Đêm đêm, mọi người trong trường dòng đều thức dậy để cầu kinh. Sau khi ngủ lại vài giờ nữa mọi người lại thức dậy hành lễ bước sang một ngày mới. Nhưng điều kỳ lạ nhất đối với bọn trẻ là buổi lễ tiến hành vào các ngày thứ sáu hàng tuần, sau khi đã cầu kinh tối. Các cha xứ gọi đó là lễ đánh roi tự phạt. Các đèn đều bật sáng, mỗi người về phòng riêng của mình, cửa mở tung. Họ trút bỏ quần và tự đánh vào mông bằng những sợi thừng làm bằng cây gai. Trong lúc tự hành xác họ vẫn tiếp tục đọc to kinh sám hối. Lúc nầy bọn trẻ trong gia đình bà hoàng vẫn nằm im ở trong phòng riêng của chúng, không nhìn thấy gì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh mà thôi.

Vài ngày trước lễ Phục sinh, quân Pháp bị bao vây đã hai tháng ròng, việc hành xác sám hối của các cha xứ dòng Chúa cứu thế tăng gấp đôi. Trong lúc đang chơi với lũ trẻ, một cha bỗng nhiên thốt ra một tiếng thở dài đau đớn. Chúng xúm lại hỏi lý do, tỏ ý lo ngại. Cha liền chỉ cho chúng xem cái áo có cài dây kẽm gai bó chặt ngực để sám hối.

Dù lòng nhiệt thành sám hối bằng tự hành xác gây xúc động và căng thẳng, dù các trận giao chiến gây nguy hiểm bà Nam Phương cảm thấy dần dần bớt căng thẳng hơn, trong lòng thanh thản, thậm chí bà còn đem chiếc máy quay phim 9,5 ly ra quay cảnh chíến tranh.

Cũng giống như chồng bà đã từng quay phim những lần máy bay Đồng Minh đi qua trên bầu trời Huế trong thời Nhật chiếm đóng. Bà cảm thấy lại được sức mạnh trong lúc xung quanh bà chỉ có các cha công giáo, những người bạn thực sự của bà.

Tất cả mọi người trong trường dòng đều dành cho gia đình bà và cậu con trai bà sự quý trọng. Tất cả mọi người đều biết rõ tung tích gia đình bà. Những người mới đi tu, 130 thầy tu trẻ măng hay gặp gia đình bà, lặng lẽ quan sát và đôi khi bắt chuyện. Một hôm, một cha xứ tuổi còn trẻ – chính là cha Điệt, nay đã trở thành Cha Bề trên của tu viện dòng Cứu thế tại Huế – đã nói với bà: “Bà là Hoàng hậu, chắc bà phải sung sướng lắm”. Bà đã trả lời một cách rất khôn ngoan: “Không phải như vậy đâu, giàu có không đem lại hạnh phúc mà là cái “tâm” của mỗi người”. Bà vốn ít can dự vào cuộc sống của cộng đồng tôn giáo ở đây, cũng biết quy định của dòng Cứu thế là không được tiếp người lạ.

Bà hiếm khi ra khỏi phòng riêng và tất cả đều được báo trước để bà khỏi phải đi qua lối hành lang. Bà đọc sách và năng cẩu kinh, được bảo đảm an toàn. Căn phòng riêng của bà được các hành lang bao quanh không có cửa sổ trông ra phố.

***

Ngay khi chiến sự bùng nổ, bà Hoàng Thái hậu đã rời Huế, đi tản cư tại quê nhà. Cung An Định giờ đây vắng lặng, lo sợ chiến sự lan tới mọi người đã bỏ đi. Chỉ còn một vài người hầu, trong đó có Nguyễn Đức Hoà, một trong những người đã sống ở đây lâu nhất ở lại với một vài người đàn bà có tuổi ông Hoà có đôi khi cũng về tận quê để vấn an bà Hoàng Thái hậu. Cuộc sống thời chiến thật cam go. Toà nhà chính đã sập vì trúng bom. Chỉ còn sót lại hai dãy hai bên đầu hồi ngày trước vẫn dành cho gia nhân.

Nhiều tuần trôi qua, quân Pháp vẫn không phá được vòng vây. Quân tăng viện vẫn chưa đến. Việt Minh cũng chưa có cuộc tiến công lớn nào. Một hôm, Phòng Nhì – cơ quan an ninh Pháp cho biết sắp có cuộc tiến công lớn của đối phương vào trường dòng, Việt Minh đang truy tìm gia đình bà hoàng, nhất là thái tử Bảo Long để ngăn chặn việc tái lập nền quân chủ, khi Pháp trở lại.

Quân Pháp đã báo trước cho các cha xứ biết nếu Việt Minh tiến công trường dòng, họ sẽ lập tức kiên quyết chống trả ngay, nhất định không để đối phương chiếm được trường dòng mặc dù đó là một mục tiêu rất khó bảo vệ.

Trước tiên các cha xứ trong trường dòng Chúa cứu thế tìm cách che giấu tung tích Bảo Long. Cha Bề trên đã ra lệnh cạo trọc đầu cậu bé để dễ trà trộn với các chủng sinh. Người ta còn đặt một tên mới là Nguyễn Ngọc Bảo và bắt phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nếu chẳng may bị bắt thì không bị lộ tung tích. Theo Cha Điệt kể lại, thì trong thời gian ngắn ngủi tạm lánh ở đây, Bảo Long đã vài lần nghe giảng giáo lý… Tuy nhiên, dường như đối với bà Nam Phương và các em gái của Bảo Long thì các cha xứ không đề ra biện pháp che giấu tung tích, mặc dù đức Cha Bề trên đã nghĩ đến việc khéo cải trang hoàng nữ lớn tuổi nhất làm học sinh trường dòng và hai đứa nhỏ tuổi hơn làm con gái nông dân. Tất cả những dự định ấy thật nực cười, đang trong tình hình căng thẳng như thế việc cải trang không dễ gì thực hiện.

Một hôm, tiếng súng máy làm mọi người giật mình. Lúc đó Bảo Long đang chơi ngoài sân. Các tu sĩ hốt hoảng trèo lên mái nhà để phát hiện hung thủ nhưng chẳng thấy ai, không biết có phải Việt Minh định bắn lén Bảo Long không. Mọi người trong trường bàng hoàng lo ngại. Bà Nam Phương càng tin vào luận điệu của người Pháp. Bà thấy cần quyết định dứt khoát ra đi rời khỏi trường dòng để tìm một nơi ẩn náu bên kia phòng tuyến. Ông Bảo Long kể lại:“Người Pháp cũng khéo chơi, thông qua các tu sĩ Cứu thế, họ ra sức lung lạc tinh thần mẹ tôi. Cứ xem cách Việt Minh đối xử và che chở cho bà nội tôi, Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung lúc nầy đang đi tản cư, tôi thiết nghĩ rằng họ sẽ đến tìm và sẽ đón mẹ tôi và các em đi tản cư trong vùng họ kiểm soát. Bởi lẽ có chúng tôi đứng về phía họ, họ sẽ càng được nhân dân ủng hộ”.

Nhưng đã quá muộn rồi. Vào tháng 4 năm 1947, bà Hoàng hậu dứt khoát vĩnh biệt tấm bình phong trung lập Canada. Chấp nhận sự giúp đỡ của Pháp có nghĩa là dưới con mắt của Việt Minh, của tất cả mọi người dân Việt Nam và thế giới, bà cựu Hoàng hậu đã chạy theo Pháp.

Ông Bảo Long nói tiếp: “Nhưng nếu mẹ tôi ngả theo Việt Minh thì sao? Tôi cho rằng nếu được như vậy thì vị thế của Việt Minh trước người Pháp sẽ được củng cố khá mạnh và có thể máu sẽ đổ ít hơn. Việc mẹ tôi rời khỏi sự che chở của người Canada chắc chắn đã không giúp được gì cha tôi mà chỉ khiến ông càng dứt khoát rời bỏ cụ Hồ. Về mẹ tôi, tôi thấy bà là một người phụ nữ hiền thục, có phẩm hạnh đáng quý, vào thời điểm thúc bách đó chỉ một mực lo làm sao cho các con được yên ổn chứ không có tham vọng gì về chính trị. Cũng có thể lúc nầy cha tôi đang ở quá xa, bà không có cách nào liên lạc được. Còn trường hợp cha tôi sau nầy thì khác, ông đã đắn đo rất nhiều trước khi quay về hợp tác với người Pháp”.

Đúng vậy. Không thể liên lạc được với Bảo Đại lúc nầy đang ở Trung Quốc, bà Hoàng hậu đã tự quyết định một mình. Cũng có thể người Pháp đã tính toán xa hơn nên đã quyết định đón mẹ con bà để sau nầy có con bài Bảo Long nếu không lôi kéo được Bảo Đại nhận một giải phảp có lợi cho họ.

Về phần các cha xứ, họ cũng thấy nhẹ mình, mẹ con bà ra khỏi trường dòng phải chăng họ đã tác động để bà đi đến quyết định như vậy. Họ không muốn liên luỵ về chính trị. Tuy các cha xứ là người Canada trung lập, nhưng là Canada gốc Pháp nên cũng không tránh được nghi ngại ngờ vực của nhà cầm quyền Việt Minh. Kể lại chuyện cũ, Cha bề trên của nhà thờ Cứu thế ở Huế thừa nhận: “Chính các cha xứ Canada gốc Pháp hồi đó đã giảng giải cho bà thông cảm ý muốn của họ là gia đình bà nên ra đi để tránh phiền phức cho họ sau nầy”.

Từ trường dòng chỉ cần chạy qua con phố ngăn cách với trường Thiên Hựu, nơi một tiểu đoàn Pháp đang cố thủ. Nhưng lực lượng Việt Minh hiện đóng trong cung An Định đang kiểm soát dọc phố. Nửa đêm, một tiểu đội quân Pháp đã tiến ra dọn đường, mở một lối đi an toàn và chuẩn bị che chắn cho các con bà Nam Phương đi trót lọt ngang qua phố.

Đã đến giờ xuất phát. Bà hoàng, cô hầu phòng và năm đứa trẻ tất cả chờ sẵn ngoài cổng chờ tín hiệu. Mỗi người đeo một túi vải đựng các đồ dùng thiết yếu.

Như thường lệ, Bảo Long là người đi đầu tiên. Phải chạy vài chục mét mới đến chỗ lính Pháp bố trí che chắn. Tại sao chọn Bảo Long đi đầu tiên? Rõ ràng ai cũng biết phải tận dụng yếu tố bất ngờ, người đi đầu sẽ không có nguy cơ bị dính đạn, như người thứ hai hoặc thứ ba, đối phương đã kịp đề phòng. Người Pháp cũng đã tính toán. Phải đảm bảo an toàn cho Bảo Long trước tiên để sau nầy còn có người giữ ngôi báu.

Đã dự kiến nhiều biện pháp đề phòng để tạo thuận lợi cho việc vượt qua con phố, nhưng lính Pháp lại quên không yêu cầu cải trang. Bảo Long vẫn mặc chiếc quần soóc lửng màu trắng hàng ngày, nên đã tạo ra một vệt sáng rất dễ phát hiện trong bóng tối nhá nhem. Một mục tiêu rất dễ lộ. Mặc kệ? Bảo Long cứ nhằm một lối đi qua hàng rào thép gai bao quanh trường Thiên Hựu mà chạy thục mạng, suýt vấp ngã nhưng cuối cùng cũng vượt qua bình an vô sự. Còn lại bà Nam Phương dắt díu mấy đứa con bé chạy theo. Bộ đội Việt Minh, có lẽ bị bất ngờ, không phát hiện ra hoặc không muốn bắn.

Ngay sau khi sang đến nơi an toàn trong trại quân Pháp ở trường Thiên Hựu, tất cả lên xe gắn súng liên thanh Coventry và có xe bọc Humber yểm trợ (những xe nầy quân Pháp mới mua lại của quân đội Anh) rồi tiến về nơi trú ẩn được bảo vệ tốt hơn và xa vùng chiến sự hơn.

Tuy nhiên, vấn đề không phải đi khỏi Huế vì lúc nầy Việt Minh vẫn bao vây chặt các vị trí quân Pháp. Họ chỉ đến một nơi ít trống trải hơn đôi chút và chờ viện binh đến giải vây.

Sau nầy khi chiếm được trường dòng, bộ đội Việt Minh đã lục soát rất kỹ. Sàn nhà bị lật lên kể cả sàn nhà nguyện. Họ chỉ tìm các nơi cất giấu vũ khí. Không ai tra hỏi tung tích mẹ con bà Nam Phương. Sau nầy khi Pháp làm chủ hoàn toàn thành phố Huế, phần lớn các tu sĩ đã trở về Canada, về trường dòng Cứu thế ở Sài Gòn hoặc đi nơi khác. Tuy nhiên trong toà nhà lớn được coi là “điện Versailles thu nhỏ”, các cha xứ Việt Nam vẫn ở lại. Các hành lang dài gần như trống rỗng.

Về sau, trường dòng đã đóng cửa hẳn, các trường học cho trẻ em trên 5 tuổi tách khỏi nhà thờ, dạy theo chương trình của Nhà nước. Thay vào đó là trại mồ côi dành cho trẻ em dân tộc ít người ở miền núi.

Chú thích:

(1) Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung vẫn ở lại cung An Định sau khi bà ra sức ngăn cản con dâu không được. Sau một thời gian ngắn đi tản cư tại quê nhà khi chiến sự lan rộng, bà trở về cung An Định và sống ở đó. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, cung An Định bị sung công, bà mới dọn sang ngôi nhà riêng ở gần đó (79 Phan Đình Phùng) cho đến khi mất năm 1980, thọ 90 tuổi.

(2) Người theo hầu Bảo Long năm đó, sau nầy, khi Bảo Đại trở về nắm quyền bính, đã theo hoàng gia sang Pháp và cuối cùng cùng mở một nhà hàng ở Paris.

(3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại – Cố vấn Chính trị, phụ lục liên quan đến an ninh.

(4) Xem Hồi ký Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4/1995 và báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19 tháng 12 năm 1991.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 1995, tr. 480.

(6) Nói chuyện với Bảo Long tại Paris, tháng 9 năm 1994 và cha Lành ở Huế tháng 2 năm 1995.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play