Sáng đó, khắp Thành Vatican bao trùm bầu không khí náo động bồn chồn, một từ hoàn toàn mang ý nghĩa tương đối ở chốn này: vài giáo sĩ cao cấp đi trong các hành lang lát đá cẩm thạch với bước chân bớt điệu đà hơn thường lệ một chút, vài chiếc thắt lưng màu tím bay hơi cao hơn một chút trên những cầu thang mà người ta trèo bốn bậc một. Một chiếcô tô mang biển S.C.V. chạy hết tốc độ qua cửa vào sân Belvedere, người lính gác Thuỵ Sĩ chào đón và nhận ra bên trong xe là bác sĩ riêng của Giáo hoàng, một người đàn ông có tuổi đang giữ chặt một chiếc va li nhỏ trên đầu gối.
Ở bất kỳ nơi nào bên ngoài, những dấu hiệu náo động khó lòng nhận biết này có thể đã trôi qua mà không ai nhận thấy. Nhưng viên lính gác Thuỵ Sĩ, người chứng kiến tình trạng kích động bất thường này trong Thành phố Thánh, rất phấn khởi: hôm nay, hẳn anh chàng sẽ có điều gì đó để làm gia vị cho những cuộc trò chuyện với đồng đội.
Chiếc xe mang biển S.C.V. đi đến hết đường Conciliazione, rẽ trái, vượt qua Lâu đài San Angelo và đậu cách xa một chút trên vỉa hè đường Lungotevere, phía sau một chiếc xe hòm đang bật đèn hiệu. Người đàn ông mang va li nhanh nhẹn đi xuống cầu thang dẫn tới bờ sông Tiber, bước trên những viên đá lát mấp mô dẫn đến vòm cầu Cavour, nơi khoảng chục cảnh sát người Ý đang tập trung quanh một thân hình thảm hại nước chảy tong tong mà hình như họ vừa vớt lên khỏi những bụi sậy ven bờ sông.
Bác sĩ xem xét thi thể, trao đổi với cảnh sát, đóng va li lại rồi ngược lên đường Lungotevere, nơi ông nói nhỏ vào điện thoại di động, cẩn thận tránh xa vài kẻ tò mò đang quan sát cảnh tượng. Ông gật đầu nhiều lần, ra hiệu cho người tài xế quay về không cần chờ ông, và nhanh chóng đi bộ quay trở lại Lâu đài San Angelo. Qua đường, đi tiếp một đoạn và khuất vào một toà nhà mới, dưới chân toà nhà có một thanh niên ăn mặc như du khách có vẻđ ang chờ ông.
Họ trao đổi với nhau mấy câu, rồi người thanh niên lấy từ túi áo ra một chiếc chìa khoá và ra hiệu cho bác sĩ đi theo anh vào trong toà nhà.
Cuối buổi sáng, Hồng y Catzinger đứng trước Giáo hoàng, người đã được đưa đến văn phòng ông. Được tô điểm bởi một chiếc nhẫn của Hội nghị Giám mục Vatican II mà ngài đã tham gia, bàn tay phải của Giáo hoàng run lên khi ông đọc một mảnh giấy. Dù tàn tạ vì đau ốm nhưng dưới hai hàng lông mày rậm, ánh mắt ngài vẫn linh lợi và sắc sảo.
- Đức Hồng y, chuyện này có thật không? Hai giáo sĩ cấp cao của Vatican, chết cách nhau vài giờ cùng trong đêm qua?
- Một sự trùng hợp đau xót, thưa Cha rất thánh. Đứcông Calfo vốn bị một cơn đau nguy hiểm cách đây nhiều tháng, đêm qua đã lên cơn đau tim và không qua khỏi.
Alessandro Calfo được phát hiện trong phòng mình, nằm dài trên hai tấm ván đặt theo hình thánh giá. Gương mặt tím ngắt vẫn còn nhăn nhúm bởi một cái cười nhăn đau đớn. Hai cánh tay đang buộc vào thanh ngang của cây thánh giá bằng hai sợi dây lụa, ánh mắt lờ đờ nhìn lên một hình thánh kiểu Byzantine treo ngay bên trên, thể hiện Đức Mẹ của Chúa với thần thái vô cùng trong sáng và trinh bạch.
Hai chiếc đinh đã được rút ra khỏi thành giường, và đóng sâu vào lòng bàn tay của kẻ bị hành hình. Không có máu chảy ra, hẳn là người đó đã chết trước khi bị đóng đinh câu rút.
Căn hộ cách quảng trường Saint Peter một chút, nên vụ này thuộc thẩm quyền của cảnh sát Italy. Nhưng cái chết thảm khốc của một giáo sỹ cao cấp, công dân Vatican, luôn khiến nhà nước Italy rơi vào tình huống vô cùng tế nhị. Cảnh sát trưởng, cũng là người Napoli giống người quá cố, rất bối rối. Một nghi lễ kỳ quái, người này đã bị đóng đinh câu rút? Ông không thích chuyện đó, và dù sao, theo đường chim bay, biên giới vô hình của Thành phố Thánh chỉ cách đó khoảng một trăm mét: vậy thì có thể coi như bác sĩ riêng của Giáo hoàng, người sắp đến đây, hoàn toàn đủ thẩm quyền để cấp phép mai táng.
Viên thầy thuốc đáng kính còn không thèm mở va li ra: được hỗ trợ bởi người thanh niên có ánh mắt đen đến kỳ lạ đi cùng, đầu tiên ông cẩn thận cài cúc cáo cổ của Calfo, để dấu thắt cổ hằn trên đó không lộ ra nữa. Rồi ông nhổ những chiếcđinh, gọi viên cảnh sát đã kín đáo lùi ra xa, và nói với anh ta kết quả chuẩn đoán của mình: nhồi máu cơ tim, do ăn quá nhiều pasta mà không chịu luyện tập. Đó là những điều mà một người Napoli hiểu ra ngay lập tức. Viên cảnh sát thở dài nhẹ nhõm và không chậm trễ giao thi thể cho chính quyền Vatican.
- Một cơn nhồi máu cơ tim, Giáo hoàng thở dài, vậy chắc là ông ấy không bị đau đớn? Chúa nhân từ với các đầy tớ của mình, requiescat in pace. Nhưng còn người kia thì sao, Hồng y? Vì đêm qua có hai người chết, đúng không?
- Đúng vậy, và trường hợp này tế nhị hơn rất nhiều: đó là Đức ông Leeland mà tôi đã từng nói với ngài.
- Leeland! Vị tu viện trưởng từng ồn ào thể hiện quan điểm ủng hộ các linh mục kết hôn đúng không? Tôi vẫn nhớ rõ, chuyện này đã khiến ông ấy bị điều chuyển theo hình thức promoveatur ut amoveatur, và từ đó, ở Roma, ông ấy rất im ắng.
- Không hẳn thế, thưa Thánh Cha. Ở đây ông ta đã gặp gỡ một thầy tu nổi loạn, người này đã chia sẻ với ông ta những lý thuyết điên rồ về con người của Chúa Cứu thế Jesus-Christ. Có vẻ chuyện đó đã khiến ông ta vô cùng bối rối, hẳn là đến mức tuyệt vọng: sáng nay người ta tìm thấy ông ta bị chết đuối trong những khóm sậy ven bờ sông Tiber, đoạn cầu Cavour. Có thể là một vụ tự sát.
Không hơn các cảnh sát, viên thầy thuốc cũng chẳng muốn chú ý đến vết dây thắt quanh cổ Leeland. Chắc chắn là một sợi dây thép đã nghiến nát lưỡi gà. Công việc của một kẻ chuyên nghiệp. Kỳ lạ là gương mặt người Mỹ vẫn thanh thản, ông gần như đang mỉm cười.
Giáo hoàng khó nhọc ngẩng đầu nhìn chăm chăm vào Hồng y:
- Hãy cầu nguyện cho Đứcông Leeland tội nghiệp, hẳn là ông ấy đã rất đau khổ trong tâm hồn. Từ nay trở đi ông gửi cho tôi tất cả các thư từ có thể được gửi đến cho ông ấy. Thế còn… vị thầy tu nổi loạn kia?
- Hôm qua ông ta đã rời khỏi San Girolamo, nơi ông ta ở trọ từ vài ngày nay, và chúng tôi không biết ông ta đang ở đâu. Nhưng tìm ra dấu vết ông ta chắc cũng dễ dàng thôi.
Giáo hoàng đưa tay phác một cử chỉ.
- Hồng y, ông muốn một tu sĩ trốn tránh ở đâu ngoài một tu viện? Thôi nào, trước mắt đừng làm gì cả, hãy để ông ta có thời gian tìm lại sự yên bình nội tâm mà hình như ông ta đã đánh mất, theo những gì ông nói với tôi.
Trở về căn phòng mình, Catzinger nhận thấy rằng ông chia sẻ không dè dặt tình cảm của Giáo hoàng. Cái chết của Calfo đỡ cho ông một gánh nặng đáng kể; Antonio đã hành động kịp thời: bức thư của tông đồ thứ mười ba vẫn sẽ ẩn mình trong hầm bí mật của Vatican, không ở đâu tốt hơn chiếc hầm đó, nơi nó được bảo vệ khỏi những kẻ tọc mạch ác ý. Leeland ư? Chỉ là một con côn trùng, thuộc loại người ta có thể đưa tay gạt bỏ. Còn cha Nil rốt cuộc cũng chỉ nguy hiểm trong tu viện của ông ta. Chừng nào ông ta chưa quay lại đó thì vẫn không có áp lực gì.
Chỉ có Breczinsky: sự hiện diện của ông ta giữa những bức tường Vatican là một cái gai không thể chịu nổi. Nó luôn nhắc ông nhớ đến một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Đức, và khơi dậy trong ông cảm giác tội lỗi tập thể mà ông vẫn luôn phải chiến đấu chống lại. Cha ông ư? Ông ấy chỉ làm nhiệm vụ của mình, bằng việc dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ: chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản đang đe doạ trật tự thế giới. Liệu có phải là lỗi của ông ấy, liệu có phải là lỗi của tất cả bọn họ nếu Hitler đã đánh lạc hướng ngần ấy tâm hồn cao thượng để thiết lập nền thống trị của cái gọi là nòi giống cao cấp của ông ta, dù cái giá phải trả là sự kinh hoàng của ngày tận thế?
Người Ba Lan ấy đã bị cha ông huỷ hoại, nhưng đó là số phận của tất cả những kẻ chiến bại. Không tự thú nhận điều này với bản thân, song Hồng y cảm thấy nhục nhã vì một bi kịch mà ông không tham gia. Nhưng cha ông… Cảm giác nhục nhã này thôi thúc ông trong cuộc chiến bền bỉ của mình: sự trong sạch của giáo lý Cơ Đốc. Đó là sứ mệnh của ông, ông sẽ không nằm trong hàng ngũ của những kẻ chiến bại. Dòng giống duy nhất cao cấp, dòng giống duy nhất có thể chiến thắng, là dòng giống của những người có đức tin. Giáo hội là thành luỹ cuối cùng trước Ngày tận thế hiện đại.
Đối với ông, Breczinsky đã trở nên rất khó chịu và phải bị tách xa. Catzinger sẽ không thể tìm thấy sự bình yên chừng nào dưới mắt ông còn có nhân chứng cuối cùng về lịch sử của chính ông, và về lịch sử của cha ông.
Trước mắt, duy nhất một thứ huy động được năng lượng của ông: lễ phong thánh của Escriva de Balaguer, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Người sáng lập ra tổ chức Opus Dei đã biết củng cố toà nhà xây dựng trên thiên chất của Christ. Nhờ vào những người có nghị lực tinh thần như ông ta, Giáo hội sẽ chống chọi được.
Tuy nhiên ông vẫn cần tự quyết định tạo ra một phép màu: chuyện này có thể xảy ra.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT