Môn hạ đệ tử trong Tổng đàn “Vũ Nội Thập Nhị Lệnh” chia thành ba hạng, phân biệt bằng màu áo.
Cao nhất là bọn mặc y phục màu lam. Nhưng số này rất hạn chế, cả thảy chỉ có tám tên.
Kế đến là bọn hoàng y, số này có tới bảy mươi hai tên; thân thủ thuộc hàng nhị lưu.
Cuối cùng là bọn cao thủ bận y phục màu xám, có một trăm linh tám tên.
Tất cả đệ tử trong Tổng đàn đều do Tổng Lệnh chủ Thiết Hải Đường đích thân đánh giá phân loại.
Còn việc huấn luyện, số lam y là do Thiết Hải Đường phụ trách, hai hạng kia giao cho Ưng Thiên Lý đảm nhiệm.
Việc huấn luyện và phân hạng được tổ chức rất nghiêm ngặt, sau khi đánh giá xong mới phân chức vụ.
Ngoài cao thủ ở Tổng đàn, “Vũ Nội Thập Nhị Lệnh” có hàng trăm cao thủ khác ở mười hai phân đàn, thế lực kể là hùng hậu vào bậc nhất ở vùng biên thùy phía bắc, có cả lực lượng ở Quan ngoại.
Hôm nay được tin Quách Bạch Vân tới đây, Ưng Thiên Lý mang theo tám tên hoàng y hán tử, trong đó bốn tên đi theo lão, còn bốn tên bố trí canh gác bên ngoài.
Bọn này quen cậy thế chủ, mục thị vô nhân, hành hung tàn ác khắp nơi, tha hồ ức hiếp người, ai làm gì được chúng?
Ba tên còn lại đang đuổi theo Khấu Anh Kiệt gồm Đinh Tam, Vương Đại Lập và Giang Bình, trong đó Đinh Tam là lãnh đội.
Tên này người thấp lùn, sử một đôi “Văn xương bút”, sở trường điểm huyệt, danh xưng “Lạt Thủ Kim Cương”, nghe danh cũng biết người ác độc tàn bạo.
Đinh Tam được Tổng Lệnh chủ và Ưng Thiên Lý ưu ái trọng thị, từ đó càng thêm kiêu ngạo.
Đinh Tam dẫn đầu hai tên thủ hạ thuộc quyền, vừa đuổi theo Khấu Anh Kiệt vừa quát lên:
– Tiểu tử nộp mạng đây!
Cách năm bước, hắn tung mình phi thân nhảy tới, song bút điểm tới hậu tâm Quách Bạch Vân được cõng sau lưng Khấu Anh Kiệt.
Một cao thủ cái thế như Quách Bạch Vân, cho dù thân bị trọng thương nhưng há để bị một tên nhị, tam lưu dễ dàng ám toán?
Khi mũi bút của Đinh Tam đâm gần tới hậu tâm, lão mới quay đầu lại.
Đinh Tam đang mừng thầm vì sắp đắc thủ, chợt thấy Quách lão nhân há miệng phun ra một vòi máu tươi!
Những cao thủ thượng thặng đều biết công phu “Bích Huyết Tiễn” lợi hại thế nào, bởi đó chính là tuyệt chiêu tối hậu!
“Bích Huyết Tiễn” gồm hỗn hợp nguyên khí của bản thân phát ra nên có uy lực rất lớn.
Đinh Tam còn chưa biết mình đang gặp nguy hiểm, mà cho dù biết thì với khoảng cách gần như thế, hắn lại trên đà lao tới muốn tránh cũng không kịp.
Đang hí hửng vì sắp lấy mạng đối phương, hắn bỗng rú lên, toàn thân bật ngược lại, bị luồng tiễn huyết xuyên thấu qua tâm phế, hồn quy địa phủ.
Hai tên còn lại là Vương Đại Lập và Giang Bình thấy vậy không còn hồn vía nào nữa, đứng ngây người nhìn thi thể vẫn còn run bắn lên của của tên lãnh đội, giữ sao cho khỏi khuỵu xuống ngất đi, còn nói gì đến chuyện đuổi theo địch nhân?
Khấu Anh Kiệt không được mục kích cảnh tượng bi tráng này, vẫn tiếp tục chạy nhanh tới tàu ngựa.
Không còn người truy đuổi, Khấu Anh Kiệt dắt “Hắc Thủy Tiên” ra khỏi tàu nhảy lên yên, đặt Quách Bạch Vân ngồi phía trước mình, giục ngựa phi khỏi khách điếm.
Ra khỏi thành chừng trăm dặm thì phương đông đã ửng hồng.
Thị trấn đã lùi xa, dân cư thưa thớt dần rồi vắng hẳn.
Lọt vào một khu rừng thoáng hoạt, Khấu Anh Kiệt ghì cương dừng ngựa lại.
Quách Bạch Vân cất giọng yếu ớt nói:
– Chỗ này thanh tịnh... được đấy! Xuống ngựa đi!
Khấu Anh Kiệt cẩn thận đỡ Quách lão nhân xuống ngựa, đặt ngồi dựa lưng vào một tảng đá.
Ánh nắng mai chiếu vào khuôn mặt nhợt nhạt gần như mất hết sức sống của ông khiến lòng chàng đau thắt.
Chàng ngập ngừng nói:
– Lão tiền bối...
Thấy mắt chàng rớm lệ, Quách Bạch Vân nở nụ cười héo hon nói:
– Khấu hiền điệt! Đừng rầu rĩ thế! Ta gắng sống đến bây giờ là tốt lắm rồi!
Hiền điệt không thấy đó là kỳ tích hay sao?
Nói xong hít sâu vào một hơi, nét mặt tươi giãn ra đôi chút.
– Ta còn thời gian truyền mười một chữ khẩu quyết cho cháu, đó mới là điều kỳ diệu. Lại đây!
Nước mắt chứa chan, Khấu Anh Kiệt nghẹn ngào hỏi:
– Lão nhân gia... không nghĩ gì đến việc sống chết của mình sao?
– Khấu hiền điệt! Làm sao mà đến bây giờ cháu vẫn còn chưa hiểu nỗi lòng ta?
Lão ho khùng khục mấy tiếng, cười nói:
– Sống chết, cảnh ngộ, duyên phận... tất cả đều rất kỳ diệu!
Tới đó, lão chợt đưa tay ôm lấy ngực, ho rũ rượi, hai bàn tay nắm chặt, vẻ mặt vô cùng căng thẳng như đang dốc hết khả năng nội tại để chống đỡ với cái chết.
Một hồi sau, cơn đau dịu bớt, Quách Bạch Vân lấy lại sắc mặt bình thản nói:
– Khấu hiền điệt! Hãy ghi nhớ đây! Trong mười một chữ khẩu quyết thì chữ “Minh” là đầu.
Khấu Anh Kiệt đưa tay lau nước mắt, khẽ gật đầu.
Quách Bạch Vân lại đọc:
– Thiệt để thượng ngạc, nhất ý vị “điệu”, Thần du thủy phủ, Hoàn tí vi “Sát”, Tâm chú vĩ bản, Dao kiên vi “Tủng”, Huy vận lưỡng mục, Tần tần xưng “Yến”, Trừng thần ma phục, Khúc tích thị “Phán”...
Lão đọc một thôi những câu không ai hiểu, nào là “Vô ngã vô nhân, tâm như chỉ thúy...
Trong câu rắc rối như câu sấm ngữ này, lão đặc biệt nhấn mạnh mười một chữ là “Minh”, “Điệu”, “Sát”, “Tủng”, “Yến”, “Phán”, “Ngưng”, “Thác”, “Giảo”, “Sung”, “Chỉ”, tổng cộng mười một chữ.
Đọc xong mười một chữ khẩu quyết, Quách Bạch Vân đã hoàn thành tâm nguyện lớn lao nhất của mình.
Lão bắt Khấu Anh Kiệt nhắc lại mấy lần nữa, sửa lại một vài chữ, giảng giải thật tường tận thấu đáo cho Khấu Anh Kiệt hiểu, sau đó gật gật đầu tỏ ý hài lòng, môi nở cười mãn nguyện, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên.
Mặt trời lên, sương tan dần, chim chóc ca hát véo von.
Một ngày mới lại bắt đầu...
Quách Bạch Vân đưa tay vỗ nhẹ vào vai Khấu Anh Kiệt nói:
– Anh Kiệt! Như vậy là con đã nhớ kỹ và hiểu được ý nghĩa cũng như cách vận dụng mười một chữ khẩu quyết. Từ nay con đã thành đệ tử chân truyền của Quách gia rồi!
Khấu Anh Kiệt thấy cổ họng mình khô đi, nghẹn ngào nói:
– Sư phụ!...
Chàng quỳ xuống hành đại lễ, nhưng mới lạy được một lạy thì Quách Bạch Vân chộp lấy tay nâng chàng lên.
Mặt lão trở lại nghiêm trang nói:
– Còn điều này nữa, ta dặn con hãy nhớ cho kỹ!
Khấu Anh Kiệt gật đầu đáp:
– Xin sư phụ truyền dạy!
Quách Bạch Vân nói:
– Việc ta truyền thụ cho con mười một chữ khẩu quyết đó, nhất thiết không được tiết lộ cho bất cứ ai, kể cả sư huynh của con.
Khấu Anh Kiệt gật đầu:
– Đệ tử sẽ làm theo lời sư phụ dạy bảo.
Quách Bạch Vân nói tiếp:
– Ngay cả nhi nữ của ta cũng thế, không được cho nó biết!
Khấu Anh Kiệt tuy lòng đầy hồ nghi nhưng vẫn gật đầu.
Quách Bạch Vân cố nhấc chân lên, nhưng hành động quá khó nhọc, tựa hồ đôi chân nặng cả ngàn cân.
Khấu Anh Kiệt vội vàng chạy tới đỡ.
Quách Bạch Vân nhìn chàng hỏi:
– Anh Kiệt! Con thấy võ công sư phụ thế nào?
Khấu Anh Kiệt trả lời không chút do dự:
– Thiên hạ vô song!
Quách Bạch Vân lắc đầu nói:
– Trước đây ta cũng tự cho như thế. Nhưng lần này gặp Thiết Hải Đường...
Lão ôm ngực ho một tràng, thở dốc mấy hơi lại tiếp:
– Động thủ với Thiết Hải Đường mới biết rằng võ công của hắn không kém gì ta. Tuy vừa rồi hắn thắng là có một phần thủ đoạn, nhưng sự thật, ta bị trọng thương dưới chưởng hắn, đó không phải là sự ngẫu nhiên. Xét về tuổi tác, hắn trẻ hơn sư phụ nhiều, sau này tất sẽ trở thành thiên hạ vô địch! Sau khi ta chết, hắn sẽ càng đắc ý, bởi vì khắp thiên hạ, chỉ e hắn không tìm được địch thủ nữa rồi!
Khấu Anh Kiệt nhíu mày nói:
– Với một kẻ độc ác tàn bạo như vậy mà toàn võ lâm không ai địch nổi thì chẳng hóa ra thiên hạ đại loạn rồi sao?
Quách Bạch Vân lắc đầu nói:
– Ta còn nói chưa xong. Còn có một người...
Khấu Anh Kiệt bật hỏi:
– Sư phụ, ai vậy?
– Quách Bạch Vân chậm rãi nói:
– Đó là con!
Khấu Anh Kiệt đứng bật dậy, kinh hãi kêu lên:
– Đệ tử?
Quách Bạch Vân gật đầu nói:
– Chỉ cần con miệt mài khổ luyện, chiếu theo mười một chữ khẩu quyết mà nghiền ngẫm cho thấu đáo, ngoài ra còn có thêm một vật nữa...
Nói tới đó, lão nhấc chân phải lên chỉ vào ống chân bảo:
– Cởi ra!
Khấu Anh Kiệt làm theo, cởi dây buộc túm ống quần của Quách Bạch Vân, thấy có một mảnh lụa trắng buộc chặt vào ống chân.
Trên môi Quách Bạch Vân chợt thoáng hiện nụ cười.
Lão cố sức cúi mình xuống cởi mảnh lụa ra.
Mỗi động tác của lão nhân thể hiện muôn vàn đau đớn.
Khấu Anh Kiệt liền giành lấy làm giúp.
Chàng tháo xong mảnh lụa, Quách Bạch Vân lại bảo:
– Mở nó ra!
Sau khi mở tấm lụa đặt trước mặt Quách Bạch Vân, Khấu Anh Kiệt rất đỗi ngạc nhiên.
Trong đó không ghi chép hình vẽ chiêu thức võ học thượng thừa, cũng không phải địa đồ chỉ dẫn nơi cất giấu bảo vật như chàng nghĩ mà chỉ đơn giản là bức tranh vẽ đàn lý ngư hàng trăm con đùa giỡn trên sóng!
Ánh nắng chiếu xuống mặt nước trong veo, đàn cá vàng bơi lội tung tăng, trông vô cùng sinh động!
Về mặt nghệ thuật, phải thừa nhận đó là một bức tranh kiệt tác.
Quách Bạch Vân nhìn bức tranh, thần tình lão tỏ ra rất kích động, đầy ưu ái như thể đó là vật rất yêu quý của mình.
Đương nhiên phải là vật rất đáng giá lão mới phải giấu kỹ trong người một cách cẩn mật như thế.
Một lúc, lão nhìn Khấu Anh Kiệt hỏi:
– Ta muốn nghe nhận xét của con về bức tranh này.
Trước đây Khấu Anh Kiệt từng học chữ, đọc sách, sau nghề văn không thành mới chuyển sang nghề võ, nhưng chàng vẫn có lòng say mê nghệ thuật.
Việc bỏ ra suốt một năm trời để săn cho được “Hắc Thủy Tiên” đã chứng minh điều đó.
Nhưng trong trường hợp này, Khấu Anh Kiệt chẳng còn lòng dạ nào mà cảm nhận nghệ thuật.
Khi nghe hỏi, chàng đoán rằng trong bức tranh chắc có chứa đựng sự huyền diệu nào đó nên cúi xuống chăm chú nhìn.
Lúc đó chàng mới thật sự bị bức tranh thu hút.
Một lúc sau Quách Bạch Vân lại hỏi:
– Anh Kiệt! Con nói cảm nhận của mình xem!
Khấu Anh Kiệt trả lời:
– Ở Trung Nguyên, chỉ có Hoàng Hà mới có giống cá chép vàng này sinh sống, hơn nữa, màu nước trong bức tranh có sắc vàng, theo đệ tử nhận xét thì xuất xứ của bức tranh là ở Hoàng Hà.
Quách Bạch Vân gật đầu:
– Nói tiếp đi!
– Màu nắng đã bắt đầu nhạt, như vậy thời gian chừng giữa giờ thân và dậu, tức thời khắc tiếp giáp giữa tĩnh và động...
Quách Bạch Vân chăm chú nhìn chàng, hỏi:
– Còn gì nữa?
Khấu Anh Kiệt lại nhìn lên bức tranh, lúc sau mới trả lời:
– Dòng nước ở đây không chảy cùng chiều mà giống như nơi nước xoáy, và đúng chỉ những nơi đó mới tập trung nhiều cá như vậy, và cả trăm con lý ngư, mỗi con có một tư thế khác nhau...
Ánh mắt Quách Bạch Vân thoáng nét cười.
– Còn gì nữa không?
Khấu Anh Kiệt nhìn lúc nữa rồi lắc đầu đáp:
– Đệ tử không phát hiện được gì thêm.
Quách Bạch Vân gật đầu nói:
– Như thế đã quý lắm rồi! Bây giờ con hãy cuốn lại đi!
Khấu Anh Kiệt cuốn tấm lụa lại trao cho Quách Bạch Vân.
Lão ngăn lại nói:
– Con hãy giữ lấy. Tình sư đồ, lúc lâm chung ta chỉ có vật này tặng con thôi.
Lẽ ra phải có hai cái...
Lòng Khấu Anh Kiệt đau thắt, mắt nhòa lệ.
Chàng cầm lấy tay sư phụ, thấy bàn tay đã lạnh dần, biết thời gian chẳng còn lại bao nhiêu nữa...
Lão ngừng một lúc, lại nói:
– Bức tranh “Lý Ngư Giỡn Sóng” này là một bảo vật của võ lâm. Người biết về nó không nhiều, nhưng bất cứ ai đã biết đều tìm mọi cách tranh đoạt. Chính vì lý do này mà biết ta đã bị thương, Thiết Hải Đường huy động nhân thủ tìm cho bằng được.
Khấu Anh Kiệt định nói gì nhưng Quách Bạch Vân đưa tay ngăn lại, nói tiếp:
– Động tác của trăm con lý ngư, đó chính là một loại võ công, nhưng không phải ai cũng tham ngộ được. Võ công này gọi là “Ngư long bách biến”. Năm trăm năm trước có một vị kỳ nhân gọi là Kim Long Lão Nhân đã sáng tạo ra trăm chiêu thần công này, cho đến nay vẫn được coi là cổ kim tuyệt học.
Khấu Anh Kiệt buột miệng hỏi:
– “Ngư Long Bách Biến”?
– Không sai! “Ngư Long Bách Biến”... Con đã nghe câu “Lý Ngư Diệc Long Môn” bao giờ chưa?
Khấu Anh Kiệt gật đầu:
– Dạ, đệ tử có nghe.
Ý võ học này thoát thai từ giai thoại đó, những tư thế huyền diệu của “Lý Ngư Diệc Long Môn” để hóa rồng. Con nhận ra tư thế của chúng là rất huyền diệu, đúng không?
Khấu Anh Kiệt gật đầu:
– Dạ!
Quách Bạch Vân nhắm mắt lại rồi mới chậm rãi nói:
– Lúc Kim Long Lão Nhân vẽ bức tranh này đã đúc kết tài năng và trí tuệ của mình vào đầu ngọn bút, những tư thế động tác đều được tạo ra từ một tư duy võ học thiên tài, chỉ tiếc rằng...
Khấu Anh Kiệt nhíu mày hỏi:
– Sư phụ sao thế? Chẳng lẽ lão nhân gia còn chưa có thời gian tham ngộ võ học trong bức tranh này?
Quách Bạch Vân gật đầu:
– Con đoán rất đúng! Thật khó tin nhưng ta đã giữ nó suốt cả cuộc đời mà chỉ mới tham ngộ nó chưa đầy một tháng... Nếu nghiên cứu thêm một thời gian nữa, ít ra là đã có thân pháp huyền diệu hơn nhiều, không đến nỗi bị thương bởi tay Thiết Hải Đường đâu!
Khấu Anh Kiệt thấu hiểu nỗi đau thương và niềm nuối tiếc của sư phụ, cúi đầu không nói gì.
Quách Bạch Vân hít sâu vào một hơi, giọng trở nên rắn rỏi hơn:
– Thôi chuyện đã qua không bàn tới nữa. Con hãy cất kỹ bức tranh và cố công tham ngộ nó. Khinh công thân pháp trong bức tranh này, kết hợp với mười một chữ khẩu quyết sẽ làm cho con trở thành vô địch thiên hạ! Nhưng lưu ý một điều là không được chưng ra với bất cứ người nào khác, bởi điều đó sẽ dẫn đến họa sát thân trước khi con đạt được thành tựu.
Khấu Anh Kiệt gật đầu.
Quách Bạch Vân bảo:
– Con hãy buộc vào chân như sư phụ cho an toàn.
Khấu Anh Kiệt y lời làm theo.
Lẽ ra được vật võ lâm chí bảo, chàng nên vui thích mới phải nhưng vì đứng trước tình cảnh bi đát của sư phụ, chàng chỉ thấy đớn đau và thương cảm, làm những việc Quách Bạch Vân sai bảo không chút hứng thú gì.
Chờ Khấu Anh Kiệt buộc kỹ tấm lụa vào ống chân, Quách Bạch Vân lại nói:
– Ta vừa bảo rằng đáng ra có hai vật cho con, có biết đó là vật gì không?
Khấu Anh Kiệt lắc đầu.
– Thực ra đó không phải vật mà là một người...
Khấu Anh Kiệt kinh dị thốt lên:
– Một người?
– Phải, một người. Đó là người mà sư phụ yêu quý nhất trong đời, và sư phụ đã quyết định gả cho con!
Khấu Anh Kiệt há hốc mồm miệng vì kinh ngạc.
Điều đó quá kỳ lạ, quá bất ngờ, không sao lường trước được! Thậm chí chàng chưa kịp hiểu ra ý nghĩa của câu đó.
Quách Bạch Vân nói tiếp:
– Chỉ tiếc rằng ta đã đánh rơi mất pho tượng của nó, nếu không thì con có thể thấy dung mạo nó, nhất định con sẽ yêu nó!
Thực ra trước đó mấy lần Khấu Anh Kiệt đã định đưa chiếc bình ngọc chứa pho tượng cho Quách Bạch Vân nhưng vì tình hình không cho phép, tất cả những điều ông muốn nói đều vô cùng quan trọng nên mấy lần chàng định lấy ra mà vẫn để nguyên.
Lúc này nghe Quách Bạch Vân nói thế, chàng liền lấy chiếc bình ngọc cất kỹ mấy hôm nay, hai tay đưa lên nói:
– Sư phụ nói có phải là vật này không?
Quách Bạch Vân sững người nhìn chiếc bình một lúc rồi mới đưa tay ra cầm lấy, kinh dị hỏi:
– Con... con được nó ở đâu vậy?
Khấu Anh Kiệt kể lại trường hợp mình nhặt được.
Quách Bạch Vân vô cùng mừng rỡ, tay run run mở nắp bình lấy pho tượng ra, mân mê pho tượng trong tay vẻ nâng niu nói:
– Không sai! Pho tượng này năm xưa chính tay ta khắc nó. Anh Kiệt xem này, nhi nữ Thái Linh của ta... Tiểu Linh của ta... đẹp không?
Khấu Anh Kiệt thấp giọng nói:
– Sư phụ! Đồ nhi đã xem rồi. Cô ấy rất đẹp.
Quách Bạch Vân vội hỏi:
– Con không yêu nó ư?
Khấu Anh Kiệt lúng túng đáp:
– Dạ không...
Quách Bạch Vân cả mừng nói:
– Vậy là con yêu nó?
– Đồ nhi...
Quách Bạch Vân cười rạng rỡ nói:
– Đó mới gọi là duyên phận! Không ngờ chiếc bình này lại do con nhặt được.
Việc này không phải ngẫu nhiên mà chính là ý trời đó!
Khấu Anh Kiệt luống cuống không biết nói gì.
Quách Bạch Vân nhìn chàng nói:
– Anh Kiệt! Con có biết chiếc bình này chứa đựng điều huyền diệu gì không?
Khấu Anh Kiệt lắc đầu:
– Con không biết.
– Vậy thì sư phụ nói cho con rõ. Nếu ai là chủ sở hữu của chiếc bình này thì cũng là vị hôn phu của Thái Linh, con rể của sư phụ!
Khấu Anh Kiệt mặt đỏ bừng, lúng túng nói:
– Sư phụ! Cái đó... con sợ rằng... mình không xứng...
Quách Bạch Vân cắt ngang:
– Đừng từ chối nữa! Sư phụ đã quyết định rồi. Đó cũng là ý nguyện cuối cùng của ta lúc lâm chung. Hãy cầm lấy đi!
– Sư phụ...
Khấu Anh Kiệt nói rồi rụt rè cầm lấy chiếc bình, trong lòng chàng lúc ấy rất khó tả, chỉ là không có nỗi vui mừng.
Quách Bạch Vân gật đầu nói:
– Thái Linh hãy còn là con ngựa hoang, bướng bỉnh, ngạo nghễ. Nhưng nếu khi đã thuần sẽ thành ngựa quý...
Nói tới đó chợt ôm ngực ho dữ dội, miệng trào ra một bãi huyết.
Khấu Anh Kiệt hốt hoảng ôm lấy ông nói:
– Sư phụ...
Quách Bạch Vân lắc đầu, nói tiếp:
– Con đối với nó cần kiên nhẫn một chút, cũng giống như ngươi đã kiên trì theo đuổi “Hắc Thủy Tiên” suốt một năm trời vậy. Không những việc này mà những việc khác trong đời, nếu muốn thành công thì cần kiên trì và nhẫn nại, và cư xử sao cho xứng đáng là một bậc đại trượng phu.
Khấu Anh Kiệt gật đầu nói:
– Đồ nhi xin ghi khắc và nguyện làm theo lời dạy bảo của sư phụ!
Quách Bạch Vân sai Khấu Anh Kiệt sửa sang lại y phục cho mình rồi đặt nằm xuống.
Thấy tình cảnh, Khấu Anh Kiệt biết sư phụ đã không còn bao nhiêu hơi sức nên lòng vô cùng đau xót, nước mắt lã chã tuôn rơi.
Quách Bạch Vân nói tiếp:
– Sau khi... ta chết...
Hình như có một vật gì chặn lấy cổ làm ông nghẹn lại, muốn nhổ ra mà không được.
Ông cầm lấy tay Khấu Anh Kiệt, cố nói:
– Ta chết rồi... không được... không được...
Bàn tay đang nắm cổ tay Khấu Anh Kiệt bỗng xuôi đi.
Chàng thất kinh nhìn xuống, bỗng rã rời khi thấy đầu sư phụ ngoẹo đi, đưa tay sờ mũi mới biết rằng đã tuyệt khí.
Như bị sét đánh ngang đầu, Khấu Anh Kiệt gục xuống thi thể Quách Bạch Vân vừa khóc vừa gọi thống thiết:
– Sư phụ! Sư phụ...
Những kỷ niệm ít ỏi nhưng vô cùng chân thiết, sống động hiện lên trong ký ức của chàng.
Tuy thời gian tiếp xúc nhau quá ít, nhưng tình cảm được xây dựng một cách tự nhiên và khăng khít rất nhanh, bây giờ chàng đối với ông còn hơn những người thân thiết nhất.
Nay ngồi trước thi thể của ân sư giữa rừng sâu vắng vẻ, càng lúc, chàng càng thấm thía nỗi đau và sự cô độc khi mất mát người thân...
Rất lâu sau chàng mới bình tĩnh lại.
Nhớ lại những lời dặn dò của ân sư trước lúc lâm chung, chàng chợt nhớ câu ông bỏ dở giữa chừng:
– Sau khi ta chết, không được...
Không được gì?
Bây giờ chàng đã biết rõ thân thế của sư phụ.
Lão nhân gia là Quách Bạch Vân, Trang chủ “Bạch Mã Sơn Trang” ở Cao Lan tiếp giáp với Hưng Long Sơn, có một nữ nhi và hai đệ tử.
Chàng chỉ biết nhi nữ của sư phụ tên là Quách Thái Linh nhưng không biết gì về hai vị sư huynh cả.
Khấu Anh Kiệt còn biết rằng Quách Bạch Vân rất cưng chiều nữ nhi mình nên Quách Thái Linh đâm ra đỏng đảnh, ương bướng.
Đương nhiên ông cũng biết điều này nhưng không nỡ quản chế nghiêm khắc cô ta, chỉ hy vọng sẽ có người thay mình làm việc đó, và người này là rể quý của ông.
Khấu Anh Kiệt làm sao ngờ được rằng việc đó bây giờ chính mình phải đảm nhiệm?
Đối với hai đệ tử, tuy Quách Bạch Vân không nói nhiều nhưng cũng tỏ ý bất mãn với họ, đó là lý do mà ông không truyền thụ võ công của bổn môn.
Ngay lúc đó Khấu Anh Kiệt đã hiểu rằng mình đã dấn bước quá sâu vào chốn giang hồ, từ nay trách nhiệm của chàng đối với bổn môn, đối với Quách gia cũng như với võ lâm sẽ rất nặng nề.
Nhưng ân sư như núi, làm sao chàng có thể từ nan?
Trước hết, chàng quyết định đưa thi thể Quách Bạch Vân về “Bạch Mã Sơn Trang”, quê hương của ông.
Chàng liền ôm lấy thi thể sư phụ đi ra khỏi khu rừng.
Ôm thi hài lạnh ngắt trong tay, Khấu Anh Kiệt càng thấy lòng đau như thắt, thấy rằng mình có lỗi rất lớn với ân sư.
Trong lòng nặng trĩu, chàng tự nhủ:
– Vì nóng lòng truyền thụ võ công cho mình nên sư phụ mới chết nhanh như thế, đại ân này biết lấy gì mà đền đáp?
Lúc còn sống, lão nhân gia uy danh hiển hách, một kẻ lừng danh giang hồ như Thiết Hải Đường còn nể sợ mười phần, nay phải hạ trường bi thảm như thế, đáng hận thay!
Khi đặt thi thể ân sư xuống để đi lên ngựa, chàng chợt phát hiện thấy trong túi ông có mấy vật, lấy ra thấy gồm pho sách khá dày độ trăm trang, ngoài bìa viết:
“Việt nữ kiếm thuật nghiên tập tân biên”.
Bên dưới còn một hàng chữ nhỏ hơn:
“Lễ vật tặng Thái Linh nhân sinh nhật lần thứ hai mươi mốt”.
Qua đó đủ thấy Quách Bạch Vân yêu ái nữ thế nào!
Khấu Anh Kiệt không nghe sư phụ nói đến pho sách này nên gấp lại.
Ngoài ra còn có một cái tráp bằng gỗ đàn hương được niêm kín.
Khấu Anh Kiệt mở ra xem, thấy trên mặt hộp có chuỗi hạt châu màu đen huyền, mỗi hạt to bằng đầu ngón tay, hiển nhiên giá trị rất lớn.
Trong hộp gồm rất nhiều ngọc trai châu báu, có tới hàng trăm viên lớn nhỏ khác nhau, viên nhỏ cũng bằng ngón tay út, viên to bằng cỡ mắt rồng, phát ra ánh hào quang rợp mắt.
Trong đó có một viên ngọc phỉ thúy rất lớn chạm hình con lạc đà được bỏ trong một hộp nhỏ rất cẩn thận, dường như lệnh phù của Quách Bạch Vân, vì thế trên giang hồ thường gọi ông là “lão nhân cưỡi lạc đà”.
Khấu Anh Kiệt từng kinh doanh với Ma Thiên Lịch nên biết rõ giá trị của số châu ngọc này, ước tới mấy chục vạn lạng.
Chàng niêm phong lại như cũ rồi cất tất cả vào túi mình.
Quách Bạch Vân chết đột ngột không dặn Khấu Anh Kiệt xử lý thế nào với pho sách và số tài sản này, chàng chỉ còn cách mang tất cả đến “Bạch Mã Sơn Trang” giao tận tay ái nữ của ông là Quách Thái Linh.
Lát sau, Khấu Anh Kiệt đã ngồi trên lưng “Hắc Thủy Tiên”, ôm thi thể Quách Bạch Vân phía trước, giục ngựa phóng đi.
Đương nhiên chàng không quay lại Tứ Lang Thành vì sợ thủ hạ của Thiết Hải Đường và Ưng Thiên Lý còn bố trí ở đó mà nhằm hướng Hưng Long Sơn.
Phi một mạch đến tối ước được sáu bảy trăm dặm, Khấu Anh Kiệt ghé vào một thị trấn mua một cỗ quan tài, vái liệm bỏ thi thể sư phụ vào rồi xếp lên lưng ngựa, tiếp tục cuộc hành trình.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT