Không biết từ lúc nào, Ngô Đình Diệm chỉ một mực suy nghĩ. Đầu hơi cúi xuống mặt bàn, ông dán mắt chăm chú đọc trang nhất của tờTribune Indochinoise(Diễn đàn Đông Dương). Tên ông được nêu lên mặt báo đến hàng chục ìần. Báo chí được ông cung cấp thông tin đã tôn ông là anh hùng, đã thừa nhận ông là người bảo vệ tích cực nhất nếu không phải là duy nhất nền văn hoá Việt Nam. Ông Diệm là một thượng thư. Không phải trong số những nhân vật kém vai vế nhất. Đó là bộ Lại, lo nội trị, bổ dụng quan chức đầu tỉnh. Sau ngày trở về Việt Nam, vua Bảo Đại lập nội các dân sự do một nhà thơ, một nhà báo đứng đầu đó là Phạm Quỳnh. Ông còn trẻ, chủ trương Việt Nam phải được tự trị ở một mức nào đó nhưng vẫn là thân Pháp. Đó là một nhà tư tưởng có đầu óc biết suy nghĩ và là đối thủ của ông Diệm.

Thư phòng tối và yên tĩnh. Nhìn qua cửa sổ Diệm thấy vô số cung điện chen chúc trên các khoảng đất rộng trong khu Đại nội. Cảnh quan này ông biết rõ từ lâu lắm. Cha ông, Ngô Đình Khả trước đây đã làm phụ chính cho vua Thành Thái, vị Hoàng đế bị phế truất rồi bị lưu đày ở đảo Réunion. Cả gia đình ông Diệm sau đó không được vua nối ngôi là Khải Định tin dùng nữa. Ông Diệm không phải không biết rằng mọi ý định cải cách của ông, có thể dẫn đến thất sủng như cha ông.

Một lát nữa, các em ông sẽ đến. Họ đều có thế lực, học vấn uyên bác, tập hợp quanh ông, bảo vệ ông là người đề ra học thuyết, là linh hồn của gia đình. Họ có năm người, một người là linh mục, một người là Ngô Đình Khôi cũng làm quan, người thứ ba là Ngô Đình Nhu, một trí thức tốt nghiệp trường Pháp điển, nơi đây được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu về lịch sử nước Pháp nhất là những "bí quyết" làm nên sức mạnh của nước Pháp.

Còn một người em nữa là Ngô Đình Luyện, sau này sẽ làm đại sứ lâu năm ở Paris là một trong những bạn bè thân thiết của Bảo Đại. Bấy nhiêu con người tạo nên một khối liên kết rất chặt chẽ bằng những mối quan hệ ruột thịt lại vừa đồng nhất hoàn toàn về quan điểm.

Dần dần trong những tháng đầu tiên của triều đại Bảo Đại, họ là biểu tượng cho nước An Nam cổ xưa đối chọi với những ý tưởng tân tiến của Nhà vua và của các bạn người Pháp.

Vậy báoTribune Indochinoise(Diễn đàn Đông Dương) đã viết gì vậy? Như thông lệ đó là các dự án về cải cách, về công việc của Uỷ ban cải cách từ khi Bảo Đại về nắm quyền bính.

Triều đại Bảo Đại đã bắt đầu, theo dúng dự kiến, khá rùm beng. Nhà vua dần dần từng bước nắm công việc triều chính. Chỉ mấy tháng sau ngày trở về, vị vua hai mươi tuổi đã đi thăm các tỉnh trong xứ An Nam (một việc trước đây các Hoàng đế tiền nhiệm chưa bao giờ làm). Hoàng đế An Nam chưa biết đến Hà Nội?

Chuyến tuần du nằm trong dự kiến của người Pháp, thể hiện ý chí của Nhà vua muốn gần gũi thần dân. Vẻ chững chạc lịch thiệp, cung cách giản dị và theo những người đi theo tán tụng thêm trí thông minh của Nhà vua trẻ tuổi đã làm cho cuộc nghênh tiếp thêm nhiệt liệt ông Khâm sứ Trung Kỳ đã dự đoán đúng. Bảo Đại có vẻ như được lòng dân. Nhà vua tuyên bố thẳng không chút quanh co úp mở rằng ông có ý định một mình cầm quyền không cần thủ tướng, qua đó muốn nói lên ý muốn nắm quyền thực sự chứ không chỉ bằng lòng với vai trò danh dự. Biện pháp cải tổ này nhằm vào quan đại thần đứng đầu Viện cơ mật cũ, một cơ quan chỉ có bốn thành viên chủ chốt "tứ trụ triều đình", nhưng thực tế quyết định mọi công việc trong triều. Viên đại thần già nua đã làm mưa làm gió trong thời kỳ nhiếp chính trước đây đã bị thải hồi.

Các nhà đương cục Pháp, đã mạnh bạo dùng những từ ngữ như "đảo chính","cách mạng" như để đề cao Nhà vua trẻ nhằm đối phó với các "phần tử quốc gia" đang hoạt động gây rối tại các miền quê. Trước đây việc cai trị do một hội đồng được người Pháp bổ nhiệm, vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền bảo hộ. Vua không tham dự công việc của hội đồng, không dính líu vào các quyết định và chỉ giới hạn trong vai trò thuần tuý trang trí. Năm 1925, một thoả ước mới được ký kết, chính thức chuyển giao nhiệm vụ của hội đồng cho các viên chức Cộng hoà Pháp. Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ thoả ước đó. Từ nay Nhà vua sẽ quản lý công việc đất nước, quan tâm đến bước tiến của đế chế. Nhà cầm quyền bảo hộ hoan nghênh.

Thực tế, một điều khoản mới quy định Khâm sứ Trung Kỳ do Paris bổ nhiệm có quyền phủ quyết mọi quyết định của Nhà vua ngay cả đối với quyết định ít quan trọng nhất. Vậy là bộ máy lãnh đạo đất nước vẫn y nguyên. Hơn nữa quan chức người Pháp có chân trong nội các - hội đồng thượng thư - có thể đồng ý hay không đồng ý với quyết định của nội các tức là ông ta quyết định mọi việc. Trái lại, những biện pháp cải cách này dần dà sẽ như là một bước lùi so với hiệp ước bảo hộ năm 1884.

Tuy nhiên một vài biện pháp canh tân, ít quan trọng, mức độ vừa phải, đã gắn với tên tuổi Bảo Đại.

Ông cố gắng thay đổi phương hướng hoạt động của nền cai trị cũ, cải tổ giáo dục, thông qua bộ luật hình sự và dân sự mới, đưa đất nước dần dần đi đến một nền quân chủ lập hiến. Đặc biệt ông cải tổ Viện dân biểu Trung Kỳ. Chủ tịch Viện được tham gia các cuộc họp nội các. Sau cùng ông cải tổ chế độ quan trường, gây nên sự chống đối của ông Diệm.

Ở xứ An Nam không có tầng lớp quý tộc nhưng có hàng ngũ các quan lại. Họ là đại diện cho Vua, được lựa chọn qua các kỳ thi của sĩ phu. Nhiệm vụ của họ là tổ chức việc thi hành các chỉ dụ của Triều đình, các quyết định của cấp trên. Trải qua nhiều thế kỷ địa vị của họ vẫn vững vàng. Không có một xó xỉnh nào trong triều mà không có quan lại mặc áo dài lam.

Họ không bị ai kiểm soát. Họ là những ông chủ có quyền lực tuyệt đối trong địa phương được giao cho họ cai quản. Các văn thư, giấy tờ như chiếu chỉ của vua, thông tn, thông lệnh, những sức, trát... đều được soạn thảo bằng chữ nho mà chỉ có họ đọc được. Cuộc sống của họ buồn tẻ, u sầu, thường lười biếng, nhưng bổng lộc khá vì người đứng đầu nền hành chính địa phương không phải mở sổ kế toán hay bất kỳ sổ sách nào. Và chỉ toàn là danh vọng. Đi đâu đã có võng lọng, lính vác cờ đi trước, lính hộ vệ theo sau. Như mọi viên chức mẫn cán, đường công danh của họ rộng mở, tuần tự thăng tiến. Họ thanh thản, bình tâm hơn các bạn đồng nghiệp Pháp của họ. Mặc chiếc áo dài lam thẳng nếp, họ không bị những người dân lam lũ nào đến gần để quấy rầy, họ không phải lo sợ bị trừng phạt và rất hiếm khi bị truy cứu trách nhiệm.

Ba năm một lần, Phủ Toàn quyền Đông Dương phối hợp với Triều đình Huế long trọng tổ chức thi cho tất cả mọi người dân ở Bắc và Trung Kỳ có đủ trình độ Hán học dự các kỳ thi tuyển hiền tài để bổ dụng làm quan. Trên toàn lãnh thổ có hàng trăm sĩ tử ứng thí. Mỗi một vùng gồm một số tỉnh tổ chức thi loại gọi là thi hương. Ai đỗ được gọi là tú tài và được tập trung về kinh đô để nghị luận gọi là thi hội. Chắc là phải lâu vì mỗi khoá thi kéo dài năm mươi ngày. Không có gì giống với các kỳ thi tuyển hiền tài ở châu Âu. Đó là một ngày hội trống dong cờ mở, có nhạc lễ, múa hát, rước voi, bắn súng lệnh chào mừng dĩ nhiên là có diễn văn phủ dụ sĩ tử.

Nhà vua không có mặt trong các kỳ thi này nhưng Toàn quyền Đông Dương và nhiều nhân vật quan trọng Pháp vui vẻ đến dự có lẽ để thoả mãn tò mò, hơn là làm cho kỳ thi thêm long trọng.

Các đề thi thường luận về dạo đức và về sự nghiêm ngặt theo học thuyết Khổng, Mạnh mà các nho sinh dùi mài kinh sử mấy năm nay. Sự hiểu biết sâu và kỹ các lời dạy của thánh hiền cho phép các thanh niên An Nam leo lên đến các địa vị cao trong bộ máy cai trị quân chủ.

Đầu thế kỷ, các sĩ tử tập trung trong một khu đất rộng chung quanh có lính canh gọi là trường thi. Quan chánh chủ khảo ngồi trên chòi cao làm nhiệm vụ giám sát Mỗi người ứng thí ngồi xổm trên một cái chõng tre nhỏ hẹp chỉ đủ một người có tấm phên tre uốn cong làm mái che mưa nắng. Họ khom lưng dùng bút lông cán dài làm bài thi vỉết bằng chữ Hán. Bên cạnh thường có tên tiểu đồng theo hầu thay chè, mài mực Tàu trong một cái nghiên nhỏ hoặc chuẩn bị cơm nước.

Năm 1933, đề thi đổi mới. Sĩ tử làm bài nghị luận về "Sự can thiệp của nước Pháp ở An Nam và triều Nguyễn", hoặc "Tổ chức nền tài chính Đông Dương".

Thí sinh chỉ nhắc lại những điều ngọt ngào đầy rẫy trong các báo chỉ để tán hươu tán vượn về đề thứ hai, còn đề thứ nhất nghe chừng ngắc ngứ. không mấy người làm được trọn vẹn vì môn lịch sử nước nhà không được sĩ tử coi trọng hoặc họ ngần ngại không dám nói thật ý tưởng của mình sợ trái ý quan chủ khảo, hoặc bị trừng phạt...

Đề thi năm đó quả là khó. Chỉ lấy bốn trăm người đỗ, chừng một trăm cử nhân còn lại khoảng ba trăm tú tài. Thực tế có chín thứ hạng khác nhau ở tất cả các cấp trong bộ máy nhà nước dành cho các vị tân khoa. Thấp nhất là hạng thứ chín gọi là cửu phẩm. Nhất phẩm đã là quan đầu triều. Ngày trước, trước khi được bổ nhiệm làm quan, họ phải theo học một trường gọi là trường Hậu bổ ở Hà Nội trong ba năm để học tiếng Pháp, một ít kiến thức về môn hành chính - cai trị, một ít kiến thức sơ đẳng về đo đạc địa chính. Cuối cùng là qua một kỳ thi tuyển nữa nếu đỗ cao thì làm tri huyện, kém hơn thì ra làm giáo sư.

Những người đỗ cao xuất sắc thì được vào Huế dự thi cấp cuối cùng. Những người may mắn thi đỗ được bổ đốc học hay đứng đầu một nha hay sở. Việc điều hành nhà nước tuỳ thuộc vào lớp trí thức này. Văn chương, ý tưởng và truyền thống vẫn ngự trị trong cuộc sống tinh thần của người dân trong nước.

Ảnh:Trường Thi, Hà nội, 1885

Điều gây nên sự giận dữ của ông Diệm là việc ông Eugène Chatel, Khâm sứ Trung Kỳ và Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền văn phòng muốn tước bỏ quyền tư pháp của các quan An Nam, nghĩa là không cho họ được quyền xét xử. Lý do được nêu ra là các quan An Nam thiếu kiến thức luật học. Nhưng đây là một đòn nặng giáng vào hàng ngũ quan lại vì làm mất phần lớn thu nhập của các quan từ các vụ kiện cáo dân sự lẫn xét xử hình sự. Nạn hối lộ là chuyện phổ biến trong quan trường.

Diệm phải bảo vệ lợi ích của giới mình nên đấu tranh đơn thương độc mã, trong tiểu ban cải cách để ngăn chặn cuộc cải cách không đúng lúc của Chatel - Phạm Quỳnh. Ông ta cũng đề ra nhiều sáng kiến canh tân. Ông là người đi tiên phong nhưng không hiểu biết nhiều về những thủ đoạn chính trị. Ông đưa cả biên bản họp tiểu ban cải cách cho báo chí(1).

BáoLa Tribune Indochinoise(Diễn đàn Đông Dương) ra ngày 21 tháng 7 năm 1933 miêu tả cuộc đấu tranh không cân sức giữa Ngô Đình Diệm - một con người thật thà được lòng dân, có khả năng và Toàn quyền Pierre Pasquier, một con người phản động kỳ cựu, tươi cười mà bền bỉ...

Còn Bảo Đại thì sao? Nhà vua luôn luôn kiên quyết ủng hộ phong trào cải cách nhưng "chắc chắn phải là dưới ảnh hưởng của Pháp". Ông ủng hộ Pasquier, Chatel và Phạm Quỳnh.

Thế mà sao Vua lại dùng ông Diệm là người ông không ưa và phản đối cái thói phường hội gia đình trị của ông ta.

Sau khi đưa Diệm vào nội các, Bảo Đại cho rằng muốn cải cách gì đi nữa cũng cần có các quan lại trong triều làm hậu thuẫn. Đảm bảo hậu thuẫn ấy không ai bằng Diệm.

Ngay từ đầu khi nắm quyền bính, giúp việc Nhà vua tất cả chỉ có sáu vị thượng thư và dảm nhiệm mọi lĩnh vực triều chính. Diệm, vị tân thượng thư họ Ngô xem ra không thích hợp với vai trò mới. Ông cũng là một ông quan, nguyên là tuần vũ Phan Thiết, nơi đây có một cảng cá của miền Nam Trung Kỳ, có vũng sâu tấp nập ghe, thuyền thả neo ra vào theo con sông ăn sâu vào đất liền ồn ào suốt ngày. Viên thượng thư công giáo này vừa nghiêm khắc trong công việc, vừa khắc khổ trong tác phong. Ông cũng đấu tranh để cải tổ triều chính nhưng theo một phương hướng không làm vừa lòng chính quyền bảo hộ. Ông muốn được độc lập hơn, nhất là giảm bớt quyền lực của người Pháp.

Trong lúc này ông Diệm vẫn cắm cúi làm việc. Trong toà nhà dành riêng cho bộ của ông, ông ưa ngồi một mình trong thư phòng. Sau lưng ông chiếc thập giá khẳng định đức tin của ông. Ông quay vào cái thập giá, quỳ xuống và lẩm nhẩm đọc kinh.

Cho đến khi một viên thư lại bước vào phòng ông mới đứng dậy, đưa tay đón phong thư do người thư lại kính cẩn đệ trình. Ông mở ra. Đó là thư của Toàn quyền Đông Dương. Đọc xong, ông bàng hoàng khiến ông làm dấu thánh và lại quỳ xuống dưới chân thánh giá. Công văn báo tin ông bị thải hồi. Louis Marty lúc đó là Chánh sở Liêm phóng và Nha chính trị Đông Dương đã phát hiện được một bức thư của Diệm gửi cho các báo và lập tức ông báo cáo ngay lại cho Toàn quyền Đông Dương. Theo quy tắc hành chính, ông Diệm đã phạm sai lầm nghiêm trọng.

Các em ông dự định tiếp nối sự nghiệp của ông, mặc dù có nhiều ảnh hưởng nhưng chẳng làm gì được. Còn Nhà vua có thái độ lãnh đạm với vị thượng thư đang cơn hoang mang. Không những ông Diệm phải từ chức mà bị cách tuột khỏi hàng ngũ quan lại trong triều. Từ đó Diệm oán hận đối với Bảo Đại và cả triều đình, kéo dài cho đến 22 năm sau mới tìm lối thoát bằng một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu để phế truất Bảo Đại. Vị thượng thư bị thải hồi, số phận thật trớ trêu ông phải đi dạy tiếng Pháp kiếm sống. Sau đó ông tìm được việc làm ở nhà thờ Thiên Hựu, nơi các cha cố trong Hội truyền giáo nước ngoài ở Huế làm việc.

Và cuộc cải cách sẽ được thực hiện cũng như phần lớn các biện pháp do Chatel đề ra...

***

Nhưng tất cả chẳng có ích gì. Những biện pháp nửa vời đó chẳng có tác dụng sâu sắc gì đến những thói quen của quan chức, đến đặc quyền của nội các mà vai trò thật sự vẫn là chuyện hão huyền.

Có một điều quy định đặc biệt làm phật lòng các quan An Nam, đụng đến truyền thống của họ. Từ nay các khoản thuế đều do nhà nước bảo hộ phân bổ, thu và tự ý sử dụng. Điều này ở Bắc Kỳ đã thi hành từ lâu rồi. Toà Khâm sứ Trung Kỳ sẽ ấn định ngân sách chi tiêu của chính phủ Nam triều và trợ cấp cho triều đình một khoản tiền để trả lương hàng tháng. Tất cả những người Nhà vua đã gặp từ khi về nước, những người phủ phục trước bệ rồng, những người lính hộ vệ hoàng cung, những nhạc công và vũ nữ nhã nhạc cung đình đều chỉ sống bằng một khoản lương có chữ ký duyệt của một quan chức bảo hộ. Không có Paris gật đầu chuẩn y thì chẳng làm được gì. Triều đình tự nhiên biến mất! Đại nội hoang vắng. Tất cả đều do Pháp trả lương. Bản thân Bảo Đại cũng vậy. Nhà vua có một khoản phụ cấp hàng năm tính vào ngân sách của Trung Kỳ mà chính ông cũng không được quyền quyết định phụ cấp ấy là bao nhiêu và hàng tháng phải có chữ ký duyệt của Toà Khâm sứ mới được lĩnh để chi dùng!

Nhà nước bảo hộ quyết định hết thảy. Kể cả các khoản chi tiêu cá nhân. Bảo Đại vì tính tự trọng danh dự không bao giờ dám trực tiếp khiếu nại điều gì. Ông chỉ hé lộ qua người khác, những nhu cầu của ông, ý muốn của ông. Kế toán thuộc địa rất tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hồ sơ lưu trữ còn giữ lại dấu tích của các cuộc đấu tranh đó nhiều khi rất khốn khổ. Từ việc đóng sách, làm khung ảnh đến làm một cuốn sưu tập tem thư tại một cửa hiệu nổi tiếng của bà Renoux nào đó ở Hà Nội cũng đều được ghi chép trong sổ sách.

Bảo Đại muốn đóng một tập album thật sang ngoài bìa khảm da, bên trong lụa vàng để lưu giữ các huy hiệu của ông. Tóm lại cũng phải tốn hết 250 đồng bạc, một món tiền khiêm tốn thế mà cũng phải làm tới ba tờ hoá đơn có chữ ký của viên chức nhà nước bảo hộ cùng trao đổi với giám đốc tài vụ, cuối cùng mới được duyệt chi, tính vào mục 20 khoản 2 của tổng ngân sách ghi rõ mục quà tặng ngoại giao.

Luật pháp của chính phủ bảo hộ Pháp quả là cứng rắn ngặt nghèo, không được tự do ra báo, không được tự do phát ngôn, không được tự do hội họp kể cả đi lại cũng không được tự do? Một viên cảnh sát quèn ở Paris được cử sang Đông Dương lĩnh lương ngang với tuần phủ, tổng đốc!

Việc đi lại giao du với các cận thần trong triều cũng không được tự do thoải mái. Nhà vua trẻ héo hắt dần, tự giam mình trong tư thất, chỉ còn chăm chỉ giao du với ông bà Charles, người được chính phủ giao trông nom ông từ lúc nhỏ đến tuổi lớn, trước khi trở về nước bà Charles từ nay được Nhà vua gọi là "mẹ". Hai ông bà kéo dài cuộc lưu trú bên cạnh Nhà vua trong hoàng cung, sống thoải mái trong tư dinh Điện Kiến Trung gây nên tâm trạng đa nghi tức tối của đám cận thần vì chính bà con anh em gần gũi của Vua cũng đều phải ở trong các dinh cũ riêng ngoài hoàng cung và đối xử như những bà con nghèo. Một hôm vợ chồng ông bà Charles nhận được một món quà bất ngờ, hai cây phomát lớn!(2)

Người cho quà cho biết danh tính. Ông bà Charles kể lại một cách ngây thơ câu chuyện nhận được quà trong một chuyến du lịch nam Trung Kỳ. Ông bà đã rất ngạc nhiên khi thấy nghe kể xong mọi người không nhịn được cười?(3)

Nhà vua ít xuất hiện trước công chúng. Ngay cả sự có mặt của các bạn người Pháp xem ra cũng không làm ông thích thú.

Ông có thể nổi loạn được không? Có thể từ chối sự bảo hộ hay ít nhất giảm bớt? Các tư liệu để lại đều được giữ kín chỉ để lộ ra vài dòng ngắn ngủi. "Nhà vua cam kết tôn trọng các thoả ước ngoại giao hiện hành với nước Pháp. Nếu ông ta không tôn trọng các điều khoản đã ký tức là bị coi như từ bỏ vương quyền"(4). Nói một cách khác nếu Nhà vua không đồng ý với Toàn quyền dù là trong phạm vi điều hành việc nước cho đến mua bộ khuy bấm cổ tay áo sơ mi, thì ông sẽ bị coi như chấm dứt vai trò Thiên tử...

Nhưng có phải triều đại Bảo Đại là có bước mở đầu chẳng lành chăng? Không phải thế. Toàn quyền Pierre Pasquier hết lời khen tụng vị vua trẻ tuổi. Ông viết cho Bộ trưởng Thuộc địa ở Paris: "Tôi rất có ấn tượng mạnh về tính nghiêm túc trong ý nghĩ và sự trưởng thành trong cách suy xét mọi việc của Vua Bảo Đại. Tôi vừa kết thúc trò chuyện với ông, khiến tôi có ấn tượng rất tốt đẹp".

Rất nhanh Bảo Đại nhận ra rằng điều thay đổi nhiều nhất là các thói quen của bản thân và gia đình ông. Đó là hậu quả đầu tiên và chủ yếu của nhiều năm học tập ở châu Âu.

Ông thiết lập những tục lệ mới. Khi mùa mưa đến, ông tránh không khí ẩm thấp ở Huế, đi Đà Lạt để được hưởng khí hậu mát mẻ dễ chịu ở vùng núi cao. Ông cho xây dựng ở Đà Lạt một biệt điện mới. Ở đây gẩn giống như nông thôn miền núi, hổ rình mò ngay giữa đường phố chính. Một thiên đường cho Hoàng đế chẳng thích gì bằng săn bắn.

Rút cuộc ông chịu đựng cái xích do chính quyền bảo hộ quàng vào cổ ông. Ông coi thể thao, săn bắn và vui thú với đàn bà như một lối thoát.

Chú thích:

(1)Trịnh Đình Khải, La Décolonisation du Viêt Nam, un avocat témoigne (Công cuộc phi thực dân hoá ở Việt Nam, một trạng sư đưa ra bằng chứng) Nhà xuất bản L"Harmattan, 1994.

(2) Một kiểu chơi chữ có nghĩa là kiếm được chỗ béo bở mà không phải mất nhiều công sức vất vả.

(3) Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) tháng 4 năm 1934.

(4) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, Đông Dương NF, cặp 368, hồ sơ 2940.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play