Nguy cơ bùng nổ cuộc nổi dậy tại kinh đô Huế khiến tư lệnh quân đội Nhật đề nghị dùng vũ lực để lập lại trật tự trên đường phố. “Chỉ cần hai tiếng đồng hồ là quét sạch cuộc nổi loạn”. Nhà vua từ chối. Ông không muốn người Việt Nam phải đổ máu.

Trước khi có quyết định cuối cùng, Bảo Đại muốn biết ai ở đằng sau Việt Minh? Nhà cách mạng nào?

Trong ký ức của mình ông nhớ đến cái tên Võ Nguyên Giáp, cái tên duy nhất ông nhớ được. Buổi chiều ngày 19 tháng 8, bốn lần ông gọi điện cho ông Hòe, hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai? Mọi người chỉ biết Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng, nhiều lần bị truy nã và kết án, nhưng cũng ít người biết Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh chỉ là một. Đó là người đứng đầu chính phủ cách mạng lâm thời đóng trụ sở tại tầng một toà Thống sứ ở Hà Nội, nay được gọi là Bắc Bộ phủ.

Sự mê tín, như thường thấy ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong những giờ phút quyết dịnh. Phạm Khắc Hòe không ngừng nhắc lại câu sấm truyền: Nam Đàn sinh thánh. Thánh đó có thể là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu không thành công và đã mất năm 1940. Từ những năm 1920 người ta lại giải thích ông thánh cứu nước chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu ở Nghệ An.

Chính câu sấm truyền ấy cùng với dư luận đồn đại, theo ông Hòe kể lại sau này, đã khiến Nhà vua đi đến quyết định cuối cùng.

Ngày 20 tháng 8, Bảo Đại cho biết ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc.

Buổi sáng ngày 21 tháng 8, lá cờ vàng ba gạch hình quẻ ly của Triều đình lâu nay vẫn ngạo nghễ trên cột cờ cao trên kỳ đài của hoàng thành thì hôm nay đã được thay bằng lá cờ của cách mạng, màu đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ ở chân kỳ đài có mặt lúc đó chẳng những không làm gì để ngăn cản mà lại còn phụ giúp những người cách mạng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên(2). Việc này làm Bảo Đại đau khổ và suy sụp hơn là tuyên bố sẵn sàng thoái vị. Ông nghĩ trước khi làm lễ cáo yết tổ tiên và giao quyền bính cho chính phủ cách mạng thì quyền lực Nhà vua mà tiêu biểu của nó là cờ vàng cỡ lớn treo cao gần ba chục mét, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy. Ông chấp nhận ý kiến thoái vị vì vào thời điểm đó, dù có thừa nhận hay không, phong trào Việt Minh đã tập hợp được đại đa số những người yêu nước có tinh thần quốc gia – dân tộc trong nhân dân. Những người Cộng sản chỉ chiếm số rất ít trong hàng ngũ những người tham gia Việt Minh. Theo số liệu được công bố sau này cả nước lúc đó chỉ khoảng năm nghìn đảng viên, phần lớn lại là những đảng viên mới. Họ hoạt động bí mật và thường giấu kín cả việc họ là đảng viên.

Cùng ngày, De Gaulle lên tiếng. Lúc này ông đang ở Washington để hội kiến với Truman. Người đứng đầu nước Pháp tự do được tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Lập trường của De Gaulle lúc này là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Ông chỉ tuyên bố. “Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn”.

Như thế là còn rất xa so với lập trường của Bảo Đại nêu ra trong thông điệp ngày 17 tháng 8 gửi De Gaulle, bản thông điệp đã khiến người Pháp rất rầu lòng. Giám đốc cơ quan DGER – Tổng nha nghiên cứu và tư liệu tức Cục tình báo Pháp sau này, là A. Boutheret – viết cho Laurentie, giám đốc chính trị của Bộ Thuộc địa: “Đề nghị của Bảo Đại đưa ra đúng vào lúc tướng De Gaulle đang thương lượng với Mỹ, đã đẩy chúng ta vào một tình thế cưc kỳ tế nhị. Nhân nhượng tối đa của chúng ta là độc lập của Liên bang Đông Duơng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp”. Đó là sự phản ứng duy nhất của De Gaulle đối với thông điệp của Bảo Đại nhưng vẫn được giữ kín. Trong Hồi ký chiến tranh, tướng De Gaulle không hề nhắc đến bức thư đó. Lúc này nước Pháp không có ý định trao trả độc lập cho Annam và chắc chắn không thừa nhận những gì đã thoả thuận giữa Nhật và Việt Nam. Hai ngày sau, René Pleven, Bộ trưởng Thuộc địa viết:“Vấn đề gay cấn hiện nay là làm sao giúp cho nhũng nhân vật như Bảo Đại có thể thoái lui mà không mất mặt hoàn toàn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục dùng ông ta”.

“Chắc chắn là uy tín của Bảo Đại đã bị giảm sút nghiêm trọng sau khi ông ta tìm cách khôi phục quyền lực muộn màng bằng cách biên mình thành công cụ của người Nhật”.

***

Một đơn vị biệt kích Pháp, mang mật danh Lambda được máy bay Anh đưa từ Calcutta đến nhảy dù xuống miền rừng núi phía tây Thừa Thiên cách Huế hai mươi tám cây số vào ngày 22 tháng 8 năm 1945. Cầm đầu là đại uý Castelnat(3), người bạn cũ, nguyên sĩ quan hầu cận của Bảo Đại. Sáu người trong đội biệt kích được lệnh bằng mọi giá phải liên lạc được với Bảo Đại yêu cầu ông hãy đừng vội thoái vị để chờ người Pháp trở lại.

Một nhân chứng, Elula Perrin, đã giải thích trong một cuốn sách được công bố bốn mươi năm sau: “Những người Pháp mới ở chính quốc cho rằng những người Pháp cũ ở Đông Dương là những kẻ đã cộng tác đắc lực với người Nhật. Họ không tin những người này nên khi nhảy dù xuống vùng rừng núi đã tìm cách liên lạc với những người dân bản xứ đã chiến đấu chống Nhật, tức là những người cùng trong mặt trận chống phát-xít như họ, để hy vọng nhận được sự ủng hộ“.

Đội biệt kích đã không đến được thành phố Huế. Vừa xuống đất họ đã bị Việt Minh chặn đánh và bắt làm tù binh, cùng với vũ khí, điện đài và đầy đủ tài liệu Họ đã đến quá chậm. Lực lượng cách mạng thấy cần phải tăng cường sức ép để buộc Nhà vua thoái vị ngay để ngăn chặn hậu hoạ. Nhà vua cũng biết rằng mình nhiều năm là công cụ ngoan ngoãn và trung thành của chính quyền bảo hộ nên không được lòng nhân dân. Một mặt ông thấy khó mà cưỡng lại ý chí của nhân dân, mặt khác tuy không muốn bị Pháp lợi dụng một lần nữa nhưng cũng không đủ sức chống lại âm mưu dụ dỗ của chúng. Trong cảnh ngộ của ông lúc này, ông chỉ vớt vát được đôi chút thể diện là nhanh chóng chấp nhận từ bỏ ngai vàng trao ấn kiếm tượng trưng quân quyền cho Việt Minh và sẵn sàng cùng với nhân dân ra sức giữ gìn nền độc lập.

Ngày 22 tháng 8, được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước Nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới. Ông ban chiếu mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các(4). Ông không biết trước đó tại Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc bí mật giữa Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại và cả Thủ tướng Trần Trọng Kim với đại biểu Việt Minh, trong đó Việt Minh đã khước từ lời mời hợp tác mà kiên quyết đòi chính phủ họ Trần từ chức, giao toàn bộ chính quyền cho Việt Minh. Ngay tại Thừa Thiên, nhân dân đã hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Việt Minh, nổi dậy lập chính quyền cách mạng ở một số huyện trong tỉnh.

Đúng hôm sau, ngày 23 tháng 8, Việt Minh tỉnh Thừa Thiên (mang mật danh Nguyễn Tri Phương) chủ trương biến cuộc míttinh chào mừng việc Nhật trao trả Nam kỳ thành cuộc biểu tình tuần hành võ trang khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng tại thành phố Huế.

Trong lúc hàng chục vạn dân các phủ, huyện trong tỉnh Thừa Thiên và nội thành Huế, cờ biển rợp trời, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, nườm nượp kéo về sân vận động Huế thì một tối hậu thư, lời lẽ khô khan, cương quyết, gần như thô bạo, được dán kín và gửi cho Triều đình. Chính Nhà vua đã tự tay mở thư đọc:

- Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở Việt Nam và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa.

- Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay.

- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh và tài sản cho Hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày truớc cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.

Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23 tháng 8 năm 1945.

- Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa Nhà vua và chính quyền cách mạng(5).

Ký tên và đóng dấu

Việt Minh Nguyễn Tri Phương.

Làm thế nào bây giờ? Bảo Đại thấy mình đơn độc. Đọc xong bức thư, ông bực dọc đứng dậy quay vào trong nhà nói: “Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm“.

Bên ngoài, đường phố chuyển động, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu như sấm dậy. Trong Đại Nội, tâm trạng mọi người hoảng loạn. Lúc này “ngôi báu” cũng chẳng có nghĩa lý gì với mạng sống của mọi người trong hoàng gia. Hơn sáu chục năm qua, kể từ khi vua Tự Đức băng hà (1883), hoàng cung đã chứng kiến nhiều chuyện vua bị phế truất rồi bắt bỏ ngục, bức tử, đem đi dày biệt xứ… Đâu đó tiếng tụng kinh niệm Phật râm ran, cố lấy lại bình tâm, cầu mong Đức Phật độ trì tai qua nạn khỏi. Nhà vua và Hoàng hậu cùng với bà Hoàng thái hậu cố tỏ ra điềm tĩnh nghe ngóng tình hình, nhưng mọi người không khỏi lo sợ quần chúng biểu tình ùa vào trong hoàng cung và một cuộc tàn sát có thể xảy ra.

Đúng 12 giờ 25 phút ngày 23, nội các lâm thời họp cấp tốc do Nhà vua chủ toạ. Không phải bàn nhiều, mọi người nhất trí chấp nhận tất cả các điều kiện của Việt Minh đưa ra. Thủ tướng Trần Trọng Kim nói giọng mát mẻ như muốn ám chỉ ông Hòe là người của Việt Minh:

- Thôi, bây giờ thì mọi việc do tay ông Hòe quyết định cả?

Nhưng không ai là không biết chính ông Kim cũng như nhiều người trong nội các của ông, những lúc hiểm nguy đã đi tìm sự che chở của người Nhật.

Tan họp, Phạm Khắc Hòe thảo ngay thư trả lời chấp nhận thoái vị ngay của Nhà vua và được lệnh chuyển ngay cho Việt Minh đang chủ trì cuộc míttinh ở sân vận động Huế tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

Tối hôm đó, tin khởi nghĩa thành công tại Huế và Vua Bảo Đại nhận thoái vị đã được điện báo cáo ngay cho Hà Nội(6). Sáng hôm sau, 24 tháng 8 lại một bức điện ngắn do Uỷ ban nhân dân Bắc bộ gửi vào:“Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay đế củng cố nền độc lập và thông nhất nước nhà“.

Sau này tin đầy đủ hơn cho biết: Chiều ngày 21 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội một nhóm trí thức và sinh viên họp ở Việt Nam học xá đã nhất trí yêu cầu Nhà vua thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập(7).

Lúc này, ông Hòe đã đi dò hỏi được các nguồn tin đáng tin cậy cho biết lãnh tụ Việt Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cũng chính là Nguyễn Ái Quốc.

Vả lại, trưa hôm trước, Nhà vua đã chấp nhận tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên-Huế là thoái vị ngay cho nên lúc này chẳng còn gì để trù trừ nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play