Trời vừa sáng lờ mờ. Bốn bề tịch mịch. Thế mà trên con đường nhỏ đầy cỏ rậm đã có tiếng người rên la chửi rủa tục tằn. Tiếp theo một bộ mặt tái mét lại chột mắt, trông ghê gớm đang lảo đảo đứng lên. Nhưng hắn vừa bước được hai bước lại trượt chân ngã khuỵu xuống.

Hắn la lên một tiếng úi chao rồi lại cả tiếng chửi rủa: -Cha mẹ đồ con chó! Một ngày kia nó mà vào tay ta, ta không phân thây muôn đoạn được thì thề chẳng làm người.

Đột nhiên hắn nghe thấy tiếng chân người nặng trịch đi đến thì mừng rỡ vô cùng, lẩm bẩm một mình: -Ba dặm đường đến đây là đủ rồi. Cừu mỗ dường như có cứu tinh đến.

Hắn cố sức kêu gào: -Cứu tôi với, cứu tôi với!

Tiếng kêu vọng đi rất xa. Bỗng ngoài mười trượng có thanh âm ra vẻ kinh ngạc hỏi: -Giữa thanh thiên bạch nhật sao lại có tiếng người kêu cứu mạng? Đại nương! Bà có nghe rõ không?

-Tôi có điếc đâu mà không nghe rõ? Nhưng tôi tưởng mặc kệ họ, hơi đâu mà dính vào, mình còn phải thượng lộ chứ?

Cửu Hoa Sơn Chúa, Quỷ Vương Cừu Minh nghe hai người nói vậy trong lòng nóng nảy liền la lớn: -Cứu tôi với! Các vị không thể bỏ người chết ở đây mà đi được.

Tiếng bước chân bỗng dừng lại. Người đàn bà nói: -Đúng có người gặp nạn rồi! Chúng ta không thể bỏ họ chết được, phải lại xem đã.

-Đại nương! Đó là theo ý bà, nếu bữa nay không vào thành kịp, bà đừng có trách tôi.

-Phải rồi, ai trách ông làm chi. Từ ngày tôi lấy ông đến giờ, tôi đã trách ông hồi nào? Ông chẳng có lương tâm gì hết.

-Được rồi! Bà lại sắp nói lôi thôi đấy. Lại xem thì lại đi!

Nháy mắt, trên con đường nhỏ một cặp vợ chồng đứng tuổi, ăn mặc quần thô áo vải, mặt vàng như nghệ, tựa hồ suốt đời bệnh hoạn.

Quỷ Vương nhìn qua khe hở của bụi cỏ bằng con mắt độc nhất, thấy hai người đi đường này ra vẻ quê mùa cục mịch, dường như chẳng có bản lãnh gì hết. Hắn vừa rên rỉ vừa kêu: -Hai vị qua đường kia! Cứu mạng cho tôi với!

Hai người này ra bộ giật mình ngơ ngác, người đàn bà giơ tay trỏ vào đống cỏ rậm nói: -Y ở chỗ này. Ông thử lại xem.

Người đàn ông vừa vạch cỏ đi vào vừa hỏi: -Ai đó! Sao lại nằm đây! Nhà cửa ở đâu để chúng tôi đưa về.

Quỷ Vương vội nói: -Xin cảm tạ hảo tâm của hai vị. Tôi bị quân chó đẻ đánh trọng thương. Phiền hai vị nâng đỡ tôi về nhà, tôi xin hậu tạ.

Người đàn ông nói: -Ồ! Nếu vậy thì tiện lắm. Chúng tôi cũng về quê ngoại ở trong thành. Lão cũng ở trong thành ư?

Quỷ Vương sáng mắt lên, đầu gật lia lịa nói: -Đúng thế! Nhà tôi ở cửa đông gọi là Vĩnh Phát Trù Trang.

-Thế ư? Ngài lại đại quan nhân ở Vĩnh Phát thì ai mà không biết?

Rồi y quay lại gọi: -Này bà ơi! Mau lại đây giúp đỡ cho vị Đại quan nhân này vào thành.

Đến lúc hoàng hôn, đèn lửa đã bắt đầu thắp sáng, hai vợ chồng người quê mùa nâng đỡ lão chột mắt tiến vào thành Yên Minh, nhắm thẳng cửa đông mà đi.

Quả nhiên thấy một trang trại lớn, trên cổng có biển đề bằng chữ lớn “Vĩnh Phát Trù Trang”.

Một gã đại hán đứng tuổi nhanh nhẹn dường như là quản gia thì phải, vừa trông thấy hai người dìu đắt Quỷ Vương Cừu Minh đi tới, giật mình kinh hãi. Hắn vội chạy tới nơi khom lưng nói: -Sơn...

Hắn định nói “Sơn Chúa” thì Quỷ Vương tức giận gắt lên: -Quân này ngu quá!

Gã quản gia vội chữa ngay: -Dạ dạ! Thưa trang chúa! Tiểu nhân đến chậm, xin...

Quỷ Vương Cừu Minh ngắt lời: -Mau về kêu thầy lang ra đây càng chóng càng hay.

Gã quản gia vò đầu bức tai có vẻ không hiểu, rồi gã ngơ ngẩn khẽ hỏi Quỷ Vương: -Thầy lang nào?

Quỷ Vương Cừu Minh tức giận nói: -Sao mi ngu thế! Trong trang ngoài y ra còn ai là thầy lang?

Hai bác nhà quê nghe Quỷ Vương nói, đưa mắt nhìn nhau. Hai người này không cần nói cũng biết là Ngọc Nô và Phan Tịnh giả dạng.

Ngọc Nô cùng Phan Tịnh thấy nói tới thầy lang, nghĩ ngay ra: -Đây là hắn nói đến Thượng Quan Từ, nhưng hắn gọi hai tiếng “thầy lang” để che mắt mình.

Gã quản gia chợt hiểu liền đáp ngay: -Dạ dạ! Trang chúa! Để tiểu nhân phái người đi mời thầy lang lại ngay.

Quỷ Vương chớp con mắt độc nhất luôn mấy cái rồi nói: -Đi đường phải cẩn thận nghe.

-Dạ!

Mấy người đi vào trong trang, mọi người trong trang đều tỏ ra khẩn trương.

Phan Tịnh cùng Ngọc Nô đưa mắt nhìn nhau ra hiệu rồi nói với Quỷ Vương: -Đại quan nhân! Trời tối đến nơi rồi, chúng tôi xin cáo từ để ra đi.

Quỷ Vương Cừu Minh liếc con mắt vọ nhìn hai người rồi cười hề hề nói: -Hai vị sao lại nói thế? Hai vị đã là ân nhân cứu mạng cho tôi. Xin mời hai vị ở lại chơi ít hôm, rồi hãy đi không được hay sao?

Ngọc Nô nói: -Đa tạ Đại quan nhân! Chúng tôi tiện đường qua đây giúp người một chút có chi đáng kể. Chúng tôi còn mẹ già ở nhà trông đợi. Lòng tốt của Đại quan nhân chúng tôi xin lãnh là đủ.

Quỷ Vương cười nói: -Hai vị đã vào đây chẳng ở chơi được mấy ngày cũng ở lại một ngày rồi hãy đi.

Lão quay lại quát tả hữu: -Các ngươi còn chưa đi dọn lấy một phòng tĩnh mịch để hai vị đại ân nhân của ta nghỉ ngơi ư?

Tả hữu dạ ran! Lão lại nhìn Phan Tịnh cùng Ngọc Nô bằng một vẻ trịnh trọng, rồi sai người đưa về phòng.

Phan Tịnh cùng Ngọc Nô tỏ vẻ nể lời chủ nhân không biết làm sao được, đành đi theo tên người nhà. Tay này ra chiều kín đáo, lặng lẽ đưa Phan Tịnh cùng Ngọc Nô đi vào không nói một câu nào.

Phan Tịnh và Ngọc Nô vừa đi vừa để ý nhận xét đường lối trong trang trại, thấy trang này rất rộng rãi. Cách kiến trúc lâu đài và cảnh vật rất có vẻ mỹ quan.

Ngọc Nô khẽ kéo áo Phan Tịnh nói nhỏ: -Tịnh lang! Trang này nhất định có bố trí cạm bẫy.

Phan Tịnh gật đầu nói: -Nô muội coi bên kia có ao sen. Chẳng hiểu chúng ta có nên qua đấy không?

Ngọc Nô sinh lòng ngờ vực, đưa mắt ra hiệu cho chàng, Phan Tịnh liền hỏi gã đưa đường: -Này bác! Bác đưa chúng tôi đi đâu đây?

Tên người nhà liếc mắt lại nhìn chàng rồi đáp: -Hai vị đừng nóng nảy. Trang chúa ta tiếp đãi hai vị vào hạng người quê mùa thế này là nhất đó và được coi như quý khách.

Phan Tịnh thè lưỡi nói: -Chà chà! Nếu vậy chúng tôi ngại lòng quá!

Giữa lúc ấy có hai gã thiếu niên chừng mười bốn mười lăm tuổi, ăn mặc chỉnh tề đi đến. Gã dẫn đường liền nói: -Tôi đưa hai vị tới chỗ này thôi, còn từ đây đến canh lầu phía tây thì hai chú bé này dẫn các vị đi.

Nói xong gã đại hán trở gót đi luôn.

Hai gã thiếu niên chân tay mau lẹ, vừa trông bề ngoài đã biết ngay là chúng có võ công. Hai gã nhìn Phan Tịnh cùng Ngọc Nô vẫy tay ra hiệu đi theo chúng. Hai gã này cũng không nói một câu nào.

Phan Tịnh nhìn Ngọc Nô giơ tay ra hiệu rồi lặng lẽ theo sau hai gã thiếu niên.

Chẳng mấy chốc đã đi vòng vèo hết mấy luống hoa. Đến trước một tòa nhà đá.

Cách kiến trúc tòa nhà này rất công phu, trạm hoa, dát ngọc trông rất rực rỡ.

Ngọc Nô lè lưỡi nói: -Thiệt là một tòa lâu đài rất đẹp.

Hai gã đồng tử dẫn hai người đến trước lầu, rồi khẽ gõ cửa mấy tiếng. Đoạn chúng chẳng nói gì, đã trở gót đi ngay.

Hai gã đi rồi, Phan Tịnh khẽ bảo Ngọc Nô: -Nơi đây là căn cứ trọng yếu của Cửu Hoa Sơn Chúa. Luật lệ rất nghiêm mật. Từ giờ chúng ta phải cẩn thận lắm mới được, chớ để tiết lộ hành tung. Ngoài kia lão quỷ đã bảo người nhà đi kiếm thầy lang, chắc đó là Địa Quân Thượng Quan tiền bối. Thế nào ta cũng tìm cách để gặp mặt người và nếu có thể chúng ta cứu người ra.

Ngọc Nô đáp: -Phải rồi! Tiểu muội cũng nghĩ vậy. Nhưng chưa biết làm thế nào mà gặp được người?

-Để thủng thẳng hãy tính. Từ giờ nếu có gì quyết định thì Nô muội nhìn ta đưa mắt hoặc giơ tay ra hiệu mà làm.

Phan Tịnh vừa dứt lời thì trong tòa thạch lâu có tiếng chân người vọng ra, rồi cánh cửa sơn son mở rộng.

Hai cô gái chừng ngoài hai chục tuổi xuất hiện, vái chào Phan Tịnh và Ngọc Nô nói: -Thưa hai vị quý khách. Bọn tiểu tỳ được lệnh trang chúa phải nghênh tiếp đại giá, xin mời hai vị vào.

Phan Tịnh đưa mắt nhìn Ngọc Nô ra vẻ ngại ngùng, nói: -Đại nương tử! Chúng tôi không dám vào nơi đây.

Ngọc Nô nói: -Chủ nhân có lòng tốt tiếp đãi mình còn sợ chi mà không vào. Suốt đời mình quê mùa hủ lậu, bữa nay nhờ Đại quan nhân tiếp đãi trọng hậu, mình cũng nên mở rộng tầm mắt.

Thế rồi nàng hớn hở đi vào.

Phan Tịnh chau mày nói: -Đại nương tử!... Bà làm thế thì tôi xấu hổ đến chết mất, ai lại vào nơi lịch sự này mà lại cười nói ầm ầm điếc cả tai?

Ngọc Nô cãi: -Chà! Ở đâu thì tôi cũng cười như vậy, ông không nghe được thì đừng nghe, việc tôi cười tôi cứ cười.

Phan Tịnh cùng Ngọc Nô gây lộn nhưng vẫn theo sau hai thị tỳ lên lầu.

Vừa vào tới nơi hai người thấy cách trần thiết đã giật mình. Trong nhà châu báu rực rỡ, toàn những đồ quý báu vô giá. Trên tường treo hoành phi họa đồ hiếm có, nhà thường không bao giờ nhìn thấy cảnh trang trí này được.

Hai ả thị tỳ đứng sau hai người nhẹ nhàng nói: -Tòa nhà này là nơi chứa đựng những đồ trân quý. Trừ phi có lệnh Trang chúa, còn bất luận là ai cũng không được vào. Đây là hai vị đặc biệt được Trang chúa trọng đãi, thật là tốt phước đó. Xin hai vị hãy ở đây thưởng ngoạn. Tiểu tỳ còn có việc khác không thể hầu tiếp lâu được. Mong rằng hai vị thông cảm cho.

Nói xong hai ả trở gót toan đi.

Phan Tịnh vội hỏi: -Chúng tôi ở đây đến bao giờ mới ra đi được?

-Trang chúa đã có lệnh phải chờ Ngài chữa thương xong mới để hai vị ra đi, ít nhất là ba ngày. Ở đây các đồ nằm, ngồi đều rất đầy đủ, và lát nữa sẽ có người đưa thức ăn đến. Hai vị cứ yên tâm chờ đợi.

Nói xong, hai cô gái trở gót đi luôn. Trong phòng chỉ còn lại hai người là Phan Tịnh và Ngọc Nô.

Ngọc Nô nhìn Phan Tịnh hỏi: -Tịnh lang định làm gì bây giờ?

Phan Tịnh ngẫm nghĩ một chút rồi đáp: -Tiểu huynh chắc rằng Thượng Quan tiền bối ít ra là phải nửa đêm mới tới đây. Vậy mình hãy ở đây một hôm rồi mai sẽ tính.

Ngọc Nô tươi cười hớn hở, vì nàng thấy được ở cùng Phan Tịnh một đêm. Vào khoảng canh hai, hai người chợt nghe tiếng ngựa hí vọng lại.

Phan Tịnh ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi Ngọc Nô: -Bây giờ thương thế Nô muội đã đỡ chưa? Tiểu huynh xem bản lãnh của Nô muội có thể xuống lầu thám thính được đó.

Ngọc Nô gật đầu đáp: -Được lắm! Tiểu muội muốn thử xuống xem. Nếu có cơ hội, tiểu muội sẽ cướp y đem lên đây!

Phan Tịnh dặn: -Nô muội! Nô muội nên nhớ rằng hiện giờ chúng ta đã sa vào nơi đầm rồng hang cọp. Nô muội phải cẩn thận đừng có vọng động.

Ngọc Nô khẽ mở hé cửa sổ nhìn xuống, thấy dưới lầu bốn bề tịch mịch. Cách phòng bị dường như cực kỳ nghiêm mật. Nàng quay lại bảo Phan Tịnh: -Tịnh lang! Bên dưới canh phòng nghiêm mật lắm. Nếu không may bị họ phát giác thì nguy lắm đó. Ta phải tính kế nào cho chắc hơn.

Rồi nàng nói tiếp: -Tịnh lang! Tiểu muội có một kế, nhưng Tịnh lang phải chịu khổ một chút.

-Nô muội có kế gì. Tiểu huynh dù phải chịu khổ một chút cũng không sao, chỉ cần mau khôi phục lại công lực để đến khe Lạc Hiền tìm gia gia. Dù khổ sở đến đâu tiểu huynh cũng chịu được.

-Vậy thì hay lắm! Tiểu muội đã học được phép điểm huyệt ngược lên. Người bị điểm huyệt da thịt co rúm lại, miệng sùi bọt trắng. Tuy đau khổ, nhưng thần trí vẫn tỉnh và vẫn có thể mở miệng rên xiết được. Tịnh lang tính cách đó được chăng?

Phan Tịnh cả mừng nói: -Kế đó rất hay! Ta chỉ kêu réo lên làm kinh động bọn chúng thì chúng phải tìm thầy thuốc đến. Không chừng chúng lại kêu Thượng Quan tiền bối đến với mình thực là tuyệt.

Ngọc Nô hỏi: -Nhưng không hiểu bây giờ Thượng Quan tiền bối đã đến chưa?

-Không cần! Chúng ta cứ thử xem.

-Hãy khoan lại một chút. Địa Quân tiền bối dù có đến đây cũng còn chữa thương cho lão quỷ trước, đâu đã được rảnh? Thời cơ thuận lợi nhất là vào khoảng cuối canh tư. Nếu quả nhiên người đã tới đây, chúng ta mạo hiểm một phen cứu người ra khỏi đầm rồng hang cọp này.

Phan Tịnh mắt sáng lên nói: -Thế cũng được!

Vào khoảng canh tư, trong tòa lâu phía Trang Vĩnh Phát hốt nhiên vang lên những tiếng rú ghê hồn, như quỷ khóc lang gào. Tiếng rú như đâm vào trái tim người ta.

Dưới chân lầu, bóng đen lập tức xẹt lên lầu lớn tiếng hỏi: -Trong lầu có chuyện chi vậy?

Một âm thanh đàn bà kêu trời đáp: -Chết đến nơi rồi! Ông già tôi bệnh cũ lại lên cơn. Nguy to rồi! Xin kêu hộ thầy lang giúp. Vị nào có hảo tâm xin tìm cách cứu mạng cho y.

Cách một tiếng! Cánh cửa sổ mở ra. Ba đại hán võ trang nhảy vào. Chúng đưa mắt nhìn ông già nhà quê toàn thân co rúm, miệng sủi rãi trắng, rên la ầm ĩ.

Ba gã áo đen nhìn nhau hỏi: -Bây giờ làm sao?

Gã khác đáp: -Mau đi bẩm Sơn chúa!

Ngọc Nô đứng bên dậm chân la lối om sòm: -Mau lên! Y chết đến nơi rồi!

Một gã áo đen vụt đi luôn. Gã khác lạnh lùng nhìn Ngọc Nô nói: -Mụ làm gì mà kêu lớn thế? Trang chúa đang chữa thương, mụ chớ làm phiền nhiễu.

Ngọc Nô vẫn chu chéo lên: -Ta không biết! Vị Đại quan nhân lưu chúng ta lại đây. Ngươi coi đó, không cứu gấp thì y chết đến nơi rồi.

Gã này lại hốt hoảng vù vù chạy đi luôn.

Phan Tịnh cùng Ngọc Nô thấy bọn họ đi hết rồi, vẫn kêu la hò hét. Nhưng hai người đưa mắt nhìn nhau mỉm cười.

Lát sau, cửa lầu mở ra, hai ả thị tỳ gặp lúc ban đầu bây giờ lại chạy nhanh lên.

Chúng vừa thấy tình trạng Phan Tịnh, vội khuyên nhủ Ngọc Nô: -Bà đừng la nữa, thầy lang sắp tới nơi rồi, thế nào cũng cứu được ông ta, không ngại gì đâu.

Ngọc Nô giả vờ lắc đầu nói: -Không! Ta không tin được! Bệnh y trừ mẫu thân ta không người nào chữa được. Bữa nay đáng lẽ chúng ta về thành thì không sao cả.

Hai ả thị tỳ cũng thấy phiền lòng, nhưng vẫn khuyên giải: -Thầy lang chúng tôi đây không có bệnh nào là người không chữa được. Bà chị cứ yên lòng!

Quả nhiên ả vừa dứt lời, bỗng nghe dưới lầu có tiếng leng keng. Thị tỳ nói: -Ông thầy đã đến đó! Bà chị không lo gì nữa!

Dưới lầu hai gã đại hán đi trước, theo sau là một lão già gầy còm, vẻ mặt lão lo buồn, chân tay đều đeo khóa sắt để kềm giữ.

Ngọc Nô thấy vậy giật mình, nghĩ thầm: -Coi tình trạng này thì đây đúng là Địa Quân tiền bối rồi, không sai nữa!

Nhưng Phan Tịnh thấy tình trạng ông già như vậy, cơn giận lại nổi lên. Chàng gầm lên thiệt to.

Ngọc Nô lớn tiếnghỏi: -Thầy lang đâu?

Thị tỳ trỏ người đeo xiềng đáp: -Không phải thầy lang là gì kia?

-Ngươi nói láo! Đấy là tù phạm chứ thầy lang bao giờ?

Thị tỳ bật cười đáp: -Bà chị đừng coi thường y. Ông nhà ta mà được y chữa bệnh là kiếp trước đã tu mấy đời rồi đó.

Ả nói xong đứng tránh ra một bên.

Ngọc Nô quay lại toan cất tiếng gọi người bị đeo xiềng, chợt thấy cặp mắt lão loang loáng nhìn thẳng vào mặt nàng. Ngọc Nô không khỏi kinh hãi nghĩ thầm: -Lão này quả nhiên danh bất hư truyền. Dường như lão đã khám phá ra mình bôi thuốc đổi sắc mặt rồi.

Nàng vội bước ra đón tiếp, nói: -Xin thầy cứu giùm cho!

Nàng đảo mắt nhìn ra phía ngoài, thấy hai gã áo đen, mặt lạnh như tiền, đứng chực dường như để giám sát người bị đeo xiềng.

Ngọc Nô vừa kêu thầy lang cấp cứu vừa vận chân khí dùng thuật “Phúc ngữ truyền âm” hỏi: -Phải chăng lão gia là Địa Quân tiền bối? Xin ra hiệu cho tiểu nữ biết.

Người đeo xiềng liền nhe răng ra chứ không nói gì.

Ngọc Nô liền ngấm ngầm xuất hiện bản tướng một chút. Nàng đưa cặp mắt nhìn quanh rồi đột nhiên la lên một tiếng, và quát hỏi: -Các ngươi để ông thầy đeo xiềng đeo khóa thì làm sao mà chữa bệnh được?

Rồi nàng chạy ra cửa gọi: -Này các vị! Mau lên cởi khóa cho y.

Hai đại hán võ trang đứng ngoài cửa lầu, thấy nàng la ó một cách vô ý thức thì trừng mắt nhìn nàng. Còn gã nữa lên tiếng: -Bà làm gì...

Gã nói chưa hết câu, Ngọc Nô đã ra tay nhanh như chớp điểm huyệt luôn cả bốn gã đại hán.

Hai ả thị tỳ thậy vậy toan mở miệng kêu lên, nhưng Ngọc Nô đã phất nhanh tay áo một cái. Chúng liền ngã lăn ra và thất khiếu chảy máu tươi.

Địa Quân Thượng Quan Từ đứng đó tưởng chừng như mình đang ở trong giấc mơ. Lão lặng lẽ đứng coi cuộc diễn biến.

Ngọc Nô lại lạng người đến bên Phan Tịnh vẫy chàng một cái.

Phan Tịnh liền đứng lên nhìn Địa Quân và lạy một lạy, nói: -Điệt nhi là Phan Tịnh, xin khấu đầu bái Thượng Quan thúc thúc.

Ngọc Nô vẫn nói: -Rồi hãy bái kiến! Thời gian gấp rút lắm rồi!

Đoạn nàng phát huy nội lực bẻ xiềng xích cho Thượng Quan Từ và khẽ hỏi: -Địa Quân tiền bối! Tiền bối còn võ công không?

Địa Quân lắc đầu đáp: -Bây giờ sức ta không trói nổi con gà.

Ngọc Nô kinh ngạc đảo mắt nhìn quanh rồi chạy vụt ra, thoáng cái đã mất hút.

Chẳng mấy chốc, dưới lầu gần xa vang lên những tiếng rên ư ử. Phan Tịnh cùng Địa Quân sợ hãi run lên.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play