Khi Gia Cát Ngọc đã xuống tận đến chân núi Trích Thúy phong thì sức nhìn xa của tầm mắt cũng bị rút ngắn lại. Hơn nữa, khi chàng vượt khỏi cánh rừng phong mười dặm, thì lại gặp một con sông to chặn ngang trước mặt đang chảy uốn khúc về hướng đông. Bởi thế, những cỗ xe mà chàng trông thấy vừa rồi, đều đã lẫn khuất hình bóng đi đâu mất hết cả.
Suốt ba ngày liền, hành tung của những cỗ xe ngựa ấy khi ẩn khi hiện, Gia Cát Ngọc rất hối hận về chỗ đã bỏ con tuấn mã ở lại Di Thế sơn trang, nếu chẳng thế, thì chắc chắn...
Trong khi chàng còn đang nghĩ ngợi, thì bất thần tại chân núi phía trái có một bóng người xuất hiện.
Bóng người ấy có chiếc đầu trọc lóc, tay áo tăng bào không ngớt tung bay theo chiều gió, đúng là Phi Long thiền sư, một tăng nhân có nhiều hành động rất lạ lùng.
Ông ta đến đây để làm chi thế? Có lý đâu ông ta cũng đang theo dõi cô gái áo trắng hay sao? Nếu thế, thì tại sao ông ta lại cố ý tự chiến bại dưới tay của Xuyên Vân Yến? Chả lẻ ông ta là đồng đảng với cô gái áo trắng?
Bao nhiêu sự nghi vấn đã hiện lên trong đầu óc Gia Cát Ngọc, do đó, chàng liền ẩn thân mình, bám sát theo Phi Long thiền sư để theo dõi hành động của ông ta.
Hai người tiếp tục đi tới như thế độ mấy dặm đường thì Phi Long thiền sư bỗng quanh vào một khu núi rừng rậm rập.
Gia Cát Ngọc vội vàng rảo bước đuổi theo, nhanh nhẹn vọt người bay lên lướt thẳng, tới một dãy núi nằm chắn ngang, và định sẽ vượt qua dãy núi ấy, để tiếp tục theo dõi hành tung của đối phương...
Nào ngờ đâu khi chàng vừa mới nhô cao đầu lên để nhìn, thì bỗng nhanh nhẹn thụt đầu xuống để ẩn kín trở lại.
Thì ra, trên đường núi phía dưới, đang có mấy cỗ xe ngựa đậu yên lại tại đó.
Đấy chính là những cỗ xe mà chàng đã vượt quá nghìn dặm để truy đuổi.
Những bức màn trên những cỗ xe ấy vẫn buông rũ như trước, nhưng hình bóng của cô gái áo trắng và những người tùy tùng của cô ta, thì không còn trông thấy đâu nữa. Lúc bấy giờ, chỉ có Phi Long thiền sư, là đang đứng trước những cỗ xe ấy trơ trơ như một pho tượng gỗ, sắc mặt đầy vẻ kinh ngạc.
Cô gái áo trắng thần bí kia đã đi đâu rồi? Có lý đâu Phi Long thiền sư lại chẳng phải là đồng bọn với số người này?
Thốt nhiên, chàng nghe có một tiếng “xoạc” từ phía dưới vọng lên, nên nhanh nhẹn thò đầu lên nhìn. Chàng trông thấy những bức màn gấm của một cỗ xe, đã bị Phi Long thiền sư vung tay giật cả xuống.
Gia Cát Ngọc đưa mắt nhìn qua, thì không khỏi lại kinh ngạc. Vì, trong chiếc xe ấy hoàn toàn trống trơn. Những chiếc rương sắt nặng nề mà chàng được thấy, giờ đây đã không còn nữa...
Giữa vùng núi đồi chớn chở này, nếu rinh những chiếc rương sắt ấy đi là một việc hoàn toàn không thể được. Vậy, có lý nào số người trong “Huyết Hải biệt phủ” ấy, có sào huyệt tại nơi này chăng? Dọc đường như thế này? Chả lẽ sào huyệt của họ mà lại không có đường đi xe vào hay sao?
Gia Cát Ngọc nhận thấy những nghi vấn mình đặt ra rất nhiều điều phi lý, và còn đang băn khoăn nghĩ ngợi, thì bất thần nghe Phi Long thiền sư cất tiếng “Hừ” lạnh lùng, rồi di động thân hình vung mười ngón tay lên như gió...
Tức thì, tiếng “xoạc, xoạc” nổi lên liên tiếp không ngớt bên tai, chỉ trong thoáng chốc là những bức màn che trên tất cả mười hai cổ xe, đêu bị lão ta giật cả xuống.
Tất cả những cỗ xe ấy, hầu hết đều trống trơn, không có chở theo một vật chi cả. Nhưng, đến cỗ xe cuối cùng, sau khi ông ta giật những bức màn che xuống xong, thì mới cất giọng lạnh lùng cười lên khanh khách, đôi mắt cũng tràn đầy những tia sáng khoái trá.
Gia Cát Ngọc đang lấy làm lạ, không hiểu ra sao cả, thì Phi Long thiền sư đã thò tay vào áo lấy ra một vật, ánh sáng chiếu ngời, lóng lánh dưới bóng mặt trời.
Đấy chẳng phải là pho Lục Ngọc Di Đà hay sao?
Gia Cát Ngọc trông thấy thế, hết sức kinh ngạc, thầm nghĩ :
- Pho Lục Ngọc Di Đà rõ ràng đã bị cô gái áo trắng cướp đi, thế tại sao nói lại rơi vào tay Phi Long thiền sư như vầy? Chả lẽ món bảo vật quí báu nhứt trong võ lâm ấy, lại có đến hai pho hay sao?
Không. Lục Ngọc Di Đà chỉ có một mà thôi. Như vậy, chắc chắn giữa hai pho này có một pho giả.
Nhưng, pho nào mới là pho thực? Và pho nào là pho giả? Có lý đâu Thiên Nhất Thượng Nhân, một bậc cao tăng của Thiếu Lâm tự, lại giữ lấy pho tượng giả hay sao?
Thế nhưng, trước đây Phong Lâm song lão khi đưa pho Lục Ngọc Di Đà đến cho Thiên Nhất Thượng Nhân, thì hoàn toàn không có ý định hỏi lấy trở lại. Nếu vậy, tại sao Thiên Nhất Thượng Nhân lại có thể làm một việc hèn hạ đến thế?
Ngoài ra, lại còn có trường hợp Ngân Tu Tẩu bị bại dưới tay của Ngũ Đinh Thủ, một gã võ công tầm thường, so với lão ta còn sút kém hơn xa, cũng như trường hợp Phi Long thiền sư, lại bị thua Xuyên Vân Yến một cách bất ngờ, không ai có thể tưởng tượng nổi, quả là những trường hợp có đầy những nghi vấn.
Tất cả những nghi vấn khó hiểu ấy, đã làm cho Gia Cát Ngọc suy nghĩ nát óc mà vẫn không làm sao tìm ra manh mối hữu lý nào.
Ngay lúc ấy, Phi Long thiền sư bất thần cất tiếng cười ghê rợn, phất tay áo rộng rồi rảo bước bỏ đi thẳng.
Gia Cát Ngọc liền từ trên núi lướt nhanh xuống, quan sát tỉ mỉ mười hai cỗ xe ngựa, nhưng vẫn không tìm được một tí dấu vết nào khả nghi. Trong khi chàng định bỏ đi, thì...
Nào ngờ đâu, chàng mới vừa đưa chân bước tới, bỗng mặt không khỏi lộ sắc kinh ngạc, nhanh nhẹn dừng chân đứng lại ngay, vung những ngón tay lên, nhắm ngay một bức màn gấm che trong mui cỗ xe giật xuống nghe một tiếng “xoạc”.
Thì ra, trên bức màn gấm màu trắng, có viết những chữ đỏ rõ mồn một :
“Muốn tìm Lục Ngọc Di Đà, xin đến Huyết Hải Địa Khuyết.”.
Bên dưới giòng chữ ấy không có ký tên ai cả, mà chỉ có dấu một bàn tay đỏ như máu, bên dưới bàn tay ấy lại còn có nhiễu sáu đốm máu tươi.
Gia Cát Ngọc nhất thời không nghĩ ra được Huyết Hải Địa Khuyết là đâu, nên hối hả xếp gọn bức gấm trắng ấy bỏ vào túi áo, rồi nhắm hướng Phi Long thiền sư vừa bỏ đi, đuổi rút theo.
Trời đã hoàng hôn, nhưng tiếng ve sầu hãy còn ngân vang theo chiều gió.
Chẳng mấy chốc sau, chàng thấy giữa núi đồi trùng điệp, và sau một cánh rừng tòng, thấp thoáng một ngôi cổ tự rất nguy nga.
Những mái ngói cong của ngôi cổ tự ấy cao vút, chung quanh lại có rất nhiều gốc cổ thụ cao chọc trời. Tiếng chuông chiều ngân vang giữa núi đồi hoang vắng, đi đôi với tiếng trống u buồn uể oải khiến cho người đứng trước khung cảnh ấy, tựa hồ như mất hẳn ý niệm trần tục, có cảm giác như mình đã tiến vào một cảnh thần tiên.
Chàng tỏ ra do dự trong giây lát, rồi liền nhắm ngay ngọn núi ấy đi thẳng tới.
Đường đi mỗi lúc một cao hơn, và chẳng mấy chốc, cổng chùa cũng đã trông thấy được rõ ràng. Dưới bóng tịch dương, chàng có thể trông thấy thấp thoáng ba chữ đại tự trên cổng. Thì ra, đấy chính là “Kinh Thần tự”.
Nên biết, Kinh Thần tự tại Thiên Đài sơn, chính là nơi Thạch Cổ hòa thượng, một trong Càn Khôn ngũ bá đang tu tĩnh. Trong giới giang hồ không ai là không biết việc ấy. Bởi thế, Gia Cát Ngọc vừa nhìn qua, thì không khỏi lộ sắc kinh ngạc, bất giác dừng chân đứng lại, đưa mắt nhìn bốn bên.
Ngay lúc ấy, chàng bỗng phát giác giữa núi rừng cạnh đấy, có một bóng người đang đứng sững, chiếc tăng bào không ngớt tung bay theo chiều gió. Chàng thầm nói rằng :
“Kinh Thần tự là một nơi canh phòng rất cẩn mật, vậy chả lẽ lại xảy ra biến cố gì rồi hay sao?”
Tuy trong lòng chàng đang nghĩ ngợi, nhưng đôi chân vẫn tiếp tục bước tới nhẹ nhàng, nên chỉ trong nháy mắt, là chàng đã đi xa ngoài mấy mươi trượng.
Ánh sáng nhợt nhạt của bóng tà dương đang chiếu rọi trên khắp khu rừng, những áng mây đỏ ối trên nền trời cứ mỗi lúc lại càng lu mờ đi, gió chiều thổi nhẹ nhàng mát rượi...
Ngay lúc ấy, chàng lại trông thấy hai bóng người lướt nhanh trong khu rừng rậm rạp, rồi mất hút.
Hai bóng người ấy, là hai tăng nhân trên dưới ba mươi tuổi, thân hình nhẹ nhàng, huyệt thái dương gồ cao. Họ bỗng đón lấy đường của Gia Cát Ngọc, chấp tay thi lễ rồi cất tiếng niệm Phật, nói :
- A Di Đà Phật. Tiểu thí chủ xông càn vào thiền lâm như thế này, là có ý gì?
Gia Cát Ngọc trông thấy hai vị hòa thượng đó ăn nói quá đường đột, nên sắc mặt trở thành lạnh lùng, hỏi vặn lại rằng :
- Chùa miếu là nơi người thập phương đến dâng hương chiêm ngưỡng, vậy chả lẽ tôi đến đây đốt nhang lạy Phật cũng không được nữa hay sao?
Câu hỏi vặn, lý lẽ vững vàng ấy của chàng, đã làm cho hai tăng nhân kia phải cứng họng, qua một lúc thực lâu, vẫn không tìm được lời lẽ chi để đối đáp.
Gia Cát Ngọc trông thấy thế, không khỏi tức cười thầm, thế rồi, chàng lách mình định bước ngang bên cạnh hai người ấy để đi thẳng vào trong chùa...
Nào ngờ đâu, hai tăng nhân nọ sau cơn kinh ngạc, đã nhanh nhẹn tràn qua chận lấy chàng lại, gằn giọng nói :
- Tiểu thí chủ nếu có ý định dùng những lời lẽ ngang bướng ấy, để xông vào Kinh Thần tự của chúng tôi, thì e rằng không được dễ dàng như ý muốn đâu.
Gia Cát Ngọc nghe qua, trong lòng như nghĩ ra một điều gì, thầm nói :
“Xưa kia trên ngọn núi Thủy Tín phong, Càn Khôn ngũ bá đã so tài với nhau, ân sư ta chưa có dịp nào thi thố tài nghệ với những vị kia, vậy ngày hôm nay tại sao ta lại không...?”
Chàng có ý lợi dụng dịp này để so tài với Thạch Cổ thiền sư, nên liền thay đổi thái độ, giả vờ quát to rằng :
- Với tài nghệ của hai ông, mà lại có ý muốn ngăn chận tại hạ hay sao?
Người tăng nhân đứng ở phía trước mặt liền biến sắc, nói :
- Mong tiểu thí chủ hãy ăn nói thận trọng, Kinh Thần tự nào phải là nơi để thí chủ đến đây hành động ngang tàn? Nếu muốn dựa vào một ít võ thô thiển, để xông càng vào thiền lâm, thì chớ trách tiểu tăng đây tại sao lại thất lễ đó.
Gia Cát Ngọc cố ý khiêu khích để cho bọn họ ra tay đánh nhau với mình, nên sau khi nghe qua lời nói ấy, liền mỉm cười đáp rằng :
- Ông thất lễ với tôi có hại chi, chỉ cần sau đó ông bằng lòng xin lỗi tôi được rồi.
Nói đoạn, chàng vung hai tay khoát lên, hất lùi hai vị tăng nhân ấy ra sau ba bước, rồi đưa chân bước thẳng đi vào ngôi chùa.
Hai vị tăng nhân đó, đều là những nhân vật ưu tú trong lớp đệ tử thứ ba của Kinh Thần tự. Tuy họ bị Gia Cát Ngọc vung chưởng hất lui, trong lòng lầy làm kinh hãi, nhưng qua cơn kinh ngạc, họ liền gầm to một tiếng, rồi nhanh như chớp, vung tay chụp tới.
Đôi chân của họ tỏ ra rất vững vàng, sử dụng toàn những thế võ cao sâu kỳ tuyệt, nếu đem so với thủ pháp của các nhân vật giang hồ nói chung, thì quả có nhiều chỗ khác biệt hơn.
Gia Cát Ngọc tuy ngoài sắc mặt vẫn tỏ ra ung dung, nhưng bên trong thì chàng đã cảnh giác, nên khi cảm thấy có luồng kình phong cuốn tới, đã biết hai vị tăng nhân đuổi theo mình. Do đó, chàng quay mặt nhìn lại và đã thấy bốn chưởng của đối phương vừa chụp đến nơi. Tức thì, chàng liền lách mình một cách tài tình để tránh, và đã tránh khỏi bốn luồng chưởng phong vô cùng nguy hiểm kia.
Hai vị hòa thượng đều cảm thấy trước mắt hoa lên, thân hình lảo đảo, và bị hất ra sau tám bước. Họ chỉ kịp kinh hoàng, là đã nghe người thiếu niên áo vàng kia cất tiếng to cười ha hả sát sau lưng mình, nói :
- Hai vị sư đích thân dẫn đường giúp cho tại hạ, làm cho tại hạ xấu hổ vô cùng, chẳng khi nào dám nhận. Vậy, nhị vị hãy để cho tại hạ đi một mình vào trong được rồi.
Câu nói chưa dứt, thì thân hình chàng đã di động...
Hai vị hòa thượng, chỉ thấy cái bóng vàng bay thoắt qua trước mắt mình, biết việc này thực bất lợi, nên nhanh nhẹn vô cùng vung cả bốn chưởng lên. Song người thiếu niên ấy đã lướt qua sát bên cạnh rồi.
Thân pháp của đối phương nhẹ nhàng như một bóng ma, lướt nhanh như một ngọn gió hốt, vậy thử hỏi họ làm sao ngăn cho được đối phương.
Sau khi Ga Cát Ngọc đã lướt qua khỏi hai vị tăng nhân trẻ tuổi ấy, thì định tiếp tục lướt thẳng vào cổng chùa...
Nhưng, bất thần từ phía sau núi đá, bỗng có tiếng niệm Phật vọng đến bên tai.
Tiếng niệm Phật ấy rất ấm áp và cũng rất khẽ, nhưng dồn chứa rất nhiều nội lực, nên ngân vang một lúc thự lâu. Sau đó, một luồng gió nhẹ bỗng cuốn tới, và tức thì, một vị lão hòa thượng đã xuất hiện trước mặt chàng. Vị lão hòa thượng ấy mình mặc một chiếc áo cà sa đỏ như lửa, đầu đội mũ ni, đôi mắt chiếu ngời.
Gia Cát Ngọc bị lão ta nhìn chòng chọc với đôi mắt đầy kinh ngạc. Qua một lúc sau, vị lão tăng ấy mới lên tiếng nói :
- Việc đốt hương lạy Phật, nếu mình có lòng chân thành thì Phật Trời đã chứng giám ngay, vậy tiểu thí chủ hà tất phải nhứt định đích thân tiến vào tam bảo như thế? Bần tăng khuyên tiểu thí chủ, nên quay người trở lại sớm là hơn...
Gia Cát Ngọc to tiếng cười nói :
- Tại hạ đi xa nghìn dặm đến đây, nếu giữa chừng lại bỏ ra về, thì chắc chắn sẽ bị Bồ Tát quở trách, vậy ai lại có thể gánh chịu tội đó? Đại sư là người đã gởi thân vào không môn, chả lẽ cái lý thông thường ấy mà cũng không hiểu hay sao?
Vị lão hòa thượng vừa nghe qua lời lẽ ngạo mạn kém lễ độ ấy của Gia Cát Ngọc, thì lòng sân liền nổi dậy trong người, sắc mặt sa sầm, cất tiếng giận dữ quát rằng :
- Chỉ mới từng tuổi đầu, thế tại sao lại không biết tự lượng sức. Lời nói của Phi Long thiền sư quả chẳng sai tí nào, nếu hôm nay ta không bắt sống ngươi, thì thật ngươi xem trong Kinh Thần tự chẳng có ai ra chi cả.
Gia Cát Ngọc không khỏi kinh ngạc, vội vàng nói :
- Phi Long thiền sư hiện giờ ở đâu? Ông ấy đã nói thế nào về tôi?
Vị lão hòa thượng ấy liền cất tiếng cười nhạt nói :
- Phi Long thiền sư hiện đã trở về Thiếu Lâm. Nhưng, những lời nói của ông ấy hôm nay, bần tăng cũng có được nghe qua từ trước rồi. Đấy là việc Kim Cô Lâu tái hiện trong giới giang hồ, có ý sát hại hết tất cả nhân vật võ lâm, thử hỏi trong cả chốn giang hồ ngày nay còn có ai chẳng biết việc đó? Ta vẫn tưởng môn đồ của Âu Dương Thiên, là một con người ba đầu sáu tay chi đó, nhưng chẳng ngờ là một thằng bé ngông cuồng, miệng hãy còn hôi sữa.
Gia Cát Ngọc không chờ cho vị lão tăng ấy nói vừa dứt lời, bất giác phá lên cười to. Tiếng cười của chàng nghe kinh rợn như tiếng xé lụa, mà cũng chẳng khác chi tiếng cọp gầm giữa chốn rừng sâu, hay tiếng long ngâm non thần, làm cho rung chuyển cả màng tai của vị lão tăng ấy. Hai người tăng nhân trẻ tuổi vừa rồi trông thấy thế lại càng kinh tâm tán đởm, khiếp sợ đến miệng câm như hến.
Tiếng cười của chàng vừa dứt, thì đôi mắt sáng quắc và lạnh lùng như hai luồng điện, nhìn thẳng vào mặt vị lão tăng nhân, gằn giọng nói rằng :
- Gia Cát Ngọc là người tài hèn sức kém, về mặt võ học không tiếp thu được đến hai phần mười của tiên sư, vậy nếu đại sư không chê thì xin chỉ giáo thêm cho.
Nào ngờ ngay lúc ấy, sắc mặt của vị lão tăng nhân đã trở thành hết sức hiền hòa, nói :
- “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” tuy đã là lưỡi dao thần thuộc về dĩ vãng, không ai là không biết. Nhưng, còn “Kinh Thần Cửu Tuyệt Truy Hồn Cổ”, vẫn không phải dễ chi đối phó đâu, vậy xin tiểu thí chủ hãy suy nghĩ lại cho chính chắn, chớ nên có thái độ hại người và hại mình như thế.
Câu nói ấy, đã làm cho Gia Cát Ngọc hoang mang không hiểu ra sao cả. Bởi thế, sự tức giận trong lòng chàng, đều tự nhiên tiêu tan đi đâu mất hết. Chàng vội vàng lên tiếng hỏi rằng :
- Lời nói ấy của lão thiền sư có nghĩa là sao? Gia Cát Ngọc tôi nào phải là phường tham lam, hèn hạ như thế đâu.
Vị lão tăng không còn sắc mặt lạnh lùng đáng sợ như khi nãy nữa, mà chấp hai tay lại niệm Phật to, rồi nói :
- A Di Đà Phật. Dù thiếu hiệp có thể trộm đi mất lưỡi dao “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ”, làm cho ba nghìn đồ đệ của Thần Kinh Tự phải ngày đêm truy tầm, nhưng nếu tài nghệ của thiếu hiệp chưa đủ sức sử dụng nó, và do đó, nguy hại đến tính mạng của thiếu hiệp thì chẳng phải tổn thương đến thiên hòa hay sao?
Gia Cát Ngọc vì không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao cả, nên tưởng đấy là vị lão tăng có ý lấy cớ để ngăn cản mình không cho đi vào ngôi chùa, bèn cất tiếng cười to hỏi :
- Lão thiền sư phải chăng có ý muốn thử thách sở học của tại ha?
- Bần tăng thực có muốn mạo muội trao đổi với thiếu hiệp ba chưởng cho biết.
- Tuyệt nghệ của Kinh Thần tự, từ bấy lâu nay đã làm rung chuyển cả giới giang hồ, nếu được thế, thì Gia Cát Ngọc tôi vinh hạnh biết chừng nào. Vậy, xin lão thiền sư hãy chỉ giáo.
Vị lão tăng này pháp danh gọi là Vô Nhân, chính là người có nhiệm vụ tiếp khách trong Kinh Thần tự. Lão ta là người rèn luyện “Kinh Thần chưởng” đến mức cao tuyệt rồi. Tuy lão ta biết người thiếu niên trước mặt mình tài nghệ chẳng phải tầm thường, nhưng vẫn không tin rằng đối phương có thể vượt cao hơn mình về mặt võ học. Do đó, sau khi nghe qua lời nói của Gia Cát Ngọc, thì lão ta bèn chấp tay nói :
- Thế võ này của bần tăng, chính là thế “Kim Cang Đảm Lạc”, tức thế thứ ba trong “Kinh Thần chưởng”. Vậy xin tiểu thí chủ hãy lưu ý.
Gia Cát Ngọc mỉm cười nói :
- Tại hạ sẽ dùng thế thứ bảy trong “Cửu Môn Tuyệt Hộ chưởng” tức thế “Cổ Tỉnh Dương Ba” đễ lĩnh giáo tuyệt nghệ của lão thiền sư.
Liền đó, chưởng phải của Vô Nhân đại sư hạ thấp xuống, rồi bất thần quét thẳng trở ra, gây nên một luồng kình phong rít gió vèo vèo, cuốn thẳng về phía đối phương.
Gia Cát Ngọc vẫn đứng sững không hề nhúc nhích, mãi đến khi ngọn chưởng phong ấy đã cuốn sát đến bên ngoài lớp áo, thì chàng mới nhanh nhẹn vung chưởng quét ra.
Qua thế quét ấy, mới xem tựa hồ không mạnh mẽ cho lắm, nhưng đến khi va chạm thẳng với luồng chưởng phong của Vô Nhân đại sư, thì bỗng nghe nổ thành một tiếng “ầm” thực to, đánh vỡ được thế võ công đến của đối phương.
Gia Cát Ngọc mỉm cười đứng yên, như chẳng hề có việc gì xảy ra.
Vô Nhân đại sư vì vừa rồi dùng sức quá mạnh, nên không khỏi chúi về phía trước, hốt hoảng rùn thấp đôi vai và đôi chân, mới có thể gắn gượng giữ vững thân mình được.
Vị lão tăng nhân ấy sắc mặt không khỏi biến hẳn trống ngực đánh nghe thình thịch.
Hai tăng nhân trẻ tuổi vừa rồi, nhìn thấy thực trạng trước mắt lại càng kinh hoàng thất sắc, mặt xám ngắt như một xác chết.
Vô Nhân đại sư liền vận dụng chân lực trong người lần thứ hai, dồn xuống chưởng trái, gằn giọng nói :
- Võ công của tiểu thí chủ quả thật cao cường, thế võ thứ hai của bần tăng đây, chính là thế “Di Lặc Hồn Tiêu” tức thế thứ sáu trong “Kinh Thần chưởng”.
Gia Cát Ngọc vừa rồi tuy đã giành được phần ưu thế, nhưng vẫn hoàn toàn không dám xem thường, liền lộ sắc nghiêm nghị nói :
- Còn tại hạ sẽ dùng thế thứ năm trong “Thiên Ma chỉ” tức thế “Hận Hải Nan Điền” đây.
Vô Nhân đại sư vừa nghe Gia Cát Ngọc nói là sẽ dùng đến thứ tuyệt học nổi danh bấy lâu của Bát Chỉ Phi Ma, thì không khỏi giật mình, cất giọng lạnh lùng “Hừ” một tiếng to, rồi nhanh như chớp vung đôi chưởng ra công thẳng tới.
Thế võ “Di Lặc Hồn Tiêu” ấy, tuy đôi chưởng cùng đánh ra một lúc nhưng luồng chưởng phong cuốn tới lại có trước có sau. Chưởng phía phải tuy đánh trước nhưng chưởng lực lại đến sau, mới xem tựa hồ như thực, nhưng chính lại là hư. Trái lại, chưởng phía trái mới thực sự được dồn chứa toàn bộ chân lực, chính là một chưởng trí mạng, vô cùng nguy hiểm.
Năm ngón tay của Gia Cát Ngọc khẽ rung động, đánh ra một thế không tiền khoáng hậu, kình phong cuốn tới vèo vèo, chạm thẳng vào chưởng phải của Vô Nhân đại sư...
Nhưng Gia Cát Ngọc là người hết sức thông minh, luồng chỉ lực của chàng mới vừa chạm vào chưởng phải của đối phương, thì liền hiểu ngay là mình đã lầm, nên khẽ “Hừ” một tiếng, rồi lại gia tăng chân lực mạnh hơn nữa...
Tức thì, chưởng phải của Vô Nhân đại sư liền nhanh nhẹn thu trở về, trong khi chưởng trái đã nhanh như điện chớp đánh vút tiếp ra. Trong khi lão ta đang khoái trá trong lòng, cho rằng Gia Cát Ngọc là kẻ còn non kém kinh nghiệm, không biết được phần cao sâu kỳ tuyệt nơi thế “Di Lặc Tiêu Hồn” của mình, thì...
Thốt nhiên, kình khí rít vèo vèo, lạnh buốt cả xương tủy, bỗng bất thần lại xuyên qua luồng chưởng phong của lão ta, chạm thẳng vào cánh tay phía trái của lão, gây tiếng nỗ “ầm” to, đồng thời, hất bắn lão ta ra xa ba thước.
Vị lão hòa thượng ấy không khỏi kinh hoàng thất sắc, định sẽ...
Bỗng đâu, ngay lúc ấy có chín tiếng chuông ngân vang rền trong trẻo, đồng thời, từ trong Kinh Thần tự có một tiếng quát to vọng đến rằng :
- Vô Nhân không biết chi cả. Tiểu thí chủ đã được sự chần truyền của Âu Dương đại hiệp kia mà.
Thiên Ma Chi. là môn tuyệt học vô song từ xưa đến nay, nếu vừa rồi chẳng phải tiểu thí chủ đã nương tay cho, thì cánh tay trái của ngươi có còn chi nữa?
Kỳ thực thì Gia Cát Ngọc đã dùng đến thế thứ năm trong Thiên Ma chỉ, chỉ có thể hất lui được đối phương ra sau ba thước mà thôi. Đấy tuy là chàng chưa dùng hết sức mình, nhưng chàng cũng không khỏi kinh ngạc, và biết được võ học của Kinh Thần tự, quả cao cường độc đáo chớ chẳng phải tầm thường.
Giờ đây, chàng lại nghe có tiếng người cách xa đấy ngoài một trăm trượng nói vọng đến, mà âm thanh lại vang rền mạnh mẽ như thế, thì đã đoán biết người ấy lại có một trình độ võ học còn cao cường hơn cả Vô Nhân đại sư. Bởi thế, chàng không khỏi giật mình nhanh nhẹn ngước mặt nhìn lên...
Liền đó, chàng trông thấy tại cổng chùa Kinh Thần tự, có bốn vị lão tăng mặc áo đỏ, chia thành hai hàng từ trong bước ra. Tiếp đó lại thấy có bóng người thấp thoáng, rồi một vị lão hòa thượng râu tóc bạc phơ, mình mặc áo cà sa vàng, đang ung dung bước những bước chẫm rãi từ trong đi ra.
Nhìn qua phong độ siêu phàm của vị lão hòa thượng ấy, Gia Cát Ngọc không khỏi thầm phục trong lòng. Chàng đưa mắt nhìn về phía Vô Nhân đại sư, thì thấy lão ta đang nhắm nghiền đôi mắt, cúi người thi lễ để nghênh đón.
Bước chân của vị lão hòa thượng ấy trông hết sức vũng vàng mạnh mẽ, mới xem tựa hồ như rất chậm chạp, nhưng kỳ thực thì rất nhanh nhẹn, chỉ trong chớp mắt là lão ta đã bước đến nơi rồi. Vị lão hòa thượng ấy liền dừng chân đứng lại, cất giọng dịu dàng nói rằng :
- Lão tăng là Không Huệ, xưa kia có theo tệ sư phụ đến đỉnh ngọn núi Thủy Tín phong, do đó được dịp chiêm ngưỡng phong thái của lịnh sư, trong lòng hết sức ngưỡng mộ, việc ấy đến nay chẳng mấy chốc là đã trở thành xa xôi rồi. Nhưng chẳng hay Âu Dương đại hiệp...?
Gia Cát Ngọc nghe qua câu nói ấy thì đã biết vị lão tăng trước mặt mình, chính là sư đệ của Thạch Cổ hòa thượng, hiện giờ giữ chức vụ phương trượng tại Kinh Thần tự, nên vội vàng thi lễ nói :
- Tôi xin cảm tạ sự hỏi thăm ấy của tiền bối, hiện giờ tiên sư của tại ha đã Tây qui rồi.
- A Di Đà Phật. Năm tháng vô tình, thực không ngờ Âu Dương đại hiệp đã trở thành người quá cố. Thiên Ma chỉ của tiểu thí chủ, đã đạt đến mức cao thâm tuyệt vời không kém lịnh sư, nhưng chẳng hay còn về “Cửu Cửu huyền công” bấy lâu nay tiếng tăm vang dội ấy, tiểu thí chủ có học hỏi hay không?
- Với tài hèn mọn của vãn bối, tuy đã có học nhưng vẫn không ra chi.
- Tiểu thí chủ chớ trách bần tăng đây vô lễ, vì việc đó thực ra vô cùng hệ trọng. Nếu về nội công của thiếu hiệp không thể vượt hơn bần tăng, thì e rằng khó bề dứt được ba sợi tơ “Thiên Tằm” ấy. Việc được hay không thanh đoản đao “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” là việc nhỏ, mà tính mạng của Thạch Cổ sư huynh mới là việc lớn.
Gia Cát Ngọc trông thấy Không Huệ đại sư ăn nói có vẻ thận trọng như vậy, thì biết bên trong việc này, chắc chắn có điều chi rất bí ẩn. Chàng định lên tiếng để hỏi, thì bỗng trông thấy vị lão hòa thượng ấy đưa đứng cây thiền trượng trong tay lên, nhắm ngay vách xắn thẳng vào nghe một cái “ầm”.
Cây thiền trượng ấy dài độ bảy thước, to như một cái chén uống trà, và đã được vị lão hòa thượng vận dụng chân lực tu luyện trong sáu mươi năm, cấm sâu vào đá đến ba thước.
Những mảnh đá vụn bắn đi tung tóe khắp nơi, tiếng va chạm rung chuyển muốn điếc màn tai. Những cây tùng cây bá ở chung quanh đều bị sức rung chuyển ấy, làm cho cành lá không ngớt kêu xào xạc.
Vị lão hòa thượng bước lùi ra sau hai bước, rồi cất tiếng cười nhạt không nói chi cả.
Gia Cát Ngọc trông thấy thế, lòng phấn khởi của tuổi trẻ liền dậy lên, cất tiếng hú dài, rồi nhanh nhẹn thò cánh tay phải chụp ra...
Qua một tiếng “rốp”, tức thì, thấy có một cái bóng đen từ xa lao vút tới như điện chớp.
Tiếp đó, chàng vung tay lên thì nghe có tiếng xào xạc không ngớt. Khi ai nấy nhìn kỹ lại, thì thấy trong tay chàng đã siết chặc một nhánh tùng dài chừng tám thước. Tất cả những lá xanh trên nhánh tùng ấy, đã bị chàng vung tay vừa rồi làm cho rơi rụng tất cả, mà chỉ còn lại một chiếc nhánh trơn tru.
Qua thủ pháp lấy vật giữa khoảng không ấy, cũng như thủ pháp vung rơi tất cả số lá tùng kia, đã làm cho Không Huệ đại sư chẳng khỏi giật nẩy mình...
Nào ngờ đâu, giữa lúc lão ta chưa kịp lấy lại sự bình tĩnh, thì thân hình của Gia Cát Ngọc đã khẽ di động, cánh tay phải nhẹ nhàng vung lên, khiến nhánh tùng rít gió nghe vèo vèo, nhắm điểm thẳng vào ngọn thiền trượng sáng ngời ánh thép và đang cấm phập tại vách đá.
Cửu Cửu huyền công quả là mạnh mẽ phi thường. Kình khí liền từ nhánh tùng phát ra nghe vèo vèo không ngớt. Thế là một nhánh tùng yếu ớt như vậy mà, mà lại đâm thủng hẳn ngọn thiền trượng đang cấm đứng sững trên đá kia.
Dùng nhành cây để xuyên thủng cả đá núi, đã là một việc ai nghe đến cũng phải kinh khiếp rồi, phương chi dùng nhánh tùng để xuyên thủng được sắt thép thì quả là một chuyện xưa nay chưa từng có. Với một người như Không Huệ đại sư, mà cũng không khỏi biến sắc mặt.
Gia Cát Ngọc lại cất tiếng thét dài, trong khi cánh tay bất thần vung cao trở lên...
Liền đó, ánh sáng chiếu ngời nơi nơi, cuồng phong rít nghe ào ào, tức thì, ngọn thiền trượng kia đã bị chàng giật mạnh lên, nên từ trong đá bay vút ra như một mũi tên vừa bắn.
Những nơi ngọn thiền trượng ấy bay ngang, đều nghe tiếng gió nổi ầm ầm như sấm động, nhành lá gãy đổ tơi bời. Dưới ánh tà dương, trông chẳng khác nào một con rồng đang bay về bể cả, rồi lao thẳng luôn vào hố sâu muôn trượng.
Lão hòa thượng ấy nào biết chàng là người thiên bẩm trời ban hơn nữa, lại ăn được trái “Kim Tuyến Huyết Lan” trước đây. Do đó, lão ta trông thấy thế thì hết sức kinh ngạc, đôi mắt sáng quắc nhìn đăm đăm vào chàng một lúc, mới vỗ tay tán thán rằng :
- Một bậc kỳ tài trời sinh, trăm năm chưa có một. Đêm nay, sau giờ “Trường Canh” thăng thiên, xin mời thiếu hiệp tự đi vào chùa, và chừng ấy bần tăng không thể đích thân ra nghênh đón, vậy xin thiếu hiệp tha lỗi cho.
Nói dứt lời, lão ta chấp tay cúi đầu thi lễ, khẽ xê dịch thân mình, rồi chạy thẳng vào cổng chùa.
Tịch dương đã lặn về tây, trên đường núi đã hoàn toàn tĩnh mịch...
Gia Cát Ngọc trông thấy các tăng nhân ấy ùn ùn kéo đi, thì trong lòng hết sức nghi ngờ. Trong đầu óc chàng có hàng nghìn mối hoài nghi, rối loạn như tơ vò, không làm thế nào tự tìm câu giải đáp cho được.
Chính chàng đến đây với mục đích là theo dõi hành tung của Phi Long thiền sư, thế mà không ngờ...
Ôi. Đây là phúc hay họa, đến giờ này vẫn chưa có thể biết được. Nhưng, bên trong Kinh Thần tự này đang ẩn chứa một sự bí mật gì, chàng không thể không tìm hiểu cho rõ được.
Mùa hạ ngày dài đêm ngắn, nên vầng thái dương vừa lặn xuống núi phía Tây, thì vì sao “Trường Canh” cũng đã mọc lên một góc trời. Lúc bấy giờ, những vì sao khác chưa xuất hiện, nên nền trời cao chỉ có một vì sao duy nhất đang chiếu sáng lấp lánh, trông cô độc lẽ loi, vô cùng thê lương...
Đêm tối đã phủ kín cả bầu trời.
Thế là, tất cả núi đồi đều bị chim đắm vào sự tĩnh mịch của đêm khuya.
Không một tiếng người, không một tiếng chim, mà chỉ có tiếng chuông đêm ngân dài, hòa lẫn với tiếng tòng reo vi vu không ngớt...
Thốt nhiên, giữa tiếng tòng reo và tiếng chuông u buồn ấy, bất thần nghe có tiếng trống thực khẽ.
Tiếng trống ấy tuy nhỏ nhưng vàng rền, chẳng khác nào như âm do sự va chạm giữa sắt đá gây ra, do đó, nó đã át hẳn tiếng chuông đồng đang ngân vang kia.
Nhưng, tiếng trống ấm áp vang rền ấy, thực chẳng khác nào vì sao trường canh trên nền trời kia, tuy nó siêu quần đạt chúng, song nó lại thoáng có một cái gì lẻ lo, buồn tẻ...
Gia Cát Ngọc đứng sững dưới ánh sao mờ. Gió đêm tung bay tà áo của chàng.
Trong lòng chàng đang có nhiều xúc cảm, nên ngửa mặt nhìn vào nền trời cao, đứng im lặng không nói chi cả...
Chàng trông thấy ánh sao lấp lánh như những tia mắt đang chớp trên nền trời.
Chàng trông thấy những cây tùng cây bá cổ thụ cao vút, đang rì rào giữa đêm khuya. Và, chành cũng trông thấy...
Úy. Đấy là một bóng người.
Bóng người ấy rất to lớn, bên ngoài khoác một chiếc choàng đen, mặt cũng được che kín bằng một vuông lụa đen. Giữa đêm khuya trông bóng người ấy chẳng khác nào một bóng ma, có một thân pháp hết sức nhanh nhẹn, bay nhẹ nhàng vào thẳng Kinh Thần tự.
Bóng đen ấy lướt qua một đầu tường rất cao, và chỉ trong nháy mắt là mất hút. Nhìn qua thân pháp ấy, cũng đủ biết bóng đen nọ chắc chắn là một cao thủ bậc nhất trong võ lâm.
Người ấy là ai? Lẻn vào Kinh Thần tự để làm chi?
Gia Cát Ngọc trông thấy thế hết sức lấy làm lạ, nên bất thần vọt người bay lên, nhanh nhẹn như một con mèo chụp chuột, bám sát theo lưng bóng đen nọ để dò xét hành động của đối phương. Chàng phi thân lướt thẳng đến gian đại điện của Kinh Thần tự, rồi tìm nơi có bóng tối ẩn kín thân mình.
Lúc bấy giờ, trong Kinh Thần tự hết sức vắng vẻ, trong những gian liêu của tăng nhân nghỉ ngơi cũng chẳng thấy có một bóng đèn, chẳng nghe nửa câu tụng niệm...
Tùng.
Quái lạ. Tiếng trống ấy tại sao lại từ phía gác chuông vọng lại?
Tùng. Tùng.
Lại hai tiếng trống tẻ nữa nổi lên. Nhưng, lần này thì nó lại xuất phát từ phía sau gian đại điện.
Ồ. Chàng hiểu ra rồi, tiếng trống này chẳng phải xuất phát từ hướng gác chuông, mà cũng chẳng phải từ phía sau gian đại điện, mà thực ra là người đánh trống ấy, đã trui luyện đến mức “Thúc khí thành hình”, cho nên mới có thể đưa tiếng trống ấy lên thẳng nền trời cao, rồi loan truyền ra khắp các nơi.
Đấy là ai thế? Có lý nào đấy chính là Thạch Cổ hòa thượng, một nhân vật tên tuổi ngang hàng với ân sư mình hay sao?
Lúc bấy giờ, bỗng chàng thấy có một bóng người từ dưới đất vọt thẳng lên cao, trông chẳng khác nào một con dơi khổng lồ, nhắm hướng phía sau đại điện lao vút đi.
Gia Cát Ngọc liền khẽ di động thân người, rồi phi thân lướt theo như một ngọn gió nhẹ. Khi thân người chàng đang bay lơ lửng trên nền trời, thì lại nhanh nhẹn nhào lộn thân người, bay xẹt vào ẩn kín nơi một góc điện.
Tại nơi đấy là một gian nhà đứng lẻ loi và xây cất rất đơn sơn. Dưới ánh sáng lờ mờ của những vì sao trên trời, chàng trông thấy nơi thềm nhà phủ đầy rong rêu, tại cửa ra vào lại có để một chiếc trống bằng đá cao chừng ba thước. Phía chiếc trống ấy có một lão già râu tóc chấm vai, đang ngồi trên một chiếc gối cỏ bồ.
Mớ tóc vừa rối vừa dài của lão già ấy, đã che kín khung mặt của lão ta. Bởi thế, chỉ có thể nhìn qua lớp tăng bào cũ kỹ rách nát đang mặc trong người lão già ấy, thì người ngoài mới có thể nhận ra lão ta là một người đã xuất gia mà thôi.
Tại chiếc sân tối lờ mờ trước cửa gian nhà ấy, đang có bóng một người mặc áo đen, mặt che kín, đứng sững. Bóng người ấy đưa mắt nhìn đăm đăm vào vị lão tăng đang ngồi sau chiếc trống đá bên trong gian nhà. Và bóng người đó từ từ đưa chân bước tới một cách hết sức thận trọng...
Tùng.
Lão già ngồi trong nhà bỗng mở to đôi mắt, ánh sáng chiếu ngời khắp nơi.
Lão ta đưa một bàn tay gầy đét lên vỗ nhẹ vào mặt trống, và đã khiến chiếc trống đá kia kêu vang lên một tiếng to lớn, khiến ai nghe đến cũng phải kinh hoàng.
Tiếng trống ấy không ngớt ngân vang trong không khí...
Gia Cát Ngọc không khỏi giật mình đánh thót. Trong khi đó thì người mặc áo đen đang đứng trước sân, lại bị sức rung chuyển từ trong tiếng trống phát ra làm cho thân người không ngớt lảo đảo. Nhưng bóng người ấy liền rùn đôi vai xuống, rồi nhanh như điện tràn tới ba bước...
- Hừ.
Cùng một lúc với tiếng “Hừ” lạnh lùng ấy, lão già trong nhà bất thần nhanh nhẹn vung bàn tay lên, giáng xuống mặt trống hai lượt. Tức thì đi đôi với tiếng trống, một ngọn cuồng phong cuốn đến ào ào, chẳng thua chi một trận phong ba ngoài bể khơi.
Người mặc áo đen đứng ngoài sân liền lách mình tráng ngang, rồi lại rùng đôi chân xuống tiếp tục tràn tới ba bước nữa.
Tùng. Tùng. Tùng.
Ba tiếng trống lại liên tiếp nổi lên, gây thành một luồng kình khí mãnh liệt, chẳng thua chi một bức tường sắt thép từ nơi ấy cuốn thẳng ra.
Bóng người mặc áo đen bên ngoài bất thần phải thối lui ra sau một bước, “ụa” lên một tiếng to, tức thì, máu tươi từ miệng trào ra như suối. Tấm lụa đen che mặt của người ấy, cũng bị sức rung chuyển mạnh mẽ của tiếng trống đánh rơi xuống đất.
Dưới bóng sao lờ mờ, Gia Cát Ngọc đã thấy rõ, người ấy không ai khác hơn là Phi Long thiền sư, một cao tăng Thiếu Lâm tự.
Gia Cát Ngọc không khỏi buột miệng “úy” lên một tiếng, rồi từ trên nóc đại điện vọt người bay xuống.
Riêng Phi Long thiền sư thì nhanh nhẹn quay người trở lại, đưa hai tay ôm lấy ngực, rồi phi thân bỏ đi.
Gia Cát Ngọc đang định vọt người đuổi theo, nhưng bỗng nghe có một tiếng úy kinh ngạc, rồi lão già ngồi trong nhà giương đôi mắt sáng ngời lên nhìn đăm đăm vào người chàng, sắc mặt tràn đầy vẻ ngạc nhiên.
Gia Cát Ngọc liếc mắt nhìn qua, là đoán biết lão già trước mặt mình, chắc chắn là Thạch Cổ hòa thượng, một trong Càn Khôn ngũ bá, chứ chẳng còn ai khác hơn. Do đó, chàng liền cúi đầu thi lễ...
Nào ngờ đâu chàng chưa kịp lên tiếng nói chi cả, thì đôi mắt của Thạch Cổ hòa thượng bỗng nhắm nghiền trở lại, rồi tiếng trống nổi lên liên tiếp, như muốn xé màn tai, khiến chàng có cảm giác khắp thân mình đang bị một áp lực nặng nề, chẳng khác nào như bị một quả núi đè lấy.
Thấy thế, chàng hết sức kinh hãi, vội vàng dồn hơi xuống đơn điền, vận dụng “Cửu Cửu huyền công” bố trí khắp thân người.
Không khí chung quanh, đang bị tiếng trống dồn ép, nên không ngớt rít vèo vèo sát người chàng rồi vọt thẳng lên không.
Gia Cát Ngọc liền tập trung chân khí, đưa chân bước tới ba bước, trong khi đôi vai không ngớt chao động.
Chàng là người trẻ tuổi, có tính háo thắng, tuy không biết “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” là vật chi, nhưng giờ đây, chàng có ý thử qua “Kinh Thần Cửu Nguyệt Truy Hồn Cổ” của Thạch Cổ hòa thượng, mà bấy lâu nay tiếng tăm rung chuyển cả giang hồ một lần cho biết.
Tiếng trống của Thạch Cổ hòa thượng, kể từ khi Phi Long thiền sư xâm nhập, đã đánh ra liên tiếp sáu tiếng. Nhưng, qua những tiếng trống ấy lão già ngồi bên trong gian nhà nhìn thấy sắc diện của chàng thiếu niên áo vàng vẫn ung dung ngạo mạn như thường, thì bất giác cất tiếng lạnh lùng “Hừ” qua giọng mũi, rồi nhanh nhẹn đưa cao bàn tay lên...
Lão già ấy chỉ vận dụng chân lực trong người, rồi giáng nhẹ xuống mặt trống, thì tiếng trống nổi lên vang rền, khiến kình phong dấy động ầm ầm chẳng khác chi sấm nổ, làm cho nhà cửa cơ hồ như đều lắc lư, cát bụi tung bay mù trời.
Tuy Gia Cát Ngọc đã vận dụng “Cửu Cửu huyền công” bố trí khắp cơ thể, nhưng qua tiếng trống thứ bảy, chàng đã cảm thấy lồng ngực bị dồn ép đến cơ hồ không thể thở được nữa. Bởi thế, chàng hối hả vung hai tay xô mạnh ra, rồi nhân đà đó lại tràn tới ba bước nữa.
Những sợi tóc bạc trên đầu Thạch Cổ hòa thượng đều dựng đứng cả lên. Lão ta vung tròn hai tay, nhưng lần này không giáng xuống mặt trống, mà trái lại vận dụng toàn thể chân lực trong người, giáng thẳng xuống hai bên hông trống.
Tức thì, hai tiếng ngân vang như chạm vào sắt đá, gây thành một luồng kình lực bén ngót như dao, bắn ra khắp nơi nghe vèo vèo.
Gia Cát Ngọc không còn làm thế nào đứng vững thân người được nữa, nên đôi chưởng vung lên vun vút, phản công liên tiếp chín thế võ trong một cái nháy mắt.
Tức thì, tiếng nổ ầm ầm đinh tai nhức óc vang lên không ngớt.
Mãi đến khi cuồng phong đã dứt, thì Gia Cát Ngọc mới thấy mình đã bị hất lui ra sau đến năm bước.
Đấy là lần đầu tiên kể từ ngày chàng xuống núi đến nay, mới gặp một sự đối kháng mạnh mẽ như vậy. Do đó, trống ngực chàng đánh nghe thình thịch, vô cùng sợ hãi.
Nhưng, Thạch Cổ hòa thượng dường như càng xúc động dữ dội hơn. Lão ta giương đôi mắt lên nhìn chòng chọc vào người Gia Cát Ngọc, đầy vẻ nghi ngờ, nhưng cũng đầy vẻ kinh hãi. Qua một lúc sau, bỗng lão ta cất tiếng than rồi nói :
- Tục ngữ có câu tre tàn măng mọc chẳng sai, lớp người cũ qua thì lớp người mới đến. Nầy, thằng bé kia, ngươi đã có thể chịu đựng nổi “Kinh Thần Cửu Tuyệt Truy Hồn Cổ” của ta, vậy sao ngươi chẳng dám bứt lấy sợi tơ trước cửa này?
Gia Cát Ngọc nghe thế, thì trong lòng không khỏi cảm thấy phấn chấn hơn lên, lắc nhẹ đôi vai rồi tràn người tới. Khi chàng đứng yên lại, thì quả nhiên trông thấy trên khung cửa có cột ba sợi tơ, màu trắng như tuyết, nhỏ rức như một sợi tóc, nên đoán biết đây là loài tơ “Thiên tầm”.
Bởi thế, chàng liền cất giọng ngạo nghễ nói :
- Vãn bối xin tuân mệnh.
Dứt lời, chàng thầm vận dụng chân khí, đồng thời, cũng vận dụng “Cửu Cửu huyền công” dồn ra chưởng mặt, rồi vung tay lên nhắm ngay ba sợi tơ thiên tầm, chém thẳng xuống.
Vừa rồi, qua lời nói của Không Huệ đại sư, nên được biết là ba sợi tơ thiên tầm này chẳng những vô cùng dẽo dai chắc chắn, mà còn quan hệ trực tiếp đến Thạch Cổ hòa thượng nữa. Chính vì lẽ đó, nên trong khi vung chưởng đánh ra, tuy bề ngoài xem chàng rất ung dung, nhưng bên trong thực sự chàng đã vận dụng hết sức mạnh trong người.
Thế chưởng của chàng giáng xuống xem rất nặng nề, nhưng không hề thấy có sự táo bạo, cũng như xem rất nhanh nhẹn, nhưng không hề hối hả mất bình tĩnh.
Khi lòng bàn tay của chàng vừa giáng xuống đến những sợi tơ kia, thì được gia thêm sức mạnh một cách tuyệt diệu, bởi thế, liền nghe hai tiếng “phựt, phựt”, tức thì, sợi tơ thứ nhứt và thứ hai đã bị chàng đánh đứt lìa.
Trong khi đó, thế chưởng của chàng vẫn y nguyên như cũ, nhắm ngay sợi dây tơ thứ ba tiếp tục giáng xuống như chớp...
Giữa lúc thế chưởng của chàng, còn cách sợi tơ thứ ba độ ba tất nữa, thì bất thần có một luồng gió bén nhọn, từ phía sau lưng chàng xẹt vút tới.
Trong giờ phút quyết định này, Gia Cát Ngọc nào dám quay người ngó trở lại, nên vội vàng vận dụng “Cửu Cửu huyền công” bảo vệ khắp phía lưng mình, và chưởng phải vẫn tiếp tục giáng xuống...
Qua một tiếng “phịch” thật to, tức thì, một nhánh tùng đã giáng trúng thẳng vào lưng chàng, nhưng liền bị hất bay đi ra xa tám thước. Tuy nhiên, chính vì tâm thần chàng bị chi phối, nên thế chưởng của chàng giáng xuống sợi tơ thứ ba, liền bị dội lại, và sợi tơ vẫn tự nhiên không hề đứt.
Thạch Cổ hòa thượng trông thấy thế, liền cất tiếng than dài, nói :
- Tơ tình khó dứt, đấy là ý trời rồi.
Sắc mặt của Gia Cát Ngọc liền bừng đỏ, vừa xấu hổ vừa hối hận.
Thạch Cổ hòa thượng bỗng rút ra một đoản đao, chiếu ngời ánh sáng lóng lánh, cất tiếng cười to, nói :
- Có thể vung chưởng đánh đứt được hai sợi dây tơ, đấy quả là việc đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng bần tăng rồi, vậy ngươi còn tỏ vẻ áy náy làm chi nữa, mười năm chuyện cũ, tạm hãy gác lại. Này thằng bé kia, ngươi hãy lấy đoản đao “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” này, rồi mau lui đi.
Trăng sao trên trời đều yên lặng, bóng đom đóm chập chờn nơi nơi...
Gia Cát Ngọc bước ra khỏi Kinh Thần tự, vẫn hãy còn nghe tiếng cười rung chuyển cả màn tai của Thạch Cổ hòa thượng. Chàng rờ rẫm vào thân lưỡi đao ngắn xinh xắn, trong lòng tràn ngập bao nhiêu sự nghi ngờ...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT