- Linh Đannnnn. Dậy mau, con gái con đứa, 17 tuổi đầu chứ có phải ít ỏi gì. Sáng nào cũng phải để mẹ gọi dậy đi học là sao? Cả sự nghiệp đi học của con cũng chỉ có một ngày hôm qua dậy sớm đi học thôi hả? Dậy chưa Linh Đan.
Trong phút chốc, thế giới dễ chịu của tôi bị thế lực thống trị lật tẩy. Chiếc chăn mỏng đang trùm lên mặt bị mẹ tôi thẳng tay lật không thương tiếc, tôi cào cào tay tìm chăn, thều thào.
- Để con ngủ 5 phút nữa thôi. Hôm qua con ngủ muộn…
Mắt tôi vừa mới khép lại, giọng mẹ tôi đã vang lên.
- Thức khuya học bài là tốt. Lần sau vẫn phải thức khuya. Sáng vẫn phải dậy đi học.
- Con có học đâu. - Tôi lơ mơ, ngái ngủ.
- Vậy làm gì?
- Con viết…
Định tuôn ra một tràng gồm ba chữ: “ Con viết thư.” Nhưng may sao, cơ miệng lúc đó đang bận ngáp, ngáp xong lại thấy tỉnh ngủ, tỉnh ngủ mới định vị được mình đang chuẩn bị nói gì.
Người tôi như có công tắc tự động, bật dậy. Mẹ tôi tay vẫn cầm chiếc chăn của tôi, nhắc lại.
- Con viết cái gì?
- Con viết bài.
Tôi cười méo mó. Chuồn vào nhà tắm.
Lúc mặc xong quần áo, mang balo xuống nhà bếp chuẩn bị đi học, ngồi vào bàn ăn sáng tôi mới để ý. Trên tường, chiếc đồng hồ tròn xoe, hai kim dài ngắn chạm vào nhau, chọn đúng số 6.
6 GIỜ 30.
Tôi há hốc mồm, trời ạ, xe Bus của tôi.
- Hậu quả chưa con gái. Giờ thì có mà đuổi theo xe Bus trường nhé. Dù sao thì cũng là hình phạt cho việc dậy muộn.
Mẹ tôi đổ thêm sữa vào cốc bên cạnh cho Bố tôi, cất giọng lạnh lùng. Tôi mếu máo đưa đôi mắt long lanh sang nhìn bố. Bố tôi nhún vai, rồi lẳng lặng đưa cho tôi chiếc bánh mì, cất giọng như an ủi.
- Đây là bữa sáng của con. - Rồi liếc sang nhìn mẹ tôi một cái, bố tôi đưa một tay lên che miệng - Lẽ ra bố định gọi con lúc 6 giờ, nhưng….. - Rồi lại nháy mắt sang nhìn mẹ tôi.
Tôi ủ rũ, miễn cưỡng cầm chiếc bánh mì mà bố đưa cho để lấp đầy cái bụng đang kêu ọt ẹt. Ai bảo tôi là con bố tôi cơ chứ. Ai bảo mẹ tôi là vợ của bố tôi cơ chứ???
Gia đình tôi là như vậy!!!
Tôi mếu máo chào bố mẹ, lấy đà để bắt đầu cuộc chạy maratong sắp tới. Vừa co giò, vừa nhồm nhoàm miếng bánh mì trong mồm. Chạy gần đến vỉa hè, tôi có nghe loáng thoáng thấy tiếng bố tôi gọi, rồi tiếng mẹ tôi rối rít. Chắc mẩm trong bụng, khi thấy bộ mặt não nề của tôi, và sự hoành hành của giai cấp thống trị là mẹ tôi, thông suốt tinh thần đấu tranh khởi nghĩa bấy lâu, chắc hẳn bố tôi đang nói chuyện “ nghiêm túc” với mẹ tôi về vấn đề “ Tại sao em lại gọi con dậy muộn như vậy? Có biết là con học hành vất vả như thế nào không? Lần sau em phải gọi con dậy sớm hơn, cho nó ăn Kem đầy đủ sau mỗi bữa ăn, không thì đừng trách với anh đấy.” Tôi mừng ra mặt khi nghĩ tới những lời ấy của bố.
A Ya. A Ya. Chúc bố thành công!
Tôi thở hổn hển trước bến xe Bus. Ngoảnh đi ngoảnh lại. Mồm vẫn nhồm nhoàm miếng bánh mì cuối cùng. Thôi thì, “ Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương?”. Tôi nhún nhún hai chân, xoay tay, xoay bả vai, lấy đà chuẩn bị vận hành hết nội công, chuẩn bị cuộc hành trình: Đuổi theo xe Bus.
Đang lúc xoay xoay cổ, mắt tôi liếc sượt qua chiếc đồng hồ da đang đeo trên tay. Không phải là như thế chứ?
Bây giờ là 6 giờ.??!
Tôi dụi mắt liên tục, đập đập chiếc đồng hồ. Kim giây vẫn nhích từng chút một, chiếc đồng hồ bố mới mua cho tôi nhân dịp sinh nhật năm ngoái, vẫn mới, vẫn khoẻ, và quan trọng là…chưa hết pin.
Vậy…Vậy…..Vậy là chiếc đồng hồ ở nhà là sai?
Mặt tôi tím ngắt, những cột khói trên đầu bốc ra nghi ngút. Thì ra, mẹ tôi đã vặn đồng hồ ở dưới nhà bếp để tôi phải lo mà ra bến xe Bus sớm. Thật tình chưa bao giờ tôi nghi ngờ tôi có phải con ruột của mẹ tôi không như lúc này. Giờ thì là “ Mẹ làm con chịu, kêu mà ai thương?”
Tôi hậm hực ngồi cái phịch xuống chiếc ghế đợi xe Bus bên cạnh. Đung đưa chân đợi xe Bus. Rồi bất chợt, trong đầu hiện lên một List công việc mà hôm nay mình phải làm. Trong lòng lâng lâng cảm giác khó tả. Dù gì, thì đây cũng là “ Bức thư tình đầu tiên của tôi.” Nghĩ đến nét mặt của Quang Anh khi nhận được bức thư, mặt tôi trong phút chốc
nóng ran. Mà thật ra cũng không thể phủ nhận nguyên nhân một phần cũng là do: thời tiết tháng 9.
Thú thật, tôi dốt văn. Điểm phẩy văn lúc nào cũng chỉ lẹt đẹt. Nhưng mà, đúng là.
“ Khi đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.”
Bằng chứng là hiện tại, trong cảm xúc dạt dào, tâm hồn nghệ sĩ trong tôi như trỗi dậy.
“ Nắng sáng tháng 9 vàng óng, nhảy nhót trên những tán cây xanh mướt. Vòm trời như cao và rộng, xanh lơ dễ chịu. Không khí buổi sớm trong lành, hoà lẫn với tiếng gió hiu hiu. Người nghệ sĩ trẻ thả hồn mình phiêu bạt theo chân những áng mây trắng bồng bềnh. Đôi mắt nhỏ của cô long lanh nhìn ngắm cảnh vật, cô hướng tầm mắt ra xa. Trong phút chốc, cả thế giới như ngừng đập. Trước mắt cô, một chàng trai có mái tóc nâu bồng bềnh, đôi mắt trong veo đậm màu cà phê bình thản tựa như mặt hồ. Chàng trai đang tiến lại gần cô. Cô nghệ sĩ trẻ khẽ mỉm cười đáp lại ánh mắt của người đối diện, chàng trai bình thản ngồi cạnh cô, cất giọng chậm rãi.
- Sao đi học sớm thế?
Cô nghệ sĩ trẻ khẽ nghiêng đầu, ngượng ngùng.
- Ừ. Chẳng phải cậu cũng vậy sao Kiệt Luân?
Rồi cô khẽ mỉm cười e thẹn…..”
What?
Wait a minute!
Kiệt Luân?
Đầu tôi như có quả búa tạ rơi xuống. Mắt độn xoắn ốc, cằm trễ xuống tận bụng, trên đầu 5 ngôi sao vàng tổ quốc quay tít. Đúng là:
“ Khi đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.”
Cô nghệ sĩ trẻ trong đoạn văn thưởng thức thiên nhiên kia là tôi, và chàng tai đó, không ai khác là: Kiệt Luân.
Kiệt Luân cũng có vẻ khá bất ngờ khi thấy điệu bộ cư xử khác thường ấy của tôi thì phải. Cậu ta cứ ngồi ngây ra nhìn tôi không chớp mắt. Vốn dĩ thì tôi cũng chẳng có lí do gì mà lại đi thẹn thùng với cậu ta, nên tôi cũng hùng hồn sát khí nhìn lại. Độ 5 giây sau đó, cậu ta rùng mình một cái, rồi vẫn bằng cái giọng thản nhiên hằng ngày, dửng dưng hỏi.
- Mặt tớ có nhọ à?
- Không. Thế không lẽ mặt tớ có nhọ chắc?- Tôi bắt chước y chang giọng của Kiệt Luân, hoạch hoẹ lại.
- Hình như sáng cậu ăn bánh mì? - Kiệt Luân vẫn nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
- Ừ. Sao cậu biết? - Tôi ngây ngô hỏi lại.
- Nó vẫn còn dính lại bên má cậu kìa. - Cậu ta nhún vai.
Giờ thì tôi biết thế nào là ngại trước mặt cậu ta rồi!
Tôi ngừng chiến bằng ánh mắt. Chóp chép miệng, đưa tay lên phủi miếng bánh mì còn sót lại trên má như cậu ta chỉ. Rồi để phá tan giây phút ngượng ngùng, tôi liếc mắt sang nhìn Kiệt Luân, chợt nhớ ra rằng, rõ ràng hôm qua cậu ta đi xe đạp, không lẽ cậu ta cũng đang đợi xe Bus giống tôi. Tôi mở lời.
- Cậu cũng đi xe Bus sao?
Kiệt Luân xốc chiếc balo màu đen trên vai, thật thà đáp.
- Ừ.
- Vậy sao…sao hôm qua tớ thấy cậu về bằng xe đạp? - Tôi thắc mắc.
- Đó là xe đạp Tùng mượn tớ. Hôm qua cậu ấy mang đến lớp trả, nên tớ không đi xe Bus. Với lại, cũng nhờ chuyện đó mà ai kia - Kiệt Luân liếc mắt sang nhìn tôi, rồi nói tiếp - mới có phương tiện về còn gì?
Hiểu ý cậu ta đang ám chỉ tôi, tôi hắng giọng rõ to. Ừ thì đúng thôi, cậu Béo đó là người mà Kiệt Luân yêu còn gì, chẳng thế mà khi nhắc tới chiếc xe đạp đó mắt cậu ta sáng rực rỡ. Tôi hết chuyện, đánh trống lảng.
- Bài tập về nhà hôm qua Hạnh Nhi đưa, cậu làm hết chứ?
- Uhm. Cũng tạm ổn. Còn cậu?
- Ờ. Thì tớ làm hết mà - Tôi vặn vẹo tay, da dáng người chăm học - Còn có hai bài cuối khó dễ sợ luôn.
- Hai bài cuối à?
- Ừ. Hai bài đó hơi hóc búa. - Tôi bâng quơ.
- Có gì lát đến lớp tớ chỉ cho.
Đôi lông mày của Kiệt Luân dãn ra, còn lông mày của tôi nhíu lại. Sực nhớ ra lần trước ở căn-tin, Hạnh Nhi có nói với tôi Kiệt Luân học khá là đỉnh. Tôi gật gù: “Đúng là ông Trời không bất công với ai bao giờ, lấy đi của ai cái này thì sẽ bù lại cho họ thứ khác. Vốn dĩ ai cũng có những ưu điểm và lợi thế riêng. Quan trọng là có biết lợi thế của mình và phát huy hết lợi thế đó hay không mà thôi. Rõ ràng là cậu bạn Kiệt Luân tuy …răng…cậu ấy không được đẹp, nhưng bù lại cậu ta có lợi thế về trí thông minh. Tuy xu hướng về tình cảm của cậu ấy có hơi kì quặc, nhưng bù lại cậu ấy cũng khá là tốt. Ví dụ như lời đề nghị giúp đỡ tôi khoản bài tập vừa rồi. Đúng là chỉ một hành động nhỏ nhưng cũng đủ làm người khác cảm kích…”
Tôi ngồi gật gù chiêm nghiệm sự đời, thì “đốp” một cái, một cái vỗ vào vai tôi.
- Xe Bus đến rồi Linh Đan. Nhanh lên.
“ Thật ra thì cậu ta “ cũng khá là tốt” theo cái cách khó hiểu.”
Tôi lẩm bẩm, xoa xoa vai, lừ đừ lên xe Bus.
Bến xe Bus chỗ tôi đợi là bến đầu tiên, thế nên cũng chẳng lấy làm lạ khi cả chiếc xe bây giờ trần có 3 người. Tôi, Kiệt Luân, và bác lái xe.
Thoắt một cái, tôi co giò chạy vọt xuống chiếc ghế cuối cùng. Chẳng là đấy là chiếc ghế ưa thích của tôi. Có rất nhiều nguyên nhân để chọn nó. Chiếc ghế cuối sát cửa sổ bên tay phải nhiều gió, rộng và êm, có thành ghế tựa đề phòng khi tôi bỗng dưng lại ngủ gật, và thích thú hơn cả, chiếc ghế này chứa rất nhiều cảm giác, lúc thì êm ru, lúc lại xóc xóc, cảm giác nói chung là ….Thập cẩm.
Thú thật, khi lần đầu tiên đi xe Bus tôi đã ngầm ấn định đây là chỗ ngồi của tôi rồi.
Cả chiếc xe Bus rộng như thế này sao cậu ta không chọn ình một chỗ nào khác phù hợp ngoại trừ chỗ này?
Tôi liếc mắt lên nhìn đối phương, cậu ta thản nhiên lấy tai nghe và cho vào tai. Sao cái vẻ mặt ung dung và thản nhiên như là không có chuyện gì xảy ra ấy của cậu ta làm tôi khó chịu thế không biết. Tôi hắng giọng rõ to, rồi liếc mắt ý tứ nhìn sang những chiếc ghế trống khác, nhắc nhở.
- Ủa, trên kia còn nhiều chỗ trống mà.
Kiệt Luân nhướn mày, chậm rãi nói với tôi.
- Cậu không thích tớ ngồi chỗ này hả?
- Không, không. Tớ rất thích đấy chứ! - Tôi kiên quyết phản bác. Rồi cũng ngớ người. Lẽ nào cái ý nghĩ “đừng hòng tranh chỗ ngồi này của tôi” vừa bị đôi mắt nâu đậm kia thui chột?!
- Vậy ngồi lui vào cho tớ.
Kiệt Luân nhìn tôi không chớp mắt, tôi dịch người vào bên trong, cười ngu thắc mắc.
- Ủa. Sao không thấy Tùng đi cùng với cậu nhỉ?
- Tùng say xe Bus.
- Vậy sao cậu không đi xe đạp với cậu ấy? - Tôi lên giọng cao vống nhắc nhở.
Hàng lông mày của người đối diện nhíu lại. Tôi cười ngô nghê.
- À. Haha. Tớ thấy hai cậu có vẻ thân thiết, tưởng phải đi xe đạp với nhau…- Tôi hạ giọng, lẩm bẩm - hay là họ cãi nhau vì mình? Có khi nào cậu bạn Béo kia ghen vì chuyện Kiệt Luân chở mình về hôm qua không?
Tôi cắn tay, một dòng điện chạy xẹt qua người, cảm giác như mình là “kẻ thứ ba” xen vào chuyện tình cảm của họ. TRỜI ƠI, tôi đâu có cố ý.
Rồi, tôi quay đầu sang cửa sổ. Trăn trở nỗi thống khổ của một “kẻ thứ ba”. Một mình.
Chiếc xe Bus đang dừng lại ở bến thứ hai, chỗ ngồi còn trống cũng dần được lấp đầy. Từ nhà tới trường cũng phải đi qua ba bến xe Bus nữa.
Mà cũng chẳng biết có phải ông Trời nghe thấu và rồi đang ban hình phạt ột “kẻ thứ ba’ là tôi hay không, tự nhiên tôi thấy chóng mặt. Rồi khi chiếc xe rồ ga đi tiếp, tôi bỗng cảm thấy nôn nao. Dạ dày như co thắt lại, như muốn tống thứ gì đó trọng bụng ra. Mặt tôi xanh lét.
Có lẽ nào….lẽ nào…..đây là cảm giác say xe?
Một vạch đen chảy dài trên má. Hôm nay tôi chưa uống thuốc chống say.
Một đoạn quảng cáo với những dòng chữ xanh đỏ chạy xoẹt qua trước mặt tôi.
“ Say tàu xe? Đã có thuốc Vomina. Vomina có chứa Dimenhydrinate. Không dùng Vomina cho phụ nữ có thai ba tháng đầu, trẻ em dưới hai tháng tuổi,… đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Vomina - thuốc chống say tàu xe hiệu quả.”
Uống trước khi lên xe 30 phút.
Chết chắc rồi!
Thì ra tiếng gọi thất thanh của bố lẫn trong tiếng rối rít của mẹ lúc nãy, là gọi tôi về uống thuốc. Hình ảnh lọ thuốc chống say xe mới cóng lấp lánh trên bàn ăn làm caí dạ dày của tôi sôi sùng sục.
Tôi bụm chặt bụng, cổ họng giờ thì nghẹn ứ. Liếc sang nhìn cậu bạn Kiệt Luân bên cạnh, cậu ta vẫn đang lim dim nghe nhạc. Tôi vỗ mạnh vào vai cậu ta, Kiệt Luân giật mình, mở mắt nhìn tôi. Tôi cuống quýt, một tay ôm bụng, một tay chỉ thẳng vào mồm mình. Cậu ta vẫn ngớ người, chẳng hiểu tôi bị chứng gì. Hận một nỗi tôi không thể gào vào mặt cậu ta: “ Tớ đang say xe đây.”
OẸ…..!
Cái thứ gì gì đó nôn nao trong người tôi và mắc nghẹn ở cổ họng giờ cũng vượt khỏi cái chỗ chật hẹp ấy. Tôi thở phào: “ thì ra khi bị say xe, bạn chỉ cần nôn ra là tỉnh táo hẳn.”
Nhưng, sau ba giây tỉnh táo ấy, tôi có một lưu ý nhỏ rằng: “Khi nôn ra, điều kiện đủ để mang lại cảm giác tỉnh taó là bạn phải nôn vào đúng chỗ.”
Tôi chết sững người. “ Cái thứ gì gì đó nôn nao trong người tôi và mắc nghẹn ở cổ họng” giờ đang ung dung chễm chệ in hình vàng suộm trên tay áo cậu bạn Kiệt Luân bên cạnh. Cậu ta mở to mắt nhìn tôi, miệng lắp bắp không thành lời, tựa như đã hoá đá.
Tôi đảo mắt nhìn cậu ta, rồi cười khan với những người còn lại. Mấy cô bạn ngồi ghế đầu còn ngoái hẳn cổ lại nhìn tôi.
Tôi giơ ngón tay chỏ chỉ vào cái thứ chất vàng suộm trên áo của cậu bạn Kiệt Luân, rụt rè giải thích.
- Sáng nay tớ ăn…. bánh mì.
--
Vừa bước xuống xe Bus, Kiệt Luân mặt đằng đằng sát khí đi vào trường. Tôi thất thểu chạy theo sau cậu ta. Thiệt tình tôi đâu có cố ý. Rõ ràng lúc đó tôi cảnh cáo cậu ta rồi còn gì. Trời ạ, buổi thứ hai đi học lại thêm điểm trừ nặng nữa cho tinh thần đồng chí đồng đội. Đã phá hỏng chuyện tình yêu của cậu ta với cậu Béo thì chớ, giờ lại còn nôn ra áo cậu ta, thù này cậu ta không trả thì….thì làm sao tôi sống yên lòng?! Sống mà cứ phấp phỏng nơm nớp lo cậu ta trả thù còn đáng sợ hơn cả việc thà thì cậu ta cứ trả thù tôi cho rồi.
Đang huyên thuyên một hồi, mũi tôi chạm ngay vào vật gì đó cứng ngắc. Ngẩng đầu lên, mới nhìn thấy rõ lưng của Kiệt Luân. Tôi lén lút lùi lại.
- Cậu định theo tớ đến bao giờ vậy?
- Tớ bị say xe Bus. - Tôi ấp úng giải thích.
Kiệt Luân vẫn không quay người lại nhìn tôi, tôi chỉ thấy người cậu ta khẽ cao lên một chút như vừa hít vào, rồi lại dãn ra.
- Tớ biết.
Tôi chọc chọc hai ngón tay chỏ vào nhau, lúng túng.
- Sang nay tớ ăn bánh mì, nhưng lại quên không uống thuốc, nên… bị say.
- Tớ biết.
- Vậy nên…….tớ có cái này cho cậu.
Đúng là “ Trong cái khó lại ló cái khôn” như cái status tôi treo hôm qua. Một tia sáng loé lên trong mắt tôi; Vụ án đã được phá.
Trong lúc tâm trạng Kiệt Luân đang không được tốt như lúc này, tôi chợt nghĩ ra bức thư tối hôm qua. Chẳng phải tôi nợ cậu ta một lời “ cảm ơn” và “ xin lỗi” hay sao? Còn gì phù hợp hơn khi đưa thư cho cậu ta vào lúc này?
Tôi chớp ngay lấy cơ hội, vội vàng tháo balo, tìm phong thư cho cậu ta. Rồi với sắc mặt tươi nhất cho ngày mới, tôi cầm phong thư bằng cả hai tay, mắt cong cong, chìa phong thư về phía trước.
Quả như tôi dự tính, Kiệt Luân đã bị đòn “ chí mạng” của tôi đánh trúng tâm lí. Cậu ta ngây người ra nhìn tôi, rồi lại liếc xuống phong thư trên tay tôi. Tôi cười tươi rói.
- Bộ cậu chê thư của tớ hả? - Tôi gào lên tức tối.
Kiệt Luân giật mình, cậu ta cười trừ, nhìn tôi rồi chỉ xuống tay áo.
- Để tay tớ sạch đã.
Tôi liếc nhìn tay áo cậu ta, rồi nhìn theo hướng mắt của Kiệt Luân.
WC - Nam.
Mắt tôi suýt rơi.
Té ra là cậu ta đi vào WC để rửa cái phi vụ mà tôi trót lỡ gây ra, và té ra nữa thì là, tôi theo chân cậu ta từ cổng trường vào tới tận WC - nam.
Tôi nuốt nước bọt cái “ực”. Chỗ này cũng không phải quá tồi để đưa một phong thư.
Thế rồi tôi cũng phải miễn cưỡng quay đầu lại khi Kiệt Luân vào WC. Phong thư vẫn trên tay, tôi ngậm ngùi đứng đợi.
Nhưng trong giây phút tôi vừa quay đầu lại thì….
Bộp - Cằm tôi rơi.
Ngay phía sau tôi, Quang Anh đang đứng nhìn tôi tự lúc nào. Não tôi tê tê, đầu óc trở nên u mê. “Có lẽ nào cậu ấy hiểu nhầm không?”
Tôi ngẩn người, thế này có phải là đào hố xong rồi lại bịt mũi khoái chí tự mình nhảy xuống không hở trời?
Tay tôi như có công tắc tự động, vui vẻ giơ lên vẫy vẫy.
Chẳng hiểu cái vẫy tay của tôi có hiệu lực và sức hút như thế nào mà Quang Anh ngập ngừng một chút rồi đi thẳng tới chỗ tôi.
- Hey, Quang Anh đi đâu vậy? - Tôi cười híp cả mắt.
- À, Uhm……
Quang Anh ngập ngừng, rồi đưa lên trước mặt tôi chiếc khăn lau bảng cong queo. Tôi khẽ “à” lên một tiếng. Thì ra hôm nay tới phiên cậu ấy trực nhật lớp. Tôi bỗng dưng cảm động ghê gớm trước tinh thần tự giác làm việc nghiêm túc của cậu ấy, dù gì thì cậu ấy cũng là học sinh mới cơ mà.
- Quang Anh……….Bồn hoa phía bên này còn đang đợi cậu đấy. - Một giọng nói quen thuộc chợt vang lên.
Phía bên kia, nhỏ Hạnh Nhi đang chống nạnh, đôi mắt sáng quắc lên lạ thường. Nhìn thấy tôi, nhỏ vẫy tay rối rít, rồi lại đưa đôi mắt sắc bén nhìn Quang Anh.
Quang Anh quay đầu lại nhìn tôi, rồi nhún vai.
Tôi ngẩn người, lẽ nào tình cảm giữa Hạnh Nhi và Quang Anh lại phát triển nhanh như vậy? Mới hôm qua, dưới căn-tin, tôi vừa khám phá ra một bí mật: Hạnh Nhi thích Tùng Béo, và giờ thì: Hạnh Nhi và Quang Anh??!
Nhanh như một tia chớp, tôi vội chạy lại phía Quang Anh khi câụ ấy định quay lưng lại. Tôi lén lút cho bức thư ý định đưa cho Kiệt Luân vào túi váy, rồi nhẹ nhàng tháo balo, lôi ra một bức thư khác.
Như một kẻ ăn trộm, tôi len lén dúi phong thư vào tay Quang Anh.
- Cái gì vậy?
Quang Anh nhìn chằm chằm vào lá thư trong tay, lạnh lùng hỏi tôi.
Tôi he hé mắt ra đằng sau canh chừng nhỏ Hạnh Nhi, rồi hạ giọng thần bí.
- Tớ viết cho cậu.
- Cho tớ?
Tôi gật đầu như gà mổ thóc, rồi lại thều thào.
- Đừng cho ai biết nhé.
Quang Anh mặt không sắc thái biểu cảm, lạnh tanh quay lại nhìn Hạnh Nhi, rồi lại đưa mắt xuống nhìn phong thư trên tay, nhún vai, ậm ừ.
Nhìn bóng Quang Anh khuất dần sau những khóm cúc trắng. Tôi vỗ ngực thở phào. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng suôn sẻ. Thật là may khi ……..váy đồng phục nữ trường tôi có hai chiếc túi nhỏ ở hai bên hông. Nếu không thì tôi cũng không biết giấu phong thư định đưa cho Kiệt Luân ở đâu nữa.
- Có vẻ như hôm nay là ngày cậu đưa thư thì phải?
Không cần xoay người lại, tôi cũng đoán ra cái giọng trầm trầm như có ý cười ấy là của ai. Tôi cười như không, thủng thẳng đáp.
- Thì coi như là những lời tâm sự không thể nói bằng lời được, nên viết ra giấy thôi.
- Của tớ đâu?
Kiệt Luân đi lên phiá trước mặt tôi, thản nhiên chìa lòng bàn tay của cậu ta như đòi tôi một thứ gì đó.
Tôi ngớ người, rồi cũng chợt nhớ ra phong thư đang dúm dó trong túi quần, giọng tôi trầm xuống như mưa đá, thật thà khai.
- Trong túi váy.
Kiệt Luân bặm môi, lông mày cậu ta nhíu lại. Tôi cười méo, lôi trong túi váy ra một phong thư méo mó, rồi lại ra sức miết lại cho phẳng, chậm rãi bằng cả hai tay, dâng thư đặt lên bàn tay để ngửa của cậu ta.
Cảm xúc lẫn lộn khó tả, rồi cũng chợt thấy xuất hiện cảm giác….
………mình như là con nô tì đang dâng sớ cho chủ nhân……….
Nhận được phong thư, ánh mắt người đối diện trầm tĩnh lại, trong mắt như ẩn ý cười. Rồi trong giây lát, Kiệt Luân quay gót, đút tay vào trong túi quần, huýt sáo và mang theo phong thư của tôi. Đi thẳng.
Còn mình tôi trơ lại với cái mặt đần thộn và sau lưng cách đó chục bước chân, một cái bảng thông báo chữ trắng, nổi lên trên nền xanh to tướng. WC- nam.
Có mà trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng nổi, tôi lại chọn WC - Nam là bối cảnh cho những bức thư của tôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT