“Tam Cô” không thích để ý tới La Bạch Ái, nhưng La Bạch Ái lại thích tìm đến “Tam Cô”.

Khi đoàn người đang ở trước tượng Vi Đà, bên ao dưới cây chống địch, Đường Thất Muội đang ở trong thiền phòng chăm sóc Đường Bảo Ngưu, La Bạch Ái cảm thấy nhàm chán, lại đi trêu chọc Tam Cô đại sư nói thiền nói phật.

Tam Cô đại sư tùy ý ngồi trên thềm đá, dùng một cành khô vẽ vài nét trên mặt đất.

La Bạch Ái tiến đến, gần như dán tai sát đất từ dưới nhìn lên, lúc này mới thấy mặt Tam Cô đại sư.

Nhưng Tam Cô vẫn không để ý đến hắn, không quan tâm đến hắn, cũng không nhìn hắn.

La Bạch Ái trêu chọc cả buổi, y đều không phản ứng, trong lòng cảm thấy mất hứng, liền nói:

- Ông còn mày gỗ mặt đá như vậy thì lại phải đổi tên.

Tam Cô đại sư chỉ nhướng mắt, lại không nói tiếng nào.

Sư phụ hắn lại không nhịn được hỏi:

- Lại muốn đổi sao? Lần này gọi là gì?

La Bạch Ái nói:

- Tam Khốc đại sư.

Hắn cười ha hả nói:

- Ai bảo ông ta cả ngày lẫn đêm, vẻ mặt luôn giống như đưa đám.

Tam Cô không để ý tới, chỉ vẽ mấy hàng dọc, mấy hàng ngang trên mặt đất.

La Bạch Ái lại thuận nước đẩy thuyền đổi đề tài:

- Tôi cũng biết đoán chữ, tôi giúp ông xem thử…

Hắn nghiêng đầu, nhìn một hồi lâu, giống như ngộ đạo kêu lên:

- A, đúng rồi, mấy đường ngang, mấy đường dọc này, ý tứ chính là hoành thụ (ngang dọc). Hoành thụ, cũng có nghĩa là “cho dù”. Suy nghĩ trong lòng ông là, cho dù tôi đặt tên cho ông như thế nào cũng không ngại… đúng không?

Tam Cô đại sư đương nhiên không để ý đến hắn.

Sư phụ Ban Sư của hắn lại nói:

- Ta thấy không giống.

La Bạch Ái nói:

- Không giống cái gì?

Ban Sư nói:

- Không giống hoành thụ? Mà là giống như một chữ.

La Bạch Ái hỏi:

- Chữ gì?

Ban Sư nói:

- Giống như một chữ “tỉnh” (井).

La Bạch Ái ngạc nhiên:

- Tỉnh?

Ban Sư nói:

- Ta thấy y là đang ám chỉ “tọa tỉnh quan thiên (ếch ngồi đáy giếng)”.

La Bạch Ái nói:

- Tôi thấy ông ta càng tiến một bước, nhìn thấy chúng ta liền tự ti, cho rằng mình là “ếch ngồi đáy giếng”.

Có lẽ bị đôi thầy trò này chọc giận, nóng nảy, phiền phức, Tam Cô chợt dùng ngón tay trái chỉ vào một đống rác trước viện không xa, tay phải chỉ vào một đống phân chó trước thềm đá, nhìn La Bạch Ái và Ban Sư, gật đầu một cái.

Sau đó đứng dậy, trở vào trong miếu.

Lần này, đôi thầy trò dở hơi kia đều ngẩn ra.

Ban Sư trố mắt hỏi:

- Vậy là có ý gì?

La Bạch Ái gãi đầu nói:

- Trong đó nhất định có dụ ý, có thiền cơ.

Ban Sư lầu bầu nói:

- Không chừng y chỉ nói chúng ta giống như một đống rác rưởi, một bãi phân chó.

- Vậy tôi nhất định là rác rưởi rồi.

La Bạch Ái vội bổ sung:

- Không, không phải. Tôi thấy y nhất định có thâm ý khác, chỉ là chúng ta nhất thời nhìn không thấu mà thôi. Nhớ lại trong Thiền Lâm công án có người hỏi Ba Lăng thiền sư “cái gì gọi là kiếm thổi lông”, Ba Lăng thiền sư chỉ nói một câu “cành cành san hô chỏi đến trăng” (1), người hỏi từ đó ngộ đạo, có trí kiếm chặt đứt tất cả vọng tưởng cố chấp. Tôi thấy, Tam Cô này hai tay chỉ một cái, vô thanh thắng hữu thanh, quả là vô thanh trong ngàn ngôn vạn ngữ, ngàn hô vạn hoán, chỉ xem chúng ta có thể ngộ được hay không, có hiểu được hay không.

Ban Sư lẩm bẩm nói:

- Ngươi coi trọng lời của y như vậy, tại sao trước giờ luôn tranh cãi với y?

La Bạch Ái nghiêm mặt nói:

- Đó không giống nhau. Nên biết tu thiền niệm phật, quan trọng nhất là tự mình cảm ngộ, đây gọi là lạnh ấm tự biết, hút mổ đồng thời, Mạc Da (bảo kiếm thời xưa) nắm chắc, bảo kiếm nơi tay, khách chủ rõ ràng, ngôn ngữ đạo đoạn (2). Nếu thiền cảnh là trời đất cùng ta đồng căn, vạn vật cùng ta một thể, lúc y dạy ta ngộ, ta cũng nên dạy y ngộ, như vậy y là thầy của ta, ta cũng cũng là thầy của y. Giống như cái gọi là đạo đắc cũng ba mươi gậy, đạo không đắc cũng ba mươi gậy. Lúc y làm bộ làm tịch, tôi cũng làm bộ làm tịch tranh cãi với y, nhưng lúc y chỉ thẳng tâm người, tôi nên nghe tiếng ngộ đạo.

Sau đó hắn lại suy nghĩ lẩm bẩm:

- Cho nên, y một tay chỉ phân chó, một tay chỉ rác rưởi, nhất định có thâm ý, nhất định có gợi ý.

Không lâu sau, Tam Khô đại sư biết được đám người Vương Tiểu Thạch muốn rút khỏi chùa Lục Long, y lập tức thu thập một cái bọc vải, một cái túi đeo, tay cầm thiền trượng, đi ra bên ngoài.

Chủ trì Lục Dung trong miếu gọi theo y:

- Tam Khô, ngài còn trở lại không?

Tam Khô hơi dừng bước, cán thiền trượng gõ một cái lên phiến đá xanh trước chùa, cuối cùng không nói thêm câu nào, lại đi về phía trước.

Lúc này, La Bạch Ái còn đang ngồi trên bậc thềm khổ công suy nghĩ, vừa thấy động tác này của Tam Khô, lập tức kêu lên:

- Tôi hiểu thấu rồi, đắc đạo rồi!

Lần này sư phụ hắn cũng đã thu dọn hành lý, muốn theo đám người Vương Tiểu Thạch đi về phía nam.

Vương Tiểu Thạch vốn để bọn họ tự lựa chọn, theo hay không theo tùy ý.

Ban Sư không có lựa chọn. Đến nước này, đi cùng với mọi người, cho dù nguy hiểm, lỡ may có chết cũng là chết chung, còn dễ chịu hơn rời khỏi đội chết ngay, chết lập tức, chết quạnh hiu, chết cô độc.

Hắn đang muốn thúc giục đồ đệ đi cùng, lại nghe La Bạch Ái kêu lên ngộ đạo, liền chín phần không tin một phần nghe chơi hỏi:

- Đức tính đầu cháo loãng như ngươi, lại ngộ đạo gì?

La Bạch Ái lại rất nghiêm túc, cũng rất hưng phấn, thậm chí còn nhảy nhót.

Hắn đỏ mặt lên, chỉ về túi đeo trên lưng Tam Cô đại sư phía xa, nói:

- Phân chó, rác rưởi, chính là do y vác đi. Đó chính là trách nhiệm và đạo nghĩa của y. Người phàm nhìn thấy, chẳng qua là rác rưởi, phân chó, nhưng y lại không vứt được, không bỏ được.

Ban Sư cố ý xoa dịu hắn, giọng nói có phần chế nhạo:

- Không phải ngươi đã nói, ai nói không bỏ được, ai đến cuối cùng không phải vẫn bỏ xuống sao? Phân chó, rác rưởi này, vác không bỏ là có ý gì?

La Bạch Ái lại không hề đuối lý:

- Thiền đến cuối cùng, còn không phải là vì thành phật sao? Phật đến cuối cùng, còn không phải là người sao? Mắt bị che lấp, giống như nhìn thấy hoa trên không trung. Ai là Phật tổ? Lập tức là ta. Chẳng lẽ thành phật rồi là có thể muốn làm gì thì làm, tùy ý làm bậy sao? Đó chẳng phải giống như Thành Vương xưng bá. Phật cũng phải ăn phải mặc, phải cày phải làm, phải vác hành lý cứu nhân cứu thế. Người người đều nói phải để xuống, chẳng qua là không muốn gánh vác trách nhiệm mà thôi, vậy cũng giống như cởi quần đánh rắm, không ý nghĩa, không được việc.

Ban Sư vẫn không đồng ý, cố ý bắt bẻ hắn một câu:

- Không phải ngươi cũng đã nói, cái gì đem chuyện rất phức tạp giản hóa thành truy “danh” trục “lợi”, không phải quá hạn hẹp sao? Hiện giờ lại đem hai cái túi đeo nói thành “trách nhiệm” và “đạo nghĩa”, chẳng phải cũng như vậy sao?

Lần này La Bạch Ái lại nhún nhún vai, le le lưỡi, vẫy vẫy tay, nói:

- Đạo chính là như thế, nói không tăng, không nói không giảm, nói hết không diệt, không nói cũng được.

Ban Sư thấy đồ đệ không chống nổi nữa, cũng không tiếp tục, chỉ lẩm bẩm nói:

- Ta vẫn cảm thấy phân chó chính là phân chó, rác rưởi cũng không ngoài rác rưởi, túi đeo cũng chẳng qua là túi đeo, nào có đạo lý lớn phức tạp gì.

Đồ đệ nghe vậy, cũng không tranh luận, lại nói:

- Ông có thể nghĩ như vậy, thực ra cũng đã hiểu được đạo lý lớn.

Thân thể nhỏ gầy của “Tam Cô” lại cầm thiền trượng nặng nề, vì nghĩa không chùn bước tiến về phía trước, hội họp với Vương Tiểu Thạch, hộ tống bọn họ xuống đông nam.

Y có lẽ không ngờ được túi đeo trên lưng mình lại biến thành đại đạo như trời, vì nó mà thầy trò hai người tranh luận không thôi.

Chú thích:

(1) Một trong một trăm công án, xem thêm ở đây:

http://www.thuongchieu.net/index.php...ngkiemthoilong

(2) Ngôn ngữ đạo đoạn: nghĩa là khi ở trong vòng giới hạn của nhân sinh đối diện với sự vô hạn của thế giới, thì thứ gì có thể nói được, viết được đều không thể diễn đạt cảnh giới vô hạn. Dù cho người có tâm hướng Đạo, chân chính muốn thuyết pháp, muốn truyền Đạo, nếu dựa vào ngôn ngữ thì Đạo sẽ đoạn mất. Chân Đạo thì chẳng thể nhờ vào văn tự ngôn ngữ mà truyền thọ đặng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play