Ông đang đứng trước một đường hầm dài có hình vòm, được chiếu sáng rực. Bức tường bên phải trần trụi, hình như bằng đá: cha Nil đưa tay lướt trên mặt tường, và nhận ra ngay kỹ thuật đẽo đá. Không phải là những thanh đỡ nóc của các thợ nề thời Trung cổ, cũng không phải là những đường cưa của thời đại gần đây. Dấu vết đều đặn của những đường kéo và khoảng cách giữa chúng là cách ký tên của các thợ đẽo đá thời Phục hưng.
Dọc bức tường bên trái, những kệ sách chạy dọc cho đến cuối đường hầm. Một số giá sách được chạm khắc cầu kỳ, đó là những giá sách cổ nhất. Những chiếc khác chỉ đơn giản bằng gỗ mộc, hẳn là được thêm vào qua các thế kỷ theo nhu cầu sắp xếp sách.
Sắp xếp… Mới nhìn qua, cha Nil đã nhận ra không có sự phân loại hợp lý nào cả. Những thùng, những hộp, những thùng giấy, những chồng hồ sơ nằm chồng chất trên các giá. “Cần gì phải đưa trật tự vào chốn địa ngục? Không bao giờ có thứ gì ra khỏi đây hết.”
Ông bước lên một bước để nhìn vào phần cuối đường hầm: khoảng năm mươi mét. Hàng chục kệ, hàng nghìn tài liệu: tìm một cây kim trong bó cỏ khô này, trong vòng một giờ… là điều không thể. Tuy nhiên cha Andrei đã tìm thấy ở đây thứ gì đó, cha Nil tin chắc như thế, chỉ điều này mới giải thích được tại sao ông ấy trốn chạy và thiệt mạng. Ông bước tiếp, vừa đi vừa chăm chú nhìn những kệ sách bên tay trái.
Không hề có sự sắp xếp, nhưng có những tấm biển đóng tại từng khu giá sách, một sự pha trộn giữa kiểu chữ viết thanh lịch thời xưa với những nét chữ hiện đại hơn. Ông có cảm giác thời gian bị phá vỡ.
Cathares… Các vụ xử Hiệp sĩ, cả một kệ. Savonarole, Jean Huss, Vụ Galilei, Giordano Bruno, các giáo sĩ Pháp bỏ đạo, danh sách những linh mục đã tuyên thệ bị Roma kết tội bội giáo vào năm 1792. Một vài thư từ trao đổi S.S với Garibaldi… Toàn bộ lịch sử bí mật của Giáo hội trong cuộc chiến với kẻ thù của nó. Đột nhiên cha Nil sững lại: một kệ xếp đầy những hộp bằng bìa cứng có vẻ còn mới, với một cái nhãn duy nhất: Nghiệp vụ Ratlines.
Quên mất tại sao mình lại ở đây, cha Nil bước vào trong dãy giá sách và mở ngẫu nhiên một hộp: thư từ trao đổi giữa Pie XII và Draganovich, cựu linh mục sau đó trở thành chỉ huy của các oustachi, những tên phát xít Croatia từng gây nên bao nỗi kinh hoàng trong chiến tranh. Ông mở vào hộp khác: phiếu căn cước của những tên tội phạm phát xít nổi tiếng, bản kê hộ chiếu của Vatican lập ra dưới tên chúng, biên nhận những khoản tiền đáng kể. Nghiệp vụ Ratlines là tên gọi mã hóa của một cơ cấu đã cho phép những tội phạm phát xít trốn thoát ngay sau chiến tranh mà không hề bị trừng phạt, nhờ sự giúp đỡ của Trụ sở Thánh.
Cha Nil đưa tay lên mặt. Ông chẳng biết thêm gì mới. Những việc làm tổn hại đến thanh danh Giáo hội, thậm chí những tội ác, là đoạn tiếp theo đúng logic của những điều mà tông đồ thứ mười ba đã phải chịu đựng vào thế kỷ I. Ông ra khỏi dãy, và mắt ông bị thu hút bởi một tập hồ sơ được đặt qua loa trên một giá sách: Auschwitz, báo cáo trong ngục tối 1941. Ông kìm nén mong muốn mở tập hồ sơ: “Trụ sở Thánh đã biết rõ về Auschwitz ngay từ năm 1941…”
Ông nhìn đồng hồ: chỉ còn nửa giờ. Ông bước tiếp.
Đột nhiên, ông dừng lại: mắt ông vừa bắt được một nhãn có nét chữ còn mới.
Manoscritti del mare Morto, Spuria.
Khoảng chục chiếc hộp phủ bụi nằm chồng đống lên nhau. Ông nhặt chiếc hộp trên cùng và mở ra: bên trong nhiều cuộn giấy đã bị thời gian phá hủy đến một nửa. Ông tiếc mình không đeo găng, và nhấc một cuộn lên: những mảnh giấy da rời ra và rơi xuống phủ đầy đáy hộp. “Chữ viết Do Thái ở vùng Qumran!” Đúng là những bản thảo vùng biển Chết, nhưng tại sao chúng lại bị giam hãm trong địa ngục này, bị buộc phải tan vụn ra trong khi các nhà bác học trên toàn thế giới đang tìm kiếm chúng? Spuria, “rác”: phải chăng người ta muốn rút bỏ những thứ rác này ra khỏi cộng đồng thế giới, vì chúng không có giá trị gì… hay vì chúng đại diện cho một thứ rác của Lịch sử cần phải che giấu mọi người mãi mãi vì lịch sử đã ngoặt sang một hướng khác?
Ông đặt lại chiếc hộp vào chỗ của nó. Chiếc thùng bên dưới được làm bằng gỗ màu trắng, và bên cạnh nó có in dòng chữ: Cognac Napoleon, hầm của Hoàng đế.
Chiếc thùng của Giáo chủ Samuel, chiếc thùng được giao lại cho tu sĩ cần vụ của dòng tu Dominique ở Jerusalem!
Tim đập thình thịch, cha Nil kéo nó ra khỏi đống hộp. Trên nắp thùng, một bàn tay nào đó đã viết lên ba chữ cái: MMM. Ông nhận ra nét chữ thô nháp của cha Andrei.
Đầu óc ông quay cuồng: như vậy, khi viết MMM lên mảnh giấy lúc ở trên tàu, cha Andrei không ám chỉ lô bản sao của Thư viện Huntington được cất giữ trong thư viện của tu viện Saint-Martin. Ông ấy còn muốn nói đến chiếc thùng này, thứ mà cha Nil vừa phát hiện ra. Chính cha Andrei đã viết lên nắp thùng ba chữ cái kia để có thể nhận ra nó dễ dàng hơn một ngày nào đó: nó mới là thứ mà ông ấy muốn nói đến. Phát hiện này, thực hiện được nhờ cuộc gặp với Breczinsky, chính là kết quả của những tìm kiếm của họ, và ông ấy có ý định nói hết với cha Nil.
Đó là lý do vì sao ông ấy bị giết.
Cha Nil mở chiếc thùng: cũng vẫn là những mảnh vụn rơi ra từ những cuộn giấy chất đống. Và ở bên cạnh, một cuốn giấy da đơn giản được cuộn lại. Tay cha Nil run lên khi ông tháo sợi dây lanh buộc quanh bản thảo. Ông cẩn thận mở ra: chữ Hy Lạp, nét chữ thanh lịch hoàn toàn có thể đọc được. Chữ viết của tông đồ thứ mười ba! Ông bắt đầu đọc:
“Ta, môn đồ cưng của Jesus, tông đồ thứ mười ba, gửi đến tất cả các Giáo hội…”
Khi đọc xong, mặt cha Nil tái xanh. Phần đầu của bức thư không cho biết thêm điều gì ngoài những điều ông đã biết: Jesus không phải là Chúa, Mười hai tông đồ, bị thôi thúc bởi tham vọng chính trị của họ, đã thần thánh hóa Người. Nhưng tông đồ thứ mười ba biết rằng điều này có thể sẽ không đủ để giữ gìn gương mặt thật của Thầy mình: ông đưa ra lời chứng, một cách không thể chối cãi được, rằng ngày 9 tháng Tư năm 30, ông đã gặp những người mặc đồ trắng, những người Esseni, trước nấm mồ nơi họ vừa lấy thi thể Jesus ra, và đang chuẩn bị mang thi thể này đến một trong những nghĩa trang của họ trên sa mạc để chôn cất một cách xứng đáng.
Nấm mồ này, ông không chỉ ra vị trí chính xác của nó. Bằng một câu ngắn gọn, ông khẳng định rằng chỉ cát sa mạc mới có thể bảo vệ nấm mồ của Jesus khỏi ham muốn của loài người. Giống như tất cả các nhà truyền giáo khác, người Nazareth này sẽ sống trong cõi vĩnh hằng, và sự sùng kính đối với xương cốt của Người có thể khiến nhân loại đi trệch khỏi cách thức duy nhất để gặp gỡ Người: cầu nguyện.
Trong những tháng tìm kiếm vừa qua, cha Nil đã tin rằng bí ẩn mà ông đang đối mặt là bí ẩn về tông đồ thứ mười ba, về vai trò của ông này ở Jerusalem và đối với hậu duệ của ông. Người đã tự tay viết những dòng này cũng biết mình đã bị loại khỏi Giáo hội, bị xóa tên khỏi tương lai của Giáo hội. Tương lai đó, ông đã tiên liệu trước là sẽ không có gì liên quan đến cuộc đời và lời dạy của Thầy mình. Ông gửi gắm vào mảnh giấy da này điều bí mật mà một ngày nào đó có thể sẽ cho phép thế giới phát hiện ra gương mặt thực sự của Jesus. Ông làm điều đó mà không hề có chút ảo tưởng nào: một mảnh giấy mỏng manh thì có ý nghĩa gì khi phải đối diện với tham vọng không bao giờ thỏa mãn nổi của những người sẵn sàng làm mọi chuyện để đạt được mục đích, bằng cách sử dụng ký ức về người mà ông yêu quý hơn bất cứ ai?
Tông đồ thứ mười ba vừa đưa ông đến với điều bí mật có thật: sự tồn tại thực sự về mặt vật lý của một nấm mồ chứa đựng xương cốt của Jesus.
Cha Nil liếc nhìn đồng hồ: mười tám giờ mười phút. “Miễn là Breczinsky còn chờ mình!” Ông xếp lại bức thư đã được tìm thấy một cách kỳ diệu vào thùng, và đặt lại chiếc thùng vào vị trí của nó. Ông sẽ giữ lời: Giáo hoàng sẽ được thông báo, thông qua trung gian là viên thủ thư người Ba Lan, về sự tồn tại của bức thư tông đồ mà ngần ấy thế kỷ cũng như người của Giáo hội đã không thể làm biến mất được. Nhờ vào ghi chú MMM, Breczinsky sẽ dễ dàng tìm được nó và đưa lại cho ngài.
Chuyện xảy ra sau đó sẽ không còn liên quan gì đến một tu sĩ nhỏ bé như ông. Chỉ liên quan đến Giáo hoàng mà thôi.
Cha Nil nhanh chóng ra khỏi đường hầm, cẩn thận tắt đèn: phía sau ông, cánh cửa tự động khóa lại. Khi ông đến nơi Leeland và ông đã làm việc những ngày qua, căn phòng trống không và đèn trần đã tắt. Ông đến gõ cửa văn phòng viên thủ thư: không có ai trả lời, Breczinsky đã không chờ ông.
Cha Nil lo lắng tự hỏi liệu tất cả những cánh cửa dẫn ra sân Belvedere có mở được từ bên trong không: ông hiểu mình sẽ khổ sở thế nào nếu phải qua đêm trong bầu không khí tù hãm của kho sách. Nhưng Breczinsky đã không nói dối ông: ông đi qua hai cánh cửa bọc sắt một cách dễ dàng. Sảnh vào vắng hoe, nhưng cánh cửa bên ngoài tòa nhà mở hé. Không suy nghĩ, cha Nil bước ra sân và hít một hơi thật sâu. Ông cần phải đi bộ, để sắp xếp lại suy nghĩ một chút.
Ông đã vội vàng rời tòa nhà nên không để ý đến ô cửa kính màu nơi viên cảnh sát của Vatican đang đứng hút thuốc. Vừa nhìn thấy ông đi qua, anh ta nhấc điện thoại nội bộ của Thành Vatican và ấn lên một nút.
- Thưa Đức Hồng y, ông ấy vừa đi ra… Vâng, một mình ạ: người kia đã ra trước ông ấy. Di niente, Eminenza[[52]].
Trong văn phòng mình, Hồng y Catzinger vừa gác máy vừa thở dài: sắp đến giờ của Antonio, sắp đến rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT