Núi Bích Nguyên, sương trắng lượn lờ quanh năm không dứt. Phóng tầm mắt ra xa là một mảnh xanh ngắt; núi này không giống với núi ở phương bắc – cao mà lại nguy nga, đồ sộ làm cho người ta cảm thấy cái khí thế muốn thống nhất thiên hạ.

Sườn núi là nơi cư ngụ của rất nhiều nông gia, mặt trời mọc họ tất tả đi làm nông, mặt trời lặn lại tiêu diêu về nhà làm cho ngọn núi có thêm chút hữu tình, thi vị. Nhìn cây cỏ nơi đây khiến người ta tâm tình thư thái, quên hết phiền não.

Ta bây giờ đã tốt hơn so với trước đây, thù hận tuy vẫn còn nhưng cảnh trí như vẽ nơi đây cộng với cái không khí yên tĩnh làm cho ta có nhiều thời gian để tịnh tâm.

Ta hận nam nhân kia lãnh khốc vô tình, mẫu thân đối với hắn yêu thương vô cùng lại càng khiến ta đau lòng. Cho đến năm 10 tuổi, mẫu thân ở trong lòng ta là người quan trọng nhất nên ta cũng hy vọng trong lòng nàng ta là người nàng yêu thương nhất. Nhưng nàng lại vì hắn mà đỡ lấy một đao, ta thấy như thế thật không đáng. Bất quá, bây giờ ta cũng không còn nghĩ nhiều đến chuyện này nữa.

Hai năm trước ta đã gặp được các vị sư phụ, lúc đó ta vừa mới trong hoàng cung chạy ra bên ngoài, lòng đầy oán hận.

Trong hoàng cung, thủ đoạn đấu đá tranh giành đều ngầm diễn ra. Còn bên ngoài, những thủ đoạn như vậy lại diễn ra công khai, đa dạng hơn.

Ta không rành rẽ thói đời, tuổi lại nhỏ nên cũng gặp nhiều hiểm nguy. Bán đi một ít trang sức mang từ trong cung để lấy lộ phí. Có được ít tiền, ta liền trở thành “con dê béo” của những kẻ trộm cướp, cường đạo.

Biết thế, nên cũng chỉ dám để lại một ít tiền bên người nhưng cũng bị một tên tiểu đạo tặc cướp lấy. Không có tiền trả cho quán trọ, ông chủ quán trọ vô cùng giận dữ. Hắn thấy ta mi thanh mục tú liền đem ta bán cho nam kĩ viện. Tối đó, tú ông bắt ta phải tiếp khách, ta thấy ngọc đao phòng thân bên mình ra uy hiếp khiến tú ông giận dữ bắt giải ta lên quan phủ.

Ngọc đao là vật trong hoàng cung, nếu bị tra ra nguồn gốc, rất có khả năng thân thế của ta sẽ bị phát hiện. Sau cái đêm phóng hỏa cung hoàng hậu, không biết ả có chết hay không nhưng nếu ta bị bắt, chắc chắn ta sẽ chết không toàn thây.

Tưởng tượng đến ánh mắt âm lãnh của nam nhân kia, toàn thân ta cảm thấy máu như phun trào ra ngoài. Bị bắt đến quan phủ sẽ chết, bị đưa vào cung chắc chắn chết rất thê thảm, chi bằng ta tự mình kết liễu?

Đang lưỡng lự chọn cách tự tử như thế nào thì bên tai vang lên

“Tiểu tử, ngươi muốn chết à?”

Ngẩng đầu lên, nhìn theo phía tiếng nói vọng đến, hình như tiếng nói đó xuất phát từ trong ngục tối.

“Ánh mắt của ngươi, trong trẻo mà lại tuyệt vọng, chỉ có người muốn chết mới có ánh mắt như vậy.”

Ta không nói gì, kinh ngạc vì ý đồ của mình bị nhìn thấu, trống ngực đập không ngừng.

“Nếu ngươi không cần sinh mệnh của mình, chi bằng cho ta đi!”

——————————

Từ đó về sau, ta liền đi theo sư phụ. Sư phụ trên giang hồ được mọi người xưng tụng là “Dị nhân” vì người tự cao tự đại, không giống những kẻ khác, võ công thì xuất quỷ nhập thần, y thuật lại cao minh xuất chúng.

Ta rất thích sư phụ, vẻ ngoài lôi thôi lếch thếch, hành động ngông cuồng không kiềm chế nhưng lại cho ta cảm giác vô cùng thân thiết. Khi đó ta cũng không rõ vì sao lại thích sư phụ, về sau ngẫm lại mới thấy, ánh mắt của sư phụ khi nhìn ta lúc ta bị thương thật giống với ánh mắt trìu mến của mẫu thân trước đây.

Ta từng hỏi sư phụ vì sao muốn nhận ta làm đồ đệ. Ngày đó, y không tìm được nơi nghỉ chân, mượn cớ say rượu, y gây chuyện với người khác để “được” giải tới nhà lao quan phủ.

Ngồi trong ngục, y thấy ánh mắt của ta, chưa bao giờ y thấy một con ngươi như vậy – trong suốt dường như thấy được tận đáy; như một vò rượu ủ trăm năm màu sắc nâu nâu nhưng nhìn vào lại thấy tận đáy khiến y cảm thấy vô cùng vui sướng, nhất thời quyết định nhận ta làm đồ đệ.

Ta được thừa hưởng đôi mắt từ mẫu thân, nàng từng nói, năm đó nam nhân kia chú ý đến nàng chính là bởi đôi mắt mà nàng sở hữu. Bây giờ, ánh mắt đó lại thành bảo bối cứu mạng ta.

Ta không thể nào quên hình ảnh sư phụ dẫn ta ra khỏi nhà lao, tư thế oai hùng giống như chim điêu bảo hộ con nhỏ, một tay che chở cho ta, một tay đẩy lùi quan binh xông tới. Hình ảnh đó làm cho ta nhớ đến mẫu thân, nàng cũng từng bảo hộ ta như vậy trước những tranh đấu gay gắt chốn cung đình, lòng ta vừa khổ sở lại vui mừng, nói không nên lời là cảm xúc gì.

Ta cùng sư phụ rong ruổi trên nhiều con đường, qua nhiều núi, vào Nam ra Bắc, theo phương Bắc mà đi hướng tới Bích Nguyên sơn, sư phụ nói nơi đó chính là nơi ở của người và 3 đồ đệ khác.

Ta nghe sư phụ nói vậy mới biết mình có ba sư huynh.

Đại sư huynh tên là Phác Phong, 19 tuổi, từ 8 tuổi đã đi theo sư phụ học võ. Y thuật, kiếm pháp, ám khí, bày trận, đao pháp của sư phụ, sư huynh đều biết qua nhưng không tinh thông môn nào cả, y phải kết hợp nhiều loại công phu thì mới có được uy lực chiến đấu dũng mãnh.

Võ học của sư phụ có rất nhiều loại, nhưng sư phụ chỉ truyền dạy cho đệ tử một môn duy nhất, không phải vì sư phụ không muốn dạy mà vì y muốn đệ tử của mình tự lực nghiên cứu, hình thành nên những kỹ xảo độc đáo của riêng mình. Sư phụ còn nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chỉ cần có thể sử dụng một công phu đến mức xuất chúng thì nhất định có thể làm mưa làm gió trên giang hồ.

Sư phụ căn cứ vào bản tính của từng đệ tử mà dạy cho họ một công phu thích hợp. Đại sư hunh tính tính trầm tĩnh, lâm nguy mà không loạn, công phu thích hợp nhất chính là bày trận đồ.

Đại sư huynh quả thực tiếp thu rất nhanh, 15 tuổi liền xuất môn hành tẩu giang hồ. Dựa vào võ học cùng trận pháp của mình mà nổi danh nhanh chóng. Rất nhiều gia đình giàu có, nhiều môn phái nổi danh đều mời hắn giúp thiết kế mật thất, bài trí chướng ngại vật….

Đại sư huynh vẻ ngoài lãnh đạm, đôi mắt hoa đào, trời sinh phong tình vạn chủng; trên mặt như có hai đóa hoa hồng hồng nở rộ càng tôn thêm vẻ mị hoặc của khuynh thành giai nhân.

Để tránh đi ánh mắt dòm ngó của ngoại nhân, đại sư huynh khoác trên mình một bộ hắc y, đầu đội mũ có vải che khuất cả khuôn mặt vì thế giang hồ gọi y là “Hắc tiên”.

Nhị sư huynh Trầm Thanh Ba, năm nay 18 tuổi, giỏi kiếm thuật, không chỉ đem “Tiêu dao kiếm” của sư phụ phát huy đến nhuần nhuyễn, lại còn từ đó mà sáng chế ra một bộ “Lưu vân kiếm”. Nhị sư huynh anh tuấn bất phàm, thường ngày mặc một bộ bạch y sam, tay múa kiếm làm tăng thêm mấy phần cảm giác phong lưu.

Nhị sư huynh vận số đào hoa, bất quá y cũng vui vẻ tự đắc hưởng thụ cái phúc của một mỹ nhân, danh diệu “Bạch vân công tử”.

Tam sư huynh Ngôn Hổ có thể nói là cùng trang lứa với ta, hơn ta có 2 tuổi nhưng thân hình vạm vỡ, sức khỏe vô song, bộ dáng cao lớn thô kệch. Tuy tuổi nhỏ mà đã có thể nhấc được tảng đá nặng 300 cân. Hắn cũng giống ta, 10 tuổi đi theo sư phụ. Hiện giờ đã học “Phách trần đao” của sư phụ được 4 năm.

Có lẽ do cùng trang lứa nên quan hệ của chúng ta rất thân thiết, ta từ nhỏ cũng không có bằng hữu ngang tuổi, đương nhiên thập phần cao hứng.

Theo lời nói của nhị và tam sư huynh, mọi người ở đây từ sư phụ cho đến các sư huynh đều có quá khứ thương tâm.

Sư phụ là vì tình nhân mà gây ra thương tích, nhị sư huynh xuất thân trong gia đình thương gia, một đêm gặp họa, đạo tặc cướp hết của cải còn giết sạch 46 mạng người trong nhà, chỉ có y và một lão nô sống sót.

Tam sư huynh là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, được một nhà giàu nhận về, nhưng bọn họ đối với y tàn nhẫn vô cùng, đến lúc không chịu nổi nữa y liền trốn đi.

Đại sư huynh lại càng đáng thương, y là con lớn trong nhà. Nhà nghèo, cha mẹ đem y bán vào nam kĩ viện. Mới 8 tuổi đầu đã bị tú ông bắt phải tiếp khách, y vì hoảng sợ đã cắt đứt “giống nòi” của khách quan. Rồi sau, y bị đánh đập đến gần chết, may mà sư phụ vừa lúc đi qua liền cứu y rồi đem về. So ra, hoàn cảnh của ta cũng chẳng đáng gì.

Sư phụ bảo ta xương cốt không đủ cứng cáp, lại cũng đã quá tuổi tập võ nên y cho ta học y thuật. Ta ngộ tính cực cao, hơn nữa trước đây cũng từng đọc sách về y học nên đối với ta việc học y thuật này cũng không phải là quá khó.

Rảnh rỗi, ta liền tập võ, nếu tư chất đã không bằng người khác thì ta càng phải cố gắng hơn nữa, người ta nếu tốn một ngày thì ta liền cố gắng 3 ngày, nhất định sẽ đuổi kịp. Nhất định phải làm cho bản thân tinh thông võ nghệ.

Lại cộng thêm lời miệt thị của nam nhân kia, tâm trạng nóng lòng báo thù ta liền đem toàn bộ thời gian chuyên tâm vào việc học nghệ, không để bản thân có thời gian rảnh, không khiến chính mình suy nghĩ lung tung nhiều như trước nữa.

Sư đồ ta sinh sống chủ yếu bằng rau dưa, trái cây có sẵn trên núi, thỉnh thoảng những hộ dân dưới núi lại đem lên cho chúng ta một chút lương thực, thịt khô để đạp lại ân huệ của sư phụ với bọn họ. Đôi khi, một trong những đệ tử của sư phụ cũng được phái xuống thị trấn bên dưới để mua chút nhu yếu phẩm.

Nhưng đại sư huynh bây giờ rất ít trở về, nhị sư huynh thì cũng thường xuyên ngao du ở bên ngoài, sư phụ vốn là người tiêu diêu tự tại nên cũng ít khi ở trên núi. Hiện tại, ở đây chỉ có ta và tam sư huynh, càng thêm quạnh quẽ. Cho đến khi sư phụ mang tiểu sư muội trở về tình hình mới có chút biến đổi.

Tiểu sư muội lúc đầu vốn rất sợ người lạ, một đôi mắt to đen lúng liếng tràn ngập cảnh giác, xem ra trước đây phải nếm trải không ít thương đau. Đối với tam sư huynh thường ít cười, lạnh lùng tiểu sư muội cũng có chút sợ sệt; đối với ta ôn nhu tươi cười, quan tâm lo lắng, rốt cuộc tiểu sư muội cũng nở một nụ cười.

Cả núi chỉ có sư muội là nữ tử, huống chi ngày thường lại đáng yêu vô cùng, sư muội tự nhiên chiếm được sự yêu thích của mọi người. Sư phụ dạy nàng ám khí bởi vì ngón tay của nàng linh hoạt vô cùng. Tiểu Phong Ngữ (tên của sư muội) nói đó là do nàng trước đây rất hay thêu thùa. Không rõ tại sao, sư muội cũng rất thân thiết với ta. Từ đó, trên núi khi mặt trời lên cao là lúc ba sư huynh muội chúng ta cùng nhau luyện công, có thể nói là “đại chiến” tranh công.

Ta hiện tại gọi là Niệm Nghiễn vì mẫu thân trước đây tên là Nghiễn Nhu.

Luyện võ, học y thuật, rồi cả nghề nông – ngày ngày như thế trôi qua thành quá khứ, chính ta trước đây cũng không thể nghĩ rằng mình có ngày sẽ sống một cuộc sống như vậy.

Đây chính là những ngày vô cùng tươi đẹp, vô lo vô ưu. Không cần nói cũng biết đây chính là một trong những khoảng đời hạnh phúc hiếm hoi của ta.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play