ngồi của xà ích, luôn mồm chửi trời mưa và rủa anh xà ích ngồi bên cạnh áo ẩm quá bốc hơi mù mịt. Anh hầu nói một mình như để tự an ủi: “Đến cửa nhà thờ, ta sẽ tìm một cái xe khác tốt hơn”. Chiếc xe chuyển bánh, chạy dọc phố Piccadilly, hồi ấy nhà Apsley và nhà thương St. George vẫn còn xây bằng gạch đỏ; trên những cột đèn ngoài phố vẫn thắp đèn dầu, Achilles còn chưa sinh và đài chiến thắng Pimlico() chưa dựng, mà cái bày quái vật hình như muốn nhảy qua các nóc nhà xung quanh kia cũng chưa có... Chiếc xe qua Brompton tiến về phía một ngôi nhà thờ gần phố Fullham.
Một chiếc xe bốn ngựa khác cũng đã chờ sẵn ở đó, trông giống loại xe lồng kính rất đẹp. Trời vẫn mưa rầu rĩ, chỉ có vài người vô công rồi nghề qua lại. George nói:
- Chết cha! Tôi chỉ thuê có hai ngựa thôi mà.
- Ông chủ tôi muốn dùng bốn ngựa cơ ạ.
Anh hầu của Joseph Sedley đang đứng chờ lên tiếng.
Anh này cùng anh hầu của Osborne theo George và William vào trong nhà thờ, hai người đồng ý với nhau rằng cưới xin mà không có ăn tiệc, không có hoa, thì thật “cà mèng” không thể tưởng tượng được ông bạn cũ Joe Sedley của chúng ta bước ra, nói:
- Đây rồi; George, chậm năm phút đấy nhé. Trời với đất. Lạy Chúa! Y như mùa mưa ở Bengal vậy. Nhưng xe tôi thì không mưa nào lọt vào được. Vào đi; Emmy và mẹ tôi đã ở trong kho đồ thánh rồi.
Joe Sedley trông đường bệ quá. Anh ta béo hơn trước nhiều. Cổ áo cũng may cao hơn, mặt trông đỏ hơn. Bộ cà vạt đính ở cổ áo lòa xòa rủ xuống chiếc áo gi-lê sặc sỡ. Hồi ấy chưa có những đôi ủng da véc-ni, nhưng đôi ủng cao cổ của anh ta cũng bóng nhoáng, trông như đôi ủng trong truyện cổ, có người soi vào đó mà cạo râu được. Bông hoa hồng bạch to tướng mừng đám cưới gắn trên ngực áo, trắng muốt như một cái lá mộc lan.
Thì ra George chơi nước bài liều. Anh ta sắp làm lễ thành hôn. Vì thế mặt anh ta tái mét, băn khoăn, mất ngủ suốt đêm và sáng ra thì bổi hổi bồi hồi trong dạ. Tôi đã biết trong trường hợp tương tự, nhiều người cũng có tâm trạng như vậy. Có lẽ đến lần làm lễ cưới thứ ba hay thứ tư thì cũng quen đi, nhưng lần đầu tiên thì gay go lắm.
Đại úy Dobbin kể lại cho tôi rõ rằng cô dâu mặc một tấm áo choàng bằng lụa màu nâu, đội một cái mũ rơm có băng hồng. Một tấm chàng mạng bằng voan Santily che kín mặt, đó là món quà của ông anh Joseph Sedley. Đại úy Dobbin đã đề nghị được tặng cô dâu một chiếc đồng hồ vàng có dây, hôm ấy cũng thấy cô dâu đeo. Bà mẹ cho nốt cô con gái chiếc trâm nạm kim cương, món đồ trang sức cuối cùng của bà già còn sót lại. Trong khi cuộc hôn lễ đang tiến hành, bà Sedley ngồi trên một tấm ghế khóc nức nở. Chị hầu gái người Ai len và bà Clapp phải khuyên nhủ mãi. Ông Sedley không muốn chứng kiến cuộc hôn nhân. Joe thay mặt cha; anh ta đưa cô dâu đến trước bàn thờ; đại úy Dobbin đóng vai phù rể.
Trong nhà thờ chỉ có những nhân viên hành lễ và mấy người dự đám cưới. Hai anh hầu đứng mãi tận ngoài xa nhìn vào có vẻ vênh váo. Mưa vẫn rơi tầm tã đập vào cánh cửa sổ lộp bộp. Trong những phút cuộc hành lễ tạm ngừng, nghe tiếng mưa rơi bên ngoài và tiếng bà Sedley khóc thút thít. Giọng nói của vị mục sư vang lên buồn buồn vọng vào những mảnh tường trống rỗng. Osborne nói câu “con xin ưng thuận” với giọng rất trầm. Câu trả lời của Emmy run run thốt ra tự đáy lòng nhưng không ai nghe rõ, trừ đại úy Dobbin.
Cuộc lễ xong; lần đầu tiên sau hàng bao nhiêu tháng trời Joe Sedley bước tới hôn em gái, bây giờ đã là cô dâu mới; vẻ rầu rĩ đã biến mất trên mặt George, bây giờ trông anh ta rất tươi tỉnh và kiêu hãnh. Anh ta thân maajt đặt tay lên vai Dobbin nói:
- Bây giờ đến lượt anh.
Dobbin bước tới đặt tay vào má Amelia...đoạn, họ sang kho đồ thánh để ký vào sổ chứng hôn.
- Dobbin ơi cầu chúa ban phúc cho cậu nhé.
George nắm chặt tay bạn, hình như hơi rơm rớm nước mắt; William chỉ gật đầu đáp lại. Anh ta đang bị xúc động quá, không nói được nhiều. Osborne dặn:
Phút ly biệt giữa bà mẹ và cô con gái rất cảm động; đôi vợ chồng trẻ dắt nhau lên xe:
- Mấy thằng ranh con, tránh ra đằng kia.
George quát mấy đứa trẻ đang đứng xúm xít quanh cửa nhà thờ, Đôi vợ chồng bước ra xe bị nước mưa xối vào mặt ướt hết. Quần áo anh xà ích ướt đẫm. Bọn trẻ con hò reo rầm rầm lúc chiếc xe lăn bánh, bùn bắn tứ tung.
Dobbin đứng lại trong khung cửa nhà thờ nhìn theo, vẻ mặt rầu rầu. Bọn trẻ con thấy thế cứ trêu cợt anh chàng, nhưng anh ta không để ý đến chúng, cũng như tiếng chúng cười đùa.
- Dobbin chúng ta về nhà đi ăn thôi.
Có tiếng người nói sau lưng Dobbin; một bàn tay nặng nề đặt mạnh lên vai anh, làm cho chàng tỉnh cơn mơ mộng. Nhưng viên đại úy không lòng nào ăn tiệc với Joe Sedley. Anh ta đưa bà già đang mếu máo cùng mấy người hầu lên xe của Joe Sedley, rồi, không nói thêm lời nào, từ biệt họ. Chiếc xe chuyển bánh, bọn trẻ con lại reo ầm lên chế nhạo lần nữa.
- Này đây, bọn ăn mày ranh con.
Dobbin vứt cho chúng mấy đồng xu, và bước ra ngoài mưa lủi thủi đi một mình. Thế là hết hẳn. Họ cưới nhau rồi, và họ rất sung sướng; anh chàng cầu Chúa. Từ bé, chưa hề bao giờ anh ta cảm thấy cô độc, đau khổ như lúc này. Anh chàng khát khao mong sao cho chóng qua mấy ngày đầu để gặp lại Amelia.
Khoảng mười ngày sau buổi hôn lễ vừa nói trên, ba chàng trai trẻ quen biết của chúng ta đang thưởng thức phong cảnh đặc biệt của Brighton: một bên là dẫy biệt thự có cửa sổ chấn song hoa, một bên là biển, nước xanh biếc.
Những người dân Luân đôn ngắm nhìn say sưa cảnh biển rộng, mặt nước sôi nổi như chúm chím cười, điểm lấm tấm những cánh buồm trắng, với hàng trăm chiếc ca-nô lượn sát bờ như hôn dải gấu áo màu lam của biển cả. Còn những kẻ ưa cuộc sống của con người hơn những phong cảnh kỳ thú khác thì lại hướng về phía những người ở chung nhà lấy làm khoái trá vô cùng. Tại cửa một biệt thự khác, thấy chị hầu gái Polly xinh xắn đang ôm cậu Omnium vào lòng mà vuốt ve; trong khi ấy ông bố là Jacob ngồi cạnh cửa sổ nhà dưới đang khoái trá điểm tâm món tôm bể, và đọc tờ “Thời báo”. Xa xa đằng kia là mấy chị em cô Leery đang liếc theo mấy chàng sĩ quan ngự lâm quân trẻ tuổi rong chơi trên bãi biển, hoặc là một anh chàng người Luân-đôn đang giơ chiếc ống nhòm to như cái nòng súng ca-nông bắn đạn sáu cân nhìn ra ngoài khơi y như muốn chỉ huy tất cả những thuyền du lịch, thuyền đánh cá, thuyền tắm đang bơi ra bơi vào. Nhưng chúng ta có thì giờ đâu mà tả cảnh Brighton mãi? Brighton chính là Naples, nhưng là thành phố Naples sạch sẽ, mà bọn cùng đinh là những nhà quý tộc; Brighton bao giờ cũng mát mẻ, đáng yêu, duyên dáng như bộ áo của một anh hề. Hồi câu chuyện này xảy ra, đi từ Luân-đôn đến Brighton mất bảy tiếng đồng hồ, nhưng nay chỉ mất khoảng một giờ rưỡi; và sau này khoảng cách ấy rất có thể còn rút ngắn hơn nữa trừ phi Joinville mang quân đến oanh tạc một cách không đúng lúc.
Một trong số ba người đang đi, lên tiếng:
- Con bé trong căn nhà mé trên hiệu bán đồ trang sức phụ nữ kia trông kháu quá nhỉ. Này, Crawley, có thấy lúc mình đi qua nó cứ liếc theo mãi không?
Người bạn đáp:
- Thôi ông Joe, ông đừng làm cho nàng đau khổ; ông Don Juan ơi, chớ đùa cợt với tình yêu của nàng.
- Cứ để mặc tôi.
Joe Sedley khoái trí lắm, vừa nói vừa lấy điệu bộ thật tình tứ liếc mãi chị hầu gái nói trên. Lần này đi chơi Brighton, trông Joe còn sang trọng hơn cả lúc dự lễ cưới em gái. Anh ta mặc mấy cái gilê thật là “mốt”; một cậu công tử xoàng chỉ cần một cái cũng đã đủ thích. Anh ta lại mặc một tấm áo kiểu nhà binh, với đủ mọi thứ lon hoa và khuy đồng đen, cùng những đường thêu vằn vèo. Gần đây, cu cậu lại đâm ra cũng kéo lê đôi ủng có cựa gót kêu lanh canh, cũng ưỡn ngực vênh vang, và tròn mắt lên mà liếc tất cả những chị hầu gái gọi là “ngon mắt” một tý.
Chàng công tử hỏi hai bạn:
- Trong lúc chờ các bà ấy quay lại, chúng mình làm cái gì bây giờ?
“Các bà ấy “ đang ngồi xe của anh Rottingdean.
Một người to lớn có bộ râu vuốt xi đen góp ý kiến:
- Ta chơi vài ván bi-a.
Joe hơi hoảng đáp:
- Thôi, thôi, ông đại úy ơi! Hôm nay không chơi bia-a nữa. Crawley ạ, chơi hôm qua thế là đủ rồi.
Crawley cười nói:
- Anh chơi cừ lắm. Đúng không, Osborne? Năm cú liền hôm qua, anh ta chơi cừ quá.
Osborne đáp:
- Tuyệt lắm, Joe thật là một nhân tài trong làng bi-a; những môn khác chơi cũng giỏi. Ước gì ở đây có tổ chức săn hổ nhỉ? Chúng mình rất có thể tham dự và giết chơi vài con trước khi về ăn cơm. (Con bé nào đang đi kìa! Joe, nom cái cổ chân xinh quá, hả?). Kể cho nghe lại câu chuyện săn hổ đi; anh gặp hổ trong rừng rậm thế nào nhỉ? Này, Crawley, chuyện hay lắm nhé. Nói đến đây, George ngáp một cái, tiếp:
- Thời giờ cứ đằng đẵng ấy nhỉ, chậm quá. Ta làm cái gì bây giờ?
Crawley đề nghị:
- Hay là chúng ta đi xem mấy con ngựa vừa đem từ Hội chợ Lewes về đây.
- Joe định bắt cá hai tay ():
- Sao chúng mình lại không đi chén bánh ngọt ở quán Dutton nhỉ. Con bé ở nhà Dutton nom kháu ra phết.
George bàn:
- Ta đi đón xe “Tia chớp” đi, đến giờ xe về rồi đấy.
Ý kiến này được tán thành. Cả ba quay lại trạm xe ngựa để chờ xe “Tia chớp” về.
Đang đi, họ gặp chiếc xe ngựa trần mui của Joe, trên có sơn huy hiệu riêng lộng lẫy. Ở Cheltenham, anh ta vẫn thường ngự trên chiếc xe lộng lẫy này đi chơi một mình trong tỉnh, trông bệ vệ ra phết, tay khoanh trước ngực, đầu đội mũ vành bẻ tam giác; cũng đôi khi may mắn hơn, có cả đàn bà ngồi bên cạnh.
Lúc này thấy có hai cô thiếu nữ ngồi trên xe; một người bé nhỏ, tóc nâu nhạt, ăn bận theo “mốt” tối tân nhất; người kia mặc một tấm áo lụa màu nâu, đội mũ nan có băng màu hồng, khuôn mặt tròn trĩnh, hồng hào, hớn hở, trông rất ưa nhìn. Xe đến gần ba người đàn ông, thì cô nói sau kìm ngựa lại; dường như vì cử chỉ “oai phong” của mình vừa rồi mà cô ta luống cuống, đỏ ửng mặt lên, trông đến buồn cười, và nói:
- George, chúng em đi chơi vui lắm... bây giờ về, thích quá Anh Joseph, đừng bắt nhà em về muộn nhé.
Rebecca giơ một ngón tay xinh xinh lồng trong chiếc bao da dê kiểu Pháp dọa Joe:
- Anh Sedley ơi? Đừng rủ rê các ông chồng chúng tôi chơi bời bậy bạ nhé, anh là hư lắm đấy. Không chơi bi-a, không hút thuốc lá, không ngỗ ngược.
- Chị Crawley thân mến...A...Tôi xin lấy danh dự mà hứa... Joe chỉ nói được có thế. Nhưng anh ta đã chú ý lấy một điệu bộ rất cầu kỳ, nghiêng nghiêng cái đầu mỉm cười nhìn “cố nhân”, một tay chắp sau lưng chống một cái can, một tay (cái tay đeo nhẫn kim cương) đưa lên nắn nắn chiếc cà-vạt và vuốt chiếc gi-lê. Chiếc xe chuyển bánh, anh ta còn giơ bàn tay đeo nhẫn gửi theo một cái hôn cho hai người đàn bà. Joe ước gì tất cả Cheltenham, Chowringhee, tất cả Calcutta được nhìn thấy anh đang vẫy chào một con người tuyệt sắc như vậy, và đang đi chơi cùng một tay nổi tiếng phong lưu là Rawdon Crawley trong đội ngự lâm quân.
Sau khi lấy nhau, cô dâu chú rể chọn Brighton làm nơi nghỉ ngơi hưởng thú trăng mật. Họ thuê mấy căn phòng tại khách sạn “Thủy quân”, sung sướng hưởng thụ hạnh phúc êm đềm của mình trong thời gian chờ đợi Joe cũng ra đấy. Mà cũng chẳng phải họ chỉ có Joe là bạn ở đây. Một buổi chiều đang đi men theo bờ biển trở về khách sạn, họ gặp hai vợ chồng Rebecca. Hai cặp vợ chồng mới cưới nhận ra nhau ngay. Rebecca ôm chầm lấy cô bạn thân nhất đời.
Crawley hoan hỉ nắm tay Osborne rung tít. Chỉ mấy giờ sau, Becky đã tìm được cách khiến cho George quên hẳn mấy câu dấm dẳng cô ta nói với anh chàng hồi nọ. Đại úy Osborne còn nhớ không nhỉ, cái lần ta gặp nhau tại nhà Crawley phu nhân ấy mà, em có hơi thiếu lịch sự đối với anh. Hồi ấy, em cứ yên trí anh thờ ơ với chị Amelia thân yêu của em. Em giận quá, thế là đâm ra hỗn xược, tàn nhẫn, và vô ơn nữa cơ chứ. Anh tha lỗi cho em nhé! Rebecea, rất thẳng thắn, rất duyên dáng, chìa tay ra cho Osborne bắt; anh chàng đành giơ tay ra thôi. Cứ thẳng thắn và khiêm tốn mà nhận rằng mình có lỗi đi, có khi vì vậy mà thu lợi nhiều không biết chừng cơ đấy. Ngày trước tôi có quen một người sang trọng, vốn là tay hâm mộ Hội chợ phù hoa; tính ông ta thường hay gây ra những chuyện phiền lòng nho nhỏ làm tội những người xung quanh, cốt để về sau lại rất anh hùng, rất thẳng thắn mà xin lỗi họ…kết quả thế nào? Nghĩa là ai cũng đâm ra mến ông bạn Crocky Doyle của tôi; họ bảo rằng tính ông ta có hơi nóng, nhưng bản chất là người tốt nhất đời đấy. Cho nên thái độ khiêm tốn của Becky được Osborne coi là rất chân thành.
Hai cặp vợ chồng trẻ không thiếu gì chuyện kể cho nhau nghe. Họ tranh cãi về chuyện cưới xin của nhau. Hai bên thảo luận về những kế hoạch xây dựng tương lai hết sức thẳng thắn và nhiệt tình. Họ ấn định sẽ giao cho Dobbin việc báo cho ông già Osborne biết tin con trai ông lấy vợ.
Osborne cứ nghĩ đến cuộc gặp gỡ sẽ xảy ra cũng đủ rùng mình. Rawdon thì vẫn đặt mọi hy vọng vào Crawley phu nhân, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Không có cách nào mò vào trong ngôi nhà ở Đường công viên được, hai vợ chồng anh cháu trai đành bám sát bà lão về Brighton, tay chân của họ lúc nào cũng túc trực sẵn sàng trước cửa nhà bà để nghe ngóng.
Rebecca cười nói:
- Chị ạ, giá chị được nhìn thấy mấy ông bạn quý của Rawdon lúc nào cũng rình ở cửa nhà em. Chị đã bao giờ nhìn thấy một lão chủ nợ hay là một bác mõ tòa có tay sai đi kèm chưa? Tuần trước, có hai thằng quái ác nó cứ ngồi bên hàng hoa quả trước cửa rình suốt cả tuần lễ, đến nỗi chủ nhật chúng em mới dám thò mặt ra đường. Nếu bà cô không nghĩ lại, không hiểu rồi chúng em làm ăn ra sao?
Rawdon cười ầm lên, kể lại đến một tá chuyện lý thú về lão chủ nợ và cách Rebecca nói năng khéo léo với hắn ta như thế nào. Anh ta thề ầm ĩ lên rằng cả Âu châu này ít có người đàn bà nào đuổi khéo bọn chủ nợ tài tình bằng vợ mình. Hầu như ngay sau khi lấy nhau, Rebecca đã có dịp sử dụng tài nghệ của mình và anh chồng thấy ngay vợ mình là một con người vô giá. Hai vợ chồng vẫn được nhiều người tín nhiệm, nhưng cũng có vô số văn tự nợ, riêng khoản tiền mặt thì bao giờ cũng kiết xác. Những chuyện nợ nần ấy có làm cho Rawdon bớt vui vẻ không? Không; trong Hội chợ phù hoa, ai mà chẳng đã thấy có khối người nợ đìa ra mà vẫn ung dung ra phết; họ chẳng thiếu thứ gì, mà tâm trạng thì cứ phởn phơ thoải mái như không. Hai vợ chồng Rawdon thuê một ngôi nhà đẹp nhất ở Brighton, ông chủ trọ, mỗi khi bưng đĩa thức ăn đầu tiên của bữa cơm lên, lại cúi rạp xuống mà chào y như họ là những vị khách quý quen thuộc. Rawdon thì cứ tha hồ chê bai các bữa ăn và các thứ rượu, bạo mồm chẳng kém chẳng thua gì những tay tai to mặt lớn trong vùng. Thì ra nhiều khi những thói quen ông hoàng, một bộ cánh và một đôi ủng thật bảnh, kèm theo một dáng điệu khệnh khạng, cũng có thể thay thế cho một khoản lớn ở nhà băng được.
Hai cặp vợ chồng đến chơi nhà nhau luôn. Sau hai ba ngày, hai người đàn ông tổ chức chơi pich-kê, còn hai cô vợ ngồi riêng một chỗ chuyện trò tri kỷ. Nhờ có thú tiêu khiển này, và nhờ có Joe Sedley ngự trên chiếc xe ngựa mui trần to tướng cũng ra chơi vài ván bi-a, thành ra cái ví Rawdon đầy lên đôi chút và có tiền mặt mà tiêu, cái khó mà nhiều khi các bậc thiên tài trác tuyệt cũng phải bó tay không vượt qua nổi.
Thế là ba người đàn ông cùng đi ra đón xe “Tia chớp”.
Đúng giờ, không sai một phút, chiếc xe chật ních những người tiến đến; người gác cổng tỉnh thổi một hồi tù và thường lệ; chiếc “Tia chớp” chạy như bay qua phố, tiến về trạm xe.
George kêu ầm lên, thú quá, khi nhìn thấy ông bạn nối khố ngồi ngất ngưởng trên mui xe; anh ta hứa đến thăm ngay mà bây giờ mới thấy mặt:
- Hoan hô, Dobbin kia rồi.
- Nào, ông tướng, khỏe mạnh chứ? Cậu về chơi, mình vui quá. Emmy gặp cậu chắc mừng lắm đấy.
Osborne nồng nhiệt bắt tay bạn ngay lúc Dobbin vừa xuống xe; đoạn anh ta thấp giọng, lo lắng hỏi:
- Có tin tức gì không? Anh lại khu phố Russell chưa? Ông cụ bảo sao? Kể lại mình nghe hết cả đi.
Dobbin vẻ mặt nhợt nhạt đăm chiêu, đáp:
- Tôi gặp ông cụ rồi, Amelia... à, chị George thế nào? Để tôi kể lại mọi chuyện anh nghe; nhưng đây là tin quan trọng nhất; nghĩa là...
- Nói phăng ra, ông tướng.
- Chúng ta được lệnh sang Bỉ. Tất cả binh đoàn, cả đội ngự lâm quân. Heavytop bị bệnh thống phong; ông ta đang phát điên lên vì không đi lại được. O’Dowd sẽ tạm quyền chỉ huy. Tuần sau chúng ta lên tầu ở Chatham.
Tin về cuộc chiến tranh không khỏi khiến hai vị tân lang của chúng ta xúc động mạnh mẽ; vẻ mặt ba người đàn ông trông đăm chiêu hẳn đi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT