Tôi ngồi trong căn phòng của công ty, buổi diễn kết thúc cũng đã tám giờ
rồi, tôi chui vào nhà vệ sinh hì hục cọ rửa những vết mực trên mặt,
nhưng vì chất lượng mực quá tốt nên rửa đến mấy lần nước mà vẫn cứ thấy
mặt bẩn bẩn thế nào ấy. Tôi nghe thấy tiếng cười của Lâm Tiểu Hân, cô ấy nói: "Tiểu Cường, rửa như thế thì khó sạch lắm, lấy
nước nóng rửa xem."
Tôi quay lại nhìn Tiểu Hân, vết mực
trên mặt tôi đã sạch đi phần nào nhưng vẫn còn hiện từng đường nét của
cái đế giầy trên mặt. Tiểu Hân cười mà như không cười bảo tôi: "Qua
phòng làm việc của tôi đi, bên đó có nước nóng."
Lần đầu tiên tôi đến văn phòng của Tiểu Hân, một phòng đơn không rộng lắm, cô ấy lấy một chậu nước nóng, đưa cho tôi một cái khăn mặt trắng muốt, tôi hơi trù
trừ, sợ làm bẩn mất cái khăn trắng.
"Mau rửa đi!" Cô ấy giục tôi.
Tôi vục đầu vào nước kì mấy dấu mực hằn trên mặt, cái khăn mặt trắng đúng
là đã hơi ngả màu, tôi lấy làm ái ngại đưa trả cho Tiểu Hân, cô ấy nhận
lấy rồi nói: "Sao cậu rửa chẳng cẩn thận gì cả, còn bao nhiêu chỗ chưa
sạch kia kìa!"
Cô ấy lấy khăn lau giúp tôi những vết bẩn còn sót lại, tôi ngồi im trên ghế, có cái gì đó thật ấm áp đang dâng
trào trong tận đáy lòng tôi, không nhớ đã bao lâu rồi tôi không xúc động thế này.
Tiểu Hân nhúng khăn vào chậu nước, vừa vò khăn vừa nói với tôi: "Lần này thì sạch rồi."
Tôi nhẹ nhàng nói: "Chị Tiểu Hân, cảm ơn chị."
Tiểu Hân cười, lại vẫn nụ cười quen thuộc ấm áp ấy.
Tôi không giấu nổi lòng mình nên đã kể với Tiểu Hân: "Tiểu Hân này, thật ra ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy chị, em đã thấy nụ cười của chị rất quen thuộc, sau đó em phát hiện ra nụ cười của chị rất giống nụ cười của mẹ
em, chị đừng hiểu lầm, mẹ em tuy chỉ là một bà nông dân mù chữ nhưng mỗi khi bà cười trông rất đẹp."
Tiểu Hân cũng cười, chị ấy nói với tôi: "Chị cũng thấy em rất gần gũi, nhưng vẫn chưa nghĩ ra là em giống ai."
Chị hỏi tôi: "Em chưa ăn gì phải không? Chị cũng chưa ăn, chị gọi đồ rồi cùng ăn nhé."
Tôi cười hỉ hả: "Vậy em sẽ đợi."
Tiểu Hân lật cuốn danh bạ điện thoại, tìm số của bộ phận đặt đồ ăn của quán
đồ ăn nhanh, chị tự hỏi: "Không biết muộn thế này rồi người ta còn đem
đến cho mình nữa không."
Tôi cười nói: "Chắc chắn là có."
Chị ngạc nhiên nhìn tôi hỏi: "Sao em biết chắc chắn còn mang đến?"
Tôi cười và trả lời: "Vì người đưa đồ là người làm thuê, nhưng quyết định
có đưa hay không là ở ông chủ, thế nên chắc chắn họ vẫn đưa."
Tiểu Hân vừa gọi điện vừa nói: "Em phân tích rất có lí đấy!"
Tôi ngắm bức ảnh chụp chung để trên bàn, đó là bức ảnh rất thân mật của Tiểu Hân với một người đẹp trai.
Tôi hỏi: "Người này có phải bạn trai chị không, chị Tiểu Hân?"
Tiểu Hân mặt rạng ngời hạnh phúc đáp: "Ừ."
Tôi cười tinh nghịch nói: "Đợi khi nào nhà chị làm lễ hắt nước thì nhớ gọi em đến giúp một tay nhé!"
Tiểu Hân bán tín bán nghi hỏi tôi: "Lễ hắt nước? Sao nhà chị phải làm lễ hắt nước?"
"Các cụ già ở thị trấn em thường nói con gái lấy chồng như nước đổ đi, nên..." Tôi cười tinh quái.
Chị ấy cười ngắt lời tôi: "Nói linh tinh."
Tiểu Hân rút trong túi ra một trăm nhân dân tệ đưa cho tôi nói: "Đây là tiền bồi dưỡng buổi quảng cáo chiều nay."
Tôi mừng lắm, cái phòng mẹ ở có mấy mảnh kính cửa sổ bị vỡ, giờ có thể thay mới rồi, nhưng tôi lại hơi nghi ngờ, không biết đó là tiền công ty bồi
dưỡng hay tiền của chị ấy.
Tiểu Hân đáp: "Đây là tiền của em mà, sao lại phải cảm ơn chị?"
Tôi cầm 100 tệ mang theo hơi ấm tình người. Xã hội này có rất nhiều người
không nheo mắt khi mua cái áo khoác một hai chục nghìn nhân dân tệ, cũng có những người cần 100 tệ để làm biết bao nhiêu việc.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT