Thiệu-Cực tiếp:

– Thân phụ Thạch tên Ích, làm chức đô-quan viên-ngoại lang. Thủa nhỏ Thạch ham đọc sách, cực thông minh, nhớ dai. Bất cứ sách gì, chỉ đọc một lần là y không bao giờ quên. Đỗ đầu tiến sĩ khoa Tân-Tỵ (1041), niên hiệu Khánh-lịch nguyên niên đời vua Nhân-tông, so với bản triều là niên hiệu Càn-phù hữu đạo thứ ba đời vua Thái-tông. Lúc đầu được bổ làm phán quan ở Hoài-Nam, rồi quần mục phán quan, đô tri phán quan ở Thường-châu. Niên hiệu Gia-hựu thứ 6, bên Đại-Việt là niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (1061), 41 tuổi, được gọi về triều coi về chế-cáo. Như vậy, trong hai mươi năm quan trường, ông vẫn lận đận với chức tước nhỏ bé. Chỉ vì làm bất cứ chức gì, ông cũng đưa những ý kiến cải tổ mới mẻ, nên quan trên cho rằng ông là « đạo Nho » (đồ Nho ăn cắp) đôi khi « cẩu nho ». Ông có lối nghị luận cao kỳ, biện bác, tự đưa ra những thuyết thực tiễn. Những thuyết đó có thể làm thay đổi toàn bộ phong tục, luật pháp, chính sự Trung-nguyên mấy nghìn năm. Trong khi Nho học luôn dẫn cứ cổ nhân ra làm gương. Dưới đây thần xin trích một đoạn ngắn, về bài tựa chính sách tân pháp của Thạch:

«... Nay tài lực thiên hạ ngày một khốn cùng. Phong tục mỗi lúc một suy đồi. Cái nạn đó bởi dân không biết pháp độ, không biết chính sự của tiên vương. Pháp độ của tiên vương do ý của người. Pháp độ do người đặt ra, thì cũng có thể do người canh cải được. Tại sao ta không thể bỏ ngoài tai nhĩ mục thiên hạ, dẹp lời dị nghị của thiên hạ, để tạo pháp độ mới? Ta phải lấy lực của thiên hạ mà làm nảy sinh tài vật cho thiên hạ. Dùng tài vật của thiên hạ để cung phụng những chi phí cho thiên hạ... »

An-Thạch vốn là kẻ sĩ đất Kinh-sở, nên tuy có tài kinh thiên động địa, văn chương quán thế, mà trong triều ít người biết đến. Bấy giờ trong triều là thời của tể thần Hàn Kỳ, Lã Di-Giản. Hai người cùng anh em, con cháu, thân thuộc kết thành hai nhà lớn, tạo một văn phong « Hàn, Lã ». An-Thạch kết thân với em Hàn Kỳ là Hàn Giáng, Hàn Duy, và Lã Công-Trứ. Nhân Hàn Duy làm thị giảng cho thái-tử Húc. Mỗi khi thái-tử hỏi về chính sự, Duy trình bầy những tư tưởng mới của Thạch. Thái-tử khen ngợi, thì Duy nói: « Đó là của Vương An-Thạch không phải của thần ». Thái-tử nảy ra ý muốn gặp Thạch. Nhưng luật Tống triều không cho những quan cấp nhỏ như Thạch được gặp thái-tử. Cho đến nay thái-tử Húc lên ngôi, thành Hy-Ninh đế, Thạch được đắc dụng. Để chuẩn bị cho Thạch trực diện đối giảng với vua, Hy-Ninh đế phong cho Thạch tri Giang-ninh phủ, rồi mấy tháng sau gọi về triều phong làm Vũ-lâm học sĩ kiêm thị-giảng. Mới đây cho phép Thạch vượt cấp bộ trình bầy tân pháp của y.

Thiệu-Cực ngừng lại cho cử toạ theo kịp rồi tiếp:

– Tân pháp của Vương An-Thạch có ba mục đích. Một là làm cho dân bớt bị quấy nhiễu, thêm giầu có. Hai là quốc sản dồi dào. Ba là binh lực hùng mạnh. Xét cho kỹ, Tân-pháp có nhiều điểm giống những cải cách của Đại-Việt, mà cũng có những điểm mới. Như làm cho dân giầu gồm bốn phần là mộ-dịch, quân-thâu, nông-điền, thủy-lợi. Mộ-dịch là bỏ lệ bắt xâu, mà tùy theo người giầu nghèo có thể mượn người thay thế. Điều này Đại-Việt ta đã làm từ mấy năm nay rồi, khác đôi chút là bên ta để người làm xâu trả tiền cho công nho, rồi công nho thuê người làm. Quân thâu là có thể lấy chỗ gần thay chỗ xa, lấy cái đắt thay cho cái rẻ, để thu thuế cho đồng đều. Nông-điền thủy lợi thì hoàn toàn giống Đại-Việt về phương diện khai hoang, về phương diện khơi sông vét lạch đem nước vào ruộng. Làm lợi cho dân có phép thanh-miêu, thị-dịch, phương-quân-điền. Thanh-miêu là lúc lúa còn xanh, dân thiếu tiền, thì nhà nước cho vay lấy lời 2 hay 3 phân. Khi lúa chín gặt rồi, phải trả cả vốn lẫn lời.

Ỷ-Lan gật đầu tán thưởng:

– Phép này hay đấy. Thường thì dân vay của nhà giầu, chúng lấy lời tới 7 hay 8 phân. Như vậy khi dân quá túng thiếu sẽ đi vay mượn, đỡ khốn khổ. Bởi khi khốn cùng họ sẽ trộm cắp cướp bóc. Nay có phép này nước thêm giầu. Thế còn các phép khác?

– Phép thị dịch là nhà nước bỏ tiền ra mua hàng của nông dân, thợ thuyền khi hàng nhiều quá, để người bán khỏi bị lỗ, phá sản; rồi đợi khi hàng khan hiếm thì bán ra với giá phải chăng. Còn phương quân điền là chia ruộng thành loại mà đánh thuế như của ta, nhưng kém chi tiết hơn.

Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:

– Còn phép làm cho binh hùng, tướng mạnh?

– Thưa Tể-tướng, phép này họ ăn cắp của ta hoàn toàn, rồi đổi đi một chút mà thôi. Phép có tên bảo-giáp. Bảo-giáp là bỏ bớt cấm-binh, như bên ta là Thiên-tử-binh, mà dùng dân binh, giống bên ta là Hoàng-nam trong các xã. Họ cho họp mười nhà thành một bảo, có một bảo trưởng trông coi. Năm bảo thành một đại bảo, có một đại bảo trưởng trông coi. Mười đại-bảo thành một đô-bảo, có đô bảo trưởng trông coi. Nhà nào có hai đinh, thì bắt một để vào bảo. Đám dân binh này phải luyện tập, đợi khi cần thì xung quân. Còn phép bảo-mã là phát ngựa cho các bảo nuôi, hoặc cấp tiền để cho dân mua. Mỗi nhà được quyền nuôi một hay hai ngựa. Khi hữu sự thì bảo-binh dùng bảo mã nhập ngũ ra trận.

Triều đình đều hiện ra nét lo lắng không ít. Ỷ-Lan nhìn Thiên-Ninh, rồi nhìn Quách Sĩ-An muốn hỏi ý kiến. Quách Sĩ-An đứng dậy, chỉnh đốn y phục nói lớn:

– Tậu bệ hạ, Tân-pháp hay thực. Nếu họ áp dụng năm năm trở đi, mà không bị trở ngại, các nước xung quanh sẽ bị Tống chiếm hết. Nhưng ta không sợ. Bởi với tình hình Tống triều như hiện nay, khó mà thi hành được.

Nhà vua hỏi:

– Khanh thử phân tích cho triều đình biết về cái khó mà thi hành được ấy để cùng bình nghị.

Quách Sĩ-An chắp tay đứng dậy:

– Tâu bệ hạ, kể từ đời vua Chân-tông, Nho-học triều Tống cực thịnh. Nếu các đại thần thời Thái-tổ, Thái-tông hầu hết xuất thân bằng võ nghiệp, thì đến thời vua Chân-tông trở về đây toàn do những Nho thần, danh sĩ, văn gia, tư tưởng gia. Nho thì bảo thủ, bầt cứ cái gì cũng phải viện dẫn Tứ-thư, Ngũ-kinh. Vua thì phải Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Cái gì cũng phải theo mô thức cũ. Những gì mới mẻ, sai trái với cổ nhân đều là tặc Nho, đạo Nho, khuyển Nho cả. Nay Vương An-Thạch đưa ra cải cách mới, thay đổi hoàn toàn xã hội, thì sẽ gặp phải sự chống đối không những của các đại thần, mà còn của tất cả bọn khoa bảng chưa xuất chính, cũng như bọn Nho-gia còn ở hương đảng. Một điều ta không sợ.

Triều đình đều gật đầu công nhận lý của Quách Sĩ-An đúng.

– Cũng từ thời vua Chân-tông, bắt đầu thiết lập hệ thống quan giai rất chặt chẽ. Một chức quan không thể vượt quá hai cấp cao hơn mình để trình việc. Tỷ như một viên lang-trung, không thể gặp thượng-thư. Vì theo đẳng cấp thì lang-trung, lên tới thượng thư, cách nhau ba bậc: lang-trung, thị-lang, tham-tri, thượng-thư. Cho nên Vương An-Thạch có tài nghiêng trời lệch đất, dù nhà vua đã nghe tiếng, thích Thạch từ lâu, y cũng không thể được trực diện đối thoại với nhà vua. Nhà vua muốn được nghe y tâu trình, thì phải thăng chức tước cho y dần dần, cho tới khi lên đến cấp Đại-học-sĩ. Mà luật triều Tống từ đời Thái-tổ định rằng, ngoài trừ thân vương, hay võ tướng có đại công... không một vị quan nào có thể được thăng chức trong vòng dưới sáu tháng. Đúng ra, với đẳng trật hiện tại của Thạch, nhà vua muốn thăng y tới đại học sĩ, thì phải đợi ít ra một năm rưỡi nữa. Nhưng nhà vua nóng lòng, mà thăng chức tước cho Thạch mau quá, khiến Thạch vượt qua những đại thần thâm niên hơn y, cho nên mầm ghen tỵ đã tràn làn trong Tống triều. Đó là hai điều ta không sợ.

Nhà vua nhìn Ỷ-Lan, cả hai cùng gật đầu tỏ ý tán thưởng lý luận của Quách Sĩ-An. Ỷ-Lan khuyến khích ông:

– Xin thầy tiếp cho.

– Muốn thực thi Tân-pháp, thì Thạch phải là Tể-tướng với đầy đủ quyền hành. Chức tước của Thạch quá nhỏ, dù nhà vua có cất nhắc mau đến mấy cũng phải năm, ba năm mới trao quyền cho y được. Nhược bằng nhà vua cho Thạch vượt đẳng cấp lên làm tể tướng ngay, thì lại bị các đại thần chống đối vì ganh tỵ. Lại nữa khi thi hành Tân-pháp, thì tất cả các đại thần đều phải bỏ hết những công trình đã thành công bấy lâu, rồi mò mẫm theo quyền sai phái, chỉ đạo của Thạch; mà dưới mắt họ, y chỉ là tên thư lại, tên cẩu Nho mới đắc thời. Đời nào họ chịu? Khi họ không chịu thì họ chống đối. Họ chống đối thì họ dèm pha, vận động đồng liêu nhập đảng, vận động hậu cung. Con đường cải cách của Thạch sao có thể thành công trong năm, sáu năm. Đó là ba điều ta không sợ.

Tể-tướng Lý Đạo-Thành hơi cau mày, tỏ vẻ bất mãn lý luận của Sĩ-An, vì chính ông chống đối những cải cách của Ỷ-Lan. Công chúa Thiên-Ninh biết thế, nàng hỏi Sĩ-An:

– Ba lý giải của tiên sinh thực sắc bén. Thế còn lý thứ tư?

– Khi ban hành Tân-pháp, phải có thời gian để các quan địa phương hiểu thấu thi hành. Lệnh ban ra, nhưng họ chưa hiểu thấu, hoặc giả chống đối, chỉ thi hành lấy lệ thì sao thành công được? Như vậy ít ra phải năm năm mới thành công. Trong năm năm đó, nhà vua chưa thấy thành công, mà kẻ bất mãn ngày một tăng, người này nói ra, người kia nói vào, riết rồi nhà vua cũng mệt nỏi, chán nản, có khi bãi bỏ. Đó là bốn điều Thạch khó thành công. Ta không sợ.

Công chúa Thiên-Ninh xen vào:

– Nước Việt mình vốn nhỏ, trên từ phụ hoàng đến các quan đều một lòng. Vấn đề cải cách nhỏ bé, do chính phụ hoàng với thần-phi chủ trương, thần nhi thân điều khiển, mà còn gặp biết bao trở ngại ở hương đảng, huống hồ Vương An-Thạch. Xin tiên sinh tiếp cho.

Sĩ-An biết cô công chúa này cho nước thuốc mình, ông hứng chí tiếp:

– Trong văn giới Tống, trong giới quan trường, Thạch vẫn là người vô danh. Nay bỗng một bước nhảy ra, bỏ hết những gì thời Hán, thời Đường đã làm, xóa bỏ vết tích thời Thái-tổ, Thái-tông, Chân-tông, rồi đem tư tưởng của mình bắt những người có danh, có tiếng tuân thủ, thì ai nghe? Họ sẽ xúm vào mà công kích. Dĩ nhiên trường hợp này nhà vua phải có hai thái độ. Thái độ thứ nhất là rút lại Tân-pháp. Như thế cải cách của Thạch không những chẳng ích lợi gì, mà lại hóa ra gây xáo trộn trong nước. Thái độ thứ nhì là cách chức hàng loạt các cựu thần, bổ nhiệm bọn trẻ thay thế. Bọn trẻ hăng say, thế nào cũng đi quá đà. Quá đà thì gây bất mãn. Bất mãn thì bị chống đối. Chống đối thì có nội loạn, rút cuộc cũng thất bại. Huống hồ ngay trong nội cung, cũng có tranh chấp giữa hai người đàn bà. Một là Thái hoàng thái-hậu vợ vua Nhân-tông. Hai là Thái-hậu vợ vua Anh-tông. Bà Thái-hoàng thái-hậu thì có uy tín từ lâu. Còn bà Thái-hậu Cao Thái-Vân thì có võ công cao, đọc sách nhiều. Hiện cả hai bà đều buông rèm thính chính. Khó mà tránh khỏi tranh chấp giữa hai bà. Hy-Ninh đế có tài đến đâu, nâng đỡ Thạch đến đâu cũng bị hai bà kiềm chế. Đó là đều thứ năm ta không sợ Thạch.

Triều đình cùng vỗ tay, thở ra nhẹ nhõm. Nhà vua gật đầu, tuyên chỉ:

– Khu-mật viện phải theo sát tình hình. Ta sẵn sàng cho người thu nhặt những lỗi lầm của Tân-pháp, của bọn tân quan của An-Thạch, rồi cung cấp cho những đại thần bảo thủ, để họ chống đối. Khi một đại thần vì chống đối Tân-pháp bị cách chức, bị đầy đi xa; ta cho dư luận đề cao, ngầm vận động dân chúng tiễn đưa thực long trọng. Tại nơi tân nhậm, ta cũng vận dụng dân chúng tiếp rước nồng hậu. Các quan bị đầy thấy mình bỗng trở thành có lý, họ càng chống thêm. Những quan khác thấy gương ấy, cũng chống đối để được hưởng tình cảm của dân như những người bị đầy trước.

Nhà vua nói chậm từng tiếng:

– Trẫm nhắc lại, các khanh làm quan, là muốn cho dân giầu nước mạnh. Còn người Tống đi làm quan thường vì hai vấn đề, một là vàng, hai là danh. Với lối vận động dân chúng như trên, ta cho họ danh. Ta cũng bí mật đem vàng, giả làm dân chúng, thương gia tặng cho gia đình họ, khuyến khích gia đình họ xui họ chống Tân-pháp. Như vậy Vương An-Thạcch khó mà thành công.

Nhà vua hỏi Thiệu-Cực:

– Với Tân-pháp, Kinh-Nam vương có ý kiến gì không?

– Tất cả các cựu thần trước đây chia làm hai phe. Một phe chủ đánh Nam phương, một phe chủ đánh Tây và Bắc. Nay Vương An-Thạch lại thiên về việc đánh Tây-hạ, bác bỏ việc đánh phương Nam. Thạch đưa ý kiến là dùng kỳ binh chiếm Hy-hà, như vậy là uy hiếp được Tây-hạ. Triều đình nghị luận phân vân. Cuối cùng hai bà Thái-hậu đều nói: khi vua Nhân-tông băng hà có để di chúc rằng việc dụng binh ở Bắc, ở Tây phải hỏi Kinh-Nam vương. Triều đình cho sứ mời vương về kinh. Trên đường đi, vương sai chim ưng hỏi ý kiến ta. Vậy xin hoàng-thượng ban chỉ.

Nhà vua hỏi:

– Chư khanh nghĩ sao?

Tôn Đản vui mừng ra mặt. Ông nói:

– Về việc dùng binh ở Tây-hạ, Liêu, kiến thức Kinh-Nam vương bỏ xa chúng ta. Nhưng tại sao vương lại hỏi ta? Vấn đề như thế này: vương để cho ta định kế của mình trước, rồi vương mới quyết định, sao cho đôi bên đều thuận tiện. Vương An-Thạch chỉ giỏi về cai trị, chứ y dốt đặc về việc dùng binh. Tại sao? Khi y muốn thi hành Tân-pháp, thì phải sao cho trong nước vô sự; vua quan mới chú tâm mà thi hành. Nay giữa Hạ với Tống trải qua mấy năm thanh bình, thình lình y hiến kế đánh Hy-hà là tại sao? Vì y bị phe đại thần chê là không biết gì về binh bị.

Ỷ-Lan góp ý:

– Thưa sư thúc, cháu đã nghiên cứu địa thế Tây-hạ với Tống. Nếu như Tống đánh úp được Hy-hà, thì không khác gì kề lưỡi gươm vào cổ thủ đô Linh-châu. Bấy giờ tiến lên, Tống có thể làm chủ cả vùng đồng bằng phì nhiêu, lui có thể bảo vệ biên cương Tống vững chắc. An-Thạch nghĩ rằng muốn có hòa bình để thi hành Tân-pháp thì phải kiềm chế Tây-hạ. Nhưng y hơi lầm lẫn. Vì nếu Tống đánh được Hy-hà, thì bằng mọi giá Tây-hạ phải chiếm lại, chắc chắn chiến tranh dằng co lâu lắm. Vậy ta nên thư cho Kinh-Nam vương thuận đề nghị của An-Thạch, chiếm Hy-hà. Như thế trong khi ta đánh Chiêm, Tống không thể điều binh uy hiếp ta, vì bận chiến tranh với Tây-hạ.

Long tâm hoàng đế mừng không kể siết, ngài nói với Tôn-Đản:

– Xin sư thúc thư cho Kinh-Nam vương rằng Đại-Việt rất đồng ý với vương, để Tống đánh úp Hy-hà.

Lý Đạo-Thành tiếp:

– Đại-Việt ta gặp may. Ta đang lo Tống đánh úp Bắc-cương, bây giờ Tống lại gây chuyên với Tây-hạ, thì họ không còn binh lực uy hiếp ta. Ta yên tâm bình Chiêm. Trở lại tình hình Chiêm. Xin mời Trung-thành vương tổng quản Khu-mật viện tâu trình.

Hoàng-tử Hoằng-Chân, năm trước đã được cử làm quản Khu-mật viện thay Lý Thường-Kiệt, vì Lý-Thường-Kiệt được cử làm Thái-úy tổng lĩnh Thiên-tử binh.

Ghi chú,

Xin nhắc lại, Khu-mật viện triều Lý gần như lĩnh nhiệm vụ bao gồm các cơ quan ngày nay như:

Nếu ở miền Nam Việt Nam:

– Phủ đặc ủy Trung-ương tình báo,

– Phòng 2 bộ Tổng-tham mưu.

– Tổng nha Cảnh-sát.

– Cục An-Ninh quân đội.

– Phòng 3 Tổng-tham-mưu,

– Trung-tâm hành quân Tổng-tham-mưu.

Nếu ở miền Bắc Việt Nam,

– Bộ Công-an,

– Cục Quân-báo,

– Cục Tác-chiến,

– Cục Phản-gián.

Nếu ở Hoa-kỳ,

– FBI,

– CIA,

– CID,

– G2, thuộc Ngũ-giác đài,

– G3, thuộc Ngũ-giác đài,

– TOC, thuộc Ngũ-giác đài.

Xét quan chế triều Lý,

– Chức Đại-tư-mã tương đương với chức Tổng-tư-lệnh ngày nay.

– Chức Thái-úy tương đương với Tổng-tham mưu trưởng.

– Chức Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, tương đương với Tư-lệnh lục quân.

– Chức Đại-đô đốc, tương đương với Tư-lệnh hải-quân.

– Chức Vũ-kị thượng tướng quân tương đương với Tư-lệnh thiết giáp binh.

Vương vừa bước ra, nhà vua đã ban chỉ:

– Miễn lễ cho ngự đệ.

Hoàng-tử tâu:

– Thần, kiểm-hiệu thái-phó, Trung-vũ quân tiết độ sứ, thượng-trụ quốc, đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Trung-thành vương, tổng-quản Khu-mật viện, Lý Hoằng-Chân, xin tâu trình về tình hình Chiêm.

Vương chỉ lên bản đồ:

– Địa thế Chiêm-quốc bắc giáp Đại-Việt ở cửa ải Nam-giới thuộc Nghệ-an. Phía Nam giáp với Chân-lạp ở vùng Pan-đu-ran-go (nay là Phan-rang. Danh tự Phan-rang phiên âm từ tiếng Chàm Pan-đu-ran-go mà ra). Phía Tây giáp Lão-qua. Địa thế Chiêm nằm dài theo dẫy núi Trường-sơn. Toàn nước chia làm bẩy khu vực. Các khu vực này ngăn cách với nhau bằng những giải núi chạy từ Trường-sơn ra biển. Giữa hai khu vực, giao thông với nhau bằng những con đường mòn băng qua núi rất khó khăn. Cho nên tiến quân bằng đường bộ thực là thiên nan vạn nan. Chính vì thế Chiêm cũng không đặt trọng binh phòng thủ ở các khu địa đầu, giáp gới với ta. Bộ binh của họ đặt ở miền trung và tại các cửa sông. Nhưng thủy quân họ rất mạnh.

... Về dân chúng, thì trước kia chỉ có sắc dân Việt, nói tiếng Việt. Nhưng gần nghìn năm nay tộc Mã-lị-á tiến dần về phiá Bắc ngày một đông. Cho đến nay dân trong nước cứ bẩy người gốc Mã-lị-á thì ba gốc Việt. Dù là người Chàm, nhưng họ vẫn tự coi họ là người Việt, nói cả hai thứ tiếng Chàm-Việt. Đến thời Thập-nhị sứ quân, nước ta bị nội chiến, khá nhiều người Việt bỏ quê hương sang Chiêm sống. Họ quy tụ với nhau, tìm khu đất trù phú, khai hoang lập ấp. Dần dần khu ấp của họ trở thành rộng lớn bằng một huyện của ta, dân cư khu nhỏ thì vài nghìn đinh, khu đông thì ba bốn vạn đinh. Họ nói tiếng Việt, tự tổ chức lấy làng xã, tự cử người cai trị. Họ giữ nguyên phong tục, tập quán Việt, họ còn lập đền thờ các anh hùng tộc Việt, tháng đôi tuần hương khói để dạy con cháu không quên nguồn gốc. Mỗi lần ta đem quân sang đánh Chiêm, họ đều cung ứng tin tức, lương thảo, cử người dẫn đường. Khi một vua gốc tộc Việt lên ngôi, thì họ được mọi thứ dễ dàng. Khi một vua tộc Mã lên ngôi thì họ chịu cực khổ trăm chiều. Hiện có tất cả 72 trang, kể từ Nam-giới tới núi Hải-vân. Phía Nam Hải-vân thì có 18 trang. Hồi cuối đời Đinh, một số di thần không thần phục nhà Lê, kéo dân chúng, tông tộc sang Chiêm kiều ngụ, một số trang ấp lại được tổ chức. Cuối thời Lê, lại một số con cháu, di thần Lê triều bỏ nước sang Chiêm, rồi cũng thành lập trang ấp. Người Việt ở Chiêm, dù trốn loạn Thập-nhị sứ-quân, dù gốc con cháu dư đảng sứ quân, dù gốc Đinh triều, Lê triều, họ chia rẽ nhau, đôi khi chém giết nhau, nhưng họ cùng giống nhau ở một điều là yêu nước, tự hào cái gốc Việt của mình, và hướng về đất nước. Nếu ta khéo léo, có thể quy tụ được họ.

Ỷ-Lan chú ý theo dõi rất kỹ vấn đề người Việt. Phi hỏi:

– Hiện Khu-mật viện đã ngầm thông tri cho họ biết cuộc Nam-chinh chưa?

– Tâu Thần-phi, không những ta chưa báo cho họ biết, mà ta còn không nên báo. Hơn nữa cần phải dấu kín.

– Sao vậy?

– Thời Thập-nhị sứ quân, có đến bốn sứ quân thuộc Hồng-thiết giáo. Sau khi thống nhất sơn-hà vua Đinh cho truy lùng dư đảng Hồng-thiết giáo rất ngặt. Nhật-Hồ lão nhân cử một trong Ngũ-sứ là Nguyễn San vào trấn Chiêm-thành, gây cơ sở ở đó. Lợi dụng người Việt ở ngoại quốc đều yêu nước, hướng về quê hương, Nguyễn San và đám đệ tử của y len lỏi vào các trang người Việt, thành lập cơ sở, tổ chức đội ngũ, rồi nắm quyền cai trị. Tuy vậy võ lâm cũng cử người vào giúp dân ta thoát khỏi ách của chúng, nên tình trạng các trang rất mập mờ, khi võ phái mạnh thì muốn theo các võ phái, họ sung sướng một chút. Còn khi Hồng-thiết mạnh thì theo Hồng-thiết. Bọn Hồng-thiết cực kỳ ác độc. Ai chống chúng là chúng khép vào tội phản quốc, rồi giết chết, hoặc chúng báo với Chiêm rằng người ấy làm gian tế cho ta, cuối cùng cũng bị Chiêm giết.

Công-chúa Thiên-Ninh lắc đầu:

– Khải thúc phụ! Như vậy bọn Hồng-thiết là đầu trộm đuôi cướp, nhân danh xã tắc, quê hương để ăn cướp. Giống hệt người Hoa ở bên ta. Chính quyền Chiêm không can thiệp gì ư?

– Không! Không những họ không can thiệp, mà còn nhắm mắt lờ đi cho ta chém giết ta. Trải đến thời quân Tống sang đánh ta, một số dư đảng Hồng-thiết giáo vùng Lưỡng-quảng làm hướng đạo cho giặc, cùng hô hào dư đảng trong nước làm nội ứng cho Tống. Giặc Tống tan, triều Lê càng truy lùng dư đảng rất ngặt. Dư đảng của chúng lại trốn sang Chiêm ở, thành ra lực lượng ở Chiêm chúng rất mạnh. Đến bản triều, đức Thái-tổ ban luật ân xá, Hồng-thiết giáo Đại-Việt lại bùng lên, nhưng vì giáo chủ Nhật-Hồ bị Lê Ba giam cầm, nên yếu hơn Hồng-thiết giáo bên Chiêm. Nguyễn San muốn tách ra làm giáo chủ Chiêm giống như Sử-vạn Na-vượng bên Lào, Khiếu Tam Bản bên Chân-lạp. Lê Ba giả lệnh Nhật-Hồ lão nhân sai Nhất-Trụ vào giết chết. Từ đấy giáo chúng ở Chiêm lâm cảnh sứ quân, không người cầm đầu. Lát nữa thần sẽ xin tâu chi tiết về Hồng-thiết giáo.

Vương chỉ vào một bức lụa khác:

– Bây giờ xin trình bầy về tổ chức triều đình Chiêm. Triều đình Chiêm tổ chức gần giống triều đình Đại-Việt. Cao nhất là vua, thuộc tộc Mã, tên Chế-Củ. Tên Chiêm là Du-ra-vạc-man đệ tam (Rudravarman III), người Trung-quốc gọi là Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đê-ba (Yan Pu cri Rudravarmandra). Năm nay 37 tuổi. Y là người văn mô vũ lược, có chí lớn, khéo thu phục nhân tâm. Tám năm trước, mới lên ngôi vua, y đã tỏ ý tự muốn mở rộng biên cương. Y lập chí trước chiếm lấy vùng Nghệ-an, Thanh-hóa của Đại-Việt, làm cho Đại-Việt suy yếu; bấy giờ y rảnh tay đánh chiếm vùng đồng bằng mênh mông của Thủy-chân lạp.

Quan Thái-úy Quách Kim-Nhật hỏi:

– Khải vương gia, Chân-lạp là nước nhỏ, dân bẩy phần gốc Mã, ba phần gốc Việt, đánh Chân-lạp dễ hơn đánh Đại-Việt. Sao y không đánh Chân-lạp trước mà lại đánh Đại-Việt?

– Có hai lý do. Một là y cướp ngôi vua, dân chúng không phục. Y biết dân Chiêm vốn thù hận Đại-Việt vào thời vua Thái-tông, đã đánh giết chúa Sạ-Đẩu, bắt hoàng-hậu Mị-Ê, hủy tông miếu. Nên y lập chí đánh Đại-Việt để thu phục nhân tâm. Quả nhiên y thành công, khi y nêu lên chủ đạo của y là đánh Đại-Việt, trả thù cho tiên vương, thì các quan đều hăm hở theo y. Hai là y ớn Đại-Việt, nên phải thần phục Tống, để cùng tiến binh. Điều đó Tống cầu mà không được; nên Tống phong vương, cắt đất Thanh-Nghệ cho y, hẹn cùng khởi binh diệt Đại-Việt. Vì thế y phải nghe theo Tống.

Vương trở lại với tổ chức triều Chiêm:

– Dưới vua có tam-công, là tư-mã, tư-đồ, tư-không. Ba ông này là phụ tá vua. Dưới tam-công có tể-tướng, phó tể-tướng, lục bộ thượng thư.

... Lãnh thổ chia làm bẩy lộ, mỗi lộ có một kinh-lược an-vũ-sứ. Dưới lộ có châu, quận, huyện. Dưới quận huyện có làng, xã. Tư-mã hiện là Đinh Kiếm-Thương, tước phong Cửu-chân vương. Sau khi chư vương Đại-Việt nổi loạn, y dẫn dư đảng Hồng-thiết-giáo sang Chiêm ẩn thân, nhưng đời vua trước của Chiêm không trọng dụng y. Y oán hờn quay ra giúp Chế-Củ cướp ngôi vua. Rồi cũng chính y tổ chức quân đội Chiêm giống quân đội Đại-Việt. Y lại ăn cắp những cải cách nông nghiệp, quân đội của ta sang giúp Chiêm. Do vậy Chiêm trở thành hùng mạnh. Hiện các tướng Chiêm hầu hết là dư đảng Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Ỷ-Lan muốn biết thêm về hành trạng của Đinh Kiếm-Thương. Nàng hỏi:

– Ngự đệ cho biết rõ hơn về tổ chức Hồng-thiết giáo bên Chiêm.

– Tâu thần phi, tổ chức Hồng-thiết giáo bên Chiêm hoàn toàn do người Việt cầm đầu. Có thể nói, người Chiêm gốc Mã-lị-á tập trung ở miền Nam, càng lên miền Bắc càng ít. Họ theo Phật-giáo. Người Chiêm gốc Việt tập trung ở miền Bắc, càng xuống miền Nam càng ít, họ bị Hồng-thiết giáo kiềm chế, tổ chức thành đội ngũ rất mạnh. Chính vì vậy mà Chế-Củ mới chịu để cho Kiếm-Thương nắm binh quyền, vì y muốn dùng người Chiêm gốc Việt chống Đại-Việt. Kể từ núi Hải-vân đến Nam-giới có tất cả 72 trang động người Việt, trong khi Chiêm chỉ có 60. Phía Nam Hải-vân, thì có 18 trang động Việt, trong khi Chiêm có tới 360. Tin Tế-tác của ta chỉ biết rằng Hồng-thiết giáo Chiêm tổ chức rập khuôn theo tổ chức Hồng-thiết giáo Đại-Việt trước đây. Trên cao có giáo chủ, phó giáo chủ. Giáo chủ hiện là Trần Đông-Thiên, phó giáo chủ là Trần Quỳnh-Hoa. Tả hộ pháp là Đinh Kiếm-Thương, hữu hộ pháp là Vũ Chương-Hào... còn lại ngũ sứ, thập kỳ chủ đều là đệ tử của Đông-Thiên. Mỗi lộ đặt một quản đạo, cũng tổ chức như giáo hội trung ương. Mỗi trang mỗi động thì có viên quản đạo cầm đầu, những người này được cử lên vì có uy tín, hoặc võ công cao. Còn thực sự ngồi trong chỉ huy là viên giảng kinh. Giảng kinh viên không cần tài giỏi, mà là người trung thành với Hồng-thiết giáo.

Nhà vua hỏi:

– Ngự đệ mới chỉ cho biết có mấy tên đó mà thôi. Còn lại có tên nào đặc biệt khác không?

– Tâu chúng hành sự rất bí mật. Tế tác của ta không ghi nhận được.

Thường-Kiệt hỏi:

– Thưa vương gia. Quân Chiêm hiện có bao nhiêu người?

– Thiên-tử-binh có năm hiệu, mỗi hiệu hai quân. Cộng chung mười quân. Các lộ không có quân. Thiên-tử-binh do Bố-bì-đà-na, đệ tử của Đinh Kiếm-Thương chỉ huy. Thủy quân rất mạnh. Họ có ba hạm đội, mang tên Thi-nại 1, 2, 3. Đô đốc tên Thi Đại-Năng, tuổi đã già, võ công y cao siêu không biết đâu mà kể. Kị-binh khoảng một vạn ngựa, 300 voi.

Ỷ-Lan hỏi:

– Hoàng-đệ có biết rõ tư-đồ, tư-không, tể-tướng của họ là ai không?

– Tâu thần-phi, tư-đồ là một người Hoa tên Lục Đình. Lục Đình đã đỗ tiến sĩ thời vua Nhân-tông nhà Tống, y có tài, có chí. Hồi đầu y được bổ đồng trấn Quảng-châu. Vì y chủ Nam xâm nên bị Ưng-sơn song hiệp lên án rằng: nếu trong một năm mà y còn tiếp tục, thì sẽ bị giết cả nhà. May cho y, giữa lúc đó có cuộc tiến binh của ta lập nước Đại-Nam cho Nùng Trí-Cao. Y kinh sợ Ưng-sơn quá, đem tông tộc trốn sang Chiêm lập nghiệp. Chính y thiết lập học chính, chế triều nghi, cố vấn cho Chế-Củ tổ chức cai trị. Y không biết võ, nhưng mưu trí thực khó ai bằng. Tư-không là Chế Ma-Đa, em trai Chế-Củ, tài năng tầm thường. Vì Chế-Củ không có con trai, nên tương lai y sẽ thay anh lên làm vua. Còn tể-tướng là một người Việt lai Chiêm tên Lục Chương-Anh, tuổi đã già, không ai rõ lý lịch của y. Chỉ biết võ công y là võ công Liêu-Đông Trung-quốc, bản lĩnh y cao hơn Đinh Kiếm-Thương một bậc. Y nói tiếng Việt rất giỏi, vợ y rất trẻ, rất đẹp, có học, tên Phượng-Nhu.

Hoằng-Chân lại đem trục lụa khác ra treo lên:

– Về đồn trú, trên lục địa, họ chia làm ba nơi. Một là ngay ở Nam-giới tiếp với biên thùy ta, có 2 vạn bộ, 3 nghìn kị, 50 voi, do Đinh Kiếm-Thương trấn thủ. Tại cửa biển Thi-nại, có 6 vạn bộ, 3 nghìn kị, 100 voi, do Bố-bì-đà-na trấn thủ. Tại kinh đô Đồ-bàn, có 2 vạn bộ, 50 voi, 4 nghìn ngựa, do tể tướng Lục Chương-Anh trấn thủ. Còn thủy-quân thì có ba hạm đội mang số 1, 2, 3, đóng ở cửa Nhật-lệ, do Thi Đại-Năng làm đô đốc. Lương thảo một phần để ở Nam-giới, còn lại hầu hết để ở Nhật-lệ, Tư-dung, Thi-nại và Đồ-bàn.

Thường-Kiệt cung tay hướng Tôn-Đản:

– Xin sư-thúc dạy cho.

Tôn-Đản đứng dậy đưa mắt nhìn chư tướng một lượt, rồi nói:

– Cuộc Nam-chinh này là lẽ sinh tử của Đại-Việt. Bất cứ giá nào ta cũng phải thắng. Nếu vì lý do gì, ta không đánh được Chiêm, mà phải rút về, hao binh, tổn tướng, thì quân Tống sẽ tràn sang, cùng Chiêm đánh ép ta, bấy giờ cái họa mất nước không tránh nổi. Ta thắng, nhưng phải hoàn tất cuộc Nam chinh trong vòng năm tháng, không thể để lâu hơn được. Chúng ta đã chuẩn bị chiến thuyền, binh lương, lừa ngựa đầy đủ. Bây giờ là mùa Xuân, gió Bắc thổi, ta xuôi thuyền Nam chinh. Đến hè, sau khi chiến thắng, thuận gió nồm, ta sẽ trở về dễ dàng, không mệt sức quân chèo thuyền. Chư tướng nghĩ sao?

Chư tướng đồng nắm tay dơ lên trời, tỏ ý cương quyết. Tôn-Đản tiếp:

– Hồi vua Thái-tông Nam chinh, ta chia quân làm hai. Lúc đầu mặt biển là hư, Nam-giới là thực. Chiêm ra sức phòng biển, mà lỏng trên bộ. Trong khi thủy quân giao chiến nghiêng ngửa ở cửa Nhật-lệ, thì quân ta vượt qua dẫy Hoành-sơn, vào Bố-chánh, chiếm mất kho lương. Thế là thủy quân Chiêm phải lui. Bây giờ Chiêm khôn. Họ dựa vào địa thế hiểm trở của Hoành-sơn đóng trọng binh tại đây, cầm chân quân ta. Như vậy bắt buộc ta phải chấp nhận giao chiến tại cửa Nhật-lệ. Thế là bộ binh của ta vô dụng. Họ có thể thắng, hoặc cầm cự lâu dài, là điều cấm kị của ta. Vậy thế này: Một là cuộc Nam chinh chỉ với mục đích phá tan chủ lực Chiêm. Ta đánh Chiêm để tự vệ. Chư tướng phải ngăn cấm quân sĩ không được cướp bóc, hành hung, chém giết lương dân. Hai là đối với binh tướng Chiêm, ta nên dụ hàng, bức hàng, bất đắc dĩ mới phải giao chiến. Ba là, tuyệt đối giữ bí mật, áp dụng binh pháp « xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị » (ra binh khi giặc không để ý. Đánh vào nơi giặc không phòng bị) cho đến phút chót. Ngày Canh-Tuất (dương lịch 8 tháng 3) giờ Mùi, Hoàng thượng sẽ ra bến Tiềm-long duyệt binh, rồi khởi hành. Đúng lúc đó tất cả các đạo cũng cùng tiến phát.

Ông hướng hoàng tử Chiêu-Văn:

– Tướng tổng chỉ huy mặt bộ phải là người võ công cực cao, trí dũng tuyệt vời, để có thể tùy nghi ứng phó với tình hình. Ngoài vương gia ra, không ai đương nổi. Vương gia làm chánh tướng, Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân Bùi Hoàng-Quan làm phó tướng; lĩnh hai hiệu Bổng-thánh, Bảo-thánh, 5 nghìn kị-binh, 100 thớt voi tiến đánh Nam-giới. Phải hư trương thanh thế coi như đây là chính binh. Nhưng không cần tiến chiếm. Đợi khi mặt thủy, quân Chiêm bại ở Nhật-lệ, tất quân bộ tại đây tháo chạy. Bấy giờ vương gia đuổi theo. Đến Bố-chánh thì đóng lại, trấn thủ ở đây, bảo vệ đường về của ta. Tượng binh, kị-binh trao cho Dư-Phi để đuổi giặc. Hiện quân bộ, kị, tượng này đã đóng tại Nghệ-an. Vương gia phải lên đường ngay hôm nay, để ngày Canh-Tuất giờ Mùi, là phất cờ tiến quân.

Chiêu-Văn hỏi lại:

– Thưa sư thúc, cháu có bẩy đứa em kết nghĩa, được Hoàng-thượng ban cho danh hiệu Tây-hồ thất kiệt, với năm trăm dũng sĩ. Năm trăm dũng sĩ gọi là Giao-long, được huấn luyện bản lĩnh thủy chiến rất giỏi. Họ có thể lặn dưới nước hằng giờ với những ống nhỏ thông lên mặt nước để thở. Cháu xin được mang theo. Ý sư thúc thế nào?

Tôn-Đản suy nghĩ một lúc rồi hướng nhà vua:

– Tâu hoàng thượng, Tín-nghĩa vương có thu bẩy nghĩa đệ tuổi từ mười ba tới mười bẩy, võ công rất cao cường, mưu trí khó ai bì. Bẩy người nổi danh là Tây-hồ thất kiệt. Nhưng phải cái tuổi trẻ tính hiếu động mà thôi. Luật bản triều định rằng, phàm hoàng-nam dưới 18 tuổi, ngoài bệ hạ, không ai được xử dụng. Xin bệ hạ ban chỉ.

Nhà vua cười:

– Việc bảo vệ nước, thì không thể phân biệt nam, nữ, già, trẻ. Thánh Gióng xưa đâu đã đủ tuổi trưởng thành, mà cũng làm lên sự nghiệp kinh thiên động địa? Thời Lĩnh-Nam, Thiên-ưng lục tướng, Lục-hầu tướng, Lục phong nữ, Ngũ-long quận chúa ra trận chưa ai đủ tuổi trưởng thành cả. Mới đây, thời Thuận-thiên, trong đại hội Lộc-hà, Thuận-thiên thập hùng chỉ có hai vị là thành niên thôi, mà các vị đã làm cho ma đầu nghiêng ngửa. Vậy trẫm long trọng ban chỉ: các thiếu niên nam nữ đều được tình nguyện ra trận.

Tôn-Đản lại gọi Dư-Phi:

– Con (Dư-Phi là đệ tử của ông, nên ông không gọi chức tước) lĩnh hai hiệu binh Long-dực, Thần-điện, 5 nghìn kị, 100 thớt voi, đóng trừ bị phía sau của Tín-nghĩa vương. Khi vương tiến chiếm Bố-chánh, thì lĩnh kị binh, tượng binh của người, đuổi theo đạo binh Nam-giới của Chiêm tháo chạy. Sư phụ nhắc lại, phải đuổi đến cùng, đánh như sét nổ, sao cho đạo quân này tan nát, rồi tiến chiếm kho lương Địa-lý, Ma-linh. Sau đó chia quân trấn thủ từ Địa-lý, Ma-linh tới Tư-dung, chuẩn bị thuyền nhỏ chở lương ra khơi tiếp tế cho các hạm đội, khi hạm đội đi qua. Con cũng phải khởi hành ngay hôm nay, để giờ Mùi ngày Canh-Tuất xuất phát.

Ông hướng hoàng tử Hoằng-Chân:

– Vương gia lĩnh một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, cực kỳ nguy hiểm. Vương gia mang hai trăm thớt voi, một trăm Thần-hổ, một trăm Thần-báo, một trăm Thần ngao, một Trăm thần hầu, hai hiệu Quảng-vũ, Bổng-nhật. Vương gia âm thầm đến Thanh-hóa, rồi vượt biên sang Lão-qua, đi theo đường thượng đạo phía Tây Trường-sơn hướng xuống Nam, rồi ẩn thân ở phía Tây Đồ-bàn. Khi có lệnh, sẽ thình lình xuất hiện trong đêm, cho thần hầu treo cờ Đại-Việt la liệt khắp núi rừng, đồng bằng; đánh trống hò reo. Chế-Củ kinh hoàng tất bỏ thành mà chạy. Vương gia chiếm lấy thành, không cho quân Bố-bì-đà-na trở về chiếm lại. Vương gia lên đường ngay hôm nay, xuất phát càng sớm càng tốt.

Ông nói nhỏ vào tai Hoằng-Chân:

– Trên đường đi, vương gia sẽ phải vượt qua mấy trang động người Việt, do Hồng-thiết giáo cai trị. Vậy vương gia phải mang ít tín bài của chúng, để có thể như thế... như thế...

– Sư thúc yên tâm, cháu thuộc tên, tuổi lý lịch, cùng vợ con, người tình, thói quen... từng gã đạo trưởng Hồng-thiết giáo Việt ở bên Chiêm. Dễ mà!

Vương hỏi tiếp:

– Thưa sư thúc, cũng như Chiêu-Văn, cháu có năm nghĩa đệ, với 500 đệ tử trung thành. Năm trăm dũng sĩ này được huấn luyện bắn tên trăm phát trăm chúng. Cháu có thể mang theo không?

– Hoàng-thượng đã chuẩn tấu cho Tây-hồ thất kiệt với 500 dũng sĩ Chiêu-văn được làm con thánh Gióng, thì Long-biên ngũ hùng với 500 nghĩa sĩ Trung-thành cũng được hưởng vinh dự làm con Cao-cảnh hầu Cao-Nỗ.

Ông tiếp tục:

– Bây giờ tới chủ lực chính. Chủ lực chính là thủy quân cùng sáu hiệu Thiên-tử binh. Mục đích phải đạt được là nghiền nát thủy quân Chiêm ở Nhật-lệ, rồi xuôi giòng tiến chiếm cửa Thi-nại. Trận đánh Nhật-lệ tối quan trọng. Nếu như không phá được thủy quân Chiêm, thì cuộc chiến sẽ kéo dài vô cùng. Sau khi phá thủy quân Chiêm, chúng ta tiến thẳng đến cửa Thi-nại, đổ bộ lên đánh Đồ-bàn. Trận Thi-nại sẽ vô cùng khốc liệt, bởi bất cứ giá nào, quân Chiêm cũng phải tử chiến để bảo vệ Đồ-bàn. Tôi đã dự trù phương cách làm loạn lòng quân Chiêm ở Thi-nại. Trong khi chúng ta đánh nhau ở Thi-nại, giữa lúc khốc liệt nhất, thì đội cảm tử của Trung-thành vương Hoằng-Chân đánh úp Đồ-Bàn. Chế-Củ bỏ Đồ-bàn chạy, thì quân Chiêm ở Thi-nại tan. Mục đích cuộc Nam chinh của chúng ta không phải để chiếm nước người, mà để phá chủ lực quân Chiêm, khiến chúng không thể hợp với Tống đánh sau lưng ta. Chế-Củ bỏ chạy, ta lập lên một vị vua thuộc tộc Việt, rồi rút về. Hoặc giả bắt được Chế-Củ càng tốt. Chủ lực chính chúng ta chia làm ba.

Ông cung tay hướng nhà vua:

– Nguyên soái Thường-Kiệt, phò mã Hoàng-Kiện lĩnh hiệu Ngự-long, Quảng-thánh đi trên hạm đội Bạch-Đằng với đô-đốc Trần Như-Ý làm lực lượng trừ bị, tổng chỉ huy. Hoàng thượng ngự trên hạm đội này. Tướng-quân Thường-Hiến, Nguyễn-An lĩnh hiệu Hùng-lược, Vạn-tiếp đi trên hạm đội Động-đình với đô-đốc Trần-Lâm làm lực lượng xung kích một. Tôi với phu nhân Cẩm-Thi lĩnh hiệu Đằng-hải, Vũ-thắng, đi trên hạm đội Thần-phù với đô đốc Trần-Hải, làm lực lượng xung kích hai. Ngày Canh-Dần giờ Mùi, Hoàng-thượng duyệt binh ở bến Tiềm-long, tuyên chỉ Nam-chinh, rồi phát pháo xuất quân theo sông Hồng ra biển.

Tôn-Đản tuy đã ở vào tuổi gần sáu mươi, nhưng ông là một đại tôn sư võ học, nên đầu chưa bạc, tiếng nói sang sảng. Trong điện Uy-viễn có hàng mấy trăm người, mà không một tiếng động. Ông nói thực chậm:

– Chúng ta khởi xuất phát ở nhiều nơi, bằng thủy quân. Trên thuyền chỉ mang nước ngọt, lương thực trong bẩy ngày. Khi đến Nghệ-an, sẽ có thuyền nhỏ tiếp tế lương thực, nước ngọt dùng trong 15 ngày. Sau đó dọc đường, sẽ có thuyền của Dư-Phi tiếp tế ở Đại-trường-sa, Tư-dung.

Nhà vua hỏi Ỷ-Lan:

– Thần-phi! Việc tiếp tế lương thảo đã đến đâu rồi?

Ỷ-Lan chỉ Thiên-Ninh:

– Tâu Hoàng-thượng, vạn sự cụ bị rồi. Thiếp xin để công chúa Thiên-Ninh tâu trình!

Phi nói với công chúa Thiên-Ninh:

– Xin công chúa tâu lên hoàng-thượng vấn đề tiếp tế lương thực.

– Tâu phụ hoàng, hiện ta có một vạn ngựa chiến, hai vạn lừa ngựa kéo xe. Lúa, cỏ dành cho lừa ngựa ăn đã trữ đủ trong sáu tháng. Cứ mỗi tháng lại thu mua để bù vào chỗ đã tiêu thụ. Như vậy bao giờ cũng tồn kho sáu tháng. Lương thực cho binh sĩ từ trước đến giờ lúc nào cũng dự trữ trong một năm. Hiện đã âm thầm chuyển vào tới Thanh-hóa số lượng dùng trong hai tháng. Vì bảo mật cuộc hành quân, nên không thể vận chuyển thêm được. Khi quân lên đường, thần nhi lập tức cho chuyển bằng thủy quân, và đường bộ theo sau. Nghĩa là từ vùng Kinh-Bắc về Thăng-long. Rồi từ Thăng-long vào Thanh-hóa, và từ Thanh-hóa ra mặt trận; lúc nào cũng đủ dùng trong hai tháng. Trong sáu đứa con gái phụ cho Thần-phi, thì ba ở tại Thăng-long phụ giúp người. Còn ba lo điều động hệ thống tiếp liệu. Hiện bản doanh của thần nhi đóng tại Thanh-hóa. Bản doanh của chị Động-Thiên đóng tại lộ Kinh-Bắc. Khi quân tiến vào Nam, thì thần nhi sẽ di chuyển vào Bố-chính, Ma-linh; bản doanh của chị Động-Thiên lại dời vào Thanh-hóa. Còn bản doanh của Ngọc-Nam vương phi Tín-Nghĩa vương Chiêu-Văn sẽ từ Thăng-long lên Kinh-Bắc.

Ỷ-Lan chỉ Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi hoàng tử Hoằng-Chân:

– Vương phi Trung-thành vương sẽ tâu trình Hoàng-thượng về việc bổ xung tổn thất.

Trinh-Dung trình lên nhà vua một tập sách mỏng:

– Tâu bệ hạ, hiện đã có sẵn hai vạn binh sĩ các lộ, các trấn luyện tập tinh nhuệ, sẵn sàng bổ xung tổn thất cho các đạo Thiên-tử binh. Trường hợp cần quân trừ bị, thì trấn Thanh-hóa, Nghệ-an, có thể lấy binh địa phương thành lập hai hiệu quân đưa ra mặt trận. Lộ Trường-yên, Thiên-trường mỗi nơi cũng có thể điều được một quân nữa. Xưởng đóng chiến thuyền Thăng-long, Đông-triều mới hạ thủy thêm năm mươi chiến thuyền lớn, một trăm chiến thuyền nhỏ để bổ xung ra trận.

Ỷ-Lan tâu:

– Việc phòng thủ Thăng-long, hiện có ba nghìn nữ thị-vệ, cộng với năm trăm võ sinh thuộc trường Thái-hà của sư huynh Thường-kiệt, bẩy trăm võ sinh thuộc trường Long-thành của sư thúc Tôn-Đản. Như vậy đủ rồi. Ngoài ra, mặt Nam thì có võ sinh trường Sài-sơn, Đông-a. Phía Bắc có võ sinh trường Tản-viên, Mê-linh, Tiêu-sơn. Quân các lộ, các trấn, hoàng nam được lệnh phải ứng trực. Ngay những khi đi làm cũng phải mang vũ khí theo bên mình. Thiếp đã thiết lập xong hệ thống chạy chạm để chuyển lệnh. Ngoài ra thiếp mượn đội Ưng-binh của Bắc-biên đề phòng đường bị nghẽn, ngựa trạm không chạy được. Về các bộ, phủ, lúc nào cũng phải có ít nhất một vị lang trung, hay thị lang ứng trực. Còn đội nữ thị vệ của Thiên-Ninh được chia làm ba, chia cho Thiên-Ninh, Động-Thiên, Ngọc-Nam, mỗi người một nghìn, để theo hộ vệ lương thực ra trận.

Lễ bộ thượng thư Mai Cảnh-Tiên đứng lên cung tay:

– Ngày Đinh-Mùi (dương lịch 5-3-1069), giờ Thìn, xin tất cả thân-vương, hoàng-tử, công chúa, đại thần, võ tướng, đô đốc có mặt ở sân Long-trì để thề. Sau đó ba ngày hoàng-thượng sẽ ra bến Ngự-long tuyên đọc thánh chỉ Nam chinh. Giờ Mùi, thì quân lên đường. Ai vắng mặt sẽ bị giáng một cấp, phạt bổng sáu tháng, đánh 20 trượng.

Ghi chú,

Nguyên niên hiệu Thuận-thiên thứ 19 (1028) trong khi Khai-Quốc vương đi sứ Tống, ở nhà vua Thái-tổ bệnh nặng, các vị em, con vua là Vũ-Đức vương, Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương làm phản, mưu cướp ngôi. Khai-Quốc vương trở về dẹp được. Tương truyền bấy giờ vua Thái-tông còn là Khai-Thiên vương, được thần Đồng-cổ (trống đồng) báo cho biết trước. Sau khi lên ngôi, vua cho lập đền thờ thần. Hàng năm hoặc mỗi khi có sự, vua bắt các quan đến đền Đồng-cổ hoặc sân Long-trì thề. Lần này vua viễn chinh, cũng bắt các quan thề, để tỏ người người cùng một lòng. Đại-Việt sử ký toàn thư, Lý kỷ, Thái-tông hoàng đế kỷ chép về tục này như sau:

«...Năm Mậu-Thìn, niên hiệu Thiên-thành nguyên niên...

... Phong tước vương cho thần núi Đồng-cổ (trống đồng), dựng miếu để hàng năm cúng tế. Xưa, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua mộng thấy có người xưng là thần núi Đồng-cổ nói với vua về việc ba vương Vũ-Đức, Đông-Chinh, Dực-Thánh làm loạn, phải đem quân dẹp ngay. Vua tỉnh dậy sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho hữu ty dựngmiếu ở bên hữu thành Đại-la, sau chùa Thánh-thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm dáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng:» Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết». Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường... »

Tể-tướng Lý-Đạo-Thành tuyên bố:

– Bãi triều.

Vì cuộc nghị-sự mật, nhạc công phải ra khỏi khu vực, nên không có nhạc tấu, lời ca.

Nhà vua với Ỷ-Lan thần phi được hai công chúa Động-Thiên, Thiên-Ninh hộ vệ trở về cung Ỷ-Lan trong Hoàng-thành.

Sáng sớm ngày Canh-Tuất, tháng hai, năm Kỷ-Dậu, nhằm niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng thứ nhì (dương lịch, 8 tháng 3 năm 1069), ngay từ sáng sớm, hạm đội Bạch-Đằng, Động-đình đã dàn ra dọc sông Hồng, cờ xí uy nghi, thủy thủ gươm giáo sáng ngời. Hai hiệu quân Ngự-long, Quảng-thánh dàn trên bờ sông. Dân chúng, vợ con tướng sĩ nô nức kéo nhau đứng xem cuộc duyệt binh của Đại-Việt hoàng đế.

Cuộc hội thệ ở sân Long-trì, hết giờ Ngọ là xong. Nhà vua lên xe dát vàng đi trước. Phía sau là xe của hoàng-hậu, Ỷ-Lan thần phi, thái-tử Càn-Đức. Quân túc vệ hộ giá tới bàn thờ liệt tổ tộc Việt đặt trên đài cao ngay bến sông. Nhà vua xuống xe, nguyên soái Lý-Thường-Kiệt đi bên phải, đô đốc phò mã Hoàng-Kiện đi bên trái phục thị hoàng đế lên lễ đài. Phía dưới đài là các đại thần, đứng thành hai hàng văn võ. Ba hồi chiêng trống, ban nhạc cử bản Động-đình, ca tụng đức của Quốc-tổ, Quốc-mẫu, rồi lại cử bài Long-thọ.

Nhạc dứt, nhà vua lễ Quốc-tổ, Liệt-tổ, quan Văn-minh điện đại học sĩ trao cho Lý Thường-Kiệt bài chiếu. Thường-Kiệt tiếp chiếu, ông vận nội lực đọc, nên tiếng truyền đi rất xa, đến những thủy thủ ngoài khơi cũng nghe rất rõ:

Thừa thiên hưng vận, Đại-Việt hoàng đế chiếu viết:

Tộc Việt ta vốc gốc từ vua Thần-nông. Quốc-tổ Lạc-long, Quốc-mẫu Âu-cơ dựng thành Viêm-bang ởNam-phương. Cho đến nay, trải bốn nghìn năm dư. Văn-hiến, pháp chế, phong tục tộc Việt đã thành hẳn một nền văn hóa rực rỡ. Từ khi đức Thái-tổ ứng lòng người, thuận lòng trời kế tục chính thống, lấy đức từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn, lấy đức nhân, trọng đức nghĩa của Khổng-Mạnh cai trị dân. Hóa nên việc nội trị cực thịnh, khiến trăm họ âu ca, ấm no, đức của Tiên-hoàng trải khắp nơi.

Các nước cùng tộc Việt như Xiêm-la, Đại-lý, Chân-lạp, Lão-qua cùng với Đại-Việt ta kết hợp trong thế môi hở răng lạnh, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau trong tình huyết tộc; cái thế tốt đẹp ấy trải gần trăm năm.

Duy Chiêm-thành, cùng gốc tộc Việt, nhưng mấy trăm năm qua, bị giống người Mã-lị-á, vốn dã man, hung ác, lại không văn hóa; từ phương Nam đến xâm chiếm, chúng tàn phá văn hiến, giết người hiền, cướp ngôi vua, rồi hung hăng đem quân vượt biên thùy vào cướp của giết người thuộc vùng Thanh-Nghệ.

Than ôi! Dù ta có nhân từ, dù người Việt có rộng lượng, thì cũng chỉ có thể tha thứ cho chúng một lần, đôi chuyến, chứ không thể để cho chúng tiếp tục cướp phá, chém giết lương dân mãi mãi. Ta đã nhiều lần sai sứ vào thống trách, chúa tôi chúng vâng dạ, tạ lỗi, ta cũng rộng lượng tha cho.

Nay Chế-Củ cực kỳ hung bạo, giết chúa cướp ngôi, lại dung túng dư đảng Hồng-thiết giáo, bắt dân xung quân, sưu cao thuế nặng, để chuẩn bị đánh Chân-lạp, Đại-Việt. Nay ta đem quân nhân nghĩa vào trước bắt Chế-Củ, sau diệt kẻ bạo, cứu trăm họ lập lại nền chính thống cho Chiêm quốc.

Vậy, từ tướng sĩ, cho tới lương dân, khi thấy quân ta đến đâu, mở cửa thành ra hàng, không những được tha tội, gia đình thân thuộc, tôi tớ, của cải được bảo toàn, mà còn được giữ nguyên chức tước. Kẻ nào tiếp tục theo Chế-Củ, chống lại binh ta, thì thân bị giết, gia thuộc khó tránh được toàn vẹn, của cải bị xung công.

Vậy ta cáo tri cho trăm họ Chiêm quốc được biết. Hỡi ôi! Dân Chiêm, dân Việt vốn cùng một tổ, chỉ vì đứa hung ác Chế-Củ mà gây thành chiến tranh. Ta đau xót trong lòng, nhưng đành phải ra quân khử bạo cứu trăm dân.

Niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng thứ nhì, tháng hai ngày Canh-Tuất.

Lý-Thường-Kiệt vừa đọc hết, lập tức hàng trăm pháo thăng thiên bay lên trời, nổ tung hoá thành nhứng bông sen mầu trắng, ầu hồng. Dân chúng, tướng sì reo hò vang dội.

Đô-đốc Hoàng-Kiện đi trước dẫn đường. Đức vua đi cạnh nguyên soái Lý Thường-Kiệt xuống thuyền Kim-phượng. Ba hồi chiêng trống vang rền, các chiến hạm nhỏ neo, xuôi giòng. Đoàn thuyền tới cửa Đại-an, thì men theo bờ bể, hướng Nam. Trên trời, từng đoàn Thần-ưng bay lượn. Nhà vua hỏi Thường-Kiệt:

– Này Thường-Kiệt, người có nhớ, cách đây 33 năm, ta với người gặp nhau lần đầu ở điện Long-hoa không?

Thường-Kiệt ngơ ngác hỏi lại:

– Tâu, có phải hôm đó đức Thái-tổ ban yến cho hoàng tộc không?

– Đúng vậy, lần đó, trên sập của chư vương đều đầy con cháu. Riêng sập của Quốc-phụ chỉ có mình ngươi với Đỗ-lệ-Thanh. Khi Quốc-phụ dắt ngươi đến chơi với ta. Ta cầm tay ngươi, Quốc-phụ dạy: « Hai trẻ thân thiện với nhau đi. Sau này, tương lại tộc Việt nằm trong tay hai người đấy ». Rồi khi đức Thái-tổ băng hà, câu cuối cùng của người nói là: Tông nhi với Tuấn nhi phải luôn gần nhau. Kẻ nào chia rẽ hai trẻ, phải đem tru diệt ngay. Bây giờ quả ứng nghiệm vậy. Trời sinh ra ta để làm vua, thì trời cũng sinh ra người để làm tướng. Hai ta tuy nghĩa là vua tôi, nhưng tình thì thực là đôi bạn thân nhất. (Xin đọc Thuận-thiên di sử cùng tác giả, do Xuân-thu ấn hành). Kỳ phạt Chiêm này, chúng ta có nên theo gương những lần trước chăng?

Thường-Kiệt cảm động vô cùng, vì ông không ngờ nhà vua còn nhớ rõ những kỷ niệm như vậy. Ông suy nghĩ một lát rồi tâu:

– Thời đức Thái-tổ, Thái-tông quá nhân đức, nên mỗi khi phạt Chiêm xong lại rút về, trả đất cho chúng. Các người nghĩ đến tinh thần tộc Việt, muốn duy trì Chiêm-quốc. Cho đến nay, trăm người Chiêm, chỉ có khoảng mười người Việt, còn lại là giống Mã-lị-á. Cái ước vọng Việt, Chiêm sống trong tinh thần bình đẳng e không hy vọng tái tạo. Đã không tái tạo, thì ta phải diệt cái mầm đâm sau lưng ta đi.

– Người tâu chính hợp ý ta. Lần này ra quân, phải tránh chém giết. Ta bắt được tù hàng binh, tổ chức thành đạo quân, mang lên trấn Bắc-biên, cưới vợ Việt cho họ. Chỉ ít lâu sau họ sẽ thành người Việt. Trong khi đó ta lấy một vài lộ của Chiêm làm đất mình, đặt làm quận huyện, rồi di dân du thủ, du thực, dân nghèo các nơi vào làm ăn. Chỉ trong vòng hai mươi năm, đất đó thành đất mình. Rồi các đời sau kế tục như thế, thì trong vòng trăm năm, không cần thuyết phục, chinh chiến, đất Chiêm cũng trở về thành đất Việt. Nhưng trẫm...

Nhà vua ngừng lại, nhìn lên trời, chau mày tỏ vẻ đăm chiêu. Thường-Kiệt hỏi:

– Dường như bệ hạ thấy có điều gì khó khăn chăng?

– Đúng thế. Nếu mình chiếm đất, tất dân Chiêm bỏ đi, dân Việt tới lấy đất làm ăn, thì dân Chiêm sẽ phẫn uất, nhất loạt đứng lên phục thù, quấy rối Nam biên ta để đòi đất. Ta sẽ phải chinh chiến nhiều.

– Tâu, mình phải tìm cho ra một phương cách. Tỷ như Liêu đã áp dụng với Tống.

– Vụ Liêu với Tống ra sao?

– Sau chiến tranh Liêu-Tống. Tống bại, cầu hòa. Liêu cho, bắt mỗi năm phải nộp nào vàng, nào ngọc, nào lụa, rồi cắt đất cho Liêu. Vậy bây giờ ta thắng Chiêm cũng không giết chúa, tàn phá tông miếu, lăng tẩm của Chế-Củ. Ta đuổi y tới lộ cực Nam, rồi sai sứ đến ra ân cho y phải nộp vàng bạc, gỗ quý, bắt chịu binh dịch, bắt cắt đất. Dĩ nhiên y ưng chịu. Bấy giờ ta chiếm đất, dân Chiêm không oán ta, mà oán Chế-Củ. Trong nước sẽ có nhiều mầm móng chống đối. Y cai trị nước, mà phải lo đối nội, cái sức mạnh không còn đủ để chống ta nữa.

– Nếu như dân chúng nổi lên chống y, lật đổ y thì sao?

– Thế thì càng tốt. Trong lúc Chiêm có nội chiến, ta kéo quân tới biên giới chờ đợi. Khi bên nào yếu, ta chi viện bên đó, đánh bên mạnh. Sau khi giúp bên yếu cầm quyền, ta lại yêu sách đòi họ cắt đất. Điều ta nên hết sức thận trọng, là trong vùng đất Chiêm nhường cho ta, ta cắt cử một số người Chiêm làm quan. Ta lại ưu đãi, giảm thuế cho họ. Tiền, vàng, bạc Chiêm phải nộp cho ta, ta đem tu bổ đường xá, mở mang học hành, chu cấp cho người Việt gốc Chiêm làm ăn. Khi thi tuyển quan lại, ta giảm điều kiện khó khăn cho người Chiêm. Ta lại khuyến khích hôn nhân Chiêm-Việt. Như thế tiếng lành đồn về nước Chiêm rằng làm con dân Đại-Việt sướng hơn làm dân Chiêm. Những vùng đất Chiêm cai trị đều ngửa cổ trông về ta.

Nhà vua suýt xoa:

– Thực là diệu sách.

Bẩy ngày sau là ngày Đinh-Tỵ (15-03-1069) thuyền đang đi, thì tin báo:

– Đã tới vùng biển Nghệ-an. Có thuyền của công chúa Thiên-Ninh từ trong bờ chở lương thực nước ngọt tiếp tế.

Thường-Kiệt khen:

– Công chúa Thiên-ninh đúng là «bà chúa kho Đại-Việt ».

Thường-Kiệt vừa dứt lời, thì một cơn mưa Xuân nho nhỏ tới. Mặt trời chiếu xuyên vào đám mưa trên thuyền Kim-Phượng, giống như hình con rồng vàng vĩ đại uốn khúc. Binh sĩ các thuyền khác cùng lên khoang nhìn rồng vàng, cất tiếng reo:

– Vạn tuế! Vạn tuế.

Sang ngày Canh-Thân (dương lịch 18-3) trời lại mưa, rồng vàng lại hiện lên. Binh tướng háo hức reo hò. Nhà vua cùng Thường-Kiệt, Hoàng-Kiên đang đứng trên soái thuyền Kim-phượng xem rồng vàng, thì một cặp Thần-ưng từ trong đất liến bay tới. Ưng-binh lấy thư ở ống tre dưới chân rồi đem trình cho Lý-Thường-Kiệt. Ông đọc đi, đọc lại hai lần rồi tâu với nhà vua:

– Tâu bệ hạ đoàn quân của Trung-thành vương theo đường Tây Trường-sơn đang tiến dần về Nam, không có gì trở ngại. Còn đạo quân của Tín-nghĩa vương xuất phát từ ải Nam-giới vượt núi tiến vào khu đồng bằng Bố-chánh thì Chiêm đã dàn quân từ trước, hàng ngũ chỉnh tề chờ đợi. Quân Chiêm rất tinh nhuệ, cổ đeo khăn đỏ như Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Hiện chưa có kết quả.

Ngày Ất-Sửu ( dương lịch 23-3-1069), thuyền tiến tới gần cửa Nhật-lệ. Đô-đốc Hoàng-Kiện cho hạm đội Động-đình đi bên phải. Hạm đội Thần-phù đi bên trái, để trống khoảng giữa. Hạm đội Bạch-đằng đi giữa, nhưng ở sau khoảng mười dặm. Cờ đỏ phất lên, ba hạm đội, hàng lối ngay thẳng tiến vào cửa Nhật-lệ.

Xa xa, đã nhìn thấy đất liền. Chiến hạm Chiêm đậu sát bờ biển, nằm im lìm như không có người điều khiển. Buồm cũng không thấy dương lên. Thường-Kiệt hỏi đô đốc Hoàng-Kiện:

– Phò-mã, dường như Chiêm dùng kế không thành chăng?

Chính đô-đốc Hoàng-Kiện cũng đang kinh ngạc không ít. Ông cầm cờ phất cho hạm đội Bạch-đằng, Thần-phù ngừng lại, chỉ để mình hạm đội Động-đình tiến vào cửa biển. Thình lình trên bờ trống thúc vang dội, rồi cửa trận Chiêm mở rộng, khoảng một trăm thuyền nhỏ, trên chở đầy thủy thủ, vừa đánh trống reo hò vừa ra khơi.

Tại hạm đội Động-đình, đô-đốc Trần-Lâm trấn ở trung ương, Ngô Thường-Hiến chỉ huy cánh phải, Nguyễn-An chỉ huy cánh trái. Tất cả các chiến thuyền đều dương buồm, thủy thủ ngồi vào vị trí chiến đấu. Nhưng đám thuyền nhỏ của Chiêm từ từ dừng lại chờ đợi. Khi hai đội quân bơi tới gần nhau, thì đám thủy thủ Chiêm cùng dương cung buông một loạt tên, rồi thuyền quay một vòng bỏ chạy.

Từ xa, đô-đốc Hoàng-Kiện vội phất cờ cho hạm đội Động-đình ngừng lại. Nhà vua hỏi:

– Sao vậy?

– Tâu, dường như Chiêm dụ địch, hay làm kế hư binh.

Quả nhiên khi hạm đội Việt ngừng tiến, thì đoàn chiến thuyền nhỏ của Chiêm lập tức quay lại đánh trống reo hò, bắn tên.

Một chiếc thuyền duyên tốc từ hạm đội Thần-phù chèo tới soái hạm Kim-phượng. Tôn-Đản nhảy lên sàn thuyền. Nhà vua hỏi:

– Sư thúc nghĩ sao?

– Có lẽ Chiêm dùng kế « dĩ tật đãi lao » (lấy khoẻ, đánh mệt). Ta cũng cho quân buông neo nghỉ ngơi xem sao.

Các chiến thuyền nhỏ của Chiêm reo hò khiêu khích, nhưng thủy quân Việt vẫn bất động. Tình trạng đó kéo dài cho đến gần trưa, thì trên bờ phát ba tiếng pháo lớn, rồi các chiến thuyền Chiêm lớn nhỏ, hàng lối ngay thẳng, thủy thủ lên sàn ứng chiến, trống thúc vang dội tiến ra theo đội hình rẻ quạt: hai hạm đội hai bên, phía sau một hạm đội.

Đô-đốc Hoàng-Kiện phất cờ cho hạm đội Động-đình chia làm hai mũi, ứng chiến. Hạm đội Thần-phù dàn ra thành một hàng ngang phía sau hạm đội Động-đình. Khi quân vừa lọt vào tầm tên, cả hai bên đều dùng lá chắn núp, rồi bắn sang nhau. Nhưng chỉ bắn được ba loạt, thì các chiến hạm lẫn vào nhau. Thủy thủ dùng gươm đao chém nhau phầm phập.

Giữa lúc hai bên đang đâm chém nhau chí mạng, thì từ những chiến hạm Chiêm ở phía sau, họ dùng máy bắn những trái cầu nhỏ bằng quả bưởi bay sang chiến hạm Việt. Khi những quả cầu rơi xuống thì phát nổ, rồi khói bay mịt mờ. Thủy thủ Việt ngửi phải khói, chân tay bún rủn, ngã lăn ra sàn, hoặc rơi xuống biển.

Từ phía sau, Thường-Kiệt kêu lớn:

– Độc tố Xích-trà-luyện.

Nhà vua hỏi:

– Độc tố Xích-trà luyện là gì vậy?

– Đó là thứ độc tố do Nhật-Hồ lão nhân mang từ Tây-vực về. Thứ này gồm hai chất lỏng chứa trong một trái cầu. Khi bắn sang hàng ngũ ta, trái cầu bị vỡ, hai độc tố lẫn vào nhau, phát thành tiếng nổ, rồi cháy, sinh ra khói. Ai hít phải thì chân tay tê liệt.

Hoàng-Kiện không hổ là đại đô đốc. Ông phất cờ, cho toàn bộ các thuyền nhỏ, cùng duyên tốc vọt lên, xông vào hai bên hông đội hình thủy quân Chiêm. Những đội võ sĩ cảm tử của các võ phái từ thuyền nhỏ tung mình lên chiến hạm lớn của Chiêm chém giết. Lập tức đội quân phóng độc chất bị hỗn loạn. Đến đây, cờ bên soái thuyền Chiêm phất lên, các chiến thuyền của họ quay trở lại. Hoàng-Kiện cũng phất cờ cho hạm đội Việt lùi ra khơi.

Trời tối dần.

Hoàng-Kiện ra lệnh cho các hạm đội kết thành trận hình tam giác ở ngoài khơi để quân nghỉ. Thường-Kiệt phất cờ, mời các tướng soái về thuyền Kim-phượng họp.

Tôn-Đản than:

– Chúng ta phải tự nhận rằng trận vừa rồi tuy thiệt hại nhân mạng, chiến thuyền hai bên ngang nhau, nhưng mình bại. Tế-tác của mình không biết được quân Chiêm có độc tố Xích-trà-luyện. Chúng đã cho quân của chúng uống thuốc giải trước, nên vô sự. Còn ta thì không.

Nguyễn-An hỏi:

– Thưa quân sư, hiện có hơn hai trăm thủy thủ bị mê man, vậy nên chở về Đại-Việt, hay để trên thuyền?

Tôn-Đản an ủi:

– Cứ để đó. Phàm trúng độc tố này, thì ba giờ sau dù không uống thuốc giải cũng tỉnh dậy. Ta phải cho Thần-ưng chuyển thơ về Vạn-thảo sơn trang, xin Hoàng-Giang cư sĩ gửi thuốc giải tới gấp. Thư từ đây về tới nơi ít ra là hai giờ. Chế thuốc cũng phải ba giờ, gửi ra mất hai giờ nữa. Như vậy ta mất bẩy giờ. Trong bẩy giờ đó, ta phải đề phòng quân Chiêm tấn công.

Ông viết thư, rồi sai Ưng-binh chuyển đi liền.

Vua tôi còn đang nghị kế, thì Ưng-binh trình lên hai bức thư. Lý-Thường-Kiệt vội mở thư ra xem, đó là tấu chương của Trung-thành vương và Tín-nghĩa vương. Ông trình thơ của Trung-thành vương trước:

– Tâu Hoàng-thượng, đạo quân của Trung-thành vương tới núi Tà-lầm (nay thuộc Tây Saravane, Ai-lao) thì gặp một đạo binh Chiêm đóng đồn án mất đường đi. Quân Chiêm tuy chỉ vài nghìn người, nhưng thủ ở trên núi cao, vương cho quân leo núi tấn công mà vô hiệu. Vương quan sát đồn thì thấy dường như chúng mới tới đóng ở đây.

Ông trình thư của Tín-nghĩa vương:

– Còn Tín-nghĩa vương. Sau khi quân của vương giao chiến với Chiêm một trận bất phân thắng bại, Chiêm rút vào thành Bố-chánh cố thủ không ra. Vương vẫn vây thành, đánh cầm chừng như kế của Tôn sư thúc.

Nhà vua hỏi Tôn-Đản:

– Sư thúc nghĩ sao?

Tôn-Đản hỏi Thường-Kiệt:

– Cháu có ý gì không?

– Thưa sư thúc, từ trước đến giờ, mỗi khi Nam chinh, ta đều đi bằng hai đường cổ điển. Một là đường thủy, hai là đường bộ. Ta chưa từng đi đường thượng đạo Tây Trường-sơn bao giờ. Nay lần đầu ta dùng lối đánh táo bạo, mà chúng biết được, đóng quân chỗ hiểm yếu, dựa địa thế, lấy ít quân, chống nhiều quân. Về mặt biển, chúng cầm cự kéo dài cuộc chiến. Như vậy chứng tỏ hai điều. Một là kế hoạch của ta bị gian tế báo cho chúng. Hai là chúng rất kinh nghiệm việc dụng binh. Bây giờ ta phải đổi kế hoạch hoàn toàn.

Ông tâu với nhà vua:

– Kế cũ không dùng được nữa, xin hoàng thượng cho đổi kế mới.

Nhà vua chuẩn tấu:

– Xin sư thúc cho đổi kế, nhưng ta phải làm sao để giặc tưởng ta vẫn chưa thay đổi, rồi thình lình đánh như sét nổ, có vậy mới dễ thành công.

– Chỉ dụ của hoàng thượng rất hợp với ý thần.

Ông chỉ vào bản đồ:

– Bây giờ thế này, trước kia mặt biển là thực, mặt bộ là hư. Ta đổi: cả bộ, lẫn biển đều là hư. Ta dùng kỳ binh thực táo bạo.

Ông bảo Thường-Kiệt:

– Cháu viết lệnh sai chim ưng truyền cho Trung-thành vương. Vì kế hoạch bị lộ, không đánh úp Đồ-bàn nữa. Nhưng vẫn hư tương thanh thế làm như quyết tâm đánh Tà-lầm. Phải đánh lừa chúng bằng cách: vẫn giữ nguyên doanh trại, chỉ để lại nghìn quân đóng, ngày ngày hun khói, đánh trống lệnh, trống cầm canh. Mục đích làm cho giặc tưởng ta vẫn còn đóng tại đó. Một mặt vương đem quân vượt biên đánh úp Ma-linh, chiếm trại ở cửa biển Tư-dung. Đây là nơi chứa lương thực của đạo quân đóng ở Nhật-lệ và Bố-chánh. Sau khi chiếm trại rồi, phải chia quân tiến lên hợp với Dư-Phi đánh cửa Nhật-lệ.

Ông suy nghĩ một lát rồi tiếp:

– Lệnh cho Dư Phi, không theo sau đạo quân của Tín-nghĩa vương nữa, mà vượt biên sang Lão-qua, rồi tiến xuống Nam theo đường Tây Trường-sơn. Đến Địa-lý thì nhập trở lại đất Việt, hợp với đạo quân của Trung-thành vương tiến đánh căn cứ Nhật-lệ. Về mặt trận Bố-chính, lệnh cho Tín-nghĩa vương tấn công tích cực hơn. Nếu khi giặc thấy Nhật-lệ bị đánh, tất sẽ bỏ thành về cứu, thì phải dốc toàn lực đuổi theo bất kể ngày đêm.

Ông nói với Hoàng-Kiện:

– Về hai mặt trận cũ, ngày mai sẽ có thuốc giải độc tố Xích-trà-luyện. Tuy nhiên ta không dùng vội, cứ cho tiến đánh. Khi chúng phóng độc tố qua, ta lại đánh cảm tử, rồi rút lui. Đợi khi căn cứ trên bộ của Nhật-lệ bị tấn công, thủy quân Chiêm bị hỗn loạn, ta mới phá thủy quân giặc.

Đến đó, có thư của Thần-ưng mang tới. Ưng-binh trình cho Thường-Kiệt. Thường-Kiệt đọc xong, ông tâu với nhà vua:

– Thư của Hoàng-Giang cư-sĩ. Sư bá Hoàng-Giang đã chuyển thuốc cho công chúa Thiên-Ninh, để chở ra đây. Có lẽ thuyền sắp tới.

Thần-ưng mang lệnh tới Tà-lầm cho Trung-thành vương Hoằng-Chân đúng lúc trời nhá nhem tối. Vương đọc xong, thì mỉm cười nới với đám đệ tử:

– Ông anh Thường-Kiệt tỏ ra biết ta lắm. Anh ấy biết ta thích mạo hiểm, nên dành cho ta toàn những việc nguy hiểm.

Vương cho gọi Long-biên ngũ hùng cùng 500 nghĩa sĩ Trung-thành vào họp. Vương ban lệnh:

– Hôm trước, các em đã biết nhiệm vụ của chúng ta, là lặn suối băng rừng, đánh úp Đồ-bàn. Không ngờ kế này bị lộ, giặc đã đề phòng rồi, thì không dùng được nữa. Bây giờ ta nhận được lệnh đánh úp Tư-dung sau tiến ra đánh Ma-linh, Địa-lý cuối cùng hợp với quân của đạo Dư-Phi đánh Nhật-lệ.

Năm thiếu niên với đám nghĩa sĩ cùng im lặng nghe lệnh.

Phạm-Dật hỏi:

– Chúng ta nhổ trại lên đường ngay bây giờ, hay ngày mai?

– Không! Chúng ta không nhổ trại!

Vũ-Quang kinh ngạc:

– Không nhổ trại, vậy nghĩa là thế nào?

– Tuy chúng ta bỏ kế hoạch dùng con đường Tây Trường-sơn đánh úp Đồ-bàn, nhưng chúng ta lại đánh úp nơi khác, nên phải đánh lừa giặc. Bây giờ ta cần một trong các em cùng nghìn quân, trăm võ sĩ ở lại, ngày ngày đốt củi khắp các doanh trại, đi đi lại lại, làm như ta vẫn còn ở đây. Trong khi đó đại lực lượng tiến về đánh Tư-dung. Vậy trong năm em, ai nhận nhiệm vụ khó khăn này?

Lý Đoan dơ tay lên:

– Em xin lĩnh nhiệm vụ đó. Nhưng em trấn ở đây bao nhiêu lâu? Liệu khi giặc sơ hở em có thể đánh úp Tà-lầm không?

– Em chỉ trấn có mười ngày thôi. Khi ta chiếm Tư-dung rồi, thì em rút. Bất cứ trường hợp nào cũng không được rời khỏi trại giao chiến với giặc. Khi rút phải cẩn thận, bằng không bị chúng truy kích.

Lý Đoan vỗ ngực:

– Anh yên tâm. Em không đần đâu.

Hoằng-Chân hài lòng:

– Bây giờ anh em mình thiết kế đánh Tư-dung. Đường từ đây qua Tư-dung phải qua một quãng đường đèo khá dài. Những đèo đó không cao lắm. Ngay chân đèo đều có suối, lạch, ta không sợ thiếu nước uống. Suốt một giải từ biên giới Chiêm-Lào đến Tư-dung, không có quân đồn trú. Vậy ta để hai hiệu Quảng-vũ, Bổng-nhật từ từ đi sau. Các đội hổ, báo, voi, sói, hầu, ta cho đi trước. Những vùng không dân, ta xua thú đi ban ngày. Còn vùng có dân, ta âm thầm đi trong đêm. Khi vượt qua núi, xuống vùng đồng bằng rồi, ta phải tiến thực mau. Tại Tư-dung, Chiêm có khoảng hơn ba nghìn quân coi kho, và trăm thuyền chuyên chở lương thảo. Ta phải tính sao tới nơi vào trong đêm, mới có thể đánh úp.

Vương gọi Phạm-Dật:

– Em đi tiên phong với một trăm dũng sĩ Long-biên, mười thớt voi, mười hổ, mười báo, mười ngao, mười hầu, năm cặp chim ưng dẫn đường, cùng quan sát địa thế. Bất cứ trường hợp nào, gặp địch, cũng phải báo cho anh biết ngay.

Phạm-Dật ra điểm quân lên đường trước.

Vương gọi Vũ-Quang, Hoàng-Nghi, Trần-Ninh:

– Ba em chia thú làm ba. Vũ-Quang đi tiền làm tiền quân, Hoàng-Nghi đi trung quân, Trần-Ninh đi làm hậu quân.

Ngay đêm đó, các đội quân vượt núi, băng rừng vào lãnh thổ Chiêm. Sau ba ngày lặn lội, vào một buổi sáng, tiền quân báo cho vương biết: đã thấy cánh đồng mênh mông hiện ra. Xa xa có một khu dân chúng ở, nhà cửa san sát.

Vương vội tiến lên, Phạm-Dật đang đứng trên chót vót ngọn cây quan sát. Nó nói vọng xuống:

– Trang này khá lớn. Đường từ đây xuống đến đó có đến bốn ngả. Hai ngả gần thì voi, ngựa không đi được. Hai ngả kia thì hơi xa.

Bỗng đám sói đi dò dường tru lên, có tiếng đàn bà kêu thét ở phía trước. Nó vội chạy tới: trên một cây, có hai thiếu nữ đang leo lên cành cao. Một cô mặc áo xanh, một cô mặc áo nâu. Dưới gốc, mấy con sói đang bao vây, hướng mõm, nhe răng đẹ dọa. Gần đó có là bốn cái quang, hai cái đòn gánh. Nó vội ra lệnh cho đám sói lùi lại nằm yên, rồi cất tiếng Chiêm:

– Hai cô đừng sợ, chó này là chó nhà nuôi, có tôi đây rồi nó không cắn hai cô đâu.

Thiếu nữ áo xanh nói bằng tiếng Việt với thiếu nữ áo nâu:

– Có lẽ thằng Chiêm này là quân Chiêm ở trang bên cạnh đi ăn cướp đây. Việc chúng ta tiếp tế bị lộ rồi. Chúng ta vờ xuống xí xọn, liếc mắt đưa tình với nó rồi thình lình dùng đòn gánh đập chết nó cho rồi.

– Không được đâu, nó có đến mười con chó sói. Hai đứa chúng mình đánh sao lại.

Phạm-Dật phì cười, nó nói bằng tiếng Việt:

– Hai cô đừng sợ, tôi là người Việt ở trong nước mới qua, chứ có phải Chàm đâu? Ban nãy tôi tưởng hai cô là Chàm, nên mới nói vài câu Chàm.

Thiếu nữ áo nâu hỏi:

– Anh là người của Hồng-thiết giáo hả?

– Không! Tôi là quan binh đi đánh Chiêm. Tôi muốn hỏi thăm vài câu. Hai cô xuống đi.

– Tôi không tin. Tôi không xuống đâu. Tôi xuống rồi anh cho chó sói ăn thịt tôi ấy à. Ai mà dại.

– Tôi cùng là người Việt như cô, đâu nỡ hại cô. Hai cô đẹp thế kia, chó sói cũng không nỡ cắn cô đâu. Cô xuống đi.

Đến đó đội do thám tiền phong tới, nào voi, nào cọp, nào báo, nào dũng sĩ. Bấy giờ hai cô mới tin. Hai cô thoăn thoắt từ cành cây xuống đất. Phạm-Dật tự giới thiệu:

– Tôi họ Phạm tên Dật, thuộc đội tiền phong của Trung-thành vương, đem quân đi đánh Chàm. Còn hai cô tên gì?

Thiếu nữ áo xanh tự giới thiệu:

– Tôi tên là Lê Kim-Loan. Còn bạn tôi là Võ Kim-Liên.

– Thế các cô đi đâu đây?

– Chúng tôi đi tiếp tế cho người nhà phải trốn bọn Hồng-thiết giáo trên hang núi.

Kim-Liên chỉ vào hai cái gánh đầy rau, cá khô, tôm khô, gạo, muối của mình.

– Hang núi ở đâu?

Kim-Liên chỉ phía trước:

– Gần đây thôi.

Sợ hai thiếu nữ có gì gian dối, Dật hú lên một tiếng cho mười con sói đi dò đường. Quả nhiên chỉ một nửa khắc sau, đàn chó lại tru lên. Nó vội cùng Kim-Liên, Kim-Loan chạy tới.

Phía trước, mười con chó đang hướng vào trong hang sủa om sòm. Kim-Liên chỉ hang:

– Người nhà chúng tôi ở trong đó đấy. Anh bảo chó đừng cắn họ.

Tuy tin hai thiếu nữ nhưng tính vốn cẩn thận, Phạm-Dật hú lớn lên ra lệnh cho các đội thú tiến về phía sói tru; lập tức đám đười ươi vọt lên cây, truyền cành nọ sang cành kia phóng theo đàn sói. Phiá sau hổ, báo cũng lao tới.

Phạm-Dật cùng đám dũng sĩ tiền phong bao vây ngoài cửa hang xem, nó ra lệnh cho đàn sói ngừng gầm gừ. Từ trong hang, một mũi tên bay tới. Mấy con sói nằm rạp xuống tránh. Lại một mũi lao phóng ra, kình lực khá mạnh.

Phạm-Dật chụp mũi lao, rồi nói bằng tiếng Chàm:

– Ai trong đó, ra đây. Chúng ta là bạn với nhau. Ta quyết không hại người đâu. Chó này là chó nhà nuôi chứ không phải chó rừng đâu mà sợ.

Có người nói với nhau bên trong bằng tiếng Việt:

– Chắc là lính Chàm. Mình có ra, chúng cũng giết, chi bằng cứ cố thủ trong này, đợi anh em đến tiếp cứu.

Phạm-Dật kinh ngạc, nó nói tiếng Việt:

– Tôi là người Việt, chứ không phải người Chàm đâu. Ra đây mau đi.

Có tiếng bàn nhau:

– Hay anh em nhà mình lên tiếp tế. Cứ ra xem sao?

Tiếng Kim-Liên gọi lớn:

– Bố ơi bố, con với Kim-Loan lên tiếp tế cho bố đây. Bố cứ ra đi, đừng sợ hãi gì cả. Mấy anh là là quân nhà vua mình đấy.

Một người từ trong lù lù đi ra, râu tóc tua tủa, trông như một dã nhân, nhưng dáng điệu hùng vĩ. Khi y trông thấy Phạm-Dật đeo kiếm, đứng cạnh bầy sói, phía sau còn có cọp, beo, y ngừng lại hỏi:

– Cậu là ai? Người Việt trong vùng này tôi biết hết rồi. Có phải cậu là người Việt Hồng-thiết giáo đi bắt chúng tôi cho Chàm không?

Phạm-Dật lắc đầu:

– Tôi là quan binh Đại-Việt đi đánh Hồng-thiết giáo. Ông đừng sợ hãi.

Người đó reo lên một tiếng, rồi dường như không sợ thú, y chạy ra ngoài, hai tay nắm lấy tay Phạm-Dật:

– Cứu tinh! Cứu tinh! Hôm qua, tôi khấn Chử đạo tổ (Chử Đồng-tử) với công chúa Tiên-Dung xin cứu chúng tôi, quả y như hôm nay cậu tới đây.

Ghi chú

Chử Đạo-tổ để chỉ Chử đồng tử. Tiên-Dung là công chúa con vua Hùng. Hai vị là nhân vật huyền sử. Nhưng trong tôn giáo thì Chử đồng tử với Tiên-Dung được tôn là tổ của thuật phù thủy, cũng như về đồng cốt.

Y nói vọng vào:

– Tất cả ra đi.

Trong hang có mười bẩy người đàn ông nữa đi ra. Người nào râu tóc cũng bù xù, da xanh xao. Đến đó đạo quân của Hoằng-Chân đã tới. Phạm-Dật chỉ vào Hoằng-Chân:

– Vị này là Trung-thành vương của Đại-Việt, người đem quân đánh Chiêm.

Hoằng-Chân hỏi:

– Vì đâu nên nỗi các anh lại phải trốn vào hang thế này?

Cả mười tám người đều quỳ gối hành lễ:

– Bọn thần là dân Việt ở Vọng-hương, xin yết kiến vương gia.

Hoằng-Chân ra hiệu cho họ miễn lễ. Người lớn tuổi nhất kể:

– Khải vương gia, bọn thần là dân Việt, vào đây lập nghiệp từ thời Lê. Lúc đầu chỉ có hơn trăm gia đình. Nay thì đã tới hơn năm nghìn. Chúng thần tổ chức thành trang, có trang trưởng, trang phó, trương tuần, thủ bạ giống y như bên nhà; lại tổ chức học văn, luyện võ cho trẻ. Dần dần trang chúng thần trở thành giầu có. Từ mấy năm nay, những người Việt Hồng-thiết giáo được vua Chàm trọng dụng. Họ cử người về thôn xóm, truất phế, giết chết hương dịch, rồi bắt chúng thần nhập giáo, bắt học Hồng-thiết kinh, không cho thờ Phật, thờ thánh, cấm thờ cúng cha mẹ. Họ bắt tất cả mọi người vào đội ngũ. Già thì nhập đội già. Trẻ thì nhập đội trẻ. Tối tối phải đi hội họp. Bọn du thủ du thực, bọn trốn chúa lộn chồng, bọn mất dậy, vô học thì được trọng dụng, cử lên cầm đầu. Họ chọn lấy một số trung kiên gọi là nội-giáo. Còn lại tuy là giáo-đồ, nhưng gọi là ngoại-giáo. Bọn nội– giáo có uy quyền tuyệt đối, được cấp phát lương thực gấp ba gấp bốn lần người ngoại-giáo. Họ kiểm soát gia súc, lúa gạo, hoa quả. Họ chỉ để cho đủ ăn. Còn bao nhiêu họ thu hết. Ai chống đối, thì họ bắt ra đình làng, để cho cả dân làng đánh chửi, đái ỉa lên đầu. Có người bị đánh đến chết. Chúng thần không chịu được, phải trốn vào rừng ẩn thân. Vợ con, anh em bí mật đem thực phẩm lên tiếp tế. Chúng thần âm thầm cử người về Đại-Việt cầu cứu với phái Đông-a, nhưng khi đi đường, bị lính Chàm bắt được trao cho bọn Hồng-thiết giáo. Chúng đem về làng bắt làm việc thay trâu, được ít ngay, mệt quá kiệt sức rồi chết.

Trung-thành vương nghe đám cùng dân kể chuyện, vương rơm rớm nước mắt, rồi than với chư tướng:

– Lỗi hoàn toàn ở cô gia. Cô-gia thân quản Khu-mật viện, mà không biết đến những đau khổ của người dân, dù là người dân ở hải ngoại. Hôm nay đây, đã nghe biết việc này rồi, cô gia phải cứu họ.

Ông đưa mắt cho Phạm-Dật.

Phạm-Dật sai binh sĩ đem cơm, thịt cho đám người khốn khổ ăn. Nó hỏi:

– Hiện xung quanh đây, còn bao nhiêu người trốn tránh nữa?

– Còn nhiều lắm, khoảng hơn ba trăm.

– Thế trong vùng có bao nhiêu trang-động người Việt cư ngụ?

Người đó chỉ vào khu làng dưới chân núi:

– Từ Ma-linh đến cửa Tư-dung chỉ có hai trang. Kia là trang thứ nhất mang tên Vọng-hương. Còn một nữa trang thì ở ngay gần cửa sông thông ra Tư-dung mang tên Vọng-giang.

Phạm-Dật sai mấy người đi tìm đồng bọn. Lát sau, họ đều tụ hội lại. Tổng số lên tới hai trăm bẩy mươi người. Một người trọng tuổi tên Lê-Mưu được giới thiệu là thủ lĩnh khu Vọng-hương. Ông ta trình bầy:

– Khu Vọng-hương chúng tôi có tới hơn bốn nghìn nóc gia. Dân số hơn hai vạn người. Trai tráng từ mười sáu, tới bốn mươi lăm là bốn nghìn người. Hiện bị bọn Hồng-thiết giáo khống chế, tổ chức thành đội ngũ.

– Ai là người cầm đầu bọn Hồng-thiết giáo khu Vọng-hương?

– Tên Việt của y là Trần-Bình. Còn tên Chàm của y là Yan-du Pang-sơ. Nguyên y là phường du thủ du thực trong vùng, vô học bất thuật. Y bỏ nhà trốn đi theo Vũ-chương-Hào; được Hào thu làm đệ tử, rồi sai y về cai trị vùng này. Y thu nhận giáo chúng, huấn luyện được vài trăm đệ tử. Võ công y rất cao. Nhưng địa vị trong giáo của y lại thấp hơn vợ đến mấy bậc. Vợ y lĩnh chức giảng-kinh của Vọng-hương. Cho nên mọi việc trong trang do vợ y là Võ-xuân-Loan quyết định hết. Mụ là một người cực kỳ ác độc. Bất cứ giáo đồ, dân chúng nào phạm tội là mụ sai quẳng xuống hầm cho rắn ăn thịt.

Phạm-Dật không ngạc nhiên, vì nó đã được Khu-mật viện cho biết: Hồng-thiết giáo có lối khủng bố tinh thần con người bằng cách quẳng xuống hầm để rắn ăn thịt. Mỗi viên đạo trưởng một trang đều có nuôi một hầm rắn, làm vũ khí trấn áp tinh thần kẻ nào chống chúng.

Nghe Lê-Mưu kể, một chi tiết làm Hoằng-Chân giật bắn người lên. Nhưng vương vẫn phải giữ vẻ mặt bình tĩnh. Chi tiết đó là: từ khi Nhật-Hồ lão nhân bị giết, Hồng-thiết giáo bị diệt, các đại ma đầu đều chết, chỉ duy bốn tên còn sống. Một là Đinh-kiếm-Thương, thì hiện y làm đại-tư-mã Chiêm. Hai là đệ tử của y tên Đinh-Hiền, ẩn danh Nguyễn-Bông đã bị giết. Còn hai tên Lê-phúc-Huynh với Vũ-chương-Hào tuyệt tích giang hồ. Khu-mật viện cũng như các võ phái ra công tìm kiếm, mà không thấy. Nào ngờ y ẩn thân ở Chiêm, đang gây thế lực trong đám tộc Việt tại đây.

Vương hỏi:

– Ông có biết Vũ Chương-Hào hiện làm gì ở triều đình Chiêm không?

– Y đổi tên là Lục Chương-Anh.

Cả Hoằng-Chân lẫn Phạm-Dật cùng bật lên tiếng kêu:

– Ái chà!

Vì Lục Chương-Anh hiện là tể tướng của Chiêm, Tế-tác Đại Việt dò tìm được mọi tin tức của triều đình Chế-Củ, mọi chi tiết trong đời sống hàng ngày của y mà cũng không biết y chính là Vũ Chương-Hào.

Phạm-Dật hỏi:

– Người Chàm có biết y là Vũ Chương-Hào không?

– Không! Sở dĩ tôi biết được, vì nghe tên Trần-Bình tiết lộ với đồng bọn. Chương-Anh không dấu diếm gốc Việt của mình. Chế-Củ dùng y để quy tụ khối người Chiêm thuộc tộc Việt ở đây. Hiện tại vùng Bố-chánh thì mười người gốc Việt mới có ba người gốc Mã. Đến vùng Địa-lý thì thì mười người gốc Việt, có bốn người gốc Mã. Tại vùng này thì nửa nọ nửa kia. Đến vùng trong thì mười người gốc Mã mới có bốn người gốc Việt. Tuy nhiên vùng Đồ-bàn thì người gốc Việt lại đông hơn, chiếm tới bẩy phần mười.

Đến đó, các đạo tiền, trung, hậu quân đã tới. Vương sai chim ưng đi gọi các tướng chỉ huy hai hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ, Bổng-nhật đến bàn định kế hoạch. Vương trình bầy tình hình, rồi ra lệnh:

– Như vậy việc đánh Tư-dung rất khó. Vì có hai trang người Việt ở Vọng-hương, Vọng-giang bị Hồng-thiết giáo khống chế, lập thành đội ngũ. Ta có đánh cũng phải khéo léo lắm. Bằng không chính người Việt lại là lực lượng phòng vệ cho Chiêm.

Lê-Mưu hiến kế:

– Thưa đại vương, tuy chúng đội ngũ hóa dân chúng, nhưng chỉ có khoảng trăm người thực sự thân tín của chúng là nội-giáo mà thôi. Còn lại đều bất đắc dĩ phải tuân lệnh chúng. Theo luật lệ của Hồng-thiết giáo, khi có giáo chúng nào đủ khả năng thắng đạo trưởng, thì sẽ được lên thay thế. Nếu như vương gia cho mấy người len lỏi vào hạ tên Bình với mấy tên tùy tùng thì xong ngay. Đám dân còn lại, tiểu nhân xuất hiện, hô một tiếng là họ bắt hết đám chân tay của Bình liền.

Một người khác nói:

– Khải vương gia, thần tên Võ-Thương, nguyên là thầy thuốc ở Vọng-hương. Sáng hôm kia người nhà thần lên tiếp tế lương thực cho thần kể rằng hôm nay dân chúng mời bốn nhà sư đến thuyết pháp. Bọn tên Bình đang chuẩn bị cho người lẫn vào dân chúng để phá phách nhà sư. Vậy nếu vương gia thuận, thì nhân lúc đông người, bọn thần trà trộn vào để làm nội ứng cho quan quân.

Hoằng-Chân hài lòng. Vương ban lệnh:

– Bây giờ sư đệ Phạm-Dật cùng đô-thống Lưu-trọng-Kiệt, Nguyễn-văn-Huy, thay quần áo dân dã, đi cùng với Lê-Mưu, mang theo mười võ-sĩ hiên ngang nhập vào Vọng-hương. Đợi trời cập choạng tối, ta xưng là Hồng-thiết giáo Đại-Việt tuân lệnh Đinh-kiếm-Thương vào Vọng-hương để xét lại việc Trần-Bình lạm quyền, đàn áp dân nghèo. Lưu-trọng-Kiệt làm trưởng đoàn, Nguyễn-văn-Huy làm phó, Phạm-Dật làm quản đạo. Dĩ nhiên tên Bình sẽ chống đối, thì ta lập tức dùng võ công kiềm chế y. Sau đó, thì quân ta từ ngoài đột nhập vào Vọng-hương. Bấy giờ ông Lê-Mưu mới nói thực sự cho dân chúng biết.

Lê-Mưu chỉ Lê-kim-Loan, Võ-kim-Liên:

– Thưa vương gia, đây là con gái út của tiểu nhân với con gái đầu lòng của chú Võ Thương. Cả hai rất thông thạo đường lối trong trang, lại có học chút ít võ nghệ. Xin vương gia cho các cháu nó đi dẫn đường. – Được, vậy Loan cùng đi với Phạm-Dật. Còn Liên thì đi theo đạo của Vũ-Quang dẫn đường.

Ba người cùng mười võ sĩ lấy ba thớt voi lên đường. Kim-Loan tung mình lên bành voi ngồi chung với Phạm-Dật. Nàng chỉ đường cho voi quản tượng đi.

Hoằng-Chân ban lệnh:

– Anh em còn lại, sẽ tiến đánh Vọng-hương. Sư đệ Trần-Ninh cùng đạo Quảng-vũ tả đến bao vây phía Đông. Sư đệ Vũ-Quang đem đạo Quảng-vũ hữu bao vây phía Nam. Sư đệ Hoàng-Nghi đem đạo Bổng-nhật tả bao vây phía Bắc. Sư đệ Lý-Đoan đem đạo Bổng-nhật hữu bao vây phía Đông. Khi có lệnh thì chia quân làm hai. Một nửa vây bên ngoài, dùng cọp, beo canh phòng. Một nửa dùng sói tấn công vào, bắt hết bọn Hồng-hương thiếu niên nội-giáo tập trung lại.

Phạm-Dật cùng Lưu-trọng-Kiệt, Nguyễn-văn-Huy lấy voi lên đường. Hơn giờ sau thì tới cổng vào Vọng-hương. Hai thiếu niên áo nâu cổ quấn khăn hồng đang canh gác, thấy người lạ, vội vẫy tay cho voi ngừng lại. Một tên hỏi:

– Các vị từ đâu tới?

Phạm-Dật hất mặt lên trời làm bộ hách dịch:

– Chúng tôi từ Nghệ-an vào đây, muốn gặp Trần-Bình.

Gã giáo chúng thấy một thiếu niên dám gọi tên đạo trưởng của mình một cách sách mé, thì hơi chột dạ:

– Xin các vị chờ đợi một lát, vì đạo-trưởng của tôi đang họp hội đồng giáo vụ Vọng-hương để xử tội một tên phản giáo.

Lưu Trọng-Kiệt quát:

– Chúng ta được lệnh của giáo chủ Lê-phúc-Huynh đến đây thanh tra, mà tên Bình không ra đón ư? Các người đưa ta vào.

Nói rồi Kiệt cho thúc voi tiến lên. Tên giáo chúng vội chạy đi trước dẫn đường. Khu Vọng-hương quả thực rộng lớn như một huyện bên Đại-Việt. Đi một lát tới một trang trại, cổng xây bằng đá, mái lợp ngói xanh, cánh cửa sơn đỏ chói. Bên ngoài bao bọc bởi hàng rào trúc cắt xén cực kỳ công phu. Nhìn qua cổng, trong trang, một con đường đi lát đá xanh, hình vuông bằng sáu gang tay. Hai bên đường là hai cái hồ, nước trong xanh. Giữa hồ mấy con thiên nga lông trắng đang nhởn nhơ bơi lội. Hồ bên trái, có căn nhà thủy tạ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, nóc uốn cong. Trên nóc đắp hai con rồng chầu vào nhau tranh châu. Cây cầu bắc từ bờ ra bằng gỗ lim đen bóng. Giữa hồ bên trái có cái đảo nhỏ, trên đảo dựng một tượng đá, râu ria trông ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ. Đó là tượng của ma đầu Lệ-Anh, giáo chủ Hồng-thiết giáo đầu tiên. Ngay sát phía trong cổng, có đôi voi bằng đá, lớn như voi thực.

Xa hơn chút nữa, cách bờ hồ khoảng vài chục trượng, là một ngôi dinh thự hai tầng, tường bằng đá, cột bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ngói xanh. Lưu-trọng-Kiệt nghĩ thầm:

– Bọn Hồng-thiết giáo to mồm hô hào vì người nghèo, do dân nghèo, lấy của người giầu cho người nghèo, nhưng khi chúng thành công rồi, thì giáo chủ là một tên vua ác đức. Còn những đạo trưởng trở thành những ông vua con. Cứ nhìn dinh thự của y thì thấy còn khang trang hơn dinh thự các an-vũ sứ Đại-Việt.

Tên giáo chúng cung tay:

– Mời các vị chờ đây, đệ tử xin vào báo với đạo trưởng.

Nói rồi y chạy vào trong, tốc thẳng đến ngôi dinh thự. Lát sau một đám gồm hai nam, một nữ đi ra. Cái người dáng to béo, mặt sạm đen, hơi dần độn lên tiếng:

– Tôi là Trần-Bình, đạo trưởng đạo Vọng-hương. Không biết các anh em từ đâu tới?

Thấy Kim-Loan đi cùng với đám người mới đến, Trần-Bình tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng y không nói ra. Lưu-trọng-Kiệt nói:

– Tôi là Lưu-trọng-Kiệt, quản lĩnh bản giáo vùng Nghệ-an, Thanh-hóa, mới từ Đại-Việt sang để gặp anh em.

Kiệt chỉ Nguyên-văn-Huy, Phạm-Dật, cùng mười giáo chúng:

– Đây là hai sư đệ của tôi được sư phụ Đinh-kiếm-Thương cử đến thanh tra công việc bản giáo vùng Vọng-hương, Vọng-giang.

Nói rồi ông trình thẻ bài ra. Trần-Bình cầm lấy thẻ bài đem xong rồi y cúi đầu cung kính:

– Mời các vị huynh đệ vào.

Y giới thiệu người đàn ông da trắng đi cạnh:

– Vị ngày là quản giáo trang Vọng-giang tên Nguyễn-minh-Sang.

Y chỉ vào người đàn bà:

– Đây là nhà tôi.

Phạm-Dật làm bộ thông thạo:

– Phải chăng bà chị có khuê danh là Võ-xuân-Loan không? Đệ còn nhỏ tuổi, ở xa mà cũng từng nghe danh chị như sấm nổ bên tai.

Mụ Xuân-Loan cười sung sướng:

– Chút danh mọn, không đáng làm bận tâm cậu em.

Trong phòng chính tòa nhà, ở giữa kê một cái án thư dài đến một trượng. Bốn bên án thư, mỗi bên để bốn cái ghế bành. Tất cả đều khảm xà cừ thực đẹp. Bên phải là một cái bể đào sâu dưới nền nhà, có giả sơn, tượng đá chạm trổ tinh vi. Trong bể có mấy con cá chép to hơn bàn tay vàng óng ánh đang bơi lội. Bên trái, một cái bể sâu đến hơn trượng, bốn thành dát đá bóng láng thẳng đứng. Dưới bể lúc nhúc hàng nghìn con rắn lớn nhỏ. Có con cuộn tròn nằm ngủ, có con thì bò lúc nhúc, có con thì nghển cổ bành mang, thè lưỡi ra. Dưới đáy bể có mấy cái đầu lâu, xương sườn, xương chân tay.

Bọn Phạm-Dật đã được Khu-mật viện cho biết rằng, các đạo Hồng-thiết giáo đều nuôi rắn để lấy nọc luyện công, và dùng làm hình pháp đe dọa giáo đồ, dân chúng. Ai không phục tùng, lập tức chúng quẳng xuống hầm cho rắn ăn thịt. Mấy bộ xương đó, chắc là của nạn nhân bị xử tử.

Võ-xuân-Loan nói với chồng:

– Cuộc họp này tôi không cần dự, ông hãy cùng anh em quyết định hết. Để tôi vào nhà sai anh em làm tiệc đãi khách, rồi đem thứ rượu nếp than ngâm với chín loại rắn ra đây mời anh em.

Phạm-Dật hơi ngạc nhiên, nó nghĩ thầm:

– Phàm trong các đạo Hồng-thiết giáo, người quản-đạo chỉ cần có võ công cao, tổng chỉ huy mà thôi. Còn mọi quyết định đều do người phụ trách giảng-kinh quyết định. Bề ngoài ta là toán thanh tra, mụ này là giảng-kinh của Vọng-hương phải ở lại để trả lời các câu hỏi, mà mụ lại bỏ đi là nghĩa gì đây? Ta phải cẩn thận mới được.

Trà nước xong xuôi. Bình hỏi:

– Tôi nghe đâu Đại-Việt đem quân sang đánh Chiêm. Đinh lão gia, với sư phụ tôi thông tri đi các trang bắt phải chuẩn bị giáo chúng, lương thực để hợp với quân Chiêm chống giặc. Lệnh ban ra, thì chúng tôi phải thi hành, nhưng khổ một điều dân chúng không tuân lệnh đã đành, mà đến giáo chúng cũng không hưởng ứng. Chính giáo hữu Minh-Sang đây cũng chống. Vậy dám hỏi huynh, giáo chúng vùng Nghệ-an có chấp hành lệnh hay không?

Phạm-Dật trả lời lơ mơ, để dò dẫm:

– Tình hình giáo-đồ tại Đại-Việt không giống bên chiêm, bởi người ngồi trong bóng tối điều khiển chúng tôi là Đinh-Hiền lão gia đã bại lộ, triều Lý đem chém rồi. Nên giữa các đạo không liên lạc được với nhau. Riêng đạo Nghệ-an, huynh trưởng chúng tôi là đệ tử của Cửu-chân vương gia, được lệnh vương gia theo dõi tin tức, rồi báo cho người. Vậy thái độ anh em nội-giáo Vọng-hương với cuộc chiến ra sao?

– Từ khi bản giáo phát triển ở Chiêm đến giờ, đều lấy tinh thần yêu nước, hướng về quê cha đất tổ làm chủ đạo. Giáo-đồ, dân chúng đóng góp tài vật không tiếc để chuyển về quê xây đền thờ anh hùng dân tộc. Những anh em hoạt động cho giáo, đều được miễn mọi dịch vụ trong làng, còn được trả bổng rất hậu. Tiền bạc đó, do dân chúng đóng góp. Gần đây Đinh lão gia, Lục lão gia, nhờ đắc thế với Chế-Củ, mà bản giáo nắm được quyền ở tất cả các trang. Các lão gia truyền chư đạo một mật lệnh rằng khi đánh xong quân Lý, người Việt sẽ nắm hết quyền ở Chiêm, rồi sát nhập Chiêm vào với Đại-Việt. Bấy giờ dân chúng tha hồ mà sung sướng.

Minh-Sang tiếp lời:

– Khi được tin báo Đại-Việt đem quân sang đánh Chiêm, tuy chưa tiếp lệnh của Hội-đồng giáo vụ trung-ương, nhưng các đạo trưởng đã hăm hở ngầm loan báo cho dân chúng, chuẩn bị làm nội ứng giúp Đại-Việt. Dân chúng, giáo đồ hồ hởi, náo nức ghê lắm. Thì hỡi ơi! Bỗng chúng tôi được lệnh cho đội ngũ giáo đồ, dân chúng chuẩn bị vũ khí, lương bổng lên đường cùng quân Chàm đánh quân Đại-Việt. Hầu như các đạo trưởng đều bàng hoàng, cho sứ đi hỏi chư vị lão gia trong Hội-đồng giáo-vụ trung-ương. Các vị đều khẳng định, phải hợp với Chàm đánh lại quân Đại-Việt. Ba phần tư các đạo trưởng không tuân lệnh, một phần tư tuân lệnh thi hành. Chư đạo-trưởng tuân giáo chỉ vừa tập hợp dân chúng, giáo đồ tuyên cáo lệnh, đều bị chính giáo-đồ, dân chúng chống đối.

Y ngừng lại hỏi Lưu-trọng-Kiệt:

– Bây giờ Đinh lão gia cho các vị đến đây, chắc để kiểm tra xem chúng tôi có thi hành giáo chỉ nghiêm chỉnh hay không hẳn?

Phạm-Dật lắc đầu:

– Không phải thế.

– Vậy các anh em kiểm tra gì?

– Đinh lão gia sai chúng tôi truyền mật lệnh: Hội-đồng giáo vụ trung ương hiện chia làm hai khuynh hướng. Một khuynh hướng nhất định trợ người Việt đánh Chàm. Sau khi Chàm thua, họ phải cắt đất dâng cho mình. Bấy giờ đất đó giao cho ta cai trị. Người Việt ta sẽ làm chủ vùng Bố-chính, Ma-linh, Địa-lý. Một khuynh hướng lại chủ trương ta phải theo Chàm, một mai mang quân Chàm về chiếm Đại-Việt. Đinh lão gia, Lục lão gia cho chúng tới hỏi anh em xem ý kiến anh em thế nào?

Trần-Bình đáp không suy nghĩ:

– Tôi thấy mình giúp Chiêm đánh lại người Việt mình thực không nên. Ai lại ta giết ta bao giờ? Khi mình giúp chúng đánh mình, có hai vấn đề xẩy ra. Nếu như Chiêm thắng, tinh lực mình kiệt quệ, Đại-Việt cũng kiệt quệ, Chàm nó vốn hung dữ, nó tràn vào nước mình thì hơi ơi, hóa ra mình dâng nước cho tụi mọi ư? Còn như bại, bấy giờ quan quân Đại-Việt sẽ thẳng tay xử mình. Khi quân Đại-Việt rút về, bấy giờ dân Chiêm nó đổ oán thù lên đầu người Việt, thì còn đâu lực lượng mà chống trả? Tôi nghĩ, mình nên theo Đại-Việt thì hơn!

Nguyễn Minh-Sang cũng bàn:

– Tôi thì tôi nhất quyết giúp Đại-Việt. Vậy phiền các huynh về thưa với Đinh lão gia cho.

Nguyễn Văn-Huy thủng thẳng nói:

– Các lão gia sai chúng tôi tới đây chỉ để thử ý hai huynh mà thôi. Chứ các người đã quyết định rồi. Các người đã sai sứ yết kiến Đại-Việt hoàng đế. Ngài tuyên hứa, sau khi bình Chiêm, thì từ núi Hải-vân vào Nam trao trả Chiêm. Từ núi Hải-vân ra Bắc, thì trao cho Hồng-thiết giáo cùng các thủ lĩnh người Việt ở Chiêm tổ chức thành nước Nhật-nam như thời vua Trưng.

Nguyễn Minh-Sang hỏi:

– Hiện giáo chúng ở Chiêm do giáo-chủ Trần-đông-Thiên, phó giáo chủ Trần-quỳnh-Hoa lãnh đạo. Dưới có Đinh lão gia làm tả hộ giáo; Vũ lão gia làm hữu hộ giáo; Lê lão gia làm giáo-chủ Đại-Việt. Ngoài ra còn ngũ vị sứ giả, mười vị kỳ-chủ. Vậy không biết sau này Đại-Việt hoàng đế cho lão gia nào làm vua ba vùng Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh?

Phạm-Dật đưa mắt nhìn Trọng-Kiệt, cả hai cùng nghĩ thầm:

– Hôm qua, vô tình mình đã tìm ra tông tích Lục-chương-Anh là Vũ-chương-Hào. Còn tên các ma đầu khác thì chưa biết danh tánh chúng. Hôm nay mới được biết ma đầu Lê-phúc-Huynh làm giáo chủ Đại-Việt, không biết y ẩn ở đâu? Bây giờ nghe giọng điệu tên Sang nói, thì có lẽ ma đầu Lê-phúc-Huynh cũng ở bên Chiêm. Ta phải dò xem y là ai mới được. Nghĩ vậy Phạm-Dật nói lơ mơ:

– Triều đình định để cho Hồng-thiết giáo tự chọn lấy một vị làm vua. Theo anh em thì nên để vị nào làm vua?

Minh-Sang nói ngay:

– Nếu nói về võ công thì đệ nhất là giáo chủ, phó giáo chủ. Nhưng lão nhân gia không muốn làm vua vùng nhỏ bé đâu, mà người muốn làm vua cả vùng Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la. Còn lại ba vị Vũ, Lê, Đinh, võ công cả ba vị ngang nhau. Vũ lão gia thì nắm hết quân đội Chiêm trấn ở vùng Nam Hải-vân. Đinh lão gia tuy nắm quân ở Bố-chánh tuy ít, nhưng người nắm hết các trang động, đệ tử của người là Bố-bì Đà-na nắm quân ở Thi-nại. Còn Lê lão gia thì người nắm toàn thể thủy quân, đệ tử của người nắm hết quân đội. Tôi nghĩ cuối cùng phải để Đinh lão gia làm vua.

Nghe Minh-Sang nói, Ninh, Kiệt, Huy cùng bừng tỉnh: thì ra tên Thi-đại-Năng chính là tên Lê-phúc-Huynh cải danh.

Trần-Bình lên tiếng gọi vọng vào:

– Tiệc xong chưa?

Có tiếng vợ y đáp lại:

– Xong rồi.

– Dọn lên đi.

Hai giáo chúng bưng lên một mâm cỗ: cá rán, thịt rừng xào mướp hương, bồ câu quay... tất cả bẩy món.

Y cung tay nói:

– Hôm nay trong lúc sơ ngộ, anh em em đạo Vọng-hương xin kính mời anh em Nghệ-an cùng uống với nhau ít chung rượu lạt, rồi mai này xông pha giết giặc.

Minh-Sang rót rượu ra chung, để trước mặt Dật, Kiệt, Huy, rồi hỏi:

– Tình hình ngoài mặt trận ra sao? Bây giờ chúng tôi phải làm gì?

Phạm-Dật trình bầy thực sự trận chiến trên biển, tại vùng Bố-chánh, rồi tiếp:

– Các lão gia truyền chúng tôi theo trợ chiến đạo quân của Trung-thành vương đánh úp Tư-dung, rồi tiến ra đánh Ma-linh, hợp với quân của Tín-nghĩa vương đánh Nhật-lệ. Hiện quân của Trung-thành vương vừa vượt núi sắp tới đây. Chúng tôi đến báo cho các huynh biết để chuẩn bị cung ứng lương thực.

Minh-Sang lắc đầu:

– Huynh phải cho tôi yết kiến Trung-thành vương mới được. Tôi nghĩ đạo quân Bố-chánh do Đinh lão gia chỉ huy, thì cần gì đánh nữa? Thủy quân do Lê lão gia thống lĩnh lại càng không cần. Bây giờ chúng ta đánh úp Đồ-bàn bằng đường khác hay hơn. Tôi trấn ở gần Hải-vân, tôi biết được con đường thượng đạo, vượt qua dẫy núi này đổ vào phía Nam, ta đánh ngay vào Đồ-bàn, thì bắt được Chế-Củ.

Trần Bình cầm chung đưa lên trước mặt:

– Nào mời các huynh đệ.

Dật, Kiệt, Huy cùng cầm chung lên:

– Xin mời.

Bỗng ba viên sỏi từ trên nóc nhà bay xuống, trúng vào ba chung rượu của Dật, Kiệt, Huy vỡ tan tành, rượu bắn tung vào quần áo ba người, rồi có tiếng nói:

– Khoan, đợi chúng ta cùng uống với.

Trần-Bình quát:

– Ai?

Bốn nhà sư ngồi trên xà nhà buông mình xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rụng. Ba người vung tay, Minh-Sang, vợ chồng Bình đã bị điểm huyệt. Mười tám tên giáo chúng canh gác bên ngoài mang vũ khí tràn vào tấn công bốn nhà sư. Bốn nhà sư ra tay cực kỳ thần tốc, mười tám tên giáo đồ bị điểm huyệt ngã lổng chổng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play