Ngải Mễ không rõ mình đã nằm trên giường bao nhiêu ngày, đối với cô, thời gian không còn có ý nghĩa gì nữa, cô không quan tâm gì hết, không muốn nghĩ gì nữa, tất cả mọi thức đều đã trở nên vô nghĩa. Mẹ cũng không dám giục cô về trường nữa mà chỉ gọi điện xin phép thầy cô giáo cho cô nghỉ, mẹ còn kiếm đâu ra giấy chứng nhận của bác sĩ, nói cô mắc chứng Meniere. Hướng Hoa, cô bạn học chơi thân, thường xuyên gọi điện cho cô thông báo tiến độ học hành, có lẽ cũng do mẹ cô nhờ, nhưng cô chỉ nghe cho qua chuyện, cảm ơn rồi không nói gì thêm.
Hằng ngày cô phải gắng gượng ngồi dậy ăn cơm với bố mẹ, vì nếu cô không ăn, họ sẽ vào phòng gọi cô, khuyên nhủ cô khiến cô vô cùng mệt mỏi, thôi thà ăn qua loa cho xong chuyện còn hơn.
Bố mẹ còn thường xuyên đi tìm người quen để giúp, họ gọi tắt việc đó là “chạy”, kiểu như: “Hôm nay không có giờ, mình lại chạy đi xem thế nào em nhé!” Hoặc: “Hôm nay chạy cả ngày mà chẳng có kết quả gì.”
Mẹ còn thường xuyên sang báo cáo tình hình của ngày “chạy” hôm đó với cô, cô lạnh lùng nói: “Việc này thì có liên quan gì đến con? Bố mẹ cũng đừng chạy đi chạy lại nữa, để bố mẹ Jane chạy cho anh ta, nếu con gái họ mang bầu con của anh ta thì anh ta là con rể của họ còn gì, nhạc phụ, nhạc mẫu giúp con rể được rửa tội chẳng phải chuyện đương nhiên hay sao?”
Mẹ luôn nhìn cô với ánh mắt lo lắng nhưng không dám nói gì. Sau đó cô nghe thấy mẹ nói với bố: “Anh à, em nghĩ mình không nên quản chuyện của Thành Cương nữa, quan tâm sát sao quá người khác lại nghi ngờ đối tượng khiến nó thay lòng đổi dạ là Ngải Mễ thì sao?”
Bố thì rất cố chấp. “Ai lại bắt bóng đè chừng[1], nói không thành có như thế? Ngải Mễ còn trẻ con, làm sao Thành Cương nhắm vào nó được? Anh giúp Thành Cương vì anh tin cậu ta là người vô tội, thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, anh không dám chắc, nhưng giúp hay không là điều anh tự quyết định. Người ta nghĩ thế nào là chuyện của người ta, anh không quan tâm. Sau này em không phải chạy nữa, em nhiều giờ như thế, lại còn phải chăm sóc Ngải Mễ, để anh chạy một mình là được rồi.”
[1] Ý là dựa vào những sự kiện không chắc chắn mà phỏng đoán.
Thấy bố nói vậy, Ngải Mễ tức lắm, rất muốn phản bác nhưng lại thấy những điều bố nói cũng đúng. Làm sao Allan có thể thay lòng đổi dạ sang mình được? Mình chỉ là miếng mỡ tự đưa vào miệng mèo, vì Jane có bầu, không làm tình được nên mới lôi mình ra làm công cụ giải quyết nhu cầu sinh lý mà thôi.
Mẹ vẫn cố gắng tranh thủ thời gian đi với bố, vì mẹ sợ bố không khéo khoản nói năng, lại làm hỏng việc. Mỗi lần trước khi ra khỏi hà, mẹ đều dặn dò Ngải Mễ: “Đừng có nghi ngờ linh tinh, chuyện gì cũng phải nhìn thấy tận mắt mới tin, người ta nói gì cũng chỉ nói về một khả năng nào đó thôi, hoặc ở tình huống bình thường sẽ xảy ra điều đó, nhưng mọi chuyện đều có ngoại lệ.”
Mặc dù những điều mẹ nói cứ như châm ngôn, vừa bao hàm mọi ý nghĩa vừa khó hiểu, nhưng Ngải Mễ biết mẹ đang lo lắng điều gì, bèn thẳng thắn nói: ‘Nếu mẹ lo con sẽ tự tử sau khi nghe thấy những chuyện trăng hoa của Allan thì mẹ nhầm rồi. Con không ngớ ngẩn như vậy đâu, anh ta không yêu con thì tội gì con phải yêu anh ta?” Rồi cô nói đùa: “Kể cả có muốn chết thì con sẽ chẳng bao giờ tự sát, con sẽ đi cứu người, làm một vị anh hùng để bố mẹ tự hào, cũng phải để người khác tưởng nhớ và lấy con làm gương chứ.”
Mẹ dặn dò mấy lần, thấy đúng là Ngải Mễ không làm chuyện gì dại dột nên cũng yên tâm hơn, dịu giọng nói: “Con gái mẹ là người thông minh, suy nghĩ rất thấu đáo trong chuyện này. Người ta nói tình yêu giống như lên sởi, người nào cũng bị lên sởi một lần trong đời, nhưng lên một lần rồi thì suốt đời sẽ được miễn dịch. Thế nên mới nói yêu hay không yêu chỉ là chuyện trong một khoảng thời gian, có lúc cảm thấy không có người này mình không thể sống nổi, nhưng cắn răng chịu đựng vài ngày là quên được ngay thôi.”
Đến khi bố mẹ ra khỏi nhà, Ngải Mễ khóc một trận cho thỏa lòng. Cô biết mình sẽ không muốn làm bố mẹ đau khổ, nhưng cô thật sự thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa, cùng lắm chỉ là sống vật vờ cho qua ngày đoạn tháng mà thôi. Cô không biết mình lấy đâu ra nhiều nước mắt như vậy, dường như chảy mãi mà không cạn. Dường như trong lòng cũng không nghĩ gì, cũng không nghĩ đến ai nữa, chỉ cảm thấy tất cả mọi cái đều đáng khóc mà thôi.
Khóc xong rồi, cô lại vội lấy nước lạnh vã lên mặt, lấy khăn đắp lên mắt để bố mẹ không phát hiện ra cô đã khóc.
Mấy lần, cô cũng ra ngoài ngó nghiêng tình hình, xem xem có cơ hội cứu người hay không nhưng không gặp được. Cô còn nhớ có một thầy giáo, vì cứu học sinh ngã ở đường ray nên đã hy sinh, cô chạy đến bến tàu điện ngầm ngó xem thì thấy đường ray cách mặt đất rất xa, cô không biết thầy giáo đó đã đưa học sinh lên mặt đất bằng cách nào, có thể không phải ở bến tàu điện ngầm này. Hơn nữa bên cạnh cũng không có trẻ con, những người khác cũng có vẻ như không thể rơi xuống đó. Cô cũng đã đến mấy cái hồ, có trẻ con đang chơi đùa bên cạnh hồ nhưng không có đứa nào ngã xuống. Cô đứng tần ngần bên hồ đợi một lát, lại bị một bác gái kéo vào, chắc sợ cô có ý định tự tử. Mấy lần đi loanh quanh đều không thu hoạch được gì, trong lòng dấy lên nghi ngờ những vị anh hùng ra tay cứu người đó có lẽ suốt ngày phải lang thang ở ngoài mới có thể gặp được cơ hội như thế.
Mỗi lần về nhà, mẹ đều báo cáo tình hình với cô, cô chẳng buồn nghe nhưng mẹ vẫn kể. Chạy bao nhiên lâu rồi nhưng cũng chỉ nghe ngóng được rất ít thông tin, tất cả đều rất vụn vặt. Ngải Mễ tự quy nạp trong đầu những thông tin đó thành những điểm sau:
Hung khí gây ra cái chết của Jane là một con dao cạo của tiệm “Thiên hạ đệ nhất kéo”, loại dao mà thợ cắt tóc hay dùng, rất sắc. Vì con dao này mà ông Mạnh và hai thanh niên gần đây cắt tóc ở đó đã liên lụy, bị “thu thẩm”. Con dao này cũng là nguyên nhân kết luận Jane không tự sát mà là bị người khác giết, vì cơ quan công an không tin Jane lại đi ăn trộm dao cạo của người khác từ “Thiên hạ đệ nhất kéo” để mang về tự sát, trong nhà không phải không có dao, việc gì phải đi ăn trộm dao? Jane là giảng viên trường Đảng, chắc chắn sẽ không đi ăn trộm đồ.
Allan cũng rất hay đến “Thiên hạ đệ nhất kéo” cắt tóc, dĩ nhiên là có cơ hội kiếm một con dao, nhưng ông Mạnh nói con dao cạo đó bị mất trước khi chuyện xảy ra hai, ba ngày, trong khi trong danh sách khách hàng đến cắt tóc mới đây của ông Mạnh lại không có tên Allan. Dĩ nhiên điều này cũng không nói lên vấn đề gì, vì ông Mạnh cũng không thể ở tiệm 24/24 giờ đồng hồ mà còn ra căn phòng đằng sau tiệm lấy đồ, nấu cơm, chọc lò, đun nước, và ông thường xuyên phải làm những việc này, ai cũng có thể lấy đi con dao đó.
Jane là người thuận tay trái nhưng vết dao chí mạng lại cắt trên cổ tay trái, đây là bằng chứng quan trọng nhất loại trừ khả năng tự sát. Thử nghĩ mà xem, một người cầm dao bằng tay trái thì cắt được cổ tay trái của mình hay không?
Thi thể của Jane được phát hiện trong phòng ngủ của Allan, phòng không có dấu vết vật lộn, chống trả gì. Lúc bố mẹ Jane từ nhà người bạn về, bố Jane lấy chìa khóa ra mở cửa, vì đèn ngoài cửa hỏng nên ông định vào phòng khách bật đèn, kết quả là giẫm phải cái gì đó rất trơn và ngã sõng soài. Mẹ Jane ra đỡ ông, rồi cũng ngã. Bố Jane ngã rất đau, không thể bò dậy được, mẹ Jane phải mất khá nhiều sức mới mở được vào phòng khách bật đèn, đèn bật lên thì thấy nền nhà lênh láng máu, người hai ông bà cũng toàn máu là máu.
Lúc đầu họ còn tưởng là mình ngã và bị thương, kiểm tra hồi lâu mới phát hiện ra không phải máu mình, bèn lần theo vết máu để tìm, tìm vào phòng ngủ của Allan thì bà Giản mới hãi hùng khi nhìn thấy con gái nằm trên giường, chăn đắp trên người, tay trái thò ra ngoài giường, máu chảy lênh láng dưới nền nhà…
Bà Giản lao đến bên giường, phát hiện người con gái đã lạnh cóng. Hai ông bà tức tốc gọi xe cấp cứu rồi báo cảnh sát. Jane được đưa đến bệnh viện nhưng chẳng mấy chốc đã nhận được tin không thể cứu vãn được nữa.
Cơ quan công an cho rằng hiện trường đã bị phá hoại, nhưng căn cứ vào vết máu dưới nền nhà, họ kết luận rằng hiện trường gây án là lối đi ở ngoài, sau đó hung thủ đưa người bị hại lên giường và tạo hiện trường tự sát giả.
Trên bàn có một bức thư tuyệt mệnh, viết bằng giọng của Jane. Nhưng hành văn rất rành mạch, văn vẻ, không giống với bức thư do người chuẩn bị tự sát viết. Điều tra cho thấy, nét bút rất giống nét bút của Thành Cương. Lá thư tuyệt mệnh nêu rõ là viết gửi Thành Cương, hung thủ tạo thư tuyệt mệnh giả là điều thường gặp, nhưng lại tạo một bức thư tuyệt mệnh gửi cho mình thì lại hơi khó giải thích. Không loại trừ khả năng hung thủ chơi bài cao tay, đánh lừa cơ quan điều tra.
Căn cứ vào hung khí, cơ quan công an đã tìm đến ông Mạnh – chủ tiệm cắt tóc “Thiên hạ đệ nhất kéo”, đồng thời lấy ở chỗ ông một danh sách ghi tên các khách hàng nam mới cắt tóc ở đó, tối hôm đó công an đã áp giải ông Mạnh và hai thanh niên cắt tóc ở đó đến đồn công an, thu thẩm chờ điều tra.
Tối hôm xảy ra vụ án, cơ quan công an đã liệt Allan vào đối tượng bị tình nghi số một, vì lá thư tuyệt mệnh viết cho anh, xác nạn nhân được phát hiện trong phòng ngủ của anh, và cuối tuần anh thường về nhà, nhưng hôm đó lại không về, có thể dự đoán là sợ tội bỏ trốn. Cơ quan công an đã bảo bố mẹ Jane tìm giúp tung tích của Allan, mẹ Jane liền tìm mấy số điện thoại trong sổ điện thoại của con gái và gọi từng số một, cuối cùng đã tìm ra Allan.
Vì có bốn người làm chứng cho Allan việc anh chàng không có mặt tại hiện trường nên cơ quan công an không coi anh chàng là tội phạm để bắt giữ mà đưa anh chàng vào đồn thu thẩm. Nguyên tắc thu thẩm là thà giam nhầm ngàn người vô tội chứ không để lọt lưới một hung thủ. Một người vô tội bị giam trong đồn thu thẩm, chỉ là anh ta tạm thời mất đi tự do, nhưng nếu để một hung thủ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì rất có thể sẽ gây ra nhiều vụ án kinh động hơn. Dựa trên nguyên tắc này bên công an chỉ thả cho ông Mạnh cao tuổi, già nua về nhà.
Hiện tại Allan vẫn là nghi phạm số một, mọi đầu mối đều chĩa vào anh chàng, mọi chứng cứ đều bất lợi cho anh ta, lời thanh minh duy nhất cho anh ta là bốn người chứng minh anh ta không có mặt tại hiện trường, nhưng anh ta có thể có một đồng bọn tiếp tay gây án. Hôm bị bắt, trong túi anh ta có hơn năm trăm đô la Mỹ, gần năm trăm đô la Mỹ, gần năm nghìn nhân dân tệ, không loại trừ khả năng đó là tiền thù lao trả cho kẻ được thuê gây án.
Nghe thấy những điều này, không hiểu sao, Ngải Mễ cảm thấy rất giống với những tình tiết đã đọc được trong một cuốn sách nào đó, đặc biệt là chi tiết bố mẹ Giản Huệ ngã, tưởng mình ngã chảy máu, cô dám khẳng định đã đọc được ở đâu đó. Thật sự không biết cuộc sống mô phỏng nghệ thuật hay nghệ thuật mô phỏng cuộc sống?
Cô thầm cười khẩy, tại sao đám công an kia không nhận ra Allan chắc chắn sẽ không giết Jane nhỉ? Anh chàng yêu Jane như thế, yêu đến mức có cả con với cô ta thì làm sao anh ta giết Jane được? Cô có thể dễ dàng bác bỏ những suy đoán của bọn họ.
Cô cho rằng, mọi vật chứng đều chứng minh được rằng Jane đã tự sát.
Trước hết, Jane để lại thư tuyệt mệnh, Ngải Mễ không được đọc lá thư đó nên không biết bên trong viết gì, nhưng chắc chắn là viết về lý do tự sát. Nét bút trong bức thư tuyệt mệnh rất giống với nét chữ Allan vì Jane yêu Allan, yêu nhau yêu cả đường đi, đến nét chữ của anh chàng cũng yêu nên đã cố gắng bắt chước nét chữ của anh ta. Còn về việc bức thư tuyệt mệnh viết rất rành mạch thì chỉ có thể nói là Jane đã lên kế hoạch từ lâu, lá thư này đã được viết sẵn trong đầu hàng ngàn lần, hoặc có khi đã được viết từ trước rồi.
Ngải Mễ tin rằng có thể Jane đã lấy con dao cạo ở tiệm “Thiên hạ đệ nhất kéo” để tự sát. Trong nhà Jane có dao nhưng dao có sắc không? Nếu Jane đã có ý định tự sát thì chắc chắn chị ta phải quyết tâm đạt được mục đích. Thử tưởng tượng dùng một con dao cùn để cứa đi cứa lại cổ tay mình, có khi lòng can đảm để tự sát cũng bay mất tiêu rồi ấy chứ? Đương nhiên con dao nhà Jane cũng có thể đủ độ sắc, nhưng làm sao mà Jane biết được? Chị ta đã thí nghiệm bao giờ đâu, và cũng không thể thử, nhưng chắc chắn chị ta biết dao cạo rất sắc, chỉ cần nhìn vẻ sáng loáng đó là biết được điều này.
Jane có thể dễ dàng kiếm con dao của tiệm “Thiên hạ đệ nhất kéo”, ngày nào chị ta cũng đi qua đó, nhìn thấy bên trong không có ai là lẻn vào lấy đi thôi. Chắc chắn trong tiệm khá nhiều dao cạo, ông Mạnh để mất một con, chắc cũng chẳng để ý. Nói cô giáo trường Đảng sẽ không đi lấy trộm con dao cạo chỉ là quy luật bình thường, mọi sự việc đều có trường hợp ngoại lệ, và bản thân một người có ý định tự sát cũng đã có suy nghĩ khác người bình thường. Chết còn không sợ thì sợ gì việc lấy trộm một con dao cạo?
Jane thuận tay trái, nhưng giường Allan lại giáp tường phía bên phải, chị ta muốn nằm trên giường ở vị trí anh đã từng ngủ, tưởng tượng mình đang nằm trong lòng anh, nhưng chị ta không muốn máu chảy trên giường nên đã cắt cổ tay trái, như thế có thể thò tay trái ra ngoài. Tại sao lối đi lại có máu, Ngải Mễ không muốn nghĩ nhiều, có thể là từ phòng ngủ của Allan chảy ra, cũng có thể là Jane cắt cổ tay ở đó, đợi đến khi máu chảy nhiều rồi mới nằm lên giường. Những tình tiết có liên quan đã khiến cô sởn gai ốc, lợm giọng buồn nôn nên quyết định sẽ không nghĩ nữa.
Ngải Mễ nhớ là Jane viết tay phải, vì họ đã cho nhau số điện thoại, nếu Jane viết tay trái, chắc chắn cô sẽ có ấn tượng rất sâu. Kiểu thuận tay trái này rất hay gặp ở Trung Quốc, tức là ăn cơm, làm việc dùng tay trái nhưng khi viết chữ lại viết bằng tay phải, có thể là ở trường cô giáo chỉ dạy viết chữ bằng tay phải, cũng có thể những người thuận tay trái bị coi là lạc loài, thế nên những hoạt động huấn luyện chính quy đều dùng tay phải. Những việc phức tạp như viết chữ Jane còn làm được bằng tay phải, lấy tay phải cắt cổ tay trái thì có gì khó khăn đâu? Thậm chí cô còn nhớ rằng Jane đan áo len cũng để tay phải tiến trước. Có thể mọi thói quen hình thành từ nhỏ đều là tay trái, nhưng những cái học được sau này đều là tay phải.
Nhưng có một điểm Ngải Mễ không tài nào giải thích nổi là động cơ tự sát của Jane. Jane mang bầu con của Allan, kể cả Allan thay lòng đổi dạ thì ít nhất chị ta còn có cốt nhục của anh chàng, như thế cũng đủ để an ủi chị ta cả đời rồi. Hơn nữa một người sắp làm mẹ rồi, tại sao lại nghĩ đến chuyện tự tử nhỉ?
Chẳng lẽ Jane không biết mình có bầu ư? Như thế càng không có động cơ tự sát.
Nếu không có động cơ tự sát thì khả năng lớn nhất là bị mưu sát, nhưng hung thủ không thể là Allan mà là một người khác. Jane quen với khá nhiều người có địa vị trong xã hội và cũng có không ít người theo đuổi, liệu có phải vì ghen tuông mà giết hại chị ta không nhỉ? Ví dụ anh chàng thuộc phòng tổ chức đó, nếu anh ta một lòng theo đuổi Jane nhưng phát hiện ra Jane yêu người khác và còn có con với người đó, anh ta hoàn toàn có thể nổi trận lôi đình, cơn ghen lấn át lý trí, lấy trộm con dao cạo ở tiệm “Thiên hạ đệ nhất kéo”, trong buổi tối thứ Sáu đó, ngon ngọt gọi Jane ra mở cửa, sau đó giết chị ta, rồi còn sắp đặt hiện trường như tự sát. Hoặc là anh chàng trưởng phòng trinh sát hình sự đó cũng quen Jane, không biết có phải là đối tượng theo đuổi Jane nhưng không thành hay không?
Lá thư tuyệt mệnh cũng rất dễ giải thích, hung thủ có thể ép Jane viết là thư đó, hoặc giả danh Jane để viết. Ngải Mễ không đọc được lá thư đó nên không biết nội dung, nhưng cô rất tin tưởng rằng nếu được đọc, cô sẽ biết rốt cuộc do Jane viết hay do hung thủ viết.
Ngãi Mễ đã nghĩ điến những vấn đề này nhưng cô cũng chẳng buồn nói với mẹ những phân tích của cô, vì cô biết Allan không giết Jane, cô tin rằng bên công an sẽ sớm nhận ra điều đó. Kể cả bên công an không nhận ra được điều đó thì cô cũng không lo, vì Jane đã chết rồi, đứa con trong bụng chị ta cũng không còn nữa. Allan yêu Jane và con như thế, chắc chắn trái tim anh chàng cũng đã chết, cuộc sống còn có ý nghĩa gì với anh ta nữa? Có thể nguyện vọng lớn nhất của anh chàng bây giờ là mong chết sớm mà thôi.
Cô cố gắng để không tưởng tượng ra cảnh hiện tại Allan thương xót Jane và đứa con của anh ta như thế nào, nhưng có thể nhìn thấy rõ mồn một cảnh Allan nước mắt lưng tròng. Một lần cô mơ thấy Allan khóc vì nhớ Jane và con, đến lúc đau đớn cực độ, thứ chất lỏng tuôn ra từ đôi mắt đen tròn của anh ta không phải nước mắt mà là máu. Cô cũng khóc nức nở và tỉnh giấc, chỉ mong mình được đổi vị trí cho Jane, như thế Allan không phải khóc vì Jane, mà là khóc vì cô.
Cô biết Allan là người phản đối tự sát, trong luận văn của mình, anh ta đã trình bày rõ quan điểm này, vì thông điệp anh ta đưa ra trong luận văn là “tình yêu tuy giá trị nhưng sinh mệnh đáng quý hơn”, anh ta đã nói về tính bất xác định và tính không thể nắm bắt của tình yêu, cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản khiến các nhân vật trong tác phẩm văn học chết vì tình yêu. Tuy nhiên, ý nghĩa tích cực của việc chết vì tình yêu đã không còn tồn tại cùng với sự thay đổi của chế độ xã hội, chế độ hôn nhân. Trong thời hiện đại, những người chết vì tình yêu như Chúc Anh Đài đã không còn mang ý nghĩa xã hội tích cực nữa, thế nên chết vì tình yêu không còn xứng đáng được ca ngợi nữa. Con người cần trân trọng sự sống mình, vì đối với chúng ta, sự sống chỉ có một lần duy nhất, và chúng ta có thể dùng nó để làm rất nhiều việc có ý nghĩa hơn là việc chết vì tình yêu.
Ngải Mễ biết một người như Allan về mặt lý thuyết cực lực phản đối người tự sát sẽ không tự sát vì người yêu và đứa con của mình, nhưng không tự sát không có nghĩa là không muốn chết, không tự sát không đồng nghĩa với việc cuộc sống tràn ngập niềm vui. Anh ta chỉ sống vì không muốn làm trái lý thuyết của mình, cuộc sống đó sẽ nặng nề và tẻ nhạt biết bao.
Cũng có thể hiện tại Allan đã thừa nhận với công an rằng anh ta đã giết Jane, thế nên công an mới không thả anh ta ra. Như thế anh ta có thể mượn tay cơ quan công an thực hiện kế hoạch làm cho mình được chết chóng vánh, để đi theo người đàn bà của anh ta và đứa con mà anh ta yêu thương.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT